Sunday 30 November 2014

5 hành vi xâm phạm đời tư phổ biến ở Việt Nam


(Luật Khoa tạp chí) - Vụ việc Công Phượng làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư của cầu thủ này trong khi ngay cả những quy định pháp luật cụ thể về quyền riêng tư, quyền bí mật đời tư vẫn đang còn thiếu vắng ở Việt Nam. Xuất phát từ một nền văn hóa xem nhẹ cá nhân hơn cộng đồng, lại trải qua nhiều cuộc xung đột lãnh thổ lẫn xung đột ý thức hệ đòi hỏi sự hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích giai cấp, người Việt Nam ngày nay chưa đặt quyền riêng tư của các cá nhân ở vị trí xứng đáng của nó. Điều đó dẫn đến những vi phạm xảy ra hàng ngày mà chính người vi phạm lẫn người bị vi phạm có thể cũng không biết.

Luật Khoa tạp chí lựa chọn năm hành vi sau đây để mở đầu cho tuyến đề tài về quyền riêng tư (privacy rights). Dĩ nhiên, không có gì là tuyệt đối. Trong một số trường hợp, các hành vi dưới đây có thể được chấp nhận ở một mức độ nào đó bởi các bên liên quan.

1. Đăng hồ sơ cá nhân của người khác lên mạng

Ngày 18/11/2014, trang chuyên đề Thể Thao của báo Thanh Niên điện tử (thethao.thanhnien.com.vn) đăng tải bài viết “Phòng tư pháp huyện Đô Lương đã kiểm tra hồ sơ của Công Phượng” của tác giả Khánh Hoan với hình chụp giấy khai sinh của cầu thủ Nguyễn Công Phượng. Trong nhiều bài viết, phóng sự khác cùng khai thác đề tài tương tự, đặc biệt là của chương trình Chuyển động 24h của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), các thông tin cá nhân khác của Công Phượng cũng bị khai thác một cách triệt để bất chấp một thực tế là quyền riêng tư của cầu thủ này đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.

Bản thân cơ quan tư pháp địa phương ở huyện Đô Lương (Nghệ An) cũng vi phạm quyền riêng tư của Công Phượng khi tự ý cung cấp giấy khai sinh của cầu thủ này cho giới báo chí.

Trong một diễn biến khác, sau khi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) phát biểu tại Quốc hội ngày 28/10 rằng cần phải đặt tên “thuần Việt” cho con cái, nhiều người dùng mạng xã hội đã đăng tải các hình chụp chứng minh nhân dân của người khác kèm theo những bình luận về cái tên của họ. Vô hình trung, không những thông tin riêng tư của một người được đăng tải công khai, mà còn trở thành đề tài đàm tiếu có tính xúc phạm của người khác.

Những vụ việc tương tự cũng xảy ra phổ biến trong đời sống thường nhật của người Việt Nam, đặc biệt trên hệ thống báo chí và Internet. Không chỉ giấy khai sinh và chứng minh nhân dân, mà hộ chiếu, bằng đại học và nhiều thông tin cá nhân khác trong hồ sơ của các cá nhân cũng bị chia sẻ công khai.

2. Dán bảng điểm công khai ở trường học

Điều tưởng như hiển nhiên tại tất cả các trường học Việt Nam này lại là một ví dụ điển hình cho sự vi phạm quyền riêng tư. 

Thí sinh xem điểm thi được dán công khai tại một trường học.
Nguồn ảnh: baophapluat.vn

Không chỉ dán bảng điểm của học sinh, sinh viên (HSSV) ở những nơi công cộng, các trường học Việt Nam còn đăng tải chúng trên Internet hay đọc điểm của từng người ngay tại lớp học. Rất dễ dàng để bất kỳ ai cũng có thể biết được điểm số của người khác. Tệ hơn nữa, để phân biệt các HSSV trùng họ, tên, các trường học thường đăng kèm các thông tin cá nhân của họ, như ngày sinh, quê quán, số thẻ sinh viên hay lớp học.

Với những HSSV đạt điểm cao, có thể điều đó không ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của họ, nhưng rắc rối sẽ xảy ra với những HSSV điểm thấp hay thi trượt môn. Nhưng bất luận hậu quả tâm lý là tốt hay xấu với HSSV, việc đăng tải thông tin cá nhân là hoàn toàn vi phạm quyền riêng tư của họ.

Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để thông báo cho HSSV biết điểm của họ nếu không dán công khai như thế?

Ở nhiều quốc gia, điểm số được phát riêng cho từng người, không ai biết điểm của ai. Nếu phải dán công khai thì thông tin được công bố chỉ bao gồm điểm và mã số của từng người, và mã số này cũng là bí mật của họ, không ai biết mã số của ai. Khi Internet ra đời, mỗi HSSV được cấp một tài khoản riêng để tra cứu điểm thi của mình và những thông tin này hoàn toàn được bảo mật.

Gần như tất cả các trường học ở Mỹ đều phải áp dụng Đạo luật Quyền giáo dục gia đình và Quyền riêng tư năm 1974 (FERPA), với những quy định ngặt nghèo về các thông tin của HSSV (student records). Đạo luật này nghiêm cấm tất cả các hành vi để lộ bất cứ thông tin nào về điểm số hay thành tích và những thông tin riêng tư khác của HSSV với bất cứ ai ngoại trừ HSSV đó và chính cha mẹ của họ (nếu HSSV dưới 18 tuổi). Giáo viên cũng không được phép thảo luận về năng lực học tập của bất cứ sinh viên đại học nào với bất cứ ai khác mà không được phép của sinh viên đó.

3. Đăng ảnh riêng tư của con cái lên mạng

Hầu hết mọi người đều thích xem ảnh, video về trẻ con. Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận họ không thể kiềm chế được ham muốn đăng ảnh chúng lên Facebook mỗi ngày. Mọi người đều vui vẻ vì những đứa trẻ cũng chưa đủ lớn để đưa ra bất kỳ phản ứng đáng kể nào.

Đây không phải là chuyện chỉ xảy ra với người Việt Nam mà còn ở mọi nơi trên thế giới có kết nối với Internet. Cuộc tranh cãi về quyền riêng tư của trẻ em trong thời đại số vẫn chưa chấm dứt, nhưng trong khi chờ có một đạo luật hay quy tắc ứng xử chung ra đời, một số câu hỏi nên được các bậc cha mẹ cân nhắc.

Liệu khi con cái lớn lên, chúng có thoải mái với việc những bức ảnh khỏa thân, hay ảnh mặc bỉm, mặc đồ tắm của chúng lan truyền trên mạng và tất cả bạn bè của chúng đều xem được hay không?

Hoặc đơn giản hơn là khi lớn lên, chúng có muốn những hình ảnh riêng tư khi chúng mới ra đời, khi chúng nằm nôi, khi chúng bú sữa mẹ được lan truyền trên Internet hay không?

Nếu như chúng ta không được phép sang nhà người khác để chụp ảnh đứa trẻ của họ và đăng lên mạng, tại sao chúng ta lại có quyền đó với con mình trong ngôi nhà của mình? Phải chăng chúng ta có quyền sở hữu đối với con cái của mình và không có quyền tương tự với con của người khác?

Nếu như chúng ta không được phép đăng ảnh riêng tư của một người trưởng thành lên mạng thì tại sao chúng ta lại có quyền làm như thế với con mình? Phải chăng một đứa trẻ thì có ít quyền riêng tư hơn một người lớn?

Hay câu hỏi có thể chỉ đơn giản là: có phải vì trẻ con không có khả năng nhận thức và tự vệ trước sự vi phạm quyền riêng tư, nên chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn?

Sau cùng, vấn đề không chỉ là bạn có quyền đăng ảnh con bạn lên mạng hay không, mà là sự an toàn và sự riêng tư của chúng được bảo vệ như thế nào, nhất là khi chúng lớn lên.

Nguồn ảnh: Getty Images.

4. Tự ý chụp và đăng tải ảnh đám tang

Mỗi khi có đám tang của một người nổi tiếng, công chúng lại có dịp xem những bức hình nhiều nước mắt được đăng tải trên hầu hết các báo, tạp chí ở Việt Nam. Để có được những tấm hình đó, các phóng viên ảnh phải tới tận nhà tang lễ hay tận gia đình của người quá cố để chụp.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao bạn lại có quyền đến đám tang của một người không quen biết để chụp hình và đăng lên báo? Việc gia quyến mở cửa đón khách để khách đến phúng viếng, chia buồn hay là để chụp ảnh và đăng tải cho tất cả mọi người xem? Gia quyến có cho phép bạn đăng những giờ phút đau thương đó của họ lên mặt báo hay không? Tại sao sổ tang của gia đình lại có thể bị chụp và đăng tải một cách tự do như vậy?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn đều khó có thể tìm được lý do biện minh cho việc làm của mình. Rõ ràng, gia quyến có quyền riêng tư của họ và trong thời điểm họ không thể kiểm soát được lượng người ra vào đám tang, quyền riêng tư đó đã bị nhiều người vô tư xâm phạm.

5. Công bố chuyện riêng tư của người khác

Khai thác các câu chuyện riêng tư, đặc biệt là chuyện tình yêu, tình dục và tài chính của người khác, là một trong những công việc chính của nhiều tờ báo và trang mạng hiện nay. Các câu chuyện đó, nếu không bị đăng báo thì cũng bị lan truyền trong cộng đồng bởi những người “hay chuyện”. Bí mật cá nhân của nhiều người, vì thế, trở thành đề tài đàm tiếu của cả một cộng đồng.

Một số phóng viên, khi nắm bắt được câu chuyện của một gia đình, liền đổi tên các nhân vật và cho đăng báo. Nhưng các tình tiết trong bài báo dễ dàng khiến cho một số độc giả nhận ra ngay nhân vật mà bài báo nói đến là ai. Đó có thể là người hàng xóm, đồng nghiệp hoặc bạn học cũ của họ.

Vì những bài báo đó, việc một người chồng bị bất lực, một người vợ ngoại tình có thể bị công khai cho cả xã hội biết và họ không còn có thể kiểm soát được hậu quả nữa. Gánh nặng tâm lý có thể tác động rất lớn đến cuộc sống của họ và những người thân của họ. Uy tín và danh dự của họ bị tổn thương nghiêm trọng và rất khó để họ thoát ra được khỏi những áp lực xã hội đó.

Trong một vụ án xảy ra cách đây nhiều năm, một tòa án cấp tỉnh ở Việt Nam còn bày tỏ quan điểm xét xử cho rằng, việc nhà báo đăng tải chuyện đời tư của người khác được trình bày tại tòa án cũng là hành vi xâm phạm bí mật đời tư.


Thursday 27 November 2014

Việt Nam: Chính quyền bảo đảm quyền tự do... độc thoại

  • Trịnh Hữu Long

Trong chuyến vận động cho blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và Nguyễn Thị Minh Thúy tại Washington DC., nhà báo-blogger Đoan Trang đã có cuộc trò chuyện với ông Scott E. Flipse, Giám đốc Truyền thông, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Ủy ban về Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ. Ông Scott E. Flipse đã có nhiều nhận xét thẳng thắn về quan điểm và thái độ của nhà nước Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền và các quyền tự do.

Cuộc trò chuyện, diễn ra ngày 14/11, cũng có sự có mặt của ông Mark Kearney, thành viên Tiểu ban Nhân quyền thuộc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ.

Đoan Trang (ĐT): Với tư cách những blogger Việt Nam, chúng tôi thật sự muốn công luận chú ý đến vụ án Anh Ba Sàm, vì xét nhiều khía cạnh, đây là một trường hợp rất đặc biệt, rất có ý nghĩa. Trước hết, ông Nguyễn Hữu Vinh là một trong các blogger có ảnh hưởng ở Việt Nam kể từ năm 2007. Các ông biết đấy, blog và mạng xã hội xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2005 với sự ra đời của Yahoo! 360°, và Anh Ba Sàm bắt đầu làm blog vào năm 2007, cùng tháng, cùng năm với việc blogger Điếu Cày thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.

Ba Sàm đã dịch nhiều bài báo tiếng Anh sang tiếng Việt để phổ biến trên blog của mình. Ông cũng đăng tải nhiều tài liệu về quan hệ Việt-Trung, về chiến tranh biên giới, tranh chấp chủ quyền biển đảo, chính trị quốc tế, v.v. Rất nhiều vấn đề khi đó còn bị coi là nhạy cảm về chính trị ở Việt Nam. Tinh thần chung của trang blog Ba Sàm là Phá Vòng Nô Lệ, và đó cũng là khẩu hiệu (slogan) của nó. Ông từng nhiều lần thổ lộ rằng mơ ước duy nhất của ông là Việt Nam trở thành một nước dân chủ tự do. Ông muốn làm điều đó bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng, bằng cách khai dân trí, làm cho người dân hiểu được về các giá trị dân chủ, tự do. Một khi họ biết thế nào là quyền con người, quyền tự do, nhà nước pháp quyền, họ sẽ tự biết cần phải làm gì – ông nghĩ như vậy.

Cách tiếp cận của Anh Ba Sàm rất ôn hòa, phi bạo lực. Vì thế, tôi thật sự rất sửng sốt khi chính quyền bắt giữ ông ấy.

TS. Scott E. Flipse (phải) đọc hồ sơ về vụ án blogger Ba Sàm - Minh Thúy

Scott E. Flipse: Theo bạn thì đâu là nguyên nhân sâu xa khiến ông Vinh bị bắt? Vì ông ấy đã đăng tải những điều phức tạp? Hay vì một lý do nào đó liên quan đến Trung Quốc? Hay còn lý do nào khác nữa?

ĐT: Tôi nghĩ có nhiều lý do, mà trước hết, có thể vì ông ấy rất có ảnh hưởng. Trang blog Ba Sàm đã gần như là một điểm tập kết trên mạng cho những người biểu tình trong mùa hè 2011. Là một nhà báo công dân, ông Vinh cũng tham gia nhiều sự kiện quan trọng: những vụ cưỡng chế đất đai, những cuộc gặp mặt của các blogger ủng hộ dân chủ.

Thứ hai, có thể là do nguồn gốc gia đình. Sinh thời, cha của Nguyễn Hữu Vinh từng là đại sứ Việt Nam tại Liên Xô. Bản thân Nguyễn Hữu Vinh là một sĩ quan an ninh trước khi ông ấy lập blog. Khi còn nhỏ, ông ấy từng được gặp Hồ Chí Minh…

Scott E. Flipse: Bác Hồ?

ĐT: Vâng. Nói chung, kiểu người phản tỉnh như Anh Ba Sàm thường bị an ninh và chính quyền Việt Nam rất ghét; họ coi những người như ông ấy là “kẻ phản bội”. Và thứ ba, ông ấy có nhiều thông tin, nhiều kinh nghiệm về chế độ. Bản thân Anh Ba Sàm vốn là công an cho tới khi ông bỏ việc và thành lập một công ty riêng, đó là công ty thám tử tư đầu tiên ở Việt Nam. Theo tôi biết thì tới 99% vụ việc mà họ nhận là vợ theo dõi chồng ngoại tình và ngược lại (cười).

Scott E. Flipse: Haha, có khi ở Mỹ cũng thế đấy!

ĐT: Có lẽ thế. Đối với nhiều người trong giới nhà báo và blogger chúng tôi thì ông ấy là một người bạn rất tốt. Nói đơn giản thế này: Trang Ba Sàm là một nguồn cung cấp thông tin tổng hợp cho chúng tôi. Và đôi khi, có những bài báo bị kiểm duyệt, không thể xuất bản, thì tác giả của nó có thể gửi nó cho Ba Sàm đăng tải hoặc xử lý thế nào đấy… Bằng cách đó, ông ấy đã đem đến rất nhiều thông tin cho cộng đồng. Tôi cho rằng đó là một đóng góp lớn cho xã hội, và nó thể hiện đúng niềm tin của ông ấy: Con đường duy nhất để Việt Nam chuyển hóa dân chủ một cách ôn hòa, là phải thông qua giáo dục, khai dân trí, cho người dân hiểu được về quyền của mình (human rights education).

Scott E. Flipse: Công an cho rằng đó là một tội ư?

ĐT: Họ nói “đây là một vụ án nghiêm trọng, có tổ chức”. Thật ra, Ba Sàm bị buộc tội là đã đăng tải, tôi xin nhấn mạnh là chỉ mới đăng tải thôi, 24 bài viết lên hai website mà họ cho là của ông ấy. Quả thật, ngay cả điều đó có đúng sự thật đi chăng nữa thì 24 bài viết cũng hết sức ôn hòa; nhiều bài chủ yếu kêu gọi một sự thay đổi từ bên trong Đảng Cộng sản. Còn hơn cả ôn hòa nữa kia.

Scott E. Flipse: Để tôi kể bạn nghe chuyện này. Cách đây ít lâu, tôi đã đến Việt Nam. Trong một buổi họp của chúng tôi với Bộ Công an, một quan chức cấp cao của Bộ – ngồi đối diện tôi, ở phía bên kia bàn – đã nói thế này: “Ở Việt Nam, người dân có thể phát biểu bất cứ điều gì họ muốn, chỉ với một điều kiện là họ không được tập hợp lại. Một khi họ tập hợp lại thì khi đó sẽ là một tội hình sự, liên quan đến vấn đề an ninh”.

ĐT: Trời ơi, họ nói như thế với ông thật sao?

Scott E. Flipse: Đúng thế đấy.

ĐT: Nhưng đó rõ ràng là vi phạm quyền tự do hội họp…

Scott E. Flipse: Với họ, điều quan trọng không phải là bạn nói gì, mà quan trọng là khi những điều bạn nói khiến cho mọi người tập hợp lại, tổ chức lại; hoặc là khi bạn nói một điều gì đó, rồi bạn gặp một người khác và các bạn quyết định phát biểu điều đó cùng nhau. Đấy chính là khía cạnh tổ chức, và là cái mà chính quyền Việt Nam không chấp nhận, chứ không phải là chuyện quan điểm của bạn. Bạn được tự do nói, nhưng không được tự do tổ chức.

ĐT: Vậy trường hợp của Ba Sàm chắc là như thế. Vào lúc cao điểm, trang mạng của ông ấy đạt tới hơn 200.000 lượt đọc một ngày, cao hơn nhiều so với báo chí quốc doanh nói chung.

Scott E. Flipse: Hầu hết từ Việt Nam?

ĐT: Hơn 2/3 người đọc là từ Việt Nam. Ông biết không, thật sự tôi rất muốn đánh động công luận về vụ việc này. Bắt người vì Điều 258 quá dễ. Nhưng quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin cần phải được bảo vệ. Nếu Anh Ba Sàm được bảo vệ, thì cũng có nghĩa là các blogger khác sẽ được bảo vệ. Vậy mà ông ấy đã bị giam từ tháng 5 tới nay, và bị từ chối nhiều quyền của người bị tạm giam, như quyền được tiếp xúc với gia đình, quyền được thông tin…

Scott E. Flipse: Bao giờ thì họ xử ông Vinh?

ĐT: Tôi chẳng biết. Không một ai trong chúng tôi có thể tiếp xúc với ông ấy cả. Luật sư cũng rất khó khăn mới được gặp ông ấy.

Scott E. Flipse: Ông ấy bị giam ở đâu?

ĐT: Trại B14, ở ngoại thành Hà Nội. Đó cũng là một trại giam của công an.

Scott E. Flipse: (lắc đầu) Oh, no… Còn cô Minh Thúy, cô ấy cũng bị giam cùng nơi đó à?

ĐT: Tôi cũng không biết nữa. Chắc vậy, trong quá trình điều tra, công an thẩm vấn cả hai và có lẽ họ sẽ để hai người ở cùng trại cho tiện việc đi lại của họ.

Scott E. Flipse: Có thể chúng tôi sẽ liên hệ với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đại sứ quán cũng rất nhiều việc, nhưng chúng tôi hy vọng có thể coi đây là việc cần phải ưu tiên.

ĐT: Cảm ơn ông. Nhưng quả thật, chúng tôi muốn nhiều hơn thế nữa. Chúng tôi muốn một cơ chế bảo hiến, mặc dù tôi biết chuyện này chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Nói thế nào nhỉ, chúng tôi không chỉ muốn một yêu cầu “trả tự do ngay lập tức cho Anh Ba Sàm”. Mà chúng tôi muốn luật pháp Việt Nam phải được sửa đổi, Bộ luật Hình sự và các bộ luật quan trọng khác cần phải được cải tiến. Ông nghĩ liệu có cách nào để chúng tôi thực hiện được những đòi hỏi đó không?

Scott E. Flipse: Bạn biết đấy, Bộ luật Hình sự Việt Nam có rất nhiều điều luật cần xem xét lại. Điều 258, 79, 88, 89, cả 44 nữa… tất cả đều đã được thảo luận – một số thì do Mỹ đưa ra, một số thì do EU đưa ra – trong các cuộc đàm phán song phương. Nhưng họ chưa thay đổi gì cả.

Tôi có cảm giác là, hiện nay, cũng có một cơ hội nào đó, xét bối cảnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Tôi tin rằng quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam đang phần nào tiến triển hơn vì vấn đề Trung Quốc. Có lẽ sẽ có một cơ hội nào đó chăng.

Tôi không biết chuyện cơ chế bảo hiến thì thế nào, nhưng tôi nghĩ đến cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR. Tại các vòng UPR, tất cả các vấn đề luật pháp đều đã được đưa ra rồi, nhưng Việt Nam đều nói đó là việc của họ. Tôi vẫn tin rằng nước Mỹ có một số tác động đòn bẩy nào đấy đối với Việt Nam, vì Việt Nam cần Mỹ trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Chúng ta sử dụng điều đó như thế nào để tạo sự thay đổi, mới là câu hỏi đặt ra. Nói chung, nếu có được những quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ, như Ngoại trưởng John Kerry chẳng hạn, lên tiếng, thì sẽ rất có ích.

ĐT: Những blogger như chúng tôi đã nhiều lần muốn vận động chính sách ngay trong nước. Tại sao lại không thể chứ? Đã đến lúc phải làm gì đó. Nói thật với các ông, thật sự là một nỗi khổ tâm khi lúc nào cũng phải tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong những vấn đề mà đáng ra người Việt Nam, cả chính quyền lẫn người dân, phải ngồi lại với nhau để giải quyết. Nhưng chúng tôi không biết phải làm gì nữa. Họ không nghe chúng tôi. Những tiếng nói của người dân đơn giản là không bao giờ được chính quyền đếm xỉa đến.

Scott E. Flipse: Tôi hiểu. Tôi nhìn nhận thấy có một sự bất an trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, vì chính những điều các bạn đang làm: quyền tự do biểu đạt, tự do Internet, tự do tôn giáo, vận động nhân quyền… Đó là những điều mà chính quyền coi là mối đe dọa, bạn biết đấy, có những thể chế độc tài đã sụp đổ vì những điều ấy. Họ sẽ nghĩ, “cách mạng ôn hòa” ư, hay là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”? Trung Quốc cũng thế. (Scott E. Flipse là một chuyên gia về Trung Quốc – PV). Bắc Kinh không thấy có mối đe dọa từ bên ngoài nào cả. Tất cả các nguy cơ, các mối đe dọa, đều là từ bên trong hết. Và chính quyền Việt Nam cũng suy nghĩ hệt như thế, mặc dù rõ ràng là Việt Nam có một mối đe dọa lớn từ bên ngoài, là Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Bạn thì nói đơn giản đó là quyền tự do biểu đạt, tự do thông tin… nhưng tôi tin đây là những vấn đề quan trọng nhất, những vấn đề sống còn của chế độ. Không phải là chuyện quyền, hay tự do, hay điều tốt cho người dân, mà đây là vấn đề an ninh. Chính quyền của các bạn nghĩ như vậy. Đó là quan sát của tôi về chính quyền Việt Nam.

ĐT: Tôi hiểu điều đó. Cũng như tôi hiểu rằng, luôn có một sự mâu thuẫn giữa quyền con người và an ninh quốc gia. Tiếc rằng các chính thể độc tài luôn lợi dụng vấn đề an ninh quốc gia để chà đạp quyền con người. Nói chung, cuộc đấu tranh vì các quyền tự do, dân chủ còn dài lắm. Chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên cho ông về các diễn biến trong vụ án blogger Anh Ba Sàm.


Bài liên quan: 

Friday 14 November 2014

Dân biểu Zoe Lofgren: “Chính quyền VN cần biết là có nhiều người đang theo dõi họ”


Chiều 13/11, tại văn phòng dân biểu Zoe Lofgren ở Washington D.C., nhà báo-blogger Đoan Trang đã có cuộc trò chuyện với bà Zoe Lofgren, nhân cuộc vận động của các blogger liên quan đến vụ án Anh Ba Sàm.

Dân biểu Zoe Lofgren: Nhìn chung, tôi giả định rằng chính phủ Việt Nam cần Mỹ, vì vấn đề Trung Quốc. Vì thế cho nên chúng tôi sẽ không để lỡ cơ hội này đâu (cười). Ngược lại, chúng tôi sẽ tận dụng nó để đòi hỏi một số tiến triển về nhân quyền ở Việt Nam.

Như tôi được biết thì ở Việt Nam có hàng trăm tù nhân lương tâm, mà Anh Ba Sàm chỉ là một trong số đó. Bạn đánh giá như thế nào về blogger này?

Đoan Trang (ĐT): Vâng, chưa có thống kê chính thức nhưng ở Việt Nam hẳn phải có hơn 100 tù nhân lương tâm. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Vinh là một trường hợp rất đặc biệt. Ông cũng lập ra blog và website, như nhiều người khác, và các website của ông thu hút hàng nghìn người đọc. Đây là logo và slogan của website Thông Tấn Xã Vỉa Hè. Slogan của nó là “phá vòng nô lệ”. Ông ấy tin rằng có thể phá vòng nô lệ bằng cách nâng cao dân trí, bằng cách làm cho người dân hiểu về các giá trị của dân chủ và tự do.

Nhưng điều quan trọng hơn ở ông, với cá nhân tôi, đó là, ông gần như đã cho những nhà báo quốc doanh như tôi, như chúng tôi, thấy một cách làm báo mới: khách quan, chính xác, bảo vệ nguồn tin. Thật ra đa số nhà báo Việt Nam lâu nay vẫn được huấn luyện để tin rằng báo chí là một công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, và nhiệm vụ của nhà báo là giải thích và phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của lãnh đạo cho dân chúng. Ba Sàm đã cố gắng thay đổi điều đó. Bằng việc đăng tải nhiều bài viết, bài dịch mà báo chí quốc doanh không thể đăng, kèm bình luận, ông ấy muốn nói với dân chúng, trong đó có cả các nhà báo, rằng có vô số điều đang diễn ra ngoài kia và nhiệm vụ của truyền thông là phải truyền tải chúng. Ông ấy từng nói: “Những bài viết, sự kiện, những cơ quan, tổ chức… có điều gì hay/dở, những con người tốt/xấu đều có thể được hội tụ về đây, phơi bày, cọ sát, so sánh, được đông đảo cư dân mạng khắp trong ngoài nước tức khắc nhận biết. Kẻ xấu bị vạch mặt phải biết sợ, người tốt được động viên, gắn bó”.

Zoe Lofgren: Rất hay…

ĐT: Vâng, và blogger chúng tôi rất nhớ ông ấy. Tôi nhớ hình ảnh ông ở các cuộc biểu tình ở Hà Nội, với cái đèn treo trước trán như thế này này. Ông ấy đã luôn có mặt ở những nơi đó: biểu tình, tuần hành trên đường phố, cưỡng chế đất đai, những cuộc họp mặt của giới blogger… Ông ấy đã luôn ở đó, chụp ảnh, làm tin và đưa lên blog.

Zoe Lofgren: Hay quá. Bạn biết đấy, nước Mỹ cũng không phải hoàn hảo. Chúng tôi có rất nhiều vấn đề. Nhưng điều quan trọng là cần có những kênh truyền tải thông tin, điều quan trọng là chúng ta phải trung thực, phải thừa nhận những vấn đề ấy, và tìm cách xử lý chúng.

ĐT: Tôi nghĩ Ba Sàm cũng nghĩ vậy. Và ông ấy đã là một kênh như thế. Ông thành lập website Thông Tấn Xã Vỉa Hè từ tháng 9/2007, và đã sống trong sự sách nhiễu, theo dõi của lực lượng an ninh suốt gần một thập niên qua.


Zoe Lofgren: Sức khỏe của ông ấy hiện thế nào?

ĐT: Theo tôi biết thì không được tốt. Có một vài vấn đề.

Zoe Lofgren: Sở dĩ tôi hỏi vậy, vì đôi khi dường như những người có vấn đề về sức khỏe thì có cơ may được can thiệp để trả tự do sớm hơn. Chính phủ nói chung không muốn thừa nhận các vấn đề về sức khỏe của tù nhân là do họ gây ra, cho nên họ sẽ tìm cách “đuổi” các tù nhân ra sớm. Có lẽ thế.

ĐT: Tôi biết là Nguyễn Hữu Vinh bị một chứng bệnh gì đó – tôi không biết tên gọi tiếng Anh của nó là gì – nó khiến ông ấy chịu lạnh rất kém. Cái khổ là Hà Nội đang vào đông rồi, mà ông ấy thì không được gặp gia đình để có thể nhận chăn màn tiếp tế…

Zoe Lofgren: Ông ấy bị giam ở Hà Nội à?

ĐT: Không, ở một trại giam ngoại thành Hà Nội. Tôi được biết là vợ của ông Vinh đã cố tìm cách gặp ông ấy và gửi chăn màn cho ông ấy, nhưng không được. Miền Bắc đang vào đông, thời tiết cũng lạnh như ở D.C. đây. Và ta thử hình dung xem, ông ấy phải nằm trên bệ xi măng để ngủ. Một cảm giác ớn lạnh đến xương.

Zoe Lofgren: Quá tệ. Tôi nghĩ là chúng tôi có thể cùng thảo một lá thư gửi chung đến chính quyền Việt Nam. Tôi cũng sẽ liên hệ với Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam để xem họ có đề xuất gì thêm về trường hợp này không.

ĐT: Với trường hợp Minh Thúy, tình hình có lẽ còn tệ hơn. Tôi muốn nói đến người cộng sự của ông Vinh. Hoàn cảnh gia đình của cô ấy hiện nay rất khó khăn. Cô Thúy đã ly dị và có hai đứa con nhỏ mới 7 tuổi. Hiện giờ chúng ở với bà ngoại.

Zoe Lofgren: Cô ấy đang bị giam ở đâu? Có cùng trại giam với ông Vinh không?

ĐT: Nói thật là chúng tôi không có cách nào tiếp cận với cô ấy cả. Cá nhân tôi không biết cô ấy đang ở đâu, nhưng có lẽ cũng tại trại giam đó. Cả ông Vinh và cô Thúy đều bị bắt cùng một ngày.

Zoe Lofgren: Thật tội nghiệp. Chúng ta phải đề cập cả đến cô ấy nữa. Chúng ta nên làm cho chính quyền Việt Nam nhận ra rằng có rất nhiều người đang theo dõi họ, xem họ làm gì.

ĐT: Cảm ơn bà. Tôi xin nói thêm rằng, chúng tôi không muốn coi vụ việc của Nguyễn Hữu Vinh chỉ là một vụ việc cá nhân, cũng như không chỉ đòi hỏi trả tự do cho ông Vinh. Chúng tôi muốn xem xét lại toàn bộ Bộ luật Hình sự và các điều khoản mơ hồ, hà khắc của nó…

Zoe Lofgren: Tôi biết rồi. Các bạn muốn một sự thay đổi, các bạn muốn Việt Nam tự do, dân chủ chứ gì?

ĐT: (cười) Trời ơi, sao mà bà nói giống một nhân viên an ninh Việt Nam thế?

Dù sao đi nữa, nếu bà cũng như bất kỳ dân biểu Mỹ nào lên tiếng, như bà Loretta Sanchez chẳng hạn, thì bà phải chuẩn bị tinh thần là sẽ sớm được đưa vào danh sách những nhân vật bị báo chí của công an và quân đội ở Việt Nam tấn công. Tôi có một người bạn làm giám đốc điều hành của một tổ chức nhân quyền quốc tế. Anh này có lần bị “dư luận viên” hay là báo chí của công an, quân đội gì đó gọi là “con lừa”. Tôi kể lại cho anh ấy nghe, anh cười phá lên: “Chẳng sao cả. Tôi là đảng viên Đảng Dân chủ mà. Biểu tượng của đảng Dân chủ là con lừa”.

Zoe Lofgren: Haha, tôi cũng vậy.

ĐT: Phải nói thật là tôi không hiểu tại sao chính quyền lại bắt Anh Ba Sàm và Minh Thúy. Họ hết sức ôn hòa. Tôi tin những người như ông Vinh là cơ hội mà chính quyền Việt Nam có thể nắm lấy nếu họ muốn một sự chuyển đổi ôn hòa về chính trị. Mong muốn duy nhất của ông Vinh là khai dân trí, nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức của người dân, để từ đó dân chủ và tự do sẽ đến với Việt Nam. Có lẽ họ ghét ông ấy vì ông ấy có tính hài hước chăng? Ông ấy có nhiều comment châm biếm họ lắm. Ông ấy còn cười chính mình nữa. Bà biết đấy, ông ấy tự xưng là “Anh Ba Sàm” (gossiper).

Zoe Lofgren: Và ông ấy cũng châm biếm, biến chủ nghĩa cộng sản thành trò đùa, phải không?

ĐT: Đúng như vậy.

Zoe Lofgren: Thì đó là cái mà những người cộng sản ghét nhất. Khi nào người dân bắt đầu cười nhạo họ là khi họ bắt đầu phải lo sợ.

----------

Dân biểu Zoe Lofgren sinh năm 1947, nguyên là một luật sư, tốt nghiệp ĐH Stanford ngành khoa học chính trị và lấy bằng luật (juris doctor) tại trường luật của ĐH Santa Clara. Bà là đảng viên đảng Dân chủ, vào Hạ viện từ năm 1995. Bà cũng là một chuyên gia về sở hữu trí tuệ và đặc biệt, luôn ủng hộ quyền của người nhập cư.


Friday 7 November 2014

Quyền im lặng gây “phiền nhiễu” như thế nào?

(Luật Khoa tạp chí)  Công luận Việt Nam vừa có vài tuần ồn ào lên với vấn đề “quyền im lặng”. Cần phải nói rằng, với giới luật học, khái niệm này không quá xa lạ, nhưng với đông đảo người dân thường, dường như nó vẫn là một điều gì rất khó hiểu và khó thực hiện: Tại sao lại cho “bọn tội phạm” quyền im lặng? Như thế có gây khó khăn cho hoạt động điều tra không? Mà gây khó khăn cho hoạt động điều tra, suy cho cùng, là gây tốn kém nguồn lực của xã hội, và nguy hiểm nhất là dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm… LKTC tin rằng những câu hỏi đó là thắc mắc chung của rất nhiều người về vấn đề quyền im lặng. Hy vọng bài viết sau đây có thể giải đáp phần nào thắc mắc của các bạn.

Một ý kiến tiêu biểu cho những ý kiến băn khoăn về quyền im lặng, là của Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: “Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. (…) Nếu mở rộng quá nhiều quyền dẫn tới tùy tiện thì lại gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án”. (Chương trình Sự kiện và Bình luận, VTV, 27/9/2014).

Vậy, thực sự thì quyền im lặng có phải quyền con người không?

Từ giác độ luật pháp nhân quyền quốc tế

Tháng 7-2007, Ủy ban Nhân quyền của LHQ ban hành bản Bình luận Chung (General Comment) số 32, trong đó, Điều 14 của Bình luận Chung này chuyên về “quyền được bình đẳng trước tòa án và quyền được xét xử công bằng”.

Điều khoản đó được coi như một chuẩn mực của công pháp quốc tế về nhân quyền. Nó phát biểu rằng:

Ngay cả trong quá trình điều tra hình sự, người bị bắt vẫn phải tiếp tục được hưởng các quyền và quyền tự do căn bản, mặc dù có những hạn chế nhất định vốn là tính chất cố hữu của việc bị tước đoạt tự do thân thể. Bên cạnh quyền được gặp luật sư, các cơ chế bảo vệ người bị bắt trong quá trình thẩm vấn còn bao gồm việc cấm ép người bị bắt phải nhận tội hoặc tự khai điều gì bất lợi cho bản thân, bác bỏ những bằng chứng thu được bằng biện pháp tra tấn hoặc ngược đãi, và quyền có phiên dịch, quyền được tiếp cận những hồ sơ, biên bản ghi lại tiến trình thẩm vấn”.

“Bất kỳ ai bị tình nghi hoặc bị cáo buộc phạm tội đều có quyền được giả định là vô tội và được đối xử như là người vô tội cho đến bị chứng minh là có tội, theo luật định, tại một phiên xét xử trong đó họ được bảo đảm tất cả những gì cần thiết để bào chữa. Nghĩa là:

  • Nguyên tắc suy đoán vô tội phải được bảo đảm cả trong giai đoạn điều tra lẫn trong giai đoạn xét xử;
  • Việc bị giam trước khi xét xử, bảo lãnh bị từ chối, hay bất kỳ phát hiện nào về trách nhiệm dân sự phải chịu, cũng không có ảnh hưởng nào làm tổn hại đến nguyên tắc suy đoán vô tội; và 
  • Các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ tự kiềm chế để không kết án trước khi xét xử, chẳng hạn, bằng cách tránh đưa ra các phát biểu công khai xác nhận bị cáo có tội.

Tất cả những người bị cáo buộc phạm tội hay bị bắt đều không ai có thể bị ép phải thú tội, tự buộc tội mình hoặc khai điều gì chống lại bất kỳ người nào khác. Tất cả những người bị cáo buộc phạm tội đều có quyền giữ im lặng trong suốt quá trình thẩm vấn”.

Một án lệ của Tòa án Nhân quyền châu Âu năm 1995 cũng đưa đến nguyên tắc: Bị cáo không phải chịu trách nhiệm về những chậm trễ do bị cáo gây ra khi sử dụng quyền im lặng hay khi không chủ động hợp tác với cơ quan tư pháp. Chỉ có thể quy sự chậm trễ trong tiến trình tư pháp cho bị cáo trong trường hợp bị cáo có hành vi cố ý cản trở phiên tòa.

Như vậy, câu trả lời là: Quyền im lặng là một trong các quyền con người – ấy là theo chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Nó là một phần của quyền được bình đẳng trước tòa án, quyền được xét xử công bằng, quyền của các nghi can – tức là những người bị tình nghi phạm tội và đang bị điều tra… (LKTC sẽ tiếp tục có các bài viết giới thiệu về những quyền này).

Địa chỉ trang Luật Khoa: http://luatkhoa.org 

Quyền im lặng có gây khó khăn cho công tác điều tra?

Câu trả lời tất nhiên là: Có. Không cần đặt mình vào hoàn cảnh nhân viên điều tra thì bạn cũng có thể thấy điều này. Và phải nói thêm rằng, không chỉ quyền im lặng, mà quyền không bị tra tấn, quyền không bị bắt giữ tùy tiện, quyền được chống lại việc bắt giữ, v.v. tất cả những quyền con người trong điều tra hình sự đó đều “gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, giải quyết vụ án”, như Đại biểu Đỗ Văn Đương đã nói.

Luật pháp nói chung, quy trình tố tụng nói riêng càng đảm bảo những quyền này, thì công việc điều tra càng có nguy cơ gặp trở ngại và bị kéo dài là vì vậy. Ở những quốc gia như Mỹ, Anh, thậm chí ngay tại một nước láng giềng Đông Nam Á của chúng ta là Philippines, có những vụ án kéo dài năm này qua năm khác. Người viết bài này từng chứng kiến quá trình điều tra và xét xử một phụ nữ Việt Nam bị cáo buộc mang cần sa nhập cảnh vào Philippines. Sau tới hàng chục phiên điều trần (hearing), việc xét xử vẫn chưa xong vì… bị cáo không có phiên dịch.

Mặc dù thế, ở các xã hội có truyền thống tự do hoặc có ý thức tôn trọng nhân quyền cao hơn, pháp luật vẫn hướng tới việc bảo đảm quyền im lặng cũng như các quyền “gây khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra” khác. Người ta tin rằng, tìm ra và trừng phạt kẻ có tội là một việc cần thiết và quan trọng – vì công lý; nhưng không kết tội oan, không mớm cung, bức cung, tra khảo, không hành hạ, không xử tử nhầm người vô tội, cũng là vấn đề công lý.


Wednesday 5 November 2014

"Luật học như cơm bình dân"

(Tựa đề trên mượn ý của tạp chí e-Chip trong một slogan từ năm 2003, “Tin học như cơm bình dân”)

Ngày này cách đây 14 năm với tôi là một ngày rất đặc biệt trong đời. Đó là ngày tôi xuất hiện lần đầu tiên ở một tòa soạn báo, với tư cách… thử việc. Và đó là tờ báo điện tử chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, VnExpress. Nói “đầu tiên”, bởi vì từ khi Việt Nam nối mạng Internet (năm 1997) cho tới trước khi VnExpress ra đời, cũng đã có một số trang mạng tiếng Việt hoạt động gần giống như báo điện tử rồi, trong đó có trang web của FPT, của VASC, v.v.; nhưng không có site nào được vận hành quy củ, bài bản, đúng nghĩa một tòa soạn báo cả - thời gian đó, nhìn chung các site ấy vẫn giống diễn đàn, hay trang tin nội bộ hơn.

Tôi rất nhớ mùa đông năm 2000 ấy và những ngày tháng đầu tiên làm quen với nghề báo của mình. Đôi khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung mình giống như một đứa trẻ, ngây ngô, ngơ ngác, cái gì cũng sợ, gặp ai cũng sợ. Sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất là viết sai. Phải nói thành thực là nỗi sợ ấy bám theo tôi suốt từ đó đến tận bây giờ, qua cả cái thời kỳ dịch những dòng đầu tiên về khoa học, tới thời viết về cộng đồng giới tính thứ ba, tới những ngày viết về nợ công, kinh tế học và chính sách công, những lần vừa viết về Biển Đông-Hoàng Sa-Trường Sa vừa run lẩy bẩy (nghĩa đen)…

Ngày 5/11 năm nay, đứa trẻ nhát như cáy của 14 năm về trước lại lọ mọ với một tờ báo mới mở khác, ở trong một lĩnh vực mà người ta rất dễ viết sai, rất dễ phạm sai lầm, và cái sai có thể gây di họa rất lớn: Luật Khoa tạp chí. Đó là một tạp chí bình dân về luật pháp và luật học, nhằm vào việc “cung cấp thông tin và kiến thức pháp lý cho cộng đồng”, “thúc đẩy việc học tập và nghiên cứu pháp luật ở Việt Nam”…


Địa chỉ trang Luật Khoa: http://luatkhoa.org
Facebook: http://facebook.com/luatkhoa.org

Tôi không học ngành luật (cũng như chưa từng được đào tạo về báo chí), không phải luật sư, thẩm phán, càng không phải nhà nghiên cứu luật học. Nhưng nhược điểm rất lớn đó lại cũng có thể là một thuận lợi: Tôi hiểu rõ tâm lý, suy nghĩ của những người chưa có kiến thức về luật pháp, tức là những “dân thường”. Tôi ý thức được nỗi sợ của người không biết gì về luật, mà lại không hiểu phải bắt đầu từ đâu để vượt qua cánh rừng rậm mênh mông đó. Tôi nhìn thấy cảm giác choáng ngợp của họ. Cũng như tôi hiểu (phần nào) thân phận của những công dân có việc dính tới “cửa quan” mà lại thấp cổ bé họng, chẳng biết tin vào ai, chẳng biết phải làm gì, nói chi tới việc sử dụng luật pháp để bảo vệ mình…

Tôi hiểu những cái đó, và tôi muốn cùng mọi người học để biết, học để xóa bỏ nỗi sợ hãi của sự không hiểu biết. Nhà báo thì rõ ràng chẳng phải thánh tướng gì, và những điều nhà báo viết rất có thể sai. Nhưng điều quan trọng (mà có lẽ ít người để ý) là quá trình một nhà báo viết và độc giả đọc, cũng là quá trình tất cả họ cùng học với nhau.

Và nói rộng ra, quá trình chúng ta cùng tìm hiểu về luật pháp và luật học chính là quá trình chúng ta đi những bước đầu tiên trên con đường xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tuesday 4 November 2014

"Bắt Anh Ba Sàm là trái pháp luật"

BẢN TIẾNG ANH/ ENGLISH


Xét trên cả bình diện pháp luật nội địa lẫn quốc tế, việc bắt và giam giữ blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) cùng cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy là hoàn toàn tùy tiện và trái pháp luật.

Quy trình tố tụng sai từ đầu

Vụ án Anh Ba Sàm mở màn ngày 5/5 với việc bắt khẩn cấp ông Nguyễn Hữu Vinh và sau đó là bà Nguyễn Thị Minh Thúy.

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, quyết định bắt khẩn cấp khác với quyết định bắt thông thường ở chỗ nó không cần sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp trước khi thi hành. Việc phê chuẩn sẽ được tiến hành sau khi bắt người, trong vòng 12 tiếng kể từ khi Viện Kiểm sát nhận được đề nghị phê chuẩn từ cơ quan điều tra.

Quy định này trao cho cơ quan điều tra quyền hành động ngay lập tức, không chịu bất cứ sự kiểm soát nào, và hạn chế tối đa nguy cơ rò rỉ thông tin.

Tuy nhiên, quyết định bắt giữ khẩn cấp này của Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) lại không nằm trong bất cứ trường hợp nào được phép bắt khẩn cấp theo quy định tại Điều 81, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

Theo đó, việc bắt khẩn cấp chỉ được tiến hành trong trường hợp (i) khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; (ii) khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; và (iii) khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Cả ba trường hợp nêu trên đều dễ dàng bị loại bỏ, bởi Điều 258, Bộ luật Hình sự không thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, không có người bị hại nào hoặc người nào có mặt tại nhà và văn phòng của ông Vinh và bà Thúy trông thấy họ đang thực hiện tội phạm gì, và cơ quan điều tra không chứng minh được dấu vết tội phạm gì ở người hoặc chỗ ở của hai người này. Bằng chứng là theo Bản Kết luận điều tra số 14/KLĐT ngày 30/10, tất cả các đồ vật thu giữ được tại nhà và văn phòng của họ đều được kết luận là “không liên quan trực tiếp đến vụ án”.

Việc sai phạm ngay từ khâu bắt giữ dẫn đến sai phạm của toàn bộ quy trình tố tụng sau đó.

Vi phạm quyền bí mật thông tin cá nhân

Bản Kết luận điều tra còn trực tiếp tiết lộ phương pháp thu thập chứng cứ trái pháp luật của cơ quan công an, mà những chứng cứ này lại được dùng làm cơ sở để ra quyết định bắt khẩn cấp đối với ông Vinh và bà Thúy.

Điều đó được thể hiện rõ ngay trang 1 của bản Kết luận điều tra, trình bày rằng vụ án đã được bắt đầu từ ngày 01/4 khi Cục Bảo vệ Chính trị 6 – Tổng cục An ninh I – Bộ Công an gửi Công văn cho Cơ quan An ninh Điều tra, cung cấp dữ liệu theo dõi hai thuê bao Internet (đăng ký với nhà mạng VDC và FPT) của ông Vinh và bà Thúy, với kết luận “thường xuyên đăng tải trên Internet các bài viết có dấu hiệu xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Điều này không khỏi khiến những ai quan tâm đặt ra một số câu hỏi: Liệu công an có được phép theo dõi và sao chép dữ liệu truy xuất Internet của người dùng hay không? Nếu công an muốn theo dõi và sao chép dữ liệu đó thì nhà mạng có nghĩa vụ cung cấp hay không? Và nhà mạng có được phép cung cấp dữ liệu của khách hàng cho công an hay không?

Một số người khác sẽ liên tưởng đến một chi tiết tuy nhỏ mà không nhỏ trong các vụ án ở phương Tây: Cảnh sát chỉ được phép nghe trộm điện thoại của công dân khi được tòa án cho phép.

Đối với pháp luật Việt Nam, câu trả lời có thể dễ dàng được tìm thấy tại Điều 38, Bộ luật Dân sự về quyền bí mật đời tư, theo đó, “thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”.

Điều 72 của Luật Công nghệ thông tin cũng nghiêm cấm việc xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.

Tuy vậy, một số người có thể trích dẫn chính Điều 38, Bộ luật Dân sự để phản bác, rằng việc kiểm soát thư tín và thông tin điện tử vẫn có thể tiến hành theo quy định của pháp luật VÀ khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy nhưng quy định đó là quy định nào và quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là quyết định nào thì bản Kết luận điều tra hoàn toàn không nhắc tới.

Nếu thực sự Bộ Công an được trao thẩm quyền theo dõi dữ liệu thuê bao Internet, và thực sự có quyết định của một cơ quan nào đó cho phép họ theo dõi thuê bao của ông Vinh và bà Thúy thì lại phải đặt một dấu hỏi lớn về tính hợp hiến, hợp pháp và hợp lý của các văn bản đó.

Cần lưu ý rằng, cho đến nay, hai văn bản trực tiếp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an là Nghị định số 77/2009/NĐ-CP và số 21/2014/NĐ-CP đều không được tìm thấy trên hệ thống công báo cũng như các website tra cứu văn bản pháp luật. Một số nguồn tin nói rằng chúng được đóng dấu Mật và không được phép công khai.

Nhà báo công dân. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Bắt giữ tùy tiện

Dưới lăng kính pháp luật quốc tế về nhân quyền, hành vi bắt và giam giữ ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy là sự vi phạm đối với quyền tự do thân thể của họ và được định nghĩa là hành vi bắt giữ tùy tiện.

Các Điều 9 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 và Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 đều khẳng định “không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách tùy tiện”.

Việt Nam là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc và đã ký kết, tham gia các văn kiện mang tính chất nền tảng và trụ cột này của luật nhân quyền quốc tế.

Quy định khá khái quát của hai văn kiện nêu trên, trong một nền pháp trị bình thường và với sự độc lập của hệ thống tư pháp, bao giờ cũng được giải thích và thực thi gần với công lý xã hội nhất, tiệm cận nhất có thể với điểm cân bằng giữa quyền của các cá nhân và sự an toàn của xã hội.

Vào năm 2000, Nhóm làm việc về bắt giữ tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, một cơ quan bao gồm các chuyên gia nhân quyền độc lập chuyên điều tra các vụ bắt giữ tùy tiện ở các quốc gia thành viên, đã đưa ra một bộ ba tiêu chí cơ bản để xác định khi nào thì một hành vi bắt giữ được coi là tùy tiện.

Trong số ba tiêu chí đó, việc bắt giữ do thực thi các quyền tự do được quy định trong các văn kiện về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ được coi là tùy tiện và được xếp vào Mục II (Category II).

Mặc dù ông Vinh và bà Thúy không khai nhận 24 bài viết được nêu trong bản Kết luận điều tra là do họ đăng tải, nhưng việc công an cho rằng họ đã đăng những bài viết đó và tiến hành bắt giữ họ, không gì khác hơn là sự vi phạm quyền tự do ngôn luận, và rơi vào Mục II nêu trên.