Saturday 24 September 2016

"Thả chị ấy ra đi, tôi sẽ ký" (Kỳ đầu)

Vì nhiều lý do, tôi hầu như không bao giờ tường thuật lại các buổi làm việc với bên an ninh. Tuy nhiên, buổi làm việc ngày 22/9 vừa qua (kéo dài suốt phiên xử Anh Ba Sàm) có một số điều mà tôi nghĩ có thể mang lại kiến thức pháp luật cho cả người dân thường lẫn anh em đấu tranh dân chủ, nên tôi sẽ “phá lệ”, viết về nó để độc giả – tất nhiên, kể cả nhân viên an ninh – tham khảo nếu quan tâm.


* * *

Biết là vào các dịp đặc biệt (ví dụ như có biểu tình, có quan khách quốc tế nào đó liên quan tới vấn đề nhân quyền sang thăm Việt Nam, hay có phiên tòa chính trị), lực lượng an ninh thường chỉ cho mình hai lựa chọn, hoặc là ở nhà, hoặc là ra đồn – mà thường là ra đồn – nên từ chiều tối 21/9 trước ngày xử nhà báo độc lập Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm, tôi đã ra một khách sạn nhỏ ở khu phố cổ Hà Nội, cách xa nơi xét xử. 

7h sáng 22/9, “Chuột bạch” Hoàng Thành đến đón. 7h30 hai chị em rời khách sạn. Vừa bước chân ra vỉa hè trước cổng, đã thấy một tốp 5-6 nhân viên an ninh thường phục chờ sẵn – cái nhìn của họ thật không lẫn vào đâu được. Họ bước đến nắm cánh tay Hoàng Thành: “Mời anh đi”. Hai tay chống nạng nên tôi sững người, đứng ngây ra, không biết phải làm gì. Họ đẩy Hoàng Thành lên xe rồi cũng đưa tôi đi nốt. Cả hai chị em về đồn CA phường Hàng Bồ.

Mọi chuyện kể ra rất đơn giản, vì hai bên biết nhau quá rồi: Một bên ủng hộ dân chủ (mà đã ủng hộ dân chủ ở Việt Nam thì ắt phải là thành phần chống chế độ), một bên bảo vệ chế độ; nên xét về chính kiến, không có gì chung. Còn cụ thể ngày hôm nay, Hoàng Thành và tôi muốn ra nơi xét xử Anh Ba Sàm, và nhiệm vụ của công an là phải ngăn cản. (Tại sao phải ngăn cản thì tôi không biết, chẳng nhẽ họ nghĩ chúng tôi có thể tổ chức cướp tòa hay làm gì ở đó?).

Khác với Hoàng Thành, tôi còn đến tòa với tư cách nhà báo – biên tập viên Luật Khoa tạp chí, đồng nghiệp của Ba Sàm, người từng làm việc với Ba Sàm từ thời còn là phóng viên “lề phải”. Tôi cũng còn là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” trong vụ án, bởi trong số 24 bài viết được Cơ quan An ninh Điều tra dùng làm chứng cứ buộc tội ông Nguyễn Hữu Vinh, có 1 bài là do tôi, Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn cùng viết (trong đó, tôi là người viết chính).

Nhưng có lẽ chẳng nhà báo nào cũng như chẳng nhân chứng nào được đối xử như tôi: Thay vì vào dự phiên tòa thì bị bắt đưa về đồn từ sáng sớm, cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm. Ở lần xử sơ thẩm (23/3), nhân viên an ninh còn thản nhiên nói với tôi: “Chị tưởng chị đòi làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mà được à? Cơ quan an ninh còn phải xem xét chứ”. Tôi dằn giọng: “Đó là việc của tòa, tôi sẽ nói chuyện đó với tòa và tại tòa, chứ không phải với các anh chị, ở đồn”. Nhân viên an ninh mỉm cười: “Vậy lần sau, nếu muốn làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, chị cứ gửi đơn cho bên công an ấy, nhé. Nhanh hơn nhiều”.

Việc gì cũng phải qua tay công an mới nhanh, mới hiệu quả. Đấy gọi là chế độ công an trị đấy.

Cái gọi là "khẩu hiệu"

Hoàng Thành và tôi bị tách ra, mỗi người vào một phòng ở hai tầng khác nhau. Tại đây, việc đầu tiên an ninh làm là lấy cái ba-lô của tôi. Đằng nào cũng không thể chống cự, thêm nữa, cũng không muốn làm ầm ĩ trong khi hai cái chân đang “đình công” và hai bàn tay thì không hiểu sao bắt đầu tê, nên tôi không phản đối. 

Anh công an mở cái ba-lô ra và thấy ngay tập giấy in hình blogger Ba Sàm và hàng chữ “Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội”. Như thói quen của bất kỳ anh công an nào, anh làm bộ sừng sộ: “Cái gì đây? Cái gì đây?”. Anh rút tập giấy ra, trải nó xuống bàn, mặt đầy vẻ nghiêm trọng. 

Sau đó, các nhân viên an ninh bắt đầu giải thích cho tôi là họ phải thu giữ mấy khẩu hiệu này. Tôi mỉm cười: “Sao? Các anh chị gọi đây là khẩu hiệu à?”. Hỏi chơi thế thôi chứ tôi cũng biết thừa là họ không có câu trả lời. Chẳng một văn bản pháp luật nào ở Việt Nam định nghĩa “khẩu hiệu”, “biểu tình”, “gây rối trật tự công cộng”, “xâm hại lợi ích nhà nước”… là gì, nhưng có sao đâu, công an cần như thế mà. Phải mơ hồ vậy mới dễ bắt người.

Công an đặc biệt ưa dùng từ “giải thích” khi nói chuyện, hẳn do tâm lý chung của họ là nghĩ người dân luôn ngu dốt hơn cơ quan công quyền, nên không thể trao đổi bình đẳng được, cái gì cũng phải “giải thích” dân mới hiểu. 

Cũng tương tự như tuyên giáo đã thành công trong việc khiến cho nhiều nhà báo tin rằng, sứ mệnh của báo chí, nhiệm vụ của nhà báo là “tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho nhân dân”. Đó là bây giờ, chứ trước kia, nhà báo còn phải tìm kiếm câu chuyện, nhân vật để minh họa chủ trương, đường lối nữa cơ. Còn “phản biện chính sách” là cái gì đó hết sức xa xỉ, thời xưa cũng như thời nay.


Mệt vì USB

Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi an ninh moi được 4 chiếc USB trong cái ba-lô tôi mang theo. Do đã lâu không có thói quen dùng USB (quá nhiều virus) nên tôi cũng quên khuấy mất là sâu dưới đáy ba-lô có 4 USB, cũng không thể nhớ nổi USB này ở đâu ra và bên trong có nội dung gì.

Mặt các anh em an ninh sáng ngời lên, rạng rỡ. Một chiếc laptop được mang tới ngay lập tức. Một nhân viên an ninh bật máy quay phim, hối hả “tác nghiệp”. Một người dân được gọi vào đồn làm nhân chứng – đó là một chị phụ nữ bán quán cóc gần cổng đồn, tên là L.T.H. 

Trong 4 USB, có một báo cáo tiếng Anh với tựa đề “Unfair Elections in Vietnam”, một tài liệu tiếng Việt tên “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, và một bản proposal (đề xuất) tiếng Anh vận động tài chính cho việc xuất bản sách chính trị “ngoài luồng”. Bên an ninh tiến hành in ra tất cả.

Tôi lạnh lùng: “Các anh chị định chứng minh cái gì? Đã chắc gì USB là của tôi mà các anh chị in nhanh thế? Và lấy gì đảm bảo các tài liệu trong đó là của tôi?”. 

Mặc kệ, họ cứ in.

“Được, các anh chị cứ in đi, vô ích thôi. Xong rồi mang mấy cái USB về nhà mà thờ”.

Nghe tôi nói vậy, một nhân viên an ninh chỉ cười khẩy. 

Không thể diễn tả lực lượng an ninh vui mừng tới mức nào. Trong lúc phấn khởi, họ nhấc luôn điện thoại của tôi. Đến phút này thì không thể nhịn được nữa, tôi dằn giọng: “Để đấy. Các anh chị định làm gì? Cướp hả? Tất cả những việc các anh chị đang làm là để làm gì, có mục đích gì?”.

Người phụ nữ làm nhân chứng, tên LTH, tròn mắt nhìn tôi. Có lẽ, như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam khác, chị tin rằng công an đã bắt ai vào đồn thì người đó dứt khoát phải có tội, phải là tội phạm. Và đây là lần đầu tiên chị thấy một tội phạm nói xa xả vào mặt 7 nhân viên an ninh, gồm 4 nam 3 nữ, đứng xúm xít quanh bàn.

- Chúng tôi sẽ thu giữ các USB này. Yêu cầu chị tự nguyện giao nộp. Yêu cầu chị ký biên bản. Mời chị H. làm nhân chứng xác nhận. 

- Đây không phải thu giữ, mà là cướp giật. Bản chất của vụ việc này là bắt cóc người. Các anh chị tự nhiên đưa tôi về đồn, cướp đồ, rồi còn định sử dụng những thứ các anh chị thu được để làm trò gì nữa hả? Đủ rồi. Từ sáng tới giờ tôi nhịn các anh các chị lắm rồi đấy.

Miệng nói, tay tôi vơ lấy cả bốn USB, bỏ túi quần. 

Bên an ninh quay sang yêu cầu nhân chứng: “Chị ký biên bản đi”. 

Tôi nhắc: “Chị H., nếu ký, chị phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình. Em có thể kiện chị và kiện tất cả những người có mặt ở đây”.

Một nam đồng chí nói với chị LTH, giọng rất yếu: “Chị cứ kệ chị ấy, đừng nghe chị ấy nói”. (Trời đất, sao anh nói nghe như trẻ con xui nhau thế, kiểu “mày đừng chơi với nó, bỏ nó đi”). “Mình là công dân, mình phải hợp tác với cơ quan nhà nước để bảo vệ an ninh quốc gia”.

- Là công dân, chị đừng tiếp tay cho cơ quan an ninh làm việc sai pháp luật – tôi nói tiếp.

Tuy thế, ai cũng hiểu là đồng chí công an khu vực đã nắm kỹ hộ khẩu, nhân thân và mọi thứ hồ sơ quan trọng của chị LTH này.

Họ in ra hơn 50 trang giấy, bắt chị LTH ký la liệt. Cuối biên bản có thêm dòng chữ: “Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, chị Phạm Đoan Trang đã tự ý lấy lại USB”.

Liếc thấy hàng chữ đó mà tôi bật cười. Nó giống như là việc một băng cướp tự ý cướp đồ của một người nào đó, rồi khi nạn nhân giằng lại thì băng cướp nói là nạn nhân tự ý lấy lại đồ của họ.

Còn tiếp