Monday 31 December 2012

Nguyễn Công Hùng và Internet Việt Nam

Ngày cuối cùng của năm, nhận được một tin buồn: Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng đã từ trần đột ngột chiều 31-12-2012 tại TP.HCM, vì bạo bệnh. Tôi chỉ vừa gặp anh cách đây đúng một tháng, để viết bài nhân sự kiện 15 năm Internet Việt Nam. Xin đăng lại bài viết này để thành kính phân ưu. Cầu mong anh yên nghỉ.

* * *

KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG CỦA THỜI TOÀN CẦU HÓA

  • “Tôi không hình dung được Việt Nam mình khi không có Internet. Còn với riêng tôi, nếu không có Internet, chắc tôi đã chết rồi” – Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Công Hùng chia sẻ.

Việt Nam nối mạng Internet toàn cầu từ ngày 19-11-1997. Đến giờ, nhiều thanh niên “thế hệ 7x-8x” vẫn nhớ một mẩu quảng cáo nho nhỏ trên truyền hình Việt Nam vào những ngày trước khi xảy ra sự kiện đó: Hai hiệp sĩ vừa đấu kiếm, vừa trò chuyện và tỏ ra hiểu khá nhiều về nhau. Một chàng hỏi chàng kia: “Vì sao anh biết?”. Trả lời: “Tôi đọc trên mạng Internet”.

Thời gian ấy, không nhiều người Việt hiểu được mẩu đối thoại trên giữa hai chàng kiếm sĩ. Có lẽ cũng rất ít người hình dung được Internet rồi sẽ tạo ra những thay đổi chóng mặt, không bao lâu sau.

Năm 2010, Đại hội thành lập Hiệp hội Internet đã chọn ngày 1-12 khi Việt Nam chính thức hòa mạng là Ngày Internet Việt Nam.

Đời thay đổi khi có Internet

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng có lẽ là người hiểu và “biết ơn” Internet hơn ai hết. Sinh năm 1982 tại một vùng nông thôn nghèo ở Nghi Lộc (Nghệ An), không may bị tật nguyền từ nhỏ, hết lớp 7, Hùng không có điều kiện để học lên nữa. Anh sống khép kín, mang trong lòng nhiều nỗi buồn và mặc cảm, không có bạn bè gì và như lời anh nói, “chỉ quanh quẩn trong nhà cả ngày, u uất và ốm bệnh liên miên”.

Hùng vẫn nhớ như in sự kiện quan trọng đã làm thay đổi đời anh: “Ngày 3-9-2001, tôi lần đầu tiên ‘được sờ vào’ bàn phím máy vi tính. Gần một năm sau đó, vào đầu mùa hè 2002, tôi biết đến Internet. Hồi ấy mạng được nối bằng công nghệ dial-up, một phút mất 200 đồng, ngồi mạng cả ngày, cứ thế mà nhân lên thì rất tốn tiền (cười). Trang web đầu tiên tôi vào là trang phổ biến kiến thức của Lê Hoàn – tôi là fan của ông ấy mà. Cả trang của Phạm Hồng Phước nữa”. (Lê Hoàn và Phạm Hồng Phước, sinh năm 1957, cũng đều là Hiệp sĩ CNTT – NV).

Trong tiếng Anh, có khái niệm “cyber fear” (sợ mạng) để chỉ tâm lý của những người bị choáng ngợp, hoang mang khi lần đầu tiếp xúc với Internet. Ở Việt Nam, không có thống kê chính thức, song theo một nhà xã hội học ở Hà Nội thì một số người (đặc biệt thuộc thế hệ 5x-6x) cũng rơi vào tình trạng này, ngại và sợ Internet, từ đó dẫn tới việc lảng tránh Internet và cuối cùng bị tụt hậu. Nhưng Công Hùng chẳng hề có cảm giác đó, trái lại, anh thấy rất vui ngay từ lầu đầu tiên lên mạng. Anh đùa thêm: “Tôi còn lập nick chat trên Yahoo, và ngay từ buổi chat đầu tiên là đã quen được một em gái Hà Nội”.

Hùng nhanh chóng học được vô vàn kiến thức từ Internet, nhất là trong lĩnh vực anh yêu thích là tạo web. Không bao lâu sau, anh trở thành chuyên gia (tự học) về web, lấy việc thiết kế web làm nghề chính để kiếm sống. Không chỉ tự nuôi mình, anh còn mở một trung tâm dành cho người khuyết tật, thường xuyên mở các khóa đào tạo về tin học cho các bạn cùng hoàn cảnh.

“Trước khi có Internet, tôi rất hay ốm đau, vì cuộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhưng bước vào thế giới ảo, mình gặp gỡ nhiều và cảm thấy vui tươi, khỏe khoắn, tinh thần thoải mái hẳn lên và thế là sức khỏe cũng tốt hơn hẳn”.

Với Hùng, Internet mang lại cho anh quá nhiều: công việc, bạn bè, tình cảm. Mạng còn là một người thầy, khi mà mọi thứ anh học đều hoàn toàn từ Internet. “Tôi không có điều kiện đến lớp này đi lớp kia để học những gì mình muốn. Chỉ có Internet thôi. Nó đúng là thầy. Nếu không có Internet thì tôi chết rồi, chết thật sự, chết nghĩa đen chứ không chơi đâu” – Hiệp sĩ CNTT khẳng định.

Từ “agora” thời Hy Lạp đến Internet thời nay

Dịch giả Phạm Anh Tuấn – người chuyển ngữ cuốn “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey – cho rằng cái lớn nhất mà Internet đem đến cho mọi người là thông tin (information), trên nền tảng đó, người ta sẽ tổng hợp thành kiến thức (knowledge). “Nói cách khác, thông tin thì chưa phải là kiến thức. Từ thông tin đến kiến thức là một khoảng cách rất xa, mà từ kiến thức lên đến tầm nhận thức (awareness) thì đường còn xa hơn nữa”.

Tuy vậy, dù thế nào thì Internet cũng giúp tất cả mọi người đạt được mức tối thiểu là thông tin. Nó san bằng các rào cản, nối liền các khoảng cách. Ông Tuấn cho rằng Internet chính là hình thức tiếp nối của “không gian công cộng” hay là môi trường sinh hoạt dân chủ, vốn có từ thời Hy Lạp cổ đại dưới hình thức các “agora”. (Agora là nơi người dân ở các thành bang Hy Lạp cổ gặp gỡ để họp chợ, trao đổi thông tin, thảo luận, nghe ban bố các quyết định của chính quyền, v.v. – NV).

“Không gian công cộng nằm giữa quyền lực của nhà nước và nhân dân. Khi không gian công cộng trùng vào Nhà nước thì không còn tranh luận. Khi nó tách ra, nằm giữa hai bên, thì mọi lựa chọn, mọi quyết định thắng thua sẽ phải dựa vào tranh luận. Bất kỳ khi nào có một nhóm người nào tập hợp lại với nhau để thảo luận một vấn đề vì lợi ích chung (có khi chẳng liên quan gì đến chuyên môn của họ) thì lập tức hình thành không gian công cộng” – ông Tuấn giải thích.

Dịch giả cũng nhận định: “Nói chung các chính quyền sợ không gian công cộng, nhưng nó là cái bắt buộc phải có. Nếu không thì mọi sự sẽ bị quyết định bởi quyền lực của nhà nước, thay vì thông qua tranh biện, thảo luận. Và Internet là phương tiện để tạo ra những không gian công cộng như thế. Hay nói cách khác, không gian công cộng, cái agora của thời đại này chính là Internet. Nó tạo nên một nền dân chủ điện tử. Chế độ nào không có không gian công cộng tức là quay trở lại thời phong kiến, khi mà mọi quyết định đều nằm ở nơi triều đình”.

“Độc dược” với người này, thuốc bổ với kẻ kia

15 năm phát triển ở Việt Nam, Internet đã làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội. Nó tạo ra quá nhiều “văn hóa”: văn hóa tranh luận, văn hóa diễn đàn, văn hóa game online, văn hóa đọc, văn hóa blog v.v. Có những người như Nguyễn Công Hùng, trở thành Hiệp sĩ CNTT, có một cuộc sống mới, tốt đẹp từ Internet, nhưng cũng có những người chỉ đốt thời gian trên mạng vào việc chat chit, chơi game, hoặc “đọc các thứ linh tinh, nhảm nhí” như có nhiều ý kiến từng phản ánh.

Điều đó, theo dịch giả Phạm Anh Tuấn, cũng là bình thường, bởi không phải mọi người vào mạng Internet đều có thể biến thông tin thành kiến thức và nhận thức; Internet có thể là một kho tàng tri thức đối với một số người nhưng lại là thứ làm một số người khác chỉ mất thì giờ vô bổ. Tuy nhiên, ông cho rằng dù có như thế thì Internet vẫn là không gian công cộng quý giá, cần được duy trì và phát triển, và chẳng nên hoang mang vì mặt trái của Internet. Ở một số nước phát triển, biện pháp gọi là “quản lý” duy nhất là các phần mềm cha mẹ được khuyến cáo cài vào máy để tránh cho con cái họ truy cập phải các trang web đen.

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng thì nhận xét, việc thanh thiếu niên chỉ tiếp xúc với mặt tiêu cực của Internet, nghiện chat, nghiện game… là có thực, song hoàn toàn có thể tránh được nếu gia đình, nhà trường và xã hội có sự định hướng tốt. “Chẳng hạn, tôi thấy các chương trình đưa máy tính về nông thôn, miền núi mới chỉ dừng lại ở việc mang cái máy đến trường cho học sinh, và thế là xong. Như vậy là việc phổ cập chưa có chiều sâu, chưa đạt hiệu quả. Lẽ ra cho người ta máy thì cũng nên có thầy hướng dẫn, có những chương trình đào tạo dài hơi sau đó”.

“Thực tế cho thấy là ở các quốc gia sản xuất game online, tạo ra diễn đàn, blog… các loại, người ta lại không thấy tình hình đáng lo ngại như mình. Không có nhiều café Internet, trẻ con cũng không lang thang quán game nhiều như ở ta. Vì vậy, đừng nên trách Internet” – dịch giả Phạm Anh Tuấn khẳng định.

* * * 

Internet Việt Nam xuất hiện ngày 19-11-1997, khi đó đặt dưới sự quản lý duy nhất của VNPT. Cho đến tháng 3-2012, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt 32,1 triệu với số thuê bao Internet trên cả nước ước tính là 4,2 triệu thuê bao.

Một cuộc khảo sát của Net Index vào năm 2011 cho biết, thư điện tử (60%) và tin nhắn (73%) là hai phương tiện kết nối trực tuyến thịnh hành của người dùng Internet Việt Nam. Xem tin tức trên mạng, truy cập trang chủ các cổng thông tin và sử dụng công cụ tìm kiếm là ba hoạt động trực tuyến phổ biến nhất lần lượt chiếm 97%, 96% và 96% số người tham gia. Số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng từ 41% năm 2010 lên 55% năm 2011.

Tuesday 25 December 2012

Trước phiên xử ba blogger, nghĩ về "quyền được biết"

Bức ảnh này (không rõ nguồn), với tôi, thể hiện rõ cuộc đối đầu giữa một bên là một cá nhân nhỏ bé, đấu tranh vì tự do ngôn luận, với một bên là cả lực lượng công quyền hùng hậu, xuất phát từ ý thức “bí mật là sức mạnh của chúng ta” mà quan niệm rất rõ rằng “dân không cần biết những điều không cần biết”, “Đảng và Nhà nước đã có chính sách cả rồi”.


Với tôi, Điếu Cày như là hiện thân của nhu cầu mãnh liệt về “quyền được biết”, “quyền tiếp cận thông tin” của người dân.

Bạn. Có thể bạn làm công việc không tiếp xúc nhiều với thông tin hoặc quản trị thi thức. Có thể bạn ghét và/hoặc sợ chính trị. Có thể bạn thích sự ổn định và trật tự. Có thể bạn nghĩ những cá nhân như Điếu Cày là kẻ gây rối, làm loạn xã hội. Có thể bạn nghĩ người dân Việt Nam, nhất là dân nghèo, cần cái ăn cái mặc trước mắt hơn là cần những thứ nghe có vẻ trừu tượng là “thông tin”, xa hơn nữa là “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, “dân chủ”…

Bạn biết không, vào năm 1999, nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới người Ấn Độ Amartya Sen (Nobel Kinh tế 1998) đã nói rằng thông tin mang tính quyết định sống còn đối với công cuộc phát triển và ngăn ngừa thảm họa (nạn đói, dịch bệnh, thiên tai...). Ông khẳng định rằng nạn đói chưa bao giờ xảy ra tại các quốc gia có một nền báo chí tự do, và dân chủ. “Báo chí tự do và lực lượng chính trị đối lập chủ động, hai yếu tố đó tạo nên hệ thống cảnh báo sớm tốt nhất mà mỗi nước bị nạn đói đe dọa lẽ ra đã phải có”.

Trong kỷ nguyên thông tin, những gì Amartya Sen nói về giá trị của thông tin càng đúng hơn nữa. Sự thịnh vượng và phát triển bắt nguồn từ tri thức. Tất cả các quốc gia giàu thông tin (tức là thông tin dồi dào, thông suốt, xã hội hướng đến minh bạch) đều là các nước giàu. Không có ngoại lệ.

Và, đồng thời với đó, “người nghèo không thể có quyền gì nếu họ không biết quyền của họ. Nếu họ không hiểu biết về luật pháp để có thể hưởng các quyền họ có, không hiểu về các cơ chế mà họ có thể sử dụng để chống lại đói nghèo, thì họ sẽ mãi mãi đói nghèo” (Sheila S. Coronel, 2001). Muốn hiểu biết thì họ phải có thông tin. Không chỉ là thông tin về các vụ trộm-nghiện-lừa-cướp-giết-hiếp, không chỉ là chuyện sao này lộ hàng, sao kia “thả rông” vòng 1, mà còn nhiều hơn thế, đa dạng hơn thế gấp bội. Từ thông tin quy hoạch, thông tin về các chính sách của nhà nước, nguyên nhân và ảnh hưởng tới các nhóm khác nhau trong xã hội, đến cơ chế vận động tranh cử, sử dụng nhân sự, cơ chế ra quyết định, đến cách tòa án xét xử một vụ việc cụ thể, cách vận dụng luật pháp để tranh biện… Ngay cả khi bạn nghĩ rằng những thông tin đó chẳng liên quan gì đến bạn, bạn không cần và không muốn can dự, thì một điều chắc chắn vẫn là, khi bạn hiểu, bạn biết tất cả những cái đó, là bạn đã tự nâng mình lên một tầm cao hơn hẳn so với trước.

Có lẽ một số rất lớn trong chúng ta không biết rằng mình có “quyền được biết”. Trước khi mọi người dân đều ý thức được quyền ấy, thì xã hội cần lắm những người mang thân phận viên gạch lót đường như anh: blogger Điếu Cày.


Tuesday 18 December 2012

Journalism in pre-1975 Saigon - Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975


Please scroll down for the Vietnamese version, which is below the English translation.

For around one week every month, Mr. Y. (who asked to be unidentified) drives his bike to the Quan Doi (Military) Printing House No 2, where he spends the whole days checking the printing proofs of some articles for magazines from the Hanoi-based editorial office.

Very often does he use his pen to encircle the English words placed here and there in the articles. “Here, “golfer, this should be written in Vietnamese as “tay gon”, “gon thu”. Here, superstar should be replaced by “sieu sao”. Also this “computer”, why not translate it as “may vi tinh”?”

“A great many young journalists now are fond of using British or American English in their works, despite the fact that such words have their equivalent in Vietnamese. In many cases foreign words are used together with Vietnamse, making up phrases like “fan ham mo” (supporting fans), or “nap ca-po”,” said Y. “Journalists in Saigon before 1975, as I remember, never wrote such impure Vietnamese, and even if they did, the editors would correct the mistakes immediately.”

Y. lived his whole youth in Saigon (now Ho Chi Minh City). He graduated the Saigon Faculty of letters, majoring in English. During his study at college, he also worked as reporter for a daily newspaper, then he moved to write for a literary magazine. Now he is editor and proof-reader for some consumers’ magazines based in Hanoi.

“Old Saigon’s newspapers used a myriad of words which may sound so obsolete to readers nowadays. “Xe nha binh” (military automobiles), “tu that”, “tu gia” (private house), for instance. But the language was pure Vietnamese rather than being an amalgam of Vietnamese and foreign languages as it is now. There were not many commercials which sometimes included even an advertisement for tetter cures; so funny it was,” said Mr. Y. He believed that language is just one among countless different points between old Saigon’s newspapers and present-day media. But, after all, journalism is always the same – with joys, sorrows, youth enthusiasm, and tears.

A live language turns into a dead one

T.T.T., a journalist in former Saigon, now writes for some Vietnamese language newspapers abroad. She once expressed her anxiety that an old style of Vietnamese which was used on Saigonese media and publications may evaporate someday. A great many words have now fallen into oblivion, or are very seldom used, such as “so gia dinh” (family records), “bang khoan nha” (accommodation contract), “ga nghia” (commonlaw marriage), “giao hoc” (pedagogics), etc. After the war, the Saigonese vocabulary, in its turn, is supplemented with many new words from the North: “ho khau” (household register), “de xuat” (official proposal), “quyet sach” (policy-decision), “boi duong” (training), “kiem thao” (check and self-critism), etc. Since the country adopted its open policy, followed by the advent of the Internet in Vietnam, modern languages have increasingly booming. New words keep appearing at a dizzy speed in all academic fields as well as in daily life.

Nostalgists may regret a Vietnamese of the past which is now turning into an archaic or dead language. However, such is language – which keeps moving and changing in pace with life – and it is evident that old things die with the introduction of new things. The Vietnamese that old Saigon’s newspapers used once now is somewhat found on oversea media, especially in writings by old people. Young Vietnamese audience today may break into laughter on reading such expressions as “The Nuu Uoc Times (New York Times) today has the pleasure to report that…”

Correspondents and reporters

Apart from idiosyncracy, former Saigon’s newspapers are different to modern newspapers in many ways. For example, they differed in how a newspaper was managed. In addtion to official reporters, every daily newspaper hired the so-called “correspondents.” These were also reporters, but they specialized in reporting stuff news. Everyday they would drive their bicycles (or, more luxuriously, their “vélo-solex” or mobylette) around the city, collecting trivial pieces of news like “a car hitting a dog, a dog biting a car” before selling them to a variety of newspapers.

Reporters of all times seem to be the same. After every assignment they would indulge themselves by hanging around, chatting, and drinking in the pubs. Mr. Y. recollected the past, “If you worked for a wealthy newspaper, you had a lot of money; if you worked for a poor one, you did not have much money. Many reporters that worked for well-off newspapers lived such a debauched life as kings: they would go to night clubs, casinos, some even used drugs. But that’s the very reason why no news reporter was moneyed; only editors were.”

As a matter of fact, those wartime days were dangerous, so there were plenty of “salon” newspapers, i.e. those who would rather stay at home to write than go to the scene. Therefore ardent young reporters who did not flinch from going to war zones were overindulged by the editor. Mr. Y. himself often went to battlefields around Saigon, even to the Centre of Vietnam, which was then considered to be the most dangerous area, including “Nam, Ngai, Binh, Phu” (abbreviated from “Quang Nam, Quang Ngai, Binh Dinh, Phu Yen Provinces), to report on the agonizing life of peasants in times of chaos. “I was young then, so I was fervent and fond of travelling. It was really dangerous to be a war reporter under fatal bombardments. While Western journalists that I knew were insured very high against risks, local reporters never received any insurance.”

That may account for the fact that old Saigon media did not have world-famous war reporters like those working for AP, UPI, or Time. AP’s Nick Ut, who was widely known for the photo snapping a girl child running from napalm-bombings, was a very rare exception in photo journalism.

The multi-facet Saigon’s media

Saigon in the past has a huge range of newspapers. There were newspapers that overtly opposed to the corrupt Saigon administration, such as the Tin Sang (Morning news), whose editor was Ngo Cong Duc, who died in Ho Chi Minh City in 2007, Dien Tin (Telegraph) with the trenchant columnist Ly Quy Chung. Without any fear they made mockery of the inefficient Saigon administration, nicknaming President Thieu as “President Theo”, “Sau Theo” (“theo” is the Vietnamese for “scar”), or the US Ambassador to Saigon under the Johnson administration as “the refrigerator old man”. In late 1960s and early 1970s, the “hear-and-forget canards” column on the Tin Sang newspaper was very popular with readers with its satirical articles aimed at the Saigon regime.

At the other end, there were vigorously anti-communist newspapers. Also there were middle way/neutralist newspapers, “the third party” or “the third path”, just calling for peace and reconciliation and never openly going against the government despite the antipathy against them. One of the best-selling newspapers was Chu Tu’s Sống (To Live), notorious for its opposition agaisnt communism. Large circulation, however, did not guarantee that a newspaper was of high quality.

There were of course tabloids which specialised in reporting incidents like “a car hitting a dog”, “murder”, “love” (tinh in Vietnamese), “money” (tien), “imprisonment” (tu toi), etc., called “4T newspapers”. And it is unacceptable to go unnoticed of a “speciality” of newspapers those days: a daily newspaper must offer feuilletons (a French word meaning serial fictions which are published on media and may later be brought to books).

A feuilleton can be either dramatic, complicated and apathetic stories appealing to small businesses who want to kill their time, or wuxia (martial arts and chivalry) fictions. Among Vietnamese writers of those days, there were professionals in feuilletons such as Duong Ha, Nghiem Le Quan, Tung Long… Mr. Le Thanh Thai, a writer on legend-based feuilletons, said, “Writing feuilleton, in fact, is very difficult because you have to make it attractive to readers right from the start as well as maintain it everyday. Some authors even wrote 5 feuilletons for 5 different newspapers at the same time, thus went confused when they conjured up a character they had let die months before. Son Nam (a famous writer in the South of Vietnam) also wrote feuilletons, to which he added many stories about southern customs and traditions that were so popular with audience.”

But the best-selling author must be a foreign one: Jin Yong [a Chinese writer of martialart romaces based in Hongkong]. Almost all Saigon daily newspapers then competed in buying, translating and publishing Jin Yong’s fictions. The earlier they did, the better they sold, said Le Thanh Thai. The Political Commentary feature, for example, sold well not because of any interesting socio-political news story, but because it was often the first to publish Jin Yong’s fictions everyday.

And the disappoinments

Prior to 1975, almost no city in the south of Vietnam had its own newspaper (local newspaper). The majority was located in Saigon, whose population was less than five million. But the number of newspaper was tremendously high and, as Mr. Y. said, newspapers were often “owned by political parties or “god fathers” who just focused on their own interests rather than working for the sake of people.”

As there were many political parties competing for influence, newspapers got carried away in the process. In one case, the press spent lots of words in praise of a mayor who was member of a political party. The next day newspapers owned by an adverse party would reveal that he embezzled even relief money for the poor, and he may face death sentence if he was taken to court under Saigon’s laws. All the reporters were shocked. “I was disappointed,” Mr. Y. sighed, “In the end, journalists ended up being henchmen of different parties and persons.”

Given the stagnant economy which was totally dependent on the US, Saigon media almost never gave attention to the area of economics and policies. It just focused on politics, social events, culture, arts, and entertainment. The closer the regime got to its end, the more disintegrated and demoralized the press got, failing to reflect or to advocate any common goal of the society.

They succeeded, however, in recording a significant period in the history of one half of the country.

Many of the acerbic writers of the past have passed away: Le Ngo Chau, Ngo Cong Duc, Ly Quy Chung (Chanh Trinh), etc. Some chose to leave Vietnam, practicing journalism abroad, with fewer of them going in for the tiring and hopeless “anti-communist” course. The one-time feuilleton writer, Mr. Le Thanh Thai, held on to his pen, but ages have weekend his creative labour.

On his part, Mr. Y. has retired from journalism long ago. He spends most of the time on bonsai and pleasure fish, besides earning his living with the job of a proof-reader. “I find peace in bonsai and fish,” said he.

Then he took up the red-ink pen, quietly marking errors on the proofs scattered in front. He knew he would have to try to finish all the work within the morning before the magazines get printed and come out the next day.

* * *

CHUYỆN LÀM BÁO Ở SÀI GÒN TRƯỚC 1975

Mỗi tháng khoảng một tuần, ông Y. chạy xe máy tới nhà in Quân Đội 2 và ngồi đó cả ngày để kiểm tra, soát lỗi bản bông của mấy tờ tạp chí do tòa soạn ngoài Hà Nội gửi vào in.

Rất thường xuyên, ông dùng bút khoanh tròn những từ tiếng Anh xen lẫn trong bài, chi chít như xôi đỗ. Từ "golfer" này phải thay bằng "tay gôn", "gôn thủ" mới là tiếng Việt. Từ "super star" này thay bằng "siêu sao". Từ "computer" này nữa, sao không viết là "máy vi tính"?

"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng Anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…” - ông Y. nói. "Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".

Ông Y. sống cả tuổi trẻ của mình ở Sài Gòn cũ. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban Anh văn, vừa học vừa đi viết nhật báo rồi chuyển qua làm cho một tạp chí văn nghệ. Còn bây giờ, ông làm biên tập viên "kiêm" sửa morat cho mấy tờ tạp chí tiêu dùng của một tòa soạn ngoài Hà Nội.

“Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều từ mà độc giả ngày nay đọc thì thấy rất cổ, "xe nhà binh", "tư thất", "tư gia"... Nhưng ngôn ngữ hồi đó thuần Việt chứ không lẫn tiếng nước ngoài nhiều như bây giờ. Còn quảng cáo thì không nhiều, có cả quảng cáo thuốc chữa lang ben, tức cười lắm” - ông Y. kể. Theo ông, ngôn ngữ chỉ là một trong rất nhiều điểm khác biệt giữa báo chí Sài Gòn cũ và báo bây giờ. Nhưng nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt.

Sinh ngữ thành tử ngữ

T.T.T., một người làm báo thời Sài Gòn cũ, hiện viết báo tiếng Việt ở nước ngoài, từng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ biến mất một thứ tiếng Việt mà người Sài Gòn hồi đó dùng, được thể hiện trên báo chí và văn học. Hiện nay, nhiều từ ngữ đã bị quên lãng hoặc rất hiếm được dùng như: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học v.v. Đổi lại, kho ngôn ngữ của người miền Nam sau giải phóng được bổ sung thêm rất nhiều "từ vựng": hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo… Từ khi mở cửa nền kinh tế và Internet bùng nổ ở Việt Nam, ngôn ngữ hiện đại càng phát triển, từ mới xuất hiện chóng mặt trong mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài đời sống.

Những người hoài cổ có thể thấy xót xa cho một thứ tiếng Việt trong quá khứ, giờ sắp thành cổ ngữ hoặc tử ngữ. Nhưng suy cho cùng, ngôn ngữ là thế, luôn vận động và thay đổi cùng cuộc sống, cái mới sinh ra thì cái cũ phải mất đi. Tiếng Việt của báo chí Sài Gòn cũ giờ chỉ còn được dùng ít nhiều trong làng báo chí hải ngoại, đặc biệt bởi thế hệ cao tuổi. Độc giả trẻ ở Việt Nam ngày nay có thể bật cười khi đọc những câu như: “Tờ Nữu Ước Thời Báo loan tin…".

Thông tín viên và phóng viên

Ngoài văn phong, ngôn từ, báo chí Sài Gòn cũ còn rất nhiều điểm khác thời nay. Chẳng hạn về cách tổ chức. Ngoài các phóng viên chính thức, mỗi tờ nhật báo còn có một lực lượng "thông tín viên" (correspondent). Những người này cũng là ký giả, nhưng chỉ chuyên săn tin vặt. Hàng ngày, họ đạp xe (sang hơn thì chạy vélo-solex hay mobylette) đi khắp thành phố, lượm lặt những tin nho nhỏ dạng "xe cán chó, chó cắn xe"... để bán cho các báo.

Cánh phóng viên thì dường như thời nào cũng vậy, viết bài nộp tòa soạn xong là xả hơi, gặp nhau bàn chuyện nghề chuyện đời, rồi tán dóc, nhậu nhẹt. Ông Y. nhớ lại: "Làm báo giàu thì nhiều tiền, làm báo nghèo thì ít tiền. Nhiều phóng viên của các tờ báo giàu ăn chơi đế vương lắm, nhảy đầm, bài bạc, có người còn hút sách nữa. Nhưng chính vì thế nên thường không có nhà báo giàu mà chỉ có ông chủ bút là giàu thôi".

Thật ra thời đó chiến tranh nguy hiểm, phóng viên salon cũng nhiều. Vậy nên các tòa soạn mà có được phóng viên trẻ nhiệt tình, chịu khó ra vùng chiến sự để gửi tin bài về thì chủ báo “cưng” lắm. Bản thân ông Y. cũng hay tới các vùng chiến sự quanh Sài Gòn, thậm chí đến tận miền Trung, nơi được xem là chiến tranh ác liệt nhất như "Nam Ngãi Bình Phú" (Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên), để viết bài phản ánh về cuộc sống khổ cực của nông dân trong thời loạn lạc. "Hồi ấy tôi trẻ, nên nhiệt tình phơi phới, ham đi. Chứ chiến tranh bom đạn, làm phóng viên chiến trường nguy hiểm lắm. Các nhà báo phương Tây mà tôi biết đều được bảo hiểm rất lớn. Phóng viên bản xứ thì không thế".

Có lẽ đó cũng là một lý do khiến làng báo Sài Gòn cũ không có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng tầm cỡ thế giới như đồng nghiệp ở AP, UPI, hay Time. Nick Út của AP (nổi tiếng với bức ảnh chụp em bé bị bỏng bom napalm) là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực báo ảnh.

Báo Sài Gòn cũ - mỗi tờ mỗi vẻ

Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều loại. Có những tờ công khai chống chính quyền Sài Gòn tham nhũng, như Tin Sáng (chủ nhiệm là ông Ngô Công Đức, đã mất năm 2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh), Điện Tín (cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung là cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ này). Họ châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi "Tổng thống Thiệu" là "Tổng thống Thẹo", "Sáu Thẹo", hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là "Ông già tủ lạnh", chẳng biết sợ. Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục "Tin vịt nghe qua rồi bỏ" trên báo Tin Sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích.

Ngược lại, có tờ báo chống cộng dữ dội. Và cũng có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc "thành phần thứ ba", "đường lối thứ ba" - kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối. Một trong các báo có số bán ra nhiều nhất là Sống của Chu Tử, một tờ khét tiếng chống cộng. Tất nhiên, báo có lượng phát hành cao không nhất thiết là báo hay.

Dĩ nhiên là không thiếu cả những "lá cải" xanh xanh, chuyên đăng tin "xe cán chó", đâm chém, tình tiền, tù tội… được mệnh danh là báo "4T". Và không thể không kể tới một thứ "đặc sản" của báo chí hồi đó: Đã báo ngày thì phải có feuilleton (tiếng Pháp, chỉ truyện dài nhiều kỳ, đăng trên báo, sau có thể in thành sách).

Feuilleton có thể là truyện tình cảm xã hội, ly kỳ, éo le, đẫm nước mắt, đặc biệt hấp dẫn giới tiểu thương, hoặc là truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhà văn Việt Nam thời đó cũng có những người viết feuilleton chuyên nghiệp, như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long... Ông L.T., một cây bút viết feuilleton thể loại dã sử, nhớ lại: "Viết feuilleton thật ra rất khó vì phải hấp dẫn, ăn khách ngay từ đầu, lại phải liên tục, hàng ngày. Có người viết đồng thời 5 feuilleton cho 5 tờ nhật báo khác nhau, đâm ra lẫn lộn, cho một nhân vật chết mấy tháng rồi lại dựng anh ta dậy. Nhà văn Sơn Nam hồi đó cũng viết feuilleton, nhưng lồng nhiều chuyện về phong tục, tập quán Nam Bộ vào, người đọc thích lắm".

Nhưng cái tên ăn khách nhất hẳn là một gương mặt ngoại quốc: Kim Dung. Ông L.T. bảo, hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau mua, dịch và đăng tải truyện chưởng Kim Dung. Tờ nào đăng được sớm thì bán chạy lắm. Ví dụ tờ Chính Luận được nhiều người đọc không phải vì có tin tức chính trị - xã hội hay, mà vì mỗi ngày họ đều đăng truyện Kim Dung sớm nhất.

Và những nỗi thất vọng

Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như các tỉnh không có báo riêng (báo địa phương). Toàn bộ báo chí tập trung ở Sài Gòn. Dân số trong thành phố ngày đó chưa tới một triệu. Vậy nhưng báo chí thì rất nhiều, và theo ông Y. thì báo "thường do các phe đảng hoặc các đại gia nắm, với mục đích phục vụ cho quyền lợi của đảng mình hoặc cho cá nhân thay vì nhân dân".

Vì có nhiều đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng nên báo chí cũng bị cuốn vào cuộc. Có trường hợp báo chí vừa ca ngợi rùm beng một viên tỉnh trưởng người của đảng này hôm trước, thì hôm sau một tờ báo của đảng khác đã khui ra là ông ta tham ô đến cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, nếu bị đưa ra tòa theo luật pháp của chính quyền Sài Gòn thì phải lãnh án tử hình. Phóng viên ngớ người cả loạt. Ông Y. thở dài: "Thấy mà ngán. Rút cục, nhà báo vô tình trở thành công cụ cho các đảng phái và cá nhân mà thôi".

Do kinh tế không phát triển, lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, báo chí Sài Gòn hầu như không chú trọng tới mảng kinh tế hay các chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế, chỉ nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ, giải trí. Càng về những ngày cuối của chế độ, báo chí càng rệu rã, chia rẽ, không phản ánh hay cổ vũ được cho một lý tưởng chung nào của xã hội.

Tuy nhiên, dù sao nền báo chí miền Nam trước 1975 cũng đã làm được việc ghi lại một giai đoạn trong lịch sử của một nửa đất nước.

Những cây bút sắc sảo năm xưa giờ nhiều người đã mất: Lê Ngộ Châu, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung (Chánh Trinh)… Một số chọn con đường ra nước ngoài, làm báo bên đó, đôi ba người vẫn tiếp tục "cuộc chiến chống cộng" mệt mỏi và vô vọng. Cây viết truyện dã sử hồi nào, ông L.T., vẫn cầm bút, nhưng tuổi già đã làm sức viết của ông yếu đi nhiều.

Về phần mình, ông Y. nghỉ viết báo đã lâu. Phần lớn thời gian, ông vui chơi với cây cá cảnh, ngoài công việc biên tập kiếm sống. "Cây cá kiểng làm tôi thư thái hơn".

Nói rồi ông lặng lẽ cầm cây bút đỏ, đánh dấu những chỗ sai sót trên tập bản bông xếp ngổn ngang trước mặt. Phải làm cho xong trong buổi sáng nay để còn in, ngày kia báo ra rồi.


Monday 19 November 2012

Bông hồng ngày 20/11 cho Internet


Dân chủ trong giáo dục

Cách đây 30 năm, vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT, ấn định ngày 20/11 hằng năm là "Ngày nhà giáo Việt Nam". Cũng có người vẫn gọi nó theo cái tên có xuất xứ từ trước đó, là “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo”, được xác lập từ năm 1958 tại một cuộc họp của Liên hiệp Quốc tế Các Công đoàn giáo dục.

Cho dù gọi bằng tên nào, thì 20/11 vẫn được xem như một ngày lễ dành riêng cho các giáo viên Việt Nam, một ngày để học sinh-sinh viên, các bậc cha mẹ, tất cả những người đi học nói chung, bày tỏ lòng biết ơn và tinh thần tôn sư trọng đạo đến những thầy cô giáo mến thương của mình.

Như vậy, có lẽ sẽ là một điều hơi lạ khi nhân ngày 20/11, chúng ta lại đặt ra vấn đề “dân chủ trong giáo dục”. Khái niệm dân chủ trong giáo dục không bao gồm “bầu cử tự do”, “đa nguyên”, “tam quyền phân lập”… như trong chính trị, nhưng chắc chắn nó cũng có những hàm ý liên quan đến “quyền”, đến sự tự do, bình đẳng của người học trong quan hệ với người dạy. Liệu dân chủ trong giáo dục có đi ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam không?

Để có câu trả lời, trước hết phải xác định dân chủ trong giáo dục nghĩa là gì. Nó nghĩa là “tự trị”, “tự quyết”: Bất kỳ khi nào có thể, người học phải được hướng dẫn để học hoặc tự học vì mục đích của mình, vì những mục tiêu do chính mình đặt ra. Nó nghĩa là “đa nguyên”, “đa dạng tinh thần”: Chương trình, nội dung đào tạo không nhằm tạo ra hàng trăm, hàng nghìn con người cùng một phương pháp suy nghĩ và làm việc, mà trái lại, phải kích thích sự sáng tạo và năng lực đặc thù của mỗi người. Nó nghĩa là “công khai, minh bạch”: Mọi người đều có thể tự do tham gia hoặc ra khỏi hệ thống giáo dục – như thể đó là một thị trường cạnh tranh hoàn hảo vậy – và mọi thông tin trong cái thị trường này đều phải được công khai, hay nói cách khác: không nhạy cảm.

Dân chủ trong giáo dục còn có nghĩa là “tương tác”, tức tương tác giữa trường học với chính quyền, doanh nghiệp, xã hội dân sự, tóm lại là với cả cộng đồng. Điều đó khiến cho kiến thức của người học luôn luôn được cập nhật và mở rộng, theo kịp với thực tiễn cuộc sống.

Với những đặc điểm ấy, một nền giáo dục dân chủ không hề triệt tiêu tinh thần tôn sư trọng đạo. Trên bình diện cá nhân, một người thầy có khuynh hướng yêu chuộng dân chủ sẽ tạo điều kiện cho các học trò mình thực hiện được bốn nguyên tắc trên để trở thành một con người sáng tạo, năng động, gắn kết với cộng đồng.

Internet – người thầy vĩ đại

Căn cứ vào các tiêu chí “dân chủ trong giáo dục” nêu trên, thì chúng ta có thể thấy rằng đang có một “người thầy” dân chủ như thế góp mặt trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Đó là… mạng Internet.

Với Internet, 24 triệu người sử dụng mạng ở Việt Nam (trong đó một tỷ lệ rất cao là thanh niên) có thể tự do tiếp cận bất kỳ nội dung nào mình quan tâm. Họ được toàn quyền quyết định vào mạng để chơi game, xem phim online, hay để tự học, tự nghiên cứu, bổ sung kiến thức cho mình và chia sẻ với bạn bè. Họ cũng có thể truy cập cả những nội dung mà vì những lý do khác nhau, chưa hoặc không xuất hiện công khai trong chương trình học ở nhà trường. Với ý nghĩa đó, Internet kích thích sự tìm tòi và phản biện trong bản thân mỗi học sinh-sinh viên, và thậm chí quay trở lại tạo sức ép với chính người đi dạy: Người viết bài này từng nghe kể chuyện một giáo viên trẻ, dạy sử ở cấp phổ thông trung học, nói rằng lâu nay cô phải duy trì cập nhật giáo án thường xuyên và chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi lên lớp, vì đã có những học sinh vào mạng tìm hiểu thêm thông tin ngoài phần cô dạy, chưa kể các em còn có xu hướng “kiểm tra” xem cô dạy có gì… khác Internet không.

Internet là như thế: rộng mở, công khai, thúc đẩy dân chủ và đương nhiên, tạo ra cả những sức ép khiến người ta phải cảm thấy ức chế, phải nỗ lực mà vươn lên không ngừng. Ngày 20/11, giữ truyền thống tôn sư trọng đạo và biết ơn các thế hệ thầy cô, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên đặt thêm một bông hoa hồng bên bàn phím chiếc máy tính của ta, và nghĩ đến những gì chúng ta đã và đang được hưởng từ Internet – người thầy cổ súy dân chủ.

(Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng nhân dịp 20/11/2011)

Friday 9 November 2012

Dân Văn Giang: "9 năm mới có một ngày này..."

Ngoài lý do tuyên truyền, lý do đối ngoại và những lý do khác tương tự, có một việc mà không chính quyền nào, kể cả chính quyền cộng sản, có thể bỏ qua, đấy là mọi sự đều phải được hợp pháp hóa”. 

Trong tương lai, giai cấp cầm quyền không thể biện hộ, dù trong nội bộ, việc sử dụng bừa bãi các biện pháp nhân danh mục đích “lý tưởng”. Nó vẫn sẽ còn ba hoa về chủ nghĩa cộng sản như là mục đích cuối cùng; nếu không làm thế thì sự độc quyền cũng sẽ tiêu ma. Nhưng đấy có lẽ chỉ là thói quen sử dụng bừa bãi các phương tiện còn sót lại từ quá khứ mà thôi. Không phải lúc nào nó cũng dám liều như trước nữa. Một sức mạnh lớn hơn, đấy là nỗi sợ trước dư luận quốc tế – sợ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình, quyền lực tuyệt đối của mình – đã làm cho nó dao động, chùn tay”.

Milovan Djilas (1911-1995) – phó tổng thống, cán bộ phụ trách công tác tư tưởng ở Nam Tư giai đoạn cuối những năm 40, đầu những năm 50 thế kỷ trước – đã viết như thế trong “Giai cấp mới” (1957), tác phẩm kinh điển phân tích, mổ xẻ chủ nghĩa cộng sản.

Liên hệ từ những điều ông viết, mới hiểu, trong các vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang, cái mà chính quyền ngại nhất thực ra lại chính là luật pháp. Lâu nay họ đâu có bao giờ làm theo luật, mà chỉ dùng khủng bố, đàn áp, huy động cả hệ thống công an-dân phòng-an ninh lẫn cỗ máy truyền thông “nhà trồng được” vào việc bịt miệng người dân. Họ làm vậy bởi vì, và để che đậy một điều, rằng điểm yếu của họ, cái khiến họ khó đấu lại được với xã hội, là luật pháp.

Vì vậy cho nên, chiến thắng bằng lý luận, bằng tranh biện, bằng luật pháp, dù sao đi nữa, cũng là chiến thắng bước đầu.

Cuộc đối thoại giữa nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ và nông dân Văn Giang đã kết thúc với việc ông Đặng Hùng Võ thừa nhận có sự trái pháp luật, và ông nhận lỗi. Nhưng ông Đặng Hùng Võ không phải là “phe thua”.

Phe thua là các đồng chí núp sau những lợi ích mà các dự án ở Văn Giang sẽ đem lại.

Phe thua là những vị bấy lâu nay vẫn đả kích tất cả: Dân Văn Giang thì Chí Phèo, ăn vạ; đám blogger lề trái thì “phản động, xúi giục, giật dây, kích động”; phóng viên lề phải thì “cảm tính, cực đoan”.

Và phe thua cũng là cái cơ chế đã đẻ ra tất cả những chuyện ấy.

Nhưng tất cả chỉ mới là bước đầu.

* * *


VỤ ĐẤT ĐAI VĂN GIANG:
GS-TS. ĐẶNG HÙNG VÕ THỪA NHẬN CÓ LỖI

  • Nguyên thứ trưởng lý giải các sơ sót trong việc ký tờ trình cho Thủ tướng và nguyên nhân của việc ban hành gấp rút quyết định giao đất.
Cuộc đối thoại của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Hùng Võ với người dân Văn Giang, đại diện là luật sư Trần Vũ Hải, bắt đầu từ 2 giờ chiều 8-11 tại trụ sở Bộ thu hút nhiều người. Ngoài những người dân ở trong phòng họp, cả trăm người khác cũng tụ tập ở ngoài cổng để chờ tin.

Ông Võ muốn “nói lại” về tờ trình liên quan đến việc giao đất mà ông, với tư cách thứ trưởng, ký trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2004.

Cụ thể, ngày 29-6-2004, ông ký Tờ trình số 99/TTr-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ, có nội dung tham mưu về việc thu hồi đất ở huyện Văn Giang để xây dựng đường, mương thủy lợi và khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang (sau này được biết đến với tên gọi Ecopark). Một ngày sau, Phó Thủ tướng ký thay Thủ tướng Chính phủ Quyết định 742 về việc giao đất để thực hiện dự án. (Ngày 30-6-2004 là ngày cuối cùng Luật Đất đai 2003 có hiệu lực).

Về thời gian trình và quyết định trong vòng hai ngày, ông Võ lý giải: “Sở dĩ phải đẩy nhanh tiến độ vì là dự án trọng điểm. Khi cuộc sống cần thì không thể chờ luật. Tôi quan niệm như vậy khi đứng trước dự án dù bà con có thể cho rằng tôi sai. Đó là con đường chiến lược, mang lại lợi ích cho Hưng Yên, Hà Nội và ngay cho người dân Văn Giang. Khi ký trình tôi đã cân nhắc kỹ, nếu dừng lại dự án sẽ phải chậm 1,5-2 năm vì phải làm lại từ đầu. Ký thì chắc chắn có điều tiếng. Nhưng nếu phân tích lịch trình toàn bộ như trên thì thấy hợp lý thôi”.

Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký Quyết định 742, thẩm quyền quyết định giao đất thuộc về Chính phủ chứ không phải Thủ tướng Chính phủ. Ông Võ ký tờ trình, trình Thủ tướng Chính phủ cũng sai.

Ông Võ thừa nhận các quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất thì đúng là thuộc thẩm quyền Chính phủ. “Nhưng suốt 10 năm, kể từ ngày 15-10-1993 cho đến ngày 1-7-2004, tất cả dự án đều như thế chứ không phải riêng dự án này. Thông lệ nó là vậy. Đây là một cách vận hành của Chính phủ và tôi cũng đã góp ý là nên thay đổi” - ông nói.

Sau một hồi tranh luận, ông thừa nhận thẩm quyền ban hành Quyết định 742 là không phù hợp với pháp luật. “Nếu có sự ủy quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ ký cũng không đúng pháp luật”.

Người dân Văn Giang cho rằng đất của họ chưa bị thu hồi thì đã bị giao cho nhà đầu tư. Tại buổi đối thoại, ông Võ nói: “Đây là tờ trình về thu hồi đất chứ không phải giao đất. Vì lúc đó cơ chế là không có giao đất (chỉ trừ trường hợp có một nhà đầu tư duy nhất, không qua đấu thầu) mà là đấu thầu, nên đáng ra đây là quyết định thu hồi đất để đấu giá”.

Cuối cuộc đối thoại, ông Võ đã nhận trách nhiệm về mình: “Ở cương vị cá nhân, tôi mà không giám sát được những việc chệch choạc thì tôi chịu trách nhiệm. Còn những thất thoát của bà con, đó là lỗi của tôi”.

Cuộc đối thoại kết thúc trong tiếng vỗ tay của mọi người và sự hài lòng của người dân Văn Giang. Ông Đặng Văn Dật (xã Xuân Quan, Văn Giang) nói: “Bước đầu cởi mở như ông Võ đã cởi được những sợi dây oan ức của nhân dân Văn Giang hàng mấy năm nay… Bản thân ông Võ nhận như thế bước đầu là được. Ông nghỉ hưu lâu rồi nên có thể không nhớ rõ hồ sơ nhưng ông ấy nhận rõ được vấn đề là tốt rồi. Chúng ta sửa được một cái sai thì sẽ sửa được những cái tiếp theo”.

Dự án khu đô thị Văn Giang được Thủ tướng cho phép thực hiện, giao Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô khoảng 500 ha thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên. Sáng 24-4-2012, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan gặp phải sự phản đối của khoảng 200 người dân…



Wednesday 31 October 2012

Nợ công Việt Nam: Nguồn rủi ro nằm ở DNNN

“Phá sản”, “vỡ nợ”, “bị phát mại, tịch biên gia sản” là những từ ngữ luôn có khả năng làm người nghe giật mình. Nói đến nợ quốc gia, người dân cũng thường lo sợ rằng những khoản nợ khổng lồ sẽ khiến nền kinh tế đổ vỡ và con cháu chúng ta sẽ phải nai lưng trả nợ cho cha ông. Tuy nhiên, thực chất vấn đề nợ quốc gia không hoàn toàn như số đông vẫn nghĩ. Với riêng Việt Nam, rủi ro nằm ở một chỗ khác…

Nợ quốc gia, hay còn gọi là nợ công, là các khoản nợ của chính quyền, tồn tại dưới hình thức các chứng khoán mà chính quyền phát hành và đang nợ. Tính đến cuối năm 2011, nợ công của Việt Nam đã lên tới 58,7% GDP.

Khi Cục Quản lý Nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) công bố con số nợ công, nhiều người băn khoăn không hiểu tỉ lệ 58,7% và 31,1% GDP trên đây là ít hay nhiều, liệu có khả năng các thế hệ tương lai của Việt Nam phải “è cổ gánh nợ” hay không và quan trọng nhất là: Sẽ ra sao khi một quốc gia phá sản? Cá nhân vỡ nợ thì bị phạt tù, còn Nhà nước vỡ nợ thì thế nào? Thắc mắc càng trở nên đáng lo ngại khi đặt trong bối cảnh Hy Lạp vừa trải qua khủng hoảng nợ công, làm cả châu Âu phải dốc sức ứng cứu.

Quốc gia vỡ nợ thì làm sao?

Sử dụng tỉ lệ nợ công tính trên GDP là một trong những biện pháp chủ yếu để đánh giá nợ của một quốc gia. Chẳng hạn, một trong các tiêu chuẩn của EU để được gia nhập đồng euro là nợ của một quốc gia không được vượt quá 60% GDP của nước đó.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), cũng có những trường hợp tỉ lệ nợ công tính trên GDP không phải là vấn đề, mà quan trọng là khả năng trả nợ của quốc gia như thế nào. Ví dụ, nợ công của Nhật Bản lên tới 200% GDP, thuộc hàng cao nhất trong những nước phát triển nhưng do kinh tế tăng trưởng ổn định (dù không cao), vẫn đảm bảo thu được thuế, cho nên không ở tình trạng báo động về nợ công. Song cùng thời gian đó, ở châu Âu lại xảy ra khủng hoảng nợ công khiến nhiều nước lao đao, với tỉ lệ nợ công của Hy Lạp năm ngoái là 160% GDP, Ý 120% GDP, Hungary 76,1% GDP. Lý do là tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ thấp, thậm chí âm.

Bên cạnh đó, cơ cấu nợ cũng là một yếu tố để xem xét, chẳng hạn nếu có một cơ cấu trong đó nợ dài hạn được rải đều ra các năm, thì quốc gia có thể cân đối được các hoạt động vay nợ mới để trả nợ cũ, do đó không chịu sức ép của nợ nần.

Khi một quốc gia lâm vào tình trạng phá sản, nghĩa là họ không còn thanh toán được các khoản tín dụng nước ngoài hoặc không có ngoại tệ để chi trả cho nhập khẩu. Điều ít người biết là, theo nhà kinh tế học Ken Rogoff của ĐH Harvard, việc các nước bị vỡ nợ không phải là bất thường: “Nhiều nước đã phá sản mà thậm chí họ không biết; chuyện ấy thậm chí không được ghi lại trong sách lịch sử của họ. Nhiều nước phá sản ít nhất vài lần”. Hậu quả của vỡ nợ là quốc gia đó không còn khả năng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cần thiết, thậm chí thiết yếu; nạn tháo vốn bùng nổ; và nhất là trong một thời gian dài sẽ không nước nào dám cho họ vay mượn nữa. 

Đây là chuyện đã xảy ra với Argentina năm 2001, khi Tổng thống Adolfo Rodríguez Saá tuyên bố ngừng thanh toán nợ, tập trung vào “nghĩa vụ trong nước của nhà nước đối với dân chúng”. Hậu quả là nền kinh tế sụp đổ, biểu tình bạo loạn càng tồi tệ hơn, ngân hàng phải đóng cửa để ngăn chặn tháo vốn. Ác mộng kéo dài khoảng vài năm, cho đến khi vì đồng peso mất giá mà giá hàng hóa của Argentina lại thành ra rẻ trên thị trường quốc tế, xuất khẩu gia tăng và ngoại tệ lại đổ về, các nước khác lại tiếp tục cho vay. Nhà kinh tế Paul Blustein nhận định, bài học rút ra là cách thức tuyên bố phá sản; phải làm sao để mọi sự diễn ra có trật tự, không đột ngột, để tránh gây sốc và thảm họa.

Nợ công của Việt Nam: Rủi ro lại nằm ở… DNNN

Như trên đã phân tích, đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp và doanh nghiệp phá sản hàng loạt dẫn đến thất thu thuế, tình trạng nợ công của Việt Nam hiện nay không phải là lành mạnh. Điều may mắn là xét về cấu trúc, các khoản nợ phần lớn là vay ưu đãi trong thời hạn dài với lãi suất thấp, cho nên hiện tại chưa có nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công nào.

Tuy nhiên, một điều cũng ít người biết là về lâu về dài, khối DNNN mới là mối đe dọa đối với nợ công. Rủi ro nằm ở những khoản vay mượn nước ngoài của DNNN, do Nhà nước đứng ra bảo lãnh (chính là “nợ chủ quyền” - “sovereign debt”) và trong tương lai sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi trả bằng tiền ngân sách. Sự hỗ trợ sẽ diễn ra dưới các hình thức khoanh nợ, giãn nợ (còn được gọi một cách kỹ thuật là “tái cấu trúc nợ”, chuyển từ vay ngắn hạn thành vay dài hạn), thậm chí xóa nợ. Trong một bài báo trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, tháng 9 năm ngoái, ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), đã cho biết: “Nợ của các tập đoàn, tổng công ty… chiếm khoảng 75%-80% tổng dư nợ của VDB. Tình hình như hiện nay có rất nhiều đồng chí lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có văn bản gửi cho tôi đề nghị lùi nợ, giãn nợ”.

Tính đến tháng 9-2011, tổng nợ của khối DNNN được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 17,5% dư nợ của DNNN. Khó mà khẳng định được tỉ lệ này là cao hay thấp nhưng với chất lượng điều hành và hoạt động kinh doanh ở các tập đoàn Nhà nước, cũng như xét những bê bối Vinashin, Vinalines… vừa qua, thì khả năng Nhà nước phải thâm hụt ngân sách vì nợ công là một rủi ro hoàn toàn có thể thành hiện thực.


* * *

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tháng 6-2012:

“… Nợ công của Việt Nam vẫn đang ở mức bền vững, song mọi người ngày càng nhận thức rõ được rằng nghĩa vụ nợ dự phòng có thể là một mối nguy lớn. Tổng số nợ nước ngoài do chính phủ đi vay và được Chính phủ bảo lãnh tăng gần 50% kể từ năm 2008 (21,8 tỉ hoặc 21% GDP) cho đến cuối năm 2010 (32,5 tỉ hoặc 32,7% GDP) do Chính phủ áp dụng gói kích thích tài khóa. Mặc dù vay nợ của Chính phủ từ các nhà đầu tư nước ngoài tăng từ khoảng 3 tỉ USD trong năm 2008 lên 5,4 tỉ USD năm 2010, song 80% nợ nước ngoài của Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh vẫn là nợ dài hạn và nợ ưu đãi từ các nguồn viện trợ chính thức. Nợ công trong nước tăng từ khoảng 18% GDP trong giai đoạn 2006-2008 lên khoảng 21,5% GDP trong năm 2010, nguyên nhân cũng là do gói kích thích tài khóa.

Mặc dù mức nợ hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát, song những rủi ro về nghĩa vụ nợ tiềm ẩn từ các DNNN và khu vực tài chính là không nhỏ. Những nghĩa vụ nợ tiềm ẩn không được phản ánh trong số liệu thống kê về nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh là một nguồn gốc bất trắc đáng kể…”.


Wednesday 10 October 2012

Chạy đua vũ trang - cái bẫy làm suy yếu kinh tế các nước Đông Nam Á

  • Hữu Long - Hoàng Thư 

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã qua đi với những dấu chỉ rất rõ ràng về một cuộc chạy đua vũ trang trên biển Đông. Các nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan… đều đua nhau tăng ngân sách cho quốc phòng. Điều đáng nói là cũng có những dấu hiệu cho thấy dường như cả khu vực đang bị cuốn vào một cái bẫy…

Sẽ còn rất lâu nữa tàu sân bay Shi-lang (Thi Lang) mới có thể đem lại sức mạnh hải quân thực sự cho Trung Quốc. Nhưng việc hạ thủy con tàu khổng lồ có thiên hướng tấn công rõ ràng này của Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái đã gần như trở thành biểu tượng đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cuộc đua đã bắt đầu

Đầu tháng 3-2012, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh thông báo là ngân sách quốc phòng trong năm 2012 sẽ tăng 11,2%, lên tới 80,6 tỉ euro, tức là hơn 105 tỉ USD. Nhiều năm qua, tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng của nước này cũng thường xuyên vượt quá 10% và đó là dựa theo con số được công bố chính thức. Trên thực tế, người ta luôn nghi rằng chi phí cho quân sự của Trung Quốc có thể cao hơn thế rất nhiều - hoặc ít nhất thì Trung Quốc cũng làm cho dư luận có suy nghĩ như vậy.

Trên thực tế, mọi chuyện bắt đầu từ cả một thập kỷ trước đó, khi Trung Quốc khẳng định mình như một cường quốc thực sự và không che giấu tham vọng bành trướng thế lực của mình. Trong 10 năm, Trung Quốc đã tiêu 16,4 tỉ euro (hơn 21 tỉ USD) để trở thành nước mua sắm vũ khí lớn nhất thế giới, vượt qua cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Hy Lạp. Trước tình thế đó, các nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan… đều đua nhau tăng ngân sách cho quốc phòng. Một trong những nhân vật chính của tranh chấp Biển Đông là Philippines, sau nhiều năm bỏ bê hải quân và hạn chế hiện đại hóa quân đội, đã đột ngột gia tăng 81% chi tiêu quốc phòng trong năm 2011, lên mức 2,5 tỉ USD với ưu tiên hàng đầu là các hạng mục mua sắm vũ khí. Ngay cả đến Singapore - quốc đảo có nền kinh tế thịnh vượng nhất khu vực, dân số vỏn vẹn 5 triệu - cũng đã đạt mức chi tiêu khổng lồ cho quân sự trong vài năm qua và trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều thứ hai thế giới trong năm 2009, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Nhớ lại nghệ thuật cờ vây

Bằng cách đó, toàn khu vực Đông Nam Á dường như đã được đặt trong tình trạng chạy đua vũ trang. Theo SIPRI, so với năm 2000, chi tiêu cho quân sự của khu vực tăng 50%. Một nhà nghiên cứu ở viện này, ông Siemon Wezeman, nhận xét: “Chắc chắn là việc Trung Quốc xúc tiến sức mạnh quân sự và vươn bàn tay của họ ra bên ngoài đóng vai trò chủ đạo trong chuyện gia tăng ngân sách quốc phòng của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia”.

Đáng chú ý là không riêng Trung Quốc mà các nước khác cũng đều tạo cho dư luận cảm tưởng rằng chi phí cho quân sự thực tế cao hơn so với con số công bố nhiều. Theo các chuyên gia, sự không minh bạch trong cuộc chạy đua vũ trang lại càng khiến cho không khí thêm căng thẳng, khiến các bên lo sợ, nghi ngại, đề phòng lẫn nhau và từ đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực.

Điều này lại gợi cho người ta nhớ đến một tổng kết của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuốn sách nổi tiếng gần đây của ông, On China, trong đó ông phân tích nhiều về nghệ thuật cờ vây của người Trung Quốc, cho rằng nó đã được áp dụng vào quân sự: Theo Kissinger, tư duy chiến lược của người Trung Quốc hướng đến chiến thắng thông qua lợi thế về tâm lý hơn là qua đối đầu trực tiếp. Đôi khi chỉ gây một sự bất an về tâm lý là đủ để cuốn đối phương vào một cuộc chạy đua muốn hụt hơi. Chiến thuật tâm lý này, nếu đúng là đang được Trung Quốc áp dụng, càng hiệu quả hơn khi ta biết rằng ngân sách quốc phòng của một quốc gia có xu hướng tỉ lệ nghịch với sự phát triển. Tiến sĩ địa chất hàng hải Đàm Quang Minh, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho biết dường như đã hình thành một quy luật chung là hễ khi nào ngân sách quốc phòng vượt quá 17% GDP thì quốc gia sa sút về kinh tế.

Các chuyên gia cũng đề cập tới một vài nguyên nhân khác không liên quan gì tới an ninh, như vấn nạn quan liêu, tham nhũng; song yếu tố chủ chốt thúc đẩy ASEAN lao vào cuộc chạy đua vũ trang vẫn là Trung Quốc. Ông Tim Huxley ở Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Singapore cho rằng tình hình giữa Trung Quốc và Đông Nam Á cũng giống như câu chuyện giữa Đức và Anh trước Thế chiến thứ nhất, hay Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Bài học trong quá khứ

Cho đến nay, sự kiệt quệ về kinh tế của Liên bang Xô Viết vẫn được nhắc đến như một bài học lịch sử kinh điển mà bất cứ quốc gia nào có ý định chạy đua vũ trang cũng phải nhớ.

Vào thời điểm năm 1980, nền kinh tế Liên Xô, với những khuyết tật mà nó mang trong mô hình quản lý tập trung của mình, đã trở nên suy yếu một cách nghiêm trọng. Nắm được tình hình khủng hoảng tại Liên Xô, chính phủ Hoa Kỳ của Tổng thống mới đắc cử Ronald Reagan đã thi hành một chiến lược chống phá mới nhằm giáng những đòn cuối cùng triệt hạ đối thủ. Một cuộc chạy đua vũ trang mới đã được Hoa Kỳ phát động sau một thập kỷ hòa hoãn của cuộc Chiến tranh Lạnh. “Sáng kiến phòng thủ chiến lược - SDI” hay còn được biết đến với tên gọi “Chiến tranh giữa các vì sao” đã được Hoa Kỳ khởi xướng từ tháng 3-1983 với việc sử dụng phần lớn vũ khí hạt nhân đặt trong vũ trụ, nhằm tiêu diệt các tên lửa trên đường bay đến mục tiêu, đồng thời có khả năng nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất.

Dù mang danh nghĩa là “phòng thủ”, SDI đã đặt Liên Xô vào thế bị đe dọa nghiêm trọng và buộc phải có những giải pháp tương ứng để cân bằng chiến lược. Bên cạnh đó, do những bất ổn xã hội không thể khắc phục, Liên Xô luôn có xu hướng lấy các thành tựu quân sự làm bằng chứng cho tính ưu việt của mình. Kết quả là họ đã đẩy chi phí quân sự lên đến 15% GDP, tập trung những bộ óc tài giỏi nhất của đất nước cho các tham vọng quân sự và đẩy nền kinh tế vốn đã khủng hoảng sâu sắc đi đến chỗ kiệt quệ. Sau này, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã phải thừa nhận rằng trong những năm 1986-1990, hiệu suất gia tăng chi phí quân sự hằng năm đã tăng 8%, tức là gấp đôi hiệu suất tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong cuốn Những âm mưu, sách lược của chính phủ Reagan làm tan rã Liên bang Xô Viết (NXB Công an Nhân dân, 2004), tác giả Peter Schwecer đã kể lại việc Gorbachev nhận định về “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” rằng Hoa Kỳ muốn “với cuộc chạy đua của loại vũ khí không gian vừa hiện đại vừa đắt giá, sẽ đánh đổ nền kinh tế Liên Xô”.

Và sự thực đã diễn ra đúng như thế. Cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Hoa Kỳ đã “rút ruột” nền kinh tế Liên Xô, để chỉ tám năm sau khi SDI được khởi xướng, Ronald Reagan đã có cơ hội được chiêm ngưỡng thành quả của mình. Liên Xô vĩnh viễn nằm lại với lịch sử cùng với một thi thể kinh tế không thể tiều tụy hơn.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng vũ khí kinh tế

Nhận thức được tính chất “hai lưỡi” của con dao chạy đua vũ trang, chính phủ các nước luôn tìm những giải pháp hài hòa giữa yêu cầu đối phó với các thách thức an ninh với việc đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. Ở địa vị một nền kinh tế nghèo nàn và đang bộc lộ những bất ổn vĩ mô nghiêm trọng như Việt Nam, câu chuyện chi tiêu quốc phòng lại càng phải được đặt trong những sự cân nhắc thận trọng hơn.

Trong một lần phát biểu với báo chí, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng cũng thừa nhận: “Chúng ta có khả năng đến đâu thì từng bước chúng ta sắm sửa đến đó nhưng với tinh thần là hết sức tối thiểu, với khả năng cho phép của nền tài chính đất nước, không làm gì vượt quá. Đất nước ta còn nghèo và chúng ta có rất nhiều vấn đề phải lo, nhất là những vấn đề đảm bảo an sinh xã hội”.

Bằng cách gia tăng nội lực để củng cố vị thế quốc gia, Việt Nam có thể đảm bảo các lợi ích trên biển của mình mà không bị cuốn vào vòng xoáy chạy đua vũ trang và đứng trước nguy cơ kiệt quệ nền kinh tế. Lịch sử cho thấy rằng thất bại của các quốc gia trong việc bảo vệ chủ quyền thường có nguyên nhân chính là vấn đề nội tại hơn là tác động từ các yếu tố khách quan.

Saturday 29 September 2012

Cải cách ở Trung Quốc và Đổi mới ở Việt Nam - China’s Reform vs. Vietnam’s Doi Moi

(The article below was written in September 2009. Please scroll down for the English translation.)

Vào dịp 60 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa (1949-2009), báo chí Trung Quốc đã có những bài viết về thành tựu phát triển đất nước, trong đó nhắc tới sự thành công của mô hình kinh tế kiểu Trung Quốc.

Chưa có một định nghĩa cuối cùng, nhưng các học giả Trung Hoa cũng như phương Tây đã bàn nhiều về mô hình phát triển Trung Quốc. Những từ thường được dùng để mô tả nó là: cải cách, mở cửa, thử nghiệm, chuyển đổi từ bên trong, tiến bộ từng bước, Nhà nước định hướng mạnh, tăng trưởng kinh tế, và ổn định chính trị.

Sự so sánh để tìm những tương đồng và khác biệt giữa mô hình Trung Quốc và Việt Nam không phải vấn đề bây giờ mới được nhắc tới. Ít nhất thì các nhà khoa học của cả hai nước đã từng tiến hành nhiều hội thảo và thực hiện các công trình nghiên cứu so sánh công cuộc cải cách ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam.

Trung Quốc bắt đầu cải cách từ năm 1978, còn Việt Nam từ năm 1986. So với phần còn lại của thế giới cũng tiến hành chuyển đổi (Liên Xô, các nước Đông Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin), hai nước chia sẻ nhiều điểm chung hơn, chẳng hạn cả hai đều kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Điều này khác xa Đông Âu và Liên Xô - là nơi mà, theo chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng Phong [1], “đảng Cộng sản chỉ dẫn dắt quá trình chuyển đổi chưa được một nửa con đường, sau đó thì những khủng hoảng chính trị đã làm cho đảng Cộng sản ở các nước đó không còn là người điều hành cuộc chuyển đổi nữa”.

Bên cạnh đó, nội dung đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Trung Quốc còn giống nhau ở một số điểm lớn, như: đa dạng hóa cơ cấu sở hữu (chuyển sang kinh tế nhiều thành phần); mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh sản xuất hướng về xuất khẩu, v.v.

Chính sự tương đồng đó, cùng với việc Việt Nam tiến hành đổi mới sau Trung Quốc 8 năm, đã làm nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sao chép mô hình phát triển của Trung Quốc. Gần đây, khi nhìn lại sự thành công của mô hình này, tờ Nhân Dân Nhật Báo số ra ngày 18 tháng 9 năm 2009 có bài viết nhận định Việt Nam là trường hợp “sao chép toàn diện và thành công nhất mô hình Trung Quốc”.

Sự thực thì có tương đồng gì giữa mô hình Trung Quốc và phát triển kiểu Việt Nam?

Cùng một thứ thuốc trị bệnh…

Nói cho đúng thì trong những năm đầu của công cuộc chuyển đổi, Việt Nam và Trung Quốc không ai sao chép ai, mà cả hai đều thực hiện những “phương thuốc” nhỡn tiền phải dùng để chữa trị “căn bệnh” chung. Căn bệnh đó, với các triệu chứng như tập trung bao cấp, sở hữu toàn dân và tập thể, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…, xuất phát từ việc sao chép mô hình của Liên Xô.

Ông Đặng Phong có một so sánh hài hước: “Tóm lại là cả hai đều ăn ổi xanh, ăn ổi xanh thì đều táo bón, tức là đời sống khó khăn, kinh tế đi xuống, bế tắc, khủng hoảng. Cả hai táo bón thì đều cùng phải uống thuốc”.

Thế rồi, trong quá trình chữa bệnh, cả hai cùng có các phản ứng giống nhau. Ví dụ như nạn vỡ bong bóng tín dụng. Ở Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới có tình trạng bể hụi, vỡ quỹ tín dụng. Ở Trung Quốc những năm 1992-1993 cũng xảy ra việc hàng loạt ngân hàng phá sản.

Sau này, hai nước lại tiếp tục chứng kiến bong bóng chứng khoán, méo mó trên thị trường bất động sản, sự phình to và hoạt động không hiệu quả của khối quốc doanh… Về mặt xã hội, cả hai đều phải đương đầu với các vấn đề gay gắt như tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng xã hội mở rộng, bần cùng hóa ở một bộ phận dân cư nông thôn miền núi. [2]

Như vậy, có thể thấy là hai “bệnh nhân” mắc bệnh giống nhau, dùng thuốc giống nhau và cùng trải qua các phản ứng tương tự. Tuy nhiên, do mức độ bệnh và thời gian phát bệnh khác nhau nên liều dùng và thời điểm dùng thuốc của hai “bệnh nhân” lại khác nhau.

Mỗi người dùng một khác…

Nói về mức độ của căn bệnh, thì Trung Quốc “bị” nặng hơn Việt Nam, do nền sản xuất bị tàn phá nghiêm trọng trong thời kỳ Đại nhảy vọt, Công xã nhân dân và Đại cách mạng Văn hóa. Cạnh đó, ở Trung Quốc kỷ cương rất chặt, Nhà nước quản lý tập trung cao độ, thị trường tự do bị xóa sổ. Trong khi ở Việt Nam, nông dân vẫn còn được 5% đất để kinh doanh sản phẩm phụ, và chợ đen vẫn tồn tại với sức sống rất mãnh liệt, dai dẳng.

Trung Quốc cũng bị đẩy vào tình thế phải cải cách sớm hơn Việt Nam, do không có được “bầu sữa viện trợ” kéo dài như Việt Nam.

“Bệnh” nặng hơn và thời gian “phát bệnh” diễn ra trước nên Trung Quốc dùng “thuốc cải cách” trước và có những khác biệt so với Việt Nam. Ngoài ra, thời kỳ 1978-1986 cũng là khoảng thời gian dài quan hệ hai nước căng thẳng nên sự sao chép, học tập về mô hình cải cách là không thể có.

Sự khác biệt lớn nhất được nhà nghiên cứu Đặng Phong đúc kết trong một câu: “Ta phá rào từ dưới lên, còn Trung Quốc phá rào từ trên xuống”. Trung Quốc đã đi theo con đường từ lý luận tới thực tiễn, từ chỉ đạo của Trung ương tới hành động của địa phương. Sau khi đã có những đột phá về lý luận nhằm giải quyết các bế tắc, Trung Quốc mới cho thực hành. Trong khi đó, Đổi Mới của Việt Nam lại bắt đầu từ những vụ “phá rào” ở cơ sở, sau đó được Trung ương chấp nhận và cuối cùng trở thành chính sách. Ví dụ, chính sách khoán bắt đầu từ những hiện tượng tự phát và làm chui của nông dân, mà lãnh đạo địa phương hoặc đồng ý cho làm và “bao che” trước Trung ương, hoặc lờ đi. Có thể kể tới các vụ phá rào “ngoạn mục” như khoán chui ở Hải Phòng, xóa tem phiếu ở Long An, cơ chế mua cao bán cao ở An Giang, mua lương thực với giá thị trường để bán “cứu đói” cho Thành phố Hồ Chí Minh…

Ông Đặng Phong nhận xét: “Thật ra người Việt Nam đã “phá rào” suốt từ… thời chống Mỹ. Đặc tính của dân mình là vậy, linh hoạt, có khả năng xoay xở cao và rất khó đi vào kỷ cương. Ở Trung Quốc, Nhà nước nghiên cứu bài bản rồi mới quyết định dỡ bỏ hàng rào cũ, lập hàng rào mới. Còn ở Việt Nam ta là dân chúng, địa phương chủ động dỡ bỏ quách hàng rào, chẳng theo lý thuyết nào cả”.

Đổi mới, vì thế, mang phong cách rất Việt Nam.

Có hay không sự sao chép?

Đổi mới ở Việt Nam không phải là sự sao chép mô hình cải cách của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào những năm về sau trong công cuộc chuyển đổi, có những quyết sách kinh tế – xã hội của Việt Nam được tiến hành sau và mang nhiều nét tương tự như Trung Quốc. Chẳng hạn như chính sách trao quyền xuất nhập khẩu trực tiếp cho khối doanh nghiệp tư nhân, thành lập thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… đều được tiến hành ở Việt Nam sau Trung Quốc vài năm. Việt Nam và Trung Quốc cũng là hai nền kinh tế duy trì vai trò chủ đạo, định hướng phát triển của Nhà nước. Cả hai quốc gia đều thực hiện sở hữu Nhà nước về đất đai, chế độ quản lý chặt chẽ của Nhà nước về tỷ giá hối đoái.

Không thể khẳng định có sự sao chép với chủ ý hay không, nhưng điều chắc chắn là, như trên đã nói, có những phương thuốc chung để hai nước trị các căn bệnh chung. Thêm vào đó, việc một nền kinh tế đi sau tham khảo, học tập hoặc chịu ảnh hưởng từ mô hình của nền kinh tế đi trước là chuyện thường gặp trên thế giới.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), giải thích điều này bằng một ví dụ thú vị: “Trong khoa học về chiến lược, có khái niệm gọi là “hiệu ứng con ngỗng con”. Khi con ngỗng ra đời mà bị cách ly với mẹ, nó có thể tưởng nhà bác học chăm nuôi nó chính là mẹ, và nó sẽ đi theo nhà bác học đó như thể đó là ngỗng mẹ vậy. [3] 

Hiện tượng tương tự xảy ra trong kinh doanh và xây dựng chiến lược phát triển: Các nền kinh tế nhỏ, chậm phát triển, đi sau, rất dễ bị ảnh hưởng, thậm chí sao chép một cách có chủ ý từ nền kinh tế có quy mô lớn hơn, gần gũi mình và đi trước mình, vì nghĩ rằng như thế là tốt, là ưu việt. Việt Nam hiện đại chịu ảnh hưởng nhiều từ Pháp, ví dụ như luật dân sự của Việt Nam áp dụng nhiều điều của Pháp. Trong kiến trúc, chúng ta cũng có xu hướng cho rằng kiến trúc Pháp là đẹp, là sang trọng, tóm lại là ưu việt. Trung Quốc ở gần và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về thể chế, dễ học, nên Việt Nam có tiếp thu mô hình Trung Quốc cũng không lạ”.

Một học giả gốc Hoa ở Mỹ, Li Tan, cũng từng khái quát hóa mô hình phát triển của tất cả các nền kinh tế đi sau, bao gồm cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, thành sự phát triển dưới định hướng của nhà nước. Li Tan viết: “Mô hình phát triển dựa vào nhà nước sẽ tiếp tục có sức hấp dẫn đối với các nền kinh tế phát triển sau… vì nó cho phép các nước nghèo phát triển nhanh hơn để thoát khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế”.

“Chiến lược đuổi kịp”

“Copy, sao chép không bao giờ là tiêu cực, trừ trường hợp copy một cách mù quáng, nông cạn” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành khẳng định. Còn nhà nghiên cứu Đặng Phong nhận xét: “Tôi nghĩ Trung Quốc có những đặc điểm, những chính sách mà nếu Việt Nam học tập được thì tốt quá! Ví dụ như trong chiến lược phát triển, cả hai nước cùng hướng về xuất khẩu, nhưng Trung Quốc đi xa hơn Việt Nam ở chỗ họ lấy nguyên liệu của toàn thế giới để sản xuất hàng hóa bán cho thế giới. Còn Việt Nam ta xúc nguyên liệu của mình đi bán để mua hàng hóa bên ngoài về tiêu xài”.

Nhiều người cũng đánh giá cao quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc, sự nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương trật tự, hoặc cơ chế sử dụng nhân sự. Ông Đặng Phong nói: “Phải thừa nhận rằng Trung Quốc đào tạo, sàng lọc và tuyển dụng cán bộ ngày càng tốt hơn. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của họ thật sự rất cao”.

Một nhà kinh tế khác cũng nói về một số chính sách của Trung Quốc mà Việt Nam nên xem xét tham khảo. Ví dụ chủ trương cho các công ty quốc doanh thuê chuyên gia nước ngoài làm quản lý, trả lương rất hậu hĩnh. Hoặc chủ trương trao quyền tự chủ cho hệ thống trường đại học, khuyến khích việc đầu tư của tư nhân ra nước ngoài…

Cho đến nay, có thể nói Trung Quốc thực sự đã đi theo một mô hình kinh tế thể hiện rất rõ quyết tâm của Nhà nước: tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với sự tương đồng về thể chế chính trị, hoàn cảnh xã hội, nếu Việt Nam có thể áp dụng điều gì từ Trung Quốc, như sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật hay cơ chế sử dụng nhân sự cấp cao hiệu quả, thì đó chẳng phải là điều tốt hay sao?

[1] Đặng Phong (1939-2010): Chuyên gia lịch sử kinh tế, tác giả cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam - Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989"

[2]  Tư liệu trong cuốn “Nghiên cứu so sánh Đổi mới kinh tế ở Việt Nam và cải cách kinh tế ở Trung Quốc” - công trình hợp tác giữa Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (Việt Nam) và Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc), Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Tầng và Giáo sư Lưu Hàm Nhạc chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2002.

[3]  Tác giả của thí nghiệm về “hiệu ứng con ngỗng con” là nhà tâm lý học động vật hàng đầu Konrad Lorenz, Nobel về Y học năm 1973.

* * *

English translation

China’s Reform vs. Vietnam’s Doi Moi

In 2009, on the 60th anniversary of the founding of the People’s Republic of China, the country’s state media launched a campaign of glorifying the nation’s development, of which the success of Chinese economic model was an integral part.

To date, a final definition of the Chinese economic model has not yet been reached. But Chinese scholars and their Western counterparts have discussed a great deal, with the most frequently used terms on talking about the topic including reform, open policy, trial, inner shift, gradual progress, heavy state control, economic growth, and political stability.

It’s not a phenomenon when someone suggests making a comparision to address the similarities and disparities between the model of China and that of Vietnam. At least scholars from both nations have conducted a substantial number of seminars and research projects to compare between China’s reform and Vietnam’s Doi Moi.

China embarked on economic reform in 1978, while Vietnam began the course in 1986. Compared to the rest of the transitional economies in the USSR, Eastern Europe, Asia, Africa and Latin America, Vietnam and China shared more common characteristics. For example, both insist on the course of “building socialism” under the ruling Communist party. This is totally different from Eastearn Europe and the Soviet Union, where communist party took the lead, but left when political crises broke out halfway, hindering them from being the steerer of the transition process.

In addition to that, Vietnam’s Doi Moi and China’s reform are also alike in some major points: diversifying ownerships with a move to multi-sector economy, opening to foreign investments, boosting export-oriented production, etc.

This alikeness and the fact that Vietnam lagged eight years behind China in launching the reform have sparked the opinions that Vietnam has been making a copy of the Chinese archetype. When looking back on the success of the Chinese model, the People’s Daily newspaper on September 18th 2009 wrote that “Vietnam is the country whose replication of Chinese model is the most complete and successful.”

So, what actually are the similarities between Chinese model and the Vietnam-typed development?

Same antidote

To tell the truth, in the beginning years of the transition process, Vietnam and China did not copy anything from each other. Rather, they both resorted to the same cure for the same disease. That disease, whose symptoms included bureaucracy and subsidization, collective ownership, priority given to heavy industrial areas, etc., derived from the imitation of the Soviet model.

Dang Phong [1], a Hanoi-based economic historian, gave a derisive comparison, “In brief, both of them (China and Vietnam) ate unripe guavas and went costive. I mean, both were confronted with hard lives, economic downturn, deadlock, crises. Both suffered from constipation, thus had to find cure.”

Then during the cure, they both demonstrated similar reactions; one of which was the collapse of the credit bubble: in the embryonic period of Doi Moi, Vietnam saw the fall of “hụi”, or “tontine” funds. China experienced the same situation between 1992 and 1993 when series of credit funds went bankrupt.

The two countries would later on see the stock market bubble, the distortion of property market, the expansion and malfunction of state-owned entrepreneurs, etc. When it came to social aspect of the reform, both countries had to face torturous problems including epidemic corruption, widening social gap, impoverishment in parts of rural and mountainous areas. [2]

Therefore, it is pertinent to conclude that the two “patients” were infected with the same disease, treated with the same cure and experienced the same subsequent reactions. However, the dosage and the length of cure were different as the two patients differed in the disease’s seriousness and incubation time.

Different reactions

As per how serious the disease was, indeed China suffered from a disease more malign than Vietnam. This came as a result of the severe destruction of production during the period of the Great Leap and the People’s Community, and the great Cultural Revolution. Apart from that, China was also a highly controlled country where the government held their visible hand tightly, and free market was obliterated. Meanwhile, Vietnamese farmers could retain 5 percent of the land to do their own farming, and black market still functioned tenaciously.

China, lacking the long-standing foreign “feeding” that Vietnam enjoyed, was also compelled to actuate the reform much earlier than Vietnam did. 

The disease was more serious, the incubation time was longer, and China therefore had to take the “cure of reform” before Vietnam did, with much difference from Vietnam. In addition, between 1978 and 1986 there was a long time of tension between the two countries, which made the replication of model seem untenable.

The biggest difference was encapsulated by Dang Phong within one sentence, “Vietnam did its fence-breaking movement from bottom upwards, while China broke the fence from top down.” China took a path from theory to practice, from the central government’s policies to local activities. They only put into practice what had previously proved to be breakthroughs in theory. Meanwhile, Vietnam started its Doi Moi with cases of “fence-breaking” at local levels, which were approved by central authority and would later become policies in realities. For example, the household contract policy originated from peasants’ spontaneous and illegal activities that either received consensus and protection from local authorities or were ignored by them. There were, to name some, spectacular cases of fence-breaking like “underground household contract” in Hai Phong, the abolishment of the stamp system in Long An, the application of high prices in An Giang, the mechanism of purchasing food at market prices to save Ho Chi Minh City from famine, etc.

“In fact, the Vietnamese people had the habit of fence-breaking since wartime. Such are their distinguished national characteristics: they are flexible, skillful at managing their own way of living, and find it extremely hard to go under discipline,” said Dang Phong. “In China, the government reached the decision of breaking the old fences and building new ones following in-depth research. In Vietnam, it’s the people, not the government, who took initiative in fence-breaking without reliance on any theory.”

Doi Moi, therefore, has a highly Vietnamese style.

Did Vietnam make any replication?

Although Vietnam’s Doi Moi is not a replica of Chinese’s reform model, in the later years of the transition period, there were socio-economic policies adopted in Vietnam long after China, bearing similar traits to those of China. For example, the policy of allowing direct export for private entrepreneurs, the establishment of stock market, or the decision of equitization of state-owned enterprises, etc. were all conducted in Vietnam years after they were adopted in China. Vietnam and China are also economies where the state takes the “guiding” role. Both adopt state ownership of land, and maintain tight state control of exchange rates.

It would be irrelevant to say with much confidence of whether there has been a deliberate imitation, but what can be widely accepted is that the two countries have cured the same disease with the same antidote as mentioned above. After all, it is an usual thing for a backward economy to learn from or to be influenced by the model adopted by the more developed economies.

“In the area of strategy studies, there is a concept referred to as “the geese effect”. When the young geese were isolated from their mother, they may mistake the scientist for their mother, and would learn the identity of the scientist as if he were their real mother,” said Nguyen Duc Thanh, Ph.D. in economics at the Vietnam Economic and Policy Research. [3]

“The same phenomenon has been seen in the area of business and development strategies. Small, low-developed economies that lag behind get very easily influenced by, even deliberately imitate from economies of bigger scale, closer to them and preceding them, because they believe such is optimal. Present-day Vietnam is influenced strongly by France. For example, the civil code of Vietnam borrows from France to a good extent. In the sector of architecture, the Vietnamese tend to think that French-styled architecture is splendid, luxurious, and in sum, should be an optimal choice,” Thanh explained.

“As China is situated close to Vietnam and share many common characteristics with Vietnam in terms of political regime, it is easy for Vietnam to learn from China, and it is understandable that Vietnam replicates the Chinese model,” said Thanh.

An American-Chinese author, Li Tan, once made a generalization of the development models of all latecomers, including China and Vietnam, concluding that it was a state-led development. He wrote in his book, The Paradox of Catching up, that the state-led development model appeals to backward economies because it allows them to grow faster out of economic stagnancy.

The “Catching up Strategy”

“Replication is never a bad thing except when it is a servile, shallow-hearted imitation,” said Nguyen Duc Thanh.

From his point of view, Dang Phong said, “I think China has many traits, many policies which it would be laudable if Vietnam can learn from. In strategy for growth, for example, both China and Vietnam are export-oriented, but China has gone further than Vietnam in that they import the world’s materials to produce, then sell goods back to the world. Vietnam, on the contrary, sells their natural resources just to buy consumer goods to indulge themselves.”

Many people highly appreciate Chinese government’s resolution in fighting corruption, the strictness of their laws and regulations, and their human resource management policy. “Admittedly, China’s system of training and recruiting cadres is growing better and better. The quality of their management personnels is truly high,” said Dang Phong.

Another economist also mentioned some Chinese policies that he thought Vietnam should copy. He gave the examples of letting state-owned enterprises to hire foreign experts with attractive payment policy, granting autonomy to universities, encouraging investments by local companies abroad.

So far, it can be said that China has really adopted an economic model that clearly shows the government’s high resolution which focuses on economic growth, political stability, and sticks to the line of socialism.

Given the similarities in political system and social conditions, isn’t it good if Vietnam could adopt something “exported” from China, such as the strictness of laws and regulations, or the effectiveness in human resource policies?


[1] Dang Phong (1939-2010): a Vietnamese researcher on economic history, author of "Vietnamese Economic Thinking - The Splendid Road from 1975 to 1989."

[2]“Comparison between economic innovation in Vietnam and reforms in China”, National Politics Publishing House, 2002.

[3] Konrad Lorenz, a leading Austrian zoologist who shared the 1973 Nobel Prize in Physiology with Nikolaas Tinbergen and Karl von Frisch, is the author of the “young geese” experiment.