Friday 30 September 2016

Lập luận quái đản trong vụ công an đánh phóng viên

Thật đáng sợ khi có những người theo dõi qua mạng Internet vụ công an đánh nhà báo rồi thở ra những câu như “thằng phóng viên ngông nghênh, đánh là đúng”, “phóng viên nhân danh báo chí để phá hiện trường tức là chà đạp lên sự thật, đánh là đúng”, và nhất là lại kéo cảnh sát Mỹ vào, như thường lệ: “Ở Mỹ mà thế này thì cảnh sát nó bắn luôn, còng luôn chứ đấm là còn quá nhẹ. Đánh là đúng”.

Đáng sợ, không phải sợ những người đó, mà là sợ vì đến tận bây giờ, xã hội này vẫn còn nhiều người suy nghĩ như vậy.

Những suy nghĩ đó có ít nhất hai điểm bất ổn, thậm chí nguy hiểm:

1. Đó là tư duy đánh tráo khái niệm, biến nạn nhân thành thủ phạm;

2. Đó là tư duy cổ vũ bạo lực.

Biến nạn nhân thành thủ phạm

Còn nhớ, trong cuộc biểu tình vì môi trường ngày 8/5/2016, công an đã đấm và đạp vào mặt chị Hoàng Mỹ Uyên (chủ quán cafe Người Sài Gòn) ở TP.HCM khi chị cố bảo vệ đứa con gái nhỏ giữa vòng vây an ninh, dân phòng, thanh niên xung phong v.v.

Khi mọi người bày tỏ sự chia sẻ với chị Uyên, xót xa cho đứa trẻ, phẫn nộ với “cơ quan chức năng” thì ngay lập tức có một làn sóng chĩa mùi dùi công kích vào người mẹ: “Đưa con đi biểu tình, bêu nắng làm gì?”, “Ý đồ gì mà vác con ra đấy, bị đánh rồi lại kêu” v.v.

Cũng chẳng khác gì khi nghe tin có một cô gái bị cưỡng hiếp, những kẻ có não trạng dư luận viên ồ lên chửi cô ấy “ăn mặc hở hang, khiêu khích cho lắm vào”. Nghe có người bị giật dây chuyền, tai nạn, họ xỉa xói: “Ai bảo đeo trang sức đắt tiền cơ”.

Thay vì lên án thủ phạm thì họ nhanh chóng đánh lạc hướng dư luận bằng cách biến nạn nhân thành kẻ tội đồ. Và rất tinh vi, họ lợi dụng một thực tế mà ai cũng có thể thấy nhưng không phải ai cũng nhận ra, đó là: Trong mọi sự kiện/ biến cố, hầu như không có ai đúng tuyệt đối hoặc sai tuyệt đối.

Thực tế luôn là màu xám: Bên nào cũng có cái đúng, cái sai. Vấn đề là những người có tư duy kiểu dư luận viên đã chỉ khoét vào những điểm yếu (có thể gây tranh cãi, và thật ra chưa chứng minh được đúng sai thế nào) của nạn nhân để từ đó đổ hết mọi tội lỗi cho nạn nhân:

- Chị Hoàng Mỹ Uyên đem con đi biểu tình;

- Phóng viên Tuổi Trẻ tác nghiệp ở hiện trường một vụ tai nạn.

Cái cách khoét vào những điểm còn gây tranh cãi đó ở nạn nhân để rồi biến nạn nhân thành thủ phạm là một lối tư duy và hành xử thiếu lương thiện, nói nặng thì là bất nhân.

Chị Hoàng Mỹ Uyên bị đánh bầm mặt 
trong cuộc tuần hành vì môi trường 
sáng 8/5/2016 tại Sài Gòn. 
Ảnh: khuyết danh.

Cổ vũ bạo lực

Quan trọng hơn nữa, khi chúng ta thừa nhận trong mọi sự kiện/ biến cố, đều rất khó có ai hoàn toàn không có lỗi, chúng ta cần thừa nhận thêm một điểm: Chính vì ai cũng có thể sai, nên càng phải bảo đảm rằng bạo lực là thứ tuyệt đối cấm kỵ, phải bị lên án và loại bỏ.

Nếu cứ sai là xứng đáng bị đánh hộc máu thì đó là loại xã hội gì vậy?

Nếu cứ mang con đi biểu tình, cả mẹ lẫn con bị ăn đòn là đúng, thì đó là loại xã hội gì vậy?

Nếu cứ mặc áo hở cổ hở ngực, bị cưỡng bức là đúng, thì đó là loại xã hội gì vậy?

Nếu cứ đeo đồ trang sức đắt tiền, bị cướp bị giết là đúng, thì đó là loại xã hội gì vậy?

* * *

Có người còn hỏi vặn, thế nếu ở địa vị công an huyện Đông Anh thì phải làm gì với các phóng viên?

Câu trả lời không khó nhưng để trình bày hết thì sẽ rất dài dòng, vì nó liên quan đến việc tập huấn, đào tạo lại toàn bộ công an ở Việt Nam. Ở đây chỉ có thể nói ngắn gọn: Nếu công an không biết làm gì khác ngoài đấm đá, thì gọi công an là chó cũng chẳng sai mấy, nhỉ?

"Thằng phóng viên ngông nghênh" bị đánh là đúng, 
thế "thằng công an ngông nghênh" bị đánh có đúng không?
Ảnh chụp trong một cuộc đạp xe vì môi trường, 
tập kết tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, sáng 5/4/2015.