Tuesday 29 August 2017

Bạc như Đảng

Nghe tờ DW của Đức đưa tin Hồ Ngọc Thắng bị đình chỉ công tác và bị điều tra, nhiều bạn bè trên facebook của tôi thấy phấn khởi. Nhiều người khác không nói ra nhưng trong đầu chắc đều nghĩ đến hai từ: Đáng kiếp!

Không biết các dư luận viên có lời nào ủng hộ ông Thắng không, nhưng giả sử có thì chắc cũng chỉ là cào bàn phím chửi “bọn Đức” là chính. Sau vụ Trịnh Xuân Thanh này, nước Đức có nguy cơ bị tuyên giáo và an ninh Việt Nam chính thức liệt vào danh sách “thế lực thù địch”. Còn tờ Nhân Dân – cái tờ báo cách đây vài năm đã trao giải và tôn vinh ông Thắng vì bài viết đả kích dân chủ phương Tây của ông – cho đến giờ hoàn toàn im lặng, bỏ mặc cộng tác viên ruột của mình lao đao nơi xứ người.

Có một bạn facebook của tôi hỏi, liệu có khả năng Hồ Ngọc Thắng trở về nước sẽ được bố trí một chức vụ thật to hay không? Kiểu thuyên chuyển công tác lên vị trí cao hơn, bổng lộc hơn này được gọi nôm na là “đá lên”, đảng cũng có truyền thống áp dụng với các cán bộ quan chức của mình.

Tuy nhiên, trong vụ Hồ Ngọc Thắng, khả năng đó chắc là rất thấp.

Vì đảng Cộng sản vốn dĩ rất bạc.

Văn hóa thấp, tầm nhìn ngắn

Sau chiến tranh, các loại quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”… mọc lên như nấm, nên nhiều người có thể tưởng nhầm rằng đảng Cộng sản ân nghĩa lắm.

Thật ra thì không phải thế, đảng chỉ “biết ơn” bằng ngân sách nhà nước và tiền đảng vặn cổ dân mà thôi, chứ bạc bẽo, vô ơn bạc nghĩa vốn là đặc thù của trào lưu cộng sản văn hóa thấp, tầm nhìn ngắn.

Vì văn hóa thấp, tầm nhìn ngắn, nên sau chiến tranh, đảng lo trả thù người của chế độ cũ, tiêu diệt mọi mầm mống nổi loạn, hơn là tri ân này nọ. Thế là lại đẻ ra cả một lớp người với tâm lý kể công, suốt ngày kể lể chuyện mình có công với cách mạng, mình hy sinh mất mát là thế mà bây giờ phải sống cơ cực, vất vả quá như này…

Nhưng thôi, tâm lý kể công đó là một vấn đề khác, ta không bàn ở đây. Mà hãy thử nhìn vào cái sự bạc bẽo của đảng Cộng sản.

Vụ xử tử bà Nguyễn Thị Năm (năm 1953) có lẽ là ví dụ bi thảm và rõ rệt nhất.

Vụ “mượn” nhà của một loạt tư sản, tiểu tư sản Hà Nội (sau năm 1954) rồi điềm nhiên chiếm luôn không trả – ví dụ như ngôi nhà ở số 34 phố Hoàng Diệu của vợ chồng triệu phú Trịnh Văn Bô – là ví dụ chỉ kém bi thảm hơn một chút. Nửa thế kỷ sau, bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Bô, cực chẳng đã phải để con trai cõng mẹ đang đêm đột nhập vào chính nhà mình, dùng cách “nhảy dù” để giành lại ngôi biệt thự mà đảng đã ký giấy xin mượn của bà trong thời gian hai năm, 1954-1956.

Trước kháng chiến, doanh nhân Trịnh Văn Bô cũng là một nhà hằng tâm hằng sản, có công lớn với "cách mạng": Tính đến ngày 19/8/1945, vợ chồng ông Bô đã ủng hộ Việt Minh tới 8 vạn 5 nghìn đồng Đông Dương (tương đương 212,5 cây vàng – theo thời giá khi ấy).

Đây là những lời dư luận viên dành tặng cụ Lê Đình Kình - đảng viên cộng sản, cựu Bí thư chi bộ, 
nay đã trở thành dân oan Đồng Tâm.


Bạn bè quốc tế thì cũng mặc xác!

Sau chiến tranh, một loạt các nhân vật cánh tả của thế giới (ở Mỹ, Đức, Thụy Điển…) – những người đã từng lên tiếng ủng hộ nhiệt thành “cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của đảng” – bị chính quyền Hà Nội cho vào quên lãng, ngay cả những người có gặp rắc rối với xã hội của họ. Diễn viên điện ảnh Mỹ Jane Fonda lúc cao hứng còn sang thăm Hà Nội, chụp ảnh với bộ đội (năm 1972), nghe đâu còn bảo: “Tôi có đứa con trai, tôi sẽ đặt tên nó là Trỗi” . Chẳng biết bà nói thế thật hay là báo chí nhà sản tuyên truyền bịa ra như vậy. Trở về Mỹ, bà bị nhiều người chỉ trích, khinh ghét, tẩy chay… Đảng Cộng sản, tuyên giáo đảng im bặt, chẳng một lời “thăm hỏi, động viên”.

Jane Fonda vẫn còn may mắn. Số phận những người Pháp đã từng ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp mới thật bi thảm; họ trở về nước và đối diện tòa án binh, đi tù hoặc gặp nhiều khó khăn khác trong cuộc sống. Đảng ta mặc kệ, dĩ nhiên. Nhà văn Vũ Thư Hiên từng viết trong “Đêm giữa ban ngày” rằng ông rất ngạc nhiên thấy Chính phủ Việt Nam không bao giờ để mắt đến những người đã từng là “bạn bè quốc tế”, đứng về phía Việt Nam trong chiến tranh.

“Tấm gương” Trần Văn Trường

Năm 1999, Trần Văn Trường, một doanh nhân ở phố Bolsa (Westminster, bang California), treo cờ đỏ sao vàng và ảnh ông Hồ Chí Minh trong cửa hiệu của mình. Biểu tình hàng ngàn người ở khu Bolsa phản đối Trần Văn Trường. Bên này đại dương, báo đài Việt Nam, đặc biệt là VTV, rầm rộ đưa tin ủng hộ ông Trường và lên án cộng đồng Việt Nam tị nạn ở Mỹ. Nhưng chỉ phản ánh đại khái là có một doanh nhân bên Mỹ vì treo cờ đỏ và ảnh Bác mà bị “người Việt lưu vong” đánh phá, đe dọa thôi, chứ tất nhiên không đả động gì tới cuộc biểu tình và cũng không nói về kết quả của vụ việc đó.

Báo chí Việt Nam càng không nói đến những chuyện sau này xảy ra với Trần Văn Trường. Ông ta về nước kinh doanh, hình như là mở đầm tôm, nuôi cá gì đó, rồi cũng bị Nhà nước Việt Nam, bị chính quyền địa phương… cưỡng chế, cướp sạch. Kinh doanh thua lỗ, kiện không được, trắng tay ông ta lủi thủi trở về Mỹ và tiếp tục sống trong chính cái cộng đồng mà ông ta từng ngang nhiên khiêu khích, chọc tức kia.

Vấn đề là chẳng thấy đại diện nào của “Đảng và Nhà nước” thăm hỏi, động viên, trao quà giúp đỡ ông Trường cả. Một lời nhắc cũng không.


* * *

Đó, đảng Cộng sản – lực lượng nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện ở Việt Nam – là một tập hợp những con người hành xử như thế đấy.

Những kẻ ủng hộ nó – cho dù chỉ vì tiền như an ninh hay dư luận viên hiện nay – cũng nên nhìn vào thứ đạo đức cách mạng này mà coi lại, xem có nên tìm đường rút cho mình không.

Tuesday 22 August 2017

Chống nạn thu phí ở BOT Cai Lậy – mẫu mực về phản kháng dân sự phi bạo lực

Hàng triệu độc giả của báo chí và cộng đồng mạng đang theo dõi vụ “tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí Cai Lậy”, với cả sự hồi hộp lẫn thích thú. Vụ Cai Lậy sau này chắc sẽ còn được kể lại nhiều lần như một chuyện vui. Nhưng còn hơn thế nữa: Những người lái xe dùng tiền lẻ đóng phí đã mang đến cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời về phản kháng dân sự phi bạo lực, “hay lắm, đẹp lắm, có thể viết thành sách”.

Bản chất của vụ dựng chốt thu phí ở BOT Cai Lậy là Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (Giám đốc: Nguyễn Phú Hiệp) lập một trạm thu phí trên Quốc lộ 1. Trước đây, họ đã đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) tuyến đường tránh 12 km thuộc thị xã Cai Lậy. Tuy nhiên, thay vì đặt trạm thu phí ở đường tránh thì công ty lại “xếp nhầm” nó vào Quốc lộ 1, khiến cho ngay cả những người không sử dụng đường tránh mà đi qua Quốc lộ 1 cũng phải nộp tiền. Và vì Quốc lộ 1 là đường giao thông huyết mạch với hàng chục nghìn lượt xe qua lại mỗi ngày, việc chặn đường thu phí như vậy bảo đảm nhà đầu tư không để lọt “con mồi”, ngược lại, thu được số tiền vô cùng lớn: Mỗi xe đi qua, tối thiểu cũng phải nộp 35.000 đồng/lượt (xe bốn chỗ), tối đa lên tới 180.000 đồng/lượt (xe container).

Ảnh: Người Lao Động
Hai điều khiến các lái xe phẫn nộ là trạm bị đặt sai chỗ và mức phí quá cao. Thứ nhất là trạm nằm trên quốc lộ nên kể cả người không sử dụng đường tránh cũng phải đóng tiền. Thứ hai là mức phí bất hợp lý. Anh Vũ Huy Hoàng, một tài xế 45 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Một tuyến đường tránh chỉ dài 12 km mà áp phí gần bằng đường cao tốc Trung Lương 50 km. Tôi lái xe bốn chỗ vào đường cao tốc Trung Lương, mất 40.000 đồng, mà qua Cai Lậy mất 35.000 đồng”.

“Bên công ty đầu tư lý giải là ngoài làm đường tránh, họ còn “tăng cường mặt đường” 26 km trên Quốc lộ 1 nữa. Thật ra họ chỉ phủ nhựa một số chỗ, dặm vá lại một số ổ gà và sơn phết lại vài cây cầu. Trong khi đó, đúng ra, Quốc lộ 1 phải được tu sửa bằng tiền ngân sách nhà nước, trong đó có khoản phí cầu đường mà các xe hàng năm đều đóng. Trong giá xăng cũng đã tính cả phí cầu đường rồi” – anh Hoàng nói rõ.

Lâu nay, tình trạng lập trạm bừa bãi (đường một nơi, trạm một nẻo) để thu phí BOT và nạn phí chồng phí đã xảy ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Nhưng chỉ đến khi các lái xe nhìn ra được những điều bất hợp lý đó, phản kháng dân sự mới bắt đầu.

Tháng 4/2017, hàng trăm tài xế điều khiển xe di chuyển với tốc độ rùa bò qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 (Nghệ An), gây ách tắc giao thông. Còn “chiến dịch tiền lẻ” ở Cai Lậy mở màn vào khoảng ngày 1/8/2017.

Bài học đầu tiên: phải hiểu biết

Trả lời câu hỏi, “vì sao các trạm BOT khác không có vấn đề gì mà Cai Lậy mới lập được hơn một tuần đã có chuyện”, anh Vũ Huy Hoàng nhận định: “Quan trọng là bây giờ tài xế bắt đầu nhìn nhận được những bất công, bất hợp lý trong chính sách rồi. Người ta có nhận thức hơn rồi. Vụ Cai Lậy này, tôi nghĩ là có “học tập kinh nghiệm” từ vụ cầu Bến Thủy”.

Kinh nghiệm đó đã từng được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội, trong những nhóm Facebook của các tài xế.

Ba ngày đầu tiên (1-3/8), theo phản ánh của nhà đầu tư, có bảy xe “dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500, 1.000 đồng vo tròn để trong chai nhựa, túi nhựa hoặc đưa từng tờ tiền lẻ rồi buộc nhân viên kiểm đếm lại nhiều lần” (Thanh Niên, 5/8/2017).

Nhà báo Trương Hữu Danh đã chuẩn bị sẵn 13kg tiền lẻ 
để hỗ trợ các lái xe.

Trạm thu phí phản ứng ngay: Hễ xe nào đi qua mà có hiện tượng trả tiền lẻ thì nhân viên thu phí nhấn nút, còi hụ ầm ĩ lên và lập tức có người của trạm vác máy ra quay phim, chụp hình xe đó, ghi biển số lại. Ngày 7/8, trả lời phỏng vấn báo Infonet, luật sư Nguyễn Doãn Hùng – Công ty Luật IPIC – nhận định rằng hành vi bỏ tiền lẻ vào chai nhựa, gây ùn tắc giao thông, là có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng và có thể bị phạt tù 2-7 năm.

“Thật ra lúc ấy anh em cũng hoang mang” – anh Hoàng kể. “Nhưng rồi có người có ý kiến là việc gì pháp luật không cấm thì ta có quyền làm, mà chưa có văn bản nào cấm sử dụng tiền lẻ cả, đừng nghe hù dọa. Thế là anh em vững dạ làm tới thôi”.

“Hôm đầu tiên còn ít xe dùng tiền lẻ thì trạm đối phó bằng cách cho các xe trả tiền lẻ đi vào len (lane – làn đường) dự phòng, đứng ở đó chờ nhân viên trạm ra đếm tiền. Qua ngày thứ hai, thứ ba, nhiều người hưởng ứng hơn, rồi đông quá, không đủ len dự phòng nữa, trạm đành chịu. Thế rồi nghẽn hết cả, nhiều lúc trạm phải xả cửa, không thu tiền, cho xe qua miễn phí để giải tỏa ách tắc”.

Các tài xế cũng không nhét tiền vào chai nhựa nữa mà đưa cả bó. VnExpress ghi lại, chiều 9/8, có khoảng 10 xe trả tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng khi qua trạm BOT Cai Lậy, gây ùn tắc kéo dài tới 4km.

Có thể thấy ngay bài học đầu tiên mà các “tài xế tiền lẻ” ở Cai Lậy đem đến, là phải hiểu biết: nhận ra những điều bất hợp lý, hiểu quyền của mình, hiểu mình không sai, hiểu cái nguyên tắc cao nhất của pháp luật là người dân được làm mọi thứ pháp luật không cấm.

Bài học thứ hai: Bắt đầu từ việc nhỏ

Phong trào Otpor! (có nghĩa là “phản kháng”) ở Serbia để lại một nguyên tắc đấu tranh quan trọng: Bắt đầu từ những công việc nhỏ, có vẻ ít tính chính trị, ít nhạy cảm, ít nguy hiểm nhất, sao cho ai cũng có thể làm được. Và đó nên là những việc vẫn nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc gia.

Tuần hành đến Bộ Giao thông – Vận tải, ủy ban nhân dân địa phương để phản đối các trạm thu phí “nằm sai chỗ”, hoặc quyết liệt từ chối nộp phí, thì không phải ai cũng dám làm ngay vì rất dễ bị quy chụp là chống phá nhà nước. Nhưng giảm tốc độ, đi xe thật chậm, nộp tiền lẻ khi qua trạm thu phí, như các tài xế đi qua trạm cầu Bến Thủy, Cai Lậy đã làm, gây tắc nghẽn hay là “ùn ứ” theo cách gọi lâu nay của ngành cảnh sát giao thông, thì là việc đúng luật và không có gì nguy hiểm, theo nghĩa là chẳng có lý do gì để bị đàn áp. Tài xế nào cũng có thể tham gia.

Nói cách khác, hành động nộp tiền lẻ là một cách gây khó khăn cho những kẻ bóc lột, nhưng nó lại vẫn là việc chấp hành luật pháp. Vì thế, nó đặt kẻ bóc lột vào tình cảnh “tức tối nhưng không làm gì được”. Cùng lắm thì nhà đầu tư chỉ có thể làm đơn cầu cứu công an. Nhưng công an cũng bị đặt vào thế lưỡng nan: Trấn áp cũng dở (vì không có cớ, và dễ đổ thêm dầu vào lửa phẫn nộ của cư dân mạng), mà không trấn áp cũng dở (các lái xe cứ tiếp tục làm tới).

Bài học thứ ba: Thu hút dư luận ủng hộ

Mặc dù là hành động phản kháng (vốn dĩ bị gắn nhãn là chống đối ở Việt Nam), nhưng “chiến dịch tiền lẻ” của những người lái xe lại tạo được một hình ảnh hoàn toàn khác với những gì người dân thường hình dung. Đó là sự thông minh, hài hước, gây cười.

Trong các nhóm Facebook, cánh lái xe tán chuyện rôm rả, vui vẻ về “chiến dịch”. Họ đăng tải và phát tán những hình ảnh đẹp hoặc gây cười, những clip nhạc chế xung quanh vụ “tiền lẻ qua trạm Cai Lậy”.

Họ cũng có ý thức giữ gìn hình ảnh khi bị quay phim: Hình một anh lái xe trẻ (Phạm Việt) cười rạng rỡ đưa tập tiền 200 đồng cho nhân viên thu phí, do phóng viên Thanh Niên chụp, lan truyền trên mạng Internet và còn được chế lại như một tấm áp phích của thời “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; ai nhìn thấy cũng phải phì cười và chắc chắn là sẽ không dễ quên.

Giống như hiệu ứng mà quảng cáo tạo ra ở người tiêu dùng, hình ảnh này của “chiến dịch tiền lẻ” khiến cho ai chưa quan tâm, chẳng biết gì đến vụ việc, thì sẽ quan tâm; ai biết rồi thì sẽ thấy thích thú và ủng hộ những người lái xe; mà ai chống họ thì cũng khó mà dám công khai chửi bới (trừ một số ít có tư duy như dư luận viên).


Nói về “chiến dịch tiền lẻ”, người ta không thấy ở việc phản kháng đó một hành vi cực đoan, thù hận nào cụ thể, mà chỉ nhớ đến nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt dễ mến của anh chàng lái xe, và gương mặt kiên nhẫn của cô nhân viên thu phí cầm xấp tiền lẻ. Phạm Việt được mệnh danh là “hot boy Cai Lậy”.

Bên cạnh việc chấp hành pháp luật, trong việc tạo một hình ảnh đáng mến, các lái xe cũng nhắc nhau giữ thái độ ôn hòa, tránh mọi điều tiếng rằng họ thô tục hay bạo lực. Tất nhiên, vẫn có một vài bài báo trong đó có những câu, từ mang tính chụp mũ, như: “Không chỉ vậy, một vài tài xế còn có lời lẽ không đúng mực gây ức chế tâm lý cho nhân viên” (Thanh Niên, 5/8), “Trạm thu phí dịch vụ đường bộ Cai Lậy đã tạm ngưng thu phí sau khi một số đối tượng xuất hiện cản trở, không cho thu phí” (Tuổi Trẻ, 15/8). Song, tất cả đều bị cộng đồng mạng chỉ trích, cũng như mọi phản ứng tiêu cực của nhà đầu tư hay quan chức đều bị bêu lên mạng, đặc biệt nhờ vai trò của một số Facebooker có ảnh hưởng. Và đó là bài học thứ tư, thứ năm.

Bài học thứ tư: Có người nổi tiếng góp sức

Trong mọi chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về một vấn đề nào đó, không thể thiếu các Facebooker nổi tiếng. Vụ “tiền lẻ qua trạm Cai Lậy” của các lái xe cũng vậy, ngay từ đầu, nó đã được nhiều Facebooker chính trị có tiếng như Hoàng Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Chí Tuyến, các nhà báo Trung Bảo, Trương Hữu Danh hưởng ứng.

Nói cách khác, chọn lựa những người có ảnh hưởng và tranh thủ sự ủng hộ của họ là việc khôn ngoan mà các phong trào phản kháng dân sự nên thực hiện.

Bài học thứ năm: Vạch trần mọi hành vi xấu

Mọi phát ngôn, hành động tiêu cực của nhà đầu tư hoặc quan chức đều bị bêu lên mạng để dư luận chỉ trích và chê cười.

Ví dụ như chuyện ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư QL1 Tiền Giang, gửi đơn cầu cứu công an tỉnh; chuyện nhà đầu tư quay phim, ghi hình các tài xế, ghi biển số xe họ, nộp cho công an; chuyện ông Trần Văn Bon – Giám đốc Sở Giao thông – gửi công văn đến UBND tỉnh Tiền Giang, quy chụp hành động trả tiền lẻ qua trạm là chống đối nhà đầu tư; chuyện ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gọi hành vi bỏ tiền lẻ vào chai nộp phí là “văn hóa ứng xử có vấn đề”.

Trên thực tế, chính công an địa phương, nơi đặt trạm BOT, còn bị buộc tội là có hành động gây rối, tấn công người dân. Nhân chứng (dân địa phương) khẳng định ông Huỳnh Văn Tài, Trưởng công an xã Phú An, mặc thường phục, đã ném đá bươu đầu phóng viên báo Thanh Niên tác nghiệp ở trạm Cai Lậy. Đoạn clip ghi lại cảnh này cũng đã được tung lên mạng.

Từ quan chức, nhà đầu tư, đến công an, ai làm sai đều bị cộng đồng mạng phát hiện, lên án và chế nhạo. Trạm BOT Cai Lậy bị gọi là “trạm hút máu Cai Lậy”.

Điều đó đẩy tất cả bọn họ vào tình trạng phải thủ thế hoặc yếu thế, khó mà công khai ra tay mạnh hơn nữa. Nói cách khác, vạch trần, công bố rộng rãi, chỉ trích cái xấu, cái tiêu cực chính là một cách tự bảo vệ.

Bài học thứ sáu: Can đảm, đi đến cùng

Đây không phải là bài học cuối cùng. Đấu tranh thay đổi xã hội, phản kháng dân sự là những công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều phẩm chất, kỹ năng, kiến thức, và có thể rút ra từ đó rất nhiều bài học. Song, can đảm, không sợ hãi để đi đến cùng là một phẩm chất nổi bật.

Anh Vũ Huy Hoàng cho biết: “Anh em tài xế lạc quan. Rất tin là đấu tranh sẽ đạt kết quả mong muốn. Tất nhiên có những người vẫn đóng tiền bình thường khi đi qua trạm, nhưng những ai đã tham gia “chiến dịch tiền lẻ” này rồi thì đều vững vàng lắm.”

“Anh em cũng vẫn bàn bạc với nhau, dự đoán trước các khả năng đối phó của phía nhà đầu tư để nghĩ ra cách hóa giải mới. Cái chúng tôi muốn đạt được là phải dẹp cái trạm BOT đó về đúng vị trí của nó và thu đúng giá trị mà nhà đầu tư đã bỏ ra để làm đường tránh. Cứ công ty nào làm đường tránh lại dựng trạm bừa phứa, đè cổ dân ra thu tiền, thì loạn”, anh nói.

Bài đã đăng ngày 16/8/2017 trên Luật Khoa tạp chí.