Friday 27 July 2007

Seasons in the Sun

Remember that old song, friend? “Good bye to you, my trusted friend. We’ve known each other since we were nine or ten.

Do you see that we share so many things with the two friends in the song? Together we reached for the sky, fell down on earth, kept ourselves wandering where it would go. Together we had joy, we had fun, we had seasons in the sun. But, in the end, the stars that we reached were just starfish on the beach.

You kept asking me, “Where will it lead us from here?”. I wished I could have replied with a smile, “How can we go forward when we don’t know which way to go?

It’s time now to give you the answer. I have nothing to say but “STAND UP AND FIGHT, DEAR.” Tell me, friend, that no matter what happens, you will stand and deliver. Tell me you will cherish your life which, like mine, is forever a harsh struggle. We can possibly be losers in the end, but at least we might feel pleased and proud that we have fought.

Good bye. Tomorrow I will miss you.



* * *


Dear Trang,

Thanks for the message. It made me shed some tears. I had a great time with you as you reminisced over the past time or as we passed by the Children's Palace, where we both spent a little bit of our childhood. It was so cool and pleasant that night, and the moon shone above us. I will try to remember the feeling of those fresh winds stroking my skin for some time.
We are two struggling spirits, each has to find their own path to happiness. I saw you laugh, I saw you cry, I witnessed your joys and pains. I hope we will see each other in happiness some day soon. Until then, we will stay in hope. No one will be able to take that hope from us.

Sức ép lên những người anh hùng




Tự nhiên lại có hứng viết một cái gì đấy nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7.

Người ta cứ hay nói mấy cô chú teen là “đang ở độ tuổi thèm thần tượng”, nhưng tôi nghĩ hình như con người dù ở tuổi nào cũng đều có nhu cầu có thần tượng, không cứ thế hệ trẻ. Thần tượng của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đều chia sẻ một số đặc điểm: anh hùng (can đảm), tài ba (thông minh, học giỏi, nhiều sáng kiến), và trẻ đẹp. Chính vì thế mà trong những nhóm người có khả năng trở thành thần tượng của xã hội thì các anh hùng trong chiến tranh là một nhóm ứng cử viên quan trọng.

Chiến tranh là khoảng thời gian khắc nghiệt của xã hội, hay nói một cách văn học thì đó là “hoàn cảnh điển hình để các cá nhân bộc lộ con người mình” - ai sợ chết, ai không sợ chết đều lộ ra cả. Vì vậy, các anh hùng trong chiến tranh dĩ nhiên là đạt được phẩm chất đầu tiên: can đảm. Nếu không thì, ngoài họ, còn ai dám hy sinh cho cách mạng?

Tương tự, chiến tranh cũng là khoảng thời gian đòi hỏi người ta phải thông minh, tuy rằng kiểu thông minh có thể khác thời bình (hơi khác hay là rất khác thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn là phải khác).


Riêng phẩm chất thứ ba thì có một chút lấn cấn: trẻ đẹp.


Dường như trong vô thức, tất cả chúng ta đều mặc định anh hùng là phải trẻ đẹp. Có hình ảnh nào lãng mạn cho bằng hình ảnh Triệu Tử Long mặt trắng môi đỏ tả xung hữu đột giữa trận tiền? Hình ảnh em gái hậu phương đứng như quê hương trong cánh rừng ào ào lá đỏ, bụi Trường Sơn nhòa trời lửa? Hình ảnh Nguyễn Viết Xuân đứng thẳng, đôi mắt như lửa sôi, với câu nói bất hủ: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”? v.v. Chúng ta thèm được thấy họ đẹp, đẹp rực rỡ như mặt trời trên chiến trận. Chúng ta thèm được thấy Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Khương, Tư Phùng (tức chị Sứ), Võ Thị Sáu đẹp sắc sảo, mặn mà, duyên dáng biết bao.

Trước tình hình đó, trước nhu cầu đó, các cây viết, đặc biệt là nhà báo - những “thư ký của thời đại”, “thư ký của lịch sử” như thời đại và lịch sử vẫn tôn vinh - không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm đẹp cho các anh hùng anh thư. Không tin bạn cứ mở những bài báo viết về thương binh liệt sĩ ra thì sẽ thấy: Trăm phần trăm những người anh hùng đều có đôi mắt trong, gương mặt hiền lành, nụ cười đôn hậu v.v. Các nữ anh hùng, nếu sinh ra ở miền biển, sẽ có làn tóc dài mượt, làn da mặn mòi rám nắng và nét cười đằm thắm. Nếu sinh ra trên núi, các chị sẽ có nước da trắng như trứng gà bóc, đôi môi hồng đào, giọng hát trong veo của chim sơn ca v.v.


Nhà báo Hàm Châu - người mà tôi rất ngưỡng mộ về tài năng và nhiệt huyết, cũng như nguồn lửa mà bác truyền cho độc giả qua từng trang viết - đã ca ngợi ai thì người đó đều đẹp như anh hùng cả, từ Vũ Đình Hòa, Hoàng Lê Minh cho chí Thiều Hoa, Nguyễn Thị Hồng Vân… Có lần bác viết về nghệ sĩ violin Đỗ Phượng Như: “Trước mặt tôi là một cô gái có làn da trắng hồng, đôi mắt đen long lanh”. Xem ảnh, tôi mới thấy bác… hị… chẳng biết nói thế nào. Chết thật, kiểu này bác Hàm Châu viết về tôi, chắc là sẽ: “Cô gái có đôi mắt to tròn, sống mũi cao, thẳng và gương mặt hiền lành”. Thực tế đúng như thế, chỉ thiếu một nửa còn lại thôi: Cô gái có chiếc mũi vừa cao vừa to, gương mặt đần đần, và đôi mắt bình thường thì là trố, còn khi hai con mắt ấy long sòng sọc lên thì người đối diện nhìn chỉ muốn đánh!


Thực tế nhiều khi chẳng chiều "lòng người đọc ý nhà báo" gì cả.

Có bữa ngồi tán phét với mấy người bạn về chủ đề làm phim tài liệu lịch sử, tôi càu nhàu: “Sao có mỗi Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Trỗi với Nguyễn Viết Xuân là đẹp trai nhỉ?”. Đám bạn mắng cho một trận: “Điên à? Đẹp thì người ta đã đi thi hoa hậu, ai làm cách mạng cho mày?

Thì biết thế rồi, đã hẳn rồi, mình có nói gì quá đáng đâu. Nhưng tôi vẫn cứ... tiêng tiếc, vẫn cứ thèm được thấy các liệt sĩ đẹp ngời ngời như cách chúng ta được hướng dẫn để hình dung về họ. Suy cho cùng đó là một thứ áp lực, một gánh nặng, một sức ép đè lên những người anh hùng của chúng ta. Cuộc sống mãi mãi là như thế.

Friday 20 July 2007

Những chàng Z




Câu chuyện tôi kể sau đây có thể khiến một số người trong chúng ta tức giận, chí ít cũng không cảm thấy thoải mái; một số người buồn, thậm chí đau khổ; một số người cười nhạt; một số chẳng hiểu gì. Nhưng dù sao thì tôi cũng cứ kể nhé, và xin chấp nhận mọi phản ứng bằng cảm xúc từ phía người nghe.

Trước khi bắt đầu, có nhẽ cần đôi lời dẫn nhập. Xã hội dân sự ở Việt Nam chưa kịp phát triển, nhưng (mẹ khỉ) cái lũ lắm chuyện là bọn viết lách ấy, đã có thú lập hội lập nhóm rồi. Cánh nhà báo luôn bị coi là chiếu dưới trong làng viết, nhưng cũng đú, cũng thích kết thành bè thành phái, bày ra các nhóm nào Dê Trời, nào Vịt Đực, nào Lương Sơn Bạc, nào Châu Chấu, nào Cào Cào v.v.

Hội nhà báo không thẻ, hay là nhà báo tự phong (self-proclaimed journalists) chúng tôi cũng hứng chí lập một nhóm, gọi là Chi Bộ. Các thành viên của Chi Bộ có thói quen gọi nhau bằng các loại mã số, kéo dài suốt từ Z1 cho đến Z131. Nhân vật chính trong câu chuyện tôi kể dưới đây dĩ nhiên có tên riêng, nhưng cho phép tôi gọi anh ta bằng tên chung là Z vì biết đâu anh ta có thể đại diện cho vài người trong chúng ta (tôi hy vọng thế).

Thôi nào, ta bắt đầu kẻo muộn.


*

* *


Trong làng báo ở xứ Việt kia, có một kẻ tên là Z. Như tuyệt đại đa số nhân vật chính diện trong các tác phẩm văn học của chúng ta, Z rất đẹp trai, thông minh và tốt bụng, nên được người người yêu quý. Đến tuổi vào đại học, Z thi đỗ Học viện Quan hệ Quốc tế. Không hiểu trời đất run rủi thế nào mà khi ra trường, Z trở thành một trong số hàng nghìn phóng viên đang hành nghề trên đất Việt.

Z vốn thông minh, tự biết mình không được đào tạo bài bản về báo chí nên ra sức tự học. Sẵn có chút tiếng Anh, lại đá thêm tí tiếng Pháp, Z ngày đêm lùng sục tìm các tài liệu về báo chí, hì hụi đọc, dịch, rồi khẩn trương áp dụng vào thực tế. Z những muốn làm cái gì cũng sâu hơn người khác một bậc, cao hơn người khác một trình. Gần một thế kỷ trước, nhà văn Nam Cao đã từng viết thế này, chính là viết về người như Z:

Ðói rét không có nghĩa lý gì đối với gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Ðầu hắn mang một hoài bão lớn…”.


Ông tổ nghề báo không hoàn toàn phụ Z. Z cũng làm ra được nhiều tác phẩm có chút ít giá trị, theo nghĩa sạch nước cản và nếu ai đó có xem thì chắc cũng sẽ nhớ được một lúc, vì như đã nói, Z vốn thông minh. Nhưng vấn đề của Z là không có mấy ai xem các tác phẩm của Z cả, tại Z toàn làm cho hết Người Bảo vệ Pháp luật, Nông thôn @, Điện Lực, Dầu Khí, Dân chủ Cơ sở, đến mùa World Cup lại làm cộng tác viên đắc lực cho tờ Tin nhanh Nông nghiệp.

Z làm cả truyền hình nữa, hết Mua sắm 24 giờ rồi lại Nông nghiệp 360 độ, thiếu chút nữa làm cả chương trình chống HIV/AIDS với tên gọi “Sex 24x7”. Z đẹp trai là thế, có tài ăn nói, chịu khó chịu khổ lên hình quần quật, thế mà ra ngoài đường vẫn chẳng ai biết Z là ai. Z tự biết mình không tài vượt thiên hạ, khốn nỗi là nhà báo, mà trước hết cũng là một thằng đàn ông, nên Z thấy bức bối lắm. Hội nhà báo của Z cứ mỗi lần họp chi bộ với nhau, quanh đi quẩn lại lại nói chuyện nghề, rồi chỉ một lát là anh em đã thấy Z to tiếng khi nói về các tác phẩm báo chí đoạt giải của những X, những Y nào đấy:

- Mịa, bài đó viết như kít thế mà cũng được giải. Sặc giọng nịnh bợ. Mà nói thật, không nịnh mấy ảnh thì có mà ăn giải rút!


Có hôm Z lại bảo:

- Em Tuyết Hạnh vừa được anh tổng biên tập đôn lên thư ký tòa soạn. Mình làm cùng em ấy hồi trước, mình biết. Khốn nạn, tài em hèn, sức em mọn, được mỗi cái vốn tự có dồi dào, hị…Nó lên là chết anh em ở đó rồi.

Cả đám nhao nhao phản đối:

- Ông khinh người vừa thôi. Hồi trước nó không có năng lực, bây giờ nó có thì sao? Làm sao ông biết được? Ông là ông tư duy rất không biện chứng đấy nhá! Ghen tị hả?


Z không cãi lại được, đành chỉ ngồi thở dài. Kể ra chúng nói đúng, Z cũng hơi có phần ghen tị. Càng ngày Z càng thấy mình giống cái nhân vật được Nam Cao mô tả kia.
Có chút Tây học vào người, Z làm cái gì cũng muốn đạt tới tầm chuyên nghiệp của nó. Z vốn khinh ghét những tên nhà báo ăn tục nói phét, nhiều khi chỉ có mỗi cái việc là nghe người ta phát biểu rồi chép lại cho đúng mà cũng không nên hồn, tệ hơn nữa còn cố tình dựng chuyện để viết bài theo ý mình. Chính chúng làm xấu mặt những nhà báo trong trắng như Z, khiến Z mang tiếng lây - “nhà văn nói láo, nhà báo nói điêu”. Z cũng khinh luôn, ghét luôn cả cái lũ nhà báo xuống cơ sở vòi tiền trợn mắt, ăn tiền tưởng chết (vì nghẹn). Nhưng Z cũng phải công nhận, chúng có uy thì mới dọa được cơ sở sợ xanh mắt lên mà nôn tiền ra òng ọc như thế. Còn loại lìu tìu “Nông nghiệp 360 độ” như Z, có đi dọa lồi cả mắt cũng chẳng đứa chó nào sợ.


Không biết bao nhiêu lần Z muốn đầu tư công sức để làm ra một cái phóng sự thuộc loại “đỉnh cao khó vượt”, nhưng vấn đề là thời gian và tiền. Ngày nào Z cũng phải có cái tin gì đấy gửi cho tòa soạn, cứ phải chạy đua kịch liệt với thời gian. Z như điên lên vì phải xoay tin. Z còn điên lên vì người yêu cứ nhèo nhẽo, lúc nào cũng “Anh đang ở đâu đấy? Tóm lại là anh có đi ăn với em tối nay không, để em còn biết đường mà hẹn người khác?”… không để yên cho Z tập trung làm gì cả. Z như điên lên vì khi xem nhiều tác phẩm của đồng nghiệp, Z biết mình có thể làm tốt hơn, nhưng mất công lắm, mà Z còn lúc nào để làm gì nữa đâu, mà làm có để cho mục đích gì đâu? Tác phẩm Z tâm đắc thì chẳng ai biết tới. Tác phẩm Z đổ huyết đổ lệ đổ tiền túi vào thì không được đăng vì có vấn đề. Z ức, chỉ biết lẩm bẩm: “Mẹ, có vấn đề thì mới nên chuyện mà viết, chứ không vấn đề thì biết viết cái éo gì?”. Trong lúc hậm hực, Z gửi bài ra nước ngoài, thì lại thấy được đăng chềnh ềnh trên báo. Và tiền, nỗi đau muôn thuở của Z là tiền. Nhuận bút cộng lại tưởng là khá, nhưng kiếm ra bao nhiêu Z nướng bấy nhiêu vào ăn nhậu với quần chúng ở dưới cơ sở. Trông Z đẹp trai ngời ngời, ăn nói khéo léo, mà đến lúc trả tiền lại chạy làng thì còn ra cái gì. Vậy nên vì quan hệ, Z phải chi khá tiền. Nhục! Z tự an ủi, thôi coi đó như khoản đầu tư, tính toán làm gì. (Mà đấy là Z còn chưa có một gia đình phải nuôi, lại cũng ít phải chi tiền vào khoản trang phục, trang sức, hóa mỹ phẩm… như các đồng nghiệp nữ đấy, không thì còn túng nữa).


Thế rồi Z đổi tính nết dần. Z trở nên cau có, gắt gỏng. Bạn bè bảo Z yêu nghề vừa thôi, stress mẹ nó rồi. Z thừ mặt ra như một kẻ phải đi đày, một buổi chiều âm thầm kia, ngồi trong một làn khói nặng u buồn mà nhớ quê hương. Z nhớ nhung một cái gì rất xa xôi... những mộng đẹp ngày xưa... một con người rất đáng yêu đã chẳng là mình nữa. Z lắc đầu tự bảo: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi”. Và Z nghĩ đến cái tên mình đang mờ dần đằng sau những tên khác ở những tòa báo và đài TH “có đất” hơn... Rồi Z ra về, thờ thẫn.

Z có người bạn tên Q., hai người hay ngồi uống rượu luận anh hùng trong thiên hạ. Nhiều lần Z bảo Q.: “Cậu ạ, từ nay tôi làm hàng chợ thôi, kệ tía chúng”. Q. vốn tính nóng như lửa, nghe thế lại nhảy thách lên: “Không được, không được. Cậu có tài có sắc, không để như thế được”. Z chỉ cười buồn.


Một ngày nọ đi phỏng vấn làm cái tin còi, Z may mắn gặp một người được coi như đại gia trong làng kinh doanh ở Việt Nam (kinh doanh cái gì thì ai cũng biết mà thành ra ai cũng không biết). Z nghe tiếng người này đã lâu, vốn từng mê mẩn nhiều câu nói câu viết của người này, đại khái về giá trị, con người, công bằng xã hội v.v. Mãi lần này đi làm tin mới có cơ gặp, Z thầm cảm ơn nghề báo cho mình tiếp xúc với những thiên tài như thế.

Đại gia quả không hổ danh đại gia, nói chuyện với Z toàn bàn những vấn đề hết sức vĩ mô. Người này có thói quen động tới cái gì cũng phân loại, phân hạng, thành đủ thứ miền, tầng, tỷ như “xét về lĩnh vực thông tin, nguồn tin tốt nhất ở Việt Nam là từ giới lãnh đạo, tốt thứ nhì là từ giới quản lý, tốt thứ ba là từ những người làm nghề, tốt thứ tư mới là bọn nhà báo bẩn thỉu”. Z ngồi nghe, lặng người, rồi bỗng nhớ tới thân phận làm báo của mình mà muốn hỏi đôi câu. Z hỏi:

- Như nhà báo chúng em thì được chia thành mấy loại?


Đại gia nheo mắt nhìn Z, rồi bảo:

- Xét về trình độ, anh phân chia các cô các chú thành ba loại. Loại thứ nhất là loại “TRONG VAI”, tức là các nhà báo “trong vai một người có con đi học xa”, “trong vai một người đi mua hàng”, “trong vai một cô gái bán hoa”, tóm lại là trong vai cái chết tiệt gì đấy.

Loại thứ hai là loại nhà báo “CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?”. Đó là loại bức xúc, có tinh thần đấu tranh, đi đâu cũng thấy hừng hực muốn bút chiến.


Z vốn thông minh, hiểu ý ngay, đế thêm:

- Kiểu như là “Cơ quan chức năng ở đâu mà không vào cuộc?”, “Thiết nghĩ đã đến lúc…”, “Hỡi những người có lương tri”?


Đại gia gật gù:

- Chính xác. Còn loại thứ ba là loại nhà báo “VẤN ĐỀ KINH PHÍ”. Đó là loại quen khề khà: “Vấn đề kinh phí thì ở đâu nó cũng thế thôi anh ạ. Chuyện này phức tạp, đòi hỏi một tiếng nói có trọng lượng, đa chiều, có sức thuyết phục. Mà như thế vấn đề kinh phí cũng bị đội lên…


Z nghe đại gia liệt kê xong hết ba loại, đã buồn lại buồn thêm, bèn hỏi:

- Anh, em xin thề với anh là em chưa bao giờ có trong đầu khái niệm “trong vai”, “chúng ta phải làm gì đây”, hay “vấn đề kinh phí”. Như thế thì em là loại gì?


Đại gia cười hềnh hệch mà rằng:

- À ừ, còn chú nữa nhỉ? Chú thuộc loại nhà báo thứ tư mà anh vừa nhận ra. Loại này mới hình thành từ khi báo chí Tây mon men vào thị trường truyền thông Việt Nam, tức là vào khoảng năm 2000. Loại này dính tí hơi Tây, có tố chất để trở thành nhân tài, nhưng cũng có máu làm loạn. Nếu không có sự hỗ trợ từ một hệ thống, loại này chỉ thành giặc, còn tố chất của chúng thì cứ mãi là tố chất, cũng như Việt Nam ta mãi chỉ có nội lực. Đó là LOẠI NHÀ BÁO ĐÉO AI BIẾT ĐẾN!


Z nghe xong, rụng rời lửa đốt. Chỉ trong khoảnh khắc Z ngộ ra tất cả mọi điều - những uẩn khúc, những xót xa, những khúc mắc, những… ẩn ức có trong người từ bao lâu nay. Z quỳ sụp xuống dưới chân đại gia, chắp tay vái lấy vái để:

- Sư phụ ơi, sư phụ ơi… Sao đến giờ con mới gặp Người? Chỉ có sư phụ là nhìn ra vấn đề của con. Xin sư phụ nhận của con một lạy này, cho con được tôn Người làm sư phụ!


Đại gia xua tay:

- Đừng làm thế, ta không thích!


Z vẫn nức nở không nguôi:

- Sư phụ, sư phụ. Xin Người đi làm truyền thông, xin Người mở tạp chí, mở đài TH đi, con xin về đầu quân cho Người, dẫu gan óc lầy đất cũng nguyện một lòng theo Người, không quên ơn Người.


Đại gia cười:

- Anh cũng muốn giúp chú lắm, nhưng anh vốn không ở trong ngành truyền thông, mà ngành của anh thì chú làm gì có chuyên môn mà làm quân của anh. Thôi chú hãy về đi, cứ yên lòng rồi giông tố sẽ qua.


Đại gia lựa lời an ủi mãi, Z mới gạt nước mắt, đứng lên ra về.

Từ lúc gặp người ấy, Z mới thực hiểu ra nguồn cơn của mọi vấn đề. Z không giã từ nghề báo, nhưng cũng không còn buồn nữa, thấy lòng nhẹ nhàng hơn hẳn. Z lấy làm biết ơn ông ta lắm.

Thế rồi một thời gian sau, Z nghe nói vị đại gia ấy bị thất sủng, đang trên con đường đi tới sự phá sản. Z sửng sốt, không hiểu sao người này vốn nổi tiếng cơ trí mưu lược, về cuối đời lại điên như thế. Z ngơ ngẩn hồi lâu, rồi cũng chặc lưỡi: “Thôi, may mà mình không về đầu quân cho ổng. Âu cũng là cái digital!”.



+++

Photo by Sử Ngọc Tuấn

Monday 16 July 2007

Harvard của VN (chuyên đề về ĐH Ngoại thương, kỳ II)




“Một trong những môn học mà ĐH Ngoại thương có thể rất tự hào về” (cho phép mình dùng văn phong Tây một chút cho nó sang) là môn thư tín thương mại. Nội dung xoay quanh các chủ đề như đặt hàng, chào hàng, chấp nhận đặt hàng, chấp nhận chào hàng, xác nhận đã đặt hàng, xác nhận đã chào hàng, khiếu nại, đòi tiền, mặc cả, chấp nhận thanh toán, đòi nợ… Nghe thì phức tạp nhưng thực tế lại rất dễ chịu, tất cả đều đã có mẫu trong sách. Chúng tôi chỉ việc 1/ mở sách ra chép y nguyên; 2/ photo sách lại để chép y nguyên từ bản photo; 3/ photo thu nhỏ sách lại để chép y nguyên từ bản photo thu nhỏ; 4/ học thuộc lòng rồi vận dụng có sáng tạo. Nghe lại cũng phức tạp nhưng thực tế lại cũng rất dễ chịu, chúng tôi ít phải sử dụng đầu óc; nhìn chung các giờ học tiếng Anh là giờ để anh chị em sinh viên thốt lên những từ như “Sure!”, “OK”, “Oh yeah”, “Come on”, etc.

Thế rồi một lần tôi tình cờ đọc được một bài giảng về thư tín thương mại. Xin cóp ra đây để mọi người tham khảo (người xưng "tôi" ở dưới đây là tác giả bài giảng):



Bên xưởng đã đưa giá sai, bởi vì công cụ đã hết. Chúng ta thực sự phải chi thêm 400% so với dự toán ban đầu”.

Công văn này gay gắt quá. Thứ nhất, nó mở đầu quá đột ngột, thiếu vắng một lời dẫn nhập tối thiểu. Thứ hai, công văn chỉ ngay sang bên xưởng chế tạo. Xưởng kia chắc chắn sẽ không vừa ý và họ sẽ thảo một công văn chỉ ngược lại. Cuối cùng, câu kết đưa ra con số mang tính phủ định quá cao. Thực ra, tôi không rành lắm về chuyện gì với những công cụ nào xảy ra ở công ty nọ, nhưng tôi thấy rằng, ít nhất cũng có thể viết lại thế này:

Theo những vấn đề đã trình bày ở trên, chúng tôi xin lưu ý các ngài rằng những công cụ trong kho đã hết. Nếu các ngài có quan tâm hay thắc mắc gì về vấn đề này cũng như cách giải quyết nó ra sao, xin vui lòng liên lạc với người ký tên dưới đây vào thời gian sớm nhất”.

Tất nhiên, không phải tất cả thư từ công văn đều thuộc loại "chơi bóng" như vậy. Thỉnh thoảng, cũng có người yêu cầu quý vị viết thư giới thiệu việc làm. Quý vị phải hiểu là người nhận không bao giờ thật sự tin tưởng vào lời lẽ trong thư, vì người viết bao giờ chả viết điều hay, điều tốt, dẫu trong bụng có nghĩ khác đi nữa.

Ví dụ: “Tuy ông ấy không đồng tình với một số xu hướng quân sự bên Liên Minh, nhưng Adolf Hitler là một người ăn mặc rất tề chỉnh...

Tôi muốn nói là người nhận đã thừa biết những điều trong thư là bịa, do vậy quý vị cần phải thổi phồng lên đôi chút mới hy vọng thành công được. Ví dụ, bức thư sau đây còn yếu quá:

Bob Tucker là người đốc công tốt nhất mà chúng tôi đã từng có. Anh chưa nghỉ việc buổi nào. Anh luôn gần gũi và thoải mái với cấp dưới. Sự có mặt của anh đã làm phân xưởng tăng năng suất ba lần”.

Với một bức thư thổi ít như vậy, người nhận thư sẽ nghĩ rằng Bob chắc cũng chỉ là một kẻ vô tích sự thôi. Thế này tốt hơn:

Ðã ít nhất ba lần, Bob đã quên mình cứu nguy mạng sống những đứa trẻ không nơi nương tựa”.

Cuối cùng là loại thư gửi khách hàng hoặc khách hàng tương lai. Quý vị phải luôn nhớ một điều: Khách hàng luôn muốn được thấy quý vị đang quỳ mọp xuống như một con giun đất ra sao. Ví dụ:

Bob thân,

Chúng tớ rất vui mừng đã đến thăm văn phòng của cậu ở Butte tuần trước. Mặc dù bọn tớ chưa được có được sự diễm phúc lớn lao là gặp cậu để bàn về một số sản phẩm mới, chúng tớ cũng lấy làm hân hạnh được ngồi chờ nơi bậc thềm nhà cậu. Chúng tớ thành thật xin lỗi về những điều phiền phức liên quan đến mấy vết máu vì chú chó Bart răng nhọn của cậu đã đớp một miếng ở chân trái của tớ”.

Ðó chính là những bí quyết thư tín kinh doanh. Tôi hy vọng sẽ được phục vụ và giúp đỡ quý vị nhiều hơn nữa.

Người tôi tớ hèn mọn và trung thành của quý vị,

Dave Barry.




Không hiểu cảm tưởng của mọi người sau khi đọc bài giảng trên như thế nào. Về phần mình, đọc xong, tôi lẳng lặng về nhà gấp quyển Thư tín thương mại (đã được photo thu nhỏ xuống còn 1/4) lại, đem cho.



+++++

"Effective Writing, Sort of" - Dave Barry.
Bản tiếng Việt "Bí quyết viết thư" - Trần Ngọc Trí sưu tầm và dịch.

Thursday 12 July 2007

Havard của VN (chuyên đề về ĐH Ngoại thương, kỳ I)




Trường trung cấp truyền hình Thường Tín (Hà Tây) thường bị dân làm báo hình gọi trêu là “Havard Thường Tín”. Trên thực tế, cái tên “Havard của Việt Nam” đã thuộc về một trường khác: Đại học Ngoại thương (FTU).

Năm nay cũng như hơn một chục năm qua, ĐH Ngoại thương là trường đắt khách, nhiều người đăng ký thi. Như hồi tôi vào, 5.000 thí sinh cạnh tranh tóe lửa để giành được một chỗ, đúng là “ghế ít, đít nhiều”. Sinh viên Ngoại thương phần đông là con nhà khá giả, hoặc ít nhất cũng có điều kiện để học tập, đến mức có lúc tôi nghĩ thầm: “Kẻ nghèo vào chốn này cũng khó như lạc đà chui vào lỗ kim”.


Chuyện dạy và học ở đây như thế nào thì chưa thể khẳng định. Cái này đòi hỏi phải lập Hội đồng thẩm định, phải có dự án “Về chất lượng đào tạo của đội ngũ giảng viên ĐH ở nước ta thời kỳ sau đổi mới”, có các cấp xét duyệt, có xơ-vây nghiêm túc. Nếu cần phải đẩy nó thành một dự án đồ sộ nghiên cứu “Lịch sử giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ”. Tuy nhiên, điều mà tôi chắc chắn 100% là trong các trường ĐH ở Việt Nam thì Ngoại thương là trường rất biết làm quảng cáo, PR. Trừ một số ít người khi nghe tôi giới thiệu “em học Ngoại thương” liền gật gù: “Thế là ở bên y tế, nhỉ?”, còn nói chung, sinh viên ra trường cứ gắn mác FTU trên trán và/hoặc trước ngực và/hoặc sau lưng là được của nó!


Lúc mới ra trường với tấm bằng Tiêu biểu khá (tức là TB khá), tôi còn ngượng, không dám nhận mình từng là sinh viên FTU. Sau thấy dại: Ai cũng bảo FTU chẳng khác nào Havard của Việt Nam, tội gì mình không treo biển “FTU Tiêu biểu khá đây”; người ta nghe nói thế lại nghĩ mình giỏi.

Đổi lại, ai nhìn tôi làm việc cũng bảo: “Phong cách FTU kìa!”. Thời gian đầu tôi còn giãy lên phản đối, sau thấy hình như đôi bên cùng có lợi, bèn trật tự, đi vào khuôn khổ dần.

Suy cho cùng, đó là một mối quan hệ hội sinh giữa trường đại học và sinh viên, mà không nhiều cơ sở giáo dục đại học ở VN tạo ra được.


(còn tiếp)


+++++


Các entry trong “chuyên đề” này không nhằm đả kích hay tôn vinh ĐH Ngoại thương. Ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, chứ mình là mình không có áp đặt. Mục đích chính chỉ để bà con đọc cho vui thôi.

Sunday 8 July 2007

Tự thú trước bình minh




Nhận được message của Fishy: “Chị đã bị kéo vào cuộc chơi”, Trang the Ridiculous cả sợ, cứ tưởng lại cái họa “Lá thư Vương Mẫu” gì nữa đây. May quá, cuối cùng đó chỉ là một trò chơi của các blogger. Không muốn tham gia nhưng nể em Fishy, đành nói vài câu vậy, kẻo em lại nghĩ mình cậy thế cán bộ mà kiêu ngạo, không gần dân.


1. Tên thật: Phạm Đoan Trang.


2. Hỗn danh: Quát, Phó Đoan, Phó Ban, bác Phó, cụ Phó, và nhiều tên khác không tiện viết ra đây, như THR, Bú Dù, Ma Xó, Quỷ Sứ… Đặc biệt thích được gọi là “bác Quát”, nhất là khi nghe tiếng “bác Quát”, “Quát ơi” phát ra từ miệng các thành viên của VNN TV cũ. Thích tự xưng là Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch, hoặc tên tiếng Anh là Trang the Ridiculous, tên dân tộc là Nhắng Văn Trang (được đích thân Kim Trung đại lão gia đặt cho).


3. Nỗi sợ thầm kín: không sợ ma quỷ - thánh thần, không tin vào kiếp sau. Do đó, rất sợ chết!

Chưa bao giờ sợ sếp nào, nhưng sợ đồng nghiệp và nhân viên một phép.


4. Sở thích: Tất cả những gì thuộc về con người.


5. Tính xấu nổi bật: Cực đoan, có biệt tài làm khổ người khác và sau đó tự làm khổ mình.


6. Từ/ câu hay nói nhất: Tổ sư. Ví dụ: Nắng to thế, tổ sư hỏng hết cả da người ta...

Từ tiếng Anh hay nói nhất: I, me, mine.


7. Thói quen xấu: Đi bộ, chạy, đạp xe, phóng xe máy rất nhanh, thường xuyên bó vỉa và mua đường do thích gió. Nói nhanh. Viết blog nhanh… Tóm lại là làm gì cũng nhanh, trừ ăn. Thường xuyên có tình trạng mọi người ngồi ngáp chờ Trang dùng xong một cốc mì ăn liền (mì ly). Lần nào đi ăn cưới về cũng cáu vì bị đói.

Bù lại, do ăn chậm nên đi nhậu thường không giành được quyền trả tiền. Cái này là thói quen cực xấu chứ không phải xấu nữa, phỏng ạ? Nhiều khi nghĩ mà ngượng chết đi được, tổ sư…


*
* *

Còn chuyện chọn 7 nạn nhân nữa để kính chuyển "Lá thư Vương Mẫu" thì… thôi, mình tha. Lý do: Trò chơi này hơi teen teen, mà các thành viên trên blog của Trang the Ridiculous thì một số lớn là teen cụ chứ không phải teen thường, ép các teen cụ tham gia thực là không phải phép.



Photo by Đặng Tú Thư

Monday 2 July 2007

Xứ sở không người




Sự cố bị chó tớp ở Thanh Hóa làm tôi nhớ lại những câu chuyện về chó hồi tôi còn nhỏ, trong khoảng thời gian gọi là “tuổi thơ dữ dội” của nhiều người trong chúng ta: thời bao cấp.


Ngày đó, có thể nhiều bạn vẫn còn nhớ, cứ vào mùa hè là hàng tốp công an, dân phòng, cán bộ tổ dân phố… mặc thường phục vào từng hộ để kiểm tra tình hình nuôi chó. Nếu chủ không xuất trình được giấy phép nuôi (hình như thế, tôi không nhớ rõ), thì chó sẽ bị tiêu diệt ngay. Do vậy mỗi kỳ kiểm tra là mỗi kỳ người ta hối hả lo “cứu chó”: Người cho chó vào làn, lót vải, đưa về quê trốn từ mấy ngày trước khi đoàn kiểm tra đến. Người rọ mõm, cho chó lên gác xép hoặc giấu sang nhà hàng xóm, đợi đoàn đi rồi lại đón cháu nó về. Không thể thiếu một vài đứa trẻ nấp sau tường cảnh giới, canh các cán bộ. Chúng chạy rầm rập đến từng gia đình để báo: “Bọn nó đến đấy, bọn nó đến đấy!”, thật chẳng khác gì Lỳ và Sáo ngày trước.


Năm ấy tôi học lớp 1. Tôi cũng là một trong những đứa trẻ như thế, và tôi nghe rất nhiều đoạn đối thoại mà đến giờ vẫn không thể quên được:

- Mẹ ơi, con Ki chết rồi mẹ ơi. Ở đây nhà mình cho nó ăn cơm, mang nó về quê, ông lại bắt nó ăn cám. Nó không chịu ăn, nó chết rồi mẹ ơiiiiiiii, hư… hư…

- Thì ông làm gì có thừa cơm mà cho nó ăn, con?

- Không phải, ông cố tình bắt nó ăn cám cho nó chết đấy. Con Mực nhà ông vẫn sống mà. Hư… hư… đ. biết đâu, đ. biết đâu… (lăn ra giãy đành đạch)


Có một lần đoàn kiểm tra kéo đến nhà một hàng xóm của tôi. Nhận được tin báo từ lũ trẻ trước đó khoảng 5 phút, gia đình này hớt hải cho chó vào làn, bọc vải, giấu lên gác xép. Các chú công an vào nhà kiểm tra, không thấy gì, đã định quay ra thì bỗng con chó sủa lên oăng oẳng. Sự việc bại lộ. Các chú thòng dây kéo cổ nó ra giữa sân tập thể.


Trần Đào Thu Lệ Hằng, con gái đầu của nhà này, hơn tôi một tuổi, da đen như nhọ chảo, tóc vàng cháy. Bố mẹ Hằng là dân lao động nhưng lại đặt cho con gái cái tên mỹ miều như vậy. Hằng thấy công an lôi con chó ra giữa sân thì òa lên khóc:

- Ối chú ơi, cháu xin chú… Cháu xin chú…

Những người làm nhiệm vụ im lặng không nói gì. Hằng quay sang mẹ - bà X. đứng trơ ra đó (mặt bà tái nhợt, có lẽ vì xấu hổ hơn là vì sợ) - khóc mếu: “Mẹ ơi, mẹ ơi…”.


Đột nhiên bà X. gầm lên: (xin lỗi mọi người, đoạn sau đây tôi trích đúng những gì còn nhớ được)

- Đcm. nhà chúng mày, chúng mày gạ tiền tao đ. được, chúng mày giết chó nhà tao. Đm. chúng mày cứ giết đi, con này đ. có tiền đâu mà cho. Đm. tao đã giấu chó đi rồi mà lộ, thế thì cho nó chết con m. nó đi…


Mấy chú công an mỉm cười hiền lành. Họ nắm dây cổ, lôi con chó đi xềnh xệch. Hằng túm áo một chú, khóc ầm ĩ:

- Cháu xin chú, chú ơi…

Chú công an nhẹ nhàng an ủi nó: “Có gì mà khóc, cháu”.

Bà X. vẫn gào xa xả:

- Đm. con Hằng đi vào nhà, việc đ. gì phải xin. Đm. thời buổi này thì chỉ có tiền, tiền, tiền thôi, có cái đ. gì khác đâu. Dúi cho nó ít tiền là xong. Đm. chúng nó gạ tiền nhà mình đ. được, nó giết chó nhà mình…


Các chú công an không trả lời. Trước mặt bà X., một số người lớn và khoảng hai chục đứa trẻ con, một người trong đoàn kiểm tra vung đòn gánh, quật đánh cốp vào đầu con chó. Một phát. Con chó sủa lên nhì nhằng. Cốp phát nữa. Không có máu. Chỉ thấy cái đầu của nó gục xuống, mắt dại đi, rồi nó rũ xuống mềm nhũn như bún, hai mắt vẫn mở. Hằng gào khóc thảm thiết, còn bà X. vẫn không ngớt chửi bới với lời lẽ cực kỳ tục tằn.


Một người tôi quên tên, làm nghề sửa xe đạp ban ngày kiêm câu trộm chó ban đêm, tủm tỉm cười, bước tới cầm hai chân sau con chó xách đi. Chỉ tối hôm ấy thôi chú cẩu sẽ được phân chia thành bảy món.

Đoàn kiểm tra rút dần. Đám trẻ con cũng tản ra, đứa nào về nhà đứa nấy.


Bây giờ đã hơn 20 năm qua, tôi vẫn nhớ Hà Nội những ngày ấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi chuyện đó có còn xảy ra ở nơi nào không. Mà sao ngày đó Hà Nội lắm chó thế nhỉ, hình như đâu cũng có chó. Chó ta rồi chó tây. Chó vàng rồi chó mực. Chó béc-giê rồi chó phốc. Chó Nhật rồi chó Campuchia. Con nào cũng dữ. Tôi lớn lên giữa không biết bao nhiêu chó của các nhà hàng xóm, những Ki, Cún, Nu, Na, Tô, Tubi, Giôn, Gin, Bin, Riềng, Mẻ v.v. Lần đầu tiên bị chó cắn, tôi lì lợm không kêu, không khóc, lấy tay đẩy nó ra. Cho đến khi người chủ của con chó chạy tới giữ nó lại thì bụng và hai tay đã loe loét máu, tôi không đứng thẳng được, phải cố lê về nhà… và sốt… và mê sảng. Chó nhiều nên người bị cắn cũng lắm. Tôi nhớ cảnh hai bố con nhà nọ, đứa con bị chó dại cắn, lên cơn, vừa gào thét vừa cào cấu vừa cắn bố ngay giữa chợ. Bố thương con quá nên không chống đỡ, cứ để mặc. Người qua kẻ lại thì thầm với nhau rằng trước sau ông bố cũng lên cơn dại mà chết theo con thôi.

Câu chuyện của những ngày ấy còn xảy ra không? Tôi nghĩ là có, nhưng là với gà vịt. Bây giờ đang thời của H5N1 mà. Mỗi khi đọc báo, xem tivi thấy nói về chiến dịch diệt gia cầm, tôi lại nhớ tới phong trào phòng trừ chó dại ngày xưa. Con người bao giờ cũng là vốn quý nhất. Mạng người mới quan trọng, như gà, vịt, chó, quan trọng gì. Nhưng… sao tôi vẫn tự hỏi… có nơi nào như thế nữa không?