Saturday 22 December 2007

Loại giặc thứ tư




Tổng kết tình hình thực hiện chính sách “toàn dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, môtô”, sau một tuần: Thắng lợi! Đó là hai từ chuẩn xác nhất được dùng để đánh giá tình hình chiến dịch. Có thể nói chiến dịch bước đầu đã thắng lợi to lớn, thành công vượt quá mức mong đợi, thực sự tạo nên một cuộc cách mạng về nhận thức, một nét văn hóa mới của người tham gia giao thông…


Sinh thời Ông Cụ từng dạy, ở Việt Nam có ba thứ giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngẫm ra Ông Cụ dạy chẳng sai cái gì. Nay ta học tập Cụ, xác định thêm một thứ giặc nữa, gây hại không kém ba thứ kia, đó là giặc bướng. Bọn này hết sức nguy hiểm, chúng chống phá ta từ trong ra ngoài, từ những chuyện nhỏ như tăng giá xăng dầu đến những chuyện lớn như bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường. Chúng làm bạn đồng hành thân thiết, tiếp sức cho cả giặc đói, giặc dốt lẫn giặc ngoại xâm.

Chính vì vậy, dù chiến dịch “đội mũ bảo hiểm” đã thắng lợi bước đầu, nhưng tôi vẫn đề nghị tất cả các đồng chí: Chúng ta vẫn cần nâng cao cảnh giác, không một phút nào lơ là, ngơi nghỉ đấu tranh chống bọn giặc bướng. Cần làm mạnh tay hơn nữa, xử lý quyết liệt các trường hợp không đội mũ bảo hiểm hoặc đội chỉ có tính chất đối phó. Đề phòng bọn giặc bướng có lắm mưu mô, thủ đoạn hòng qua mặt cán bộ, ta cần nêu rõ: Tất cả mọi người đã ngồi lên xe gắn máy và/hoặc môtô là phải đội mũ bảo hiểm, mũ phải buộc dây, mặt phải tươi tỉnh. Cái này là để đấu tranh với các trường hợp giặc bướng lý luận:


- Ơ, ơ các anh ơi, tôi chỉ đi ăn sáng từ bên này sang bên kia đường thôi mà.

- Ấy, tôi tưởng đi đường làng thì cần gì đội mũ bảo hiểm.

- Ô hay, tôi chẳng đội mũ đây là gì, chỉ có không buộc dây thôi. (Y như cái thằng nào trong cái chuyện gì ấy nhỉ, cầm đèn đi ngoài đường mà lại không thắp đèn, quan lại phải ra lệnh: “Ai đi đêm phải cầm đèn, đèn phải thắp, đèn tắt phải thắp lại”).


Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm ta còn diệt được. Chẳng lẽ với giặc bướng ta lại bó tay hay sao?



*

* *

Trong tuần đầu thực hiện “đội mũ bảo hiểm”, phải nói là các chiến sĩ công an đã có nhiều sáng kiến rất hữu hiệu để tìm và diệt giặc bướng. Các anh kiên trì và nhẫn nại phục kích ở những nơi bất ngờ nhất, ví dụ các tuyến đường trong khu tập thể, đường làng đường xã… các điểm mà bọn giặc bướng không thể ngờ tới. Theo nguyên tắc, cứ ngồi lên xe máy/môtô là phải đội mũ bảo hiểm rồi, thế nên khi đi trong ngõ, trong khu tập thể, trong làng… bọn giặc bướng không đội mũ là sai luật rõ ràng. Chúng bị đánh úp, thảy đều trở tay không kịp.


Ngay ngày đầu thực hiện chính sách, Z20 đã làm xấu mặt chi bộ Z khi bị dân quân xã bắt tại trận với đầy đủ tang vật, là chiếc mũ bảo hiểm vứt trong giỏ xe thay vì úp vào đầu. Tính chất nghiêm trọng của vụ việc càng tăng thêm khi Z20 khệnh khạng xuống xe, tự xưng là nhà báo xuống xã để làm việc với UBND xã về tình hình thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm. Y vỗ vai các anh dân quân: “Các đồng chí nghiêm túc thế này là tốt, tôi khen. Bây giờ xin các đồng chí chỉ đường cho tôi vào làm việc với UBND xã”. Các anh dân quân tuy kiên định cách mạng nhưng chưa có bản lĩnh đối phó với giặc bướng nên cuối cùng đã thả cho Z20 đi.


Chi bộ Z dứt khoát sẽ yêu cầu Z20 tự kiểm điểm thật nghiêm khắc. Về phần tôi, Trang the Ridiculous, kiếp sau dứt khoát tôi sẽ làm công an. Mà sẽ cứ nhằm vào bọn nhà báo mà phạt thật lực. Càng làm nhà báo, càng phải phạt!

Friday 14 December 2007

Ngụy biện về mũ bảo hiểm




Ngày 15/12 năm nay chứng kiến một sự kiện trọng đại: Toàn dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy. Vào thời điểm này mà kẻ nào mở miệng chống đối chủ trương chung thì cách mạng ắt sẽ như một làn sóng quét sạch nó đi.

Giả sử Trang the Ridiculous có rên rỉ:

- Mình vừa làm tóc. Đội mũ bảo hiểm sẽ làm tóc của mình xẹp lép như con tép!

- Mình vốn có vẻ mặt lố bịch, mình sợ đội mũ bảo hiểm sẽ làm mình trông chững chạc.

Thì thể nào cũng bị một xô nước tuyên truyền hắt thẳng vào mặt: Tất cả chỉ là ngụy biện! Hãy đội mũ bảo hiểm!

Ừ thì đội vậy.


Đội thì đội nhưng tôi thấy không phục, không phục. Tức thì không tức nhưng nghĩ nó cay: Các nhà kinh tế, các học giả về chính sách công đâu hết rồi, lên tiếng đi chứ! Giá mà bây giờ toàn bộ sinh viên các trường kinh tế - chính sách xã hội kéo nhau xuống đường tuần hành “Say no to mũ bảo hiểm” thì tôi sẽ vô cùng tự hào được có 4,5 năm ngồi dưới ghế ĐH Ngoại thương.


Nói phét vậy, chứ báo chí còn phải im hơi lặng tiếng thì các nhà kinh tế làm được gì? Ai có ý kiến phản đối lúc này khác gì một con lừa có cá tính, tự nhiên lại cất lên một nốt nhạc ngang như cua trong bản nhạc hùng tráng.


Phải cái… tức thì không tức nhưng nghĩ nó cay, chẳng gì thì bộ tóc của Trang the Ridiculous cũng có phải rơm rác đâu. Thôi mình xin phép làm con lừa có cá tính một lúc vậy.




1

Không hiểu sao (các) tác giả của chủ trương đội mũ bảo hiểm này cứ cố đánh đồng việc giảm tỷ lệ chấn thương sọ não do TNGT với việc giảm tỷ lệ TNGT. Đúng là đội mũ bảo hiểm thì có thể, với một xác suất cao, hạn chế nguy cơ bị chấn thương sọ não khi gặp TNGT thật, cũng như ăn gạo lứt giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư. Nhưng chính vì thế, việc đội mũ bảo hiểm chỉ nên được tuyên truyền, khuyến khích thay vì trở thành một thứ chính sách bắt buộc trên diện rộng. Cùng lắm thì chúng ta chỉ bị ép phải xem thật nhiều đoạn phim quảng cáo, nghe thật nhiều bài hát “mũ bảo hiểm ca”, kiểu như: “Anh tặng em chiếc nón bảo hiểm quê mẹ, mang hình bóng quê hương…”. Hip-hop hơn một chút thì là: “Helmet! Helmet! Oh ze ze!...”.

Nếu chỉ vì mũ bảo hiểm có thể làm giảm nguy cơ bị chấn thương sọ não mà các nhà làm chính sách bắt dân chúng đội, thì tôi thấy hơi lạ - sao tự nhiên các bác lại quan tâm sâu sắc đến một chuyện tương đối nhỏ (so với vô vàn chuyện khác nghiêm trọng hơn) như thế?


Cứ nhân rộng cái mô hình chính sách này ra toàn quốc, chẳng bao lâu nữa ta sẽ có thật nhiều chính sách tương tự. Ví dụ, tôi đề nghị báo đài khẩn trương tổ chức một chiến dịch quảng bá cho chính sách toàn dân ăn gạo lứt.

- Mình sợ ăn gạo lứt không đủ chất, mình sẽ không đủ sức làm việc mất.

- Mình không thích ăn gạo lứt, chán lắm!

-----> Tất cả chỉ là ngụy biện. Hãy ăn gạo lứt!

Vì ăn gạo lứt làm giảm xx% nguy cơ ung thư.




2

Có là con lừa có cá tính thì cũng hiểu rằng tỷ lệ chấn thương sọ não ở VN cao do tỷ lệ TNGT cao, mà tỷ lệ TNGT cao thì không phải do dân chúng ngu dốt không chịu đội mũ bảo hiểm, mà do cơ sở hạ tầng (chất lượng đường xá) và do số phương tiện giao thông “cá thể” (tức xe gắn máy) quá nhiều - cái này hơi hơi gần nghĩa với “ý thức của người tham gia giao thông còn thấp”. Nói một cách dài dòng, còn nhiều người ngồi xe gắn máy đi đường thì còn nhiều tai nạn giao thông, bởi xét về mặt tâm lý, một người điều khiển xe gắn máy có xu hướng vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu v.v. nhiều hơn một người điều khiển ôtô, và càng nhiều hơn một người điều khiển máy bay (theo định luật Ridiculous). Tất nhiên, tai nạn giao thông do ôtô và máy bay gây ra thì thường mang tính thảm họa, đó là mặt tiêu cực của vấn đề. Tần suất gây tai nạn thấp hơn nhưng tính chất tai nạn thì nghiêm trọng hơn.


Các tác giả của chính sách đội mũ bảo hiểm sẽ bảo: Ở nhiều nước trên thế giới, dân chúng đi xe đạp cũng đội mũ bảo hiểm. Ngay như xứ mọi Malaysia và Thái Lan ở gần ta, dân mọi ra ngoài đường đội mũ nhiều lắm, mình người thượng quốc chẳng có lẽ lại không đội làm gương cho chúng? Nhưng đường xá của bọn mọi kể ra cũng tốt, mà tham gia giao thông đa số là ôtô, lũ người đi xe máy xe đạp có một nhúm thôi, với lại chúng không có nạn ăn cắp như ở thượng quốc Việt Nam. Do đó, việc đội mũ bảo hiểm với chúng thuần túy là sự lựa chọn cá nhân, hãy cứ hành xử sao cho có lợi cho chúng.



3

Nhưng các bạn tin Trang the Ridiculous đi, đảm bảo là sau ngày 15/12, tỷ lệ chấn thương sọ não do TNGT, theo công bố của các cơ quan báo chí, sẽ giảm chóng mặt. Các nhà báo ắt hẳn tự biết mình sẽ phải làm gì. Quần chúng nói chung là nông nổi lắm. Hỡi dân chúng, ta thương mi…


Tỷ lệ chấn thương sọ não chắc chắn sẽ giảm, nếu khi tham gia giao thông các bạn đảm bảo được là: mũ bảo hiểm bền, không cản trở thính giác, không cản trở thị giác, không cản trở chuyển động của các khớp cổ, mặt…




4

“Kinh tế học bao gồm việc xem xét không chỉ những tác động ngắn hạn mà cả những tác động dài hạn của bất kỳ một chính sách hay biện pháp kinh tế nào; nó bao gồm việc theo dõi những tác động đó không chỉ đối với một nhóm cá thể nhất định mà với mọi nhóm trong xã hội.

90% các luận chứng kinh tế sai lầm trên thế giới - những luận chứng đang gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu - đều là hậu quả của việc bỏ qua bài học này. Chúng đều mắc một trong hai lỗi hoặc đôi khi cả hai: hoặc chúng chỉ tính đến các tác động tức thời của một chính sách hay biện pháp kinh tế, hoặc chúng chỉ xem xét các tác động này trên một nhóm cá thể nhất định và bỏ qua các nhóm khác”.


Đây là những dòng trích trong tác phẩm kinh điển “Hiểu kinh tế trong một bài học” (1946) của một nhà báo Mỹ, Henry Hazlitt. Trong trường hợp Việt Nam, những lời ấy nay quả nhiên ứng nghiệm: Chính sách “toàn dân đội mũ bảo hiểm” đã và sẽ khiến nhiều cửa hiệu Nón Sơn phá sản! Nói một cách Ngoại Thương, những nhóm cá thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách này sẽ còn mở rộng (nhưng nhất thời Trang the Ridiculous không nghĩ ra và không dám nói liều).




5

Ngụy biện một hồi cho bớt tức vậy thôi, ngày 15/12 tôi vẫn đội mũ bảo hiểm ra đường vì thứ nhất sợ công an phạt, thứ nhì sợ TNGT làm chấn thương sọ não. Chẳng gì thì tôi cũng có kinh nghiệm ngã đập đầu xuống đường một lần rồi. Cái mạng lố bịch chưa bị trời lấy đi nhưng kể ra cũng… đau phết đấy bà con ạ.

Lời kết: Các đồng chí ạ, tôi nhắc nhiều lần rồi: Nhà báo phải làm gương cho dân. Đội mũ bảo hiểm vào đi!

Friday 7 December 2007

Ngày Beatles (phần 2)




Đúng là tôi đã lớn lên cùng Beatles. Tôi đã hát Beatles suốt những buổi trưa mùa đông lạnh, kẽo kẹt đạp xe từ trường về nhà, đi qua hết con phố này đến con phố kia. Đã nghe nhạc Beatles vào những ngày cuối xuân đầu hạ, khi mây trời ánh lên một màu vàng hồng, báo hiệu mùa hè sắp về. Đã nghe nhạc Beatles vào những đêm “Noel trắng”, khi sương mờ phủ lên những tán cây xanh thẫm ở Hà Nội. Hay là khi trời chiều đỏ rực, tôi rì rầm hát “Across the Universe” mà tưởng như có hình bóng Paul McCartney bập bùng guitar giữa những đám mây vàng.

Tôi đã hò hét “Twist and Shout”, “Don’t Let Me Down”… trong những đêm 8/12 năm xưa, trên cái sân đầy cát ở ĐH Tổng hợp. Bụi bốc mù mịt. Sinh viên ôm choàng lấy nhau, ôm luôn cả anh bạn người Anh đi cùng tôi, gào thét: “Stand by me. Imagine there’s no country” trong một điệu nhảy điên cuồng, để rồi khi về anh bạn hỏi tôi: “Chẳng hiểu sao đến bây giờ thanh niên VN vẫn còn nhảy disco kiểu thế kỷ 15?”. Tôi chỉ muốn lắc đầu: “Ben thân mến ơi, anh làm sao hiểu được. Anh có biết vào những năm 60, thời hoàng kim của Beatles, khi cơn sốt Beatles tràn ngập phương Tây và các chàng trai cô gái Anh sống với những giai điệu rực lửa, thì Việt Nam còn đang làm gì và như thế nào không?”.

Tôi đã hát thầm Beatles khi lang thang đi tìm việc. Khi ngồi trên xe khách rời Hà Nội mà nước mắt tự nhiên ứa ra: “Doesn’t have a point of view. Knows not where he’s goin’ to. Isn’t he a bit like you and me?”. Đã rên rỉ “From this moment on I know exactly where my life would go. Seems like all I really was doing was waiting for you” khi ngồi co ro dưới chân cầu thang, bên một cái ống nước hoen rỉ, chờ TBT duyệt đăng bài viết đầu tiên thực sự của mình.


Nhạc Beatles là thứ âm nhạc cực kỳ trong trẻo, như Mozart của thế kỷ 20. Cái hay của nó chính là ở tinh thần yêu đời, trong sáng và rất đời thường toát ra từ giai điệu, ca từ và cách hòa âm. Sau Beatles, chẳng thiếu gì nghệ sĩ với chất giọng và kỹ thuật biểu diễn hơn hẳn họ, nhưng không một ai có được tinh thần đó nữa. Và họ luôn là người đi đầu, là những nghệ sĩ đổi mới không ngừng. Không cần phải là con nghiện Beat thì mới nhận ra sự khác biệt của Beatles qua từng thời kỳ: ngây thơ như khi mới bắt đầu (1963-1965) với những Anna, Misery, Love Me Do, Please Please Me; nồng nàn và rực lửa như thời 1965-1968 với It’s Only Love, Things We Said Today, A Hard Day’s Night; già dặn, phá phách và có màu sắc triết lý, gây ảo giác vào thời kỳ 1968-1969 với Strawberry Fields Forever, Lucy in the Sky with Diamonds… Nhạc Beatles đầy sức sống và tràn ngập tình yêu, tưởng như ai đang yêu mà nghe Beatles thì càng yêu mãnh liệt hơn.

“Something in the way----- she moves

attracts me like no other lovers.

Something in the way she woos------ me

I don’t want to leave her now…”


Frank Sinatra đánh giá Something là “bản tình ca đẹp nhất mọi thời đại”. Không biết nói thế thì có hơi quá không, tuy nhiên với tôi, không từ gì mô tả Something thích hợp hơn là “lả lướt và quyến rũ”, đúng là “attracts me like no other lovers”. Đó là thứ nhạc khiến người ta không thể không nhảy múa, nói một cách khác là khiến cho “đá cũng phải nhảy lên”, trong một niềm “vui bất tuyệt”. Đã bao giờ bạn ngồi bất động được khi nghe Beatles hát chưa?

It only makes me feel soooooo free as a bird…


Bạn sẽ muốn ngước mắt lên trời và hòa giọng cùng Beatles: “It only makes me feel sooooo free....”. Bạn sẽ có cảm giác rất muốn sống, rất muốn vươn lên “làm cái gì đó” (cái gì thì chẳng biết nữa), rất muốn sáng tạo, muốn tận hưởng cuộc sống với đủ màu sắc của nó. Nhạc Beatles là thứ âm nhạc, một cách tinh tế, tôn vinh sự sáng tạo. Ngay cả phim của họ cũng vậy, dù ngô nghê như A Hard Day’s Night hay trẻ con như Yellow Submarine. “Chiếc tàu ngầm màu vàng” - câu chuyện về cuộc phiêu lưu “giải cứu thế giới khỏi lũ yêu quái Blue Minies” của bốn chàng trai Beatles - có gợi cho bạn nhớ về cái thời bạn còn thích cầm bút chì, bặm môi vẽ nguệch ngoạc những nhân vật “chẳng ra cái giống gì” trong trí tưởng tượng của bạn? Băng qua những biển ma quỷ, xứ sở hạt tiêu, trở về quá khứ, dùng âm nhạc đánh tan yêu tinh… dường như không có một giới hạn nào cho sự sáng tạo của trẻ con, và Yellow Submarine đã tái hiện đúng sự điên rồ ngây thơ ấy.


Người lớn chúng ta liệu có bao giờ còn mong ước:
"I'd like to be
under the sea
in the octopus' garden
with you."


Hay là nhìn thấy cô gái có cặp mắt "kính vạn hoa" trên nền trời lấp lánh kim cương. Một ảo giác đầy những hình ảnh rực rỡ sắc màu. Có tờ báo VN từng đăng bài kêu gọi thanh niên "cảnh giác với các bài hát có thuốc độc", trong đó Lucy in the Sky with Diamond đứng đầu bảng với cái tên viết tắt thành LSD, và ca từ mô tả cảm giác lâng lâng khi say ma túy. Tôi không hiểu có phải thật như thế, nhưng không quan trọng. Tiếng guitar buồn bã như rơi từng giọt, những hình ảnh mơ màng "ngồi thuyền bồng bềnh trôi trên sông", "nền trời màu mứt", "cô gái có ánh nắng trong đôi mắt màu kính vạn hoa"... khiến tôi nghĩ bản thân bài hát này đã là một thứ ma túy rồi.



Còn tiếp

Wednesday 5 December 2007

Ngày Beatles (phần 1)




Tháng 12. Tháng 12 có ngày gì, bạn biết không? Giáng sinh, rồi 12 ngày đêm Hà Nội 1972. Còn nữa, cái ngày mà những người yêu nhạc Beatles coi là “ngày của bọn mình” - 8/12.

Hồi nhỏ, như mọi đứa trẻ thuộc thế hệ 7X, tôi lớn lên giữa một “thế giới âm nhạc”: Nhà không có cassette hay loa, đài gì, nhưng không lo thiếu nhạc, vì hàng xóm tứ phía xung quanh ai cũng rất hào hứng mở nhạc to hết cỡ. Đúng là một sự giao thoa văn hóa quy mô lớn. Các buổi trưa, chiều, tôi thường mò ra ngồi một mình ở máy nước đầu xóm để hưởng cái sự giao thoa văn hóa ấy.


Từ bên phải, cassette nhà này rỉ rả:

Từ ngày yêu em, anh hứa rất nhiều

Hứa rằng cả đời chí yêu mình eeeem


Bên trái da diết:

Chiêu quân nàng ơi, trỗi chi khúc bi ai não nuột, sương chiều nay lạnh buốt…


Một nhà khác:

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi? Để một mai tôi về làm cát bụi…


Cái đài Orionton của một nhà nào đó cố át đi tất cả bằng các giai điệu vui vẻ như Đường hành quân đi giữa mùa xuân, và những ca khúc đến giờ không còn mấy ai nhớ, như Tính tôi thích thể thao (hình như tác giả là nhạc sĩ Đỗ Nhuận?), hoặc một bài chế giễu thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự: “Phố tôi có một anh chàng mặt mũi khôi ngô, hàm răng trắng tinh, mắt thì sáng, mà lại hay cười… Anh chàng đẹp trai mà, nhưng ai ngờ chỉ thích ăn chơi…”. (Có ai biết gì về những tác phẩm này không?)


Rồi còn quan họ Bắc Ninh. Dân ca Nam Bộ - Lý đất đồng, Ru con, Lý con sáo. Nhạc xanh của Liên Xô - Sông Volga, Đôi mắt huyền, Cây bạch dương, Cây thùy dương, Cây liễu…


Tóm lại, tôi cứ để cho đủ loại nhạc đánh nhau trong đầu. Cho đến một ngày, hình như là năm lớp 2, trong đủ làn điệu âm thanh sôi nổi tứ phía, tôi nghe nổi lên một giai điệu - tuyệt đẹp, bằng một thứ tiếng không ai hiểu được.


(nhạc dạo…)
I get high when I see you go by, my, oh, my…

Ngay sau đó là một bản khác cũng hay và lạ không kém.


Tôi nhảy từ trên tường xuống đất, chạy băng tới ngôi nhà có thứ âm nhạc đó phát ra. Vốn là một đứa trẻ nhút nhát, nhưng tôi cũng đủ can đảm để lắp bắp hỏi anh hàng xóm, trống ngực đập thình thình: “Bài gì thế ạ?”. Anh hàng xóm cởi trần mặc quần đùi, vừa xỉa răng vừa quài tay lấy cho tôi cái vỏ băng cassette, đen sì, trên đó có ảnh chụp vài gương mặt đàn ông, và tên các bài hát. Anh không nói một lời (do không biết phát âm tiếng Anh), chỉ cho tôi tựa bài mà chúng tôi đang nghe: Nichelle. (Thật ra là Michelle, vỏ băng bị in sai, báo hại tôi mãi mấy năm về sau vẫn gọi nó là bài Nichelle).


Đó có phải là lần đầu tiên tôi nghe nhạc Beatles? Không chắc, vì sau này tôi còn được nghe nhiều giai điệu Beatles rất quen thuộc, tưởng như tôi đã nghe chúng từ lâu lắm rồi. Nhưng từ lần đó, tôi biết đó là những bài hát tiếng Anh, của một ban nhạc tên có chữ B ở đầu. Và tôi bắt đầu thèm được hát những bài đó. Phải biết tiếng Anh thì mới hát được. Vào thời gian ấy, nhiều trường ở Hà Nội vẫn chỉ dạy tiếng Nga, nên nếu học tiếng Anh, nghĩa là tôi phải đạp xe 7km để đi học tại một trường cấp II có dạy tiếng Anh. Và không bao lâu sau tôi đã trở thành trùm đi học muộn của lớp. Chẳng sao, tất cả chỉ vì một mong ước rất trẻ con: một ngày nào đó sẽ nghe và hát được lời những ca khúc của cái bọn gì ấy.


Trong suốt thời gian này, anh hàng xóm tiếp tục đầu độc cả khu bằng những sản phẩm độc hại của CNTB. Anh chỉ có mỗi một băng Beatles thời kỳ 1966 - 1969 ấy thôi, nên tôi cứ liên tục được nghe Get back, Hey Jude, Here There and Everywhere, I Will, Let It Be (thách người nào mới học tiếng Anh mà nghe và hiểu được nghĩa của cụm từ này đấy!), Something... khoảng gần 30 bài. Mãi về sau này anh mới tiếp tục với các bài hát khác như Put Your Hands on My Shoulders, You Mean Everything to Me, We Are the World… Lạ một điều là anh không hề biết tiếng Anh, không hiểu vì sao anh lại thích Beatles và nhạc quốc tế đến thế. May mắn cho tôi là Beatles dùng một thứ tiếng Anh đơn giản đến mức tôi không cần phải học đến mấy năm mới hát được những câu đầu tiên. Lớp 7 bắt đầu một quá trình tôi vật lộn với cái cassette nhà hàng xóm để nghe và chép lại các bài rõ tiếng nhất. Bắt đầu một quá trình mượn sổ bài hát của bạn bè để chép các bài hát Beatles với những hàng chữ tiếng Anh sai chính tả, sai ngữ pháp nhoe nhoét. Trên vở và giấy nháp, xen giữa những dòng thóa mạ thầy cô giáo kiểu như “mụ điên, ghét thế đã là những từ tiếng Anh rất long lanh: I get high when I see you go by, my, oh, my


Và tôi lớn lên cùng nhạc Beatles...