Friday 24 February 2017

Tuyên bố chung của XHDS độc lập gửi EU

Ngày 23/2/2017, đại diện của 11 tổ chức xã hội dân sự độc lập đã gặp gỡ phái đoàn dân biểu của Nghị viện châu Âu trong chuyến làm việc của Nghị viện để tìm hiểu về tình hình nhân quyền Việt Nam, trước khi có thể phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.

11 tổ chức, trong đó có Con Đường Việt Nam, Green Trees, Nhật Ký Yêu Nước, Hội Nhà báo Độc lập, NXB Trẻ Hà Nội, đã cùng ra một tuyên bố chung đánh giá về nhân quyền ở Việt Nam trong 5 năm qua. Tuyên bố gồm có 30 điều khoản đánh giá và 4 kiến nghị.

Theo đó, mặc dù có đạt một số thành tích về xóa đói giảm nghèo, nhưng Việt Nam vẫn là một chính thể độc đảng, quyền con người bị vi phạm trầm trọng và trên diện rộng, đặc biệt là các quyền tự do ngôn luận, hiệp hội, tụ tập ôn hòa, và tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Bản tuyên bố nêu rõ những biện pháp mà chính quyền dùng để trấn áp tự do ngôn luận và báo chí ở Việt Nam: 1. Duy trì hệ thống thẻ nhà báo do nhà nước cấp phát, để không công nhận nhà báo độc lập, từ đây mở đường cho việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin, thậm chí đánh đập, hành hung người làm báo; 2. Duy trì hệ thống cơ quan tuyên giáo các cấp từ trung ương tới địa phương để kiểm soát chặt chẽ nội dung của báo chí; 3. Phát triển đội ngũ dư luận viên để công khai tấn công vào tự do ngôn luận, mạ lị, bôi nhọ các tiếng nói phản biện, song song với ca ngợi chính sách của nhà nước…

Điều 18 của Tuyên bố chung xác định lực lượng an ninh đã và đang rất tích cực gây chia rẽ giữa các tổ chức xã hội dân sự có giấy phép và khối xã hội dân sự độc lập.

Điều 19 nêu rõ việc hàng chục năm qua, công dân Việt Nam vẫn phải khai báo thông tin về “dân tộc” và “tôn giáo” trong giấy tờ tùy thân, và điều này cấu thành một sự vi phạm nhân quyền với tính chất kỳ thị.

Trong phần kiến nghị, những tổ chức ra tuyên bố chung yêu cầu:

- Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam phải có những điều khoản về nhân quyền, được xác định rõ ràng và có tính ràng buộc;

- Ủy ban châu Âu phải tiến hành báo cáo đánh giá tác động nhân quyền, song song với Hiệp định;

- Sau khi Hiệp định được phê chuẩn, Ủy ban châu Âu phải xem xét các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng Chính phủ Việt Nam tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ nhân quyền của mình;

- Phải có cơ chế kiểm định, đánh giá về nhân quyền; cơ chế này phải khuyến khích và tạo điều kiện cho khối xã hội dân sự độc lập tham gia.

“Quyền con người căn bản vẫn tiếp tục bị vi phạm tràn lan ở Việt Nam, đi kèm với bạo lực được bảo kê và trấn áp chính trị. Tất yếu điều này làm suy giảm sự thịnh vượng của người dân Việt Nam và về dài hạn, ngăn cản sự phát triển bền vững của đất nước” – Tuyên bố chung khẳng định.


Tuesday 21 February 2017

Không đau đâu, đừng sợ!

Từng làm phóng viên truyền hình, tôi nhận thấy nhiều người dân Việt Nam chia sẻ một đặc điểm không được thú vị lắm, đó là: Cứ thấy ống kính máy quay và nhà báo xin phỏng vấn, là từ chối, trốn, né, thậm chí đuổi quầy quầy. Thế nhưng cũng chính những người đó, nếu thấy phóng viên quay sang phỏng vấn người khác, thì lại đứng phía sau, tìm cách thò mặt vào khuôn hình cười cười hoặc lè lưỡi, giơ tay vẫy vẫy… để được lên tivi.

Ban đầu, tôi không thích cách ứng xử ấy lắm vì nó hơi trẻ con. Về sau, tôi nghĩ có thể nó còn xuất phát từ một nỗi sợ nào đó. Người ta sợ lên hình để trả lời phỏng vấn một cách nghiêm túc, vì nhiều lý do: sợ mình xấu, sợ mình không biết ăn nói, và nhất là sợ phiền. Về điểm này nhà văn Nam Cao đã viết từ năm 1941 trong tác phẩm Chí Phèo: “Không ai nói gì, nguời ta lảng dần đi vì nể cụ bá, lại để khỏi lôi thôi, nhỡ có chuyện gì người ta lại triệu mình đi làm chứng”. Còn chuyện vẫn thích thò mặt vào khuôn hình để lên tivi thì đó lại là biểu hiện của tính trẻ con – ta không bàn kỹ về việc ấy ở đây.

Nhưng mà, các bạn biết không, một trong các lý do thúc đẩy một số blogger, trong đó có tôi, viết nhiều điều chỉ trích đảng và nhà nước cộng sản ở Việt Nam, là bởi vì chúng tôi mong muốn thấy độc giả bước ra khỏi nỗi sợ hãi.

Chắc chắn là rất, rất nhiều, đại đa số dân Việt Nam, hiện vẫn nghĩ rằng “viết lách trên mạng, còm men, like, share linh tinh trên mạng rồi có ngày đi tù”.

Lối suy nghĩ ấy là kết quả của chính sách “nắm tư tưởng” của đảng và nhà nước ta suốt từ thời đầu thành lập đến nay. Chính quyền công an trị quả thật đã thành công trong việc khiến người dân không bao giờ có thể sống trong tư thế “đầu đội trời chân đạp đất”, “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Chưa nói chuyện viết, mà thậm chí đến like, bày tỏ sự đồng tình với một status “phản động” nào đó thôi, nhiều người đã ớn rồi.

Nhưng các bạn thấy đấy, đã có nhiều blogger lên tiếng phản biện, chỉ trích nhà nước về các chính sách công, thậm chí chửi thẳng vào chế độ, mà có… đi tù đâu?

Nói một cách ngắn gọn là: Cái thời chỉ viết không thôi cũng đủ đi tù đã qua rồi.

Khi không bị nỗi sợ hãi ám ảnh, chúng ta rất hạnh phúc.
Trong hình là nhóm Green Trees tại một buổi hòa nhạc cuối năm
(Hà Nội, 14/1/2016).

Đi tù không dễ đâu!

Nhà nước Việt Nam hiện nay vẫn là nhà nước công an trị, và vẫn kiên quyết chống lại tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do học thuật, tự do tư tưởng. Nhưng vì nhiều lý do, nó cũng không thể dễ dàng bắt một người nào đó chỉ vì họ có hành động viết bài trên mạng. Like và share và comment càng không đủ để bạn đi tù.

Các lý do đó là gì? Có thể là sự hiện diện của Internet và mạng xã hội, là cái nhìn của cộng đồng quốc tế, hoặc có thể đơn giản là sự hạn chế về nguồn lực: Trong thời đại Internet, không chế độ nào đủ nhân lực, tài lực để kiểm soát hoàn toàn không gian mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam và bộ máy công an của nó không đủ người, không đủ tiền, không đủ lực để thực hiện việc đó một cách triệt để.

Cho nên, bạn hãy cứ yên tâm là bạn có thể phát biểu chính kiến, ít nhất là trên mạng. Nói như ý của blogger Gió Lang Thang (Trịnh Anh Tuấn) là: Anh em trong Nam ngoài Bắc xếp hàng đi tù còn dài lắm, chưa đến lượt mấy facebooker chỉ vừa viết vài bài “bút chiến” trên bàn phím đâu.

Các bạn hãy lên tiếng đi, hãy thể hiện chính kiến đi, đừng sợ.

Đám phóng viên truyền hình, khi muốn “dụ dỗ” một người dân nào đó trả lời phỏng vấn, thường đùa: “Lên hình đi bác, không đau đâu. Thích lắm!”.

Tôi cũng nghĩ vậy. Can đảm thể hiện quan điểm đi các bạn, không đau đâu, thích lắm!

Tuy nhiên, cũng xin nói thêm: Việc tự do thể hiện quan điểm không đồng nghĩa với bịa đặt, tung tin đồn nhảm, lừa dối dư luận. Nhất là nếu bạn xác định làm truyền thông là công việc của bạn, thì bạn phải có trách nhiệm với công việc ấy và với người đọc, với khán giả của bạn.

Tuesday 14 February 2017

Viết cho những người không có đạo – như tôi

Tôi không phải người Công giáo. Tôi cũng không phải Phật tử. Tóm lại, tôi không có đức tin tôn giáo nào, và tôi biết điều đó chẳng hay ho gì – con người luôn cần có một cõi nào đó trong tinh thần để hướng họ về cái thiện và ngăn họ làm điều xấu. Không có đức tin thật ra cũng là một sự bất hạnh, nhất là ở hoàn cảnh Việt Nam thời loạn như bây giờ.

Nhưng cũng là vì hoàn cảnh Việt Nam, mà việc thực hành một tôn giáo nào đó trở thành… phức tạp. Chùa nào lớn cũng có chi bộ, có an ninh “hướng dẫn” sinh hoạt. Nhà thờ nào lớn cũng vậy thôi: An ninh chìm nổi lảng vảng tối ngày, camera, thiết bị nghe trộm giăng khắp nơi.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự hoạt động tích cực của tuyên giáo. Cho đến năm 2003, chính quyền vẫn nhất quán xem tôn giáo như kẻ thù; các sách giáo khoa dạy trong nhà trường đều gọi “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Từ năm 2003, với Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12/3, đảng Cộng sản mới dịu giọng hơn một chút, bớt hằn thù một chút, chỉ nói “tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài”. Ngay cả câu ấy vẫn hàm ý “tôn giáo là vấn đề đấy nhé, mà đã là vấn đề thì trước sau cũng phải xử lý. Chẳng qua là bọn tao buộc phải chấp nhận chúng mày thôi”.

Chế độ cai trị của cộng sản luôn có đóng góp to lớn của đội ngũ tuyên truyền viên, dư luận viên. Trong hàng chục năm qua, đội ngũ này đã lập thành tích đáng kể trong việc phá hoại về căn bản uy tín của tôn giáo và cách ly, cô lập các cộng đồng tôn giáo với xã hội, nhất là các “đạo của Tây”. Bộ máy tuyên truyền luôn tác động, nhào nặn để dân thường nghĩ về Công giáo, Tin Lành như những tôn giáo vọng ngoại, mất gốc, thời xưa là theo chân thực dân đế quốc bán nước, thời nay là cực đoan, ôm chân Vatican, gây rối…

Cho đến bây giờ, bên lương vẫn nhìn vào bên đạo với ánh mắt e dè, kỳ thị, cảnh giác, hoặc đầy ác cảm.

Cuối năm vừa qua, khi chúng tôi vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để ghi hình một phóng sự về thảm họa Formosa, phỏng vấn bà con xóm đạo thì không sao nhưng hễ hỏi “nhầm” một người dân ở xóm lương thì ngay lập tức sẽ nhận lại những câu hỏi đầy cảnh giác: “Làm gì đấy?”, “Phóng viên báo nào đấy?”, “Thẻ nhà báo đâu?”.

Chúng tôi hiểu ngay là họ đã được chính quyền địa phương ở đây “giáo dục”, “nắm tư tưởng”, “quán triệt” kỹ lưỡng từ trước rồi. Hẳn là vẫn luận điệu: Hiện nay thế lực thù địch đang lợi dụng sự cố môi trường ở miền Trung để kích động gây rối, lật đổ chế độ, yêu cầu bà con nâng cao cảnh giác, thấy người lạ phải chủ động điều tra và/hoặc báo cáo ngay…

Đảng Cộng sản vẫn luôn như thế. Cho dù họ cũng phải ăn cá như ai, họ cũng phải hít thở không khí và du lịch biển như ai, chưa nói là ngân sách nhà nước (của họ) còn trông chờ vào kinh tế biển, nhưng họ vẫn không tiếc tiền cho công tác chống phá tôn giáo và tuyên truyền, định hướng dư luận, để dư luận phải nghĩ rằng thảm họa biển miền Trung chỉ là một “sự cố môi trường” mà thôi, và những người đi đấu tranh đuổi Formosa thì chỉ là một bộ phận “dân Công giáo” bất mãn, gây rối.

Bôi nhọ tôn giáo, chia rẽ lòng người, phá hoại xã hội dân sự là nghề của đảng rồi.

Tôi cũng đã từng giữ một cái nhìn không mấy thiện cảm với Công giáo và Tin Lành, như hàng triệu người dân khác bị tuyên truyền. Bên cạnh đó, tôi cũng gặp phải một vài người có đạo mà khá bất dung, khiến tôi đã e ngại càng e ngại hơn.

Nhưng muốn bớt sợ ai đó, ta chỉ có một cách là phải hiểu họ hơn. Sự thấu hiểu sẽ mở đường cho cảm thông.

Sau vài năm, tôi cũng không còn cảm giác e dè, sợ sệt khi tiếp xúc với bà con Công giáo, Tin Lành nói riêng và những người có đức tin nói chung nữa.

Và tôi cũng đã được gặp những người mà sau đó, tôi rất yêu mến họ.

Như linh mục Nguyễn Đình Thục.


* * *

Cha Thục

Mùa đông năm 2016, khi truyền thông vẫn dồn dập như bão táp với từng sự kiện trôi qua mỗi ngày, và vụ Formosa tưởng như đã chìm xuồng, cha Thục lại một mình lặn lội bên Đài Loan, tìm hiểu về Formosa và vận động giới chức Đài lưu tâm đến thảm họa biển Việt Nam, trong đó Formosa là thủ phạm chính.

Có lần cha gửi cho tôi hình cha chụp một tấm danh thiếp của một quan chức Đài Loan nào đó; cha hỏi tôi chức vụ của ông này là gì, để cha tìm gặp ông ta.

Đó là một nhân vật ở Bộ Ngoại giao Đài Loan. Và cha lúc đó chỉ có một mình ở Đài Bắc, không ai giúp đỡ phiên dịch, mà lại đang cần gấp, nên mới gọi về hỏi tôi.

Tôi thấy muốn khóc: “Trời ơi, xã hội gì mà loạn lạc đến một ông cha xứ cũng phải đi tìm đường cứu dân thế này?”.

Lúc ấy, tự nhiên tôi nhớ đến bác Trần Văn Huỳnh, cha của anh Trần Huỳnh Duy Thức, đi vận động quốc tế cho con trai. Bác mặc áo khoác đen, đi lù rù trong trời tuyết. Tôi không bao giờ quên hình ảnh ông già 77 tuổi loay hoay với chiếc valy, đứng lọt thỏm giữa sân bay rộng mênh mông, sau khi chia tay mọi người ở Mỹ để một mình qua Úc. Trên phi trường nườm nượp người qua lại, trông bác đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé thêm, và cô đơn.

Tôi cũng nhớ đến một nhà sư vừa chạy thoát khỏi vụ Bát Nhã. Tôi nhớ cảnh ông ngồi đệm đàn guitar bài "Đưa em tìm động hoa vàng" cho một nhóm thanh niên hát, trong đó có tôi. Một vị hòa thượng đệm đàn cho thanh niên hát tình ca gần suốt đêm, hết sức giản dị và đời thường, dù chính ông chỉ vừa thoát khỏi bàn tay đàn áp của chính quyền cách đó chưa lâu. Với tôi, hình ảnh ấy quá đẹp và thánh thiện, đủ xóa sạch mọi nghi kỵ của tôi về Phật giáo "Làng Mai", "Bát Nhã"...

Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh cha Thục, cha Lai, cha Nam, cha Thanh, và nhiều linh mục khác, trong những cuộc trò chuyện, luôn bồn chồn lo nghĩ về thảm họa môi trường, về cuộc sống, sinh kế và cả tinh thần của hàng trăm nghìn người dân “hậu Formosa”.

Tôi như hình dung ra và sẽ không thể quên hình ảnh cha Thục, cha Hùng lặn lội trên xứ người giữa mùa đông giá rét, tìm đủ mọi cách để cảnh báo giới chức Đài Loan về thảm họa mà Formosa đang gây ra ở Việt Nam.

Ảnh: Bạch Hồng Quyền
Cũng như hôm nay, 14/2/2017, là hình ảnh cha Thục mặc áo chức màu đen, dẫn đầu đoàn người tuần hành từ Nghệ An ra Hà Tĩnh. Vẫn là gương mặt hiền khô ấy, cái nhìn đầy ưu tư ấy. Nếu ở một thể chế khác, một xã hội khác, cha đã có thể chỉ lo việc đạo, chăm lo tinh thần cho con dân xứ mình, chứ đâu phải nặng lòng với những vấn đề môi trường, thực phẩm, sinh kế của dân… như thế này.

Đừng nghĩ rằng các linh mục thích “đội lốt tôn giáo để làm chính trị”, hay là “ăn tiền hải ngoại” để kích động dân làm loạn. Đẻ ra các luận điệu ấy là những kẻ đê tiện, còn nếu tin vào các luận điệu ấy, thì bạn không chỉ đê tiện mà còn ngu xuẩn; bạn không hiểu gì về tôn giáo và rõ ràng là cũng không có ý định tìm hiểu.

Chỉ xin bạn nhớ điều này: Sức mạnh bạo lực của một chính quyền không thể ngăn chặn cái ác, nhưng tôn giáo thì có thể. Chính vì thế, một chính quyền khôn ngoan phải biết khuyến khích tôn giáo hoặc đơn giản là để yên cho tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh và đạo đức của dân chúng.

Ngược lại, một nhà nước đàn áp tôn giáo, chia rẽ nhân dân, thì chắc chắn nó sẽ sụp đổ và đội ngũ lãnh đạo của nó phải trả nghiệp rất thảm khốc.

----------

Bài liên quan: 

Thursday 9 February 2017

Ừ đấy, bố mày thế đấy, thì sao?

Nhìn bức biếm họa này, chỉ thấy chạnh lòng cho họa sĩ Việt Nam và trào dâng một sự khinh ghét nền công an trị.


Ở Việt Nam mà vẽ một bức hệt như thế này về Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình, thì họa sĩ nhẹ nhàng nhất cũng “dính con 258”, tức là Điều 258 Bộ luật Hình sự, mà câu chữ vừa mơ hồ lại vừa hằn học và đầy quy chụp của nó đã hằn sâu vào đầu nhiều người như một ám ảnh: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân”.

Năm 2010, blogger Cô Gái Đồ Long “dính con 258” vì viết một entry tuy đúng sự thật nhưng bị coi là bôi nhọ gia đình một ông tướng công an.

Năm 2013, blogger Đinh Nhật Uy dính tiếp 258 vì lỡ “xúc phạm” hai tập đoàn kinh tế nhà nước Vietel và VNPT.

Năm 2014, blogger Ba Sàm dính tiếp 258 vì lập blog chính trị, cho dù là đúng sự thật, công bằng, đảm bảo đưa tin của cả hai lề đi chăng nữa. Nguyễn Thị Minh Thúy cũng bị bắt bỏ tù luôn vì làm trợ lý cho công ty của Ba Sàm.

Các cáo trạng của Viện Kiểm sát, phán quyết của Tòa án, về nội dung đều dựa vào kết luận điều tra của cái gọi là “cơ quan an ninh điều tra”, còn về văn phong, về cái phong cách quy chụp và mạ lị, thì bệ nguyên xi.

Hàng chục năm qua dưới thời cộng sản, biếm họa Việt Nam ngoi ngóp, khổ sở mãi không ngóc đầu lên được. Mỗi lần có một bức biếm được đăng tải lên báo trót lọt, lên bìa Tuổi Trẻ Cười, thì độc giả xuýt xoa xem họa sĩ như anh hùng. Mà biếm họa ở đây cũng chỉ là bóng gió thôi, hoặc là chỉ trích chung chung, không cụ thể một ai. Nếu có “tấn công trực diện” thì nhất thiết chỉ được đánh quan chức cấp thấp hoặc là đánh khi hắn đã sa cơ, đã bị “trên” nhắc nhở, bị công an sờ gáy rồi.

Chẳng họa sĩ nào dám động tới các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, nhất là động tới “tứ trụ triều đình” thì xem như cả tòa báo tan nát.

Đến giờ thì hẳn là ngoài an ninh, tuyên giáo và bè lũ tay sai là các dư luận viên ra, chẳng người dân Việt Nam nào không thấy rõ sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài thể hiện trong việc: Ở nước ngoài, người ta có thể châm biếm, chỉ trích nhà nước thoải mái, ở Việt Nam thì đi tù.

Điều kỳ lạ là bộ máy công an trị cũng biết thừa là dân đã biết điều ấy, nhưng chúng vẫn trơ mặt, hệt như thay lời muốn nói: Ừ đấy, bố mày thế đấy, thì sao? Mỹ nó thế đấy, người ta nói gì về lãnh đạo cũng được, còn ở đây, mày mà nói xấu quan chức thì bố bỏ tù mày đấy, thì sao?

Vô liêm sỉ đến thế là cùng.

-----------

Chú thích:

Tranh: "Trumpbannon makes love" - Trump và Steve Bannon làm tình. Steve Bannon (nhân vật "ở trên" trong tranh) là cố vấn an ninh thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Họa sĩ: Marian Kamensky.

Nguồn: facebook họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông.

Tuesday 7 February 2017

Vì chúng ta thiếu người

Những facebooker có tiếng, ví dụ như Hoàng Dũng, hay nhận được nhiều tin nhắn hoặc comment thể hiện thái độ bực dọc, kiểu như: “Sao không viết về cái này, nói về cái kia, cứ bình toàn chuyện ruồi bu đâu đâu”.

Ngoài những ý kiến bực dọc và vỗ mặt như vậy, cũng có những nhận xét lịch sự và… dễ nghe hơn. Nhiều người thật sự lo ngại cho tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho phong trào đấu tranh dân chủ, và họ có những băn khoăn: Phải chăng Formosa đã chìm xuồng? Mẹ Nấm, Thúy Nga và các tù nhân lương tâm khác đã bị quên lãng? Còn các trí thức đâu cả, hay là đang dồn mọi quan tâm và trí tuệ vào một vụ ở xa tít bên nước Mỹ là chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump?

Về việc này, Hoàng Dũng trả lời tỉnh bơ: “Ủa sao kỳ vậy? Ai thích viết về cái gì thì viết đi, lên tiếng về cái gì thì lên tiếng đi, sao phải chờ mình làm hộ?”.

Câu trả lời thật chuẩn xác. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là những người đặt ra các câu hỏi vỗ mặt đó với Hoàng Dũng vốn không phải facebooker nổi tiếng, họ hiểu rằng họ không có nhiều ảnh hưởng với cộng đồng mạng, và họ kỳ vọng những facebooker có ảnh hưởng như Hoàng Dũng sẽ giúp họ định hướng dư luận.

Khó khăn của phong trào dân chủ

Về phần mình, người viết bài này có cách suy nghĩ khác. Dường như vấn đề nằm ở chỗ phong trào đấu tranh dân chủ và lực lượng trí thức Việt Nam… thiếu nhân sự. Trong khi đó, việc lật đổ độc tài và việc xây dựng một thể chế mới thay thế nó lại cần được tiến hành song song, và luôn luôn cần người.

Nếu có đông nhân sự hơn, chẳng hạn như đông trí thức tham gia hơn, thì đã có thể có sự chuyên môn hóa (nói chung) hay phân chia hoạt động một cách cụ thể: Trí thức A làm việc này, nghệ sĩ B làm việc kia, hoặc nhóm X làm việc này, nhóm Y làm việc kia. Và tất cả đều là các nhiệm vụ quan trọng, cần thiết.

Chúng ta cần những người đi biểu tình và tổ chức biểu tình.

Chúng ta cũng cần những người thăm nuôi tù nhân lương tâm và giúp đỡ gia đình họ.

Chúng ta cần những người vận động quốc tế cho nhân quyền Việt Nam.

Chúng ta càng cần những người vận động ở ngay trong nước.

Một cuộc họp của các nhà hoạt động nhân quyền với Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam 
về vụ án tử tù Lê Văn Mạnh, ngày 10/11/2015. 

* * *

Chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển tri thức (mà nhiều người gọi là “khai dân trí”), chúng ta cũng đã cần:

- Người nghiên cứu và viết về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, biên giới trên bộ, chiến tranh thông tin…

- Người nghiên cứu và viết về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, Donald Trump, cánh tả, cánh hữu…

- Người nghiên cứu và viết về các thiết chế chính trị trên thế giới, cách các nền dân chủ vận hành, và khả năng áp dụng cho Việt Nam…

- Người nghiên cứu và viết về môi trường và quản lý môi trường…

* * *

Rồi riêng trong vấn đề tù nhân lương tâm, chúng ta cũng lại cần người lo vụ Thúy Nga, người lo vụ Lê Thu Hà, người lo cho Vịnh Lưu…

Tóm lại, cần cả những cá nhân và tổ chức cung cấp thông tin và kiến thức về các chính sách của Donald Trump, lẫn những người bảo vệ môi trường và người giúp đỡ tù nhân lương tâm …

Suy cho cùng thì tuy nước Mỹ ở xa thật, nhưng cũng cần tìm hiểu xem khả năng ảnh hưởng của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam đến đâu chứ.

Vấn đề chỉ là không có đủ nhân lực để làm những việc đó thôi.

Cũng là vấn nạn của cả nước

Và đây cũng chẳng phải là vấn đề của riêng phong trào dân chủ Việt Nam. Cả nước Việt Nam vẫn như thế từ lâu nay.

Vấn nạn đó thể hiện trong một lời tâm sự của một vị tướng quân đội với người viết bài này cách đây 6-7 năm: “Bây giờ mà Việt Nam với Trung Quốc có chiến tranh thì cũng gay đấy, tướng lĩnh chẳng ai có kinh nghiệm, kiến thức về quân sự hiện đại càng không có. Tưởng được mỗi ông thủ tướng có chút kinh nghiệm về chiến tranh thì lại là y tá”.

Monday 6 February 2017

Bạn đã chán chưa?

Xin gửi lời này đến tất cả những người ủng hộ dân chủ cho Việt Nam lâu nay, cả ở trong và ngoài nước.

Lâu lâu lại thấy có người đe: "Tôi nản rồi!", "Quá buồn", "Thất vọng hoàn toàn với đám dân chủ", v.v.

Thật lòng mà nói, bạn làm gì thì làm, học gì thì học, nhưng để có thể (may ra) thành công chút ít thì bạn nên cố gắng tìm thấy ở đó sự thú vị và ý nghĩa.

Đấu tranh vì tự do, chống độc tài, bảo vệ dân chủ luôn là một sự nghiệp đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Nhưng nếu bạn không còn thấy điều đó nữa, bạn chỉ còn toàn những cảm xúc tiêu cực, thì tốt nhất là bạn nên dừng lại; sẽ chẳng ai trách gì bạn.

Sống mà trong đầu lúc nào cũng có một sự hận thù, bực bội, giận dữ, ngay cả với những người cùng chung lý tưởng với mình, thì khổ lắm.

Suy cho cùng, chúng ta đấu tranh để thay đổi xã hội, sự đấu tranh ấy phải xuất phát từ tình thương yêu. Vì thương yêu đất nước này và những người dân khốn khổ của nó, trong đó có chúng ta và những người thân, bạn bè của ta, nên ta mới chiến đấu. Chứ chúng ta đấu tranh đâu phải vì lòng căm thù, như cộng sản bao năm nay vẫn cố nặn ra "thế lực thù địch" để tiêu diệt.

Nếu thấy trong lòng chỉ còn toàn cảm xúc tiêu cực, xin bạn hãy dừng đi.