Friday 27 July 2018

Giới thiệu phim tài liệu "Mẹ vắng nhà"

Lâu nay, nhắc đến “Mẹ vắng nhà”, khán giả Việt Nam thế hệ 6x-7x có thể nghĩ đến bộ phim cùng tên của đạo diễn Trần Khánh Dư, dựa theo truyện ký “Người mẹ cầm súng” và “Mẹ vắng nhà” của nhà văn Nguyễn Thi, với nguyên mẫu nhân vật chính là nữ du kích cộng sản Nguyễn Thị Út (1931-1968), tên thường gọi là Út Tịch (vì chồng bà tên Tịch). 

Theo các tác phẩm đậm chất tuyên truyền của ông Nguyễn Thi thì bà Út Tịch chính là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Còn cái lai quần cũng đánh”. Bà cũng từng kể: “Hồi chín năm, nghe người ta nói đàn bà đi đái không khỏi ngọn cỏ không đánh giặc được, tôi tức mình leo tuốt lên ngọn dừa đái xuống coi bi cao, cho biết”. (“Bi cao” tiếng địa phương nghĩa là “cao bao nhiêu”).

Phim “Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Khánh Dư ra đời năm 1979, đoạt giải Bông Sen Vàng 1980 và một số giải thưởng điện ảnh quốc tế (khái niệm “quốc tế” ở đây được hiểu là điện ảnh của khối các nước XHCN). Phim được giới phê bình đánh giá là “đầy chất thơ”.

Năm 1979 cũng là năm nhân vật chính của bộ phim “Mẹ vắng nhà” thứ hai này ra đời – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm.

* * *

Khác hẳn với “Mẹ vắng nhà” 1979 của “điện ảnh cách mạng”, “Mẹ vắng nhà” 2018 là bộ phim tài liệu về gia đình của một nữ tù nhân lương tâm – Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – và phim xoay quanh cuộc sống của gia đình ấy trong những năm tháng Mẹ Nấm bị nhà nước cộng sản công an trị bắt bỏ tù, chỉ vì cô đã lên tiếng bảo vệ những nạn nhân của công an, bảo vệ môi trường, chống các tập đoàn-nhóm lợi ích Formosa, Mường Thanh… Cô là một người bảo vệ nhân quyền, đồng thời cũng là một nạn nhân của nền chính trị vô pháp vô thiên ở Việt Nam dưới thời cộng sản.

“Mẹ vắng nhà” 2018 cũng đầy chất thơ, chất nhân văn. Nó khiến người xem ứa nước mắt vì thương người bà và hai đứa cháu nhỏ “khi mẹ vắng nhà”, và không chỉ có thế, nó còn khiến khán giả phải tự đặt câu hỏi: Hệ thống chính trị nào có thể đẩy những người dân lương thiện, vô tội vào tù để gia đình họ phải chịu cảnh ly tán? Hệ thống chính trị nào lại có những kẻ tối ngày canh nhà dân, ném chất bẩn vào nhà họ, bóp cổ đấm đá cả người già, phụ nữ, đang tâm chia cắt tình cảm mẹ con?

Chỉ có thể là Việt Nam thời cộng sản – Việt Nam xã nghĩa.

“Mẹ vắng nhà” của đạo diễn Clay Phạm cũng là phim tài liệu đầu tiên về một người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam, hay có thể nói rộng hơn là phim tài liệu đầu tiên về phong trào dân chủ Việt Nam.



Tuesday 24 July 2018

Chúng tôi cần vài phút của bạn

Để tôi bắt đầu bằng việc kể câu chuyện này: 

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International, trụ sở ở Anh) hàng năm đều có một chiến dịch kêu gọi hàng trăm nghìn thành viên và ủng hộ viên của họ trên toàn thế giới, cũng như những người ủng hộ dân chủ-tự do nói chung, cùng viết thư tay cho tù nhân lương tâm ở một nước nào đó, hoặc cho những nhà nước vi phạm nhân quyền, hoặc cho các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền.

Bằng cách đó, Ân xá Quốc tế muốn truyền tải nhiều thông điệp: Thứ nhất là lời cảnh báo đến các nhà nước độc tài, rằng “các người đừng tưởng đóng kín cửa, bịt mồm dân lại là có thể muốn làm gì dân mình thì làm”. Thứ hai là lời nhắn nhủ các tù nhân lương tâm hay nạn nhân của vi phạm nhân quyền, rằng “các bạn không cô đơn”. Thứ ba, có lẽ quan trọng nhất, Ân xá Quốc tế muốn người dân khắp nơi trên thế giới nhận ra rằng “cây viết mạnh hơn cây kiếm” (the pen is mightier than the sword), vì sự thực là những lá thư đó có thể tạo ra sự thay đổi, ít nhất là cải thiện đáng kể đời sống của tù nhân lương tâm trong trại giam.

Ở Việt Nam, tù nhân lương tâm đầu tiên được Ân xá Quốc tế phát động thành viên và ủng hộ viên gửi thư, là ông Trương Quốc Huy (SN 1980, thành viên Khối 8406, bị tù sáu năm từ 2006 đến 2012 với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 BLHS cũ, đã sang Mỹ sau khi ra tù). Năm 2010, khi đang bị giam ở trại Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Huy được biết “quốc tế có gửi thư cho tù nhân lương tâm Việt Nam Trương Quốc Huy”, ông chủ động hỏi quản giáo và cuối cùng cũng nhận được một số lá thư thăm hỏi. Tất nhiên, đó chỉ là một vài trong số hàng chục, có thể là hàng trăm lá thư tay, từ nhiều cá nhân và tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới gửi về cho ông Huy theo lời kêu gọi của Ân xá Quốc tế.

Điều quan trọng là, như ông Huy sau này có nói với tôi, sau mỗi lần như vậy, điều kiện sống của ông ở trong trại được cải thiện rất nhiều. “Gần như cứ mỗi khi mà tự nhiên lại có thịt cá, đồ ăn tươi, có bác sĩ vào thăm khám, thái độ quản giáo nhẹ nhàng hơn… là mình biết chắc vừa có can thiệp từ quốc tế. Hoặc là họ đòi vào thăm, hoặc là họ gửi thư hàng loạt cho mình, kiểu như Ân xá Quốc tế làm đó. Có thể họ chẳng được vào gặp mình đâu, thư cũng không thể đến tay mình, nhưng điều kiện ăn ở thì khá lên rõ”.

Đó là lời kể của một người tù Việt Nam từng trực tiếp nhận thư trong chiến dịch viết thư của Ân xá Quốc tế. Còn như lời bà Kate Allen, một giám đốc của tổ chức này, thì những lá thư tay (xin nhấn mạnh là thư tay) đó rất có giá trị và tác dụng: “Khi bạn ngồi tù thì tất nhiên bạn không đọc twitter hay email được. Nhưng bạn có thể nhận thư và bưu thiếp. Và nếu bạn không nhận được thư và bưu thiếp thì gia đình của bạn có thể. Tôi không nhớ nổi đã có bao nhiêu lần tôi nghe tù nhân lương tâm hoặc một tổ chức nào đó (…) nói rằng những lá thư và bưu thiếp đó mang lại hy vọng. Chúng là mối liên hệ với thế giới bên ngoài, chúng cho tù nhân lương tâm hiểu rằng không phải họ đang đấu tranh một mình”.

Bạn thân mến,

Có thể bạn rất bận. Có thể bạn sẽ cho việc viết thư tay thời buổi này là phù phiếm, hình thức. Có thể bạn nghĩ những lá thư hay bưu thiếp bạn gửi cho Thuý Nga, Như Quỳnh, Hoàng Bình hay Trần Huỳnh Duy Thức đều không đến với họ và chẳng có ý nghĩa gì.

Nhưng thực tế – qua lời kể của người trong cuộc – là những lá thư tay đó ít nhất cũng có tác dụng khiến nhà tù phải lưu ý cải thiện đời sống của tù nhân lương tâm. Rõ ràng là việc một người tù “trong địa hạt quản lý” của mình nhận được hàng trăm thư từ bên ngoài phải khiến cho quản giáo ngần ngại hơn nếu có muốn trù dập người đó. Ấy là chưa nói, chắc hẳn những lá thư sẽ là một cách bảo vệ, để tù nhân lương tâm không bị bức hại, đánh đập hay thậm chí đầu độc trong tù.

Nếu bằng cách nào đó (mà chắc là có cách), các tù nhân lương tâm như Thuý Nga, Như Quỳnh, Hoàng Bình, biết được rằng mọi người bên ngoài gửi thư cho họ, thì họ sẽ được an ủi biết bao nhiêu; họ sẽ thấy mình không cô đơn.

Bạn thân mến,

Vì những điều đã nói trên, chúng tôi rất mong các bạn hãy dành thời gian làm một việc nhỏ này:

- Hãy mua/ tự làm bưu thiếp, gửi cho Thuý Nga, Như Quỳnh, Hoàng Bình, Trần Huỳnh Duy Thức, hoặc bất kỳ tù nhân lương tâm nào mà bạn biết.

- Hãy viết thư tay cho họ. 

Dưới đây là địa chỉ hiện nay của hai tù nhân lương tâm – hai người phụ nữ có con nhỏ, làm mẹ đơn thân và hiện đang chịu mức án 9-10 năm tù:
  • Trần Thị Nga: Đội vệ sinh, trung tâm Ayun, trại giam Gia Trung - Mang Yang - Gia Lai.
  • Nguyễn Ngọc Như Quỳnh: Đội 40, phân trại 4, trại giam số 05 - Yên Định, Thanh Hoá.
Ba lá thư tay từ facebooker Lê Bảo Nhi
gửi Thuý Nga, Như Quỳnh và Trần Huỳnh Duy Thức.
Ảnh lấy từ FB Bảo Nhi Lê. 
* * *

Bạn không cần viết gì nhiều, chỉ một dòng: “Em yêu chị”, “Em ủng hộ anh”, “Tôi yêu bạn”… là đủ.

Thậm chí bạn chỉ cần gửi trang giấy trắng có chữ ký của bạn, hay hình bông hoa, hay in dấu một nụ hôn.

Để tiện cho việc thống kê các lá thư, sau khi gửi thư, nếu có thể, xin bạn vui lòng nhắn “đã gửi thư cho Thuý Nga/ Mẹ Nấm…” cho chị Lê Bảo Nhi (Sài Gòn, FB Bảo Nhi Lê), Trịnh Kim Tiến (Hà Nội, FB Trịnh Kim Tiến), hay cùng lắm là nhắn cho tôi.

Cảm ơn các bạn nhiều.


Saturday 21 July 2018

Công an cũng... làm truyền thông!

Tháng 6/2013, khi còn là tù nhân lương tâm, ông Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực ở trại giam số 5 (Thanh Hoá). Chưa đầy một tháng sau, đến lượt blogger Điếu Cày tuyệt thực ở trại Thanh Chương (Nghệ An). Trong cả hai vụ, cách hành xử của đám cán bộ, công an, quản giáo nhà sản đều hệt như nhau:

Một mặt, chúng cho đàn dư luận viên rống lên trên các trang mạng, thậm chí cả trên tivi, rằng làm gì có chuyện ấy, có ai tuyệt thực đâu. Ví dụ như một tay bác sĩ kiêm công an ở trại giam số 6 từng nói Điếu Cày vẫn "ăn uống bình thường", "vui tươi" và được "ở một phòng rộng mênh mông, có tivi, có đầy đủ các loại” ngay cả trong thời điểm ông Điếu Cày tuyệt thực đã đến hồi nguy hiểm cho tính mạng.

Mặt khác, chúng đặt máy quay lén những người tù nhân lương tâm này trong phòng giam, rình rình để chỉ chờ lúc họ kiệt sức quá, buộc phải ăn trở lại, hoặc sơ hở chạm tay vào túi đồ ăn thôi chẳng hạn, là sẽ tranh thủ “làm truyền thông” ngay. Tức là sẽ hú lên rằng họ “ăn lại rồi, tưởng thi gan tuyệt thực thế nào”, hoặc “vẫn ăn đầy đủ, đâu có nhịn”, hoặc tệ nhất là “đói quá ăn vụng rồi”…

Chúng gọi đó là “làm truyền thông”. Công an cũng làm truyền thông cơ đấy.

Kể ra, thật nực cười khi nghĩ đến cảnh một dàn công an, quản giáo, máy quay phim, rích… vây xung quanh người tù tuyệt thực gầy xanh, để chăm chăm rình xem khi nào thì họ ăn lại hoặc khi nào họ sơ hở mà có hành động giống như tìm kiếm đồ ăn. Chúng mất thì giờ cho cái việc rình rập ấy ghê lắm, vì đơn giản là với cái máu hiếu thắng và hèn hạ của cộng sản, với căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” đã thành mãn tính, chúng không thể chịu thua dân được, nhất là tù nhân lương tâm – những người đã phải đi tù vì không sợ chúng, không khuất phục chúng.

Những ngày này, công an, quản giáo cũng đang diễn lại vở cũ đó với Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Lại tiếp tục rình mò, đặt máy quay để ghi hình lén. Khi bà Tuyết Lan vào thăm con, Quỳnh nói với mẹ: “Họ tưởng là con lục đồ ăn đó hả, không có đâu. Con chỉ sắp xếp lại đồ đạc thôi. Tưởng đặt máy quay, quay lén con mà ngon”. Bị bóc mẽ, đám quản giáo ngồi canh cay cú hét lên: “Chị không được nói những điều ấy ở đây”. Chẳng ngờ bị Quỳnh bóc tiếp: “Tôi có quyền nói”.

Không bịt miệng được Quỳnh thì họ đe sẽ dừng cuộc gặp thân nhân lại (và hàm ý là lần sau sẽ không cho gặp tiếp), nhưng Quỳnh cũng chẳng mảy may sợ hãi. Công an lại thất bại cay đắng.

* * *

Có lẽ không giới nào trong xã hội thể hiện được đầy đủ cái hèn của cộng sản hơn công an.

Hình dung bạn là một blogger. Khi thấy có bất công xã hội, bạn bức xúc và muốn nói gì đó, làm gì đó. Bạn đi biểu tình, liền bị công an bắt, đánh, cướp đồ, quy cho bạn tội gây rối trật tự công cộng và đè bạn ra phạt tiền. Bạn viết báo – chẳng báo nào đăng cho bạn, vì báo đài là quốc doanh hết cả rồi. Bạn viết blog hoặc facebook. Trang blog của bạn, nếu có chút ảnh hưởng, lập tức sẽ bị công an cho chặn tường lửa, hoặc nếu là trang facebook thì sẽ bị dư luận viên lợi dụng thuật toán sơ hở của facebook để báo cáo đánh sập. Cùng lúc đó thì chúng vẫn không ngừng “tuyên truyền” rằng ba cái bài viết lăng nhăng của bạn thì ai mà quan tâm, bạn hay những người như bạn chỉ là một thiểu số hằn học, bất mãn, chẳng được ai chú ý. (Viết lách vớ vẩn, không được quan tâm chú ý gì nhưng vẫn bị chặn tường lửa mới kỳ).

Nếu bạn bướng quá, nhất định không khuất phục mà lại còn có xu hướng khiến cho người khác cũng bướng theo mình, thì công an sẽ kiếm cớ bắt bạn (gọi là “làm án”), tống bạn vào tù. Bạn ngồi tù rồi vẫn không yên, công an sẽ liên tục ép bạn viết đơn nhận tội, quay clip nhận tội, xin đi tị nạn. Nếu bạn bướng nữa thì công an sẽ “thi hành kỷ luật”, cắt thăm gặp, cùm chân, biệt giam này nọ (chúng gọi là “giam bóc tách”). Nếu bạn tuyệt thực thì chúng vừa bố trí máy quay và nhân sự (“rích”) để rình xem bạn chịu thua chúng lúc nào, vừa quang quác “làm truyền thông” rằng bạn có tuyệt thực đâu, ăn trở lại rồi v.v. Lưu ý rằng chúng làm những điều ấy khi bạn vẫn đang ngồi tù, nghĩa là hoàn toàn ở trong tay chúng, một mình bạn đương đầu với cả đàn công an, quản giáo.

Không thể không thốt lên: Quả là không có giới hạn nào cho cái sự hèn hạ của công an – lực lượng bảo vệ và đồng thời cũng là đại diện xuất sắc của nhà nước cộng sản.

 Toàn ngành đang tích cực xây dựng và quảng bá tới quần chúng
hình ảnh người chiến sĩ CAND thân thiện, dễ mến,
hết lòng vì nhân dân phục vụ từ việc nhỏ nhất.
Ảnh không rõ nguồn.