Saturday 31 March 2007

Bến Bình Thơ (1)




Nhân chuyện bác Saigon Minsk đứng trước lớp, mặt cúi gầm mà lí nhí nói “Thưa cô, hôm nay em không học bài. Em không thể phân tích khổ, hay đoạn nào được”, tôi có nhã hứng viết phê bình văn học. Ừ, phê bình văn học đấy, viết thì viết chứ sợ gì. Đây mới là số một của series “Bến Bình Thơ” thôi các đồng chí ạ, lúc đầu tôi viết còn dè dặt, càng về sau sẽ càng phán khỏe hơn, các đồng chí nhớ đón xem đặng cho ý kiến đánh giá, chỉ đạo.

Cách đây vài năm tôi có đi gặp một nhà thơ nổi tiếng, tuổi đã hơi cao nhưng sức viết thì vẫn dồi dào trai tơ lắm. Câu chuyện (về chủ đề thơ văn) đang đà sôi nổi, thình lình nhà thơ hỏi:

- Này, cháu đọc “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mạc Tử chưa?

- Dạ, cháu học rồi ạ. (Run run nghĩ tại sao chú ta lại hỏi khó mình thế này, chắc sắp kiểm tra kiến thức đây. Y như rằng…)

- Thế trong cả bài ấy thì cháu có biết từ nào là đắt nhất không? Một từ thôi.

Chết tôi rồi…

Thật tình không nhớ câu nào trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, ngoài hai dòng “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Khổ lắm nữa, thầy giáo đọc gì thì cứ biết thế mà chép thôi, nhớ làm cái gì. Cốt sao được tối thiểu 7 điểm (tính tôi ghét số 6), còn 5 trở xuống thì hạ cấp quá, không được không được. Muốn 7 trở lên thì cách tốt nhất là làm như giáo án của thầy bảo. Cái đó gọi là tính hiệu quả của người Đức, chẳng việc gì mà phải ngượng.

Cáu. Đang suôn sẻ thì thế này, biết ăn nói sao đây? Mà các đồng chí ạ, phải nói thật, phỏng vấn văn nghệ sĩ nước ta chỉ nên là người đẹp, đặng còn làm nàng thơ cho các bác ấy. Chứ xấu đến độ “quái tướng” như tôi mà gặp, các bác lại mất cảm hứng sáng tác và trả lời phỏng vấn, áy náy lắm. Mình đã phải rất khó khăn mới liên hệ được, nay cơ sự hỏng bét thì nhục nhã nào bằng.

Đến nước này ta đành dùng phương pháp rất đơn giản mà các nhà báo Việt Nam ai cũng biết và sử dụng triệt để: đoán mò. Dĩ nhiên nhà báo chúng ta không đề cập đến thuật ngữ này một cách trắng phớ ra như thế đâu, chúng ta gọi nó bằng một khái niệm sang trọng hơn nhiều, là “khả năng phán đoán” hay “óc phán đoán” gì đấy. Nào thì dùng khả năng phán đoán/ óc phán đoán nào, trúng thì trúng chả trúng thì thôi. Tôi đoán văng mạng:

- Từ “mướt” ạ.

- Sai rồi! - Nhà thơ reo ầm lên như dính được chuột.

- Từ “ngọc” phỏng ạ? - Tôi hỏi, giọng đã kém tự tin hơn mà tăng phần lí nhí.

- Sai. - Nhà thơ đáp dứt khoát.

- Từ “ai”? - Càng nói tôi càng sa vào trường phái hũ nút, bí hiểm.

- Không phải. Đây để chú nói cháu nghe. Đấy là từ….

…. “Kịp”!



- “Kịp” ấy ạ?
- (Mặt đực ra sau một thoáng lặng đi).

- Ừ, từ “kịp” trong câu “có chở trăng về kịp tối nay” ấy. Toàn bộ cái tinh hoa, cái tinh tế sâu xa của Hàn Mạc Tử là nó rơi vào từ “kịp” ấy. Sao lại kịp? Sao lại phải kịp? Tại sao? À, là vì vội quá. Vội quá đấy mà. Chở trăng về vội lắm. Vội lắm chứ không thể thong thả thong dong như đi chơi được. "Kịp"! Cháu thấy hay không? Đấy, nếu cháu chưa cảm nhận được cái hay của nó, là chưa hiểu gì về chất Hàn Mạc Tử đâu.

- … !!! …

Thì cháu có dám nói là cháu hiểu Hàn Mạc Tử đâu.

Thôi, cháu chào chú cháu về. Mồ hôi ướt hết lưng. Về rồi cháu nhất trí tôn vinh chú (tôn vinh thầm thôi) là nhà thơ thế kỷ.


*
* *


Vĩ thanh (kết cục): Entry này tuy là chuyện có thật nhưng được post hoàn toàn chỉ để đùa nhả cho vui, tôi không có ý chê bai các nhà thơ cũng như công tác phê bình văn học. Dù sao buổi bình thơ cụ Hàn hôm đó cũng làm tôi rất khoái chí, cười như dí ám suốt đường về, thế là trẻ ra được đến mấy tuổi.

Tuesday 27 March 2007

Nghĩ lại về Paustovsky




Vâng, thưa quý vị và các bạn, các nhà thơ của chúng ta đến đây tham gia chương trình “100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX” với tinh thần giao lưu học hỏi là chính, dù thắng dù thua đều mỉm cười. Do vậy, các bài thơ mà chúng tôi chọn để đưa vào chương trình này cũng được sắp xếp ngẫu nhiên và không phản ánh mức độ yêu thích chủ quan của chúng tôi. Bài thơ được chọn hôm nay là “Nghĩ lại về Paustovsky”, một sáng tác của nhà thơ Bằng Việt. Còn bây giờ, vơng, còn bây giờ, xin mời “Nghĩ lại về Paustovsky”.


1


Đồi trung du phơ phất bóng thông già
Trường sơ tán. Hồn trong chiều lặng gió.
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu…

“Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm mầu
Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa

“Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”?
Có tiếng chuông rung và con mèo “Ackhip”
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…”

Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!


2


Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh, trước biển cả dâng triều

Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời,
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến,
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi…

Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,
Nốt cao quá trong đời xao động quá!
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn

Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao…

Em đã đến rồi đi, như một giấc chiêm bao!


3


Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi… Có thể…
”Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ”
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm…

Paustovsky là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải…
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!

Đưa em đi… Tất cả thế xong rồi,
Ta đã lớn. Và Paustovsky đã chết!
… Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết”
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!

1969

*
* *


Xin thay mặt các khán giả xem truyền hình trong cả nước cảm ơn nhà thơ Bằng Việt.

Ý kiến cá nhân: Đọc bài thơ này, mình thấy một cảm giác gì đó thật khó tả. Nó có một cái gì đó, một cái gì đó… nó… nó… nó man mác, bâng khuâng, gì?... (xao xuyến !)… ừ, đấy, đúng rồi, lao xao xao xuyến gì đấy! Tóm lại là mình chẳng hiểu cái đếch gì cả. Có cậu nào hiểu thì viết báo cáo rồi gửi cho mình nhé. Nhớ tóm lược đầy đủ các ý chính trong bài. Gửi báo cáo trước thứ hai tuần sau, mồng 2 tháng 4. Hết shức nghiêm túc đấy nhá!

Tuesday 20 March 2007

Bùi Bách A - thi sĩ của mọi thời đại




Cuộc thi tuyển chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và NXB Giáo dục phối hợp tổ chức vừa kết thúc (dĩ nhiên là thành công tốt đẹp). Nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, hồ hởi tâm sự, à quên, phấn khởi cho biết: "Chúng tôi nhận được rất nhiều bài viết công phu, thể hiện tình yêu và thái độ trân trọng với thơ ca. Có những độc giả viết đến hàng chục trang bình chọn và đưa ra nhiều lý lẽ bảo vệ cho sự lựa chọn của mình".

Mở “Top 100” ra xem, tôi mừng khấp khởi, vì lẽ một đứa mù tịt về thơ như mình hóa ra cũng biết gần một nửa số bài đó. Không tính những bài được thầy cô giáo dạy văn phân tích kỹ lưỡng và được đưa vào chương trình thi cử các loại, như Trường Giang, Bên kia sông Đuống, Tây Tiến, Đất nước, Đêm nay Bác không ngủ v.v. thì tôi còn biết khoảng ba chục bài nữa. (Nói cố thêm một câu: Chính xác là 47 bài đã chui vào đầu tôi theo kiểu câu được câu chăng). Xem nào…

Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh. Hay, hay.

Tiếng thu - Lưu Trọng Lư. Tuyệt!

Khi con tú hú gọi bầy - Tố Hữu. Duyệt!

Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ. Không thể phủ nhận giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Qua hình ảnh mang tính biểu tượng là chiếc áo đỏ của cô gái, ta thấy… (Nói như thế đã đủ để được điểm 5 văn chưa nhỉ?).

Lời mẹ dặn - Phùng Quán. Ừm, tạm được.

Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa. Quá được.

Cửu Long Giang ta ơi - Nguyên Hồng. Trúng tủ rồiiiiiii! (vỗ đùi) Bài này thì còn nói làm gì nữa, nhất! Ai không đồng ý, đến gặp tôi.

“Ngày xưa ta đi học
Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu
Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ
Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ

Bản đồ mới, tường vôi cũng mới
Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao
Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ
Đưa ta đi sông núi tuyệt vời…”

Ơn Bộ Giáo dục & Đào tạo, bài thơ này của Nguyên Hồng không bị đưa vào giáo trình của lớp nào cả, nếu không thì tôi lại ghét nó mất. Đọc mà như thấy cả tuổi thơ của mình trong đó… hix…

Tiếc là “Top 100” của LeluuBoard lại không có một số bài thơ mà tôi nghĩ là xứng đáng được chọn để đại diện cho thi sĩ hơn. Chẳng hạn tôi thấy Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng hay hơn Tây Tiến. Cũng có thể vì Tây Tiến đã bị các giáo viên văn lột trần ra rồi chăng? Mất hết cả lãng mạn.

Nếu được can thiệp, tôi sẽ chỉ thị cho ban tổ chức chọn Nghĩ lại về Paustovsky thay vì Bếp lửa, cùng của Bằng Việt. Tiếng võng kêu, hoặc bất kỳ một bài thơ nào của Trần Đăng Khoa trong tập Góc sân và khoảng trời cũng hay hơn là Gửi bác Trần Nhuận Minh chỉ a few ma biết (chẳng nhẽ lại nói là “chẳng ma nào biết”, thôi thì “a few ma biết” vậy).

Có ý kiến kêu ca về chuyện thi phẩm Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch bị đặt đứng đầu danh sách, phá trật tự chung (xếp theo chữ cái tên tác giả). Mấy tay phê bình văn học lắm chuyện cứ oai oái: “Điều chưa thỏa đáng ở đây là ban tổ chức!!!”.

Tôi thì thấy chẳng có vấn đề gì, đặt Nguyên Tiêu và Hồ Chủ tịch lên đầu danh sách là một cách thể hiện lòng kính yêu lãnh tụ, một phẩm chất tốt đẹp cũng như lòng yêu nước vậy. Nhưng đấy là cá nhân tôi nghĩ thế, chứ mấy tay phê bình kia thì có chịu cho đâu. Nên mới thấy ông Lê Lựu dại. Tôi mà là Lê Lựu hả, khoảng 6 tháng trước khi bắt đầu cuộc thi, tôi sẽ huy động anh em nhà báo và các sử gia tung ra một loạt bài nghiên cứu, đại loại nêu rõ rằng Bác Hồ đã dùng bút danh Bùi A khi sáng tác Nguyên Tiêu. Sau đó đưa Nguyên Tiêu lên đầu list kết quả thì không bố con thằng nào thắc mắc được nữa. Bùi A, hoặc văn thơ hơn một chút thì là Bùi Bách A. Như thế là kín nhẽ. Hết nói nhá. Ai còn thắc mắc gì, đến gặp tôi.

Ngoài mấy chuyện ấy ra thì nhìn chung bản Top 100 này cũng tốt, có nhẽ ta nên gửi giấy khen? Có bao giờ kết quả một cuộc thi làm vừa lòng tất cả mọi người được đâu, thôi có gì ta rút kinh nghiệm nội bộ sau.

Friday 16 March 2007

The Language of Chatters (Ngôn ngữ chat)




Nhân vật: Trang và Nhung, phóng viên. Bối cảnh: Khuya, cảnh nội. Nhung nghe tin "bác Trang vừa nhuộm tóc, lột xác thành Lê Văn Tám", nhưng chưa được nhìn bác tận mắt.

Trang (2/15/2007 11:28:56 PM): chưa đi ngủ à?

Nhung SNV (2/15/2007 11:29:03 PM): ô bác

Nhung SNV (2/15/2007 11:29:08 PM): em đang đọc tin tức tí

Nhung SNV (2/15/2007 11:29:12 PM): cả ngày nay lượn suốt

Nhung SNV (2/15/2007 11:29:28 PM): bác vẫn đang thức để ngắm bộ tóc mới đấy à?

Trang (2/15/2007 11:29:34 PM): ừm, bậy nào…

Trang (2/15/2007 11:29:48 PM): đâu có, thức viết tiếp kỳ 2 của Xem Euro cùng người nổi tiếng

Nhung SNV (2/15/2007 11:29:56 PM):

Trang (2/15/2007 11:29:58 PM): độc giả người ta giục quá trời

Nhung SNV (2/15/2007 11:30:04 PM): bác có WC ko?

Trang (2/15/2007 11:30:09 PM): hử?

Trang (2/15/2007 11:30:13 PM): nhà ai chả có?

Nhung SNV (2/15/2007 11:30:16 PM): bật lên em xem bộ rễ mới của bác cái

Nhung SNV (2/15/2007 11:30:18 PM): chẹp

Nhung SNV (2/15/2007 11:30:20 PM): giời

Trang (2/15/2007 11:30:21 PM): à à à

Nhung SNV (2/15/2007 11:30:22 PM): webcam

Trang (2/15/2007 11:30:23 PM): webcam hử

Nhung SNV (2/15/2007 11:30:26 PM): chẹp…

Trang (2/15/2007 11:30:27 PM): không dám mua

Nhung SNV (2/15/2007 11:30:30 PM): khổ quá thôi

Trang (2/15/2007 11:30:33 PM): dọa ai mà mua webcam

Nhung SNV (2/15/2007 11:30:39 PM):

Trang (2/15/2007 11:30:51 PM):

Nhung SNV (2/15/2007 11:31:15 PM): tối nay bác có đến nhà Thảo khốt ko???

Trang (2/15/2007 11:31:42 PM): có

Trang (2/15/2007 11:31:43 PM): vừa về

Trang (2/15/2007 11:31:48 PM): đã phải ngồi viết blog

Trang (2/15/2007 11:31:50 PM): mệt thế chứ

*
* *

Nhân vật: Trang và Hoàng, kỹ sư Bộ KHCN&MT. Bối cảnh: Tan tầm, cảnh nội. Trang khoe với Hoàng là vừa đi quay phóng sự “Bill Gates sang Việt Nam” cách đấy mấy hôm.

Trang (4/28/2006 5:43:17 PM): à... bữa nọ em đi quay Bill Gates cả ngày

Trang (4/28/2006 5:43:48 PM): thằng này cố tình bôi nhọ ta anh ạ... nó sang VN mà ăn mặc nhếch nhác hết sức

Trang (4/28/2006 5:44:16 PM): mấy ảnh trên TW bất bình lắm, không thèm mở tiệc chiêu đãi gì ráo trọi

Anh Hoang (4/28/2006 5:44:17 PM): thằng Gates thì láo rồi

Trang (4/28/2006 5:44:35 PM): thằng này tuy tỷ phú

Trang (4/28/2006 5:44:42 PM): nhưng thực chất chỉ đáng là trọc phú anh ạ

Trang (4/28/2006 5:45:00 PM): ăn mặc quê mùa, kính cận dày cộp, đi cái xe vàng vàng bẩn hết chỗ nói

Trang (4/28/2006 5:45:06 PM): mà xe là xe đi mượn

Trang (4/28/2006 5:45:09 PM): nào phải của nó

Anh Hoang (4/28/2006 5:45:14 PM): anh đang chỉ đạo các anh bên Bộ KHCN

Anh Hoang (4/28/2006 5:45:25 PM): viết 1 cái phần mềm

Anh Hoang (4/28/2006 5:45:30 PM): hơn hẳn Microsoft của Gates

Anh Hoang (4/28/2006 5:45:53 PM): lấy tên là Macluoile Office 6000

Trang (4/28/2006 5:51:34 PM): thằng Bill sang đây

Trang (4/28/2006 5:51:40 PM): hỏi gì cũng nói rất chung chung anh ạ

Trang (4/28/2006 5:51:50 PM): xem ra nó cũng biết câu "nhập gia tùy tục"

Anh Hoang (4/28/2006 5:52:00 PM): thằng đấy trông như thằng dở hơi

Anh Hoang (4/28/2006 5:52:07 PM): vớ vẩn

Anh Hoang (4/28/2006 5:53:07 PM): hôm nó yết kiến sếp anh

Anh Hoang (4/28/2006 5:53:11 PM): chết cười ấy chứ

Trang (4/28/2006 5:53:17 PM): nó nói gì?

Anh Hoang (4/28/2006 5:53:22 PM): nó bảo

Anh Hoang (4/28/2006 5:53:50 PM): “Thưa anh, em đã làm từ thiện đến 29 tỷ USD, sao em vẫn chưa được xét nhập quốc tịch nước ta?”

Trang (4/28/2006 5:54:51 PM): hừ… hỏi chi ngu rứa?

Trang (4/28/2006 5:55:00 PM): rứa sếp anh dạy sao?

Anh Hoang (4/28/2006 5:55:10 PM): sếp mới ôn tồn bảo: “Chưa được chưa được… Như thế đâu đã đủ. Nếu thật muốn nhập quốc tịch nước mình, sao cậu không đem hết gia tài ra mà làm từ thiện đi?...”

Trang (4/28/2006 5:55:21 PM): đấy, phải thế chứ

Anh Hoang (4/28/2006 5:55:28 PM): Bill nghe nói mới tỉnh ngộ đấy

Trang (4/28/2006 5:55:41 PM): thế tỉnh ngộ thì nó làm gì?

Anh Hoang (4/28/2006 5:55:46 PM): chưa rõ

Anh Hoang (4/28/2006 5:55:55 PM): nó cút về Mỹ rồi

Anh Hoang (4/28/2006 5:56:00 PM): kệ nó

Anh Hoang (4/28/2006 5:56:01 PM): nó chậm hiểu

Anh Hoang (4/28/2006 5:56:03 PM): thì đành chịu chứ làm thế nào

Trang (4/28/2006 5:56:25 PM): à, báo cáo anh

Trang (4/28/2006 5:56:37 PM): hôm đó... em xin nhận thiếu sót

Trang (4/28/2006 5:56:49 PM): là đã quên không bố trí người ném cứt trâu vào xe chở thằng Bill Gates

Trang (4/28/2006 5:56:58 PM): để nó nhênh nhang đến rồi đi, không coi ai ra gì

Trang (4/28/2006 5:57:05 PM): em bận quá nên quên

Trang (4/28/2006 5:57:24 PM): cứ đinh ninh chi bộ ta cắt cử người đâu vào đấy rồi... ơ mà hóa ra anh cũng quên nốt

Trang (4/28/2006 5:58:06 PM): à, phải rồi đấy. Chính ra truy cứu trách nhiệm anh mới đúng. Nào, anh trả lời đi chứ

Trang (4/28/2006 5:58:27 PM): hôm đó anh ở đâu? làm gì? mà quên việc cắt cử trẻ trâu ném phân trâu vào mẹt Bill?

Anh Hoang (4/28/2006 5:58:29 PM): đâu có

Anh Hoang (4/28/2006 5:58:33 PM): ném mấy lần rồi

Anh Hoang (4/28/2006 5:58:34 PM): toàn trượt

Anh Hoang (4/28/2006 5:58:41 PM): vì không có tập huấn trù bị từ trước

Trang (4/28/2006 5:58:51 PM): phê bình!

Anh Hoang (4/28/2006 5:59:03 PM): bọn trẻ trâu sau bị nghiêm khắc phê bình đấy chứ

Trang (4/28/2006 5:59:03 PM): việc quan trọng thế sao lại không tập huấn?

Anh Hoang (4/28/2006 5:59:13 PM): mịa, cái này việc nhỏ

Anh Hoang (4/28/2006 5:59:16 PM): thuộc chi bộ cấp dưới

Anh Hoang (4/28/2006 5:59:26 PM): chứ anh ở TW hơi đâu lo việc bé

Trang (4/28/2006 5:59:41 PM): thôi thế là chết rồi

Trang (4/28/2006 5:59:54 PM): thằng Bill được thể

Trang (4/28/2006 6:00:03 PM): đi lại loăng quăng, nhâng nhâng nháo nháo

Trang (4/28/2006 6:01:16 PM): nó lại ăn trầu têm cánh phượng của liền chị Bắc Ninh làm

Trang (4/28/2006 6:01:25 PM): mặt nó nhăn nhó

Trang (4/28/2006 6:01:28 PM): trông đáng ghét lắm

Trang (4/28/2006 6:01:35 PM): nó chả coi ta ra gì

Anh Hoang (4/28/2006 6:00:10 PM): uh, kệ nó

Anh Hoang (4/28/2006 6:00:12 PM): thằng đó vào yết kiến sếp anh

Anh Hoang (4/28/2006 6:00:16 PM): cũng hối hận lắm rồi

Anh Hoang (4/28/2006 6:00:20 PM): phen này về Mỹ khéo lại đi ăn mày trước cửa rạp xi nê Broadway ấy chứ

Anh Hoang (4/28/2006 6:01:09 PM): hoặc là làm cái thằng gác cổng ở chứng khoán phố Wall...

*
* *

Kết luận sơ bộ: Hình như chúng ta là một lũ điên, chatters?!!!

Monday 12 March 2007

I've just Seen a Face




Chuyển sang chỗ làm mới, ngày đầu tiên. Đang đảo mắt nhìn quanh thì một em gái tiến lại:

- Em chào chị ạ. Em là Thảo, nhân viên hành chính ở đây ạ. Chị ơi chị có cần văn phòng phẩm hay cái gì không, chị bảo để em mua ạ.

- Ặc…ặc… (mặt hết đỏ lại tái)

- Chị ơi, chị làm sao thế? Em kém tuổi chị mà. Tủ của chị đây, chìa khóa 2 chiếc đây. Máy tính của chị đây, username là…, password là… đây để em ghi ra cho chị. Chị cần gì cứ bảo em ạ, em gửi chị ngay.

- Ừ hừ hừ…mình, à quên chị, cám ơn Thảo nhé. Ừ hừ…có gì cần mình à chị sẽ báo Thảo ngay. Ôi giời…

Ngồi phịch xuống ghế, tay chân run lẩy bẩy, mặt tái dại, tai đỏ bừng.

Chợt nhớ câu chuyện Bùi Ngọc Tấn kể lại trong một tiểu thuyết được viết cách đây gần chục năm. Một anh tù cải tạo, đau bụng muốn đi vệ sinh, trước hết phải nói với ông vũ trang:

- Báo cáo ông, tôi xin phép ông tôi đi ngoài.

Rõ ràng thừa một chữ “tôi”, nhưng đó là cách đặt câu của anh em tù để tăng cường sự lễ phép. Cách đặt câu ấy sau này khi đi làm, nhà văn Bùi Ngọc Tấn vẫn dùng để nói với các sếp. Vì lẽ quen nỗi kính sợ quản giáo rồi, ra tù tưởng người xung quanh mình ai cũng nghiêm khắc như thế, thế là vẫn phải tiếp tục kính sợ.

Bây giờ tôi mới hình dung được nỗi sợ của cánh tù nhân. Bao nhiêu năm nay vẫn quen lấm lét, sợ từ hành chính, lễ tân đến bảo vệ. Đi làm báo, đối tượng tiếp xúc nhiều nhất, khó tính nhất và nghiêm khắc nhất, vẫn là bảo vệ, thường trực, trông xe. Bước chân vào một cơ quan nhà nước to vật là Đài TH Sông Lam, nỗi sợ cố hữu trong con thỏ đế là tôi lại càng phình ra lớn hơn. Nhưng chẳng nhẽ lại thú nhận như thế với em Thảo thì dở quá, mang tiếng vừa cắp đít đi đã quai mồm ra chửi cơ quan cũ. Đít với mồm liền nhau thế thì mình thành con gì??? Mà kể ra quan hệ của mình với đội bảo vệ - trông xe ở VTC cũng tốt đấy chứ. Nhiều khi nói chuyện rất hợp nhau, đặc biệt là khi trao đổi về thời tiết.

- Mưa xuân mà to quá chú nhể?

Và chú trả lời:

- Gớm, mưa xuân lại chả to.

Bởi thế cho nên bây giờ, Trang the Ridiculous đành im ắng, dù trong bụng chỉ muốn nói thật to với em Thảo rằng:

- Chị không sao em ạ, nhưng mà...hix … hix… thứ lỗi cho chị đã quá xúc động, hix... Cả đời chị chưa được nghe nhân viên hành chính nào nói với chị những lời có cánh như em…hix…hix… Chúa phù hộ cho em. Em là một thiên thần. Cho chị hôn tay em cái nào.

Thursday 8 March 2007

Happy Women's Day!




Cụ Phương Anh tôi bẩu:

"Phàm trên đời, cái gì được tôn vinh đều có thể hiểu ngầm rằng nó đã từng bị coi thường ở một giai đoạn nào đó. Theo cái cách tư duy như thế, thì ở phương Tây công bằng hơn vì nó có ngày của Mẹ, ngày của Cha, và người ta hiểu ngầm rằng những ngày còn lại sẽ được chia đều cho cả hai, mặc dù, để kiếm được những ngày nào của mình xem ra là rất khó. Khó bởi tất cả 365 ngày trong năm đều đã bị chiếm hữu bởi siêu nhân, danh nhân cùng các sự kiện về cuộc sống, về chiến tranh và hòa bình, về một mớ những gì linh tinh khác nữa".

(Cụ nói thế nào ý chứ...)

"Thiết chế phụ hệ trên Trái Đất đem lại cho đàn ông nhiều vinh dự và đặc quyền đặc lợi. Đàn ông được tham gia nhiều lĩnh vực hơn, được làm việc lâu dài hơn rồi mới phải về hưu. Thiết chế này (có lẽ) đã ảnh hưởng đến cả những gì kín đáo nhất trong sinh hoạt đời sống giữa đàn ông với đàn bà, bằng chứng là tư thế (có vẻ như) áp đảo trong sinh hoạt tình dục chẳng hạn. Là hình mẫu cho những gì được coi là mạnh nhất, đàn ông phóng với tốc độ điên rồ trên những xe đua, lao vào nhau cả bằng tay lẫn chân trên sân bóng đá, chỉ huy những đạo quân lớn trong chiến tranh và những tập đoàn kinh tế lớn khi hòa bình. Trên sân khấu của loài người, đó là một kiểu độc diễn. Chỉ riêng cho giới mày râu".

(Cụ nói thế nào ý chứ...)

"Thế nhưng, đã là sân khấu thì anh diễn viên, đạo diễn, viết kịch bản… cũng chỉ là kẻ mua vui cho người khác. Ai xem anh diễn? Đàn bà đấy. Đàn bà ngồi xem bình thản, vỗ tay tán thưởng hoặc liếc mắt chê bai. Đàn bà tẩm hương thơm vào thân thể, mặc những bộ cánh đẹp nhất đi xem bọn cơ bắp khoe của, khoe sức, khoe trí khôn. Nếu diễn khéo, bọn cơ bắp may ra được lòng và hưởng dăm ba lời ngọt nhạt, nhược bằng diễn dở, chắc chẳng khác chi lũ hề trong con mắt yểu điệu kia".

(Cụ nói thế nào ý chứ... Phương Anh xuống đêeeee...)

"Nên nếu một ngày trời không u ám, trí khôn tích lũy đầy đủ, ta tự nhủ rằng đừng tưởng bở. Công bằng với phụ nữ, có khi lại là giải pháp duy nhất cứu được ta khỏi phải diễn không công nhiều quá trên cái sân khấu cuộc đời chết tiệt kia. Và thế là bài viết này ra đời để chúc mừng chị em nhân ngày Phụ Nữ 8/3, một ngày đặc biệt, nhưng dường như có hơn một nửa thế giới chẳng hề biết đến ngày này thì phải".

Copyright © 2007 by Nguyễn Phương Anh

(http://blog.360.yahoo.com/blog-3lBwe6Uheqhhy934QeAZi2oc?p=188#comments)

*
* *

Tôi thì lại nghĩ khác cụ Phương Anh. Về vấn đề phụ nữ và ngày 8/3, tôi đã có lần đề cập trên blog này trong một entry tiếng Anh (http://blog.360.yahoo.com/blog-ABv7t307bqLKd3e8pzU8?p=79), xin trích lại và tự lược dịch văn mình sang tiếng Vịt, như sau:

Realities have shown us that if some occupation is widely celebrated in Vietnam, there are chances that those who practice it are poor. You may have seen how hard life is for doctors and teachers who specialize in their profession, clinging to state budget instead of going around, doing their own business. Doctors’ Day is February 27th, and Teachers’ Day falls on November 20th. I believe those respectable professionals are likely to feel some proud on their day. But they must also have witnessed the bitter fact that while the society never celebrates aviculture, people in this trade are surely better-off.

Thực tế đã cho chúng ta thấy rằng nếu một nghề nào đó được ca ngợi (bởi xã hội loài người nói chung chứ không riêng gì xã hội Việt Nam), thì người làm nghề đó rất có nguy cơ phải sống nghèo khó, vất vả. Một ví dụ rõ rệt là nghề nhà giáo và nghề bác sĩ, một được tôn vinh vào ngày 20/11, một vào ngày 27/2. Trong hai ngày đó, chắc các vị giáo viên và bác sĩ, không ít thì nhiều, phải cảm thấy có đôi chút tự hào (là tôi đoán vậy). Nhưng tôi cũng tin rằng tất cả họ đều thấy một sự thật chua chát là họ thanh bạch đến như thế nào. Nghề nuôi chim hoặc nghề thợ may chẳng hạn, chưa bao giờ được tôn vinh rầm rĩ lên nhưng trộm vía, dân hành nghề này đều sống khỏe cả.

The more an occupation is celebrated, the less likely it is that people holding that occupation are well paid by the society. This nonsensical theory maintains its truth even on a larger scale. If we put the poetry praises for men and women on a scale, we would see immediately that women are celebrated so much more than men. The word ‘beauty’ is clearly used to imply ‘women,’ and almost everybody applies the word ‘beautiful’ to women (and at times, scenery) rather than to men. Ironically enough, women, the muse and the inspiration for men, have always lived a harder life than men.

Nghề nào càng được xã hội ca tụng, người làm nghề đó càng được xã hội trả ít tiền. Cái lý thuyết vớ vẩn này lại đúng luôn cả trên tầm vĩ mô hơn nữa. Nếu ta đặt những bài thơ ca ngợi nam giới và thơ ca ngợi phụ nữ lên một chiếc cân thì ai cũng biết trước là cân sẽ đổ nghiêng vì phái đẹp. Từ “cái đẹp” được dùng để chỉ phụ nữ mà, gần như tất cả mọi người nói tới cái đẹp thì đều nghĩ đến phụ nữ (và thỉnh thoảng, phong cảnh), chẳng ai nghĩ tới đàn ông cả. Thế nên phụ nữ - nàng thơ, nguồn cảm hứng của nam giới - mới luôn luôn vất vả hơn và khổ hơn.

So, despite all praises a society like ours dedicates to teachers, their life is hard. And I say this as a “prelude” to a strong attack that will follow... As D. A. Clarke said in her 1983 speech, “The natural female body, we are told in one breath, is the loveliest thing around… that’s the tone in which we are told this; and in the next breath we are ordered to starve ourselves, watch how we dress and mind our manners-because, after all, the natural woman is loud, fat, hairy, smelly and UGLY,” I would say...

Vào năm 1983, D.A. Clarke (bà này chắc là bad-looking lắm đây) đã có một bài diễn văn nẩy lửa nhan đề “Cái đẹp là cái gì?”. Trong đó Clarke nói: “Cơ thể của người phụ nữ, như chúng ta luôn được nghe ca ngợi, là công trình đẹp nhất của tạo hóa… Vì sự tôn vinh ấy mà chúng ta tự bắt mình phải nhịn đói, phải chăm lo cách ăn mặc và khéo léo trong ứng xử. Ấy là bởi vì, suy cho cùng, cơ thể của người phụ nữ vốn dĩ là to, bều thều lều, lông lá, bốc mùi, và XẤU”.

Thật là một bài diễn văn đánh chí mạng vào nữ giới.

Khi chính phủ (thật ra là ai ấy nhỉ, chẳng nhớ nữa) chọn 13/10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi lại thấy hãi hãi là. Chúa ơi, sao doanh nhân lại được có một ngày 13/10 tôn vinh những cống hiến nhọc nhằn của họ? Cứ để yên cho họ làm ăn có phải hơn không?

*
* *

À, nhân tiện viết thêm đôi câu "tôn vinh" nghề IT cho chúng nó nghèo đói mà chết đi:

Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi
Ai-tì vất vả lắm ai ơi...

Bà con ghét nghề nào? hành chính? kế toán? bảo vệ? trông xe? lãnh đạo? Ca ngợi đi bà con ơi!

Cô dì chú bác anh chị nào comment thì cứ comment, nhưng đừng "tôn vinh" tôi nhé, chết dở tôi đấy! Nhà cháu rút đây. HAPPY WOMEN'S DAY!

Saturday 3 March 2007

It's Not Goodbye




Entry này được xem như một thông báo chính thức về việc Đảng viên Trang chuyển sinh hoạt từ chi bộ VTC sang một chi bộ khác. Đến nay khi tình hình trên mặt trận văn hóa - tư tưởng đã tạm yên, tôi xin có đôi lời trên blog này để rộng đường dư luận.

Đúng là tôi đã không còn làm ở Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC nữa (nói theo ngôn ngữ của Đảng thì là “chuyển sinh hoạt từ chi bộ VTC thuộc Đài Truyền hình Sông Lam sang một cơ sở khác”). Lý do cũng không có gì tế nhị hay phức tạp lắm. Không phải là tôi nghĩ VTC không thể nào phát triển được - bậy, sao dám nghĩ thế? Đến Việt Nam ta còn tăng trưởng với nhịp độ 7,8%/năm, thị trường chứng khoán phát triển nhanh nhất thế giới chỉ sau Zimbabwe, thì hà cớ gì VTC được sự quan tâm đầy đủ và thích đáng của các cấp lãnh đạo lại không thể tiến lên thành ngọn cờ đầu trong làng truyền hình, chỉ sau VTV được? Vấn đề duy nhất chỉ là tôi đã không còn ở cái tuổi ngậm ô mai, yêu màu tím, ghét sự giả dối, sở thích thời trang - du lịch, phương châm sống là “cuộc đời như biển cả, ai không bơi sẽ chìm”, thần tượng là bố/ mẹ/ thầy/ cô chủ nhiệm... nữa rồi.

Cái tuổi mà ta có thể thức đến 4h sáng, đàn nát cả ngón tay bản “Serenade Español” và “Prelude của những nỗi đau khổ” tuyệt vời.

Cái tuổi mà ta có thể dán băng Urgo vào mặt, hớt hải, xộc xệch chạy đến thông báo cho toàn trường biết rằng ta vừa bị kẻ gian rạch mặt đêm qua, sau đó về nhà bóc Urgo ra và ngạc nhiên đến trố hai con mắt khi cả trường nổi giận.

Cái tuổi mà ta có thể đập phá bàn ghế, đốt lửa, ném đá, hò hét đến lạc cả giọng những câu ca rực lửa của The Beatles: “Well she---looked at me, and I, I could see---that before too long, I fell in love with her…”.

Cái tuổi mà ta có thể phóng xe đến bay tóc gáy trên phố khuya, chẳng hề biết sợ, và hát vang vang: “And I dream I’m an eagle. And I dream I can spread my wings, flying high, high…”

Cái tuổi mà ta có thể nói với người ta yêu: “I swear by everything I own, you’ll always be mine”, “We belong together for eternity”.

Không, tôi đã qua thời ấy rồi. Đầu hai thứ tóc rồi (tóc đen và tóc vàng - vừa mới nhuộm), tuổi đã ở mức ba xịch. Tôi không chờ được nữa. Chờ gì ư? Chờ đến khi VTC phát triển. VTC chắc sẽ lớn thôi, nhưng giá bây giờ tôi còn là Trang của những năm 1999-2000 nhỉ? Tôi sẽ chẳng biết tiếc đời.

Tôi đã giống như nhiều người trong số chúng ta: say mê làm truyền hình đến điên cả người. Tôi đã mang (một phần thôi) ngọn lửa của tuổi 12-13 và 19-20 vào những ngày tháng làm báo hình ở VNN. Cũng vẫn còn may là tôi đã không dốc tất cả lửa vào đó, nếu không tôi sẽ còn mất nhiều hơn những gì tôi đánh mất trong suốt 10 năm qua. Cho đến một ngày phần thực dụng trong con người tôi gào lên: “Trang, is it worth?”

Lý do chỉ có vậy, rất đơn giản.

Tôi chuyển sinh hoạt sang chi bộ nào? À, cái này thì… Đi đâu thì cũng là phục vụ cho sự nghiệp truyền thông nước nhà cả thôi, với lại những năm tháng hoạt động cách mạng ở VNN và VTC đã cho tôi một kinh nghiệm quý báu, như thế này: Nguyên tắc cao nhất của cách mạng là phải giữ bí mật. Nói một cách sang trọng, theo văn phong thời kinh tế Internet, là phải bảo mật, tuyệt đối không để lộ thông tin. Cũng chưa biết là giữ bí mật để làm gì đâu, nhưng thôi ta cứ thế cái đã, nhỉ? Bác Hồ đã dạy cán bộ rồi: “Không cần biết những cái gì không cần biết” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập II thì phải). Tiếc rằng Bác chưa dạy cán bộ cái gì là cái không cần biết, nhưng tôi nghĩ làm cách mạng nói chung là thế, cải chi củng nên bạo mật. Bác Hồ đã dạy thì chắc là đúng cả, thực tế cho thấy các nhà lãnh đạo xuất thân từ tầng lớp cán bộ đều rất biết giữ kín thông tin, và cách mạng có lợi từ việc đó.

Việc chuyển sinh hoạt của tôi diễn ra một cách âm thầm còn vì một lý do khác, quan trọng hơn: Tôi thực sự không coi đây là một sự chia tay với tất cả những đồng nghiệp của tôi ở VTC, VNN và VTV. IT'S NOT GOODBYE. Chúng ta vẫn sẽ cùng trong một chiến hào thôi, bởi vì mơ ước của chúng ta đều là “all for a better life”. Và chúng ta sẽ gặp nhau hàng ngày trên SMS, trên điện thoại, trên YM, trên blog, đi hát karaoke, cà phê cà pháo, chụp ảnh, mua sắm v.v lúc có dịp. Bất cứ khi nào, các đồng chí cũng có thể đánh dây thép cho tôi qua YM và blog. Muôn năm cái anh Internet, khá thật, văn minh thật! Không có anh ấy thì sinh ly đúng là chẳng khác gì tử biệt.

Nhưng dĩ nhiên là tôi vẫn sẽ nhớ, không phải nhớ các bạn bây giờ, mà nhớ “the way we were” - quá khứ giữa chúng ta. Tôi nhớ cả quá khứ giữa hai chúng ta nữa, anh chàng nghệ sĩ chết tiệt của tôi ạ, em vẫn nói là tình yêu của chúng ta gắn chặt với quãng thời gian em làm báo hình mà - những ngày hè trong sáng vô cùng của năm 2004-2005.

Tôi nhớ rằng đã có một thời tôi rất yêu truyền hình.

Một thời nhiệt tình

Một thời đầy tin tưởng và nghi ngờ

Một thời đầy tình yêu và vẫn không thể giấu nổi thù hận

Và đó là cả một thời lố bịch của tôi nữa.