Monday 25 January 2016

"Chuyện chính trị" thời xưa, thời nay

Trong những năm gần đây, đôi khi bạn có thể nghe ai đó nói: “Này sao bây giờ lắm người đồng tính thế nhỉ, hồi xưa có thế đâu?”. Tệ hơn, có người còn chỉ trích: “Đúng là no cơm ấm cật, xã hội bây giờ không còn lo chạy ăn từng bữa nữa nên sinh ra lắm trò”.

Anh Nguyễn Văn Dũng, một người đồng tính ở phố Hàng Bè, Hà Nội, (bạn bè thân quen hay gọi anh là “dì Dũng”), từng phản bác: “Không phải vậy. Câu trả lời đơn giản nhất là: Những con người ấy trong xã hội vài chục năm trước phải cố khép mình, nhấn chìm những nhu cầu để sống. Lộ ra, họ lập tức bị coi là bệnh hoạn. Còn bây giờ, khi cuộc sống thay đổi và cách nhìn về người đồng tính cũng dần bớt đi sự khắt khe, họ đã có nhiều hơn cơ hội để sống theo đặc điểm giới tính của mình. Nên chúng ta mới có cảm tưởng đồng tính thời nay mọc lên như nấm sau mưa”.

Nói cách khác, người đồng tính thời xưa hay nay đều hiện diện, chỉ có điều ngày trước, họ khép kín và ít được biết đến hơn, còn bây giờ thì họ “lộ” hơn và được phần còn lại của xã hội biết đến, nhất là với sự giúp sức và ảnh hưởng của truyền thông. Cho đến đầu những năm 1990 sau khi đại dịch AIDS thâm nhập vào Việt Nam, báo chí chính thống vẫn hạn chế nói đến giới tính thứ ba, mà nếu có đề cập thì sẽ là trong các vụ án, ở đó người đồng tính bị lên án như kẻ thù của cộng đồng, biến thái, vi phạm thuần phong mỹ tục, chà đạp luân thường đạo lý Á Đông v.v. Càng về sau này, nhận thức của giới truyền thông thay đổi, xã hội càng thoáng hơn với người đồng tính.

Vai trò của truyền thông quả thật to lớn. Đúng là có những điều đã tồn tại “xưa như trái đất” mà không ai để ý, chỉ đến khi truyền thông nhắc nhiều đến nó, người ta mới hay biết.

Nhiều người tưởng rằng khoảng 5-6 năm gần đây mới rộ lên hiện tượng công an đánh chết dân, nhưng thật ra thì điều đó đã xảy ra hàng chục năm rồi, kể từ khi đảng Cộng sản cầm quyền. Thậm chí ngày trước công an đánh chết còn nhiều dân hơn ngày nay ấy chứ. Chẳng qua là đến bây giờ, một phần trong số những câu chuyện thương tâm ấy mới được đưa lên mặt báo và nhất là lên Facebook mà thôi. Con số 226 người chết trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ (ba năm 2011-2014) là con số trong một báo cáo của Bộ Công an và được báo chí trích đăng; ngày trước, làm gì có chuyện Bộ Công an có những báo cáo như thế và báo chí công bố như thế.

Câu chuyện Đại hội Đảng bây giờ có lẽ cũng vậy?

Không rõ là ở các kỳ đại hội trước, dân đen có bàn tán, rỉ tai, thảo luận, bình luận về các “chính trị gia” của đảng cầm quyền duy nhất sôi nổi như bây giờ không. Nếu câu trả lời là không - tức là ngày trước, dân tình không hề thảo luận gì, mà lần này lại sôi sục lên - thì cũng là điều tốt; nó chứng tỏ người dân đã có không gian để thể hiện quan điểm (dù không được bảo vệ) và sự thực là họ có quan tâm đến chính trị.

Nhưng biết đâu câu trả lời lại là có. Tức là thời xưa, dân chúng cũng có nhiều người thích chém gió về chính trị, nhưng diễn đàn chỉ là ở quán cóc, xe ôm... chứ không có blog và mạng xã hội như bây giờ, nên không được biết đến.

Và biết đâu đấy, ở các kỳ đại hội trước, đánh đấm, tiêu diệt, loại trừ nhau đều có cả và cũng tàn khốc lắm, chỉ có điều không ai trong đám dân đen biết đến vì truyền thông (blog và mạng xã hội) chưa phát triển như bây giờ.

Bồn hoa tại bùng binh trước cổng Bộ Ngoại giao. Ảnh: VietNamNet

Saturday 23 January 2016

Quan chức "gây tiếng vang" nhờ nói ra điều ai cũng biết

Bài tham luận của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh gây chấn động dư luận, trước hết bắt nguồn từ “lề phải” (báo chí chính thống), sau đó lan sang truyền thông xã hội. Báo Pháp luật TP.HCM đánh giá đó là bài phát biểu “tâm huyết, thẳng thắn”. VietNamNet mô tả là Bộ trưởng “dốc ruột trước Đại hội”.

Người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam hay có kiểu ghép số vào chữ cho thành công thức, ví dụ “ba phe, bốn mâu thuẫn”, “năm dòng thác cách mạng”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, v.v. Có thể không liên quan gì đến “truyền thống” này, nhưng bài tham luận của Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng đưa ra “ba trụ cột, sáu mũi chuyển đổi lớn”.

Chúng ta hãy thử nhìn lại “ba trụ cột, sáu mũi chuyển đổi lớn” mà ông Vinh đề cập đến:

Ba trụ cột:

1. Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường;
2. Công bằng trong hội nhập xã hội, hay bình đẳng cho mọi người;
3. Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước

Sáu mũi chuyển đổi lớn:

1. Xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại với nền KTTT đầy đủ và XH dân chủ phát triển ở trình độ cao;
2. Thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân;
3. Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm;
4. Bảo đảm công bằng XH cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy XH trung lưu phát triển;
5. Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu;
6. Gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận.

Thành thực mà nhận xét, thì cả “ba trụ cột” và “sáu mũi chuyển đổi lớn” mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra đều... không có gì mới. Nó là những điều mà vô vàn người Việt Nam - trong nước và nước ngoài, học giả và blogger đấu tranh - đều đã nói và viết rải rác ở vô số nơi rồi, kể cả trên mạng lẫn ngoài đời, trên báo chí chính thống lẫn blog, và đủ thể loại ấn phẩm, hội thảo, diễn đàn... thậm chí kể cả chém gió ở cafe vỉa hè, quán cóc.

Chẳng có gì mới cả.

Đơn cử là ngay từ năm 2000, nghĩa là cách đây 16 năm, ông Nguyễn Gia Kiểng trong tác phẩm Tổ quốc ăn năn đã viết: “Một khi đã chấp nhận kinh tế thị trường, nhà nước chỉ còn rất ít việc phải làm vì mọi chọn lựa đều giản dị và rõ rệt, hầu như bắt buộc: phải khuyến khích sản xuất, nội thương, ngoại thương; phải giản dị hóa công việc của doanh nhân, phải có thông tin kinh tế chính xác và kịp thời; phải cố gắng trải đều hoạt động kinh tế trên khắp lãnh thổ thay vì tập trung vào một số địa phương... Và nhà nước càng làm ít chừng nào càng tốt chừng ấy... Vai trò của nhà nước là vai trò của một trọng tài, bảo đảm pháp luật, trật tự và an ninh, diệt trừ tham nhũng và tạo những quan hệ ngoại giao tốt đẹp...”.

Năm 2008, một nhóm giáo sư và chuyên gia thuộc Đại học Harvard cũng đã công bố một báo cáo về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2010-2020, được biết đến với cái tựa đề tương đối nổi tiếng, “Lựa chọn thành công”. Ba trụ cột, sáu mũi chuyển đổi lớn mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra ngày hôm nay không hoàn toàn trùng khớp với báo cáo ấy, nhưng cũng bàng bạc, phảng phất trong đó.

Báo cáo không được đăng tải, không được bình luận trên báo chí trong nước, và những khuyến nghị của nó (bao trùm lên “sáu mũi chuyển đổi lớn” của ông Vinh) cũng chưa từng được thực hiện.

* * *

Tóm lại, những nội dung mà Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đưa ra trong bài tham luận gây “bão mạng”, về bản chất không có gì mới. Nó không có gì là sáng kiến của ông Vinh, càng không phải sáng kiến của đảng Cộng sản. Nhiều người đã đề cập đến nó nhiều lần, ở nhiều nơi rồi, chỉ khác là người ta không có cơ hội để biến nó thành một bài tham luận trình bày trước Đại hội Đảng mà thôi.

Vậy mà nó gây bão dư luận, nó được khen là “tâm huyết, thẳng thắn”. Đó chỉ có thể là bởi vì: Đảng Cộng sản Việt Nam đã quá quen sống trong sự dối trá và dốt nát, nên chỉ cần nghe một ý kiến từ bên trong, bàn về những việc rất căn bản và bình thường mà một nhà nước phải làm được, cũng thấy... bão. Cái nguy là không chỉ đảng Cộng sản mà cả xã hội này cũng thế, cũng mê đi vì một bài tham luận “có vẻ đúng”.

Đạo diễn Trần Văn Thủy (tác giả phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”) từng nói: “Đổi Mới (năm 1986) chẳng qua chỉ là sự trở lại với những giá trị bị lãng quên”.

Còn bây giờ, năm 2016, nếu chính quyền Việt Nam thực hiện “sáu mũi chuyển đổi lớn” mà ông Bùi Quang Vinh nêu ra, thì đó chỉ là sự trở lại với những điều bình thường của thế giới tiến bộ.

Saturday 9 January 2016

Luật sư thương kẻ thủ ác, ai thương công lý?

Câu chuyện của hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Luân hôm nay cũng gần giống câu chuyện hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long năm 2012: Sau khi bị công an hành hung... nhầm tại hiện trường vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, hai anh trở về báo cáo tòa soạn, chờ quyết định của tòa soạn và chủ trương của các bên liên quan, rồi chờ mọi sự lắng dần xuống và trôi đi.

Công an tỉnh Hưng Yên có lần hẹn rồi hoãn làm việc với hai anh, hai anh im lặng. Bà con Văn Giang kéo đến tòa soạn hỏi thăm nhà báo, mang theo cả tải ngô, khoai, sắn, hai anh vẫn im lặng.

Đã không một ai phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trong vụ hai nhà báo bị công an và cảnh sát cơ động đánh tơi tả ở Văn Giang.

Và bây giờ, hai luật sư Lê Luân và Trần Thu Nam rút đơn yêu cầu khởi tố đối với 7 bị can trong vụ “bụi đường Chương Mỹ”... vì thương.

Nhân danh chủ nghĩa tự do, chúng ta có thể nói rằng chúng ta tôn trọng quyết định của hai luật sư và hai nhà báo, miễn là quyết định ấy không ảnh hưởng đến người khác. Nghĩa là chúng ta “tôn trọng quyền tự do lựa chọn” của mỗi cá nhân.

Vâng, chỉ tiếc rằng các quyết định như thế không phải là không ảnh hưởng đến ai, nhất là khi người ra quyết định là luật sư hay nhà báo - hai lực lượng vốn được xem như trí thức, có sứ mệnh dẫn đạo xã hội trong hành trình theo đuổi công lý và sự thật.

Sẽ không có vấn đề gì nếu hai anh Trần Thu Nam và Lê Luân là dân thường, thậm chí dân oan. Càng không có vấn đề gì nếu các anh... im lặng tuyệt đối ngay từ đầu, để bảo vệ danh dự, uy tín cho những kẻ đã đánh hai anh cũng như giữ gìn cho chính quyền địa phương.

Sẽ là cao thượng nếu hai nạn nhân để cho cơ quan tố tụng thực hiện đúng các thủ tục, trình tự của việc điều tra, xét xử; sau đó tại phiên tòa, hai anh đứng ra tuyên bố bãi nại, tha thứ... Hoặc cứ để phiên tòa diễn ra, có bản án, và trong thời gian các thủ phạm thi hành bản án, ví dụ thụ án tù, thì hai anh vẫn thăm hỏi họ và chăm sóc gia đình họ. Bởi vì dù nói gì đi nữa, công lý vẫn phải được thực thi.

Còn giờ đây, sau một quá trình gây ồn ào dư luận với vụ việc của mình, hai luật sư lại tuyên bố rút đơn yêu cầu khởi tố đồng thời đưa ra các bài giảng về đạo đức trên Facebook, thì điều đó cho thấy gì? Nó cho thấy rằng trong một xã hội như Việt Nam, tư pháp và công lý đã nát bét, sự cảm tính, đảng trị nhân danh đức trị, và cả thói đạo đức giả đang tiếp tục tàn phá niềm tin của mọi người dân vào công lý và lẽ phải.

--------


Trên đây là hình ảnh bàn tay của blogger Trịnh Anh Tuấn (tức Gió Lang Thang) sau khi bị "côn đồ" dùng gạch đập, sáng sớm 22/4/2015.

Đáng chú ý là mấy đồng chí côn đồ này đã lởn vởn theo dõi Trịnh Anh Tuấn từ nhiều ngày trước đó.

Với tỷ lệ thương tật 5%, Trịnh Anh Tuấn yêu cầu công an địa phương khởi tố vụ án, và bức hình dưới đây là kết quả "điều tra" của công an sau gần bốn tháng.

Khác với hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Luân, anh Tuấn không được ai xin lỗi. 

Trong cả vụ Đỗ Đăng Dư, vụ Lê Văn Mạnh, anh Tuấn đều đã rất tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và gia đình nạn nhân... nhưng anh không phải là luật sư và không được xã hội kỳ vọng cao như với các luật sư.


Sunday 3 January 2016

Cai ngục thời nay

Buổi sớm 2/1/2016, Hà Nội vẫn hơi lạnh và mờ mờ tối như những sáng mùa đông khác, nhưng chị Lê Thị Minh Hà (vợ blogger Ba Sàm) và chị Vũ Minh Khánh (vợ luật sư Nguyễn Văn Đài) đã dậy từ sớm để chuẩn bị đồ tiếp tế, mang vào trại B14 nuôi chồng.

Đây là lần thăm nuôi đầu tiên của họ trong năm 2016. Từ tháng 11 vừa qua, Trại tạm giam B14 (thuộc Cục An ninh Điều tra, Bộ Công an) đã lên lịch “gửi quà” cho người bị tạm giam, tạm giữ trong cả năm 2016. Theo đó, mỗi tháng Trại ấn định hai ngày cho thân nhân đến thăm nuôi người bị nhốt bên trong - nói trắng ra là NUÔI, vì chẳng ai sống nổi nếu không có đồ tiếp tế mà chỉ dựa vào trại. 

Có đến đây mới thấy vô vàn cái bất cập và vô nhân đạo của hệ thống nhà tù, trại giam ở Việt Nam. Hay nói đơn giản hơn, đây là nơi mà sự chà đạp quyền con người trong xã hội được thể hiện một cách thô thiển và trêu ngươi nhất. Chẳng hạn, nó bộc lộ ngay từ việc hạn chế quyền thăm nuôi của người nhà. Đó là một thứ quyền hiển nhiên, thế nhưng muốn thực hiện, người nhà phải đăng ký vào một cuốn sổ, được Bộ Công an nói giảm, nói tránh là “Sổ thăm gặp - gửi quà”. Vâng, “quà” thôi, chứ không phải đồ ăn, đồ uống, quần áo, chăn màn và các vật dụng thiết yếu khác đâu ạ, trong tù đầy đủ hết rồi mà.

Trong sổ, thân nhân người bị giam phải lập một danh sách những người đến “gặp mặt - gửi quà”, nêu rõ họ tên, chỗ ở, quan hệ của họ với người bị giam. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở cái cơ chế này là, dù không nêu ra thành văn bản nhưng nó chỉ chấp nhận người nào có cùng hộ khẩu với người bị giam mà thôi. Nói cách khác, chỉ có bố mẹ, vợ chồng, con cái (may ra có thêm anh chị em) là “được” gửi đồ cho người bị tạm giam/ tạm giữ/ tù. Bạn bè, người quen, hoặc bất kỳ ai khác không chung hộ khẩu, đều không được chấp nhận.

Nếu người bị tạm giam/ tạm giữ/ tù là người độc thân thì sao? Không biết, không quan tâm. Có hộ khẩu ở tỉnh xa, bố mẹ già yếu thì sao? Không biết, không quan tâm. Neo đơn, không con cái thì sao? Không biết, không quan tâm.

Trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài, người duy nhất được Bộ Công an duyệt cho đến thăm nuôi anh là vợ anh, chị Vũ Minh Khánh. Vậy nếu chẳng may đến ngày tiếp tế, chị Khánh ốm bệnh đột ngột, không đi được thì sao? Không biết, không quan tâm.

Có ai nhìn ra chính sách quản lý hộ khẩu của Trung Quốc và Việt Nam phát huy hiệu quả tới mức nào trong chuyện này không?

Tòa chưa xử nhưng trại đã có kết luận xong xuôi về tội của công dân.

Hống hách như các "cô mậu" thời bao cấp

Cán bộ quản giáo nắm quyền xét duyệt đồ thăm nuôi, coi như có toàn quyền quản lý dạ dày của người bị giam, nên oai lắm, hống hách lắm, hét ra lửa mửa ra khói y như mậu dịch viên thời bao cấp. Ở họ, toát lên một thái độ kỳ lạ: luôn sẵn sàng ngồi lên đầu dân ngay lập tức, nếu thấy dân có vẻ run, yếu thế, dễ bị bắt nạt. Trong căn phòng đăng ký chật chội ở bên ngoài trại (là nơi người nhà khai báo và gửi đồ vào trong trại, cán bộ tiến hành kiểm tra, kiểm duyệt, cân đong đo đếm v.v.), luôn nghe thấy tiếng cán bộ la lối: “Chị Vinh đâu nhở?”, “Bà X. khai xong chưa? Làm cái gì lâu thế?”. Hễ viết sai một chữ là người đi thăm nuôi phải làm lại tờ khai mới, trong khi liên tục bị thúc giục, quát lác xơi xơi.

Chị Lê Thị Minh Hà đang nộp phiếu gửi đồ cho trại thì Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Oanh, số hiệu 204-291, cao giọng: “Lần sau đi thăm nuôi thì chị đi một mình thôi. Một mình chị. Nhá”. Chị Hà hỏi có chuyện gì, cô thiếu tá này trỏ tay vào mấy bạn trẻ đi cùng (đưa chị Hà và chị Khánh đến trại): “Thì chị nhìn đấy. Họ đến đây làm mất trật tự”.

Thiếu tá Nguyễn Thiện Khánh, số hiệu 009-268, tranh thủ ngay: “Mời các anh chị ra ngoài. Đi về. Về”. Mọi người bực bội: “Chưa xong việc, về cái gì mà về?”.

Cô Kim Oanh lại hống hách: “Tôi không làm việc với các anh các chị. Tôi chỉ làm việc với chị Hà đây thôi. Nhá. Mời các anh chị về”.

Giận quá không chịu được nữa, một trong số những người thăm nuôi xẵng giọng đáp lại: “Hay nhỉ, chị nói về chúng tôi, liên quan tới chúng tôi, mà lại bảo “chỉ làm việc với chị Hà đây thôi” là thế nào? Nói xấu sau lưng à? Có cần căng thẳng thế không? Chúng tôi là bạn anh Vinh, anh Đài, chúng tôi đến gửi đồ giúp gia đình cũng không được à?”.

Có vẻ đuối lý, Kim Oanh im dần. Nhưng sau đó, hai vị thiếu tá cùng cả chục cán bộ quản giáo khác kéo đến, ra sức kiếm cớ, xua mọi người ra ngoài. Vì không muốn dây dưa với những người đã mất hết ý niệm về sự tôn trọng, những người bạn của blogger Ba Sàm và luật sư Nguyễn Văn Đài bỏ ra khỏi phòng. Nhưng suốt cho tới lúc họ rời trại, không khi nào Nguyễn Thiện Khánh rời ánh mắt gườm gườm khỏi họ, kèm vẻ mặt vênh váo như của một kẻ tự biết mình là “chúa ngục”. Mà họ còn đang là những công dân bình thường, có đầy đủ quyền đấy nhé. Đủ biết khi đối xử với người đang bị tạm giam/ tạm giữ/ tù thì công an, quản giáo sẽ như thế nào.

Hống hách, hách dịch, tùy tiện không theo một điều luật nào (và kể cả có quy định riêng của trại thì quy định ấy cũng hết sức tùy tiện theo từng “đời” quản giáo), đó là cung cách làm việc của các cai ngục.

Thế mà B14 vẫn còn được coi là “thiên đường tù”, “tiêu chuẩn quốc tế” trong hệ thống nhà tù và trại giam ở Việt Nam.




Bạn của blogger Ba Sàm và luật sư Nguyễn Văn Đài giúp gia đình đóng gói, chuyển đồ.