Wednesday 29 April 2015

Thế hệ xanh

Sau cuộc tuần hành bị phá ngang hôm chủ nhật, khi mọi người cùng đứng ở cổng đồn công an quận Long Biên, anh Lã Việt Dũng hỏi thăm: “Hồi sáng có lúc em bị kéo lăn lóc ở miệng cống phải không?”. Hai anh em nhe răng cười. Thật ra, lúc ấy tôi chẳng có cảm xúc gì nhiều, ngoài một ý nghĩ: “Chết thật, giống trong phim Across the Universe quá”. Một trong những trường đoạn đáng nhớ nhất của bộ phim âm nhạc nổi tiếng (đạo diễn Julie Taymor, 2007) là cảnh thanh niên biểu tình chống chiến tranh ở Mỹ. Cũng một đám đông quay cuồng, hỗn loạn, những viên cảnh sát áo đen tràn tới, tiếng Jude hét lớn gọi tên Lucy trước khi anh bị nện vào đầu, ngã xuống đường và những hình ảnh loang loáng lướt qua, mờ tối dần trong tiếng nhạc nền vang vọng, bi thiết: “Nothing’s gonna change my world” (Sẽ không gì thay đổi được thế giới của tôi)…

Tôi mê thích bộ phim và cả bài hát Across the Universe – ca khúc “đẹp và thơ nhất” trong các sáng tác của John Lennon, như chính tác giả đánh giá. Tôi cũng có một cái nick đã dùng suốt từ những ngày mới biết đến Internet, là Jude, mượn tên nhân vật trong bài hát Hey Jude; hồi ấy tôi không biết tiếng Anh đủ để hiểu ý nghĩa của bài hát và không biết Jude là tên con trai. Và cuộc tuần hành buổi sáng 26/4, ngay vào những giây phút căng thẳng nhất và hỗn loạn nhất, cũng diễn ra trong tiếng kèn saxophone bi thiết của “nghệ sĩ đường phố bất đắc dĩ” Gi Go Lo. Anh vẫn đứng đó, vẻ mặt bình thản, thổi vang bài “Dậy mà đi” trong tiếng la hét, tiếng còi, tiếng loa của công an cảnh sát…

Tôi nhớ lúc mình lọt thỏm vào giữa đám đông, hình ảnh cũng loang loáng lướt qua, nhưng tôi vẫn thấy một mảnh trời xanh biếc phía trên, in màu lá cây và những khuôn mặt sôi sục cả trẻ cả già, cả dân và công an. Có tiếng chú Trường Chinh (bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng) thất thanh: “Không được bắt người. Thả ra! Thả ra!”. Thật ra, kinh nghiệm để không bị khiêng đi trong những trường hợp này – mà có lẽ ít ai biết – là nằm yên, không gồng lên, không vùng vẫy, vì càng gồng, càng cứng người lại, càng tạo đà cho người ta nhấc và khiêng mình. Tôi cũng đã làm như kinh nghiệm ấy, và bật cười vì thấy cả một tốp rất đông dân phòng xúm vào mà không bê tôi đi được; không có thế, rất khó di chuyển một người hoàn toàn không hợp tác, không chống cự. Tôi nói to với chú Chinh: “Cháu không sao đâu chú”, nhưng lúc đó, chẳng còn ai nghe nổi ai. Sự hỗn quân hỗn quan lên tới đỉnh điểm. Các cô gái mặc áo dài bắt đầu bị khiêng lên xe buýt. Tiếng la hét, tiếng còi, tiếng loa và cả tiếng kèn saxophone “Dậy mà đi” tạo thành một không gian điên loạn. May thay, đã không có cảnh công an dùng dùi cui hay roi vụt tóe máu người tuần hành, như cảnh sát Mỹ từng làm với các cuộc biểu tình phản chiến hay phong trào đấu tranh vì quyền dân sự của người Mỹ da đen vào những năm 1960. (Hoặc có thể là chưa đến lúc công an Việt Nam phải dùng bạo lực tới mức ấy).

Ảnh: Phan Tất Thành

Nhưng đâu có sao, phải không các bạn trẻ? Nước Mỹ đã phải mất một thời gian dài bất ổn, đầy bi kịch và nước mắt, đổ máu, để có được ngày hôm nay khi mỗi viên cảnh sát đều ý thức rất rõ về quyền tự do biểu đạt và tụ tập ôn hòa của người dân, quy định trong Tu chính án số 1 Hiến pháp Hoa Kỳ (và họ có thể đọc vanh vách từng từ của Tu chính án ấy). Việt Nam cũng sẽ phải mất một thời gian – có lẽ là rất dài nữa – trước khi mỗi công an tẩy rửa được khỏi đầu họ ý niệm về bổn phận “trung thành tuyệt đối” với đảng Cộng sản và hiểu được rằng luật pháp là nhằm để bảo vệ nhân quyền chứ không phải chế độ. Để Việt Nam đến được thời điểm ấy, không thể tránh khỏi việc phải có một thiểu số can đảm đi đầu. Đó là những bạn trẻ đã xuống đường mỗi sáng chủ nhật, giơ cao khẩu hiệu đòi chính quyền minh bạch. Là những bạn trẻ đã cầm hoa, cầm bóng bay đi phát, làm xanh rực cả Bờ Hồ. Là những bạn trẻ đã đan chặt tay vào nhau để bảo vệ bạn mình, không cho công an bắt. Là những bạn trẻ đã bị khiêng lên xe buýt trong tà áo dài lấm lem đất cát, quần áo nhàu nát, mặt đỏ bừng mồ hôi…

Ngày xưa, nước Mỹ cũng đã có cả một thế hệ những người đi đầu như thế - lúc ấy họ cũng là thiểu số. Phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự ở Mỹ khởi phát từ hai “bông hồng đen” Claudette Colvin và Rosa Parks. Vào ngày 2/3/1955, Colvin, năm đó mới 16 tuổi, là người đầu tiên bị bắt vì không chịu tuân thủ quy định về chỗ ngồi dành cho người da đen trên xe buýt, cụ thể là đã không nhường chỗ cho một hành khách da trắng như luật định, bất chấp yêu cầu của tài xế. Bị tài xế thúc ép, Colvin nổi khùng, đấm tay vào không khí và hét lên: “Đây là quyền hợp hiến của tôi!”. Cô gái liền bị lôi khỏi xe, bị cảnh sát còng tay đưa đi và bắt giam. 9 tháng sau, Rosa Parks làm nên lịch sử với một sự kiện tương tự.

Cả Claudette Colvin lẫn Rosa Parks đều bị kết tội gây rối trật tự công cộng và vi phạm quy định của địa phương về phân biệt màu da. Cuộc đấu tranh của họ, bắt đầu từ hành vi bất tuân dân sự trên xe buýt, cuối cùng đã đưa đến việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, vào tháng 12/1956, ra lệnh cho Montgomery và bang Alabama phải hủy bỏ những quy định phân biệt chủng tộc trên phương tiện giao thông công cộng.

Tháng 5/1971, hàng nghìn người dân Mỹ đổ về Washington biểu tình, làm gián đoạn hoạt động của chính quyền liên bang. Để ngăn chặn hành động tụ tập này, Sở Cảnh sát Đô thị ban lệnh bắt tất cả những người có dấu hiệu tham gia biểu tình, bất cần biết điều đó có cơ sở hay chỉ là nghi ngờ. Việc bắt giữ, lưu hồ sơ, xử lý và truy tố những người này cũng được ưu tiên cho hưởng thủ tục nhanh gọn [fast track]. Kết quả là hàng nghìn người bị cảnh sát bắt giam. Tuy nhiên, về sau, Tòa Tối cao ở Washington D.C. đã ra phán quyết xác định bắt người như vậy là vi hiến, đồng thời ra lệnh hủy kết tội đối với bất kỳ công dân nào bị cảnh sát bắt mà không có căn cứ khả dĩ để cho rằng họ đã gây rối trật tự công cộng.

Chính quyền Mỹ từng có quá khứ sử dụng tội “gây rối trật tự công cộng” để ngăn chặn biểu tình và bắt giữ các nhà hoạt động nhân quyền, hoặc thậm chí bắt những người chỉ thực thi quyền tự do tụ tập, tự do biểu đạt của họ. Ngoài các gương mặt tiêu biểu Martin Luther King, Rosa Parks, Claudette Colvin, rất nhiều nhà hoạt động đã bị bắt, bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”, vì những hành động như: mua đồ ăn tại các nhà hàng chỉ dành cho người da trắng, ngồi vào ghế dành cho hành khách da trắng trên xe buýt, và biểu tình đòi quyền bỏ phiếu.

Trở lại với câu chuyện của chúng ta. Có nguồn tin từ công an bảo rằng tất cả 22 người bị bắt trong cuộc tuần hành sáng 26/4 vừa rồi đều “dính” tiền sự về gây rối trật tự công cộng.

Nhưng có hề gì, các bạn trẻ nhỉ?

Để Việt Nam thay đổi, để đến ngày Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ, tự do với một nhà nước pháp trị và nền pháp luật hướng tới tôn trọng nhân quyền, luôn luôn cần một thiểu số những người trẻ tuổi đi đầu. Các bạn sẽ là thế hệ mở đường. Các bạn sẽ tạo ra sự thay đổi.

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Monday 27 April 2015

Hà Nội hãy biết yêu những gì mình có

Tôi yêu màu lá xanh mướt của mùa xuân. Nổi trong đám lá xà cừ xanh thẫm, đôi khi lại có màu xanh nõn nà của lá bồ đề, lá sấu. Và khi xuân sang, buổi sáng sớm bước ra đường, lẫn trong khói bụi ô nhiễm, vẫn thấy một mùi thơm mát mà tôi gọi là mùi “hoa cỏ mùa xuân”.

Tôi yêu sắc đỏ rực trời của hoa phượng. Đôi khi tình cờ nhớ đến những ngày ở nước Mỹ, tôi nhớ xứ Cali cũng có hoa phượng, nhưng là phượng tím, jacaranda. Có những đoạn đường, hai bên một màu tím ngát, hoa nhiều hơn lá. Phượng tím cũng đẹp lắm. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn yêu cái màu cháy đỏ nao lòng của phượng hồng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… những thành phố của Việt Nam mà tôi đã đi qua. Nhớ đến phượng là nhớ đến những câu hát xao xuyến: “Phượng hay bâng khuâng, tưởng chừng như cô đơn”, “xuân qua hè tới ta nhớ nhau luôn, phượng ơi”.

Tôi yêu tiếng ve ngập tràn những con đường lớn, phố nhỏ, những ngõ vắng xôn xao ở Hà Nội. Tôi nhớ những ngày đầu hè rực nắng, tháng 4-5, của một năm nào đó xa xưa lắm rồi, tôi đi lang thang trong một vườn cây đầy nắng ở khu Quảng Bá, Hồ Tây, chìm trong tiếng ve và mơ màng câu hát “rừng chiều nghe lao xao, tiếng lá non gọi gió”.

Hà Nội, trong tim tôi, luôn gắn với cây cỏ, trời mây và thời tiết. Dù có đi đến nơi nào trên thế giới này – Los Angeles rực nắng, Stockholms cổ kính với những mái nhà tròn màu hồng, Budapest và những bức tượng đồng xanh thẫm, v.v. – tôi vẫn luôn nhớ đến Hà Nội và vô vàn hình ảnh thời thơ ấu: những nhà cửa xam xám với cửa sổ xanh xanh, cũ kỹ, bờ tường sứt sẹo, những cây bàng đỏ ối, những ô vườn rập rờn hoa bướm tím hồng, hoa mào gà tía… Tôi nhớ những cây xà cừ râm ran tiếng ve mỗi độ tháng 4, tháng 5 về, và đặc biệt, cứ vào mùa cuối xuân, xà cừ lại rụng lá. Lá xà cừ vàng thắm, bay rợp trời, đẹp như mùa thu Tây phương vậy, dù chẳng có rừng phong…

Chẳng bao giờ tôi chịu nổi cái ý nghĩ một mai đây, Hà Nội sẽ “hiện đại hóa” thành một đô thị như Bangkok hay Manila, toàn màu bê tông và xi măng trắng, nằm trần trùng trục dưới cái nắng nhiệt đới oi ả của Đông Nam Á. Không. Không có bất kỳ một đại dự án, một chủ trương, chính sách, một công trình nào, của bất kỳ kẻ nào, có thể biện hộ cho việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội được. Năm 2009, Giáo sư Mike Douglas (ĐH Hawaii, Mỹ), tại một hội thảo quốc tế ở Hà Nội về “thành phố đáng sống”, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những không gian có giá trị trong đời sống xã hội đô thị như quảng trường, công viên, chợ họp ngoài trời/chợ truyền thống, đường phố và vỉa hè, v.v... những không gian mà ở đó con người gặp gỡ nhau không phải chỉ để mua bán mà để chào hỏi và chuyện trò với nhau.

Ông cho rằng: “Các thành phố hiện nay đang mất đi những không gian công cộng và không gian dân sự, nơi người dân có thể đến và sử dụng mà không cần dành toàn bộ thời gian của mình cho các quan hệ thương mại hay trao đổi hàng hóa, và cũng không gặp trở ngại về những điều họ nói với nhau”.

Và Hà Nội, trong đánh giá của ông Mike Douglas, là một thành phố may mắn còn giữ được những không gian ấy. Chỉ ở Hà Nội, ta mới thấy có chợ cóc, có những hiệu cắt tóc vỉa hè, những quán café dưới bóng cây xanh, nơi người ta ngồi chen chúc, xúm xít, vai kề vai lưng kề lưng, để trò chuyện và “chém gió”. Nghĩa là vẫn còn những không gian công cộng rất đặc thù. Chúng ta không bắt gặp những nơi như thế ở các đô thị “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” như Bangkok hay Manila, thậm chí Los Angeles, Washington DC. Ở đó, chỉ có các quán café máy lạnh, kiểu như Starbucks, McDonalds’, người ta mua mang theo hoặc ghé vào uống một lát rồi đi, chẳng thể nào có thứ văn hóa “trà đá café vỉa hè” như Việt Nam.

Không, không thể để Hà Nội, Sài Gòn, hay bất cứ một thành phố nào ở Việt Nam trở thành thành phố bê tông được, nhất là khi những chính sách phá hoại ấy chỉ do một thiểu số dấm dúi làm ra với nhau, sau đó, khi bị công luận lên tiếng, lại tìm cách câu giờ để bao che cho nhau, đợi đến lúc công luận dần lắng xuống rồi mọi chuyện sẽ “cứt trâu hóa bùn”, như truyền thống lâu nay của lãnh đạo Việt Nam. Truyền thống ấy tạo thành những công thức: “Cần một giải pháp đồng bộ”, dịch sang tiếng Việt nghĩa là “không làm gì cả”. “Sẽ xử lý quyết liệt”, nghĩa là “chẳng ai làm sao cả”, cùng lắm thì một thằng đánh máy nào đó bị xử lý, một đồng chí trưởng/phó phòng nào đó bị kỷ luật Đảng mà thôi.

Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… rất có thể sẽ chẳng bao giờ trở thành những thành phố hoa lệ hàng đầu thế giới. Nhưng không được như thế thì càng phải biết quý, biết giữ lấy cái gì mình có: hoa cỏ, cây xanh, hồ nước, không gian công cộng... Cũng như chính quyền Hà Nội phải biết yêu và giữ lấy những người dân đã có ý thức cộng đồng, đã xót xa từng cây xà cừ bị chặt bỏ, đã xuống đường giơ cao khẩu hiệu bảo vệ cây xanh, yêu cầu minh bạch, phản đối bạo lực... mà vẫn cố gắng ôn hòa, đi trên vỉa hè, nhặt rác, chịu đựng công an, và không giẫm lên cỏ. Không dễ có những người dân như thế trong một xã hội như Việt Nam đâu. 

Và, có lẽ nào chúng ta cứ để một thiểu số bất tài vô hạnh ra những quyết định mang tính chất phá hoại – mà không chỉ phá chúng ta, còn gây hại cho nhiều thế hệ sau này nữa? Điều đáng sợ nhất là, khi lầm lỗi, khi làm sai, khi phạm tội ác mà không phải chịu trách nhiệm gì, kẻ sai, kẻ ác sẽ không có lý do gì để dừng lại.

Một đường phố ở thủ đô Washington D.C.

Thursday 23 April 2015

Admin của "Vì Một Hà Nội Xanh" bị hành hung


Bạn trẻ Trịnh Anh Tuấn (tên Facebook: Gió Lang Thang), một trong các admin của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, vừa bị ba nhân viên công quyền đánh chảy máu đầu và tay, phải đi bệnh viện khâu hơn 10 mũi.

Buổi sáng sớm nay, 22/4, anh Tuấn rời nhà để đi chợ mua sữa cho con nhỏ. Khi anh đến đoạn đường vắng trên phố Cổ Linh (quận Long Biên), thì có ba thanh niên cao to, đi xe máy Nouvo màu đen, từ phía sau phóng đến. Họ đạp mạnh vào tay lái của Tuấn làm anh văng khỏi xe, ngã xuống mặt đường. Tuấn chưa kịp ngồi dậy thì cả ba cùng xông đến đấm đá, giẫm đạp túi bụi, đánh anh bay cả mũ bảo hiểm. Họ còn nhặt một viên gạch bên đường đập vào đầu Tuấn, gây vỡ đầu, chảy máu. Cánh tay trái của anh bị sưng phồng, lòng bàn tay rách mấy chỗ.

Hành hung xong, ba thanh niên nhảy lên xe máy phóng đi. Vài phút sau, họ gọi và nhắn tin vào máy điện thoại của Tuấn, chỉ nói một câu: “Đ.m. mày, lần sau tao đánh chết mẹ mày”.

Đáng chú ý là ba kẻ này nằm trong số 10-15 nhân viên an ninh (thường phục) vẫn lảng vảng quanh nhà Trịnh Anh Tuấn cả tháng nay, khi phong trào tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội đang dâng lên. 5h sáng chủ nhật 19/4, tức là bốn tiếng trước khi diễn ra cuộc tuần hành thứ hai do nhóm Vì Một Hà Nội Xanh tổ chức, họ đã vào nhà Tuấn, ép anh lên đồn công an quận để “làm việc” về hành vi “gây rối trật tự công cộng ở hồ Hoàn Kiếm”. Cuộc làm việc không đạt kết quả gì vì phía công an không trưng ra được bằng chứng nào về sự “gây rối” của anh Tuấn.

Trong một diễn biến khác, một gương mặt nổi bật trong các cuộc tuần hành, bạn trẻ có tên Facebook Phan Xéng, bị công an xử lý bằng cách gọi bố anh lên phường “mách tội” cậu con trai, nói rằng Xéng bị thế lực thù địch xúi giục, đi biểu tình, cầm biển rất to...

Trước đó, một admin khác của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, là anh Nguyễn Anh Tuấn, cũng nhận giấy mời lên công an phường lúc 20h ngày 20/4, để “hỏi về việc có liên quan đến việc tuần hành phản đối chặt cây xanh tại Hà Nội”.

Trái ngược với tinh thần minh bạch, công khai và ôn hòa của các cuộc tuần hành Vì Một Hà Nội Xanh, thời gian qua, cơ quan công quyền (gồm cả an ninh thành phố, an ninh quận, công an phường, dân phòng) đã dùng nhiều biện pháp bí mật hăm dọa, gây sức ép lên các thành viên mà họ đánh giá là “nổi bật”, “nguy hiểm”, “có ảnh hưởng” của phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội. Họ cũng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều cơ quan, công sở, nhất là các trường học, để xuyên tạc, bôi nhọ những việc làm hoàn toàn đúng đắn và cần được khuyến khích của người dân, đặc biệt là sinh viên và phụ nữ tham gia tuần hành bảo vệ cây.

Bạn trẻ Phan Xéng cho rằng “có thể nhiều người nữa sẽ gặp phải vài phiền nhiễu nhỏ nhoi này, theo tôi vào thời điểm này, đó là cái giá quá rẻ để bày tỏ ý kiến chính đáng”. Trịnh Anh Tuấn cũng tuyên bố anh sẽ không lùi bước, vì không có lý gì người lương thiện, làm việc tốt lại phải sợ kẻ sai, kẻ xấu.

Trịnh Anh Tuấn (Gió Lang Thang) với vết thương trên đầu và tay

Phan Xéng trong cuộc tuần hành sáng 19/4/2015

Hanoi-based Green Activist Severely Beaten by Thugs


Trinh Anh Tuan, a Hanoi-based environmental activist has been brutally attacked by plainclothes agents, with a number of severe injuries in his hands and head, according to local social network.

Mr. Tuan, an admin member of a For Green Hanoi, a campaign to protest the city’s plan to chop down 6,700 healthy aged trees, was attacked by a group of three thugs near his rent house in Long Bien district in early morning of April 22.

Tuan, who is very active in organizing peaceful demonstrations in Hanoi in recent weeks which aim to demand the city’s authorities to stop its massive cutting of healthy trees in the city’s main streets, recognized the attackers as policemen who have been following him for months.

“When I rode my motorbike to the nearby market to buy milk for my baby, they came and kicked my vehicle. When I fell on the road, they jumped and attacked me. One event took a brick and attacked my head, causing bleeding,” Mr. Tuan said.

This is the second time Tuan was assailed by thugs. In late March last year, he was also brutally attacked by plainclothes agents after participating in a cafe-meeting of Hanoi-based members of the Vietnamese Blogger Network, a social network which fights for freedom of expression in the communist nation.

Meanwhile, Hanoi’s environmentalists have held five consecutive demonstrations in the city’s center on Sundays in March and April despite numerous measures applied by local authorities which aim to prevent growing public discontent on the city’s plan which would turn the city into desert.

Along with harassing leading activists, local authorities have also summoned others to police stations, accusing them of causing public disorders. Police have also blocked a number of activists from going out during weekends.

Police have also pressured activists’ families and relatives, and asked them not to participate in peaceful demonstrations in coming weeks.

Hanoi’s massive tree cutting has met strong protests by local residents and others nationwide.

The city’s People’s Committee has a plan to chop down 6,700 healthy aged trees and replace with young ones with total spending of VND270 trillion ($12.5 billion) for the 2015-2020 period.

So far, they have cut 2,000 trees; most of them are valuable and planted by French more than 100 years ago.

Trinh Anh Tuan (aka. Gio Lang Thang - Wandering Wind) with his head and hand wounds.
The photographer asked to remain anonymous for fear of political repression.

Thursday 16 April 2015

Tuần hành vì cây xanh và vì sự minh bạch - Marching for Trees and Transparency


Một chính quyền đàng hoàng là phải biết lắng nghe, minh bạch, dám làm dám chịu, phải có trách nhiệm giải trình.
Nhưng ở Việt Nam, chưa bao giờ chính quyền thực sự tôn trọng người dân.
Chưa bao giờ chính quyền coi dân ngang hàng với mình trong mọi quan hệ.
Chưa bao giờ chính quyền đếm xỉa đến những băn khoăn, lo ngại, những câu hỏi lớn của người dân (mặc dù họ vẫn luôn giữ một thái độ khệnh khạng và kẻ cả khi họ rất ưa dùng cụm từ “giải thích đường lối, chính sách của đảng và nhà nước cho dân”).
Chưa bao giờ chính quyền để người dân tham gia vào những quyết định quan trọng, ảnh hưởng tới đời sống cộng đồng.
Chưa bao giờ có quan chức nào chịu trách nhiệm về những đại dự án sai lầm, những chủ trương lớn thất bại, những quyết sách to tát và dốt nát.
Quan chức làm sai thì phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý. Nhưng ở Việt Nam, chưa từng có tiền lệ đó. Và cho đến nay, thực tế cay đắng cũng là chưa một hoạt động, một phong trào đấu tranh nào của khối xã hội dân sự và cả những cá nhân, tổ chức dân chủ đối kháng làm được cái việc lôi cổ quan chức ra để bắt họ phải giải trình và chịu trách nhiệm. Đơn giản là vì chính quyền cấu kết và bao che cho nhau quá kỹ, trong khi xã hội dân sự và hoạt động dân chủ ở Việt Nam còn quá mới mẻ, non yếu, và không thể đi đến cùng trong rất nhiều việc.
Cuộc đấu tranh của những người bảo vệ cây xanh ở Hà Nội sẽ phải làm bằng được việc đó – lần đầu tiên ở Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu sự minh bạch. Chúng tôi muốn cá nhân, tổ chức nào làm sai, phải bị xử lý.


A good government must listen to its people’s voices, be transparent, responsible and accountable.
But, in Vietnam, the government has never respected its people.
Never has it considered the people to be on equal footing with the government.
Never has it taken into consideration the people’s concerns and inquiries, while maintaining its arrogant attitude with the popular rhetoric, “to preach the people about the Party and the State’s policies.”
Never has it let the people participate in major decisions that impact their community life.
None of the government officials has been held liable for any of the futile yet grand projects, any of the failed policies, any of the big and unwise decisions that they have decided to date.
Common sense tells us that the government must be responsible for any of its wrongdoing, especially when they wastefully deplete people's tax money. In Vietnam, there has been no such precident for punishing a corrupt government official. At the same time, we also face with the bitter truth that there has not been any successful social campaign or civic activism in exposing the corrupt political leaders and holding them accountable. It is simply the result of the criminal covers-up inside the ruling party and the state apparatus. Moreover, the emerging civil society and democracy movement in Vietnam is still in their burgeoning period that hinders them from advancing to pursue the ultimate goal of democracy.
The tree protecting campaign will need to set a precedent most definitely. We shall demand the government for transparency and accountability. We shall urge that public officials who made the wrong decisions must be punished.

Monday 13 April 2015

Chuyện thông điệp ở cuộc tuần hành vì cây xanh

Cuộc tuần hành vì cây xanh sáng chủ nhật, 12/4/2015, tại Hà Nội đã diễn ra rất tốt đẹp, khi tất cả mọi người tham dự đều giữ tinh thần ôn hòa, văn minh, lịch sự. Lực lượng công an, cảnh sát, dân phòng cũng đã cư xử theo hướng tôn trọng quyền tụ tập và biểu tình của người dân – ngoại trừ việc vẫn tiếp tục quay phim chụp ảnh cả đoàn, liên tục gọi loa giục mọi người giải tán “để đảm bảo an ninh trật tự”, và chặn cửa một số người từ sáng sớm, không cho ra Bờ Hồ.

Dù sao đi nữa, thái độ và cách cư xử của nhân viên công quyền trong buổi tuần hành sáng nay về cơ bản là tốt đẹp. Tôi tin như vậy, cũng như tin chắc là nếu họ muốn giải tán đám đông, ngăn chặn mọi cuộc tụ tập, thì họ hoàn toàn có thể làm điều đó.

Cần ghi nhận rằng từ năm 2011 đến nay, cách đối xử của lực lượng công quyền đối với người biểu tình đã khác rất nhiều: Đầu tiên là bắt (có thể đưa về Hỏa Lò), tạm giữ hình sự. Về sau, giảm xuống bắt đưa về trại phục hồi nhân phẩm rồi thả trong ngày. Sau nữa, là chia rẽ đội hình, ném mắm tôm, huy động dư luận viên gây hấn, phá rối. Và bây giờ thì tất cả những biện pháp đó không còn được áp dụng nữa. Bất kể vì lý do gì, đấy cũng là một sự thay đổi tốt, từ phía chính quyền.


* * *

Tuy nhiên, cuộc tuần hành sáng 12/4 lại có một vấn đề khác đáng nói:

Trong cuộc đi bộ, có lúc xuất hiện 5 bạn trẻ mặc áo đen có biểu tượng gì đó của Việt Nam Cộng hòa với một hình cờ vàng ba sọc đỏ (rất nhỏ) trước ngực và hàng chữ “People should not be afraid of their governments. Governments should be afraid of their people” (“Dân không nên sợ chính quyền. Chính quyền phải biết sợ nhân dân) sau lưng. 

Những bạn này sau đó đã bị bắt.

Thiết nghĩ:

1. Tuần hành, biểu tình ôn hòa là quyền cùa mỗi người dân. Việc tuần hành ôn hòa vì mục đích bảo vệ cây xanh, nâng cao ý thức của cộng đồng về môi trường và yêu cầu chính quyền minh bạch, là việc chung, không có sự phân biệt thành phần tham gia (cá nhân, tổ chức, thậm chí cả đảng phái chính trị - nếu có).

2. Tuy nhiên, với một sự kiện có tổ chức, trong đó ban Tổ chức đã công khai danh tính rất rõ ràng trong public group có tên “Vì Một Hà Nội Xanh”, đã công khai mục đích, tính chất và thông điệp của sự kiện, thì nếu bạn nào muốn tham gia với một thông điệp khác, tạo một hình ảnh khác (mà ở đây là áo đen với hình cờ vàng ba sọc đỏ), bạn đó nên làm việc với ban Tổ chức trước và chỉ tham gia như thế khi được sự đồng ý của chủ nhà – tức là ban Tổ chức.

3. Trong trường hợp các bạn không thuyết phục được ban Tổ chức để cho mình tham gia với hình ảnh và thông điệp khác, các bạn có thể tự tổ chức một sự kiện khác cho riêng các bạn, vào thời gian, địa điểm khác, với nhân sự khác, và không góp mặt trong sự kiện mà tại đó bạn không được đón nhận.

Cách làm của các bạn trong nhóm nào đó – mặc dù vẫn ôn hòa – là lạc lõng, vô tổ chức, thiếu tôn trọng mọi người khác, và đặc biệt, rất dễ làm hỏng cuộc tuần hành.

Dư luận viên và những kẻ ác ý hoàn toàn có thể tung ra những thông tin sai sự thật nhằm bóp méo ý nghĩa, thông điệp của buổi tuần hành.

Lực lượng công an, cảnh sát, dân phòng, hoàn toàn có thể lấy cớ “cờ vàng xuất hiện” để chặn đứng và phá vỡ buổi tuần hành, mà trong đó có rất nhiều người tham gia lần đầu tiên, với mục đích thuần túy là để biểu thị tình yêu cây xanh và tình yêu Hà Nội.

 Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Các bạn trong nhóm áo đen có biểu tượng cờ vàng đó nên ghi nhận là công an đã không bắt các bạn ngay trong lúc tuần hành, mà điều đó, nếu xảy ra, có thể làm tan tành cả sự kiện sáng 12/4.

Xin nhắc lại: Tụ tập, tuần hành, biểu tình, biểu thị chính kiến đều là quyền của người dân và không ai có quyền ngăn cấm các bạn tham gia. Tuy nhiên, trong những hoạt động mang tính chất chính trị, các bạn nên cân nhắc thời điểm, thành phần tham dự, thông điệp cần truyền tải, đối tượng và cách thức truyền tải, v.v. Các bạn hãy thử vận động ban tổ chức xem, và nếu không thuyết phục được họ (chẳng hạn vì mâu thuẫn, vì quá khác biệt), thì tại sao các bạn không chủ động tổ chức một sự kiện riêng cho mình?

Xin các bạn làm ơn nghĩ đến những người khác có mặt trong cuộc tuần hành sáng 12/4, đến những người dân thường, những công chức, nhân viên văn phòng, thành viên tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là đến những bạn trẻ lần đầu tiên xuống đường thể hiện tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Xin làm ơn đừng để những mầm xanh đó bị vùi dập ngay từ đầu chỉ vì sự "đi quá xa" của các bạn.

Tuesday 7 April 2015

9 điều bạn trẻ nên làm để thuyết phục cha mẹ khi tham gia hoạt động xã hội


Vấn đề lớn nhất mà tất cả các bạn trẻ luôn gặp phải khi công khai bày tỏ quan điểm, chính là thuyết phục bạn bè, người thân xung quanh chấp nhận lý tưởng của bạn, thậm chí sẵn lòng giúp đỡ khi bạn tham gia đấu tranh về các vấn đề xã hội. Vậy phải làm thế nào để vận động được sự ủng hộ của gia đình, bè bạn? Sẽ rất khó, nhưng lại cũng dễ dàng nếu bạn biết khéo léo áp dụng những cách sau đây.

1. Trấn an cha mẹ

Khi nhận thông báo từ công an hay nhà trường, tất nhiên bậc cha mẹ nào cũng hoang mang, lo lắng và giận dữ. Họ không biết con mình có làm gì nguy hiểm đến bản thân hay không, có vi phạm pháp luật hay không. Trong mắt cha mẹ, chúng ta vẫn luôn là đứa trẻ nhỏ cho dù bạn đã lớn, bạn nhận thức rõ ràng những việc bạn đang làm là hoàn toàn đúng đắn. Vì vậy, hãy xoa dịu nỗi lo âu của cha mẹ bằng mọi cách, không nên cãi lại hoặc tạo thêm áp lực cho cha mẹ.

Bậc sinh thành nào cũng thương con cái, sự giận dữ, ngăn cấm của họ cũng bắt nguồn từ tình yêu thương. Nên xin lỗi vì đã làm cha mẹ lo lắng quá, sau đó tìm cách giải thích cho họ biết rằng không có gì đáng lo, bạn không làm gì sai và mọi thứ đang trong tầm kiểm soát.

2. Tâm sự, bày tỏ quan điểm bản thân

Sau bước đầu trấn an là bước chọn lựa thời gian phù hợp để nói chuyện với cha mẹ (lúc hai bác đang vui chẳng hạn). Bạn nên ngồi tâm sự với cha mẹ nhiều hơn về quan điểm của mình. Hãy nêu lý do hợp lý vì sao bạn lại hành động và chọn lựa con đường này. Lý do càng hợp lý, cha mẹ càng bị thuyết phục.

Không nên tỏ vẻ đối đầu với quan điểm của cha mẹ, mà nên tâm sự nhẹ nhàng, tránh tạo áp lực căng thẳng. Người ta thường nói “mưa dầm thấm lâu”, thường xuyên tâm sự sẽ khiến cha mẹ sẽ hiểu bạn hơn.

3. Thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin về các vấn đề xã hội với cha mẹ

Nên trao đổi thông tin xã hội nhiều hơn với hai bác. Đa số người lớn tuổi không cập nhật thông tin nhạy bằng giới trẻ, vì vậy hãy chia sẻ cho cha mẹ những thông tin xã hội hữu ích mà bạn biết. Những vấn đề nhức nhối trong xã hội mà khiến ai xem cũng thấy bức xúc thì đưa cho cha mẹ đọc luôn, xem luôn. Đó là những chứng cứ vô cùng thuyết phục khiến cha mẹ đứng về phía bạn.

Giới thiệu những người bạn cùng tham gia các vấn đề xã hội với cha mẹ để họ yên tâm rằng bạn không cô đơn, có nhiều bạn trẻ khác cũng có cùng quan điểm đối với bạn. Nên chia sẻ thêm với cha mẹ kinh nghiệm làm việc với an ninh, công an khi lực lượng này tiếp cận gia đình để gây áp lực đối với bạn.

4. Trở thành con người gương mẫu, đứa con ngoan trong gia đình

Không cần biết trước đây bạn là người như thế nào, nhưng một khi bạn đã bắt đầu tham gia đấu tranh về các vấn đề xã hội thì bạn phải bắt buộc trở thành con người gương mẫu.

Yêu thương, quan tâm đến nhà cửa và chăm sóc cha mẹ nhiều hơn là những tuyêt chiêu thuyết phục hai bác hiệu quả nhất. Cha mẹ sẽ nhận thấy rằng khi bạn tham gia các hoạt động xã hội, bạn trở thành con người tốt hữu ích cho xã hội. Và tất nhiên, không cha mẹ nào lại nỡ la mắng đứa con của mình khi nó ngày càng ngoan ngoãn, giỏi giang và biết thương yêu cha mẹ nhiều hơn.

Ảnh: Bạn trẻ tham gia Hành trình Vì Màu Xanh, sáng chủ nhật 5/4/2015 tại Hà Nội.

5. Tự lập, tự nuôi sống được bản thân

Đi làm thêm, tự cung tự cấp cũng là cách hiệu quả nhất cho cha mẹ thấy bạn có thể tự lo cho bản thân, không cần hai bác phải lo lắng nữa. Chủ động được tiền bạc nghĩa là bạn có thể làm những gì bạn thích mà không bị kiểm soát nhiều từ cha mẹ.

6. Hạn chế nói dối, hãy nói thật

Trong công việc hoạt động xã hội, đôi khi có những việc bạn không thể chia sẻ vì sợ cha mẹ lo lắng hơn. Nhưng ngoài những tin quan trọng cần được bảo mật, thì với những việc có thể chia sẻ được, bạn nên thành thật chia sẻ cho cha mẹ biết và hiểu hơn những gì mà bạn đang làm.

7. Định hướng tương lai, chứng minh bạn đang đi đúng hướng

Con đường tương lai do chính bản thân chúng ta tự lựa chọn. Xác định mục tiêu, vạch ra kế hoạch tương lai là một trong những việc cần thiết để lấy uy tín với cha mẹ. Nếu xác định bản thân sẽ đi theo hướng hoạt động xã hội thì bạn phải trau dồi các kiến thức, kỹ năng liên quan. Nếu xác định vừa tham gia các hoạt động xã hội vừa theo đuổi một công việc nào đó khác thì bạn nên cân bằng giữa cả hai.

8. Đừng bất cần bỏ mặc những người quan tâm bạn

Có đôi lúc, sau những cố gắng thuyết phục những người xung quanh (bạn bè, gia đình v.v...) không hiệu quả, bạn rất dễ bị áp lực, chán nản, tìm cách né tránh, cắt đứt liên lạc, thậm chí bỏ nhà ra đi. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo. Bởi vì không ai yêu thương chúng ta bằng chính người thân cả. Nếu bạn không hòa hợp nổi với những người thân yêu bên cạnh bạn thì cũng khó mà hy vọng ai bên ngoài có thể giúp đỡ được bạn. Nhiều khi chỉ có người thân, gia đình, mới có thể yêu thương bạn nhất, sẵn sàng bảo vệ khi bạn gặp nạn.

9. Và cuối cùng... bơ đi mà sống!

Sau tất cả những cố gắng nhưng vẫn bị họ hàng gièm pha, bị hàng xóm dòm ngó, bị mấy đứa bạn không hiểu chuyện cô lập, nói xấu v.v... Khi ấy thì hãy mặc kệ họ. Bạn không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, đừng buồn phiền vì những người dưng không hiểu bạn, nó không đáng.

Còn với cha mẹ, bạn đừng quá thất vọng khi đã cố gắng giải bày, tâm sự làm tất cả mọi thứ mà hai bác vẫn chưa hiểu bạn. Hãy kiên trì, nhẫn nại, bởi vì đây là một quá trình cần phải có thời gian. Biết đâu sau những nỗ lực hoàn thiện bản thân của bạn, cha mẹ ngoài mặt tỏ vẻ không ủng hộ nhưng trong lòng lại tấm tắc khen con mình làm đúng đấy.

Xin hãy nhớ rằng, tất cả cha mẹ trên đời này đều có mong muốn lớn nhất là nuôi con lớn lên sẽ thành nhân, trở thành người tốt chứ không phải kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, hãy thể hiện rằng bạn đang trở thành con người có ích cho xã hội. Một xã hội mà con người ngày càng yêu thương nhau, không vô cảm, biết quan tâm đến những vấn đề nhức nhối, thì đó mới là một xã hội đáng sống, đúng không nào các bạn?

Bài viết trên đây là những kinh nghiệm mà tác giả đúc kết được trong quá trình tham gia các vấn đề xã hội cộng thêm những lời khuyên chân thành từ các anh chị đi trước. Tất nhiên hoàn cảnh cuộc sống của mỗi người hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai, không gia đình nào giống gia đình nào. Nhưng những điều trên đây có thể được xem là những chìa khóa quan trọng để thay đổi thành kiến của những người thân xung quanh bạn. Chúc các bạn thành công và vững bước trên con đường đã chọn.

Trước việc nhiều trường học, từ cấp III đến đại học, đã, đang và sẽ tiếp tục có những công văn hoặc nhắc nhở kín để ngăn cản học sinh, sinh viên tham gia phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, xin trân trọng thông báo: Bất kỳ bạn nào gặp rắc rối, phiền phức do đã “trót” hoặc đang có ý định tham gia phong trào, có thể nhắn tin riêng cho (chúng) tôi qua http://facebook.com/pham.doan.trang. Chúng tôi sẽ tư vấn giúp bạn cách xử lý.
Chúng tôi hứa sẽ đảm bảo bí mật danh tính và các thông tin do bạn cung cấp, nếu bạn ngại bị làm phiền, trả đũa… mặc dù, bạn biết đấy, những kẻ bắt nạt chúng ta không thích gì hơn là thấy chúng ta cứ im lặng để bọn họ tiếp tục bắt nạt.