Friday 30 September 2016

Lập luận quái đản trong vụ công an đánh phóng viên

Thật đáng sợ khi có những người theo dõi qua mạng Internet vụ công an đánh nhà báo rồi thở ra những câu như “thằng phóng viên ngông nghênh, đánh là đúng”, “phóng viên nhân danh báo chí để phá hiện trường tức là chà đạp lên sự thật, đánh là đúng”, và nhất là lại kéo cảnh sát Mỹ vào, như thường lệ: “Ở Mỹ mà thế này thì cảnh sát nó bắn luôn, còng luôn chứ đấm là còn quá nhẹ. Đánh là đúng”.

Đáng sợ, không phải sợ những người đó, mà là sợ vì đến tận bây giờ, xã hội này vẫn còn nhiều người suy nghĩ như vậy.

Những suy nghĩ đó có ít nhất hai điểm bất ổn, thậm chí nguy hiểm:

1. Đó là tư duy đánh tráo khái niệm, biến nạn nhân thành thủ phạm;

2. Đó là tư duy cổ vũ bạo lực.

Biến nạn nhân thành thủ phạm

Còn nhớ, trong cuộc biểu tình vì môi trường ngày 8/5/2016, công an đã đấm và đạp vào mặt chị Hoàng Mỹ Uyên (chủ quán cafe Người Sài Gòn) ở TP.HCM khi chị cố bảo vệ đứa con gái nhỏ giữa vòng vây an ninh, dân phòng, thanh niên xung phong v.v.

Khi mọi người bày tỏ sự chia sẻ với chị Uyên, xót xa cho đứa trẻ, phẫn nộ với “cơ quan chức năng” thì ngay lập tức có một làn sóng chĩa mùi dùi công kích vào người mẹ: “Đưa con đi biểu tình, bêu nắng làm gì?”, “Ý đồ gì mà vác con ra đấy, bị đánh rồi lại kêu” v.v.

Cũng chẳng khác gì khi nghe tin có một cô gái bị cưỡng hiếp, những kẻ có não trạng dư luận viên ồ lên chửi cô ấy “ăn mặc hở hang, khiêu khích cho lắm vào”. Nghe có người bị giật dây chuyền, tai nạn, họ xỉa xói: “Ai bảo đeo trang sức đắt tiền cơ”.

Thay vì lên án thủ phạm thì họ nhanh chóng đánh lạc hướng dư luận bằng cách biến nạn nhân thành kẻ tội đồ. Và rất tinh vi, họ lợi dụng một thực tế mà ai cũng có thể thấy nhưng không phải ai cũng nhận ra, đó là: Trong mọi sự kiện/ biến cố, hầu như không có ai đúng tuyệt đối hoặc sai tuyệt đối.

Thực tế luôn là màu xám: Bên nào cũng có cái đúng, cái sai. Vấn đề là những người có tư duy kiểu dư luận viên đã chỉ khoét vào những điểm yếu (có thể gây tranh cãi, và thật ra chưa chứng minh được đúng sai thế nào) của nạn nhân để từ đó đổ hết mọi tội lỗi cho nạn nhân:

- Chị Hoàng Mỹ Uyên đem con đi biểu tình;

- Phóng viên Tuổi Trẻ tác nghiệp ở hiện trường một vụ tai nạn.

Cái cách khoét vào những điểm còn gây tranh cãi đó ở nạn nhân để rồi biến nạn nhân thành thủ phạm là một lối tư duy và hành xử thiếu lương thiện, nói nặng thì là bất nhân.

Chị Hoàng Mỹ Uyên bị đánh bầm mặt 
trong cuộc tuần hành vì môi trường 
sáng 8/5/2016 tại Sài Gòn. 
Ảnh: khuyết danh.

Cổ vũ bạo lực

Quan trọng hơn nữa, khi chúng ta thừa nhận trong mọi sự kiện/ biến cố, đều rất khó có ai hoàn toàn không có lỗi, chúng ta cần thừa nhận thêm một điểm: Chính vì ai cũng có thể sai, nên càng phải bảo đảm rằng bạo lực là thứ tuyệt đối cấm kỵ, phải bị lên án và loại bỏ.

Nếu cứ sai là xứng đáng bị đánh hộc máu thì đó là loại xã hội gì vậy?

Nếu cứ mang con đi biểu tình, cả mẹ lẫn con bị ăn đòn là đúng, thì đó là loại xã hội gì vậy?

Nếu cứ mặc áo hở cổ hở ngực, bị cưỡng bức là đúng, thì đó là loại xã hội gì vậy?

Nếu cứ đeo đồ trang sức đắt tiền, bị cướp bị giết là đúng, thì đó là loại xã hội gì vậy?

* * *

Có người còn hỏi vặn, thế nếu ở địa vị công an huyện Đông Anh thì phải làm gì với các phóng viên?

Câu trả lời không khó nhưng để trình bày hết thì sẽ rất dài dòng, vì nó liên quan đến việc tập huấn, đào tạo lại toàn bộ công an ở Việt Nam. Ở đây chỉ có thể nói ngắn gọn: Nếu công an không biết làm gì khác ngoài đấm đá, thì gọi công an là chó cũng chẳng sai mấy, nhỉ?

"Thằng phóng viên ngông nghênh" bị đánh là đúng, 
thế "thằng công an ngông nghênh" bị đánh có đúng không?
Ảnh chụp trong một cuộc đạp xe vì môi trường, 
tập kết tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, sáng 5/4/2015. 

Saturday 24 September 2016

"Thả chị ấy ra đi, tôi sẽ ký" (Kỳ đầu)

Vì nhiều lý do, tôi hầu như không bao giờ tường thuật lại các buổi làm việc với bên an ninh. Tuy nhiên, buổi làm việc ngày 22/9 vừa qua (kéo dài suốt phiên xử Anh Ba Sàm) có một số điều mà tôi nghĩ có thể mang lại kiến thức pháp luật cho cả người dân thường lẫn anh em đấu tranh dân chủ, nên tôi sẽ “phá lệ”, viết về nó để độc giả – tất nhiên, kể cả nhân viên an ninh – tham khảo nếu quan tâm.


* * *

Biết là vào các dịp đặc biệt (ví dụ như có biểu tình, có quan khách quốc tế nào đó liên quan tới vấn đề nhân quyền sang thăm Việt Nam, hay có phiên tòa chính trị), lực lượng an ninh thường chỉ cho mình hai lựa chọn, hoặc là ở nhà, hoặc là ra đồn – mà thường là ra đồn – nên từ chiều tối 21/9 trước ngày xử nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm, tôi đã ra một khách sạn nhỏ ở khu phố cổ Hà Nội, cách xa nơi xét xử. 

7h sáng 22/9, “Chuột bạch” Hoàng Thành đến đón. 7h30 hai chị em rời khách sạn. Vừa bước chân ra vỉa hè trước cổng, đã thấy một tốp 5-6 nhân viên an ninh thường phục chờ sẵn – cái nhìn của họ thật không lẫn vào đâu được. Họ bước đến nắm cánh tay Hoàng Thành: “Mời anh đi”. Hai tay chống nạng nên tôi sững người, đứng ngây ra, không biết phải làm gì. Họ đẩy Hoàng Thành lên xe rồi cũng đưa tôi đi nốt. Cả hai chị em về đồn CA phường Hàng Bồ.

Mọi chuyện kể ra rất đơn giản, vì hai bên biết nhau quá rồi: Một bên ủng hộ dân chủ (mà đã ủng hộ dân chủ ở Việt Nam thì ắt phải là thành phần chống chế độ), một bên bảo vệ chế độ; nên xét về chính kiến, không có gì chung. Còn cụ thể ngày hôm nay, Hoàng Thành và tôi muốn ra nơi xét xử Anh Ba Sàm, và nhiệm vụ của công an là phải ngăn cản. (Tại sao phải ngăn cản thì tôi không biết, chẳng nhẽ họ nghĩ chúng tôi có thể tổ chức cướp tòa hay làm gì ở đó?).

Khác với Hoàng Thành, tôi còn đến tòa với tư cách nhà báo – biên tập viên Luật Khoa tạp chí, đồng nghiệp của Ba Sàm, người từng làm việc với Ba Sàm từ thời còn là phóng viên “lề phải”. Tôi cũng còn là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” trong vụ án, bởi trong số 24 bài viết được Cơ quan An ninh Điều tra dùng làm chứng cứ buộc tội ông Nguyễn Hữu Vinh, có 1 bài là do tôi, Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn cùng viết (trong đó, tôi là người viết chính).

Nhưng có lẽ chẳng nhà báo nào cũng như chẳng nhân chứng nào được đối xử như tôi: Thay vì vào dự phiên tòa thì bị bắt đưa về đồn từ sáng sớm, cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Ở lần xử sơ thẩm (23/3), nhân viên an ninh còn thản nhiên nói với tôi: “Chị tưởng chị đòi làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà được à? Cơ quan an ninh còn phải xem xét chứ”. Tôi dằn giọng: “Đó là việc của tòa, tôi sẽ nói chuyện đó với tòa và tại tòa, chứ không phải với các anh chị, ở đồn”. Nhân viên an ninh mỉm cười: “Vậy lần sau, nếu muốn làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, chị cứ gửi đơn cho bên công an ấy, nhé. Nhanh hơn nhiều”.

Việc gì cũng phải qua tay công an mới nhanh, mới hiệu quả. Đấy gọi là chế độ công an trị đấy.

Cái gọi là "khẩu hiệu"

Hoàng Thành và tôi bị tách ra, mỗi người vào một phòng ở hai tầng khác nhau. Tại đây, việc đầu tiên an ninh làm là lấy cái ba-lô của tôi. Đằng nào cũng không thể chống cự, thêm nữa, cũng không muốn làm ầm ĩ trong khi hai cái chân đang “đình công” và hai bàn tay thì không hiểu sao bắt đầu tê, nên tôi không phản đối. 

Anh công an mở cái ba-lô ra và thấy ngay tập giấy in hình blogger Ba Sàm và hàng chữ “Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội”. Như thói quen của bất kỳ anh công an nào, anh làm bộ sừng sộ: “Cái gì đây? Cái gì đây?”. Anh rút tập giấy ra, trải nó xuống bàn, mặt đầy vẻ nghiêm trọng. 

Sau đó, các nhân viên an ninh bắt đầu giải thích cho tôi là họ phải thu giữ mấy khẩu hiệu này. Tôi mỉm cười: “Sao? Các anh chị gọi đây là khẩu hiệu à?”. Hỏi chơi thế thôi chứ tôi cũng biết thừa là họ không có câu trả lời. Chẳng một văn bản pháp luật nào ở Việt Nam định nghĩa “khẩu hiệu”, “biểu tình”, “gây rối trật tự công cộng”, “xâm hại lợi ích nhà nước”… là gì, nhưng có sao đâu, công an cần như thế mà. Phải mơ hồ vậy mới dễ bắt người.

Công an đặc biệt ưa dùng từ “giải thích” khi nói chuyện, hẳn do tâm lý chung của họ là nghĩ người dân luôn ngu dốt hơn cơ quan công quyền, nên không thể trao đổi bình đẳng được, cái gì cũng phải “giải thích” dân mới hiểu. 

Cũng tương tự như tuyên giáo đã thành công trong việc khiến cho nhiều nhà báo tin rằng, sứ mệnh của báo chí, nhiệm vụ của nhà báo là “tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho nhân dân”. Đó là bây giờ, chứ trước kia, nhà báo còn phải tìm kiếm câu chuyện, nhân vật để minh họa chủ trương, đường lối nữa cơ. Còn “phản biện chính sách” là cái gì đó hết sức xa xỉ, thời xưa cũng như thời nay.


Mệt vì USB

Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi an ninh moi được 4 chiếc USB trong cái ba-lô tôi mang theo. Do đã lâu không có thói quen dùng USB (quá nhiều virus) nên tôi cũng quên khuấy mất là sâu dưới đáy ba-lô có 4 USB, cũng không thể nhớ nổi USB này ở đâu ra và bên trong có nội dung gì.

Mặt các anh em an ninh sáng ngời lên, rạng rỡ. Một chiếc laptop được mang tới ngay lập tức. Một nhân viên an ninh bật máy quay phim, hối hả “tác nghiệp”. Một người dân được gọi vào đồn làm nhân chứng – đó là một chị phụ nữ bán quán cóc gần cổng đồn, tên là L.T.H. 

Trong 4 USB, có một báo cáo tiếng Anh với tựa đề “Unfair Elections in Vietnam”, một tài liệu tiếng Việt tên “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, và một bản proposal (đề xuất) tiếng Anh vận động tài chính cho việc xuất bản sách chính trị “ngoài luồng”. Bên an ninh tiến hành in ra tất cả.

Tôi lạnh lùng: “Các anh chị định chứng minh cái gì? Đã chắc gì USB là của tôi mà các anh chị in nhanh thế? Và lấy gì đảm bảo các tài liệu trong đó là của tôi?”. 

Mặc kệ, họ cứ in.

“Được, các anh chị cứ in đi, vô ích thôi. Xong rồi mang mấy cái USB về nhà mà thờ”.

Nghe tôi nói vậy, một nhân viên an ninh chỉ cười khẩy. 

Không thể diễn tả lực lượng an ninh vui mừng tới mức nào. Trong lúc phấn khởi, họ nhấc luôn điện thoại của tôi. Đến phút này thì không thể nhịn được nữa, tôi dằn giọng: “Để đấy. Các anh chị định làm gì? Cướp hả? Tất cả những việc các anh chị đang làm là để làm gì, có mục đích gì?”.

Người phụ nữ làm nhân chứng, tên LTH, tròn mắt nhìn tôi. Có lẽ, như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam khác, chị tin rằng công an đã bắt ai vào đồn thì người đó dứt khoát phải có tội, phải là tội phạm. Và đây là lần đầu tiên chị thấy một tội phạm nói xa xả vào mặt 7 nhân viên an ninh, gồm 4 nam 3 nữ, đứng xúm xít quanh bàn.

- Chúng tôi sẽ thu giữ các USB này. Yêu cầu chị tự nguyện giao nộp. Yêu cầu chị ký biên bản. Mời chị H. làm nhân chứng xác nhận. 

- Đây không phải thu giữ, mà là cướp giật. Bản chất của vụ việc này là bắt cóc người. Các anh chị tự nhiên đưa tôi về đồn, cướp đồ, rồi còn định sử dụng những thứ các anh chị thu được để làm trò gì nữa hả? Đủ rồi. Từ sáng tới giờ tôi nhịn các anh các chị lắm rồi đấy.

Miệng nói, tay tôi vơ lấy cả bốn USB, bỏ túi quần. 

Bên an ninh quay sang yêu cầu nhân chứng: “Chị ký biên bản đi”. 

Tôi nhắc: “Chị H., nếu ký, chị phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình. Em có thể kiện chị và kiện tất cả những người có mặt ở đây”.

Một nam đồng chí nói với chị LTH, giọng rất yếu: “Chị cứ kệ chị ấy, đừng nghe chị ấy nói”. (Trời đất, sao anh nói nghe như trẻ con xui nhau thế, kiểu “mày đừng chơi với nó, bỏ nó đi”). “Mình là công dân, mình phải hợp tác với cơ quan nhà nước để bảo vệ an ninh quốc gia”.

- Là công dân, chị đừng tiếp tay cho cơ quan an ninh làm việc sai pháp luật – tôi nói tiếp.

Tuy thế, ai cũng hiểu là đồng chí công an khu vực đã nắm kỹ hộ khẩu, nhân thân và mọi thứ hồ sơ quan trọng của chị LTH này.

Họ in ra hơn 50 trang giấy, bắt chị LTH ký la liệt. Cuối biên bản có thêm dòng chữ: “Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chị Phạm Đoan Trang đã tự ý lấy lại USB”.

Liếc thấy hàng chữ đó mà tôi bật cười. Nó giống như là việc một băng cướp tự ý cướp đồ của một người nào đó, rồi khi nạn nhân giằng lại thì băng cướp nói là nạn nhân tự ý lấy lại đồ của họ.

Còn tiếp

Tuesday 20 September 2016

Gửi các bạn sinh viên Ngoại thương, Ngoại giao, Kinh tế

Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) nằm ở ngõ 157B phố Chùa Láng, chỉ cách Đại học Ngoại thương (trường cũ của mình) và Học viện Quan hệ Quốc tế tức Đại học Ngoại giao khoảng 100-150 mét.

Phiên tòa xử bà Cấn Thị Thêu – người được xem như thủ lĩnh dân oan Dương Nội – hôm nay kết thúc vào khoảng 12h trưa, đúng lúc sinh viên các trường Ngoại thương, Ngoại giao và học sinh một số trường tiểu học tan lớp. Rất đông bạn trẻ đi ngang qua, xen giữa hàng chục dân oan đang đứng, ngồi và cả nằm trên vỉa hè ngoài cổng tòa.

Mình để ý, các bạn đều cắm cúi đi, hoặc liếc nhìn một cái trước khi hối hả bỏ đi. Chẳng một bạn trẻ nào “dám” bước chân vào giữa đám đông dân oan, hay hỏi các bác lấy một câu: “Có chuyện gì thế ạ?”.

Tất nhiên, mình cũng thấy các anh, các chú dân phòng đứng ngồi lố nhố ở đó và sẵn sàng đẩy tay vào lưng các em các cháu, nhất là học sinh, để nhắc: “Đi đi, đi đi. Đứng đây làm gì?”. Nhưng nói chung, hành động đi rất nhanh vẫn là chủ ý của sinh viên, chứ không phải do họ bị dân phòng hay công an xua đuổi.

* * *

Tuổi trẻ mà, các bạn có thể có những mối quan tâm, những sở thích, những niềm đam mê khác. Mình hiểu và hoàn toàn tôn trọng.

Tuy nhiên, cũng từng là một sinh viên của ĐH Ngoại thương Hà Nội (K35, chuyên ngành kinh tế đối ngoại), mình muốn chia sẻ với các bạn điều này: Mình tin chắc, bất kỳ sinh viên Ngoại thương, Ngoại giao nào trong số các bạn dừng lại, hỏi han về điều gì đang diễn ra, tìm hiểu về phiên tòa, về vấn nạn dân oan mất đất trong công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ… sẽ phải là một sinh viên có suy nghĩ sâu sắc và học giỏi (dù điểm số có thể cao hoặc không cao lắm).

Bạn không thể là một sinh viên kinh tế / quan hệ quốc tế giỏi nếu bạn không quan tâm đến chính trị.

Năm 1997, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trương Đình Anh (sinh năm 1970, cựu CEO của FPT Telecom, sinh viên K29 Đại học Kinh tế Quốc dân, người vừa đưa cả gia đình sang Mỹ định cư gần đây) đã nói: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”.

Nhiều người chú ý tới phát ngôn đó của ông, riêng mình (khi ấy cũng là sinh viên như các bạn bây giờ) thì quan tâm đến ý này của ông Trương Đình Anh hơn, cũng trong bài phỏng vấn đó, đại khái là: Nếu bạn là một kỹ sư tin học, tất cả những gì bạn cần để thực hiện các ý tưởng chỉ là một chiếc máy tính; còn nếu là một nhà kinh tế, những ý tưởng có thể thay đổi cuộc sống sẽ chỉ thành hiện thực khi bạn có trong tay cả một quốc gia.

Mình để ý tới câu nói ấy, vì nó rất thực tế và vì mình cảm thấy nó có cái gì đó… không ổn. Tại sao một đất nước lại có thể nằm trong tay một thiểu số (cá nhân/ tổ chức), cho dù người đó có thể là nhà kinh tế? Mà trên thực tế thì những người ngồi ghế lãnh đạo ở Việt Nam, chèo lái cả cái nền kinh tế quốc dân này, còn chẳng phải là nhà kinh tế cơ. Họ cũng không có một hội đồng các chuyên gia tư vấn, tham mưu tầm cỡ như Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng (mà giả sử có, chắc gì họ đã nghe).

Nhưng câu nói của ông Trương Đình Anh có phần rất đúng, phải không các bạn? Những lý thuyết kinh tế mà các bạn học được ở trường, chúng có thể hay lắm, nhưng… bạn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội áp dụng chúng đâu, nếu bạn không được tham gia vào tiến trình chính sách, tiến trình ra quyết định, hay nói đúng hơn, nếu bạn không có quyền tham gia.

“Quyền tham gia” là gì, tham gia như thế nào và làm sao để tham gia, thì đến đây bạn cần tự tìm hiểu rồi. Càng tìm hiểu, bạn sẽ càng thấy nhiều điều đáng nói, đáng bàn, đáng thay đổi ở đất nước này, và tất nhiên, chúng rất thú vị.

Hãy tự hỏi xem sự kiện sáng nay ở Tòa án Nhân dân quận Đống Đa là gì.

Hãy tự hỏi xem tại sao lại có hàng chục nông dân bất mãn trước cổng tòa?

Hãy tự hỏi xem tại sao lại có hàng nghìn nông dân bất mãn trên toàn quốc? Tại sao họ nhất định kêu oan? Không lẽ chỉ là do họ tham lam, "chí phèo" ăn vạ - như bạn sẽ phải nghe một số người gọi là "dư luận viên" nói, trong quá trình bạn tìm hiểu sự thật?

Hãy tự hỏi xem những phiên tòa như thế liệu có tác động tiêu cực gì tới xã hội, tới nền kinh tế, tới cả đất nước, trong ngắn hạn và dài hạn không?

Hãy tự hỏi xem tại sao lại có những phiên tòa như thế? Có cách nào để chúng ít đi hoặc không còn nữa không?

Hãy quan tâm, và hãy hỏi, các bạn trẻ nhé.

Ảnh chỉ có tính minh họa. 
Mình có ảnh của một vài sinh viên "đi ngang qua" đám đông biểu tình, nhưng không đăng.

Sunday 18 September 2016

Dũng cảm hay "điếc không sợ súng"

Trong tiếng Anh, có một từ mà tiếng Việt chưa có cách dịch ngắn gọn tương ứng, là từ “government critic”, tức là “người phê phán/ chỉ trích chính quyền”.

Những người đó ở Việt Nam có thể được gán cho đủ danh hiệu hoặc chụp cho đủ thứ mũ, như “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà dân chủ”, “phản động”, “thế lực thù địch, chống phá chế độ”…

Nhưng thật ra có khi họ chỉ đơn giản là những blogger, facebooker trông thấy nhiều bất công, nhiều điều bất ổn, tệ hại trong cách điều hành đất nước của chính quyền, thì họ lên tiếng, và trong lúc lên tiếng thì họ chẳng ngại công kích, rồi chửi thẳng cả đám lãnh đạo độc tài, bất tài.

Họ nhận được từ xã hội rất nhiều phản ứng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau: Khen ngợi, nể phục, xa lánh, tránh mặt, thờ ơ, mỉa mai, mạt sát, chửi ngược lại…

* * *

Ở thế hệ của tôi – những “government critic” có tuổi đời từ khoảng 20 đến 40 – chúng tôi gặp tất cả các phản ứng trên từ xã hội, trong đó có khá nhiều lời khen, rằng chúng tôi “trẻ, dũng cảm, không sợ cường quyền...”.

Cá nhân tôi, nếu được khen thì thích hơn là bị chê (tất nhiên), nhưng cảm giác ngượng ngùng là chủ yếu, vì quả thật nếu được hỏi tôi tự đánh giá mình thế nào, tôi sẽ nói rằng: TÔI KHÔNG HỀ DŨNG CẢM.

Tôi không dũng cảm, mà chẳng qua là một dạng may mắn và “điếc không sợ súng”, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” thôi. Tôi và cả thế hệ 20-40 của tôi đã may mắn không phải trải qua những gì mà hàng triệu người phải nếm trải sau năm 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở miền Nam.

Chúng tôi chưa từng bị cướp nhà, đuổi lên vùng kinh tế mới, nơi rừng thiêng nước độc mà mọi thứ đều phải cuốc bằng tay, chặt bằng dao, bị rắn rết cắn chết thì chôn. Chúng tôi chưa từng bị bỏ tù cả chục năm chỉ vì tội yêu và hát nhạc vàng, lại dám hỏi “màu vàng là màu của đồi trụy, như nhạc vàng là nhạc đồi trụy, thế sao cờ đỏ có ngôi sao vàng?”. Chúng tôi chưa từng bị công an chặn bất thình lình giữa phố để kiểm tra giấy tờ, và vì không mang theo chứng minh thư nhân dân mà bị đưa về đồn nhốt cả đêm cho muỗi cắn. Chúng tôi chưa từng bị công an vừa thẩm vấn vừa dí điếu thuốc lá cháy đỏ vào trán vào tay đến thành sẹo – vết sẹo tôi nhìn thấy trên cánh tay một người Sài Gòn mà khi cuộc hỏi cung đó diễn ra, anh chỉ mới 15 tuổi, cả gan vượt biên và bị bắt lại.

Giả sử, Việt Nam bây giờ vẫn như những năm từ 1975 đến 2000, thì liệu chúng tôi có dám tỏ thái độ, dù chỉ là một cái… lườm hoặc nhìn thẳng vào mặt công an không? Tôi không biết những người khác thì thế nào, còn với riêng tôi, câu trả lời thành thực là: Không chắc đâu.

* * *

Ngày 23/9 tới đây sẽ là tròn một năm sự kiện “công an bắt người, cướp đồ, cả phá Lương Tâm TV”.

Vào tối 23/9 năm ngoái ở Hà Nội, sau khi CA bắt sáu bạn trẻ làm việc cho Lương Tâm TV, có một nhóm khoảng ba chục người đã đến trước cổng đồn CA quận Hai Bà Trưng để yêu cầu CA trả tự do cho sáu bạn, chấm dứt nạn bắt giữ tùy tiện. Việc làm của họ, sau này, bị CA đánh giá như một sự “khủng bố” cơ quan công quyền, nghĩa là hành động tày trời.

40 năm về trước (tức là khoảng sau năm 1975), những người làm như họ có thể bị CA bắn chết ngay tại chỗ.

30 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, sau đó vài tháng bị tuyên án tử hình.

20 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, bị tuyên án chung thân hoặc vài chục năm tù.

10 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, bị dí án 5-7 năm tù.

Năm 2015, những người làm như họ chỉ bị CA nện cho một trận, đẩy ra khỏi khu vực cổng đồn rồi bố trí xe vệ sinh chạy qua chạy lại phun nước cho sạch đường.

Như thế rõ ràng là có sự thay đổi theo hướng bớt rừng rú hơn. Sự thay đổi này chẳng phải do chính quyền công an trị ở Việt Nam tự nhiên trở nên nhân hậu hơn, mà (có thể) là do chính quyền buộc phải học cách hành xử văn minh hơn để còn hội nhập với khu vực và thế giới; và do số người bất mãn, “phản động” bây giờ đông hơn xưa nhiều quá, CA không đủ nguồn lực để tiêu diệt hết, chỉ đủ sức để tạm thời kiểm soát được thôi.

* * *

Dù thế nào thì tôi vẫn phải nói rằng: Tôi không hề dũng cảm, mà chẳng qua là “điếc không sợ súng” mà thôi, hay nói cách khác, vì tôi chưa từng phải trải qua hay chứng kiến những gì hàng triệu người ở các thế hệ trước chúng tôi đã phải nếm trải.

Tôi cho là các nhà hoạt động dân chủ ở thế hệ chúng tôi nên nghĩ đến điều đó để khiêm tốn hơn và tôn trọng người đi trước hơn, còn các bạn trẻ bây giờ nên hiểu điều đó để mạnh mẽ hơn.


Trước cổng đồn CA quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, 
tối 23/9/2015. 

Monday 12 September 2016

Ôi, duy lý!

Theo dõi những diễn biến trong đời sống chính trị Việt Nam gắn với cộng đồng mạng trong hai năm qua, có thể thấy một số điểm thú vị. Chẳng hạn, trong bất cứ vụ việc nào, từ chuyện Formosa xả thải vào biển miền Trung hồi tháng 4 năm nay, chuyện chính quyền Hà Nội tổ chức chặt phá hàng loạt cây xanh năm ngoái, đến chuyện một giáo sư đề nghị dạy chữ Hán trong trường học mới đây… luôn luôn có hiện tượng: Cứ khi cộng đồng đang thể hiện sự bức xúc, bất mãn, thậm chí phẫn nộ với nhà nước, thì thể nào cũng có một vài giọng nói ôn tồn kêu gọi mọi người bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, không hùa theo đám đông bầy đàn, cảm tính, tát nước theo mưa…

Thường thì những tiếng nói như vậy đến từ một số trí thức – những người có xu hướng cho rằng họ duy lý, hoặc tôn sùng sự duy lý (mà nếu lại là “duy lý hoài nghi” nữa thì càng tốt, nghe càng giống trí thức hơn).

Phẫn nộ vì chính quyền chặt cây hàng loạt ư? Cảm tính quá, chặt đâu mà chặt, đấy là cải tạo, thay thế, vì mục đích phát triển đô thị. Phản đối dạy chữ Hán trong trường học à? Thật là đầu óc dân tộc hẹp hòi, cực đoan, che giấu sự tự ti bệnh hoạn trước nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại. Căm giận Formosa xả thải vào biển miền Trung và muốn kiện, muốn đuổi họ sao? Hồ đồ quá, cho đến giờ đã làm gì có bằng chứng nào khẳng định 100% Formosa là thủ phạm làm biển nhiễm độc, cứ nghe thông tin linh tinh trên mạng rồi làm ầm làm ĩ lên, rõ là bầy đàn…

Ngẫm ra người đọc Việt Nam, nói rộng ra là người dân Việt Nam, khổ thật. Họ luôn ở thế thấp kém trước cơ quan công quyền đã đành, mà ngay cả trước một thiểu số trí thức tinh hoa, họ cũng ở chiếu dưới, có thể bị đánh giá là “đám đông ngu dốt, cảm tính, tầm nhìn hạn hẹp…” bất kỳ lúc nào.

Duy lý vs. cảm tính

Các nhà kinh tế học cổ điển và tân cổ điển cho rằng bản chất của con người là duy lý, tự chủ và ích kỷ (theo đuổi tư lợi), và một cách tự nhiên, trong quá trình con người hành động duy lý vì lợi ích cá nhân, xã hội cũng được hưởng lợi và trở nên thịnh vượng. Nói chung, duy lý là một phẩm chất tốt. Người duy lý là người hành động theo một cách có lý, có logic, thay vì cảm tính, thậm chí bản năng như con vật.

Chỉ tiếc là, duy lý được thì tốt nhưng trên thực tế người ta lại không duy lý. Vào những năm 1970, hai nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman đã nghiên cứu cách não bộ xử lý thông tin, đối chiếu với các mô hình kinh tế, và rồi rút ra một kết luận: Khi đối diện với tình huống bất trắc, con người không hề hành xử duy lý, cũng chẳng bừa phứa ngẫu nhiên, mà là theo những quy tắc được tự hình thành từ trước, có thể dự đoán, và bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm và/hoặc môi trường. Ví dụ, ai đã từng bị bỏng khi sờ tay vào chảo nóng thì có xu hướng sẽ cẩn thận hơn sau này, mỗi khi cầm chảo.

Tất nhiên, kết luận của Tversky và Kahneman cũng chỉ là một trong vô vàn lý thuyết. Nhưng nói chung, con người không duy lý, bởi nếu duy lý họ đã không ồ ạt mua/bán chứng khoán, đổ xô đi rút tiền ngân hàng, hút thuốc lá đến khan cả cổ hay làm nhiều chuyện khác không mang lại tư lợi cho họ. Thế nên các nhà tâm lý học và kinh tế học hành vi mới cho rằng giả định “con người duy lý” là một giả định sai; con người có xu hướng phản ứng với cảm xúc (yêu, ghét, phấn khích, ghen tuông, đau khổ…) hơn và chính vì thế họ trở thành cảm tính, phi lý trí.

Vấn đề là, trong những tình huống bất trắc, thì đám đông ai cũng phi lý trí cả. Đòi hỏi sự duy lý ở cộng đồng mạng, nhất là trong một bối cảnh chính trị rối ren, lòng dân vốn đã đầy ức chế và bức xúc, là một đòi hỏi ngớ ngẩn; chưa nói đến chuyện nó còn có hại.

Tác hại của duy lý rởm

Cái đáng nói ở đây, trong trường hợp Việt Nam, là tác hại của những lời kêu gọi duy lý không phải lối.

Câu chuyện Formosa xả thải vào Việt Nam và tàn sát môi trường biển là một ví dụ điển hình: Điều tra để tìm ra được những bằng chứng khoa học, xác thực, là chuyện tất nhiên, nhưng trong khi đó, từ giác độ chính sách công, việc có những phản ứng chính sách đối với Formosa và các doanh nghiệp liên quan (trong khi vẫn chờ bằng chứng khoa học) là việc bắt buộc phải làm ngay, không thể chỉ ngồi chờ bằng chứng.

Ngay cả ở Mỹ, trong lúc các nhà khoa học còn đang tranh cãi về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đối với nước Mỹ và trái đất, thì chính quyền vẫn cứ phải làm ra luật (có 7 đạo luật lớn về bảo vệ môi trường) và thi hành luật gắt gao, mặc cho các doanh nghiệp, tập đoàn và nhóm lợi ích kêu gào (đương nhiên, họ cũng nhân danh “phát triển kinh tế”).

Đó là ở Mỹ, còn ở Việt Nam, với trình độ khoa học như hiện nay mà chờ “kết luận khoa học” về sự liên quan của Formosa rồi mới hành động… thì chắc dân đen chúng ta xanh cỏ cả rồi.

Hãy nhớ rằng, kết quả nghiên cứu khoa học cũng chỉ là một khía cạnh của tiến trình chính sách; những người làm chính sách phải biết căn cứ cả vào các giác độ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, luật pháp… để giải quyết vấn đề.

Hãy nhớ rằng, nghiên cứu khoa học không thể cho ra kết quả điều tra ngay, trong khi đó, những hậu quả của thảm họa môi trường do Formosa gây ra là có thật và đang ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của gần 4 triệu người dân miền Trung.

Sự thực là hàng nghìn thanh niên miền Trung đang thất nghiệp và tất cả các ngành nghề dựa vào biển đều bị ảnh hưởng.

Sự thực là đã có ít nhất một thợ lặn chết sau khi lặn trong vùng xả độc của Formosa.

Sự thực là chưa có đồng nào trong 500 triệu USD bồi thường đến tay người dân, và cứ cho là toàn bộ số tiền đó đến tay nhân dân miền Trung hết đi, thì tính ra mỗi người cũng chỉ được khoảng… gần 3 triệu đồng.

Sự thực là Vân Lâm (Yunlin), nơi đặt trụ sở Formosa Plastic Corporation (một trong các công ty lớn nhất Đài Loan), vẫn là vùng nghèo nhất xứ Đài và bị ô nhiễm nặng nề cả không khí lẫn nguồn nước, mà người dân ở đó không sao đuổi “nó” đi được vì “nó” quá mạnh: Formosa với Đài Loan có vẻ cũng như Tân Hiệp Phát với Việt Nam vậy.

Sự thực là Formosa đã có những dự án bị đình chỉ ở Đài Loan và… họ mang chúng sang Việt Nam – địa điểm đầu tư lý tưởng với những tiêu chuẩn cực kỳ thấp về sản xuất công nghiệp và môi trường.

Sự thực là Formosa đang lợi dụng chuyện “chưa có kết luận khoa học” để tìm cách phản cung và giảm nhẹ tội lỗi của họ đối với môi trường và người dân Việt Nam.

Và cuối cùng, phải nói rằng loại quan điểm “nhân danh khoa học” nghe rất có lý, rất thuyết phục, nhưng nó khéo léo gạt bỏ một thứ quyền rất quan trọng của người dân, là quyền được... chửi lãnh đạo, hay nói đúng hơn, quyền biểu đạt ý kiến, bày tỏ sự phẫn nộ một cách bản năng, không khoa học.

Còn bạn, bạn thấy bức xúc, muốn lên tiếng ư? Bạn cứ nói đi, đừng sợ bất cứ điều gì. Đừng sợ phạm pháp, vì lên tiếng bày tỏ quan điểm vốn là quyền của bạn. Đừng sợ sai, vì phải có sai mới thành đúng, miễn là bạn chịu khó lắng nghe để sửa sai (chứ không như các ông bà lãnh đạo cộng sản). Và đừng sợ bị coi là “cảm tính”, “bầy đàn”, vì những lý do đã nêu ở trên. Duy lý được thì tốt, nhưng nếu không thì cũng chẳng phải lỗi của bạn.

Nhược bằng muốn được hưởng sự duy lý, tỉnh táo, sáng suốt nhất, mời bạn đóng facebook vĩnh viễn và tìm đến các hội thảo khoa học có chất lượng cao…


Diêm dân ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 
hát bài "Trả lại cho dân" trên cánh đồng muối bỏ không. 
Ảnh chụp tháng 8/2016.

Wednesday 7 September 2016

Nguyễn Quang A - người bảo vệ nhân quyền

Giải thưởng “Hoa Tulip về Nhân quyền” kết thúc giai đoạn cộng đồng bỏ phiếu (public voting) vào nửa đêm 7/9 ở Trung Âu, tức là trước 5h sáng 8/9 giờ Hà Nội. Sau đó, trong ba ứng viên được số phiếu cao nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders sẽ chọn ra người được nhận bông hoa tulip vinh danh nhà bảo vệ nhân quyền của năm và trao giải – một bức tượng đồng hình bông hoa tulip – vào đúng Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.

Như vậy, tiếng nói quyết định là của Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan, và ông làm như vậy dựa trên hồ sơ về các ứng viên (đã được xây dựng từ trước, do các cá nhân/tổ chức nhân quyền các nước tiến cử gửi đến Hà Lan từ đầu mùa hè).

Điều đó cũng có nghĩa là, mặc dù nhận số phiếu bầu trên mạng cao nhất, nhưng TS. Nguyễn Quang A vẫn có thể không phải là người được trao giải Hoa Tulip 2016.

Trong trường hợp đó, cũng không có gì phải buồn, cay cú (hay ngược lại, hả hê, khoái trá như những dư luận viên đích thực), nếu chúng ta hiểu rằng ý nghĩa của giải “Hoa Tulip về Nhân quyền” là để tôn vinh những người bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu.

* * *

“Bảo vệ nhân quyền” – đó là một công việc, một sứ mệnh thật sự, mà thế giới tiến bộ tôn vinh, trong khi các chính thể độc tài thì căm ghét và đàn áp.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ định nghĩa người bảo vệ nhân quyền là những người hành động để thúc đẩy hoặc bảo vệ các nhân quyền. Và như thế, công việc của họ rất rộng: chống oan sai, chống tra tấn, chống phân biệt đối xử, chống việc thải hóa chất độc hại tàn phá môi trường, bảo vệ người lao động, bảo vệ phụ nữ/ trẻ em/ người tàn tật/ người yếu thế/ người dân tộc thiểu số/ người tị nạn, bảo vệ các quyền được giáo dục, được chăm sóc về y tế, được tự do biểu đạt, tụ tập, tranh cử, tham gia chính trị, v.v.

Nhìn nhận nhân quyền là những giá trị phổ quát (cho tất cả mọi người trên toàn thế giới, chứ không có “nhân quyền của người Mỹ” riêng, “nhân quyền của người Việt” riêng), nên cộng đồng quốc tế từ lâu đã tôn vinh người bảo vệ nhân quyền. Thậm chí, trong các cơ chế nhân quyền của LHQ, còn có một cơ chế được áp dụng để bảo vệ người bảo vệ nhân quyền.

Trong khi đó, ở tất cả các xứ độc tài, ví dụ như Việt Nam, người bảo vệ nhân quyền (hay còn gọi là “nhà hoạt động nhân quyền”) luôn bị chính quyền xem như tội phạm, phản động, chống phá nhà nước.

Quan niệm về người bảo vệ nhân quyền dĩ nhiên phản ánh trình độ của chính quyền; nó là chỉ dấu để cho thấy một chính quyền nào đó là văn minh, tiến bộ hay độc tài, man di mọi rợ.

Bạn có thể bỏ phiếu cho TS. Nguyễn Quang A tại:

Và hãy thử quan tâm, tìm hiểu công việc của những nhà hoạt động nhân quyền của Việt Nam cũng như thế giới. Bạn sẽ thấy có nhiều điều rất thú vị.

Ảnh: Hoàng Thành, 2/2016

Bài liên quan: 

Monday 5 September 2016

Vì sao TS. Nguyễn Quang A xứng đáng nhận "bông hoa tulip về nhân quyền"?

Có thể các bạn trẻ ít quan tâm đến chính trị-xã hội sẽ không biết “Quang A là ông nào”, “làm được cái gì cho đời”. Hoặc, nếu chẳng may bạn bị đầu độc bởi những trang web bẩn của dư luận viên – lực lượng đen tối và phản tiến bộ nhất hiện nay ở Việt Nam – có khi bạn còn tưởng ông Quang A là một lão già phản động, kẻ chống phá đất nước (!)

Nhưng nếu bạn chịu khó tìm hiểu một chút, bạn sẽ hiểu ngay vì sao TS. Nguyễn Quang A xứng đáng nhận giải "Hoa Tulip về Nhân quyền" 2016 từ Chính phủ Hà Lan, vinh danh ông vì sự can đảm và những đóng góp để bảo vệ nhân quyền cho người dân Việt Nam – trong đó có các bạn.

Ông Nguyễn Quang A sinh năm 1946 tại Bắc Ninh. Thời trẻ, ông du học tại Hungary ngành điện tử-viễn thông, và là một sinh viên xuất sắc, được xem như “thần đồng” (*) trong khối du học sinh về khoa học kỹ thuật. (Nghe nói thời đó, dân du học Việt Nam ở Hung truyền nhau rằng “kỹ thuật có Quang A, xã hội có Hoàng Thắng” – tức là TS. Đinh Hoàng Thắng, cây viết về chính trị quốc tế ở Việt Nam hiện nay).

Có thể coi Nguyễn Quang A là “người đàn ông của những cái đầu tiên”. Ông luôn đi tiên phong, hệt như cái tên của ông luôn đứng đầu bảng chữ cái vậy. Và điều quan trọng là, tất cả những hoạt động mà ông đi tiên phong đó đều là những hoạt động đóng góp cực kỳ to lớn cho cộng đồng và xã hội.

- Ông là người sáng lập VP Bank - ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên (năm 1993).

- Ông là sáng lập viên, Chủ tịch Công ty cổ phần Máy tính-Truyền thông-Điều khiển 3C (năm 1989).

- Ông là sáng lập viên, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) - có thể được coi như một "think tank" (viện tư tưởng) đầu tiên độc lập với Nhà nước, phản biện chính sách mạnh mẽ và quyết liệt ở Việt Nam trong những năm 2007-2009, từ vấn đề xây dựng thị trường điện, ổn định giá điện/dầu, đến đương đầu với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên v.v.

- Và điều này có thể bạn chưa biết: Ông là một trong những người đưa Internet vào Việt Nam.

Người đưa Internet vào Việt Nam

Internet vào Việt Nam (tháng 11/1997) là một câu chuyện rất dài và sẽ cần được viết và kể lại đầy đủ trong một cuốn sách/ bộ phim trong tương lai. (Người viết bài này rất mong sẽ có lúc được tìm hiểu và phục dựng lại hết quá trình lịch sử đó).

Nhưng ở đây, các bạn chỉ cần biết rằng, vào thời điểm ấy (năm 1997), nếu những trí thức, doanh nhân như TS.Nguyễn Quang A mà không thành công trong việc “dụ khị” (nói nôm na là “lừa”) chính quyền mở cửa cho Internet vào Việt Nam, thì chúng ta sẽ không có tất cả những gì chúng ta (kể cả các DLV) đang hưởng lúc này: Google, chat, blog, mạng xã hội, email, mua bán trên mạng, game… Và lúc đó mà đã không có, thì sẽ vĩnh viễn mất. Bởi vì, thời điểm ấy, những thanh niên Việt Nam (giống như các bạn bây giờ) thuộc về thế hệ 5x, 6x, 7x, là những thế hệ “giao thời”: Họ phải chịu một nỗi sợ, gọi là “cyber fear” – tâm lý sợ mạng. Nếu vượt qua được, họ sẽ bắt kịp với thời đại Internet, kinh tế tri thức… Nếu không vượt qua nổi, họ sẽ trở thành như mù chữ. Nếu Việt Nam không hòa mạng Internet lúc ấy, hàng triệu người của thế hệ 5x, 6x, 7x sẽ là người mù chữ bây giờ. Chúng ta sẽ còn tụt hậu bao nhiêu năm nữa so với thế giới? Chúng ta liệu có khác gì Bắc Triều Tiên? 

Ngày nay, các bạn trẻ vào mạng thật thoải mái, như cá xuống nước. Có lẽ các bạn không thể hình dung được trong những năm cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, với nhiều người, mạng Internet xa lạ và đáng sợ như thế nào.

Là những người đi đầu, với tầm nhìn xa trông rộng, TS. Nguyễn Quang A hẳn đã thấy ngay sức mạnh khổng lồ của Internet trong việc thay đổi xã hội, phát triển đất nước. (Năm đó, ông 51 tuổi, không còn là thanh niên nữa, nhưng hình như ông hiểu hoàn toàn cái điều mà thanh niên Việt Nam đang vô cùng thiếu: kiến thức, kỹ năng, sự hội nhập).

Năm 2007, một cuộc bầu chọn của báo Bưu điện Việt Nam và CLB Nhà báo CNTT đã chọn ông Nguyễn Quang A là một trong 10 nhân vật ảnh hưởng lớn nhất đến Internet tại Việt Nam.

Nhà hoạt động tiên phong

Và bây giờ cũng vậy, ông Nguyễn Quang A vẫn là người đi tiên phong. Ông đã 70 tuổi, không phải là thanh niên, nhưng ông vẫn luôn nhìn thấy những điều mà thanh niên Việt Nam đang vô cùng thiếu, đang rất khao khát… mà thậm chí một số người còn không hề biết là mình thiếu và lẽ ra phải khao khát nó. Đó là TỰ DO, NHÂN QUYỀN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN.

Chỉ có tự do thì tư duy con người, đặc biệt người trẻ, mới phát triển. Thanh niên Việt Nam cần được tự do và cần phải được khuyến khích để tự do: học tập, suy nghĩ, phản biện, bày tỏ thái độ chính trị, quan tâm đến cộng đồng, du học, du lịch, tranh cử, tham gia chính trị…

Có lẽ trí thức nào cũng sẽ nghĩ và có thể nói được như thế. Nhưng TS. Nguyễn Quang A không chỉ nghĩ và nói như thế, mà ông còn luôn luôn LÀM như thế. Ông luôn nắm tay các bạn trẻ để kéo họ lên, nâng họ lên, một cách trân trọng nhất, để họ hiểu rằng ông thực sự muốn họ và đất nước này phát triển biết bao.

Ảnh: Hoàng Thành, 2/2016

* * *

Giải "Hoa Tulip về Nhân quyền" là giải thưởng của Chính phủ Hà Lan, do Bộ Ngoại giao Hà Lan tổ chức, ra đời từ năm 2008 nhằm vinh danh "những người bảo vệ nhân quyền can đảm đã thúc đẩy và ủng hộ nhân quyền theo nhiều cách mới mẻ, sáng tạo".

TS. Nguyễn Quang A là một trong 10 ứng viên cho giải này năm nay.

Các bạn có thể tiếp tục vào bỏ phiếu cho TS. Nguyễn Quang A tại trang web của giải Hoa Tulip về nhân quyền, ở đây.



-----------------

Có một chi tiết nhỏ, xin lưu ý bạn đọc trẻ: Từ "thần đồng" đúng nghĩa là "đứa trẻ kỳ tài", nên nếu các du học sinh VN ở Hungary ngày trước gọi TS. Nguyễn Quang A là "thần đồng" thì không chính xác lắm về ngữ nghĩa của từ Hán Việt này. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng tiếng Hán Việt hoàn toàn có thể khác với tiếng Hán, và từ gì người Việt dùng sai (so với tiếng Hán) lâu thì cũng có thể thành đúng. Ở đây, từ 
"thần đồng" được hiểu là "tài năng xuất chúng".

Sunday 4 September 2016

Cái bẫy ngôn ngữ của nhà sản

Một nguồn tin từ địa phương cho biết, cuộc biểu tình của khoảng 2000 người dân ở Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh sáng 1/9 kết thúc sau khi chính quyền địa phương chấp nhận gặp gỡ một số người đại diện tại UBND thị xã Kỳ Anh. Đồng ý đối thoại với dân thay vì suỵt công an ôm khiên ra xô đẩy và thét loa “tuyên truyền” vào tai dân, dù sao, cũng đã là một dấu hiệu của sự chuyển biến của chính quyền theo hướng văn minh hơn, ít rừng rú hơn.

Tuy thế, cuộc gặp không đạt kết quả gì, ít nhất hai bên không thống nhất được với nhau ở cách đề cập đến sự kiện: Phía chính quyền khăng khăng cho rằng đó chỉ là một “sự cố môi trường” chứ không phải thảm họa.

Nếu chúng ta để ý thì cái loa tuyên truyền lớn nhất của nhà sản là VTV, trong chương trình Thời sự, cũng đã bắt đầu dùng từ “sự cố môi trường” để nói về thảm họa đã làm chết hàng trăm nghìn tấn cá, làm 4 triệu người dân biển miền Trung lao đao, một nền kinh tế biển phá sản, và một vùng biển không biết mấy chục năm nữa mới phục hồi.

Bộ máy tuyên truyền của nhà sản thật vô địch về nói giảm, nói tránh… thành nói láo.

“Giam bóc tách”

Lại nhớ chuyện, luật quốc tế về nhân quyền cấm mọi hình thức biệt giam, tức là giam người mà không cho tiếp xúc với bất kỳ liên hệ xã hội nào chỉ trừ quản giáo (hoặc có thể cả quản giáo), không cho người tù có phương tiện gì để liên lạc với bất kỳ ai dù là bạn tù, luật sư hay bác sĩ, gia đình…

Nhưng trò này tất nhiên chẳng xa lạ gì với các tù nhân lương tâm, tù chính trị ở Việt Nam, nhất là với những người “cứng đầu” như Điếu Cày chẳng hạn, và bây giờ là Ba Sàm, Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà. Sợ bị cộng đồng quốc tế phát giác và phản đối, ngành công an (kiêm luôn chức năng cai tù để dễ cải thiện đời sống) bèn chế ra một thuật ngữ vô cùng độc đáo để “nói giảm, nói tránh” từ biệt giam, đó là: “giam bóc tách”. Chúng tôi không biệt giam ai cả, nhá. Chúng tôi chỉ đang thực hiện giam bóc tách một số đối tượng thôi.

Tài thật. Quả là một khái niệm đầy tính Đảng (tức là tính cộng sản), có thể thách thức tất cả những dịch giả tài năng nhất Việt Nam, khiến họ bó tay, không dịch nổi nó sang một thứ tiếng quốc tế nào.

"Mời" và "bắt"

Còn lằng nhằng hơn nữa là hai khái niệm "mời" và "bắt" của công an Việt Nam. Đại tá Đinh Huy Hoàng, Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đã cho chúng ta thấy tài dùng ngôn ngữ xuất sắc của cả hệ thống khi ông phát biểu về một vụ công an bắt cóc công dân đi kèm trẻ con gần đây:

"Trong quy trình thực hiện công tác điều tra, có những lúc mời hoặc bắt không như thông thường, bởi có những tình huống chỉ là mời nhưng sau đó để bắt, hoặc có những lúc phải áp dụng đồng thời cả hai biện pháp".

Thế tóm lại đó là mời hay là bắt, mời là gì mà bắt là gì? Nếu được mời, sao lại không thể từ chối? Nếu bị bắt, sao lại không có lý do, không có lệnh? Cuối cùng thì yêu quái là công an hay công an là yêu quái?

* * *

Cũng chưa đâu xa, mới năm ngoái thôi, với đại dự án chặt cây hàng loạt ở Hà Nội, nếu để ý ta có thể thấy ngay: Trong mọi văn bản chính thức, trong mọi lần lên tiếng hiếm hoi, trong mọi hoạt động từ sử dụng truyền thông chính thống đến huy động lực lượng dư luận viên cao cấp, trung cấp hay hạ cấp – chính quyền đều thống nhất dùng từ “cải tạo, thay thế” thay vì “chặt hạ”, “chặt bỏ”, “đốn bỏ” cây xanh.

Trên nhiều diễn đàn, cứ khi nào có người dùng từ “chặt hạ cây xanh” là sẽ có ngay vài anh dư luận viên lấy giọng ôn tồn, đầy tinh thần “khách quan, khoa học, duy lý” vào sửa sai: “Phải viết/ nói là ‘cải tạo, thay thế’ cây xanh mới chuẩn, mới đúng chứ”.

Và bây giờ, chính quyền lại đang cố lái người dân sang hướng tin rằng thảm họa biển miền Trung chỉ là một “sự cố môi trường” mà thôi, hàm ý là không có gì đáng ngại.

Nói giảm, nói tránh thành nói láo là đặc tính cố hữu của bộ máy tuyên truyền trong mọi chế độ độc tài, và chúng luôn phải làm như vậy: Bắt người dân phải sử dụng ngôn ngữ do chúng tạo nên, để định hình tư duy của họ.

Là dân, nhất là khi làm người đấu tranh chống độc tài, chúng ta cần biết đến và cảnh giác với cái bẫy ngôn ngữ của nhà sản. Đừng để họ nhào nặn sự thật và phá hỏng tư duy của chúng ta.

"Chỉ là một sự cố về môi trường thôi mà...".

Bình luận của độc giả:

Cách dùng ngôn từ làm thay đổi bản chất sự việc được các bố "lông dân" nhà ta nâng đến tầm nghệ thuật rồi. Chỉ riêng cái việc "bóc tách" những người nghèo ra thành hai nhóm "nghèo" và "cận nghèo" đã thấy chúng quái dị đến mức nào rồi. Cận nghèo là cái đéo gì thì bố ông giời cũng chả định nghĩa được. 

Nhưng hay hơn nữa, những người dân miền núi đói rã họng, có từ 3 đến 6 tháng trong năm ko có lúa gạo ăn thì chúng gọi là "đứt bữa", nhớ nhé, chỉ đứt bữa thôi, đói đéo đâu mà nói! Mấy thằng lãnh đạo thi nhau ăn cắp, bòn rút, biển thủ của công nhưng khi báo cáo đều dùng từ "thất thoát" cả, thế là đéo biết thằng nào ăn cắp, rồi hòa cả làng. 

Cho nên thằng chủ tịt mũi tẹt mõm giô răng cải mả Nguyễn Minh Triết đã có lẫn cất giọng trước cả một hội trường đông đặc nhân sỹ trí thức của đất nước rằng các anh cứ nói tham nhũng tràn lan thế là không đúng. Dưới chế độ của ta làm (đéo) gì có tham nhũng, chỉ là do ta quản lý không chặt, anh em thấy hớ hênh thì thò tay lấy tạm chút về dùng thôi, ai gọi đấy là tham nhũng. Hu, thánh thật! Tiên sư anh Tào Tháo!

(Sen Hoa)

Chúng ta không có thất nghiệp, chỉ có một bộ phận nhỏ lao động dôi dư.

(Hoàng Dũng)

Sau 1975, cộng sản đưa hàng trăm ngàn quân nhân cán chính VNCH đi tù, vô trại tập trung, nhưng họ vẫn oa oa là học tập cải tạo. Khổ, phải dịch cho những người dân nước ngoài rằng đó như là trại tập trung hủy diệt thời Đức quốc xã, họ mới... bật hiểu.

Cướp nhà, đày dân vô rừng rú thì gọi là đi kinh tế mới. Mới gì đâu? Xe chở người ta vô rừng, có nơi còn đầy bom mìn, thảy xuống rồi quay về... sống chết mặc bây.

Đám vô nhân không biết từ địa ngục nào ra.

(Tâm Nhân Phục)

Friday 2 September 2016

Nhắn mấy chú thím công an

Khoảng 2000 người dân thị xã Kỳ Hà, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đã thiết thực lập thành tích chào mừng Quốc khánh 2/9 năm nay bằng một cuộc biểu tình đòi chính quyền đuổi Formosa về nước, trả tiền bồi thường cho dân, trả lại biển sạch cho dân và nhất là bảo vệ quyền lợi của dân.

Chính quyền, như thường lệ, trả lời bằng cảnh sát cơ động, dùi cui, khiên, mũ cối, và không thể thiếu "xe tuyên truyền" gài thêm cái loa ông ổng, nhí nha nhí nhố...

Đội ngũ lãnh đạo chính trị ở Việt Nam phải là những kẻ tận cùng ngu và ác mới không nhìn thấy những vấn đề rất lớn trong cuộc sống của người dân bốn tỉnh miền Trung hiện nay và tương lai gần.

Còn những chú công an đang đi đàn áp dân biểu tình cũng phải cực ngu mới không thấy các chú đang thí xác cho những việc dại dột và nguy hiểm như thế nào. Yên tâm đi, cứ đem thân, chường mặt ra bảo vệ các lãnh đạo đang ngồi trong phòng máy lạnh chỉ đạo đi. Thật quyết liệt, lăn xả và sấn sổ vào. Các chú có gãy tay gãy chân, thương tật hay cùng lắm là chết thì cũng chẳng được hưởng chế độ thương binh liệt sĩ gì đâu, chỉ có bố mẹ, vợ con các chú là khổ thôi.

Mọi xã hội đều chỉ tôn vinh những nhân viên cảnh sát bảo vệ dân, chứ chưa có nơi đâu người ta tôn vinh cái loại công an bạo dạn xó bếp, cậy sức, cậy thế lãnh đạo, đàn áp quyền tự do căn bản của dân cả, các chú ạ. Chưa kể, đảng của các chú vốn dĩ bạc bẽo, rất là bạc bẽo. Chờ cấp trên xét cho các chú xong cái chế độ thương binh/liệt sĩ thì vợ con các chú mốc miệng hết rồi.

Biển cả, tài nguyên, môi trường mà dân đang dùng thì các chú cũng dùng đấy, họ đói thì các chú cũng đói, họ nhận gạo mốc do chính quyền tài trợ thì các chú cũng không có hy vọng được ăn gạo ngon từ chính quyền, từ lãnh đạo của các chú đâu.

Mà những sự kiện như thế này sẽ còn xảy ra nhiều, kéo dài, trong những tháng năm tới.

Nguồn ảnh: Hiệp hội Ngư dân Miền Trung