Thursday 29 March 2012

Ngụy biện vì ông Đinh La Thăng

Dành thời gian đọc, sau đó phân tích các lỗi ngụy biện ở một bài viết như bài “Kính thưa ‘quý cô cái gì cũng muốn’” của tác giả Hoàng Thắng trên Petro Times (http://www.baomoi.com/Home/AmNhac/www.petrotimes.vn/Kinh-thua-quy-co-cai-gi-cung-muon/8162668.epi) là một việc có lẽ chỉ nên làm trong lúc rảnh quá. Tuy nhiên, xét thấy sự ngụy biện đang lan tràn trong tất cả các cuộc tranh luận trên mạng, trên không gian báo chí, không loại trừ cả không gian học thuật, nên tôi nghĩ việc chỉ ra các lỗi ngụy biện sơ đẳng trong bài viết này cũng là điều cần thiết. Bên cạnh các lỗi ngụy biện là một số sai sót về kỹ thuật viết báo, tôi cũng sẽ cố gắng chỉ ra một phần.

Xin lưu ý: Đây là bài viết phân tích về ngụy biện và báo chí, không nhận xét và không phán xét tác giả Hoàng Thắng.


* * *

1.


Trích: “Trong bài trả lời phỏng vấn của mình, ca sỹ Mỹ Linh cho rằng: Thuế chồng lên thuế, phí chồng lên phí, chất lượng công trình giao thông chưa tương xứng với những khoản tiền mà dân phải đóng… và cuối cùng là kết luận một câu xanh rờn “Đề xuất giải pháp đó, theo tôi, chứng tỏ anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!”

Chỉ chờ có thế, các trang mạng đua nhau đăng lại bài phỏng vấn ca sỹ này với tiêu đề “Bắt dân đóng phí, anh Đinh La Thăng quá kém cỏi!” Đã không ít người tung hô cho bài phỏng vấn này của Mỹ Linh, đơn giản vì đó là lời nói của một người nổi tiếng. Tuy nhiên, để nói về hàm lượng kiến thức hay tư duy trong câu nói thì cũng chưa được nhiều cho lắm”.


Về khía cạnh nghiệp vụ báo chí, để đảm bảo tính khách quan, nhà báo không được sử dụng tính từ, phó từ, nhất là các tính từ và phó từ mang tính phán xét, nặng hơn nữa là có hàm ý miệt thị. Các động từ, nếu không đảm bảo trung tính, cũng không được dùng. Trong đoạn viết trên đây, tác giả Hoàng Thắng, ngược lại, đã sử dụng ít nhất ba từ không khách quan: “xanh rờn”, “đua nhau”, “tung hô”.

Suy luận “đơn giản vì đó là lời nói của một người nổi tiếng” là quá đơn giản. Người ta “tung hô” (nếu có) ý kiến của ca sĩ Mỹ Linh có thể còn vì nhiều nguyên nhân khác, như: cô ấy đẹp, cô ấy là dân thường (giống người ta) chứ không phải lãnh đạo, cô ấy là phụ nữ, cô ấy đã nói đúng điều người ta thích, v.v.


2.


Trích: “Mặc dù phát biểu văng mạng rằng “thuế chồng thuế, phí chồng phí” nhưng xin cam đoan là nữ ca sỹ sẽ chẳng thể nào chỉ ra nổi “phí chồng phí” ở đâu. Bởi đơn giản: Việc phân định có hay không chuyện “phí chồng phí” đang được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế tranh luận quyết liệt và chưa có hồi kết. Những phát ngôn của “người đẹp hát” cũng chỉ có thể là… nghe người ta nói thế thì biết thế thôi.

Còn kết luận phê phán kiến thức của Bộ trưởng Bộ GTVT “Bắt dân đóng phí chứng tỏ anh Đinh La Thăng kém cỏi” thì có lẽ là nên miễn bàn vì đơn giản: Tiến sỹ Đinh La Thăng cũng sẽ không bao giờ tranh cãi với ca sỹ Mỹ Linh về âm nhạc”.


Tác giả sử dụng các từ và lối diễn đạt sau đây: “văng mạng”, “phát ngôn của ‘người đẹp hát’”, “nghe người ta nói thế thì biết thế thôi”, “miễn bàn”… Về khía cạnh báo chí, lỗi lặp lại như ở trên: chủ quan, cảm tính, hàm ý miệt thị cá nhân. Có dấu hiệu của ngụy biện “tấn công cá nhân” với cách gọi Mỹ Linh là “người đẹp hát” trong ngoặc kép.

Với cách diễn đạt “miễn bàn về…”, tác giả phạm lỗi ngụy biện “Appeal to Ridicule”, tạm dịch là “Lố bịch hóa”, nghĩa là (chưa gì đã) chế nhạo ý kiến của người nói thay vì chỉ ra lỗi của người đó. Ví dụ (trích tài liệu của TS. Michael C. Labossiere, dự án Nizkor, 1995):

- Chắc chắn là đối thủ xứng đáng của tôi tuyên bố là chúng ta nên giảm bớt học phí rồi, nhưng điều này thật nực cười.

- Ủng hộ ERA à? Tất nhiên rồi, khi nào phụ nữ trả tiền đồ uống đã! Haha!


3.


Trích: “Cô ca sỹ còn đưa ra bằng chứng khá ngô nghê là “Ai bảo bắt cái ô tô oằn mình chịu đủ thứ thuế, thứ phí… là sẽ giúp giảm thiểu được tai nạn giao thông, khi mà đi xe máy ở Việt Nam mới là dễ bị tai nạn nhất! Chỉ mới cách đây hơn hai tuần thôi, vào đúng ngày 8/3, chị bạn tôi vừa mất một câu con trai 10 tuổi cũng vì hai bố con chở nhau đi xe máy, bị người ta quệt phải. Còn trước đó đi ôtô thì không sao, nhưng ô tô đã phải bán vì bố mẹ cháu không chịu nổi cơn tăng giá, phí.”

Lấy ví dụ thế thì chả hóa ra chỉ có đi ôtô như Mỹ Linh mới an toàn còn những người đi xe máy đều nguy hiểm cả. Chẳng lẽ an toàn giao thông chỉ là thứ người giàu người riêng hưởng?”.


Tương tự trên, tác giả dùng từ “ngô nghê” là vi phạm nguyên tắc báo chí, vì vừa chủ quan, vừa cảm tính, vừa miệt thị cá nhân.

Ở đây, nếu muốn phản bác Mỹ Linh, tác giả hoàn toàn có thể chỉ ra lỗi ngụy biện trong ý kiến của ca sĩ Mỹ Linh. Tuy nhiên, thay vì thế, tác giả đã đánh phủ đầu bằng miệt thị, chế nhạo, và vẫn không có cơ sở khoa học nào. Ý kiến của tác giả, do không được chứng minh, cho nên cũng không có lý hơn Mỹ Linh là bao nhiêu.

Lấy ví dụ thế thì chả hóa ra chỉ có đi ôtô như Mỹ Linh mới an toàn còn những người đi xe máy đều nguy hiểm cả”. Thật ra thì, căn cứ vào lời được trích dẫn trên báo, thì ca sĩ Mỹ Linh không nói rằng CHỈ có đi ô-tô thì mới an toàn. Tác giả phạm hoặc là lỗi quy chụp, hoặc là lỗi trích dẫn. Một khi đã phạm lỗi quy chụp hoặc lỗi trích dẫn rồi thì các lập luận tiếp sau đó của người phạm lỗi không còn ý nghĩa nữa.

Tuy nhiên, ở đây cứ giả sử rằng chúng ta chấp nhận lỗi này của tác giả, giả sử rằng Mỹ Linh có ý cho rằng đi ô-tô an toàn hơn đi xe máy, thì Mỹ Linh vẫn đúng thay vì tác giả. Theo thống kê, tính trên 1 mile (dặm, tương đương 1,6 km), đi xe máy có nguy cơ gặp tai nạn cao hơn từ 30 đến 40 lần so với đi ô-tô. Còn khi tai nạn xảy ra, người đi xe máy có xác suất bị thương cao gấp 3 lần người đi ô-tô, và xác suất tử vong cao gấp 15 lần. Đây là các thống kê của US National Traffic Safety Board.

Chả hóa ra chỉ có đi ô-tô như Mỹ Linh mới an toàn”. Đưa cụm từ “như Mỹ Linh” vào, tác giả đã phạm lỗi ngụy biện “Appeal to Spite”, tạm dịch là “gây thù chuốc oán”. Đây là ngụy biện theo đó, thay vì đưa bằng chứng cho thấy một người nào đó (Mỹ Linh) nói như vậy là sai, thì lại tìm cách làm cho người đó bị số đông ghét bỏ.

Tương tự, “Chẳng lẽ an toàn giao thông chỉ là thứ người giàu người riêng hưởng?”, cũng là lỗi ngụy biện “gây thù chuốc oán”.


4.


Trích: “Hàm lượng “chất xám” trong phát biểu của ca sỹ Mỹ Linh có lẽ cũng chỉ nên bàn đến thế. Cái cần bàn của chúng ta ở đây là thái độ xây dựng, cách phát ngôn của những “con người công chúng” với công việc chung, với lợi ích chung của cả xã hội.

Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục để cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách tắc giao thông thì “người của công chúng” lại đăng đàn và phát ngôn một cách vô trách nhiệm như thế”.


Hàm lượng “chất xám” trong phát biểu của ca sỹ Mỹ Linh có lẽ cũng chỉ nên bàn đến thế”: chủ quan, cảm tính, miệt thị, xúc phạm cá nhân.

Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục để cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách tắc giao thông thì “người của công chúng” lại đăng đàn và phát ngôn một cách vô trách nhiệm như thế”. Tác giả phạm các lỗi ngụy biện sau đây:

- gây thù chuốc oán (Appeal to Ridicule), đã phân tích ở trên

- có dấu hiệu của ngụy biện “viện đến tình cảm của số đông” (Appeal to Emotion): “trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục…”. Sở dĩ mới là “có dấu hiệu”, vì ngụy biện này của tác giả, ngay cả khi được sử dụng, vẫn không có hiệu quả. Trong khi cả hệ thống chính trị, cả xã hội đang sôi sục để cùng chung lưng đấu cật tìm ra biện pháp… thì Mỹ Linh cũng vậy, cô ấy cũng đang góp một tiếng nói trong cái hệ thống chính trị và cái xã hội đó, cho dù nó có vô trách nhiệm (như tác giả đã miệt thị một cách ngụy biện, thiếu căn cứ) hay không.

- đe dọa (Appeal to Fear): Đây là kiểu ngụy biện trong đó thay vì lập luận, đưa ra bằng chứng cho thấy Mỹ Linh sai thì lại có hàm ý đe dọa: Tất cả mọi người đều đang như thế này mà cô lại như thế kia à?

- “sức ép về bằng chứng” (Burden of Proof): Ví dụ của ngụy biện này như sau: “Theo tôi, chắc chắn là có ma. Vì sao à? Thì anh thử chứng minh xem? Đấy, anh không chứng minh được là không có ma. Như vậy tức là có ma”.

Ở đây, tác giả cũng đẩy sức ép về bằng chứng sang cho ca sĩ Mỹ Linh: Cô có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giải bài toán ách tắc giao thông không mà cô dám lên tiếng?


5.


Trích: “Ngay sau khi cô ca sỹ này đăng đàn vài ngày, tại cuộc họp của Thành ủy Hà Nội bàn về vấn đề chống ùn tắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tâm sự “Gia đình tôi đã hạn chế đi xe cá nhân để giảm ùn tắc”. Sự gương mẫu của Bí thư Phạm Quang Nghị hẳn sẽ là một tấm gương lớn cho nhiều người noi theo.

Ông cho rằng: “Nhiều cá nhân khi bị đụng chạm quyền lợi thì phản ứng gay gắt. Bỏ ra cả tỉ đồng mua xe thì không công khai rằng tiền từ đâu ra, trong khi đóng vài triệu xây dựng đường thì phản ứng”.


Lỗi nghiệp vụ báo chí: “Sự gương mẫu của Bí thư Phạm Quang Nghị hẳn sẽ là một tấm gương lớn cho nhiều người noi theo” là một cách viết suy diễn, chủ quan, cảm tính (chưa nói đến sự thiếu công bằng, và dụng ý xu nịnh).

Ngụy biện “Appeal to Authority”, tạm dịch là “viện dẫn thẩm quyền”: Đây là cách viện dẫn ý kiến của một người thực ra không phải là nhân vật chính đáng để có thể được trích dẫn. Phía trên bài, tác giả có ý cho rằng Mỹ Linh, với tư cách ca sĩ, không xứng đáng để nói về chính sách thu thuế và phí của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. (Trong khi thực ra Mỹ Linh hoàn toàn có thể phát biểu với tư cách một người dân có sở hữu ô-tô, và sử dụng ô-tô để tham gia giao thông). Vậy ở đây, ông Phạm Quang Nghị – với các chuyên ngành ông từng học là lịch sử và triết học trường Nguyễn Ái Quốc – có phải là nhân vật xứng đáng hơn Mỹ Linh để được tác giả viện dẫn, muốn số đông phải noi theo?


6.


Trích: “Nữ ca sỹ Mỹ Linh: Nhà rộng 1,3 hecta, hai vợ chồng mỗi người một chiếc xe hơi. Đấy là chưa kể xe của Mỹ Linh là xe Mitsubishi Grandis có 7 chỗ ngồi. Như vậy là một mình nữ ca sỹ mỗi khi ra đường đã chiếm diện tích bằng 4 người đi xe máy. Hẳn nữ ca sỹ cũng muốn đóng phí cho “đỡ ngại” với mọi người!

Tôi cũng xin cược rằng: Ca sỹ Mỹ Linh với son phấn, váy vóc xúng xính, quần áo thời trang chắc hẳn sẽ hiếm khi dám rời xế hộp vủa mình để leo lên xe bus, chung tay góp phần giảm ách tắc giao thông như Bộ trưởng Thăng. Đơn giản thôi, xế hộp có, lên xe bus làm gì, vừa đông người vừa… hỏng váy!”.


Ngụy biện “gây thù chuốc oán” được sử dụng triệt để. Bên cạnh đó là ngụy biện “tấn công cá nhân” (Personal Attack), một loại lỗi ngụy biện kinh khủng bởi vì nó rất… vô học.


7.


Trích: “Chuyện Mỹ Linh đăng đàn khen chê cũng nhắc chúng ta nhớ lại một cái bệnh rất xấu mà truyền thông đang mắc phải: Khi nhà nước cần lấy ý kiến về một vấn đề gì đó thì không ít người nhảy vào chê bai một cách thiếu khách quan, không mang tính xây dựng:

Lấy ý kiến về công trình xây dựng thì hỏi ý kiến… nhà thơ.

Lấy ý kiến về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm thì hỏi… nhà văn hóa.

Lấy ý kiến về chính sách giao thông, các kỹ sư còn chưa kịp nói gì thì ca sỹ, nghệ sỹ đã… lên tiếng ầm ầm”.


Nếu bàn ra ngoài văn bản thì có thể đồng ý với tác giả phần nào, tuy nhiên, xét trên văn bản, đây là những đoạn viết chủ quan, cảm tính, miệt thị, không bằng chứng.


8.


Trích: “Ai cũng thừa nhận rằng: bất cứ một cuộc đại phẫu nào cũng phải chịu đau, trong cuộc sống muốn có được thứ này thì phải hi sinh thứ khác, muốn đạt được cái đại cục thì phải hi sinh cái tiểu tiết. Còn nếu muốn cái gì cũng được, chắc phải lên… thiên đàng – thông minh và xinh đẹp như Mỹ Linh, chắc sẽ hiểu điều đó!

Người dân yêu mến Bộ trưởng Đinh La Thăng vì ông là con người hành động. Không lẽ giờ Bộ trưởng phải “nằm im thở khẽ”, đừng đụng chạm đến quyền lợi của ai thì mới làm cho nữ ca sỹ hài lòng!”.


Xin nhắc lại một đoạn ở trên: Ở đây có lỗi nghiệp vụ báo chí: “Người dân yêu mến Bộ trưởng Đinh La Thăng vì ông là con người hành động” là một cách viết suy diễn, chủ quan, cảm tính (chưa nói đến sự thiếu công bằng, và dụng ý xu nịnh).

Ngụy biện “gây thù chuốc oán” được sử dụng triệt để. Bên cạnh đó là ngụy biện “tấn công cá nhân” (Personal Attack), một loại lỗi ngụy biện kinh khủng bởi vì nó rất… vô học.


Wednesday 21 March 2012

Kissinger bàn về Trung Quốc: Đặng Tiểu Bình

Cuộc cách mạng không ngừng nghỉ của Mao Trạch Đông để lại một nước Trung Hoa thống nhất nhưng ngổn ngang với những công xã nông thôn đói nghèo, một nền kinh tế trì trệ. Nhưng theo cách nói của một số người lạc quan thì “phải có phá mới có xây”; chính từ xuất phát điểm là cái xã hội bị “thanh lọc” sạch sẽ đó mới có Trung Quốc ngày nay.

Như Kissinger tổng kết trong cuốn “On China” của ông, thì Mao đã tàn phá Trung Hoa truyền thống và để toàn bộ đống đổ nát đó lại cho Đặng Tiểu Bình xây nên những tòa nhà mới. “Đặng can đảm tiến hành công nghiệp hóa từ những sáng kiến và sự bền bỉ của mỗi người dân Trung Quốc. (…) Trung Hoa ngày nay – với nền kinh tế lớn thứ hai và dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới – là sự chứng thực cho tầm nhìn, ý chí và lương tri của Đặng”.

Con người bé nhỏ, tầm nhìn rộng lớn

Với chiều cao chưa đầy 1m50, Đặng Tiểu Bình bị xếp vào danh sách những chính khách có thân hình khiêm tốn trong lịch sử thế giới, cùng Napoleon, Hitler… Nhưng tầm nhìn và tham vọng của ông thì không thấp bé chút nào. Henry Kissinger nhắc đến và trích dẫn một bài diễn văn của Đặng, tháng 5-1977, trong đó Đặng kêu gọi toàn dân Trung Quốc phải phấn đấu vượt cả cải cách Minh Trị của Nhật Bản. Đó là một cách nói khôn ngoan, vì nó vừa kích thích lòng tự hào dân tộc của người Trung Hoa (nhất là trước Nhật Bản), vừa có phần thực dụng: Trong khi Mao bao nhiêu năm trời hô hào dân chúng chịu đựng để tiến tới xã hội “đại đồng” – một khái niệm rất mơ hồ – thì Đặng chỉ thúc giục họ tiến lên, vượt qua đói nghèo lạc hậu.

“Chìa khóa để hiện đại hóa là phải phát triển khoa học công nghệ. Mà nếu chúng ta không dành sự chú ý đặc biệt cho giáo dục, thì sẽ không thể phát triển khoa học công nghệ được. Những cuộc thảo luận rỗng tuếch sẽ chẳng đưa chương trình hiện đại hóa của chúng ta về đâu hết; chúng ta phải có kiến thức, phải có nguồn nhân lực được đào tạo…”. Và Đặng dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật: “Giờ đây Trung Quốc đi sau các nước phát triển tới 20 năm, về khoa học, công nghệ và giáo dục”.

Đặng nói những lời thẳng thắn ấy vào năm 1977. Tháng 3-1978, ông chủ trì Đại hội Khoa học Toàn quốc, nhắc lại một lần nữa rằng Trung Quốc đã lạc hậu so với thế giới từ 15 đến 20 năm trên tất cả các mặt, đồng thời, đưa ra một kế hoạch phát triển khoa học đầy tham vọng với 108 dự án trọng điểm nghiên cứu của giới khoa học toàn quốc. Gần đây, Ngô Hiểu Ba (Wu Xiaobo), nhà báo nổi tiếng thuộc Tân Hoa Xã, đã viết trong cuốn “30 năm sóng gió” (vừa ra mắt độc giả Việt Nam tháng 11 vừa qua) rằng: “Lịch sử sau này đã chứng minh, những mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng tại thời điểm lúc bấy giờ, thì những kế hoạch này quả thật đã gây chấn động xã hội Trung Quốc, đến mức dường như người ta đang mơ hồ nghe thấy âm thanh rầm rập chuyển bánh của chuyến tàu thời đại”.

Tầm nhìn và ý chí của Đặng Tiểu Bình, chứ không phải cái gì khác, đã thổi bùng niềm cảm hứng mới cho nhân dân Trung Quốc. Henry Kissinger nhận định: “Các xã hội vận hành theo những tiêu chuẩn trung bình. Chúng duy trì được sự tồn tại là nhờ thực hiện những điều bình thường, quen thuộc. Thế nhưng, chúng tiến lên được là nhờ những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, biết phát hiện ra điều cần phải làm, và có lòng can đảm để thực hiện một sự nghiệp mà ích lợi của sự nghiệp ấy, ban đầu, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tầm nhìn của họ”.

Đời tư khép kín

Cuốn sách “On China” của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng đưa ra một nhận xét thú vị về con người Đặng Tiểu Bình, nhất là trong tương quan với phương Tây. Theo Kissinger, ở các nền văn hóa Tây phương, giới cai trị muốn củng cố sức mạnh của mình đều phải thông qua truyền thông, giao tiếp với dân chúng bị trị. “Đó là lý do tại sao ở Athens, Rome, và nhiều nhà nước đa nguyên ở phương Tây khác, nghệ thuật diễn thuyết, hùng biện được xem như một tài sản quý báu của chính khách. Ở Trung Quốc thì không có truyền thống (xem trọng) hùng biện đó, trừ Mao phần nào là một ngoại lệ” – Kissinger viết.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong lịch sử không củng cố quyền lực dựa vào kỹ năng diễn thuyết hay giao tiếp với công chúng. Theo truyền thống quan lại phong kiến của mình, họ hoạt động nói chung là kín đáo, không lộ cho dân biết, và hợp thức hóa tính chính thống thông qua hành động, việc làm. Đặng không có văn phòng lớn; ông từ chối tất cả các danh xưng cung kính; ông gần như không bao giờ xuất hiện trên truyền hình, và làm chính trị hầu như hoàn toàn là sau rèm. Ông điều hành đất nước không giống như hoàng đế, mà giống một ông quan lớn”.

Đây lại là một nhận xét chí lý nữa của Henry Kissinger. Điều lý thú là phong cách lãnh đạo kín đáo, “khuất mắt” công chúng này tiếp tục được duy trì cho đến ngày nay. Trong một bài viết gần đây trên tờ The Nation, nhà phân tích Joshua Kurlantzick nhận định: “Thiếu một nhân vật có tài thống nhất thiên hạ như Đặng hay Mao, ban lãnh đạo Trung Quốc ngày nay về căn bản là một nhóm không diện mạo, gồm những kỹ sư – đảng viên lâu năm, lên được chức vụ cao không phải kinh qua chiến đấu hay nhờ đã phát triển các tư tưởng chính trị, kinh tế, mà bằng việc nuôi dưỡng hệ thống quan liêu ở cấp cao hơn họ và hé lộ càng ít càng tốt các tư tưởng cũng như dự định của họ. Đương kim Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là điển hình của đường lối kín như mật mã này. Trước khi giành được quyền lực vào năm 2004, Hồ rất hiếm khi bàn về bất kỳ chủ đề nào quan trọng, đến nỗi cả phe bảo thủ lẫn phe tự do ở Trung Quốc đều coi ông ta là người của phe mình. Kể từ đó, Hồ thể hiện tình cảm ở mức tối thiểu trước công chúng và tránh tiếp xúc, ngay cả khi theo sát kịch bản nhất, với báo chí và những người ngoài đảng”.

“Cải cách và mở cửa”

Kissinger cũng không bỏ lỡ một dịp so sánh Đặng Tiểu Bình với lãnh tụ Mao Trạch Đông. Ông cho rằng, Mao lãnh đạo Trung Quốc nhờ vào việc tận dụng, khai thác tính bền bỉ, chịu đựng của người Trung Quốc – nếu không phải dân tộc này mà là một dân tộc cứng đầu nào đấy thì họ đã chẳng chấp nhận viễn cảnh “xã hội đại đồng” áp đặt lên họ. Còn Đặng điều hành đất nước bằng việc giải phóng sức sáng tạo của nhân dân, để họ tự xây dựng viễn cảnh cho riêng mình.

Mao phấn đấu phát triển kinh tế với niềm tin mãnh liệt rằng quần chúng nhân dân Trung Hoa sẽ vượt qua bất kỳ vật cản nào bằng ý chí và sự trong sạch về ý thức hệ (thế nên mới cần phải tiến hành “thanh lọc” xã hội triệt để như thế). Trong khi đó, Đặng thẳng thắn nhìn nhận tình cảnh nghèo đói khốn khổ của Trung Quốc, đưa ra những khẩu hiệu rất rõ ràng: “Nghèo đói không phải là chủ nghĩa xã hội”, “Làm giàu là vinh quang”, và đỉnh cao là khẩu hiệu của Đại hội Đảng lần thứ ba, tháng 12-1978: “Cải cách và mở cửa”.

Suy cho cùng, chính Đặng Tiểu Bình là một người Trung Quốc điển hình. Ngô Hiểu Ba viết: “Con người gốc Tứ Xuyên có dáng vóc nhỏ nhắn này luôn ẩn chứa sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn đáng kinh ngạc cùng một khả năng quyết đoán chính trị thấu suốt tất cả”. Với sức chịu đựng bền bỉ đặc trưng của tính cách Trung Hoa ấy, ông là nhà lãnh đạo có tới ba lần bị hạ bệ trong những đợt “thanh trừng” của cách mạng Trung Quốc.

Kissinger trích lời Đặng: “Trên thực tế, cuộc tranh luận hiện nay về việc thực tiễn có phải là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý hay không, cũng là cuộc tranh luận về việc trí tuệ con người có cần được giải phóng không… Khi mọi thứ đều phải được tiến hành y như sách, khi tư duy trở nên xơ cứng và niềm tin mù quáng thịnh hành, thì một đảng, hay một quốc gia, sẽ không thể tiến bộ được. Đời sống của nó sẽ chấm dứt ở đây, và đảng hay quốc gia đó sẽ tàn lụi”. Ở tuổi 73 (năm 1978), Đặng đã viết như thế, và thổi luồng gió cải cách vào đất nước với những tuyên bố mà người dân Trung Quốc chưa từng được nghe trước đó.


Sunday 4 March 2012

Đọc truyện đêm khuya: Đất đai, nông dân và nông thôn Việt Nam


Đây là một phần Chương II, Selling the Fields (“Bán ruộng”) trong cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” (Việt Nam – con rồng trỗi dậy) của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội giai đoạn 2006-2007. Trong bối cảnh vụ Tiên Lãng báo hiệu nhiều xáo trộn, tôi nghĩ sẽ là một việc có ích, ít nhất cũng là điều thú vị, nếu chúng ta tham khảo những gì một nhà báo phương Tây từng viết về nông thôn Việt Nam cách đây vài năm. 


Tiêu đề của phần này do người dịch đặt. Quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng quan điểm của tác giả. Người dịch không chịu trách nhiệm về việc kiểm chứng thông tin trong bài viết. Một nhân vật được nhắc tới trong đoạn dưới đây – ông Vũ Ngọc Kỳ, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – đã mất năm 2008. 
 
* * *

Mồng 10 tháng giêng năm 2007, trước ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tran Thi Phu cào đất trên thửa ruộng của mình ở tỉnh Hà Tây và chở đất đi bằng xe cải tiến. Dưới bầu trời mùa đông buồn tẻ, chị và người em họ dùng cuốc cạo hết lớp đất ở trên, đổ vào những chiếc bao tải cũ đựng phân bón và kéo bao tải lên xe. Tiếp theo, hai chị em sẽ đẩy xe vào làng, Hoài Đức, cách đó vài trăm mét, để bán đất ấy cho một người hàng xóm đang muốn phát triển vườn cây ăn quả. Khắp cánh đồng sau lưng họ là một dọc những cọc gỗ thấp dùng để đánh dấu. Chỉ trong vòng vài tuần nữa thôi, chúng sẽ đánh dấu cái ranh giới giữa tương lai và quá khứ. Mọi thứ ở bên trái họ rồi sẽ trở thành một phần trong một dự án bất động sản tư nhân, còn bên phải họ thì những phụ nữ chân đất vẫn sẽ tiếp tục trồng cấy lúa bằng tay không. Mới hôm trước đó, chị Phu được thông báo là chị sẽ nhận được khoản đền bù bằng mức thu nhập của khoảng 5 năm làm nông dân trên thửa ruộng của chị. Nhưng thông tin đó không làm chị vui. “Tôi chẳng biết dùng tiền ấy làm gì cả” – chị nói. “Có lẽ tôi sẽ đầu tư vào cái gì đó, nhưng cũng chưa biết là vào đâu. Tôi là nông dân, tôi chỉ biết trồng lúa và nuôi gà nuôi lợn thôi. Tôi không biết kinh doanh, không biết mua bán gì cả. Tôi muốn nhà nước xây một nhà máy lớn ở đây để rồi chúng tôi đi làm công nhân, như thế tốt hơn là bồi thường bằng tiền hay căn hộ”.

Phía bên phải hàng cọc, cuộc sống vẫn tiếp tục như thường. Mặc dù phải cưỡi trâu dầm trong làn nước giá lạnh của mùa đông, nhưng một nông dân khác, chị Nguyen Thi Hang, lại tỏ ra còn hơn cả hài lòng với số phận của mình. Chị cho là đời sống đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. “Cách đây 5 năm, tôi phải mất gần cả ngày để đẩy xe đạp từ chợ ở Hà Nội về nhà, chở rau cỏ cho trâu bò lợn. Bây giờ thì tôi có thể ra Hà Nội và quay về trong vòng hai tiếng đồng hồ, nếu được ông xã đèo bằng xe máy”. Chị là một điển hình của nông dân hiện đại. “Trước kia phải mất sáu tháng để nuôi một con lợn ta lên được 60 cân, còn giờ tôi có thể vỗ béo một con lợn giống Tây lên 60 cân chỉ trong hai tháng”. Câu chuyện thành công của chị còn lặp lại ở nhiều nơi trên khắp đất nước; thật là tin xấu đối với giống lợn sề của Việt Nam – đám lợn này gần như đã tuyệt chủng ở quê hương của chúng – nhưng là một tiến bộ mang tính cách mạng đối với hàng triệu nông dân Việt Nam. Vợ chồng chị Hang vẫn tiếp tục làm ruộng, nhưng con cái của họ thì không còn ý định sống cả đời trong cảnh lưng còng, tay đầy bùn nữa. Ngày ngày chúng đi xe máy về Hà Nội, con trai đi làm cho một công ty máy tính, con gái làm cho một cửa hàng bán quần áo. 5 năm về trước, chúng còn sung sướng được cưỡi xe Honda Dream sản xuất ở Trung Quốc. Bây giờ, chúng không dại gì chết tắc với loại xe dành cho ông già đó. Đồ chúng mua sắm, dù là xe máy hay điện thoại di động, đều phải nhằm mục đích phô trương.

Nhưng với tất cả những thứ đó, gia đình cũng sẽ không bỏ đất. Đất vẫn là chiếc mỏ neo của họ. Chính vì mất chiếc mỏ neo đó mà chỉ cách đó 100 mét, chị Tran Thi Phu đang than thở kia. Đối với cả hai người phụ nữ này, mà thật ra là đối với bất kỳ nông dân trên 30 tuổi nào, nạn đói vẫn cứ là một ký ức sống động. Vào đầu những năm 1980, sự kết hợp giữa các nguyên nhân chiến tranh, cấm vận, và chủ nghĩa xã hội nhà nước giáo điều, đã gây thiếu lương thực trầm trọng và dẫn đến nạn đói. Di chứng của cái thời ấy vẫn còn in đậm trên cơ thể của tất cả những người Việt Nam lớn lên trong tình trạng thiếu dinh dưỡng. Nỗi sợ một chuyện tương tự như thế có thể lại xảy ra khiến nông dân bám chặt lấy đất: họ có niềm tin rằng điện thoại di động có ngừng kêu thì họ vẫn còn có thể tự trồng lúa và sống được. Mất đất là đâm đầu vào cảnh mất ổn định.

Hai người phụ nữ – Nguyen Thi Hang và Tran Thi Phu – là những bằng chứng sống về quá trình chuyển đổi ở Việt Nam. Đời sống hiện nay khá hơn cực nhiều so với 20 năm về trước. Hầu hết những thăng trầm khi xưa của đời sống nông dân đã được khắc phục. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm, bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, tuổi thọ kéo dài hơn. Đất đai được phân bổ rộng rãi và nông dân đã có quyền trồng cây gì họ muốn và đem bán, trên lý thuyết là cho bất kỳ ai họ muốn. Kết quả thật ấn tượng. Trong không đầy ba thập kỷ, số người nghèo giảm hẳn, nông thôn đã có điện; đường xá, trạm y tế, trường học và hệ thống vệ sinh đều được xây dựng. Nhưng vẫn còn cần nhiều thời gian để vượt qua những gánh nặng của quá khứ. Cuộc sống của người nông dân vẫn còn khó khăn.

Khi nền kinh tế tiến hành công nghiệp hóa, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm còn một nửa – từ 40% vào giữa thập niên 1980 xuống 20% ngày nay. Nhưng số nông dân giảm chậm hơn thế nhiều – từ ba phần tư dân số trong thập kỷ 80 xuống còn khoảng một nửa dân số như bây giờ. Nói cách khác, nông dân đang nhận một tỷ lệ thấp hơn lợi ích của tăng trưởng trong một số người rộng lớn hơn. Họ đã giàu lên, nhưng mức độ ít rõ rệt hơn so với những người lao động ngoài khu vực nông nghiệp. Tuy có một số nông dân khá giả, nhưng phần còn lại đang phải vật lộn để xoay sở, và họ có thêm một loạt vấn đề phải đối mặt. Gió độc vẫn thổi qua những cánh đồng lúa, dưới hình thức những vụ cưỡng chế đất đai, quan chức địa phương cướp bóc của dân, và sự biến động của thị trường toàn cầu. Các ảnh hưởng đều sẽ rất nguy hiểm cho tương lai của đất nước, bởi lẽ nông thôn hiện giờ vẫn là nơi an cư đối với phần lớn người Việt – khoảng 70% – mặc dù, như hai phụ nữ nói trên đã chỉ ra, ở nhiều nơi, “nông thôn” tồn tại trong định nghĩa và phân loại của chính quyền nhiều hơn là trên đất đai. Một thời gian rất dài sau khi dự án bất động sản ở Hoài Đức hoàn thành, khu vực này chắc chắn vẫn sẽ được gọi là “nông thôn”.

Tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của nông dân đóng trụ sở ở một trong số rất nhiều biệt thự quét vôi vàng trong “khu Đảng” nằm dọc đường Quán Thánh (Hà Nội). Phòng họp của họ có cái công thức thường xuyên của mọi cơ quan nhà nước: rèm nhung đỏ, tượng bán thân bằng đồng của ông Hồ Chí Minh, và một khẩu hiệu lớn mạ vàng khẳng định rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”. Hội Nông dân là một trong những “tổ chức quần chúng” chủ lực của Đảng. Vai trò của nó là làm “sợi dây nối” giữa nông dân và Đảng – nhưng cũng là hướng dẫn nông dân về chính sách của Đảng. Lãnh đạo Hội năm 2007, ông Vũ Ngọc Kỳ, giữ một nhiệm vụ khó tới mức đáng sợ, nhưng vẫn còn dành thời gian rảnh rỗi để sáng tác và xuất bản thơ. Hôm tôi gặp ông, ông vừa hoàn thành một tập thơ nữa – thơ ca ngợi các thành viên của Hội. Trong đó, ông kêu gọi nông dân hãy làm giàu cho đất nước để đất nước bắt kịp với phần còn lại của thế giới. “Mùa xuân đến đem theo bao hy vọng, hoa hồng tươi và chúng ta lại tiến tới ngày mai…”, có một câu thơ như vậy. Nhưng ông cũng rất ý thức được rằng đối với những người nông dân đang chật vật tồn tại, mùa xuân mang đến điềm gở hơn là vận hội. Liệu còn đủ cái ăn cho tới mùa gặt không? Làm sao xoay sở được?

Không như các lãnh đạo nông dân ở nhiều nước khác, ông Kỳ không coi công việc của mình là phải bảo vệ quyền của các thành viên trong hội – quyền được ở trên đất của họ. Ông tỏ ra rất thẳng thắn khi nói về những việc cần làm. “Hiện tại chúng tôi có 32 triệu người lao động ở nông thôn, và có thể nói rằng khoảng 10 triệu trong số họ ở trong tình trạng bán thất nghiệp”. Giải pháp của ông không phải là yêu cầu nhà nước trợ cấp nhiều hơn cho nông dân để duy trì cuộc sống của họ. Đảng đã quyết định công nghiệp hóa đất nước, một số lượng lớn nông dân phải rời đất, và với tư cách chủ tịch Hội Nông dân, ông sẽ phải làm sao để bảo đảm việc đó. Ông Kỳ dự đoán là trong những năm tới, một phần ba số nông dân cả nước sẽ thất nghiệp, như là kết quả của hiện đại hóa nông nghiệp và cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. “Do đó, việc quan trọng nhất bây giờ là phải đào tạo để họ có kỹ năng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của các ngành dịch vụ” – ông bảo vậy. Nói cách khác, nông dân cần được đào tạo lại để trở thành bồi bàn hoặc lái xe. Hội Nông dân đã hoàn toàn dựa vào (lý thuyết) phân chia giai cấp để đào tạo những kỹ năng mà họ nghĩ là sẽ cần thiết trong nền kinh tế mới.

Đoan Trang dịch từ nguyên bản tiếng Anh



Kỳ trước: