Thursday 26 June 2014

Với giàn khoan 981, Trung Quốc thực sự muốn gì?

ENGLISH

Từ khi vụ giàn khoan Haiyang 981 xảy ra (2/5/2014) đến nay, RSIS – Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trực thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore – vẫn là một think-tank (viện tư tưởng) rất có ảnh hưởng đối với dư luận quốc tế quan tâm đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Sau khi RSIS đăng bài của học giả thân Trung Quốc Sam Bateman, theo hướng “khuyên” Việt Nam chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và cùng hợp tác vì lợi ích chung, TS. Dương Danh Huy (từ Anh quốc) và TS. Phạm Quang Tuấn (từ Úc) đã có bài viết phản biện. Cuộc bút chiến giữa Sam Bateman và hai chuyên gia người Việt ở nước ngoài kéo dài từ 15/5 đến 5/6.

Ngày 9/6, một trong số rất ít học giả trong nước chuyên về công pháp quốc tế và vấn đề Biển Đông, TS. Nguyễn Thị Lan Anh (Học viện Quan hệ Quốc tế), đã có bài viết đăng trên RSIS, chỉ ra rằng: Trung Quốc cố ý đặt giàn khoan dầu 981 vào vùng biển tranh chấp, tiến tới buộc Việt Nam phải cùng đàm phán với Trung Quốc để dàn xếp một thỏa thuận tạm thời.

Ngoài ra, cũng xin bạn đọc chú ý: Trung Quốc không chỉ cần chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, mà muốn nhiều hơn thế nhiều: Toàn bộ vùng biển nằm trong đường 9 đoạn (đường lưỡi bò).

* * *

HOÀNG SA 40 NĂM QUA

  • Nguyễn Thị Lan Anh

Tóm tắt

Hành động của Trung Quốc – đặt giàn khoan dầu vào vùng biển Hoàng Sa đang bị tranh chấp – còn hơn là một sự tranh cãi về chủ quyền. Nó là sự kháng lại luật biển quốc tế.

Bình luận

Một tháng đã qua (bài viết đăng ngày 9/6  ND) kể từ khi Biển Đông, vùng gần quần đảo Hoàng Sa, lại một lần nữa xáo trộn. 40 năm về trước, vào tháng 1/1974, Hoàng Sa là chiến trường giữa Trung Quốc và lực lượng khi đó là quân đội miền Nam Việt Nam.

Khi giành quyền kiểm soát quần đảo từ tay miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu hải quân Nam Việt và phá hỏng bốn tàu khác, làm 53 lính Việt Nam chết, 16 người bị thương. Trận chiến đưa đến việc Trung Quốc lần đầu tiên giành quyền kiểm soát hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa.

Còn hơn cả tranh chấp chủ quyền

Yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dựa vào việc triều đình nhà Nguyễn đã chiếm hữu Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ 17, khi các đảo này không thuộc về ai cả (vô chủ). Trong suốt thời kỳ thực dân phương Tây, Pháp – nước bảo hộ Việt Nam – đã thực thi liên tục chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Sau đó, chủ quyền ấy được chuyển từ Pháp sang miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Geneva 1954, và sau đó được kế tục bởi Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khi Bắc Việt và Nam Việt thống nhất vào năm 1975. Việt Nam đã tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền của mình bằng việc phản đối các hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.

Mặc dù yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa có cơ sở pháp lý rất mạnh, nhưng Trung Quốc vẫn khẳng định họ có chủ quyền “không tranh cãi”. Trung Quốc không chịu thừa nhận rằng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hiện còn đang tranh chấp, và họ từ chối thảo luận vấn đề chủ quyền với Việt Nam trong các cuộc đàm phán song phương. Bên cạnh đó, họ cũng không đồng ý đưa tranh chấp chủ quyền này ra một tòa án quốc tế.

Hành động khiến cho Hoàng Sa trở thành điểm nóng mới nhất trên Biển Đông là việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa.

Ban đầu, tranh cãi xoay quanh giàn khoan dầu có vẻ giống như tranh cãi về việc ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào vấn đề này, sẽ thấy đó cũng là một sự đối đầu xung quanh luật biển quốc tế.

Khoảng cách địa lý không phải vấn đề

Đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu nước sâu Haiyang Shiyou 981, là một đảo san hô và cát rộng 1,6 km2, không thích hợp cho con người ở cũng như không thể tự nó có đời sống kinh tế. Do đó, theo Công ước về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nó là “đá” và không thể được hưởng nhiều hơn lãnh hải 12 hải lý. (Xem Chú thích). Ngay cả khi một số đảo thuộc Hoàng Sa, trên nguyên tắc, được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đi chăng nữa, thì giàn khoan vẫn đang nằm trên “vùng biển tranh chấp”, vì hai lý do sau.

Thứ nhất, bởi vì cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, cho nên bất kỳ vùng đặc quyền kinh tế nào phát sinh từ Hoàng Sa cũng là khu vực tranh chấp.

Thứ hai, giàn khoan được đặt trong một khu vực có những yêu sách chồng lấn, bởi lẽ nó nằm trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tính từ đất liền, cũng như nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc nhận là của họ, tính từ quần đảo Hoàng Sa.

Khu vực đặt giàn khoan sẽ vẫn là khu vực tranh chấp cho tới khi nào Trung Quốc và Việt Nam nhất trí được với nhau về cách phân định biên giới trên biển ở nơi này. Theo thông lệ của các nước trong việc phân định biên giới trên biển, đảo Tri Tôn và các đảo khác thuộc Hoàng Sa chỉ được hưởng “hiệu lực thấp” khi xác định ranh giới hàng hải, bởi vì đường bờ biển của những hòn đảo nhỏ như vậy ngắn hơn nhiều so với đường bờ biển của Việt Nam. (Xem Chú thích).

Trung Quốc và Việt Nam từng làm theo thông lệ này khi đàm phán biên giới trên biển. Khi xác định biên giới biển của họ trên vùng cực bắc của Vịnh Bắc Bộ, hai nhà nước đã nhất trí chỉ cho Bạch Long Vĩ – một hòn đảo của Việt Nam nằm trong Vịnh Bắc Bộ – 25% hiệu lực. Điều này đã được áp dụng mặc dù Bạch Long Vĩ có diện tích 2,33 km2 và có dân định cư trên đảo.

Dù thế nào đi chăng nữa, do trong khu vực tranh chấp hiện nay không có thỏa thuận nào về biên giới biển, nên quan điểm cho rằng giàn khoan nằm gần Hoàng Sa hơn gần bờ biển Việt Nam là quan điểm sai. Giàn khoan đang được đặt trong vùng biển tranh chấp, nơi Trung Quốc không thể thực thi độc quyền nào.

Đường 9-đoạn của TQ rất khó vẽ vì nó... không có tọa độ.
(Nguồn: RFA)

Hành động triển khai giàn khoan của Trung Quốc đã vi phạm DOC

Thật ra căn cứ để Trung Quốc đòi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không phải là chuyện họ tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế cho quần đảo Hoàng Sa, mà (căn cứ đó) là những yêu sách của Trung Quốc, đòi quyền lợi và quyền tài phán đối với toàn bộ tài nguyên trong một vùng biển rộng, được bao quanh bởi đường 9 đoạn mà Trung Quốc đã vạch ra trên bản đồ Biển Đông của họ. (Ảnh trên)

Mặc dù không đưa ra một tài liệu chính thức nào biện hộ cho yêu sách hoặc cơ sở pháp lý của mình theo luật quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn dùng bản đồ đường 9 đoạn để tuyên bố quyền sở hữu đối với tất cả tài nguyên của khu vực biển nằm nằm trong đường 9 đoạn, ngay cả khi khu vực biển ấy thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.

Trung Quốc dùng bản đồ đường 9 đoạn làm căn cứ đòi chủ quyền, bởi vì khu vực biển có tiềm năng dầu khí lớn ngoài khơi Việt Nam hoàn toàn không nằm trong vùng biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền theo công pháp quốc tế về luật biển. Do đó, Trung Quốc quyết định phớt lờ luật biển quốc tế, và khẳng định chủ quyền của họ dựa vào bản đồ đường 9 đoạn, chiếm tới 85% diện tích Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, điều rất quan trọng là phải đặt được giàn khoan vào vùng biển đang tranh chấp. Theo luật biển, chừng nào Trung Quốc và Việt Nam chưa đạt được một thỏa thuận về phân định ranh giới trên biển, thì chừng đó hai nhà nước vẫn có nghĩa vụ pháp lý là phải nỗ lực để xác lập những dàn xếp tạm thời, có tính thực tiễn (Điều 74 UNCLOS – ND). Luật biển quốc tế cũng buộc Trung Quốc và Việt Nam không được có các hoạt động đơn phương có thể gây hại hoặc cản trở việc đàm phán về một hiệp định biên giới cuối cùng.

Các tòa án quốc tế đã từng có phán quyết rằng, trong khu vực có nhiều yêu sách hàng hải chồng lấn, sẽ là bất hợp pháp nếu một nước tìm cách thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên, bởi vì hành động đơn phương như vậy sẽ làm thay đổi vĩnh viễn hiện trạng khu vực, và do đó, gây hại hoặc cản trở việc đàm phán về một hiệp định biên giới chung cuộc.

Khi thảo luận với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), vốn có tính ràng buộc pháp lý, Trung Quốc đã liên tục nói rằng phải thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố năm 1992 về Cách Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Tuy nhiên, việc Trung Quốc đơn phương triển khai giàn khoan là sự vi phạm rõ ràng các điều khoản của DOC – văn kiện quy định rằng các bên liên quan phải tự kiềm chế, không tiến hành những hoạt động gây phức tạp tình hình hoặc làm tranh chấp leo thang.

Hy vọng Trung Quốc sẽ sớm hiểu ra rằng, bắt nạt các nước láng giềng, vi phạm luật quốc tế, không phải là cách hành xử của một siêu cường có trách nhiệm trên trường quốc tế.


-------

Chú thích:

Điều 121 UNCLOS định nghĩa đảo là "một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên, vùng đất này vẫn ở trên mặt nước". Khoản 3, Điều 121 quy định: "Các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì chỉ được phép có lãnh hải tối đa 12 hải lý, không được phép có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế". 

Theo tác giả - TS. Nguyễn Thị Lan Anh, do không thích hợp cho con người ở, không có đời sống kinh tế riêng, Tri Tôn (diện tích 1,6 km2) không phải đảo mà chỉ là đá, và vì vậy chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc đặt giàn khoan 981 ở tọa độ cách Tri Tôn 17 hải lý (ngày 2/5) tức là đã không còn trong lãnh hải của Tri Tôn. 

Ngoài ra, ngay cả khi Tri Tôn hay một số cấu trúc địa lý khác thuộc Hoàng Sa có được coi là "đảo" đi chăng nữa, thì chúng cũng không thể có hiệu lực đầy đủ trong phân định biên giới trên biển (hiệu lực đầy đủ nghĩa là được chọn là điểm cơ sở khi phân định biên giới.

Trong luật pháp quốc tế, từng có những án lệ theo đó, nếu so giữa bờ biển đất liền và đảo thì bờ biển đất liền có giá trị hơn là đảo trong việc phân định nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Lý do có thể là bởi các đảo đó quá nhỏ, không thích hợp cho con người ở… Chẳng hạn, trong Hiệp định phân định biên giới trên Vinh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam chỉ được 25% hiệu lực chứ không được hưởng hiệu lực đầy đủ, dù đảo này rộng tới 2,33 km2 và có người ở.

Đoan Trang dịch và chú thích

Tuesday 24 June 2014

Thư gửi một nhân viên an ninh (2)

Những người đi biểu tình ở Hà Nội, không biết có để ý đến ngày 5/8/2012? Đó là ngày đầu tiên lực lượng “chống phản động” (bao gồm cả an ninh, công an và dân phòng) có sáng kiến bắt người biểu tình, gom về trại lưu trú, tức trung tâm phục hồi nhân phẩm Lộc Hà, ngoại thành Hà Nội.

Riêng tôi, tôi rất nhớ 5/8/2012 là một ngày hè nóng bức, nắng vàng ong ong và mọi người – cả công an lẫn người bị bắt, lẫn những người đứng chờ ngoài cổng trại – đều nhễ nhại mồ hôi. Và tôi rất nhớ ánh mắt mệt mỏi của một anh công an trẻ, ngồi ở một góc phòng hỏi cung, trong lúc “đám biểu tình” đang bị “làm việc” đồng loạt. Khi buổi thẩm vấn tập thể kết thúc, căn phòng trở lại yên ắng. Nắng chiều đổ vào chỗ anh ta ngồi, nóng gay gắt. Anh bỏ mũ xuống cái bàn trước mặt, gục xuống một lúc rồi lại ngồi thẳng lên, ngáp dài, đôi mắt đỏ ngầu thiếu ngủ.

- Anh có mệt lắm không? – Tôi hỏi.

- Mệt mỏi lắm chị Trang ơi! Đấy chị xem, tuần nào cũng thế này. Tuần nào mấy người cũng đi biểu tình. Mà có thấy thằng Trung Quốc nào đâu cơ chứ…

Tôi cũng chỉ biết mỉm cười. Thật khó nói để anh hiểu, rằng việc người dân biểu tình ôn hòa chống những hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông là việc làm tốt, thể hiện lòng yêu nước, chính kiến của người dân, hình thành một mặt trận ngoại giao nhân dân, cùng với nhà nước bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngay kể cả nó không có mục đích ấy, hoặc không đạt được mục đích ấy đi chăng nữa, thì biểu tình, tự do tập hợp và biểu đạt chính kiến, vẫn là quyền tự do căn bản của công dân; và nhiệm vụ của lực lượng công an là phải bảo vệ biểu tình chứ không phải là đánh đập, bắt bớ người biểu tình, rồi còn có các biện pháp “đánh nguội” sau đó như đe dọa, miệt thị, bôi nhọ họ trên truyền thông.

Nhưng, nói sao anh hiểu? Suy cho cùng, quyền tự do biểu đạt, quyền tham gia chính trị, v.v. của người dân là những khái niệm hoàn toàn xa lạ với anh và những công an viên như anh. Còn trước mắt là chuyện tuần nào anh cũng phải ra đường bêu nắng, chụp bắt và sau đó “làm việc” với những người mà cấp trên của anh (đại diện cho “Nhà nước”) luôn bảo là phản động, là Việt Tân trá hình, lợi dụng lòng yêu nước để gây rối trật tự công cộng và chống phá chế độ.

“Tuần nào cũng thế này!”. Nghĩa là chủ nhật tuần nào, anh cũng phải bỏ vợ con, gia đình ở nhà, lếch thếch ra đường đấu tranh với “bọn biểu tình”, trong cái nóng nực, trong sự mệt mỏi và thiếu ngủ. Rồi phải bắt chúng lên xe buýt, đưa về đồn hoặc về trại phục hồi nhân phẩm, nghe chúng chửi mắng, rồi cũng không quyết định được gì cả, hơi một tí lại phải gọi điện báo cáo, chờ cấp trên cho chỉ thị…

Nghĩ như vậy, làm sao không thấy thương anh?

Nếu là người yêu nước đi biểu tình mà bị đối xử thế này, bạn có ôn hòa được không?

Truyền thống của ngành an ninh

Nhưng thành thực mà nói, lực lượng an ninh-công an Việt Nam có một đặc điểm kỳ lạ, là: Đối với họ, không hiểu sao, có muốn thương cũng không được.

Từ lâu nay ở Việt Nam, vẫn có một lực lượng đông đảo những người mà tôi gọi là “thành phần thứ ba” hay “các nhà bất mãn với các nhà dân chủ”. Đó là những người hiểu về các giá trị của dân chủ, hiểu rằng chính thể hiện nay của Việt Nam là một chính quyền tồi tệ, được lãnh đạo bởi một đảng độc tài tồi tệ. Nhưng họ hoàn toàn ngờ vực, không tin, thậm chí ghét bỏ những người đấu tranh cho dân chủ hay nói chung là “phong trào đối lập”, vì thấy phe đối lập có quá nhiều điều bất ổn. Một trong những điểm bất ổn là sự đối đầu gay gắt với lực lượng bảo vệ chế độ và bạ ai, bạ cái gì cũng chửi; ví dụ, gọi công an là “chó”, “lợn”, gọi Đảng Cộng sản là “bọn bán nước”, “tay sai Bắc Kinh”, v.v.

Nhưng có một điều khổ tâm cho phe đối lập, mà “các nhà bất mãn với các nhà dân chủ” không hiểu cho: Ấy là, với lực lượng an ninh, thật sự có muốn thương yêu, muốn nghĩ tốt về họ, muốn ôn hòa với họ, cũng rất khó. Xin lưu ý là điều này đặc biệt đúng với những cán bộ an ninh cấp cao, những đồng chí ngồi ở vị trí lãnh đạo và/hoặc tham mưu cho lãnh đạo. Chứ còn những người đã phải ra đường trực tiếp “đấu tranh với bọn phản động” thì là cấp thấp rồi, không hẳn đại diện cho bộ mặt của an ninh Việt Nam.

Dẫu ta có ôn hòa, lịch thiệp với họ, thì cũng chỉ được vài câu là lại thấy cái đặc thù công an Việt Nam ở họ bộc lộ: Lại là giọng khiêu khích, mỉa mai, châm chọc, kiểu: “Thế nào, đi biểu tình được bao nhiêu tiền”, “Bây giờ cho ra Hoàng Sa chiến đấu bảo vệ đất nước nhé”, “Được giải nhân quyền vui chứ hả, anh em bạn bè chúc mừng chưa”… Lại là giọng răn dạy, định hướng”, tóm lại là muốn “quản lý” dân, coi dân như lũ ngu, không có thông tin, chẳng biết gì, chứ không thèm đối thoại, càng không cần nghe. Lại là giọng nói xấu, “dìm hàng”, bôi nhọ người thứ ba (vắng mặt):

- Lúc bắt đầu biểu tình, thấy H. hô hào to lắm. Đến lúc thấy công an đến, H. lại chạy ra một chỗ khuất giả vờ gọi điện thoại, hí hí… Bỏ mặc anh em, hí hí…

- Tay T. đó bọn tôi lạ gì. Trình độ văn hóa lớp 3, chữ không đầy cái lá mít mà viết lách gì.

- Bà đó làm ăn thua lỗ, mất tiền, sinh ra điên điên dở dở thế rồi đi biểu tình, rồi được bọn trên mạng nó bơm lên thôi. Khổ…

Trong mắt họ, đặc biệt là các cán bộ của ngành an ninh, dường như ngoài lãnh đạo Đảng, lãnh đạo ngành ra, chẳng còn ai là người tốt, phàm là dân thì ai cũng xấu xa, nhất là “phản động” thì còn xấu nữa. Người nào cũng bần tiện, lưu manh, ít hiểu biết, còn nếu có chút kiến thức hay bằng cấp thì lại là phường cơ hội, háo danh, hoặc hoang tưởng.

Nói về luật sư Trịnh Hội, người có bằng thạc sĩ luật nhân quyền ở ĐH Oxford, một tờ báo của ngành công an viết: “Đó là những danh xưng hão, nhiều kẻ học đòi nghe lớp lý lịch của Hội thì át vía chứ chẳng tài cán gì. Cái danh ấy có được chủ yếu cũng đến từ “ngoại” – như cái cách mà Hội làm ở hải ngoại, ấy là nấp dưới mác bố vợ Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống ngụy”. Than ôi, họ tưởng Oxford cũng giống như trường đại học ở Việt Nam, có thể nhận “chỉ đạo” từ ông Nguyễn Cao Kỳ, gửi gắm con cái vào học hay sao? Họ tưởng các đại học ở phương Tây đều giống như ĐH Kiến trúc TP.HCM, nơi Ban Giám hiệu “giật mình” khi biết “có con trai của một cán bộ cao cấp Chính phủ học tập ở trường mình” ư?

Khi tôi viết những dòng này, tôi biết rằng nếu có đọc được, họ sẽ lại ngay lập tức bật cái cơ chế tự động nói xấu và bôi nhọ người khác trong não của họ lên, để bảo rằng “Đoan Trang viết bài bênh vực cho quan thầy Trịnh Hội, ông chủ của Trang ở Việt Tân”. Nói sao để họ hiểu?

Quen lối suy nghĩ xấu xa về người dân, về xã hội, làm sao họ tin được trên đời này, có những người đi biểu tình thực sự vì yêu nước? Có những người bỏ công việc trị giá vài nghìn USD mỗi tháng để dấn thân vào con đường xây dựng xã hội dân sự, tạo nền móng cho một nền dân chủ bền vững ở Việt Nam trong tương lai? Làm sao họ hiểu được xã hội dân sự thực chất là gì, nhân quyền là gì, tự do-dân chủ là gì?

Đã thành một thứ truyền thống của ngành, đó là: An ninh Việt Nam không bao giờ nghĩ được cái gì tốt đẹp. Không bao giờ.

Anh ấy du học ở một nước phương Tây. 
Và anh ấy được báo chí quốc doanh ca ngợi là "đi lên bằng chính đôi chân mình".

Ai cần tình thương yêu?

Điều khủng khiếp mà tôi nhận ra trong quá trình cố gắng tìm hiểu lực lượng an ninh và thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là: Chính quyền công an trị ở Việt Nam không cần người dân yêu thương họ, mà thật ra cũng không cần người dân thương yêu ai cả. Đối với chính quyền, tốt nhất là dân chúng Việt Nam đừng yêu thương ai/cái gì hết, kể cả yêu Đảng Cộng sản, bởi vì yêu Đảng rồi lại ý kiến ý cò, đòi Đảng phải cải cách, phải đổi mới, phải làm cái nọ cái kia để xứng đáng với tình yêu ấy, phức tạp lắm, mệt lắm.

Bản thân lực lượng an ninh cũng có nhiệm vụ khiêu khích, chọc ngoáy, cốt làm sao cho các gương mặt đối lập “nổi điên” lên, phản ứng lại, mà tất nhiên là chẳng làm gì được, rồi thành ra ức chế, bí bức và rốt cục là sống trong thù hằn. Nói cách khác, chính quyền chỉ sợ các nhà đấu tranh trở thành những nhân cách lớn, tràn đầy tình yêu thương, cao thượng, thu hút quần chúng; chứ sợ gì những kẻ hằn học, bất mãn, thất bại.

Dân ghét Đảng ư? Tốt, không cần dân yêu, chỉ cần nghe lời – tức là chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng – là được.

Dân ghét “phong trào dân chủ”, “lực lượng đối lập” ư? Quá tốt. 

Dân ghét nhau ư? Càng tốt, để khỏi “chung tay xây dựng xã hội dân sự”, khỏi thành lập những “No-U xóa đường lưỡi bò, bảo vệ Tổ quốc”, “Cơm có thịt”, “Hội bầu bí tương thân”, v.v.

Cái khó đối với chúng ta bây giờ, là phải làm gì trong một xã hội có một chính quyền và một lực lượng an ninh chỉ chăm chăm gieo rắc những suy nghĩ xấu xa và lòng thù hận như thế? Mà chúng ta thì không phải là thánh để có thể đem yêu thương đối đãi hận thù…


Sunday 22 June 2014

Mắng Tập Cận Bình

(Thơ anh trai tôi)


Ta bảo này Tập
Bốn nghìn năm đi guốc bụng mày
Chẳng qua. Cười.
Khốn nạn vài mươi năm tưởng dài
Bất quá. Một đêm say.

Nam Quốc sơn hà - Ngươi có hay
Đại cáo bình ngô - chứng nhân còn đấy
Tự cổ Đằng giang - màu sông vẫn vậy
Gò Đống Đa - lịch sử chưa xa

Đất này, nước này, mày có được cũng làm ma
Dẫu đám thông đồng kia, phường Thống Chiêu, Ích Tắc
Hào khí Thăng Long, ý chí Diên Hồng sẽ dìm tất
Những Chương Dương, Hàm Tử, Lục Đầu Giang
Đừng quên Chi Lăng, Đống Đa, Như Nguyệt... mà làm càn

Cả nghìn năm sau
Lũ chúng mày
Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập
Phải biết bảo nhau ăn ở biết điều
Chớ cậy 981.
Nước ta đầy Dã Tượng, Yết Kiêu
Đủ cho chúng mày biết
Thế nào là
Trường Sa, Hoàng Sa

Hồn về.
Những chiến binh cảm tử Gạc Ma
Sẽ bóp cổ chúng mày dìm xuống Biển Đông dậy sóng
Đừng tưởng cậy tàu to, súng ống
Nước Nam này
Không bao giờ
Chịu nhục trước chúng bay
Ngậm máu phun người
Sẽ có ngày
Báo oán...

21/6/2014

Saturday 21 June 2014

Tự do báo chí - món quà quý nhất cho các nhà báo Việt Nam ngày 21/6

Ngày Báo chí cách mạng 21/6 năm nay, báo giới Việt Nam được nhận một món quà “đắng ngắt cả lòng”, đó là Thông tư của Tòa án Tối cao quy định kể từ ngày 16/6/2014, phóng viên tác nghiệp tại tòa phải vừa có thẻ nhà báo, vừa có giấy giới thiệu. Thông tư này được ban hành theo gợi ý của một đồng nghiệp của họ - đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội nhà báo kiêm Đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016).

Ai làm báo thực sự (nghĩa là không có màn chạy vạy, đút tiền, bỏ nhỏ “xin anh cái thẻ”, chỉ thực tâm theo nghề và làm đúng luật) đều hiểu có được cái thẻ nhà báo ở Việt Nam khó tới mức nào. Nếu không có thẻ, người làm báo cho dù tài năng, chuyên nghiệp đến đâu cũng chỉ được gọi là phóng viên, cộng tác viên, với hàm ý thấp kém hơn.

Theo Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo, muốn được cấp thẻ, người làm báo phải đáp ứng một loạt điều kiện, như “Có thời gian công tác liên tục theo chế độ biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ ba năm trở lên, tính đến thời điểm xét cấp thẻ”, “Không vi phạm quy định về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp báo chí; không bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm xét cấp thẻ”, “Được cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, Sở Văn hóa - Thông tin (đối với báo chí các tỉnh, thành phố) và Hội Nhà báo cùng cấp thống nhất đề nghị cấp thẻ nhà báo”... Điều kiện phức tạp và lằng nhằng, nhưng có thể tóm tắt lại là phải ngoan, chấp hành đúng đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, ít phản biện thôi, mà nhất là phải tuyệt đối không chống đối.

Trong một nhà nước công an trị như Việt Nam, phóng viên tác nghiệp tại tòa là một công việc nhạy cảm, đặc biệt với các phiên tòa chính trị. Vì thế cho nên không có gì lạ khi Tòa án Tối cao cho ra Thông tư 01/2014, buộc phóng viên phải có thẻ nhà báo VÀ giấy giới thiệu. Thông tư này đã giúp ngành công an và tư pháp “sàng lọc đối tượng” thêm một lần nữa, đảmbảo là báo chí dự phiên tòa sẽ ngoan hết mức có thể.

Vi phạm tự do báo chí ngay từ trong luật pháp

Cũng phải nói thêm rằng các quy định về điều kiện để có thẻ nhà báo chỉ là “theo luật”. Trên thực tế, người viết bài này từng gặp một vài anh doanh nhân hoặc nhân viên PR không làm báo một ngày nào nhưng vẫn có thể cười nói hể hả: “Đây chả làm báo bao giờ vẫn có thẻ, thậm chí còn là thành viên Hội Nhà báo Việt Nam, quen thân với bao nhiêu thằng phóng viên, mà bây giờ mình bảo nó viết gì nó cũng viết”.

Đặt sang một bên chuyện mập mờ, khuất tất và bất công trong việc cấp thẻ nhà báo, một câu hỏi lớn hơn đặt ra là: Ai cho phép cơ quan nhà nước Việt Nam (Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông) được đứng ra xét duyệt và cấp thẻ nhà báo, nhập nhằng giữa khu vực nhà nước và khu vực xã hội dân sự? Báo chí về bản chất là một khái niệm thuộc về xã hội, và cơ quan báo chí không phải là cơ quan thực thi công vụ. Nhà nước không có quyền đứng ra cấp thẻ nhà báo để định danh cho người tiến hành hoạt động nghề nghiệp này; nói cách khác, nhà nước không được lấn sân, chiếm lấy một lĩnh vực không phải của mình.

Nhưng nhà nước cứ giành lấy quyền xét duyệt và cấp thẻ nhà báo đấy, làm gì được nào? Đòi hỏi “phải là hội nghề nghiệp mới được có cái quyền đó” hả, nhà nước sẽ lập ra Hội Nhà báo – cơ quan mà chủ tịch luôn là một đồng chí ủy viên Trung ương Đảng. Hội này mà đứng ra xét duyệt cấp thẻ thì đám phóng viên chỉ có khóc. Tiện đây nói thêm, cái tổ chức “xã hội dân sự” trá hình mang tên Hội Nhà báo Việt Nam ấy chưa bao giờ lên tiếng bảo vệ một nhà báo nào trong quan hệ với chính quyền, đặc biệt nếu liên quan đến các vụ án chính trị. Ông Phó Chủ tịch hiện nay của nó, Hà Minh Huệ, chính là người đã gợi ý Tòa án Tối cao cho ra Thông tư 01/2014 cản trở nhà báo tác nghiệp tại tòa.

Tự do báo chí là những điều hết sức cụ thể

Chắc chắn giới lãnh đạo và lực lượng bảo vệ chế độ, khi được hỏi về tự do báo chí (cũng như tự do xuất bản), sẽ viện dẫn chuyện trình độ dân trí, nghiệp vụ chuyên môn của nhà báo, rồi ôn tồn mà rằng “làm cái gì thì cũng cần phải có lộ trình”.

Cái lộ trình tự do hóa báo chí-xuất bản đó cụ thể thế nào, mãi chưa thấy họ đưa ra.

Có giấy giới thiệu, nhưng không có thẻ, cho nên cuối cùng phóng viên đã không được vào trong Tòa.

Trong khi đó, tự do báo chí-xuất bản, nói rộng ra là tự do truyền thông và tư tưởng, được thực hiện thông qua những nguyên tắc rất căn bản:

1. Không kiểm duyệt: “Mọi người đều có quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến” (Điều 19, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị). Nhà nước không được ngăn chặn, hạn chế truy cập vào bất kỳ nguồn thông tin nào. Không được soạn thảo luật theo hướng gieo rắc sợ hãi và sự tự kiểm duyệt.

2.  Tự do làm truyền thông: Mọi công dân đều có quyền mở tòa báo, lập kênh truyền thông, hoặc mở công ty truyền thông, tóm lại là được quyền thiết lập và vận hành bất kỳ hình thức truyền thông nào. Nhà nước không được sử dụng luật pháp, thuế má hay các biện pháp kỹ thuật để ngăn cản việc cung cấp và truyền đạt thông tin.

3. Không phân biệt đối xử: Người làm báo/ làm truyền thông và cơ quan báo chí/ truyền thông phải được đối xử bình đẳng, như nhau, bất kể báo chí trung ương hay địa phương, trong nước hay nước ngoài, quốc doanh hay tư nhân, bất kể loại hình báo chí (truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, đa phương tiện). Ngay cả những rào cản xã hội – như giữa nam giới và phụ nữ làm báo – cũng phải bị xóa bỏ. Tất cả các công dân đều phải được bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, bình đẳng trong việc thu thập và truyền đạt thông tin.

4. Tự do đi lại, tự do tiếp cận và truyền đạt thông tin: Người làm báo/ làm truyền thông phải được tự do đi lại trong nước và giữa các nước với nhau (nghĩa là cả nhà báo nước ngoài cũng phải được tôn trọng khi họ tác nghiệp).

5. Tự do quyết định nội dung: Các cơ quan báo chí/ truyền thông phải có quyền quyết định nội dung tin bài/ sản phẩm truyền thông của mình và có quyền phổ biến các quan điểm độc lập và/hoặc khác biệt với chính quyền. Quyền tự do quyết định này đặc biệt phải được áp dụng với báo chí quốc doanh. Nhà nước phải tôn trọng sự khác biệt quan điểm của cơ quan báo chí và giữa cơ quan báo chí với nhau.

6. Không được hạn chế báo chí tác nghiệp: Nhà nước không được sử dụng chế độ cấp giấy phép/ thẻ hành nghề cho nhà báo. Nhà báo cần được khuyến khích tác nghiệp, làm việc theo đúng đạo đức báo chí. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là thông qua cơ chế cạnh tranh, giám sát và điều chỉnh lẫn nhau giữa chính các cơ quan báo chí.

7. An toàn thân thể và tính mạng cho người làm báo: Tất cả những người làm báo/ làm truyền thông phải được bảo đảm an toàn thân thể và tình mạng. (Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhà báo cần được hưởng chế độ bảo vệ đặc biệt hơn so với các công dân khác).

(Các nguyên tắc tự do báo chí – Liên minh Báo chí Đông Nam Á, SEAPA)

Ngày 21/6 năm nào, nhà báo Việt Nam cũng được tặng hoa, quà, khuyến mãi khi mua hàng, v.v. Nhưng có lẽ món quà lớn nhất, tuyệt vời nhất, có giá trị bền vững nhất đối với họ, chính là tự do báo chí, với việc thực hiện những nguyên tắc cụ thể nêu trên.

Thursday 19 June 2014

UPR hay và dở


UPR được đánh giá là một cơ chế bảo vệ nhân quyền hiệu quả của Liên Hợp Quốc, bởi các phiên UPR là diễn đàn duy nhất mà các tổ chức dân sự của một quốc gia có thể đến tham dự và phản ánh, báo cáo về tình hình nhân quyền nước mình. Tuy thế, qua 18 kỳ UPR từ trước tới nay, người ta cũng đã nhận thấy nhiều cái dở của cơ chế này, mà nổi bật lên là khả năng các nước độc tài hợp tác thành phe cánh để biểu dương lẫn nhau về “thành tựu nhân quyền đạt được”, bất chấp thực tế.

Các nhà hoạt động nhân quyền của Việt Nam, thành viên của phái đoàn dân sự độc lập tham dự kỳ UPR lần thứ 18 vừa rồi (27/1-7/2/2014), hẳn đã chứng kiến tận mắt cách thể hiện của mỗi quốc gia có mặt điều trần, và sự cấu kết, bênh vực nhau đến thô thiển giữa nhóm nước “bét bảng” của thế giới về nhân quyền: Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Venezuela, Bắc Triều Tiên… Nhưng dù sao, cũng phải nói rằng nếu không có UPR, khối dân sự độc lập của chúng ta đã không bao giờ có cơ hội được đến một diễn đàn quốc tế như vậy.

Những kỳ vọng về UPR

UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, là một cơ chế được thiết lập theo Nghị quyết 60/251 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. UPR bảo vệ nhân quyền bằng cách thực hiện chức năng đánh giá (kiểm điểm) các nước “dựa trên những thông tin khách quan và đáng tin cậy về việc mỗi nước thực hiện các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của họ như thế nào” (Nghị quyết 60/251).

UPR được kỳ vọng là sẽ “đảm bảo tính phổ quát của nhân quyền và đối xử bình đẳng giữa tất cả các quốc gia”. Nghị quyết 60/251 còn tuyên bố rằng UPR sẽ là “một cơ chế hợp tác, dựa trên đối thoại tương tác, với sự tham gia đầy đủ của nước liên quan và có xét đến các nhu cầu nâng cao năng lực của nước đó”.

Nói vậy là bởi vì, UPR là cơ chế áp dụng đối với tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc, nghĩa là gần như với cả thế giới. Từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Tây Âu, đến các nước nghèo như Zimbabwe, Mozambique ở châu Phi, đến nước có thu nhập trung bình như Việt Nam, ai cũng đều phải lần lượt ra báo cáo, điều trần về tình hình nhân quyền nước mình. Liên Hợp Quốc kỳ vọng, ngay cả những quốc gia chưa bao giờ thấy hồ sơ nhân quyền của họ bị đem ra thảo luận, thì trong quá trình kiểm điểm cũng sẽ phải đối diện với những câu hỏi hóc búa từ các quốc gia ngang hàng (bình đẳng) với mình.

Phiên UPR đầu tiên của chu kỳ UPR đầu tiên diễn ra từ ngày 7 đến ngày 18/4/2008, với việc kiểm điểm tình hình nhân quyền của 16 nước: Bahrain (Ba-ranh), Ecuador, Tunisia, Morocco (Ma-rốc), Indonesia, Phần Lan, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Brazil, Philippines, Algeria, Ba Lan, Hà Lan, Nam Phi, CH Séc, và Argentina.

Từ năm 2008 đến nay, quá trình “luân phiên làm kiểm điểm” hiện đã bước sang vòng thứ hai.

Bên cạnh đó, một ưu điểm nữa của UPR là nó cho phép khối xã hội dân sự (tức là các tổ chức phi chính phủ) cũng có thể tham dự và gửi báo cáo về tình hình nhân quyền nước mình cho Liên Hợp Quốc, gọi là “báo cáo của các bên liên quan”. Thông tin từ khối xã hội dân sự được coi như một nguồn đầu vào có giá trị để Liên Hợp Quốc tham khảo.

Thực tế không như kỳ vọng

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những phiên UPR vừa qua, giới bảo vệ nhân quyền đã bắt đầu phải đặt câu hỏi về khả năng UPR bị nhiều chính phủ thao túng, và liệu UPR có phải là một cơ chế hiệu quả để đánh giá thực trạng nhân quyền của mỗi nước hay không.

Trên thực tế, thay vì đặt ra các câu hỏi hóc búa để chất vấn nhau, các nước cùng “băng đảng độc tài” lại tỏ ra đoàn kết. Ngay tại phiên UPR thứ 18, các nhà hoạt động Việt Nam cũng đã chứng kiến: Những câu hỏi thành thực, thể hiện sự quan tâm và hiểu biết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, lại chỉ đến từ các nước phương Tây, như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Phần Lan… Trong khi đó, Lào, Cuba, Trung Quốc lại tỏ ra rất hào phóng trong việc khen ngợi Việt Nam.

Từ phiên UPR đầu tiên năm 2008, các nước tham gia đối thoại tương tác đã xây dựng một thông lệ, theo đó, bố cục chung của mỗi phát biểu là: Đầu tiên, ghi nhận những thay đổi tích cực ở quốc gia bị kiểm điểm; sau đó, nêu các vấn đề gây quan ngại; tiếp theo là phần câu hỏi chất vấn; và cuối cùng là các kiến nghị nếu có.

Kết quả, trên thực tế sau 18 kỳ UPR: “Nhìn chung, những lời khen ngợi vượt xa các ý kiến phê bình, còn các kiến nghị đưa ra thì nhiều khi quá chung chung và mơ hồ đến nỗi khó mà định lượng được mức độ thực hiện chúng trong tương lai. Trong quá trình đối thoại tương tác, một số nước còn duy trì cái lệ hỏi cùng một câu hỏi, nêu cùng một vấn đề cho tất cả các nước khác” (đánh giá của tổ chức Sáng kiến Nhân quyền Khối Thịnh vượng chung, CHRI).

Ngoài ra, khi tham dự phiên điều trần của chính phủ Việt Nam hồi tháng 2/2014, các nhà hoạt động Việt Nam nhận thấy: Không chỉ các nước cùng “băng đảng độc tài” mới bênh Việt Nam, mà những quốc gia cùng khu vực hoặc cùng tổ chức cũng có xu hướng thiên vị nhau. Thái Lan và Philippines đều bỏ qua nhiều vấn đề nhức nhối về nhân quyền ở Việt Nam, mặc dù hai nước láng giềng này có lẽ hiểu hơn ai hết về tình hình nhân quyền nơi đây.

LS. Trịnh Hữu Long trình bày về tình hình nhân quyền trong Ngày Việt Nam (30/1/2014) ở Geneva.

Đánh giá lại UPR

Sự cấu kết, bênh vực lẫn nhau trong quá trình kiểm điểm đã khiến chất lượng của đối thoại suy giảm: kém tính thẳng thắn, chất vấn, và kém sức ép để nước bị kiểm điểm phải thay đổi.

Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, UPR cũng vẫn là một cơ chế có ích:

-          Nó thu hút sự chú ý của công luận đến tình hình nhân quyền ở quốc gia bị kiểm điểm, mặc dù có khi chỉ là trong thời gian trước và trong phiên điều trần.

-          Nó tạo cho khối xã hội dân sự ở quốc gia bị kiểm điểm một cơ hội để lên tiếng. Tổ chức CHRI đánh giá rằng “mặc dù chỉ thỉnh thoảng thông tin của các bên liên quan mới được đề cập tới, nhưng trong một vài trường hợp nhất định, rõ ràng là đại đa số các vấn đề được đề cập trong báo cáo của khối xã hội dân sự thì cũng đã được các quốc gia nêu ra trong quá trình đối thoại tương tác”.

-          Nó cũng là cơ hội để cộng đồng quốc tế đòi hỏi quốc gia chịu kiểm điểm phải trả lời những câu hỏi mà có thể chẳng bao giờ được nêu ở các diễn đàn khác, các cơ chế liên chính phủ khác.

Điều quan trọng nhất là, UPR mở ra nhiều cơ hội chưa từng có trong quá khứ cho khối xã hội dân sự của một nước đối thoại với cộng đồng quốc tế. UPR cũng tạo ra một mặt trận, hay nói đúng hơn, một sân chơi, để các nhà hoạt động, các tổ chức dân sự ở mỗi nước tham gia mạnh mẽ vào công cuộc bảo vệ nhân quyền và hoạch định chính sách ở nước mình.

Cuối cùng, một điểm tích cực nữa có thể được nhận thấy ở UPR là: Rất dễ xác định những quốc gia đã từng cam kết, từng hứa hẹn và sau đó nuốt lời. Ví dụ như Việt Nam đã chấp thuận 96 trên tổng số 123 khuyến nghị của kỳ UPR thứ 5 (tháng 5/2009), theo đó Việt Nam hứa hẹn “tiến hành những bước cần thiết để (…) đảm bảo quyền được xét xử công bằng”, “sửa đổi Luật Báo chí”, “đảm bảo Luật Xuất bản tuân thủ Điều 19 ICCPR”. Bước sang kỳ UPR thứ 18 vừa rồi, danh sách các khuyến nghị tăng lên 227, và gần như không có một khuyến nghị nào của kỳ UPR trước được thực hiện.

Cũng vậy, rất dễ nhận ra những liên minh giữa các nước “cùng hội cùng thuyền” với nhau, những lời khen tặng lẫn nhau và cả những lời tự khen.

Nguồn: http://vietnamupr.com/2014/06/upr-hay-va-do/

---

Chú thích:

Vào ngày 20/6/2014 tới đây, Chính phủ Việt Nam sẽ trình bày báo cáo kết quả hồi đáp cho những khuyến nghị tại phiên điều trần UPR ở kỳ họp lần thứ 18 (diễn ra vào ngày 5/2/2014 vừa qua).

Tổng cộng Việt Nam nhận được 227 khuyến nghị từ các nước, về cải thiện nhân quyền trong nước. Trong phiên họp ngày 20/6 tới, Chính phủ Việt Nam sẽ công bố là họ chính thức chấp nhận hoặc bác bỏ khuyến nghị nào. 

Bài liên quan:

Hậu UPR: Làm thế nào vận dụng cơ chế LHQ để bảo vệ nhân quyền? 
Ngắn gọn về UPR (kỳ 1)
Ngắn gọn về UPR (kỳ 2)

Tuesday 17 June 2014

CNN: Trung Quốc dùng sách giáo khoa của Việt Nam làm bằng chứng

Ngày 11/6/2014, CNN, cơ quan truyền thông lớn ở Mỹ, có thêm một bài viết trong chuyên đề “Căng thẳng trên biển Hoa Nam” của họ. Bài viết này mang tựa đề “Trung Quốc dùng sách giáo khoa của Việt Nam để khẳng định chủ quyền trên biển Hoa Nam”, trong đó, nhà báo Hilary Whiteman tiếp tục trích dẫn trực tiếp TS. Sam Bateman, người từng có những bài bình luận, phân tích thiên vị Trung Quốc và bất lợi cho Việt Nam, chẳng hạn cho rằng Việt Nam nên chấp nhận chủ quyền Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.

CNN đăng tải và nhấn mạnh phát biểu sau đây của Sam Bateman: “Hầu hết các nhà quan sát quốc tế khách quan và độc lập đều nhất trí rằng hồ sơ chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa tốt hơn hồ sơ của Việt Nam”.

Sự việc này cho thấy: Mặc dù Việt Nam thực sự có chủ quyền từ trong lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa, nhưng nếu một nhà nghiên cứu cao cấp của khu vực, chuyên gia về an ninh hàng hải, cựu sĩ quan hải quân như Sam Bateman mà đã nghĩ như vậy, thì nhiều người khác cũng có thể (bị tác động và) có quan điểm như ông này. Rõ ràng, những học giả như Sam Bateman và những cơ quan truyền thông lớn như CNN đều có ảnh hưởng nhất định đối với thế giới.

Chú ý rằng Sam Bateman cũng nói Việt Nam, trong vài tuần đầu, “đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền hiệu quả để thuyết phục cộng đồng quốc tế ủng hộ hồ sơ của họ”.

Đủ thấy cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên mặt trận truyền thông quan trọng đến như thế nào.

* * *

TQ DÙNG SGK CỦA VN ĐỂ KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN TRONG TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG

(CNN, từ Hong Kong) – Trung Quốc đang dùng bản photocopy các trang trong một cuốn sách địa lý lớp 9 của Việt Nam, xuất bản cách đây 40 năm, để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Các trang sách photo này được tập hợp vào trong số tài liệu gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, kèm đề nghị phổ biến chúng trong 193 nước thành viên của Đại hội đồng LHQ.

Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm chứng minh chủ quyền của họ đối với một khu vực mà Việt Nam cũng nhận là của mình, trong khi có tin tàu của hai nước vẫn đang đâm va nhau trên Biển Đông, cách đất liền hàng dặm.

CNN: Một sĩ quan cảnh sát biển Việt Nam đang quay phim 
cảnh tàu hải giám Trung Quốc tiến đến gần tàu Việt Nam

Hồ sơ của Trung Quốc có gì?

Những trang photocopy từ cuốn sách giáo khoa lịch sử chỉ là một phần tài liệu trong bộ hồ sơ của Trung Quốc. Hồ sơ còn có một bản đồ khu vực, một công hàm ký năm 1958 và bìa một quyển Atlas thế giới in năm 1972.

“Trung Quốc gửi công thư này để nói lên sự thật cho cộng đồng quốc tế biết, để họ hiểu đúng về tình hình” – Tân Hoa Xã trích lời Phó Đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Wang Min (Vương Dân).

Bắc Kinh đang cố gắng bắt kịp với Việt Nam. Theo Sam Bateman, nghiên cứu viên cao cấp của Chương trình An ninh Hàng hải, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, thì Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền hiệu quả để thuyết phục cộng đồng quốc tế ủng hộ hồ sơ của họ.

“Bắc Kinh đang nỗ lực giành lại vị thế” – Sam Bateman nói. “Tôi nghĩ vài tuần qua, kể từ khi xảy ra sự cố giàn khoan, Việt Nam đã thắng trong trận chiến tuyên truyền”.

Mọi chuyện xảy ra như thế nào?

Vụ tranh chấp chủ quyền mới đây nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng nổ vào tháng 5, khi Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa một giàn khoan dầu vào gần nơi mà Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa. Ở Việt Nam, những đảo này được gọi là quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc tuyên bố, CNOOC đã và đang khai thác khu vực suốt 10 năm qua, và hoạt động mới đây của giàn khoan diễn ra “hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”. Việt Nam nói giàn khoan “bất hợp pháp” nọ được đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và họ yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng các tàu biển đi, đồng thời giải quyết tranh chấp biển đảo.

Cả hai bên đều nhắc lại các yêu sách và đề nghị của mình nhiều lần, nhưng chẳng bên nào nhúc nhích. Tình hình bế tắc có khả năng kéo dài ít nhất cho đến khi Trung Quốc rút giàn khoan vào ngày 15/8 theo kế hoạch.

Liệu có giải pháp nào khả dĩ?

Bateman nói, ít có khả năng vấn đề sẽ được giải quyết bằng cơ chế trọng tài quốc tế, vì cả hai nước đều không muốn mạo hiểm với nguy cơ bị thua và sẽ gây phẫn nộ cho dân chúng trong nước.

Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Việt Nam, là nước mà ông cho là cơ sở lập luận yếu hơn Trung Quốc.

“Hầu hết các nhà quan sát quốc tế khách quan và độc lập đều nhất trí rằng hồ sơ chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa tốt hơn hồ sơ của Việt Nam, chính vì những lý do mà hiện Trung Quốc đã đưa ra trong hồ sơ của họ gửi Liên Hợp Quốc” – Bateman nhận định.

Ông cũng nói việc tốt nhất Việt Nam nên làm là nhượng chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc, và đàm phán về các nhân nhượng khác, trong đó có quyền đánh bắt cá và thỏa thuận khai thác chung dầu khí.

“Việt Nam nên đàm phán và nhượng bộ Trung Quốc. Nhưng thật không may là, có lẽ, càng ngày điều này càng ít khả năng xảy ra, bởi vì chính quyền Việt Nam đã tự nhốt mình vào quan điểm cho rằng Hoàng Sa là một phần không thể tách rời khỏi Việt Nam và dân chúng sẽ phẫn nộ khủng khiếp nếu bây giờ Hoàng Sa hóa ra lại là một phần lãnh thổ bị sang nhượng”.

CNN: Tàu Việt Nam (cờ đỏ, bên phải) cố gắng tìm đường
 vượt qua đám tàu Trung Quốc, tại khu vực đặt giàn khoan 
(ảnh chụp ngày 14/5/2014)

Thế bế tắc “có thể hiểu được” của Việt Nam

Evan Graham, một nghiên cứu viên cao cấp khác ở RSIS trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng Việt Nam “đang rơi vào thế bế tắc có thể hiểu được, trước việc Trung Quốc tìm cách củng cố các yêu sách chủ quyền của mình”.

Ông nhận định, quan hệ giữa hai nước mấy năm qua khá tốt, đạt được nhiều thỏa thuận trên nhiều mặt trận, cho thấy hai nước đang tiến tới một đường lối ngoại giao hợp tác.

Về giàn khoan của Trung Quốc, ông nói: “Tôi nghĩ việc triển khai một giàn khoan nằm giữa một hàng rào an ninh, gồm cả tàu hải quân, và nằm trong vùng hoạt động của không quân, rõ ràng không đáp ứng một bài kiểm tra nghiêm túc về khả năng ngồi vào bàn đàm phán một cách thực tiễn (nguyên văn: arrangements of a practical nature – xác lập các dàn xếp có tính thực tiễn – Điều 74 UNCLOS – ND). Theo nghĩa đó, tôi nghĩ hành động này rõ ràng là khiêu khích”.

Yêu sách và phản đối

Trong bản “công thư tuyên bố lập trường” gửi Liên Hợp Quốc, Trung Quốc buộc tội tàu Việt Nam “dùng vũ lực phá hoại một cách bất hợp pháp” hoạt động của giàn khoan bằng cách đâm vào tàu của chính phủ Trung Quốc tới tổng cộng 1.416 lần.

Công thư cũng tố cáo Việt Nam cử “người nhái và các điệp viên ngầm dưới nước” đến chỗ giàn khoan và thả “những chướng ngại vật lớn, gồm cả lưới đánh cá và vật thể nổi, xuống lòng biển”.

Còn trong công thư gửi Liên Hợp Quốc tuần trước (tuần từ 1-8/6), Việt Nam lên án Trung Quốc xâm phạm “nghiêm trọng” “quyền chủ quyền” của Việt Nam, và nhắc lại tuyên bố rằng tàu Trung Quốc đã “đâm chìm” một tàu đánh cá Việt Nam chở 10 ngư dân. Ngay lập tức, Trung Quốc nói tàu Việt Nam đã “quấy rối” tàu cá Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng những tuyên bố và phản đối này đang làm hỏng một con đường rõ ràng để đi đến hợp tác trong khu vực, như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã chỉ ra. “Ngay cả khi đó là một khu vực tranh chấp đi nữa, thì trong Công ước LHQ về Luật Biển, vẫn có quy định về nghĩa vụ phải đạt được những thỏa thuận có tính thực tiễn” – Graham nói. (Quy định này nằm trong Điều 74 UNCLOS về “xác định biên giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các nước có đường bờ biển đối diện hoặc liền kề nhau” – ND).

Bateman cũng nhất trí, cho rằng những tranh cãi pháp lý về việc ai có chủ quyền cái gì đang ngăn trở những nỗ lực bảo vệ và phát triển khu vực.

“Điều tôi lo ngại là tất cả những tranh cãi này rồi sẽ chẳng đi đến đâu, xét về khía cạnh xác lập những cơ chế hiệu quả để quản lý Biển Đông và nguồn lực của nó” – Bateman nói. “Tranh cãi làm chúng ta mất khả năng hợp tác hiệu quả, mà cái đó lại rất cần thiết, bởi vì sự thực là, tôi không nghĩ các yêu sách về chủ quyền sẽ được giải quyết trong tương lai gần”.