Thursday 28 June 2007

Bị chó cắn ở Thanh Hóa




Cái cấu trúc tít “sự kiện xxx ở yyy” kiểu như “Động đất ở Los Angeles” hay “Tai nạn thảm khốc ở Quảng Bình” nhàm lắm rồi, nhưng mình đang… đau chân quá nên không còn đầu óc nào nghĩ tít khác nữa. Thôi thì đặt cho entry này cái tít “Bị chó cắn ở Thanh Hóa” vậy, nghe lại còn hao hao văn phong của Nhật ký trong tù ấy chứ.

Thế là ba lần bị chó cắn rồi.

Chuyện xảy ra như hề. Đường vắng, gần trưa, nắng gay gắt. Hai con đang đi ngược chiều nhau, à không, nói đúng hơn là tôi và chó đang đi bộ ngược chiều nhau thì đột nhiên con chó sủa như gắt lên rồi chạy về phía tôi, vẻ mặt vô cùng cáu kỉnh. Vốn chưa bao giờ sợ chó mèo nên tôi cứ thản nhiên đi thẳng, không dừng lại, không la hét cũng chẳng chào hỏi gì. Chắc vì thế nên chú tuất nổi nóng nhảy xổ vào và “roạc” một phát. May quá nó cắn đúng vào nếp gấp quần bò - lúc đó tôi đang xắn quần đi bộ - nên thiệt hại giảm đi đáng kể. Bây giờ mới biết thế nào là chó cắn trộm (hai lần trước chúng đều hành sự công khai, có báo trước cả). Con cẩu cắn xong, thấy cái sinh vật kia cũng chẳng tỏ vẻ gì ra mặt nên có phần ngạc nhiên, nó vẫy đuôi mấy cái chữa thẹn rồi quẩy quả bỏ đi. Kỳ thực thì lúc đó tôi còn ngạc nhiên hơn: Không hiểu tại sao nó cắn mình, mà sao nó ngu thế, cái phần trắng thì không cắn, lại đi đớp vào lớp vải quần bò dày cộp. Hay là nó hoa mắt? Chỉ cần hai hàm răng của nó tịnh tiến xuống phía dưới 1cm thôi thì chân mình ra bã, khiếp, thôi, chẳng dám nghĩ nữa!

Như vậy thiệt hại dù thế nào cũng đã được giảm thiểu. Ngoài ra, kinh nghiệm ba lần bị chó cắn cho tôi thấy chú tuất này đã đớp nhiều bậc tiền bối rồi chứ tôi không phải nạn nhân đầu tiên, nên không có gì đáng sợ. Chính chú ta mới không gặp may - cắn phải Trang the Ridiculous thì mày hóa dại đến nơi rồi con ơiiiiiiiii.

Dù sao thì cũng đủ đau để khập khiễng lê chân về, vừa đi vừa hậm hực. Cụ Lý Thường Kiệt từng dạy: “Ngồi yên đợi giặc không bằng tung quân ra đánh trước để phá vỡ thế mạnh của nó”. Quán triệt lời cụ, lần sau gặp chó mình sẽ chủ động cắn trước chứ quyết không để nó cắn mình rồi bỏ đi như thế. Hừ, thôi, về thủ đô ăn thịt chó rửa hận!

Monday 25 June 2007

Always Somewhere




Luôn luôn ở nơi nào đó. Thanh Tùng bên FM dịch tên bài hát đến kỳ cục nhưng nhiều khi nghĩ kỹ thấy cũng hay hay. Không quên được giọng đọc hổn hển, phát âm tiếng Anh kém tự tin và dịch tiếng Việt rất ngộ của Thanh Tùng mỗi chương trình ca nhạc trên sóng FM vào thập niên 90 của thế kỷ trước. “She’s like the wind” (Nàng như ngọn gió trời) được dịch là “Nàng yêu mến của gió trời”. “Nowhere man” (tạm dịch là “Người không tưởng”) biến thành “Không ở nơi nào” và ngược lại, “Always somewhere” thành “Luôn luôn ở nơi nào đó”.

Nhưng chẳng sao, tôi vẫn thích một số câu dịch của Thanh Tùng lắm. “Always somewhere” chẳng hạn. Thỉnh thoảng có ai đó hỏi tôi đang ở đâu, tôi chỉ muốn trả lời (một cách rất trừu tượng): “Always somewhere”.

Ở đâu mà chẳng vậy. Tôi chưa bao giờ có cảm giác nhớ một vùng đất nào đó. Nhớ những gương mặt, khoảnh khắc, lời nói, nụ cười, thì có; còn nhớ vùng đất, thì không. Tôi có thói quen nghe nhạc hàng đêm, và vì thế cho dù ở bất kỳ đâu, chỉ cần nghe những bản nhạc và giai điệu đó là tôi lại thấy như đang ở nhà; hay nói đúng hơn, như đang ngồi trong một căn gác nhỏ có mái ngói phủ đầy dây leo xanh ở khu phố cổ Hà Nội.

Ở đâu mà chẳng vậy. Có lần tôi ngồi trên vỉa hè một phố biển, đâu đó bên Malaysia. Với tôi nơi ấy là một thành phố xa lạ với vô vàn gương mặt lướt qua rất lạnh lùng. Nhưng từ một quán ven đường, tôi nghe thấy những nốt nhạc đầu tiên thánh thót mở đầu bài “It Might Be You”.

Time
I’ve been passing time
watching trains go by
all of my life
Lying on the sand,
watching seabirds fly…

(Thời gian, tôi đã băng qua thời gian
nhìn những đoàn tàu lăn bánh
nằm trên cát
ngắm chim biển bay qua…
)


Đó là một con phố nằm trước biển, dưới ánh hoàng hôn đỏ đục, bên này sóng vỗ, bên kia là những hàng quán nhộn nhịp người lại qua, tiếng ồn ào hòa vào trong những nốt nhạc rất trong trẻo và buồn. Tôi lại thấy như mình đang ở Việt Nam, đang ngồi dưới cái gác mái có dàn cây leo xanh xanh.

Ở đâu mà chẳng vậy. Mthoan có hỏi tôi trên blog này: “Vào sì phố ồn ào quá chị nhỉ?”. Không, Sài Gòn hay Hà Nội thì cũng không khác gì nhau lắm, với tôi. Và tôi vẫn thích đi lắm, đi đâu cũng được. Thích cái cảm giác phóng xe máy đến bay tóc trên cầu Sài Gòn hay cầu Chương Dương (bọn tuổi Ngựa hình như cứ ngồi lên xe là phóng còn hơn ma đuổi, bất kể xe đạp, xe máy hay xe xích lô), thích trò chuyện với người này người kia, thậm chí chỉ cần ngồi nghe họ nói cũng được, thích lang thang ở những nơi thật đông đúc để nhìn “bên đời xe ngựa ngược xuôi”. Và đến đêm thì lại nghe những giai điệu huyền ảo kia để thấy mình vẫn như đang ở trong ngôi nhà có căn gác nhỏ ấy.


Ở đâu mà chẳng vậy.

Always somewhere.

Wednesday 20 June 2007

Nào thì 21/6


Sau đây là một đoạn chat “kinh điển” giữa hai người đều vỗ ngực tự xưng là Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch, một kẻ là phóng viên, kẻ kia là kỹ sư. Nhân ngày 21-6, xin post đoạn chat này (lại) để bà con đọc cho vui. Khác với lần trước, lần post này hầu như không biên tập gì.




Nhân vật: Trang, phóng viên, và Hoàng, kỹ sư Bộ KHCN&MT. Bối cảnh: Tan tầm, cảnh nội. Trang khoe với Hoàng là vừa đi quay phóng sự “Bill Gates sang Việt Nam” cách đấy mấy hôm.

Trang: à... bữa nọ em đi quay Bill Gates cả ngày
Trang: mẹ, thằng này cố tình bôi nhọ ta anh ạ... nó sang Việt Nam mà ăn mặc nhếch nhác hết sức
Trang: mấy ảnh ở trển bất bình lắm, không thèm mở tiệc chiêu đãi gì ráo trọi
Anh Hoàng: thằng Gates thì láo rồi
Anh Hoàng: sếp anh mới đầu không thèm ra tiếp, nói vọng ra: “Bảo nó biến mịa nó đi”
Trang: anh từ từ, cho em trình bày đã
Trang: thằng này tuy tỷ phú
Trang: nhưng thực chất chỉ đáng là trọc phú anh ạ
Trang: ăn mặc quê mùa, kính cận dày cộp, đi cái xe vàng vàng bẩn hết chỗ nói
Trang: mà xe là xe đi mượn
Trang: nào phải của nó
Trang: không hiểu nó tự hào cái nỗi gì
Anh Hoàng: anh đang chỉ đạo các anh bên Bộ KHCN
Anh Hoàng: viết 1 cái phần mềm
Anh Hoàng: hơn hẳn Microsoft của Gates
Anh Hoàng: lấy tên là Macluoile Office 6000
Trang: thằng Bill sang đây
Trang: hỏi gì cũng nói rất chung chung anh ạ… (cắt một đoạn)
Trang: xem ra nó cũng biết câu "nhập gia tùy tục"
Anh Hoàng: thằng đấy trông như thằng dở hơi
Anh Hoàng: vớ vẩn
Anh Hoàng: hôm nó yết kiến sếp anh
Anh Hoàng: chết cười ấy chứ
Trang: nó nói gì?
Anh Hoàng: nó bảo
Anh Hoàng: “Thưa anh, em đã làm từ thiện đến 29 tỷ USD, sao em vẫn chưa được xét nhập quốc tịch nước ta?”
Trang: hừ… hỏi chi ngu rứa?
Trang: rứa sếp anh dạy răng?
Anh Hoàng: sếp mới ôn tồn bảo: “Chưa được chưa được… Như thế đâu đã đủ. Nếu thật muốn nhập quốc tịch nước mình, sao cậu không đem hết gia tài ra mà làm từ thiện đi?...”
Trang: đấy, phải thế chứ
Anh Hoàng: Bill nghe nói mới tỉnh ngộ đấy
Trang: thế tỉnh ngộ thì nó làm gì?
Anh Hoàng: chưa rõ
Anh Hoàng: nó cút về Mỹ rồi
Trang: ơ cái thằng dở người này
Anh Hoàng: kệ nó
Anh Hoàng: nó chậm hiểu
Anh Hoàng: thì đành chịu chứ làm thế nào


Trang thấy Hoàng ứng đối như nước chảy, mặt đã hơi xanh, trong bụng ngấm ngầm ghen ghét, nghĩ thầm: “Công phu lố bịch của người này gấp mười lần ta. Nếu không diệt ngay e rằng để lâu tất sinh hậu họa, ắt ta mất chức Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch về tay hắn”. Bèn tung tuyệt chiêu:


Trang: à, báo cáo anh
Trang: hôm đó... em xin nhận thiếu sót
Trang: là đã quên không bố trí người ném cứt trâu vào xe chở thằng Bill Gates
Trang: để nó nhênh nhang đến rồi đi, không coi ai ra gì
Trang: lẽ ra phải ném
Trang: ném đến cùng
Trang: ném cho nó biết nước Nam anh hùng là có chủ chứ
Trang: em bận quá nên quên
Trang: cứ đinh ninh chi bộ ta cắt cử người đâu vào đấy rồi... ơ mà hóa ra anh cũng quên nốt
Trang: à, phải rồi đấy. Chính ra truy cứu trách nhiệm anh mới đúng. Nào, anh giải trình đi
Trang: hôm đó anh ở đâu? làm gì? mà quên việc cắt cử trẻ trâu ném phân trâu vào mặt thằng Bill?
Anh Hoàng: đâu có
Anh Hoàng: ném mấy lần rồi
Anh Hoàng: toàn trượt
Anh Hoàng: vì không có tập huấn trù bị từ trước
Trang: phê bình!
Anh Hoàng: bọn trẻ trâu sau bị nghiêm khắc phê bình đấy chứ
Trang: việc quan trọng thế sao lại không tập huấn?
Anh Hoàng: mịa, cái này việc nhỏ
Anh Hoàng: thuộc chi bộ cấp dưới
Anh Hoàng: chứ anh ở TW hơi đâu lo việc bé
Trang: thôi thế là chết rồi
Trang: thằng Bill được thể
Trang: đi lại loăng quăng, nhâng nhâng nháo nháo
Trang: nó lại ăn trầu têm cánh phượng của liền chị Bắc Ninh làm
Trang: mặt nó nhăn nhó
Trang: trông đáng ghét lắm
Trang: mẹ nó chứ
Trang: nó chả coi ta ra gì
Anh Hoàng: uh, kệ nó, nhá, kệ nó
Anh Hoàng: nó ăn xong về, đi… hơn chục lần
Anh Hoàng: thế mới biết sức mạnh vô địch…
(cắt một đoạn)



Trang: kệ là kệ thế nào?
Trang: này, sao anh cứ nhân đạo chung chung, mất lập trường thế nhỉ?
Trang: phê bình nhá!
Anh Hoàng: thằng đó vào yết kiến sếp anh
Anh Hoàng: cũng hối hận lắm rồi
Anh Hoàng: phen này về Mỹ khéo lại đi ăn mày trước cửa rạp xi nê Broadway ấy chứ
Anh Hoàng: hoặc là làm cái thằng gác cổng ở chứng khoán phố Wall...
Trang: quân khốn kiếp ấy
Trang: để em gửi anh cái ảnh ta chụp nó này
Trang: cả cái ảnh nhà sàn em chụp mấy hôm trước nữa, con Olympus của em hèn thì hèn thật nhưng được cái hôm đó trời nắng đẹp
Anh Hoàng: Bill Gates
Trang: chính hắn!
Anh Hoàng: dù mi có 50 tỷ USD thì cũng đừng hòng mua được một căn nhà sàn nhỏ đơn sơ, nằm sát mép nước một con suối cuồn cuộn trôi, dưới bóng núi non hùng vĩ
Trang: và lộng gió thời đại nữa chứ?
Anh Hoàng: à này, em làm báo, có biết nó sang Việt Nam đợt này là theo chỉ thị của ai không?
Trang: nó muốn sang ta
Trang: muốn nhập quốc tịch
Trang: ở hẳn Việt Nam không về Mỹ nữa
Trang: nhưng
Trang: cho nó vào hay không
Trang: lại là chuyện khác




Hai người chat từ giờ Thân đến giờ Dậu, bất phân thắng bại, nhất định không ai công nhận ai là Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch. Cuối cùng đành kết luận: KỲ PHÙNG ĐỊCH THỦ!

Monday 18 June 2007

21/6

Ở Sài Gòn mấy ngày này, thấy không khí làm báo nhộn nhịp ghê, bà con phóng viên náo nức chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm “ngày giỗ của chúng mình”. Tự nhiên ngồi thần mặt: Hình như chưa bao giờ có một ngày 21/6 nào làm tôi vui, chưa bao giờ.

Nghề báo làm biến dạng tính cách con người mình thật. Bây giờ mà tôi nói “ngày xưa em hiền lắm đấy ạ” thì chẳng ai tin, còn tưởng mình lại giở trò gì lố bịch. Thế mà đúng là như thế đấy, đã từng có thời tôi rất hiền lành. Và tôi đi làm báo, và vẫn hiền, có thể dùng từ chính xác là “ga-lăng”, từng được mệnh danh là “ga-lăng nhất tòa soạn”: gặp ai cũng nhường, ví dụ có thể nhường ghế ngồi cho người khác để bản thân nằm còng queo trên sàn tàu hỏa ngủ mấy đêm liền.

Để rồi có những hôm tôi gục mặt xuống bàn phím, thấy máu chảy ra từ tai.

Để rồi có những đêm 3h sáng tôi bật dậy: “Mả bố thằng nào giờ này còn chạy rốt-đa xe máy để tao không ngủ được thế này?”, và chợt nhận ra tiếng máy nổ đó phát ra từ trong… đầu mình: ù tai.

Để rồi có những lúc ngồi nhìn bạn mình ngồi ôm mặt (vì dính một vụ gì đó), chẳng biết nói gì để an ủi, tôi chỉ còn cách tìm một điếu thuốc đưa bạn: “Hút đi kìa!”, rồi bật khóc.

Để rồi có những buổi sáng tôi ngủ dậy, ngồi thẫn thờ, miệng lảm nhảm: “Sao mình phải khổ thế nhỉ?”, hoặc phóng xe máy đi hết phố này đến phố kia cho bằng hết xăng, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Đểu quá! Quá đểu! Đểu quá! Quá đểu!

Và rồi đến một ngày tôi phải nói với mình: “Không được. Ai cho tao hiền? Tao không thể là người hiền được nữa, biết không? Chỉ còn một cách, biết không? Chỉ còn một cách, biết không?...

Thế là bây giờ tôi nói tôi hiền, chẳng ai tin nữa.

Ừ, hay là mình ghê gớm thật? Một kẻ đại gian ác cũng nên.

Wednesday 13 June 2007

Chuyện phỏng vấn Tây




Sắp tới ngày Báo chí Cách mạng 21/6. Để tôn vinh tinh thần bất diệt của ngày này, thiết nghĩ không gì bằng post hầu bà con một số chuyện tác nghiệp của các nhà báo, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.


Tôi là kẻ mang nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa, nhưng lại rất thích đi phỏng vấn “Tây”. Tây nó không giống như ta, ở chỗ đã đồng ý tiếp phóng viên là sẽ tiếp, mà nó đã từ chối rồi thì nghĩa là dứt khoát không (trong khi ta thì tinh thần kiên định cách mạng có thể nói là rất kém, miệng từ chối đây đẩy đấy nhưng có khi bị thằng/con nhà báo dẻo mỏ tà lưa tí là lại ok ngay).

Hồi đầu hè năm ngoái tôi tới UNESCO để phỏng vấn Edle Tenden về một cụ cố người Ba Tư được UNESCO tôn làm nhân vật của năm 2007. Cụ này tịch từ năm 1273, tên thân mật của cụ là Mevlana Jellaluddin Mohammed Rumi, tên thật thì bằng chừng ấy chữ cộng thêm hai dòng nữa. Tới văn phòng UNESCO, chúng tôi gặp Edle và một đống trợ lý ngồi sẵn. Cần phải giải tán ngay mấy con mẹ thư ký cho dễ làm việc - tôi nghĩ thầm - chắc tưởng bọn này không nói được tiếng Anh hả? Lặp lại tiểu xảo vốn quen sử dụng, tôi nói nhỏ với Edle rằng chúng tôi không cần phiên dịch, ngoài ra có nhiều người trong phòng sẽ khiến chúng ta đều khó làm việc, nếu có thể xin cô vui lòng đề nghị họ ra ngoài cho.


Vậy là cuối cùng chỉ còn lại Edle - tức nhân vật chính của phóng sự, quay phim và tôi trong phòng. Chúng tôi vào cuộc rất nhanh.

- Tư tưởng chính trong tác phẩm của Rumi là gì?

- Tôi nghĩ đó là tinh thần khoan dung và không phân biệt…

- Cô thích tác phẩm nào của Rumi?

- Tôi thích…

- Cô có thể đọc một đoạn không?

Edle đọc một đoạn thơ Rumi cho tôi nghe. Chúng tôi nói chuyện về Rumi, về điệu múa sema, về tinh thần khoan dung trong tôn giáo của Rumi, về đạo Hồi v.v. Nhược điểm rất lớn của tôi là đi đâu cũng ngồi rõ lâu và ba hoa xích tốc cứ như thể mình hiểu vấn đề lắm.


Thình lình chú Công Sơn quay phim gọi to:

- Chị Trang, chị bảo nó vén tóc lên em quay một cái.

- Hả???

- Chị bảo nó vén tóc lên cho em quay. Tóc nó xòa xuống trán kìa.

- Ặc…


Suýt nữa tôi buột miệng: “Mẹ kiếp, sao mày bắt chị dịch cái từ khó thế hả em?” Giời, mình có thể ba hoa với “Tây” về toán, lý, hóa, sinh, về kinh tế chánh trị, về thiên văn học, khí tượng học, về vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương… chứ bảo dịch từ “vén tóc lên” thì mình biết dịch thế nào? Edle thấy chúng tôi hoa chân múa tay với nhau, lấy làm lạ, hỏi có chuyện gì. Một loạt từ chạy lướt qua trong trí nhớ: hoist, raise, roll up v.v. chẳng từ nào đúng cả. Tôi chẳng biết nói sao, đành lúng búng: “Mind your hair, mind your hair” (chú ý tóc, chú ý tóc). “Nhân vật” càng không hiểu. Hết nước diễn đạt, bí từ, tôi đành mở túi rút chiếc lược ngà ra, xăm xăm đi về phía Edle và, một cách thô lỗ, chải ngược tóc cô ta lên đỉnh đầu. Hết hơi!

Đến lúc bấm máy thì còn mỏi miệng nữa, vì tôi cứ liên tục phải: “Move back, Slow down, Start, OK, come on, Again, please, Sorry we haven’t finished it yet”… Sơn hét tôi hô, nhân vật thỉnh thoảng lại đứng đực ra không biết nên làm gì. Cuối cùng giải pháp đơn giản là chú Sơn xông tới nắm cánh tay nhân vật lôi đi xềnh xệch, không hơi đâu chờ tôi dịch xong một câu đúng ngữ pháp.

Nhưng may thay chúng tôi được cụ Rumi phù hộ nên cuối cùng mọi chuyện cũng kết thúc tốt đẹp. Chỉ có điều cho đến giờ tôi vẫn chưa biết dịch “vén tóc lên” sang tiếng Anh như thế nào.


*
* *


Có những người nước ngoài rất tự nhiên. Một lần tôi gặp một nữ doanh nhân người Anh ở Việt Nam. Hai bên phân ngôi chủ khách xong, vừa ngồi xuống thì “nhân vật” đã quay sang anh nhà báo đi cùng, nhìn chòng chọc. (Ấy, thật ra thì cũng không đến nỗi thế đâu, nhưng mắt tôi tia nhanh lắm mà mọi chuyện qua miệng tôi thì đều bị lố bịch hóa đi cả, xin bà con thông cảm giùm). Cực chẳng đã tôi phải giới thiệu: “Đây là X., đồng nghiệp của tôi”. “Nhân vật” cười tít mắt:

- Is he a reporter?

- Yes, he is.

- Are you sure?

- Definitely. He’s my workmate.

- Do you think he is too handsome to be a reporter? (bạn có nghĩ anh ấy quá đẹp trai để làm phóng viên không?)


Ớ cả người… Tôi cá nếu tôi là đàn ông, ý nghĩ đầu tiên trong đầu sẽ là “mịa, con này dâm!”. Nhưng tôi lại không phải man nên chỉ biết nhe răng cười, dù trong bụng nghĩ thầm: “Chắc you muốn nói là phóng viên toàn người xấu chứ gì. Vừa phải thôi chứ. Đá xoáy gớm nhỉ”. Khó khăn lắm tôi mới kiềm được câu nói này, vì không dịch được (tiếng Anh dịch sẽ không sát tinh thần tiếng Việt): “Đẹp trai như anh ta ư, trong giới báo chí có hằng hà sa số, song đều đi làm sếp hết rồi. Duy anh này xấu nhất nên mới đi cùng tôi làm phóng viên”.


Kể chuyện vậy chứ tôi vẫn thích đi phỏng vấn “Tây” lắm. Dĩ nhiên là tôi cũng thích phỏng vấn cả “ta” nữa. Suy cho cùng thì Tây hay ta đều là người cả, phải không bà con?



+++

Ai dịch được cụm từ "xin vén tóc lên" sang tiếng Anh, làm ơn dịch giúp Trang với. Cảm ơn trước.

Sunday 10 June 2007

Con ma ở Bệnh viện Bạch Mai




(tức “Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ”, phần tiếp theo)

Những chuyện ma tôi đã được nghe, thậm chí chứng kiến tận mắt tận tai, không hiểu sao đều bị tôi nhìn nhận dưới một lăng kính có lẽ là hết sức lố bịch. Tôi chẳng sợ mà chỉ thấy buồn, hoặc buồn cười. Câu chuyện sau đây thì tôi chỉ nghe kể lại.


Vào cuối năm 1972, Mỹ ném bom Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), làm sập một khu nhà, chết nhiều bác sĩ, y tá và bệnh nhân. (Hơn 30 năm sau, chuyện này đã được kể lại một cách… như dở hơi trong bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm” của đạo diễn mà tôi khá ngưỡng mộ, Bùi Đình Hạc). Vấn đề nghiêm trọng hơn là sau đó khu nhà này trở thành nơi bị ma ám, các bác sĩ, y tá, hộ lý đi trực đêm ở đó đều nghe tiếng khóc như ri và bị lay giường, không cho ngủ. Tất cả khiếp sợ. Không một y tá nào dám bén mảng tới đó nữa. Bà bác ruột tôi khi đó là bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, lùn như… tôi, người gầy xanh như cá mắm trắng. Những năm tháng chiến tranh, Hà Nội đói kém vô cùng, cộng thêm công việc vất vả đã khiến bà tiều tụy xơ xác, hạ đường huyết liên tục. Bà nhận phiên trực đêm đúng khu vực bị ma ám. Không có y tá nào dám tới phụ việc, bà một mình nhận phòng, ngồi trực.


Đêm đã khuya, bà đi ngủ. Nửa đêm về sáng bà buộc phải thức giấc vì chiếc giường bỗng dưng bị rung bần bật như động đất. Mở mắt, bà nhìn thấy chiếu trải trên giường cuộn thành từng lớp, hệt như có ai đó - một người vô hình - đang giũ chiếu để tống cổ bà ra khỏi giường. (Tôi trộm nghĩ chắc lúc đó cái chiếu uốn lượn giống mái vòm Sóng Biển Đông của Trung tâm Hội nghị Quốc gia quá). Bà bác tôi ngồi bật dậy. Trừng mắt nhìn thẳng vào khoảng không trước mặt, bà quát lên:

- Này, làm cái trò gì thế? Ơ hay buồn cười nhỉ? Tôi đi trực, không cho tôi ngủ ở đây thì tôi ngủ ở đâu?

Người bà bé nhỏ, nhưng tiếng quát thì sang sảng đanh thép kinh khủng. Điều kỳ lạ là ngay sau đó cái chiếu không cuộn lên và giường không rung nữa. Hình như con ma bị bác tôi át vía, nó im bặt. Và hình như cũng kể từ đó, nó mất thiêng.


Về sau khu nhà đổ nát được xây lại thành một phần của Bệnh viện Bạch Mai.
Không thấy ai nói gì đến ma quỷ nữa, dù tôi biết rằng chỗ đám cây xà cừ xanh thẫm phủ bóng chỗ nhà xác bệnh viện (sát đường ray tàu hỏa trên đường Giải Phóng, phía đối diện là lối vào ĐH Kinh tế Quốc dân) vẫn còn là nơi ám ảnh một số người. Như mẹ tôi - người đã chứng kiến anh ruột mình chết ở đó. Như bác tôi - người đã can đảm “chiến đấu chống ma” mà lý do thực sự chỉ vì bà đã quá mệt, đói, buồn ngủ, đến độ chẳng còn sức để sợ nữa. Sau này bà kể với tôi, bà không sợ mà chỉ… điên tiết vì bị ma quấy rầy, trong khi giấc ngủ là lúc duy nhất để bà thoát ly khỏi gánh nặng cuộc sống.

Có lẽ rất ít người bây giờ biết nơi ấy đã từng có ma.



(hết phần 5)

Mời bà con đón xem phần 6 ở entry sau.

Photo by Hồ Phạm Huy Đôn. Ảnh chẳng có tính chất minh họa, chỉ là thấy hay thì đưa vào.

Tuesday 5 June 2007

Trịnh Công Sơn và Beatles




Một người bạn tôi có lần nói về tôi như một kẻ điên cuồng ái mộ The Beatles, có thể “trích dẫn từng lời hát của Beatles như các cụ ta xưa lẩy Kiều”. Nói vậy hơi quá, nhưng kể cả như thế thật thì cũng chẳng có gì là đặc biệt - nhiều người trong số chúng ta còn trích dẫn ca từ của Trịnh Công Sơn dễ dàng như lấy vật gì trong túi ra.

Những câu hát nhạc Trịnh được trích phổ biến nhất có lẽ là:

- Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.
- Mệt quá thân ta này…
- Em còn nhớ hay em đã quên?
- Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
- Xin cho về trọ cùng nhau, mai kia dù có ra sao cũng đành.
- Một ngày như mọi ngày...
v.v.


Tôi tin là gần như 100% thanh niên thành thị ở Việt Nam đều đã nghe và thích ít nhất một bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn, dĩ nhiên tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng không hiểu sao tôi không say mê nhạc Trịnh, có thể do bị cái tính lố bịch xúi bẩy đi ngược lại đám đông, cũng có thể do tôi không thích chất buồn bã, có phần bi lụy trong các nhạc phẩm của ông. Tôi, với bản tính nhố nhăng, đương nhiên sẽ thích sự trong sáng và tinh thần yêu đời trong ca khúc của The Beatles hơn.

Cùng nói về một tình yêu mới chớm chẳng hạn nhé, Trịnh Công Sơn viết: “Xuân đến bên kia đời, trời mở ra cánh én. Em đến bên tôi ngồi, đời mở ra cuộc tình”. Hay thì hay thật, nhưng cứ ảo não và mong manh thế nào - cô này mà bỏ đi thì đời khép cuộc tình lại ngay thôi. Tôi sẽ thích nghe Beatles ca lên những câu này hơn: “When I’m with her I’m happy just to know that she loves me”, hoặc “I can’t believe it happens to me, I can’t conceive of anymore misery. Ask me why, I’ll say I love you, and I’m always thinking of you”. Vô cùng hồn nhiên và trong trẻo.


Nói vậy chứ mọi sự so sánh đều khập khiễng, tất nhiên. Nhưng tôi cho rằng ở đỉnh cao thì các bậc vĩ nhân hoặc người tài trong thiên hạ đều có tư tưởng gần gũi nhau cả. Như Trịnh Công Sơn viết “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, The Beatles cũng từng có câu “life is very short and there’s no time for fussing and fighting, my friends”. Không hoàn toàn giống nhau nhưng đại khái là như thế. Một số ca khúc Trịnh Công Sơn có lời lẽ rất bí hiểm, thì The Beatles cũng từng làm người nghe vò đầu bứt tai với những “Strawberry Fields Forever” (Cánh đồng dâu tây vĩnh cửu) hay là “Across the Universe” (Trong vũ trụ):


Sounds of laughter, shades of earth are ringing
through my open views, inciting and inviting me.
Limitless undying love which shines around me like a million suns,
It calls me on and on across the universe
Jai Guru Deva Om

(Những giọng cười, những bóng tối ngân vang
trong mắt nhìn tôi vô hạn,
kêu gọi và quyến rũ tôi
Tình yêu bất diệt vô giới hạn
tỏa sáng quanh tôi như hàng triệu mặt trời
gọi tên tôi mãi mãi trong vũ trụ
Ôi Đấng tối cao, tối linh!...
)

(Jai Guru Deva là một thứ ngôn ngữ nào đó ở Ấn Độ, có nghĩa như vừa dịch, còn từ OM là âm thường được xướng lên [chanting] ở đầu và cuối một buổi thiền trong yoga. Internet nó bảo thế.)


Dịch xong khéo điên hết cả đầu. Nhà John với Paul chơi lắm điển tích thế làm gì nhỉ? Khoe chữ à?


Xin nói thêm là entry này chỉ bàn về vấn đề ca từ thôi, còn để thể hiện tính chất trong sáng hay u sầu thì trong âm nhạc, phần giai điệu và hòa âm phối khí, theo tôi, chiếm tới 80% vai trò. Để biết tinh thần yêu đời, dung dị và đầy sức sống ở nhạc Beatles, ta cứ thử nghe đoạn guitar dạo đầu và kết thúc của bài "It's only Love" mà xem. Trong như nước.

Nếu nói về nhạc Trịnh Công Sơn thì tôi thường trích dẫn câu gì nhỉ? Hơ… chẳng biết nữa, nhiều lắm, nhưng ngay lúc này thì chắc chỉ kịp nghĩ tới một câu đơn giản thôi: “Hãy yêu nhau đi”. À mà The Beatles cũng có vài câu na ná như thế để mình dùng rồi: Altogether now, hoặc Love me do, hoặc All you need is love.

Thôi chẳng cố ngồi nhớ làm gì, dạo này cứ phải nghĩ một tí thôi là tôi lại đau đầu bà con ạ, để lúc khác vậy.



Kỳ sau: Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ (phần tiếp theo)