Saturday 22 December 2007

Loại giặc thứ tư




Tổng kết tình hình thực hiện chính sách “toàn dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, môtô”, sau một tuần: Thắng lợi! Đó là hai từ chuẩn xác nhất được dùng để đánh giá tình hình chiến dịch. Có thể nói chiến dịch bước đầu đã thắng lợi to lớn, thành công vượt quá mức mong đợi, thực sự tạo nên một cuộc cách mạng về nhận thức, một nét văn hóa mới của người tham gia giao thông…


Sinh thời Ông Cụ từng dạy, ở Việt Nam có ba thứ giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngẫm ra Ông Cụ dạy chẳng sai cái gì. Nay ta học tập Cụ, xác định thêm một thứ giặc nữa, gây hại không kém ba thứ kia, đó là giặc bướng. Bọn này hết sức nguy hiểm, chúng chống phá ta từ trong ra ngoài, từ những chuyện nhỏ như tăng giá xăng dầu đến những chuyện lớn như bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường. Chúng làm bạn đồng hành thân thiết, tiếp sức cho cả giặc đói, giặc dốt lẫn giặc ngoại xâm.

Chính vì vậy, dù chiến dịch “đội mũ bảo hiểm” đã thắng lợi bước đầu, nhưng tôi vẫn đề nghị tất cả các đồng chí: Chúng ta vẫn cần nâng cao cảnh giác, không một phút nào lơ là, ngơi nghỉ đấu tranh chống bọn giặc bướng. Cần làm mạnh tay hơn nữa, xử lý quyết liệt các trường hợp không đội mũ bảo hiểm hoặc đội chỉ có tính chất đối phó. Đề phòng bọn giặc bướng có lắm mưu mô, thủ đoạn hòng qua mặt cán bộ, ta cần nêu rõ: Tất cả mọi người đã ngồi lên xe gắn máy và/hoặc môtô là phải đội mũ bảo hiểm, mũ phải buộc dây, mặt phải tươi tỉnh. Cái này là để đấu tranh với các trường hợp giặc bướng lý luận:


- Ơ, ơ các anh ơi, tôi chỉ đi ăn sáng từ bên này sang bên kia đường thôi mà.

- Ấy, tôi tưởng đi đường làng thì cần gì đội mũ bảo hiểm.

- Ô hay, tôi chẳng đội mũ đây là gì, chỉ có không buộc dây thôi. (Y như cái thằng nào trong cái chuyện gì ấy nhỉ, cầm đèn đi ngoài đường mà lại không thắp đèn, quan lại phải ra lệnh: “Ai đi đêm phải cầm đèn, đèn phải thắp, đèn tắt phải thắp lại”).


Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm ta còn diệt được. Chẳng lẽ với giặc bướng ta lại bó tay hay sao?



*

* *

Trong tuần đầu thực hiện “đội mũ bảo hiểm”, phải nói là các chiến sĩ công an đã có nhiều sáng kiến rất hữu hiệu để tìm và diệt giặc bướng. Các anh kiên trì và nhẫn nại phục kích ở những nơi bất ngờ nhất, ví dụ các tuyến đường trong khu tập thể, đường làng đường xã… các điểm mà bọn giặc bướng không thể ngờ tới. Theo nguyên tắc, cứ ngồi lên xe máy/môtô là phải đội mũ bảo hiểm rồi, thế nên khi đi trong ngõ, trong khu tập thể, trong làng… bọn giặc bướng không đội mũ là sai luật rõ ràng. Chúng bị đánh úp, thảy đều trở tay không kịp.


Ngay ngày đầu thực hiện chính sách, Z20 đã làm xấu mặt chi bộ Z khi bị dân quân xã bắt tại trận với đầy đủ tang vật, là chiếc mũ bảo hiểm vứt trong giỏ xe thay vì úp vào đầu. Tính chất nghiêm trọng của vụ việc càng tăng thêm khi Z20 khệnh khạng xuống xe, tự xưng là nhà báo xuống xã để làm việc với UBND xã về tình hình thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm. Y vỗ vai các anh dân quân: “Các đồng chí nghiêm túc thế này là tốt, tôi khen. Bây giờ xin các đồng chí chỉ đường cho tôi vào làm việc với UBND xã”. Các anh dân quân tuy kiên định cách mạng nhưng chưa có bản lĩnh đối phó với giặc bướng nên cuối cùng đã thả cho Z20 đi.


Chi bộ Z dứt khoát sẽ yêu cầu Z20 tự kiểm điểm thật nghiêm khắc. Về phần tôi, Trang the Ridiculous, kiếp sau dứt khoát tôi sẽ làm công an. Mà sẽ cứ nhằm vào bọn nhà báo mà phạt thật lực. Càng làm nhà báo, càng phải phạt!

Friday 14 December 2007

Ngụy biện về mũ bảo hiểm




Ngày 15/12 năm nay chứng kiến một sự kiện trọng đại: Toàn dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy. Vào thời điểm này mà kẻ nào mở miệng chống đối chủ trương chung thì cách mạng ắt sẽ như một làn sóng quét sạch nó đi.

Giả sử Trang the Ridiculous có rên rỉ:

- Mình vừa làm tóc. Đội mũ bảo hiểm sẽ làm tóc của mình xẹp lép như con tép!

- Mình vốn có vẻ mặt lố bịch, mình sợ đội mũ bảo hiểm sẽ làm mình trông chững chạc.

Thì thể nào cũng bị một xô nước tuyên truyền hắt thẳng vào mặt: Tất cả chỉ là ngụy biện! Hãy đội mũ bảo hiểm!

Ừ thì đội vậy.


Đội thì đội nhưng tôi thấy không phục, không phục. Tức thì không tức nhưng nghĩ nó cay: Các nhà kinh tế, các học giả về chính sách công đâu hết rồi, lên tiếng đi chứ! Giá mà bây giờ toàn bộ sinh viên các trường kinh tế - chính sách xã hội kéo nhau xuống đường tuần hành “Say no to mũ bảo hiểm” thì tôi sẽ vô cùng tự hào được có 4,5 năm ngồi dưới ghế ĐH Ngoại thương.


Nói phét vậy, chứ báo chí còn phải im hơi lặng tiếng thì các nhà kinh tế làm được gì? Ai có ý kiến phản đối lúc này khác gì một con lừa có cá tính, tự nhiên lại cất lên một nốt nhạc ngang như cua trong bản nhạc hùng tráng.


Phải cái… tức thì không tức nhưng nghĩ nó cay, chẳng gì thì bộ tóc của Trang the Ridiculous cũng có phải rơm rác đâu. Thôi mình xin phép làm con lừa có cá tính một lúc vậy.




1

Không hiểu sao (các) tác giả của chủ trương đội mũ bảo hiểm này cứ cố đánh đồng việc giảm tỷ lệ chấn thương sọ não do TNGT với việc giảm tỷ lệ TNGT. Đúng là đội mũ bảo hiểm thì có thể, với một xác suất cao, hạn chế nguy cơ bị chấn thương sọ não khi gặp TNGT thật, cũng như ăn gạo lứt giúp làm giảm nguy cơ bị ung thư. Nhưng chính vì thế, việc đội mũ bảo hiểm chỉ nên được tuyên truyền, khuyến khích thay vì trở thành một thứ chính sách bắt buộc trên diện rộng. Cùng lắm thì chúng ta chỉ bị ép phải xem thật nhiều đoạn phim quảng cáo, nghe thật nhiều bài hát “mũ bảo hiểm ca”, kiểu như: “Anh tặng em chiếc nón bảo hiểm quê mẹ, mang hình bóng quê hương…”. Hip-hop hơn một chút thì là: “Helmet! Helmet! Oh ze ze!...”.

Nếu chỉ vì mũ bảo hiểm có thể làm giảm nguy cơ bị chấn thương sọ não mà các nhà làm chính sách bắt dân chúng đội, thì tôi thấy hơi lạ - sao tự nhiên các bác lại quan tâm sâu sắc đến một chuyện tương đối nhỏ (so với vô vàn chuyện khác nghiêm trọng hơn) như thế?


Cứ nhân rộng cái mô hình chính sách này ra toàn quốc, chẳng bao lâu nữa ta sẽ có thật nhiều chính sách tương tự. Ví dụ, tôi đề nghị báo đài khẩn trương tổ chức một chiến dịch quảng bá cho chính sách toàn dân ăn gạo lứt.

- Mình sợ ăn gạo lứt không đủ chất, mình sẽ không đủ sức làm việc mất.

- Mình không thích ăn gạo lứt, chán lắm!

-----> Tất cả chỉ là ngụy biện. Hãy ăn gạo lứt!

Vì ăn gạo lứt làm giảm xx% nguy cơ ung thư.




2

Có là con lừa có cá tính thì cũng hiểu rằng tỷ lệ chấn thương sọ não ở VN cao do tỷ lệ TNGT cao, mà tỷ lệ TNGT cao thì không phải do dân chúng ngu dốt không chịu đội mũ bảo hiểm, mà do cơ sở hạ tầng (chất lượng đường xá) và do số phương tiện giao thông “cá thể” (tức xe gắn máy) quá nhiều - cái này hơi hơi gần nghĩa với “ý thức của người tham gia giao thông còn thấp”. Nói một cách dài dòng, còn nhiều người ngồi xe gắn máy đi đường thì còn nhiều tai nạn giao thông, bởi xét về mặt tâm lý, một người điều khiển xe gắn máy có xu hướng vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu v.v. nhiều hơn một người điều khiển ôtô, và càng nhiều hơn một người điều khiển máy bay (theo định luật Ridiculous). Tất nhiên, tai nạn giao thông do ôtô và máy bay gây ra thì thường mang tính thảm họa, đó là mặt tiêu cực của vấn đề. Tần suất gây tai nạn thấp hơn nhưng tính chất tai nạn thì nghiêm trọng hơn.


Các tác giả của chính sách đội mũ bảo hiểm sẽ bảo: Ở nhiều nước trên thế giới, dân chúng đi xe đạp cũng đội mũ bảo hiểm. Ngay như xứ mọi Malaysia và Thái Lan ở gần ta, dân mọi ra ngoài đường đội mũ nhiều lắm, mình người thượng quốc chẳng có lẽ lại không đội làm gương cho chúng? Nhưng đường xá của bọn mọi kể ra cũng tốt, mà tham gia giao thông đa số là ôtô, lũ người đi xe máy xe đạp có một nhúm thôi, với lại chúng không có nạn ăn cắp như ở thượng quốc Việt Nam. Do đó, việc đội mũ bảo hiểm với chúng thuần túy là sự lựa chọn cá nhân, hãy cứ hành xử sao cho có lợi cho chúng.



3

Nhưng các bạn tin Trang the Ridiculous đi, đảm bảo là sau ngày 15/12, tỷ lệ chấn thương sọ não do TNGT, theo công bố của các cơ quan báo chí, sẽ giảm chóng mặt. Các nhà báo ắt hẳn tự biết mình sẽ phải làm gì. Quần chúng nói chung là nông nổi lắm. Hỡi dân chúng, ta thương mi…


Tỷ lệ chấn thương sọ não chắc chắn sẽ giảm, nếu khi tham gia giao thông các bạn đảm bảo được là: mũ bảo hiểm bền, không cản trở thính giác, không cản trở thị giác, không cản trở chuyển động của các khớp cổ, mặt…




4

“Kinh tế học bao gồm việc xem xét không chỉ những tác động ngắn hạn mà cả những tác động dài hạn của bất kỳ một chính sách hay biện pháp kinh tế nào; nó bao gồm việc theo dõi những tác động đó không chỉ đối với một nhóm cá thể nhất định mà với mọi nhóm trong xã hội.

90% các luận chứng kinh tế sai lầm trên thế giới - những luận chứng đang gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu - đều là hậu quả của việc bỏ qua bài học này. Chúng đều mắc một trong hai lỗi hoặc đôi khi cả hai: hoặc chúng chỉ tính đến các tác động tức thời của một chính sách hay biện pháp kinh tế, hoặc chúng chỉ xem xét các tác động này trên một nhóm cá thể nhất định và bỏ qua các nhóm khác”.


Đây là những dòng trích trong tác phẩm kinh điển “Hiểu kinh tế trong một bài học” (1946) của một nhà báo Mỹ, Henry Hazlitt. Trong trường hợp Việt Nam, những lời ấy nay quả nhiên ứng nghiệm: Chính sách “toàn dân đội mũ bảo hiểm” đã và sẽ khiến nhiều cửa hiệu Nón Sơn phá sản! Nói một cách Ngoại Thương, những nhóm cá thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách này sẽ còn mở rộng (nhưng nhất thời Trang the Ridiculous không nghĩ ra và không dám nói liều).




5

Ngụy biện một hồi cho bớt tức vậy thôi, ngày 15/12 tôi vẫn đội mũ bảo hiểm ra đường vì thứ nhất sợ công an phạt, thứ nhì sợ TNGT làm chấn thương sọ não. Chẳng gì thì tôi cũng có kinh nghiệm ngã đập đầu xuống đường một lần rồi. Cái mạng lố bịch chưa bị trời lấy đi nhưng kể ra cũng… đau phết đấy bà con ạ.

Lời kết: Các đồng chí ạ, tôi nhắc nhiều lần rồi: Nhà báo phải làm gương cho dân. Đội mũ bảo hiểm vào đi!

Friday 7 December 2007

Ngày Beatles (phần 2)




Đúng là tôi đã lớn lên cùng Beatles. Tôi đã hát Beatles suốt những buổi trưa mùa đông lạnh, kẽo kẹt đạp xe từ trường về nhà, đi qua hết con phố này đến con phố kia. Đã nghe nhạc Beatles vào những ngày cuối xuân đầu hạ, khi mây trời ánh lên một màu vàng hồng, báo hiệu mùa hè sắp về. Đã nghe nhạc Beatles vào những đêm “Noel trắng”, khi sương mờ phủ lên những tán cây xanh thẫm ở Hà Nội. Hay là khi trời chiều đỏ rực, tôi rì rầm hát “Across the Universe” mà tưởng như có hình bóng Paul McCartney bập bùng guitar giữa những đám mây vàng.

Tôi đã hò hét “Twist and Shout”, “Don’t Let Me Down”… trong những đêm 8/12 năm xưa, trên cái sân đầy cát ở ĐH Tổng hợp. Bụi bốc mù mịt. Sinh viên ôm choàng lấy nhau, ôm luôn cả anh bạn người Anh đi cùng tôi, gào thét: “Stand by me. Imagine there’s no country” trong một điệu nhảy điên cuồng, để rồi khi về anh bạn hỏi tôi: “Chẳng hiểu sao đến bây giờ thanh niên VN vẫn còn nhảy disco kiểu thế kỷ 15?”. Tôi chỉ muốn lắc đầu: “Ben thân mến ơi, anh làm sao hiểu được. Anh có biết vào những năm 60, thời hoàng kim của Beatles, khi cơn sốt Beatles tràn ngập phương Tây và các chàng trai cô gái Anh sống với những giai điệu rực lửa, thì Việt Nam còn đang làm gì và như thế nào không?”.

Tôi đã hát thầm Beatles khi lang thang đi tìm việc. Khi ngồi trên xe khách rời Hà Nội mà nước mắt tự nhiên ứa ra: “Doesn’t have a point of view. Knows not where he’s goin’ to. Isn’t he a bit like you and me?”. Đã rên rỉ “From this moment on I know exactly where my life would go. Seems like all I really was doing was waiting for you” khi ngồi co ro dưới chân cầu thang, bên một cái ống nước hoen rỉ, chờ TBT duyệt đăng bài viết đầu tiên thực sự của mình.


Nhạc Beatles là thứ âm nhạc cực kỳ trong trẻo, như Mozart của thế kỷ 20. Cái hay của nó chính là ở tinh thần yêu đời, trong sáng và rất đời thường toát ra từ giai điệu, ca từ và cách hòa âm. Sau Beatles, chẳng thiếu gì nghệ sĩ với chất giọng và kỹ thuật biểu diễn hơn hẳn họ, nhưng không một ai có được tinh thần đó nữa. Và họ luôn là người đi đầu, là những nghệ sĩ đổi mới không ngừng. Không cần phải là con nghiện Beat thì mới nhận ra sự khác biệt của Beatles qua từng thời kỳ: ngây thơ như khi mới bắt đầu (1963-1965) với những Anna, Misery, Love Me Do, Please Please Me; nồng nàn và rực lửa như thời 1965-1968 với It’s Only Love, Things We Said Today, A Hard Day’s Night; già dặn, phá phách và có màu sắc triết lý, gây ảo giác vào thời kỳ 1968-1969 với Strawberry Fields Forever, Lucy in the Sky with Diamonds… Nhạc Beatles đầy sức sống và tràn ngập tình yêu, tưởng như ai đang yêu mà nghe Beatles thì càng yêu mãnh liệt hơn.

“Something in the way----- she moves

attracts me like no other lovers.

Something in the way she woos------ me

I don’t want to leave her now…”


Frank Sinatra đánh giá Something là “bản tình ca đẹp nhất mọi thời đại”. Không biết nói thế thì có hơi quá không, tuy nhiên với tôi, không từ gì mô tả Something thích hợp hơn là “lả lướt và quyến rũ”, đúng là “attracts me like no other lovers”. Đó là thứ nhạc khiến người ta không thể không nhảy múa, nói một cách khác là khiến cho “đá cũng phải nhảy lên”, trong một niềm “vui bất tuyệt”. Đã bao giờ bạn ngồi bất động được khi nghe Beatles hát chưa?

It only makes me feel soooooo free as a bird…


Bạn sẽ muốn ngước mắt lên trời và hòa giọng cùng Beatles: “It only makes me feel sooooo free....”. Bạn sẽ có cảm giác rất muốn sống, rất muốn vươn lên “làm cái gì đó” (cái gì thì chẳng biết nữa), rất muốn sáng tạo, muốn tận hưởng cuộc sống với đủ màu sắc của nó. Nhạc Beatles là thứ âm nhạc, một cách tinh tế, tôn vinh sự sáng tạo. Ngay cả phim của họ cũng vậy, dù ngô nghê như A Hard Day’s Night hay trẻ con như Yellow Submarine. “Chiếc tàu ngầm màu vàng” - câu chuyện về cuộc phiêu lưu “giải cứu thế giới khỏi lũ yêu quái Blue Minies” của bốn chàng trai Beatles - có gợi cho bạn nhớ về cái thời bạn còn thích cầm bút chì, bặm môi vẽ nguệch ngoạc những nhân vật “chẳng ra cái giống gì” trong trí tưởng tượng của bạn? Băng qua những biển ma quỷ, xứ sở hạt tiêu, trở về quá khứ, dùng âm nhạc đánh tan yêu tinh… dường như không có một giới hạn nào cho sự sáng tạo của trẻ con, và Yellow Submarine đã tái hiện đúng sự điên rồ ngây thơ ấy.


Người lớn chúng ta liệu có bao giờ còn mong ước:
"I'd like to be
under the sea
in the octopus' garden
with you."


Hay là nhìn thấy cô gái có cặp mắt "kính vạn hoa" trên nền trời lấp lánh kim cương. Một ảo giác đầy những hình ảnh rực rỡ sắc màu. Có tờ báo VN từng đăng bài kêu gọi thanh niên "cảnh giác với các bài hát có thuốc độc", trong đó Lucy in the Sky with Diamond đứng đầu bảng với cái tên viết tắt thành LSD, và ca từ mô tả cảm giác lâng lâng khi say ma túy. Tôi không hiểu có phải thật như thế, nhưng không quan trọng. Tiếng guitar buồn bã như rơi từng giọt, những hình ảnh mơ màng "ngồi thuyền bồng bềnh trôi trên sông", "nền trời màu mứt", "cô gái có ánh nắng trong đôi mắt màu kính vạn hoa"... khiến tôi nghĩ bản thân bài hát này đã là một thứ ma túy rồi.



Còn tiếp

Wednesday 5 December 2007

Ngày Beatles (phần 1)




Tháng 12. Tháng 12 có ngày gì, bạn biết không? Giáng sinh, rồi 12 ngày đêm Hà Nội 1972. Còn nữa, cái ngày mà những người yêu nhạc Beatles coi là “ngày của bọn mình” - 8/12.

Hồi nhỏ, như mọi đứa trẻ thuộc thế hệ 7X, tôi lớn lên giữa một “thế giới âm nhạc”: Nhà không có cassette hay loa, đài gì, nhưng không lo thiếu nhạc, vì hàng xóm tứ phía xung quanh ai cũng rất hào hứng mở nhạc to hết cỡ. Đúng là một sự giao thoa văn hóa quy mô lớn. Các buổi trưa, chiều, tôi thường mò ra ngồi một mình ở máy nước đầu xóm để hưởng cái sự giao thoa văn hóa ấy.


Từ bên phải, cassette nhà này rỉ rả:

Từ ngày yêu em, anh hứa rất nhiều

Hứa rằng cả đời chí yêu mình eeeem


Bên trái da diết:

Chiêu quân nàng ơi, trỗi chi khúc bi ai não nuột, sương chiều nay lạnh buốt…


Một nhà khác:

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi? Để một mai tôi về làm cát bụi…


Cái đài Orionton của một nhà nào đó cố át đi tất cả bằng các giai điệu vui vẻ như Đường hành quân đi giữa mùa xuân, và những ca khúc đến giờ không còn mấy ai nhớ, như Tính tôi thích thể thao (hình như tác giả là nhạc sĩ Đỗ Nhuận?), hoặc một bài chế giễu thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự: “Phố tôi có một anh chàng mặt mũi khôi ngô, hàm răng trắng tinh, mắt thì sáng, mà lại hay cười… Anh chàng đẹp trai mà, nhưng ai ngờ chỉ thích ăn chơi…”. (Có ai biết gì về những tác phẩm này không?)


Rồi còn quan họ Bắc Ninh. Dân ca Nam Bộ - Lý đất đồng, Ru con, Lý con sáo. Nhạc xanh của Liên Xô - Sông Volga, Đôi mắt huyền, Cây bạch dương, Cây thùy dương, Cây liễu…


Tóm lại, tôi cứ để cho đủ loại nhạc đánh nhau trong đầu. Cho đến một ngày, hình như là năm lớp 2, trong đủ làn điệu âm thanh sôi nổi tứ phía, tôi nghe nổi lên một giai điệu - tuyệt đẹp, bằng một thứ tiếng không ai hiểu được.


(nhạc dạo…)
I get high when I see you go by, my, oh, my…

Ngay sau đó là một bản khác cũng hay và lạ không kém.


Tôi nhảy từ trên tường xuống đất, chạy băng tới ngôi nhà có thứ âm nhạc đó phát ra. Vốn là một đứa trẻ nhút nhát, nhưng tôi cũng đủ can đảm để lắp bắp hỏi anh hàng xóm, trống ngực đập thình thình: “Bài gì thế ạ?”. Anh hàng xóm cởi trần mặc quần đùi, vừa xỉa răng vừa quài tay lấy cho tôi cái vỏ băng cassette, đen sì, trên đó có ảnh chụp vài gương mặt đàn ông, và tên các bài hát. Anh không nói một lời (do không biết phát âm tiếng Anh), chỉ cho tôi tựa bài mà chúng tôi đang nghe: Nichelle. (Thật ra là Michelle, vỏ băng bị in sai, báo hại tôi mãi mấy năm về sau vẫn gọi nó là bài Nichelle).


Đó có phải là lần đầu tiên tôi nghe nhạc Beatles? Không chắc, vì sau này tôi còn được nghe nhiều giai điệu Beatles rất quen thuộc, tưởng như tôi đã nghe chúng từ lâu lắm rồi. Nhưng từ lần đó, tôi biết đó là những bài hát tiếng Anh, của một ban nhạc tên có chữ B ở đầu. Và tôi bắt đầu thèm được hát những bài đó. Phải biết tiếng Anh thì mới hát được. Vào thời gian ấy, nhiều trường ở Hà Nội vẫn chỉ dạy tiếng Nga, nên nếu học tiếng Anh, nghĩa là tôi phải đạp xe 7km để đi học tại một trường cấp II có dạy tiếng Anh. Và không bao lâu sau tôi đã trở thành trùm đi học muộn của lớp. Chẳng sao, tất cả chỉ vì một mong ước rất trẻ con: một ngày nào đó sẽ nghe và hát được lời những ca khúc của cái bọn gì ấy.


Trong suốt thời gian này, anh hàng xóm tiếp tục đầu độc cả khu bằng những sản phẩm độc hại của CNTB. Anh chỉ có mỗi một băng Beatles thời kỳ 1966 - 1969 ấy thôi, nên tôi cứ liên tục được nghe Get back, Hey Jude, Here There and Everywhere, I Will, Let It Be (thách người nào mới học tiếng Anh mà nghe và hiểu được nghĩa của cụm từ này đấy!), Something... khoảng gần 30 bài. Mãi về sau này anh mới tiếp tục với các bài hát khác như Put Your Hands on My Shoulders, You Mean Everything to Me, We Are the World… Lạ một điều là anh không hề biết tiếng Anh, không hiểu vì sao anh lại thích Beatles và nhạc quốc tế đến thế. May mắn cho tôi là Beatles dùng một thứ tiếng Anh đơn giản đến mức tôi không cần phải học đến mấy năm mới hát được những câu đầu tiên. Lớp 7 bắt đầu một quá trình tôi vật lộn với cái cassette nhà hàng xóm để nghe và chép lại các bài rõ tiếng nhất. Bắt đầu một quá trình mượn sổ bài hát của bạn bè để chép các bài hát Beatles với những hàng chữ tiếng Anh sai chính tả, sai ngữ pháp nhoe nhoét. Trên vở và giấy nháp, xen giữa những dòng thóa mạ thầy cô giáo kiểu như “mụ điên, ghét thế đã là những từ tiếng Anh rất long lanh: I get high when I see you go by, my, oh, my


Và tôi lớn lên cùng nhạc Beatles...

Wednesday 28 November 2007

Going to the Teacher's




Tháng 11 chưa hết, mà nói xấu trường sở thì đang lúc ngọt nước, nên phần đầu entry này tôi tiếp tục đà ném đá bẩn thỉu vậy. Ta sẽ bàn về một vấn đề mà tôi xin được gọi tế nhị là “to go/ going to the teacher’s”, dịch sang tiếng Việt chuẩn là “đi thầy”.


Going to the teacher’s là cả một thử thách đối với sinh viên. Thường sinh viên nào có năng khiếu làm lãnh đạo thiên phú thì sẽ dễ dàng vượt qua thử thách này. Bọn nhút nhát, kém ăn nói thì có thể đi ké các “lãnh đạo tương lai”. Chỉ có cái bọn lố bịch là khổ nhất, vì chúng nịnh nghe cứ như mỉa, còn chối tai hơn cả mỉa. Trang the Ridiculous cũng không thoát khỏi số phận khốn nạn của đám sinh viên lố bịch. Không hiểu từ đâu các giai thoại về chuyện “Trang đi thầy” cứ lan ra để làm trò cười cho mọi người.


Có lần, sinh viên Trang the Ridiculous đến nhà thầy sau một kỳ thi căng thẳng. Hai tai đỏ bừng; cười thì sợ trông giễu cợt quá (số là sinh viên này có kiểu cười nhếch mép trông rất bỉ), không cười thì lại sợ lạnh lùng quá, mặt mày khó đăm đăm; hai tay thừa thãi mà không dám đưa lên đầu (nam gãi đầu gãi tai cũng chẳng sao chứ nữ mà làm thế thì trông phải biết là mất mỹ quan); ngồi đực ra một lúc không biết nói gì, sinh viên bèn ngước mắt nhìn lên trần, vừa hay trông thấy một vết nứt lớn. Cơ hội đây rồi, sinh viên vội vàng buông lời nịnh ngay:


- Nứt thế kia mà chưa sập…


Thầy giáo:

- ???


Sinh viên (cố nghĩ thêm để nói cho hết ý):

- … Nhà thầy thật là kỳ tích!


Bạn của Trang the Ridiculous cũng không kém cạnh. Sinh viên này đến nhà một thầy giáo khác cho một thương vụ khác, đặt túi nho Mỹ to to (bên trong có một chiếc phong bì nho nhỏ, trong đó nữa có một số tiền to to) lên mặt bàn và đi thẳng vào vấn đề:


- Có ít nho, em mời thầy!


Thầy giáo xua tay:

- Không. Này, làm cái trò gì đấy? Tôi không lấy đâu.


Sinh viên:

- Không sao ạ. Thầy cứ ăn đi mà.


Thầy giáo:

- Thôi, em cầm về đi, tôi đã bảo không là không.


Sinh viên:

- Không, em nói thật mà. Thầy cứ ăn đi mà.


Tuy nhiên, hai chuyện này không kinh khủng bằng chuyện tiếp theo đây: Trang the Ridiculous ngồi nhà thầy hơn nửa giờ mà vẫn không sao có đủ can đảm để nói ra những điều cần nói. Bàn qua lại chuyện thời tiết, giá cả thị trường, tâm tư tình cảm của thế hệ trẻ… mãi rồi sinh viên đành thở dài, đặt túi quà lên bàn:


- Thôi thì chó không chê cứt, người không chê tiền. Em có chút quà gọi là, mong thầy nhận cho…


Thầy giáo:

- !!!

*
* *


Xin giải thích ngay với mọi người là cả ba chuyện trên đều là bịa 100%. Tổ cha đứa nào cứ bịa ra để gắn nó cho Trang the Ridiculous và bạn hữu. Chúng tôi tuy lố bịch nhưng cũng có đôi chút lễ nghĩa, có đâu lại thở ra những lời hỗn láo khi đi thầy như thế được.


Cũng phải nói thêm rằng chuyện ghét trường sở và nói xấu thầy cô giáo chẳng có gì hay ho. Đối với riêng tôi, đó không phải là một điều vui thích gì, nhất là khi mỗi lần sắp đến ngày 20/11, có người hỏi: “20/11 Trang có đi thăm thầy cô nào không?


Thì tôi đều im lặng một lúc rồi mới ấp úng trả lời: “Không…”.


Vì tôi không có niềm hạnh phúc được đến thăm một người thầy/cô nào đó mà tôi yêu mến và yêu mến tôi. 16,5 năm đi học tôi chỉ có ba người để có thể đến thăm vào dịp 20/11.


1- Thầy giáo dạy lớp 5, thầy Dũng (không phải vì con gái thầy có trong friend list của blog này mà tôi nói thế đâu). Sau bốn năm (lớp 1-2-3-4) học hành đì đẹt, xếp cuối lớp, năm học với thầy là năm duy nhất của thời học sinh, Trang the Ridiculous ngoi lên được “tầng lớp thượng lưu”. Nhưng thầy không nhớ tôi.

2- Thầy giáo dạy đàn. Nhưng ông không dạy tôi ở trường mà là dạy ngoại khóa, và thật ra ông giống một nghệ sĩ hơn là một thầy giáo.

3- Thầy Túc (mà tôi thường gọi sau lưng thầy một cách cung kính là Lỗ Túc tiên sinh), người đã “tiên đoán” tương lai nghề nghiệp của Trang the Ridiculous khi thấy một đứa học trò, thay vì đặt vở lên bàn để viết, thì lại đặt vở lên một tay, tay kia viết. Thầy bảo: “Trang nó làm gì mà như ký giả thế kia nhỉ?”. Sau này, mỗi lần đứng, tay cầm sổ tay cầm bút, tôi lại nhớ đến câu nói của thầy. Nhưng, tôi không dám đến thăm thầy vì ngượng về một số trò lố của mình trong quá khứ. Mịa, đúng là nhỏ không học, lớn làm phóng viên.


20/11, được “going to the teacher’s” với đúng nghĩa “đến thăm thầy cô giáo” có lẽ là một niềm vui.

Tuesday 20 November 2007

Những kẻ thích đùa




Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, là tôi biết sắp đến ngày 20/11, và lòng tôi lại náo nức một mong muốn được tôn vinh nền giáo dục Việt Nam bằng những lời lẽ cay độc nhất. Dẫu biết rằng làm như thế chẳng hay ho gì, nhất là trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm, và thoát thân rồi mới dám ngoạc mồm nói xấu trường sở, quả thật rất đê hèn… Nhưng, tổ sư ghét quá không chịu được! Tôi có tiền sử ghét đi học, ghét trường lớp (thảo nào 16,5 năm đèn sách thì tới quá nửa là đứng trong bottom ten của lớp).

Có lần kể lể với mấy đồng chí trong chi bộ về tình hình học hành rất bi đát của Trang the Ridiculous, em Z14 nhìn chị Trang đầy thông cảm và thương xót:

- Sao lại ra nông nỗi ấy? Chị thấy học khó quá à? Học không vào à?


Hừ, nó làm như mình thiểu năng ý! Chẳng nhẽ lại giận dữ bỏ nồi lẩu đấy đi về nhà. Nói chung cứ nhắc tới chuyện học là Trang the Ridiculous nổi cáu. Trừ vật lý, hình không gian, họa (tức vẽ), còn lại các môn học, đối với tôi, môn nào cũng đáng ghét cả! Tôi mà lên hoạt động ở cương vị của chú Nhân bây giờ hả, bỏ hết, bỏ tất cả các môn, 12 năm chỉ học lý, hình không gian và họa thôi, cùng lắm thêm tí thể dục. Hệ thống đại học thì chia ra thành ba trường, chuyên về lý, hình không gian, và họa. Ai không thích, ra nước ngoài mà du học!


Đấy, lại 20/11 rồi đấy. Nhân ngày Hiến Chương các nhà giáo năm nay, Trang the Ridiculous xin kể cho bạn đọc blog nghe một câu chuyện buồn của tôi hồi còn là sinh viên ĐH Ngoại thương, 10 năm về trước. Đó là năm 1997, ở Hà Nội… (Nhạc nổi)

*

* *


Năm ấy, chắc mọi người còn nhớ, cả thủ đô xôn xao vì sự cố một nhóm thanh niên lạ đi xe Wave *, dùng dao lam rạch mặt người đi đường. Theo phản ánh, nạn nhân là phụ nữ đi xe máy hoặc xe đạp, và trẻ em ngồi đằng sau. Hung thủ kẹp lưỡi lam vào giữa hai ngón tay, đưa một nhát, để lại một đường mảnh như kẻ chỉ trên má nạn nhân rồi rồ ga chạy mất, người bị rạch lúc đó thường hoảng loạn nên không bao giờ kịp phản ứng gì (nhìn biển số, hô hoán hoặc đuổi theo). Có ý kiến cho rằng thủ phạm là người dính HIV/AIDS, sinh phẫn chí, làm thế để trả thù đời. Chẳng biết nạn nhân có đi xét nghiệm máu không, tin đồn cuối cùng vẫn cứ là tin đồn. Thành phố náo loạn. Phụ nữ và trẻ em ra đường đội mũ bảo hiểm, bịt mặt sùm sụp như ninja.


Trong những ngày căng thẳng đó, Trang the Ridiculous (tất nhiên là vẫn đi lại ngoài đường, đội mũ đi hia chẳng đeo khẩu trang) tình cờ nghe lỏm được hai bạn sinh viên (nam) cùng lớp nói chuyện với nhau. “Mấy ngày này đàn bà trẻ con sợ lắm đấy nhỉ?” “Ừ, hí hí hí”. Một cảm giác khó chịu bốc lên trong đầu, không phải vì nội dung của hai câu nói nghe lỏm được, mà vì sự mập mờ và bưng bít thông tin của báo đài, cộng với cái sự hèn nhát của “đàn bà trẻ con” - và cả đàn ông nữa. Đeo khẩu trang để che bụi che nắng thì có thể, chứ việc gì phải sợ hãi đến mức ninja hóa toàn diện như thế, rất mất mỹ quan của thành phố, lại làm cho bọn rạch mặt kia càng thêm hả hê. Nói chung, từ hồi còn bé nhóc, tôi đã dị ứng với tất cả những “phong trào” toàn xã hội đưa tin thất thiệt, kiểu như vụ “cua mặt người”, “chuột Chernobyl” (như hồi đầu năm nay là “thánh vật sông Tô Lịch”). Hồi nhỏ, tôi không hiểu sao mình lại ghét nghe tin đồn đến thế, bây giờ thì em đã hiểu: Nó chỉ chứng tỏ một nền báo chí kém cỏi và bị bưng bít, một xã hội dân trí thấp, văn hóa thấp và an ninh chẳng ra quái gì.


Cần phải giải tán cái nỗi sợ tập thể này khỏi đầu mọi người” - tôi nghĩ thầm. “Mọi người” lúc đó đối với tôi chỉ là hơn 120 sinh viên cùng lớp, cả nam và nữ. “Bằng cách nào? Bằng cách làm cho mọi người thấy rằng đó chỉ như một trò đùa, chẳng có gì phải sợ”. Sau này, cho dù tôi có thề sống thề chết “em làm thế chỉ với mục đích tốt”, cũng không ai tin cả, nên bây giờ xin kể lại chi tiết tất cả những suy nghĩ của mình lúc đó, đồng thời xin đập đầu vào bàn phím mà thề một lần nữa rằng khi ấy tôi không có mục đích nào khác ngoài ý muốn làm cho bạn bè bớt sợ hãi.


Sáng hôm sau, trước khi tới trường, tôi xé một mẩu băng dính Urgo dán chéo lên má, vừa làm vừa rỉ rả hát: “Urgo, Urgo. Mọi người đều biết tên anh. Vết thương mau lành. Vì đã có Urgo. Urgo, Urgo. Băng keo cá nhân tuyệt vời. Hãy luôn vui cười. Từ nay có Urgo. La la la…”. Đoạn đội mũ, đeo khẩu trang, đi học.


Tôi đã hình dung trong đầu, sau khoảng một tiết học (45 phút), tôi sẽ chấm dứt trò đùa trong không khí vui vẻ, mọi người đều cười ồ lên khi biết bị mắc lỡm. Điều tôi không lường trước được là sự hoảng sợ đến điên loạn của cả lớp khi ấy. Chỉ trong một tiết đầu, tin đồn loang ra khắp trường mặc dù tôi chỉ ngồi bất động một xó, không ra khỏi lớp. Các bạn đổ xô đến hỏi han, mặt ai cũng bạc phếch đi vì sợ hãi. Người nắm tay, kẻ nắm chân. Kịch bản tôi chuẩn bị vô cùng đơn giản: Tối qua, 9h, đang đi xe đạp trên đường Hàng Bông, ở đoạn trước cửa khách sạn Kim Cương, thì, hai thanh niên, đi xe Wave, phóng lướt qua, không thấy đau trên má, một lát sau mới sực nhớ ra, đưa tay lên mặt, ối giời ơi…


Không định diễn, nhưng dáng vẻ gầy xanh (hồi ấy tôi chưa mang họ Tăng Trọng như bây giờ) và vẻ mặt ngơ ngác (mặt mình bị cái lúc nào cũng đần) đã đóng góp rất nhiều vào thành công của vở kịch. Đám con trai túm năm tụm ba bàn tán, căng thẳng. Nữ giới kéo tới vuốt tóc, nắm tay, vỗ vai hỏi thăm ngày một đông, trước một Trang the Ridiculous lúc đó mặt cũng cứ tái dần. Hết tiết 2, mặt tôi đã tái mét, giọng lạc đi - tôi không ngờ trò đùa gây phản ứng khủng khiếp với đám đông đến thế. Tôi càng sợ, càng tái mặt, thì cả lớp càng tin sái cổ. Trò đùa đã đi quá xa: Chỉ trong một buổi sáng, tin đồn lan cả sang Học viện Quan hệ Quốc tế, rồi ĐH Luật (đấy là sau này tôi mới biết, chứ hôm đó tôi đã hạn chế ra khỏi lớp để tránh phiền phức).


Đến hết tiết 3 thì tôi không chịu nổi nữa. Lấy hết can đảm, tôi đi lên bục giảng xin cô cho mượn micro để nói mấy lời với các bạn. Mặt cô giáo khi đó cũng tái đến độ màu phấn hồng cũng không sao che nổi. Cả lớp như nín thở. Khổ thay ai cũng chờ tôi nói một câu đại loại như “xin các bạn hãy đề cao cảnh giác, đừng như tôi đây...”. Nhưng cái điều mà tôi nói vào micro lại là điều không ai mong đợi: “Đây chỉ là trò đùa của những kẻ thích đùa thôi, mình xin lỗi đã làm các bạn sợ, mình có làm sao đâu”. Miệng nói, tay bóc miếng băng keo trên má.


Im lặng chết người. Khác với mong muốn của tôi, không ai cười. Không ai nói một câu. Tôi trả lại micro cho cô giáo, với một ý nghĩ cay đắng: “Mình toi rồi”.


Tôi không lường được sức lan truyền của tin đồn. Chiều ở nhà, bạn bè cấp III mang cam đến thăm, ai cũng nhìn tôi chòng chọc. Khi biết tất cả chỉ là một trò đùa, người thì giậm chân “Giời ạ, đùa kiểu gì thế!”, kẻ thì bỏ về. Nhưng không gì đáng buồn bằng việc phải nghe những lời chê trách ở lớp. “Mẹ, trò đùa ngu xuẩn!”. “Vớ va vớ vẩn!”. Không tả hết được sự tức giận của một số người - lúc trước sợ hãi bao nhiêu thì bây giờ giận dữ bấy nhiêu: “Tao không hiểu cái con điên ấy nó nghĩ thế nào mà nó làm cái trò ấy”… Cùng với đó là rắc rối với các thầy cô giáo: “Thế là thế nào? Trang lớp Pháp thì bảo Trang lớp Anh, Trang lớp Anh thì bảo Trang lớp Pháp. Tóm lại là cô nào bị rạch mặt?”. “Em không biết ạ”. “Ừ, thế có khi Trang lớp Trung rồi”. Dù vậy, chuyện cuối cùng cũng bại lộ, để lại chút ít hậu quả (không nhắc tới ở đây).


Cũng không tả hết được cảm giác buồn bực của tôi lúc đó. Thật lố bịch khi người luôn dị ứng với tin đồn lại trở thành kẻ phạm tội “tung tin đồn nhảm, gây rối loạn trật tự xã hội”. Mục đích ban đầu (chỉ muốn làm mọi người bớt sợ) thì không đạt được, lại còn phải nghe bao nhiêu lời chê trách. Tuy nhiên, điều khiến tôi cay cú nhất là cứ phải kiềm chế, im miệng vì biết mình sai, dù chỉ muốn mắng lại: “Mẹ kiếp. Chúng mày sinh viên Ngoại thương, chỉ giỏi tính lạm phát trong điều kiện tiêu chuẩn thôi, chứ tao cho chúng mày điểm hạng bét về khả năng phán đoán. Có thằng nào con nào tối hôm trước bị rạch mặt, sáng hôm sau đến trường đi học bình thường không, hả, hả, hả, hả? Yêu trường đến thế cơ à?”.


Trời đất ơi, các nhà kinh tế tương lai. Các bạn đều giỏi tính GDP và hoạch định chính sách tài chính - tiền tệ cả, nhưng một điều rất đơn giản về tâm lý thì các bạn lại không tính đến: Nếu một người - ở đây là một nữ sinh viên bé nhỏ - bị rạch mặt bằng lưỡi dao lam không rõ có HIV không, thì những việc, hoặc những phản ứng đầu tiên người đó có sẽ là gì? Sẽ là cuống cuồng đi khám, cuống cuồng gọi điện cho bạn bè báo tin, ra đồn báo công an, hoặc chạy về nhà run lẩy bẩy, kêu khóc rầm rĩ, chấn động tâm lý... Điều chắc chắn là không một ai đi học ngay sáng hôm sau cả!


Tất nhiên, tôi không dám, và không thể chỉ từ một việc đó mà nói rằng sinh viên ĐH Ngoại thương kém, chất lượng giáo dục ĐH Ngoại thương chẳng ra gì, hay nói rộng ra là cả hệ thống giáo dục Việt Nam vứt đi v.v. Nhưng sự cố “bị rạch mặt” đã khiến tôi đâm ra nghi ngờ đủ thứ, từ những tin đồn tương tự, đến chuyện sinh viên ĐH Ngoại thương rất thông minh (khi cả gan nói ra điều này, mình phải vô cùng xin lỗi các bạn). Câu chuyện cũng làm tính cách Trang the Ridiculous biến đổi nhiều: ít nói cười hơn, ít lố bịch hơn, và cứ mỗi khi ở một tổ chức nào đó, có ai đó giấu tên đùa cái gì đó, là tôi lại hoảng sợ nhìn mọi người, ra sức phân trần: “Không, không phải em. Em không đùa đâu”.

Dù vậy, tôi vẫn nhất quyết không coi cái entry này như một lời sám hối. Tôi có lỗi nhưng không có tội. Xin cứ xem trò đùa ấy như một phép thử, phép thử đối với các bạn của tôi và dĩ nhiên là cả tôi nữa.



* Không phải Wave mà là Viva, nhưng mình không thích chơi cái trò xóa lỗi kiểu lấp liếm của báo điện tử, nên làm cái đính chính ở cuối entry vậy.

Monday 19 November 2007

Hình phạt nào thích đáng cho VTV?

Chú D. vừa có kết luận về việc phát sóng chương trình kết thúc Nhật ký Vàng Anh của Đài THVN, theo đó các tập thể và cá nhân liên quan trực tiếp sẽ phải chịu hình thức xử lý nghiêm. Có thế chứ, chú cháu thay trời hành đạo, phải quá, phải quá. Chú không xuống tay, để bố con Khải Hưng làm loạn cả sóng, người xem lại bảo trời không có mắt để Yến Vy với Hồng Nhung khổ sở điêu đứng, mà Thùy Linh thì lại được cả lò truyền hình bênh vực. Nay chú xuống tay, đúng là trời có mắt rồi.



Chú phạt cho chết cha chúng nó đi chú ạ, cho chừa cái thói lạm dụng sóng sánh để làm bậy đi. Cứ mỗi giây chú phạt chúng nó 10 triệu đồng cho cháu. Đằng nào thì tiền ấy cũng là tiền của dân cả, có phạt thì cũng chỉ là chuyển tiền từ cơ quan này sang cơ quan khác, không đi đâu mà lãng phí. Trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, đồng tiền không tự sinh ra mà cũng không tự mất đi. Nó chỉ chuyển từ túi này sang túi khác, từ hình thức này sang hình thức khác.


Một tràng pháo tay cho quyết định vô cùng sáng suốt của chú cháu nào!



1. Báo cáo kiểm điểm của Đài Truyền hình Việt Nam là nghiêm túc, thẳng thắn, đã nhận rõ những thiếu sót và trách nhiệm của lãnh đạo Đài và các đơn vị, cá nhân có liên quan. Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đã cho phát sóng chương trình kết thúc Nhật ký Vàng Anh không có tác dụng giáo dục, gây phản ứng trong xã hội, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đài truyền hình quốc gia.

2. Giao Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam:

a) Xem xét, có hình thức xử lý nghiêm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức, thực hiện chương trình kết thúc Nhật ký Vàng Anh.

b) Khẩn trương hoàn chỉnh Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài; bổ sung, hoàn thiện quy chế và xác định rõ chế độ trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Đài; ban hành các quy định cần thiết, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nội dung các chương trình; tăng cường quản lý, giáo dục về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, diễn viên... trong Đài; quản lý tốt việc liên kết, hợp tác sản xuất chương trình với các đơn vị, cá nhân bên ngoài Đài; kiên quyết không để xảy ra những sai sót tương tự, làm ảnh hưởng không tốt đến vị thế và uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam.


Nhưng hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất là chú cứ tuyên bố: Bọn VTV không xứng đáng làm Đài TH quốc gia. Thật bê bối. Từ giờ phút này trở đi, không có đài nào xứng đáng làm Đài TH của Nhà nước cả. Nhà nước sẽ không cấp tiền cho bất cứ một đài nào nữa. Hừ, truyền hình với chả phát thanh, báo viết với chả báo hình báo tiếng. Không cho tiền chúng mày nữa, cho chúng mày sập hết, sập hết!






For safety reason, please don't comment on this entry.

Thursday 15 November 2007

Và chúng ta bắt đầu phá cách




(Hay Chuyên đề về Nghệ thuật Đương đại, kỳ I)


Trong những cuộc phỏng vấn “tàu nhanh” với các nghệ sĩ và doanh nhân (mọi người đừng nghĩ bậy nhé), Trang the Riduculous đặc biệt nhớ hai cuộc trò chuyện sau đây.


Thứ nhất là với một nghệ sĩ guitar mà tôi rất ngưỡng mộ, Châu Đăng Khoa. Anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thâm tâm tôi coi anh như một nghệ sĩ của Sài Gòn cũ. Nói về anh thì cả ngày không hết chuyện, nên tôi sẽ chỉ lấy ra một vài câu mà tôi nhớ nhất.


- Âm nhạc có một ngôn ngữ riêng mà người nghe bình thường không thể hiểu. Có phải thế không anh?
(Mọi người lưu ý giùm, đây là cuộc trò chuyện chứ không phải phỏng vấn kiểu “ép cung” đâu ạ).

- Ý em là… sao?

- Vâng, ví dụ bản Mente của Bach được người ta bình là “như một mùa xuân trong sáng”? Có đúng vậy không anh?


Nghệ sĩ châm thuốc, rít một hơi rồi bình thản:

- Nói phét!


Tôi cười rung cả vai. Trời đất, sao lại có người nghệ sĩ dễ xương thế chứ nị. Tôi định nói: “Oh I like you, man” nhưng sợ nghệ sĩ lại sửng sốt: “What’s up, lady?” thì phiền, đành phải kiềm chế.



Thứ hai là cuộc trò chuyện với một họa sĩ:


- Anh giải thích giúp em với, cái tác phẩm sắp đặt đó em chả hiểu gì cả. Sao mấy người đứng xem cứ trầm trồ: Bố cục chặt, chặt, đẹp, đẹp…?


Họa sĩ trừng mắt:

- Đứa nào bảo thế?

- Dạ, mấy nhà phê bình X, Y, Z ạ.

- Mẹ, nói phét!

- Ớ…

- Nói phét đấy, em đừng tin.

- Thế thật ra anh có đi xem cái triển lãm sắp đặt và trình diễn hôm đó không?

- Không, anh chờ hôm nào nghệ sĩ Đào Anh Khánh tự thiêu trước công chúng thì anh sẽ đi xem. Lúc đấy bố cục mới gọi là chặt!



*
* *



Tôi không đủ trình độ và cả tư cách để nói về nền nghệ thuật của nước nhà, nhất là trong khuôn khổ một blog. Cái mà tôi muốn nói, hoàn toàn mang tính chủ quan, là: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công chúng về nghệ thuật, trong một xã hội như Việt Nam, rất nhiều người gồm các nhà phê bình nghệ thuật, các nhà báo tài ba… đã tung hỏa mù, sử dụng thật nhiều ngôn từ cao siêu và bí hiểm để bình phẩm về nghệ thuật, trước là để khoe thô kiến thức, và sau cũng là để khoe thô kiến thức (thì còn biết khoe cái gì nữa?) Giá như ai cũng thẳng thắn (thậm chí thô lỗ cũng được, miễn là trung thực với chính mình) như hai nghệ sĩ tôi đã gặp kia…


Một lần khác nữa, lần này thì không phải đối thoại với nghệ sĩ. Tôi nói chuyện với một nhà báo khá nổi tiếng, được đông đảo đồng nghiệp đánh giá là tài năng, trên thông chính trị dưới tường làm ăn. Tôi đưa anh một mẫu thiết kế đồ họa:


- Anh thấy thế nào ạ?


Nhà báo cầm bản in, lật đi lật lại, vẻ mặt đăm chiêu:

- Cũng được. Nhưng nó thiếu một cái gì đấy…

- Thiếu cái gì hả anh?

- Thiếu tính liên kết. Thiếu tính liên kết giữa chủ thể và bối cảnh.

- Ái chà… (Trang the Ridiculous chết đứng tại chỗ)



Xem ra entry này của mình thiếu nặng nề tính liên kết rồi đây, bố cục thì rất lỏng.

Thursday 8 November 2007

Nghĩ về Bác, lòng con trong sáng hơn

Đồng chí Mitdac có mật thư về hỏi Trang the Ridiculous xem cuốn “Chuyện ngày thường về Bác Hồ” bán ở đâu để lấy một bản. Xin trả lời Mít: Đồng chí xem lại cách phát ngôn, sách về lãnh tụ chứ có phải sản phẩm thương mại đâu mà đem bày bán ngoài sạp như Harry Potter thế! Sách được in 2.000 bản, nộp lưu chiểu quý III/2007, sau đó được chuyển tới đồng bào vùng sâu vùng xa và các chi bộ trong cả nước.

Tuy nhiên, thật sự cảm kích trước tấm lòng của Mít và bạn đọc blog đối với tác phẩm, tôi xin đăng thêm một số chuyện trong “Chuyện ngày thường về Bác Hồ”.


*
* *


Chuyện thứ nhất: Thế thì tại sao…

Bác đến nói chuyện tại buổi tổng kết lớp học chính trị của bộ đội… Bác hỏi:
- Ở đây những chú nào có vợ rồi, giơ tay.

Có đến một nửa lớp giơ tay. Bác lại hỏi:
- Những chú nào có con rồi?

Lần này có khoảng một phần ba giơ tay.

Bỗng Bác chỉ một đồng chí cả hai lần giơ tay, nói: “Bác hỏi thật chú, chú có bao giờ bớt phần cơm của vợ con chú không?”

Đồng chí nọ cảm động thưa:
- Dạ thưa Bác, không ạ!

Không khí hội trường lắng xuống. Bác nhìn cả lớp rồi nói giọng không vui:
- Thế thì tại sao có một số cán bộ hễ thấy tài sản của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ sểnh ra một chút là tìm cách đút túi?

Lời bình: Ông Cụ hỏi thế thì cán bộ chúng mình cứng họng!


*
* *


Chuyện thứ hai: Tất cả chú ý: Đằng sau, quay!

Có tin Bác sẽ đến thăm hội nghị làm ai cũng thấp thỏm, náo nức chờ đợi. Những cán bộ “chủ chốt”, những người nhanh chân đã mau chóng ngồi hết các hàng ghế trên, mong được nhìn rõ bác, nghe Bác nói chuyện. Chỉ có những người ở xa, những chị em con mọn là chậm chân đến sau, lo lắng không được nhìn rõ Bác.

Mọi người đang hồi hộp, cố nhón cao hơn nhìn ra phía cửa chính. Bỗng có tiếng hô:
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
- Bác Hồ muôn năm!

Nhưng Bác ở đâu mà chưa ai nhìn thấy nhỉ? Vừa lúc có tiếng Bác dõng dạc:
- Tất cả chú ý: Đằng sau, quay!
Tức thì: Tất cả quay lại. Bác tươi cười đứng cuối hội trường vẫy tay chào mọi người.
Thì ra, Bác muốn thay lệ cũ: Không ngồi bàn chủ tịch, không nói trước máy phóng thanh. Bác muốn ai cũng được nhìn thấy Bác nói, nghe Bác nói - nhất là những người “chậm chân”, những người mắc bận nhiều công việc.

Lời bình: Có lẽ Bác đi lên từ cuối hội trường như thế thì mọi người còn khó nhìn hơn. Tự nhiên lại phải “đằng sau, quay”.


*
* *



Chuyện thứ ba: Thế còn bức này không đếm à?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Bảy kể: “Tháng 5/1950, tôi được phân công chuẩn bị một phòng triển lãm ảnh chuyên về Bác để mừng thọ Người 60 tuổi. Khi đang loay hoay sắp xếp bố trí treo ảnh, chợt cảm thấy như có ai đứng sau lưng, tôi quay lại, thì đúng là Bác Hồ.

Bác hỏi ân cần: Chú làm gì vậy?
- Dạ thưa, cháu trưng bày ảnh mừng thọ Bác.

Bác nói:
- Các chú chỉ vẽ chuyện. Thế chuẩn bị được bao nhiêu ảnh rồi?

Tôi tin tưởng đáp: Dạ, đúng 20 ảnh ạ.
Bác mỉm cười hỏi lại: Có đúng 20 không?

Câu trả lời của tôi có phần kém tự tin:
- Dạ… đúng.

Mắt Bác sáng lên một tia vui, rất trẻ:
- Thế thì chú cứ thử đếm lại đi.

Lần này thì hoang mang thật, tôi vội đảo mắt đếm: một, hai, ba…

Sau mấy lần kiểm tra, tôi mạnh dạn trả lời:
- Thưa Bác, đúng là 20 ảnh ạ.

Bỗng Bác chỉ vào ngực mình và nheo mắt:
- Thế còn bức này chú không đếm à?

Cả hai Bác cháu cùng phá lên cười thoải mái”.

Lời bình:

Đấy, rõ ràng là không có ma nhé! (Tuy Trang the Ridiculous hay viết chuyện ma nhưng thật ra tôi chẳng tin gì vào ma quỷ). Chứ nếu có ma và nếu tôi mà là Ông Cụ (nói một cách rất hỗn láo là như thế), tôi sẽ hiện về khiển trách tác giả cuốn sách này. Tôi tưởng tượng sẽ có một đoạn đối thoại như sau:

- Hầy, thằng kia!
Tác giả (bật dậy): Chết, Bác, Bác về.
- Ai Bác cháu với mày, thằng kia?
Tác giả: Bác, cháu xin Bác… Có gì Bác cứ bình tĩnh phê bình…
- Mày… Chú có nịnh Bác thì cũng nịnh vừa vừa thôi chứ. Chú bảo Bác dí dỏm với hài hước, mà chú để Bác đùa nhạt thế thì liệu có cô chú nào cười được không, tin được không, hả, hả, hả?

Tác giả: Ặc, ặc…

Friday 2 November 2007

Tình tiết giảm nhẹ tội trong vụ VA




Sở cẩm Hà Thành vào chiều 25/10 đã công bố tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, họ tên bố mẹ của 14 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, biên tập clip phim sẽ của Vàng Thùy Linh. Tuy tòa án chưa có kết luận gì nhưng cả 14 đối tượng đều đã bị công an bắt, nghĩa là chúng đều có tội.


Gay. Sờ lại gáy thấy toát cả mồ hôi. Chiều tối 25/10, Trang the Ridiculous mang tài liệu của Sở cẩm ra hàng fax về tòa soạn mà còn bị nhân viên bưu điện nhìn chăm chú: “Tài liệu này là thế nào đây?


Theo số liệu của TCTK (đại khái thế), cứ 7 người Nhật có 1 người đọc Rừng Nauy. Cứ 7 người Việt thì có 6 người đọc và xem Nhật ký Đặng Thùy Linh. Xem nào… Dân số ta có 86 triệu người. Vị chi là có 73 triệu người phạm tội rồi. Nguy hiểm, nguy hiểm quá! Thế này phải báo cho Sở cẩm bắt tuốt.


Tuy nhiên, thành thật mà nói thì mình vẫn cố tìm một lý do, một tình tiết để giảm nhẹ tội cho 14 đối tượng. Áp dụng lý thuyết trò chơi, mình đã chứng minh được rằng trong điều kiện bình thường, một người bình thường sẽ luôn có xu hướng phát tán phim sẽ rồi mà. Xin hãy vì lý thuyết trò chơi mà tha cho các em ấy.


Không được, không được. Nói cho vui thế thôi, chứ lý do này không chấp nhận được. Vậy thì, có thể vin vào việc các em “phạm tội trong trạng thái bị kích động” không nhỉ? Bởi vì, nếu VTV không tung ra cái chương trình oan nghiệt “Nhật ký VA chia tay khán giả” vào cái buổi tối định mệnh 15/10 ấy, thì rất có thể chúng ta đã chẳng có cơ hội được xem phần 2.


Xét các tình tiết giảm nhẹ tội như: các đối tượng đều chưa hề có tiền án, tiền sự; khai nhận hành vi phạm tội khá trung thực; chỉ hành sự cho thỏa tức và phạm tội trong trạng thái bị kích động; phía bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại; mình trộm nghĩ là, mình thiết nghĩ là, mình thực sự nghĩ là… thôi, chẳng nói nữa.


Vì chuyện Vàng Anh mà năm nay chi bộ Z chắc chắn không đạt cờ luân lưu rồi. Buồn. Chi bộ trong sạch, vững mạnh kiểu gì mà vẫn còn những đoạn đối thoại như thế này:


Z81: Z21!

Z21: Có chuyện chi hệ trọng rứa chú?

Z81: Tôi đã suy nghĩ rất kỹ rồi đồng chí ạ.

Z21: ???

Z81: Cho dù quen biết đồng chí đã lâu

Z81: nhưng vì danh dự của người thanh niên cộng sản

Z81: tôi sẽ phải gặp mấy ảnh ở trển để tố cáo đồng chí phát tán đoạn băng Thùy Linh cho tôi vào đêm 17 rạng 18/10 vừa rồi

Z21: Chết mẹ!

Z81: Đồng chí đã phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy!

Z21: Không phải tôi, tôi… lấy đoạn băng đó từ Z20. Z20 mật gửi cho tôi.

Z81: Á, lại còn cả cái đầu mối ấy đấy!

Z81: Nhưng dù là người đầu tiên hay cuối cùng thì đồng chí cũng đã phát tán và xét về hành vi là như nhau.

Z21: Đừng, đừng tố cáo!

Z21: Đồng chí làm thế là mất hết uy tín cán bộ.

Z81: Tôi không muốn, nhưng vì danh dự và lương tâm của người cộng sản thì tôi buộc phải lập công dâng Đảng…



Đấu tố nhau loạn xạ. Quả thật là một chi bộ vẩn đục, yếu kém. Mọi chuyện chỉ kết thúc sau khi Z21 viện đến “the culture of envelopes”.


+++

Chú thích ảnh: Làm chủ tình yêu, một trong những cuốn best-seller ở Mỹ viết về tình yêu. Nhân vật trang bìa: Thùy Linh - Việt Dart.

Saturday 27 October 2007

Monday 22 October 2007

Ma quái trên đường




“Một đêm khuya trên con đường ngoại ô. Chiếc ôtô chở hai cặp nam nữ dừng lại cho một người đàn bà mặc đồ trắng toát lên xe quá giang. Trời sáng trăng suông và cả bốn thanh niên này đều tỉnh táo. Xe đi rất nhanh, người đàn bà ngồi thu lu một góc không nói với ai câu gì. Sương xuống dần, đêm càng lúc càng lạnh. Bỗng bà ta chỉ tay về phía trước mặt và hét lên: “Cẩn thận, ngã ba trước mặt kia rất nguy hiểm!”. Nói xong bà ta lập tức biến mất.

… Ông cảnh sát ở sở cẩm, vốn là người không tin vào ma quỷ, cũng không giải thích nổi với bốn thanh niên đang kinh hoàng về câu chuyện huyền bí này. Ông, với tư cách một cảnh sát lâu năm, cho rằng có thể có khái niệm gọi là “dớp” trên một con đường đặc biệt nào đó. Người đàn bà kia có thể là linh hồn của một nạn nhân đã chết vì tai nạn giao thông ở đúng ngã ba đó, hiện về để báo động người sống. Nhưng trong nhiều trường hợp thì họ hiện về là để xui khiến cho những người sống cũng gặp nạn như mình, và con đường vì thế trở nên đặc biệt nguy hiểm”.

Đây là câu chuyện tôi được nghe kể hồi còn bé, cũng trong một đêm sáng trăng suông nào đó. Kết luận của người kể chuyện khi ấy là ma quái có thể xuất hiện ở khắp nơi, trên những con đường “ẩn dưới hàng cây tăm tối”, trên sông, trên biển khi những con tàu ma

(“người Hà Lan bay”) lừng lững lướt đi, rung chuông rền rĩ mà trên boong không một bóng người.


Không hiểu chuyện những con đường bị dớp có thật hay không nhỉ?


Còn tiếp

Monday 15 October 2007

Lý thuyết trò chơi trong chuyện Vàng Anh




Mấy hôm nay, cứ ló đầu vào YM là Trang the Ridiculous nhận được message: “Mọi người ơi đừng phát tán clip của Thùy Linh nữa nhé”, “Hãy ở bên Thùy Linh trong lúc này”, nghiêm khắc hơn một chút thì là “bọn nhà báo súc vật, hãy biết học làm người trước khi làm báo” v.v.


Chuyện này đã được đào xới kỹ trong cộng đồng blog, nhiều người cũng phát biểu quan điểm rồi. Bây giờ tôi xin phép thử áp dụng một lý thuyết rất nổi tiếng trong kinh tế học - Game Theory (Lý thuyết Trò chơi) - vào chuyện phát tán clip sex của TL.


Giả sử ta có hai nhân vật là bạn và tất cả những người còn lại, gọi chung là “mọi người”. Bạn và mọi người có hai lựa chọn, là phát tán hoặc không phát tán clip đó. (Hành động phát tán được hiểu là gửi file đó cho [một] người khác và/hoặc cho [một] người khác xem file đó). Các điều kiện khác đều bình thường, loại bỏ tất cả các tình huống bất thường như: bạn là họ hàng ruột thịt của TL, bạn không ở độ tuổi quan tâm đến lĩnh vực này, bạn có cái thú tích trữ các đoạn phim sex để âm thầm xem một mình và tưởng tượng như chỉ có mình bạn sở hữu nhân vật trong phim, không thể chia sẻ người tình trong mộng với bất cứ ai…


Với tất cả những điều kiện bình thường đó, chúng ta có 4 trường hợp:

Trường hợp 1: Mọi người đều phát tán file, và bạn không phát tán. Thì rõ là việc bạn không phát tán chẳng có ý nghĩa gì, đằng nào thì TL cũng đã thân bại danh liệt rồi.

Trường hợp 2: Mọi người đều phát tán file, và bạn cũng thế. Thì việc bạn gửi cho vài người 1 file hình có dung lượng 7M chẳng ảnh hưởng gì đáng kể đến hệ thống mạng nói chung, cũng như không làm hại thêm bao nhiêu danh phận của TL.

Trường hợp 3: Mọi người không phát tán file, và bạn phát tán. Điều đó chứng tỏ:

  • bạn chính là thủ phạm tung file này lên mạng, hoặc
  • bạn là một trong những người đầu tiên mà thủ phạm gửi file này, rất có thể là kèm theo lời nhờ vả: “Mày gửi cho ai thì gửi, cho con này nó chết m. nó đi”. Và vì là bạn thân của thủ phạm và được nhờ vả, nên bạn sẽ phát tán file đó, hoặc
  • bạn sẽ suy nghĩ như trường hợp 1 và 2.


Trường hợp 4
: Bạn và mọi người không ai phát tán file. Điều đó chỉ có thể có khi:

  • File đó không tồn tại, hoặc
  • Pháp luật có quy định những hình thức phạt cực kỳ thảm khốc cho hành động phát tán file phim sex (khoét mắt chặt tay v.v.), và pháp luật rất nghiêm minh (nghĩa là có hiệu lực đàng hoàng, chứ không phải có luật mà không ai thi hành). Cái giá phải trả quá đắt so với cảm giác thoải mái bạn có được khi chia sẻ file đó với người khác --> Không ai dám phạm luật.


Tóm lại, điều tôi muốn nói ở đây là: Trong mọi trường hợp, một người bình thường sẽ luôn có xu hướng phát tán file phim sex của TL.


Nào, bây giờ ta hãy tự vấn lương tâm xem có đúng mình đã send và/hoặc show file đó cho ít nhất một người khác không nào. Đúng là phải học làm người trước khi làm báo cũng như làm bất cứ cái gì khác, có điều đã là người thì chắc chắn chúng ta sẽ hành xử… như trên thôi.


*
* *


Tôi còn nghĩ tới một chuyện khác nhân việc nhận được các message nói trên. Chết chết, độc giả, khán/thính giả (sau đây xin gọi chung là audiences) Việt Nam chính chuyên từ bao giờ thế nhỉ? Thời còn làm ở VnExpress, tôi và một cô bạn có lần bị sếp dập cho một trận tơi bời vì cái tội coi thường độc giả, lý do đơn giản bởi chúng tôi khó chịu nhận thấy trong list các bài được đọc nhiều nhất ở VnExpress, top-ten bao giờ cũng rơi vào những tác phẩm mang những cái tít như “Nổ mông Britney Spears” hay là “Madonna lại khỏa thân lần nữa?” (sự thực của câu chuyện là ở đâu đó trên thế giới, người ta phát hành bộ tem Madonna khỏa thân). Có những bài gần như chắc chắn 100% là sẽ vào top hit, ngay từ khi đang viết: Cảnh DV tắm suối trong phim Lục Vân Tiên bị tung lên mạng


Thật ra đó không phải đặc thù của audiences Việt Nam mà là đặc điểm chung của audiences toàn thế giới. Trong lý thuyết báo chí, Tây nó dạy (xin lỗi, mình không học ngành báo nên không biết ở các trường báo của ta, các thầy cô dạy như thế nào - chỉ biết là Tây nó dạy): Một trong những yếu tố làm nên sức hút của tin tức là titillation component, nghĩa là tin đó có “yếu tố kích dục”. Yếu tố kích dục không nhất thiết phải là sex, hoàn toàn và trực tiếp, mà có thể chỉ liên quan xa gần. Ví dụ (ví dụ thôi nhá), tôi có những bài viết đặt tít thế này chẳng hạn:

CA quận Đống Đa vây bắt hơn trăm gái mại dâm

Thời trang áo tắm 2007: hai mảnh lên ngôi


Tôi có linh cảm rằng những bài đó sẽ được nhiều người đọc.


Vụ Thùy Linh vừa rồi cũng vậy. Tôi lại cũng có linh cảm mơ hồ rằng trong những ngày vừa qua, từ tiếng Việt được Google Search đón nhận nhiều nhất là “Thùy Linh”, “Vàng Anh” và “sẽ”. Còn gì thú bằng tay ta download hoặc play cái clip sẽ đó, miệng ta thì cứ chửi bọn chim ăn xác thối đưa tin, góp phần phát tán phim sex và hủy hoại cuộc đời TL.


Dĩ nhiên, không phải tất cả audiences đều mua/đọc báo vì “titillation component”. Nhưng đó là xu hướng tâm lý chung. Ta cũng có một niềm an ủi, là audiences không thích việc nhà báo lạm dụng họ. Nếu audiences ý thức được rằng nhà báo đang cố tình đánh vào “thị hiếu thấp hèn” thì họ sẽ phản ứng. Tuy nhiên cái ý thức đó và phản ứng đi kèm với nó lại còn tùy vào trình độ của audiences. Như ở Việt Nam thì ý thức chưa rõ ràng mà phản ứng cũng yếu. Nói cách khác, audiences toàn thế giới giống nhau về cơ bản, nhưng mức độ thì có thể khác nhau.


Với vụ TL, Dân Trí không đưa tin đầu tiên thì báo khác sẽ đưa. Báo chí sẽ còn đăng tải những tin tương tự, bởi vì có cầu thì mới có cung.


Nghe thì tàn nhẫn vậy, nhưng audiences là thế và báo chí là thế. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, lũ chim ăn xác thối chúng tôi nhận được phản ứng dữ dội và quyết liệt từ audiences (tẩy chay, đốt tòa soạn, bắt trói tổng biên tập, đánh thẳng lên tận Ban TT…), thì chúng tôi xin chuyển ngay sang các đề tài khác, như “Sự phát triển của XH dân sự ở VN”, hay là “Chất trí tuệ Đức trong vở Bà tỷ phú về thăm quê”, sang hơn chút nữa thì là “Tính Đảng trong các tác phẩm văn học phương Tây hiện đại”. Chuyển ngay ạ, không cãi. Hả? Này, ai cãi đấy, đứng lên tôi xem mặt cái nào!


Nhớ lại, ừm… thì chúng tôi chẳng đã từng nhận được hàng chục mail từ audiences đấy thôi: “Đcm. bọn viết báo lá cải!”. Nghe khôi hài y như việc tôi mắng nhà biên kịch - đạo diễn Tự Trọng Sinh “chửi bậy đ. chịu được, tổ sư thiếu văn hóa quá, thiếu văn hóa quá!”.


Wednesday 10 October 2007

Bực hết cả miềng




Hôm qua xuống cơ sở, cán bộ Trang the Ridiculous được dân níu áo tặng một cuốn sách có tựa đề “Chuyện ngày thường về Bác Hồ”. Cán bộ bỏ túi dết mang về, định để dành đọc từ từ làm sách gối đầu giường, nhưng thấy cũng mong mỏng, nên không kìm được, mở ra đọc luôn. Đọc xong cán bộ thấy giận dữ vô cùng: thằng tác giả này rõ ràng là có ý cướp chức Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch của cán bộ. Nó làm hình tượng Bác Hồ trong cán bộ bị méo mó thê thảm.

Xin trích đăng ở đây một vài trong số gần 100 chuyện trong tuyển tập, để vạch trần âm mưu tày trời của tác giả: lố bịch hóa Bác Hồ kính yêu. Hắn không biết rằng trong khi làm như thế, hắn đã tự lố bịch hóa chính mình, vô hình chung là muốn tiến tới cướp chức Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch của Trang the Ridiculous.




*
* *




Chu
yện thứ nhất: Là vì có anh anh Anh…


Tối 26/3/1949, nhân kỷ niệm 19 năm thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc *, ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, TW Đoàn và VP CP đã tổ chức mít tinh trọng thể… Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo khác cũng có mặt.


Trước khi buổi lễ diễn ra, Bác chỉ vào đ/c Phan Anh – lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thanh niên và là em ruột đ/c Phan Mỹ - Chánh VP Chủ tịch phủ, hỏi:

- Các chú có biết vì sao “anh” Phan Anh cũng có mặt hôm nay không?


Chưa ai hiểu được ý định của Bác nên trả lời: “Dạ, thưa, không biết ạ”.


Bác cầm micro, mỉm cười nhìn ông Phan Mỹ, nói chậm, rõ ràng:

- Là vì có anh – anh – Anh đã mời anh – Anh – em nên Bác cháu ta mới được đón anh Anh đấy.


Cả hội trường rộ tiếng cười vui vẻ vì câu nói dí dỏm, rất thanh niên của Bác.



*
* *



Chu
yện thứ hai: Nhân hòa là quan trọng hơn hết


Đồng chí Phạm Ngũ Kiên, một cán bộ quân đội về hưu, kể lại: Bác giáo dục cán bộ không công thức, không lý thuyết, bao giờ cũng lấy ví dụ cụ thể dễ hiểu, dễ nhớ.


Một lần đến thăm đơn vị, Bác hỏi:

- Bác đố các chú ai to nhất nước Việt Nam?


Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều đứng dậy hô:

- Thưa Bác, chính Bác ạ!


Bác cười hiền từ, rồi nói:

- Ngồi xuống! Các chú phong kiến quá. Việt Nam dân chủ cộng hòa, ai là chủ đấy các chú? Dân chủ - dân làm chủ cơ mà. Còn chúng ta - kể cả Bác - chỉ là đầy tớ của nhân dân mà thôi.




*
* *




Chu
yện thứ ba: Mỗi lần nhặt một hòn đá


Từ con suối cạn lên lán Một ở vực Hồ (Khâu Lấu) là nơi Bác và cán bộ qua lại thường xuyên.

Đoạn đường đã dốc lại trơn, nhất là tiết mưa dầm. Vì vậy Bác đặt nội quy: “Ai đi công tác xa về, hoặc có việc xuống suối, phải chọn và nhặt một hòn đá để lát sân, lát đường cho sạch đẹp”. Nhiều người tự giác làm đúng. Nhưng cũng không ít người hay quên, nên thường khi đã qua suối, đi một quãng xa, sực nhớ nội quy lại phải quay xuống nhặt đá mang lên.

Chẳng bao lâu, đoạn đường lầy và khoảng sân trước lán đã phẳng phiu, gọn gàng.

Cũng ở đây, trên con đường nhỏ dẫn vào nhà làm việc, Bác trồng một hàng dâm bụt chắn ngang và quy định: “Ai muốn vào nhà phải nhảy qua hàng rào này, chỉ trừ chị em phụ nữ”.

Do tập nhảy từ khi cây còn thấp nên khi cây cao dần đến nấc cố định đã cắt bằng, Bác đều nhảy qua. Nhiều anh chủ quan hay không tập luyện từ đầu nên không nhảy được. Khi có việc vào nhà Bác chỉ còn cách tìm lối đi vòng. Việc làm đơn giản nhưng có tác dụng luyện trí nhớ, luyện sức khỏe, luyện ý thức trách nhiệm mà trước hết Bác là người gương mẫu thực hiện.



*
* *



Lời bình: Cách cổ mịa nó tay tác giả biên soạn cuốn sách này đi. Ý đồ của hắn - lố bịch hóa Bác Hồ của chúng ta - đã hiện quá rõ.


+++

* Nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Bức ảnh trên gợi nhớ đến gió rét thành Ba Lê nên mình sử dụng, chứ không liên quan trực tiếp đến nội dung entry.

Thursday 4 October 2007

Không dốt vì quá dốt




Đi xem “Cây Sáo Thần” công diễn lại, chúng tôi hân hạnh được là hai trong số hai chục khán giả Việt Nam có mặt trong Nhà Hát Lớn tối hôm đó. Hai chục là làm tròn, thật ra tôi đếm được có 14 người “có vẻ Việt” trên cả ba tầng, còn lại khán phòng Nhà Hát Nhớn đêm ấy tinh Tây là Tây. Giờ nghỉ giải lao, trước mắt tôi không còn một bóng Việt. Cay nhất là lúc nhân vật Papageno chạy từ dưới ghế của khán giả lên sân khấu: Đèn bật sáng chiếu vào Papageno đang lom khom chạy lên, chiếu rõ mồn một luôn cả một nữ khán giả Việt Nam cũng đang lom khom chạy ngược chiều với Papageno để ra cửa exit. Con mụ người Pháp (chắc thế) ngồi cạnh tôi nhìn thấy hình ảnh ấy bèn cười lên rinh rích.


Tuy thế, khán giả rặt là Tây thì cũng có cái hay, khi vở diễn kết thúc, họ cũng biết vỗ tay và huýt sáo tương đối lâu rồi mới ra về.


Xem “Cây Sáo Thần”, nhớ lại chuyện hôm trước đi ngược chiều suýt đâm phải một đoàn xe máy chở các thanh niên ăn mặc theo phong cách Harajuku, tôi như nghe văng vẳng đâu đây tiếng cười đểu của cô em Z14: “Đồng chí, đồng chí đã hiểu vì sao dòng sách “Tình yêu thương sòng phẳng của đàn đĩlại bán chạy chửa? Hiểu chửa?


*
* *


Không trách khán giả Việt Nam được, không bao giờ trách được. Trong mọi tình huống, thú vị nhất, sướng mồm nhất vẫn là đổ tiệt lỗi cho nền giáo dục của ta, nói sâu xa là do xã hội, nói sâu sắc là do cơ chế. Có bao giờ chúng ta được thưởng thức những tiết học âm nhạc mà làm chúng ta muốn đàn, muốn hát đến độ “đá cũng phải nhảy lên”? Có bao giờ trong tiết họa, chúng ta bị thôi thúc phải cầm lấy cọ vẽ và bảng màu đến độ không vẽ không chịu nổi? Đã giáo viên nào làm cho chúng ta hiểu được, dù chỉ rất mơ hồ, về cái đẹp - cái đẹp của âm nhạc, của vật lý, của toán học, của ngôn ngữ?


Không trách khán giả được. Câu chuyện về “taste of beauty” (không biết nên dịch sang tiếng Việt là gì - thị hiếu, hay khiếu thưởng thức?) đã làm khổ chúng tôi trong rất nhiều trường hợp. Có những lúc bị đẩy vào thế phải quyết định: “Như thế có phải là hay, là đẹp không?”, tôi cảm thấy thật sự lúng túng. Còn nhớ hôm đi làm phóng sự về “lần đầu tiên công diễn Cây Sáo Thần ở Việt Nam”, tôi nhận yêu cầu đi quay đột ngột từ sếp. Anh biết tôi đã học guitar cổ điển và luôn tỏ ra là người thích âm nhạc, nhưng không hiểu sếp có biết lúc đó trong tôi có một nỗi sợ không? Sợ - sợ không hiểu gì, không thấy hay, không cảm nhận nổi cái đẹp của opera, không biết phải nói gì trong 5 phút phóng sự. Kinh nhất là khi không biết mà vẫn phải viết/nói về nó, phóng viên rất có nguy cơ tán nhảm.


Một nhà báo nước ngoài mà nghe tôi thú nhận “gần 30 tuổi mới lần đầu tiên đi xem/ nghe opera”, chắc phải thấy sửng sốt hoặc thương hại lắm. Không kịp ăn tối, chỉ còn nửa giờ để đi xe từ cơ quan lên Nhà Hát Lớn, tôi vừa nói chuyện với quay phim, chú Công Sơn, (cái đó gọi là “trao đổi công việc”), vừa cố trấn tĩnh, không để Sơn biết mình đang run (vì đói quá, và vì sợ).


- Lát nữa quay cho chị, Sơn cố… cố… (nghĩ một lúc không biết diễn đạt ra sao)… Nếu cắt cảnh, đừng có cắt lúc bọn nó đang ngân “o, o, o” nhé. Chờ nó ngân hết câu hãy cắt.

- Được rồi, chị.

- À, với lại… nghe bảo là vở này đầu tư công phu lắm, lát nữa đặc tả giúp chị mấy cái trang phục, thiết kế sân khấu của nó. Kim tuyến, lông chim gì cũng được.


Thực tế không như thế, trang phục của các diễn viên trong vở opera này rất đỗi bình thường. Thiết kế sân khấu thì chắc chắn là khá nhất từ ngày đình chiến đến nay, đơn giản vì đây là vở opera đầu tiên trên sân khấu VN kể từ hồi đó tới giờ. Phần âm nhạc, cụ Mozart sáng tác nói chung dễ nghe nên tôi cũng thấy phê phê là. May đấy, chứ cụ mà lại “táng” toàn những giai điệu kiểu như bản Adagio của Handel thì chắc là người phóng viên trong tôi cũng phải bật khóc.


Tôi - gần ba xịch, học guitar cổ điển 5 năm (khoe thô tí), từng được/bị giao viết về văn hóa nhiều lần - mà còn xôi thịt thế, lấy tư cách gì mà chê những khán giả trẻ măng, tóc nhuộm vàng xuộm, miệng hát ngân nga: “Không đau vì quá đau”, “ngay cả bạn của anh em cũng không chừa”… Tôi không trách phóng viên đã nhiệt tình phê bình: “Hát opera mà không dùng micro, tệ quá, khán giả sao mà nghe được”. Một phóng viên khác lại viết: “Tiếp sau đợt công diễn ở Hà Nội, đoàn sẽ đưa Cây Sáo Thần đến với công chúng tại khắp các tỉnh thành trong cả nước”.


Đấy là lần công diễn đầu. Đến lần hai thì không còn một bóng báo, đài nào trong nhà hát, số khán giả Việt Nam lên tới những gần hai chục, làm tôi có lúc cứ tưởng như mình đang ở trong một dạ hội phương Tây.



Và cả bây giờ nữa. Mỗi khi buộc phải ra quyết định “như thế có phải là hay là đẹp không?”, chúng tôi lại lúng túng, khổ sở. Bởi vì chúng tôi không biết. Chúng tôi không ở trong một môi trường có thẩm mỹ hoặc được hướng dẫn về thẩm mỹ, thẩm âm, thẩm vân vân… Chúng tôi chỉ có thể phán một cách rất cảm tính “thik cái này, hehe”, “hung thik cái kia, hix hix…”, hoặc trừu tượng hơn một chút thì “well, trông nó (bức tranh chẳng hạn) có cái gì đó chưa ổn, hơi thiếu tính liên kết”. (Các nhà báo kiêm phê bình nghệ thuật là vô địch về những kiểu nhận xét như thế). Đôi khi tôi muốn kêu lên: “Tôi không thể viết được, vì tôi chẳng hiểu cái quái gì cả. Tôi không quyết định được, vì tôi mù tịt và tôi ghét nói phét! Nhưng đó có hoàn toàn là lỗi của CHÚNG TÔI không?”.


Thiếu tính liên kết! Phải nói là rất thiếu tính liên kết!

Sunday 30 September 2007

"Trong chúng ta, ai ngu như...?"




Vào năm 1902, người Pháp cho khởi công xây cầu treo Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Chỉ huy công trình là kỹ sư Lacote. Một giai thoại kể lại rằng có hai mố cầu cứ xây lên lại đổ sụp, mãi mới đứng được, đến lúc đứng được lại không lắp chốt vào với nhau được, ngày nào cũng có phu cầu người Việt chết vì rớt xuống sông. Kỹ sư Lacote phải sang Đức tìm gặp hai đồng nghiệp người Đức thiết kế cầu Hàm Rồng. Nghe nói ông Lacote đã mắng hai kỹ sư người Đức là “đồ ngu như lợn”. Về sau, khi hai kỹ sư nọ lắp được chốt cầu và về nước, họ hỏi lại Lacote: “Trong chúng ta, ai ngu như lợn?”. Sáng hôm sau, người ta phát hiện thấy Lacote đã treo cổ tự tử ở nhà riêng.


Không hiểu Lacote tự sát vì xấu hổ trước hai đồng nghiệp người Đức, hay vì nghĩ tới trách nhiệm sẽ phải chịu. Dù thế nào thì cũng là xuất phát từ tự ái nghề nghiệp mà ông ta treo cổ chết.


Câu chuyện với cây cầu Cần Thơ của ta bây giờ đã khác nhiều. Với cơ chế trách nhiệm tập thể, còn lâu mới có một vị quan chức nào đó uống thuốc ngủ hoặc treo cổ tự sát. Quả thật các chuẩn đạo đức của thời phong kiến như trung quân ái quốc đều vớ vẩn cả, có cái hay nhất là tính quân tử thì thời hậu phong kiến lại xóa sạch cả rồi. Vậy nên bao nhiêu năm nay bọn dân ngu chúng ta có được chứng kiến vụ tự xử nào đâu, chán thế. Ngay cả khi một doanh nghiệp bị đóng cửa khiến người lao động ra đường, có thể ta cũng chỉ được nghe đơn giản một câu “chúng tôi xin lỗi”, là xong. Làm gì có cái chuyện vớ vẩn như ở Nhật, khi công ty sập, lãnh đạo công ty phải quỳ xuống mà tạ tội với nhân viên. Bọn Nhật cũng ăn gạo như ta mà ngu nhỉ, sĩ diện hão.


Chà, trong những ngày này, giá có quan chức nào đó tự tử thì… hay phải biết. Hình như mình hiếu sát quá chăng? Đã chết bao nhiêu người rồi, thêm một mạng nữa làm gì. Thôi, chỉ cần một ai đó từ chức cũng được, dù rằng nếu có ai làm thế thì người đó ắt phải ngu lắm lắm trong mắt tập thể. Sập cầu Cần Thơ là “trách nhiệm không của riêng ai”!