Friday 16 December 2011

Giọt nước mắt của lề phải

Trong suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành, qua phản ánh của phim ảnh, nghề báo đẹp như được phủ một lớp hào quang.

Nhà báo được tiếp xúc với số lượng người cực lớn, trong đó có nhiều quan chức cao cấp, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà báo có thể “dồn” một ông cốp tới lúc phải đắng họng, có thể vạch trần những âm mưu xấu xa, có thể bá vai bá cổ một nhà văn chụp ảnh, hay ôm hoa đứng bên các nghệ sĩ. Nhà báo có xu hướng là người quảng giao, rất hiểu biết, nói chuyện hay ho, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa biết đủ ngóc ngách của xã hội. Nhà báo có xu hướng thông minh, hài hước, dũng cảm, biết chụp ảnh. Nghề báo là nghề đầy vinh quang và có cả sự phiêu lưu mạo hiểm…

Đó là suy nghĩ của nhiều người ngoài ngành về nghề báo và nhà báo. Tất nhiên, không phải 100% ý kiến đánh giá đều như vậy. Ở thái cực kia, người ta lại nghĩ nhà báo Việt Nam là cái lũ đầu rỗng, nỏ mồm chém gió và nói phét, đã thế lại đểu, chỉ giỏi vặt tiền doanh nghiệp, nói tục chửi bậy kinh khiếp mà viết lách thì không bài nào sạch lỗi.

Người ta cũng có thể nghĩ nhà báo Việt Nam là một lũ cừu, cứ sểnh ra là viết sai, viết láo, viết không có lợi cho tình hình chung, làm phương hại tới quan hệ giữa Việt Nam và một quốc gia nào đó.

Người ta còn nghĩ nhà báo Việt Nam là một bọn bồi bút, bọn lưỡi gỗ tuyên truyền phản dân hại nước, ngậm miệng ăn tiền. Không đếm được có bao nhiêu lời mạt sát “lề phải” trên mạng: “não nhẵn”, “óc phẳng”, “hèn hạ”, “ngu xuẩn”, “vô lương tâm”…

Tuy nhiên, không thể tóm gọn diện mạo của cả làng báo Việt Nam trong một vài tính từ tích cực hay tiêu cực nào. Vì họ có tất cả những gương mặt ấy, khía cạnh ấy. Và dù thế nào đi nữa, trong đội ngũ các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng (cách gọi khác của từ “đàn cừu”), vẫn luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình có thể tìm được đến cho độc giả.

Tôi kính phục họ - những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. Thật tiếc là, dẫu vô cùng muốn viết về họ, nhưng ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ phải giấu tên các nhà báo ấy, để họ ở yên trong trận tuyến của họ - vì lẽ mọi lời nói ám chỉ đến họ đều có thể trở thành thông tin chỉ điểm.

“Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này…”

Họ trước hết là những người rất thông minh, sắc sảo. Và chúng ta đều hiểu là, một người có đầu óc thông minh, sắc sảo, biết xét đoán và biết phản biện, sẽ không bao giờ chấp nhận sự định hướng, lừa mị, bưng bít. Không thể che mắt họ bằng lối nhồi sọ của thế kỷ trước.

Họ cũng “phản động” chẳng kém bất kỳ nhà báo tự do, blogger lề trái nào. Nhưng trong hoàn cảnh của họ, họ không thể thoải mái viết bài phê phán, chỉ trích rồi đưa lên mạng tùy thích. Họ im lặng, cố gắng mang đến cho độc giả những thông tin tốt nhất có thể có được, thông qua một lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất, và chỉ thầm ước mong: rồi độc giả sẽ hiểu.

Không có họ, ai là người đưa những thông tin đầu tiên về đại dự án bauxite 2009 ở Tây Nguyên ra công luận?

Không có họ, ai đưa những phát ngôn “đỉnh cao trí tuệ” trong chính trường Việt Nam lên mặt báo? Ai ghi lại những câu nói “bất hủ”, phản ánh trình độ (ít nhất là khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt) đáng báo động của một bộ phận không nhỏ quan chức nước nhà?

Không có họ, ai phản ánh về những vụ dân thường chết trong đồn công an một cách bí hiểm? Cho dù nhiều sự việc đau lòng như thế có thể chẳng đi về đâu, nhưng ít nhất, cũng nhờ có họ mà chuyện đã được đưa ra công luận.

Không có họ, ai viết về mãi lộ? về lũ lụt, tai nạn, tiền cứu trợ bị bớt xén hay hàng cứu trợ toàn bột giặt? về những tai nạn thảm khốc – cho thấy một xã hội đầy rủi ro, tỷ lệ tử chắc chắn là cao hơn mức 6/1.000 người dân/năm rất nhiều? về những bê bối trong trường học, bệnh viện? về một Vinashin vỡ nợ? Tất nhiên, việc báo chí viết về Vinashin hay các bê bối tương tự rất có thể chỉ là kết quả của những đấu đá nội bộ “trên thiên đình”, trong đó báo chí được sử dụng làm công cụ, vũ khí để bắn giết nhau, nhà báo chỉ là những con tốt mà thôi. Nhưng dù sao thì lũ tốt đen ấy cũng đã làm được công việc đưa một phần sự thật ra ánh sáng.

Cũng có những lúc lề trái và lề phải “phối hợp tác chiến” một cách rất hoàn hảo. Hình ảnh những người dân đi đầu trong đoàn biểu tình mùa hè năm 2011, giương cao tờ báo Thanh Niên với hàng chữ nổi bật trên trang nhất: “Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”, có đủ nói lên sự ủng hộ ngấm ngầm của lề phải cho lề trái chăng? Tôi nhớ ở đâu đó, một độc giả bình luận: “Báo Thanh Niên đã góp sức để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách an toàn – và quý báo cũng… an toàn!”.

Họ cũng ra đi. Ra đi nhiều lắm. Cứ sau mỗi vụ tờ báo nào đó bị xử lý, rất có thể là lại có hàng loạt người “bay”. Nhất là với cái thứ văn hóa đổ vấy của người Việt Nam, khi một loạt bài được “trên” biểu dương, thì lãnh đạo tòa báo hưởng, mà khi loạt bài bị “đánh” thì chỉ có thằng đánh máy, con sửa mo-rát là chết, mà lại là chết trong âm thầm, không ai hay biết.

Cũng nhiều người tự động bỏ đi, vì chán ngán, vì bế tắc. Một trong những người ấy đã gửi tôi một dòng tin nhắn mà không bao giờ tôi quên được: “Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này cho những kẻ mà ta khinh bỉ”. (1)

Vì nhân dân

Năm 2009, trong một bài về “Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước 1975”, tôi đã viết: “… nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt”. Đó thực chất là điều tôi muốn nói về báo chí Việt Nam sau năm 1975. Tôi không biết trong cuộc chiến thầm lặng chống lại sự bưng bít, bóc trần cái xấu, thúc đẩy sự minh bạch, bao nhiêu nhà báo đã lau nước mắt.

Chiều 2/8/2011. Ngày ấy, ở Hà Nội diễn ra hai sự kiện: phiên xử phúc thẩm TS. Luật Cù Huy Hà Vũ và cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, với nội dung thông báo kết quả điều tra vụ “đạp mặt người biểu tình”.

Cảm giác “lạnh người” khi nghe tin ấy: Bộ Công an tổ chức họp báo ngay tại Thành ủy Hà Nội (giữa trung tâm thủ đô) để thông báo kết quả điều tra, và trước đó, tin đồn ít nhiều rằng đã có những cuộc tiếp xúc, điều đình giữa công an và người biểu tình bị đạp mặt – anh Nguyễn Chí Đức. Chúng tôi đều hiểu rằng, không có lý gì mà công an tự tin đến thế. Chắc là sẽ có một diễn biến gì đó…

3 giờ chiều, từ ngoài đường, tôi gọi điện cho bạn (vừa ở cuộc họp báo ra):

- Tình hình sao rồi mày?

- Xong rồi. Họ bảo tay Đức chống đối, ngồi bệt xuống đất, nên công an phải khiêng lên xe đưa về đồn. Ông Đức cũng bảo không bị ai đánh, viết tường trình nói rõ thế rồi.

- Còn cái clip kia?

- Không xác định được có phải là giả không.

- Thế bây giờ mày định…?

- Thì về viết bài, có thế nào viết như thế chứ còn định gì. So what? (thế thì sao)

- So what cái cục cứt! – chưa bao giờ tôi thô lỗ như thế trên điện thoại di động. – Mày định thế nào? Mày muốn cứ thế mà tương vào bài à? Mày không hỏi Chí Đức lấy một câu à?

- Mày muốn gì? Có giỏi thì mày viết đi, viết xem có đăng được không?

Hai người chửi nhau một trận nảy lửa trên điện thoại.

- Đừng có vô lý thế. Mày phải hiểu là không thể khác được. Trong trường hợp này tao chỉ có thể làm hết sức mình là phản ánh lại đúng sự việc qua lời của công an, và sẽ ghi rõ là “theo kết luận điều tra”. Thông tin được chừng nào tới người đọc tốt chừng ấy. Mày viết theo kiểu đa chiều, lấy ý kiến Chí Đức, xem có đăng được không? Sao cáu kỉnh vô lý thế? Có phải lỗi của tao không?

Đến lượt tôi ngồi bệt xuống đất, tay run bắn lên vì giận. Phải, chính tôi mới là kẻ vô lý. Tại sao tôi lại gầm lên trên điện thoại, lại văng tục với bạn tôi – nhà báo mà tôi nể phục, quý trọng, nhà báo mà tôi vẫn thường yêu mến bảo: “Như John Lennon và Paul McCartney, hai ta song kiếm hợp bích”. Tại sao tôi lại nói bạn như thế, trong khi cả hai đều hiểu ai là những kẻ phải chịu trách nhiệm về tất cả chuyện này.

Bất cứ người làm báo chuyên nghiệp nào cũng hiểu quá rõ rằng, “trung thực, khách quan, công bằng” là các nguyên tắc đạo đức hàng đầu; và nếu ở một nền truyền thông đa chiều như phương Tây, thì sau khi dự một cuộc họp báo của cơ quan công an như thế, việc tiếp theo phóng viên phải làm là phỏng vấn “phía bên kia”, tức là nạn nhân Nguyễn Chí Đức, để xem anh có ý kiến như thế nào, có thực anh đã viết tường trình khẳng định mình không bị đạp mặt hay không.

Nhưng báo chí nước mình nó khác, khác ghê lắm. Mà chẳng riêng báo chí, nói chung là cái nước mình nó khác. Video clip ghi lại hình ảnh vụ đạp mặt không được thừa nhận một cách thản nhiên. Cuộc họp báo của cơ quan công an, tổ chức tại Thành ủy Hà Nội, không có mặt Nguyễn Chí Đức, cũng không mời bất cứ một ai trong số những người đã ký kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm vụ đạp mặt công dân. Kết luận chỉ hàm ý đơn giản là Nguyễn Chí Đức ăn vạ. Hỡi ôi, cả một hệ thống xông vào vùi dập một công dân! Và chúng tôi đã chẳng thể làm gì để bảo vệ công dân ấy.

Nhưng bạn tôi nói đúng. Chúng tôi không làm khác được. Trong một nền báo chí được định hướng chặt chẽ, sát sao. Trong một nền truyền thông nơi “quyền bình luận” của nhà báo bị triệt tiêu sạch sẽ – đừng hỏi vì sao báo chí (lề phải) Việt Nam bao năm qua không có nổi một cây viết bình luận cho ra hồn; phóng viên, nhà báo đâu có cái quyền ấy; nó là quyền của lực lượng “chống âm mưu diễn biến hòa bình” kia. Trong một nền truyền thông nơi báo chí bị coi như công cụ, nhà báo không khác gì con chó, khi nào bảo sủa thì sủa, bảo im thì im. Thì người làm báo phải lựa chọn. Hoặc là im lặng để cố gắng đưa được thông tin tới bạn đọc chừng nào tốt chừng ấy. Hoặc ra đi.

Và trong cuộc chiến lặng thầm đưa thông tin tới bạn đọc, nhiều nhà báo chỉ còn biết gạt nước mắt, thở dài mỗi khi bị hiểu nhầm, bị nghe chửi (oan) là “lưỡi gỗ”, “chó lợn”, “ngu xuẩn”… Đôi khi, họ làm tôi nhớ đến một câu hát buồn:

“Many times I’ve been alone,
and many times I’ve cried.
Many ways you’ve never known,
but many ways I’ve tried…”
(2)

Ngước mắt nhìn trời…

Năm 2011 khép lại bằng một vài sự kiện, trong đó có chuyến về nước của GS. Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt. Một trong những nhà báo thầm lặng mà tôi cũng rất yêu mến, khi tôi hỏi “có theo sự kiện này không”, đã trả lời: “Khi thất vọng với mặt đất thì là lúc nên nhìn lên trời”.

Dẫu là một câu nói đùa, nhưng nó đúng. Nhìn lên trời cũng là một cách để bớt ức chế với mặt đất. Nếu không ngước mắt nhìn trời, họ – những nhà báo vẫn cố gắng bám trụ với nghề, chấp nhận cay đắng, chấp nhận sự định hướng của một lực lượng mà năng lực truyền thông hẳn nhiên là thua xa họ – sẽ không chịu nổi bao nhiêu bụi bặm, rác rưởi.

Thôi thì chúng ta có thể hy vọng rằng, mọi việc được làm trên thế giới này đã được tiến hành bằng hy vọng.


Ghi chú:
1. Tiểu thuyết “Suối nguồn” (The Fountainhead, 1943) của Ayn Rand.
2. Ca khúc “Con đường dài và khúc khuỷu” (The Long and Winding Road, 1970) của “The Beatles”.
3. “Everything that is done in the world is done by hope” (Martin Luther).

Monday 12 December 2011

Nền độc lập cho Palestine (bài 2) - Giấc mơ tự do, độc lập

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Palestine. Bố tôi là nông dân, sau trở thành công nhân vì đất của ông bà tôi bị chiếm đóng, nên nhà tôi không còn đất đai. 16 tuổi, tôi đã tham gia các hoạt động của sinh viên Palestine chống lại cuộc chiếm đóng của Israel. Vì cái ách chiếm đóng ấy, cuộc đời của người Palestine rất vất vả…” – Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama, kể.


- Ông có thể nói gì về cuộc sống của người dân Palestine?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là một chân lý mà các dân tộc như Việt Nam, Palestine quá hiểu. 44 năm chiếm đóng, quân đội Israel can thiệp vào từng chi tiết trong cuộc sống của người Palestine. Dân Palestine muốn đi đâu phải có giấy phép của Israel. Khi thấy có vấn đề an ninh, là người ta có thể dùng cọc, dùng xích khóa cổng một ngôi làng, một thành phố, không cho ai được ra ngoài. Có những con đường chỉ dành riêng cho người Do Thái, lại có những con đường dành riêng cho người Palestine, nghĩa là hệt như doanh trại ở Nam Phi thời apartheid.

Bạn có tin được rằng, người Palestine không bao giờ dám hứa với người khác là “tôi sẽ đến thăm anh vào giờ đó, ngày đó”. Bởi vì chỉ trong một khoảng cách 10km, người Palestine có thể gặp biết bao nhiêu trạm kiểm soát của Israel. Những nơi đó có thể bắt họ phải chờ tới 2-3 tiếng hoặc thậm chí không cho họ đi qua.

- Có thể Israel có những nguyên tắc nào đó? Họ phải làm như thế vì lý do an ninh, họ cần bảo vệ sự an toàn của chính họ?

- Tất nhiên khi Israel thi hành bất cứ quy định nào thì họ đều dựa vào lý do an ninh, mà an ninh gì không biết. Như tôi chẳng hạn, tôi làm công tác ngoại giao đã 27 năm, được nhiều người biết đến, đi đến đâu ở Palestine, ai cũng biết tôi. Nhưng khi muốn đến Jerusalem, tôi vẫn phải xin phép, mà đến bây giờ vẫn chưa được trả lời là có được vào không. Thậm chí Tổng thống Abbas khi muốn đi thăm các nước cũng phải xin phép Israel để họ cho ông đi qua các trạm kiểm soát.

Tôi kể bạn nghe câu chuyện có thật này nhé. Tôi có bốn con, trong đó ba đứa sinh ở nước ngoài. Khi đứa con thứ ba sắp ra đời, chúng tôi quyết định phải sinh nó ở Palestine. Tôi không có mặt ở Palestine thời gian đó. Vợ tôi chuyển dạ, anh tôi phải đưa em dâu đi bệnh viện. Từ nhà đến bệnh viện chỉ khoảng 8 km, cách viện chừng 1 km thì mọc lên một trạm kiểm soát. Phải nói thêm với bạn là có những trạm kiểm soát được đặt cố định, nhưng cũng có những cái tự mọc lên, mà chúng tôi gọi là “flying checkpoint”, tức là “trạm kiểm soát bay”.

Và người ta đã không cho phép anh tôi lái xe ô-tô vào trung tâm thành phố. Anh tôi giải thích là “em dâu tôi sắp chuyển dạ sinh con”, họ bảo sinh con hay sinh gì cũng không được qua đây, không cho phép. Vợ tôi phẫn nộ lắm. Anh trai tôi phải làm ầm lên, nói rằng: “Các người sẽ phải chịu trách nhiệm”, họ mới cho đi qua.

Đó là chuyện xảy ra với gia đình tôi. Nhưng trong cộng đồng người Palestine đang phải tị nạn trên chính quê hương mình, có rất nhiều trường hợp như thế. Nếu xem được những video clip ghi lại hình ảnh người Palestine bị đàn áp, chúng ta sẽ thấy có những cảnh tượng chỉ có thể tồn tại ở thời Đức quốc xã. Giới chính trị Mỹ chưa thấy tầm quan trọng của việc thành lập một quốc gia Palestine độc lập, nên người ta chỉ ủng hộ Israel. Luôn luôn họ sử dụng hệ thống truyền thông để khiến dân chúng tưởng rằng Israel là một nước nhỏ, yếu thế, cần được sự hỗ trợ, rằng dân Do Thái từng bị thảm sát nên giờ đây họ cần được bảo vệ… Người ta không hiểu rằng chúng tôi – người Palestine – đang là những nạn nhân của nạn nhân.

"Nhất định phải tự do, độc lập"

- Vì sao một nước luôn nhấn mạnh những giá trị cá nhân độc lập, nhân quyền, tự do v.v. như Mỹ lại có sự thiên vị như vậy đối với Israel?
- Chính sách của Mỹ trong vấn đề Trung Đông thật ra là một chính sách liên quan đến đối nội nhiều hơn là đối ngoại. Cộng đồng người gốc Do Thái chiếm một tỷ lệ cao ở Mỹ và có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách, đến nền kinh tế, tài chính-ngân hàng, khoa học-công nghệ ở nước này. Tôi cho rằng hoạt động lobby của người Do Thái ở Mỹ đóng một vai trò tích cực trong việc truyền bá thông tin có lợi cho Israel.

LHQ vốn vẫn có cơ chế công nhận Palestine là một Nhà nước, dù không phải thành viên đầy đủ. Nhưng một khi đã là thành viên đầy đủ thì địa vị của Palestine ở LHQ sẽ thay đổi. Palestine sẽ có thể tham gia tất cả các tổ chức quốc tế của LHQ, thậm chí tham gia vào các tòa án hình sự. Theo pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ, tất cả những gì Israel đã làm trên lãnh thổ Palestine từ năm 1967 đến giờ hoàn toàn bất hợp pháp. Tòa án hình sự quốc tế có đủ thẩm quyền để tố cáo Israel, những nhà lãnh đạo Israel và những công dân Israel sinh sống trên phần lãnh thổ bị chiếm đóng kể từ năm 1967. Đó sẽ là vấn đề rất lớn với Israel và những người ủng hộ họ, chính vì thế, Mỹ và Israel không muốn cho Palestine trở thành một quốc gia. Người ta cũng không muốn Nhà nước Palestine được thành lập thông qua LHQ mà phải qua thương lượng kéo dài.

- Nếu Mỹ dùng quyền phủ quyết của mình ở Hội đồng Bảo an để bác bỏ mọi nỗ lực giành độc lập mà không thông qua đối thoại với Israel của Palestine, thì sao?

- Chúng tôi biết Mỹ đã đã sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ Israel hơn 30 lần trong lịch sử Israel từ năm 1948 đến giờ. Nhưng Palestine vẫn sẽ tiếp tục. Chúng tôi có nhiều hình thức đấu tranh khác nhau và sẽ hoàn toàn vận dụng theo pháp luật quốc tế.

Thực sự, Mỹ sẽ không có lợi nếu không công nhận Palestine trong tương lai. Rõ ràng chúng ta chỉ có thể có được một nền hòa bình và an ninh ổn định và bền vững ở Trung Đông nếu nhân dân Palestine được hưởng quyền tự do độc lập, được có một Nhà nước riêng.

- Trở lại câu chuyện cuộc sống của người Palestine, tôi từng nghe nói có tới 50% thanh niên Palestine đi tù vì chống Israel?

- Từ năm 1967 đến nay đã có hơn 850.000 người Palestine phải vào tù của Israel, chiếm gần 25% tổng số người Palestine sống trong các vùng lãnh thổ Đông Jerusalam và Dải Gaza. Tức là, cứ 4 người Palestine thì có 1 người đã ngồi tù Israel vì tội chống Israel, biểu tình ném đá chẳng hạn. Có những người ở tù đến 32 năm. Đó là một vấn đề mà Tổng thống Mahmoud Abbas đã nêu trong bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng LHQ, ngày 23-9. Ông yêu cầu Israel phải thả ngay các tù nhân chính trị và những người bị họ giam giữ.

Tôi đã tham gia biểu tình phản đối ách chiếm đóng của Israel từ khi còn nhỏ. Thậm chí tôi đã vào nhà tù Israel khi mới 16 tuổi (ông Saadi Salama sinh năm 1961 – PV). Tôi là một trong 850.000 người Palestine đã vào nhà tù Israel. Tôi đã nhìn thấy rõ rệt những hành động đàn áp của Israel, những gì họ đang làm tại các trạm kiểm soát. Người ta chỉ muốn hành hạ chúng tôi mà thôi, một sự hành hạ tập thể.

Nhưng chúng tôi không sợ. Chúng ta chỉ sống có một cuộc đời thôi. Sống mà cứ luôn sợ hãi thì sống làm gì, đứng dưới lá cờ Palestine làm gì?

- Con đường độc lập của Palestine liệu có thể đi đến thành công trong cuộc đời ông không?

- Nhất định phải thành công. Vì tôi nghĩ Israel đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất, chưa từng có trong lịch sử của Nhà nước Do Thái từ khi thành lập đến bây giờ. Sự đồng tình của thế giới đối với họ giờ đây không còn như trước nữa. Israel không thể tiếp tục lừa dối thế giới. Tôi tin là bây giờ mà điều tra xem nước nào đe dọa an ninh thế giới nhiều nhất thì cả châu Âu sẽ nói đó là Israel chứ không phải Iran.

Con đường để hòa nhập với thế giới là tìm kiếm một giải pháp hòa bình và phải ý thức được rằng mình không phải là tinh hoa của thế giới, không phải là “dân tộc của Chúa”. Người Israel không có cơ sở nào để chứng minh rằng họ có quyền trên lãnh thổ Palestine, nên họ viện đến tôn giáo, nói rằng Chúa Trời đã nói đó là đất nước của họ. Chúa Trời nói thế khi nào, ở đâu, lúc đó ai biết viết để có thể nghe mà ghi lại những lời ấy? Khi không thuyết phục được ai thì người ta dùng tôn giáo, mà đấy chính là cách làm của những kẻ khủng bố Hồi giáo – họ luôn tập trung vào những người không có tương lai, những người thù hận và tuyệt vọng.

Cơ sở hợp lý để hình thành nên một dân tộc là họ có chung một nền văn hóa, một lịch sử, một hệ thống phong tục tập quán. Và người Palestine là như vậy.

Giấc mơ Palestine, là giấc mơ được sống một cuộc đời tự do, độc lập, và bình thường như phần còn lại của nhân loại. Bạn có biết đến một câu thơ của đại thi hào Mahmoud Darwish không? Ông ấy đã viết: Đứng đây, ở đây, vĩnh cửu ở đây, mãi mãi ở đây, và chúng ta có một mục đích, một và chỉ một thôi: tồn tại.



Thursday 27 October 2011

Giao ban với HTV

Ở các tòa soạn báo, hay có những cuộc họp định kỳ (hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, thậm chí hàng buổi như ở Ban Thời sự - Đài Truyền hình), gọi là “giao ban”. Tại đó, ban biên tập, thư ký tòa soạn, những người phụ trách khối nội dung… hay nói chung là lãnh đạo, sẽ nhận xét những tin bài nổi bật trong tháng/tuần/ngày/buổi vừa qua, cho ý kiến đánh giá - chỉ đạo, nêu ra các lỗi nghiệp vụ, thưởng và phạt các phóng viên tương ứng.

Ðặt giả thiết, nếu người viết những dòng này là lãnh đạo (của Đài Truyền hình Hà Nội - HTV), tại cuộc họp giao ban sau bản tin thời sự tối 21/8 về “một nhóm người tụ tập biểu tình, gây rối”, tôi sẽ nhận xét “quân” của mình sao nhỉ?

Hình ảnh và lời bình khớp nhau như thế nào?

Trong phóng sự truyền hình, phim tài liệu, hình ảnh và lời bình phải gắn bó với nhau một cách hài hòa. Tốt nhất là “lời bình hơi vượt ra ngoài hình ảnh một chút”, tức là nói những điều hình ảnh không truyền tải/ minh họa hết được.

Có hai dạng lỗi lớn như sau:

- Hình ảnh và lời bình chồng chéo, trùng lặp. Ví dụ kinh điển là, sẽ không gì tẻ nhạt hơn khi trên khuôn hình hiện một cánh đồng lúa vàng, lời bình kèm theo: “Đồng lúa”; “Đây là cánh đồng lúa vàng”; “Các bạn đang ngắm một cánh đồng lúa vàng”…

- Hình ảnh và lời bình không khớp nhau, hình một đằng, lời một nẻo. Ví dụ thế này: Biên tập viên truyền hình (tạm gọi là “phóng viên” - PV) đưa tin về vụ chị N.T.H. chết vì giải phẫu nâng ngực ở cơ sở thẩm mỹ A. Khi phóng viên đến hiện trường, chủ cơ sở đã bỏ đi, nhà khóa cửa. PV bèn xử lý phóng sự như sau:

Hình ảnh: Toàn cảnh cơ sở thẩm mỹ A, nhìn từ bên ngoài. Hai cánh cửa sắt đóng kín, phía trên là tấm biển: “Thẩm mỹ viện A”. (Lời bình: “… Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ…”).

Chuyển cảnh. Toàn cảnh: Quán cóc bên kia đường, đối diện cơ sở thẩm mỹ A. Một toán thanh niên ngồi uống trà đá, hút thuốc. (Lời bình nối tiếp câu trên:“… Ngày càng có nhiều người có nhu cầu làm đẹp…”).

Cách xử lý hình ảnh và lời bình như thế sẽ khiến khán giả mặc nhiên nghĩ rằng toán thanh niên ngồi trà đá trong quán nước kia là những người có nhu cầu làm đẹp.

Ví dụ khác: Phóng viên đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ.

Hình ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rảo bước cùng các cán bộ, vệ sĩ… trên sân bay, chuẩn bị lên máy bay. (Lời bình: “Cùng đi với Thủ tướng là đoàn các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong chuyến đi này, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với…”).

Chuyển cảnh. Trung cảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng trước cửa máy bay, cười, vẫy tay chào những người ra tiễn đứng dưới đường băng. (Lời bình nối tiếp câu trên: “… (sẽ có cuộc gặp với) một số doanh nghiệp cá tra, cá basa của Mỹ, để bàn về…”).

Cách dựng hình này khiến khán giả mặc nhiên nghĩ rằng ê-kíp truyền hình coi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một doanh nhân mua bán cá tra, cá basa, hoặc ít nhất cũng nhầm như thế.

*

Trở lại với phóng sự của HTV1:

Hình ảnh những người biểu tình, trong đó có một số người mà công luận đã biết mặt như Nguyễn Văn Phương (lúc đó là nhân viên công ty Việt Long), GS. Huệ Chi, TS. Nguyễn Văn Khải (“ông già ozone”), nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thạch (tác giả sáng kiến “Tủ sách dòng họ”)…

Lời bình của HTV1: “… Việc tham gia biểu tình lại trở thành tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động đằng sau đang ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết, kích động tư tưởng hằn thù dân tộc…”, “Lợi dụng vỏ bọc yêu nước, một nhóm người bị các thế lực phản động trong nước và nước ngoài kích động đã tụ tập biểu tình, hòng lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin không nắm bắt thông tin đầy đủ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, cản trở và chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ...”.

Tuyệt! Lời bình khớp với hình ảnh một cách không thể hài hòa hơn, để thể hiện chính xác ý đồ của (các) tác giả phóng sự – cho rằng tất cả những người xuất hiện trên hình đều hoặc là phản động đi lợi dụng kẻ khác, hoặc là người nhẹ dạ cả tin bị phản động lợi dụng.

Ở đây xin mở ngoặc đơn nói thêm: khi “Nhà đài” bị một số trí thức đâm đơn kiện, Tòa án Đống Đa xả thân bênh HTV, cho rằng: “Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đưa tin về sự việc có hình ảnh các ông nhưng không nêu đích danh cụ thể ai, không xuyên tạc, cũng không có lời bình, nhận xét có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và gây thiệt hại đến cá nhân nào”.

Đến đây thì vấn đề nằm ở chỗ Tòa án phải xác định được những từ “tấm bia che chắn”, “thế lực thù địch phản động”, “ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết”, “kích động tư tưởng hằn thù dân tộc”, “lợi dụng vỏ bọc yêu nước”, “hòng lôi kéo”, “nhẹ dạ cả tin”, “không nắm bắt thông tin đầy đủ”, “gây ảnh hưởng xấu”… có phải là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” hay không.

Nếu câu trả lời là không thì chúng ta có thể yên tâm rằng phản động là yêu nước.

Cái nước mình nó khác!

Một trong những nguyên tắc của đạo đức nhà báo là trung thực và khách quan. Nếu một bài báo, một tác phẩm truyền hình đưa tin “phản ánh chính xác thực tế” mà chỉ nêu thực tế của một bên, thì vẫn sẽ là không trung thực, không khách quan.

Do đó, điều mà nhà báo nào cũng phải ý thức nằm lòng, là khi tác nghiệp, không được phép hùa vào theo ai đó, không được dùng từ ngữ gay gắt và ngoa ngoắt, không được ủng hộ lộ liễu một tổ chức nào, v.v… Nếu đưa tin cho rằng một nhóm người là “phản động” hoặc bị “phản động lợi dụng”, nhà báo bắt buộc phải lấy ý kiến của ít nhất một người trong số đó hay nói cách khác, phải để các bên có cơ hội lên tiếng bình đẳng.

Một nguyên tắc khác là: “Nếu sai, phải nhận!”. Nhà báo cũng như tờ báo phải có thái độ và cách hành xử đó. Đã sai là nhận trách nhiệm, nhận lỗi, và xin lỗi, bồi thường. Không có chuyện sử dụng uyển ngữ, nói tránh đi thành “nói lại cho rõ” chẳng hạn.

Ðương nhiên, đây là nguyên tắc đạo đức nhà báo theo chuẩn mực của Phương Tây và ở một phần đáng kể trên thế giới. Còn ở Việt Nam, có lẽ vẫn phải mượn ý nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến: Báo chí mình nó khác, khác ghê lắm!


http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3061



Sunday 9 October 2011

Nền độc lập cho Palestine (bài 1) - Lựa chọn duy nhất: Dân chủ

• "... Nhưng chúng tôi không có con đường nào khác ngoài xây dựng một thiết chế dân chủ..."

Giờ đây nhìn lại, chúng tôi thấy những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh giá trị hơn bao giờ hết: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Người Palestine chúng tôi có một giấc mơ, đó là được sống một cuộc đời tự do, độc lập, và bình thường như công dân của những nước khác, để có thể phát triển những khả năng của mình nhằm xây dựng một quốc gia yên bình và thịnh vượng”. Đó là những lời tâm sự của Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama, khi từ Hà Nội, ông theo dõi từng bước đi của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại LHQ nhằm vận động độc lập cho Palestine.

Ngày 23-9, Tổng thống Nhà nước Palestine kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Mahmoud Abbas, đã đệ trình lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bản đề nghị công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ, công nhận Palestine là một quốc gia độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, và đường biên giới như được xác định vào năm 1967 sau cuộc chiến giữa khối Ảrập với Israel.

Từ Hà Nội, Đại sứ Saadi Salama không giấu được tâm trạng hồi hộp, âu lo và xúc động. Ông theo dõi báo chí, xem truyền hình Việt Nam hàng ngày, hàng tối, rất phấn khởi khi thấy công luận Việt Nam ủng hộ Palestine độc lập. “Việt Nam đã trải qua một giai đoạn rất dài đầy hy sinh, mất mát, nên các bạn là một trong số những dân tộc trên thế giới dễ dàng phân biệt chính nghĩa với phi nghĩa. Nên Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập ngày 15-11-1988 thì ngày 19-11, Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ và công nhận. Ở Palestine chúng tôi có câu nói rất hay là “người Palestine nào cũng biết Việt Nam, và luôn coi những thắng lợi của Việt Nam là niềm động viên rất quý báu với chính mình trong sự nghiệp đấu tranh vì những quyền cơ bản bất khả xâm phạm của con người”. Đã đến lúc nhân dân Palestine phải được hưởng quyền tự do, độc lập, quyền có một nhà nước để tham gia cùng nhân dân khu vực và thế giới trong việc xây dựng một nền hòa bình bền vững”. Đó là điều đầu tiên Đại sứ Saadi Salama khẳng định trong cuộc trò chuyện.

Thay đổi luật chơi

- Thưa ông, vì sao Palestine lại chọn cách đưa vấn đề, thưa ông độc lập ra LHQ vào thời điểm này?

- Như bạn biết đấy, đã có một Hiệp định Oslo được ký kết ngày 13-9-1993 giữa PLO và Israel, quy định là vấn đề giữa hai bên phải được giải quyết trong thời hạn 5 năm kể từ khi ngày ký thỏa thuận. Bộ Tứ (Mỹ, Nga, EU và LHQ) cũng đã xác định một lộ trình để đi tới hòa bình. Theo đó, Palestine phải ngăn chặn các phong trào cực hữu có hành động vũ trang chống lại Israel, phải có sự hợp tác về an ninh giữa Palestine và Israel, và Palestine phải chuẩn bị những cơ sở pháp lý, cơ sở Nhà nước để chuẩn bị cho việc độc lập. Còn Israel thì không được đơn phương tiến hành các hành động thôn tính thêm đất đai của Palestine, không được xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của Palestine, không Do Thái hóa thành phố Jerusalem, không có những hành động bạo lực chống lại người Palestine.

Nhưng đến nay, đã gần 20 năm rồi mà vẫn không đạt kết quả nào cả. Nói đúng hơn, cả thế giới đều công nhận Palestine đã thực hiện những đòi hỏi quốc tế đó; nhưng còn Israel thì không. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục xây các khu định cư mới mỗi ngày. Người ta lấn đất của chúng tôi như vậy thì chúng tôi còn đàm phán cái gì? Chừng nào Israel không chấm dứt việc xây dựng các khu định cư thì chừng đó chúng tôi sẽ không quay lại đàm phán với Israel.

Chính vì thế, sau bao nhiêu năm đàm phán không có kết quả, Ban lãnh đạo Palestine quyết định đưa vấn đề này trở lại LHQ. Điều đó có nghĩa là Palestine không tin tưởng nhiều vào các bên đang tham gia tìm kiếm cho Palestine và Israel một giải pháp hòa bình. Chúng tôi thay đổi luật chơi. Chúng tôi không muốn các bên trung gian tiếp tục làm trung gian. Chúng tôi muốn vấn đề Palestine trở thành một vấn đề quốc tế hơn nữa, chứ không phải là chỉ nằm trong tay Mỹ. Chúng tôi muốn EU có vai trò, chúng tôi muốn Phong trào Không Liên Kết có vai trò, chúng tôi muốn LHQ có vai trò.

Chúng tôi thấy những cuộc đàm phán giữa hai bên không đem lại kết quả cho Palestine thì chúng tôi quyết định đi đến LHQ để trở thành một quốc gia.

- Mỹ đã phản đối, cho rằng việc Palestine đòi độc lập thông qua LHQ có thể làm hỏng các nỗ lực hòa bình theo tinh thần Hiệp định Oslo. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Về phía Palestine, chúng tôi đã thực hiện đúng những đòi hỏi của Hiệp định Oslo và tiến trình hòa bình. Trong những năm qua, Palestine đã tập trung xây dựng các cơ sở của một Nhà nước. Tất cả các tổ chức tài chính, hành chính trên thế giới đều công nhận Palestine đã chuẩn bị đầy đủ, thậm chí những việc Palestine làm còn vượt xa nhiều nước đã được thành lập từ cách đây hơn 50 năm. Tức là Palestine đã sẵn sàng.

Chúng tôi không định đàm phán chỉ để đàm phán, mà muốn đàm phán trên một cơ sở rõ rệt như sau: Thứ nhất, chúng ta phải xác định là đàm phán để dẫn tới việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Thứ hai, thời gian đàm phán phải được ấn định cụ thể chứ không phải kéo dài thêm cả thế kỷ. Thứ ba, Nhà nước Palestine độc lập phải được thành lập dựa trên những đường biên giới xác lập năm 1967.

Trong khi đó Israel vẫn tiếp tục xây các khu định cư. Ngày nào cũng có những nhà thầu tiếp tục việc thi công. Israel còn đưa người Do Thái từ nhiều nước về đó ở, và không đánh thuế như với người Israel ở các nơi khác trong nước họ. Không thể đàm phán với một người vào nhà mình ở và xây nhà khác trong đó được.

Dân chủ và nhà nước thế tục

- Ông nói rằng Palestine đã chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở của một Nhà nước. Nhưng dường như bản thân Palestine cũng có những bất đồng nội bộ. Hamas cho rằng đề nghị LHQ công nhận Nhà nước Palestin đồng nghĩa với việc công nhận các đường biên giới xác lập trong cuộc chiến tranh 1967, chứ không phải toàn bộ Palestine lịch sử như Hamas mong muốn. Phương Tây cũng không thích sự cực đoan của Hamas?

Palestine đã chuẩn bị sẵn sàng để trở thành một Nhà nước độc lập và dân chủ. Thực ra dân chủ có cái hay, có cái dở. Cá nhân tôi cho rằng, dân chủ là một quá trình liên quan đến nhiều thứ khác nhau. Dân chủ không chỉ là vấn đề đa đảng, mà còn là quyền tự do thể hiện, tự do tuyên ngôn. Chính nền dân chủ Đức khi xưa đã đưa Hitler lên cầm quyền. Nền dân chủ của Palestine đã giúp Hamas có được đa số trong Quốc hội. Nhưng chúng tôi không có con đường nào khác ngoài xây dựng một thiết chế dân chủ. Chúng tôi là chính thể duy nhất của thế giới Ảrập thể hiện một sự dân chủ khác. Ở dưới sự chiếm đóng của Palestine, chúng tôi vẫn đi bầu. Palestine là một nhà nước thế tục và sẽ là một đất nước dân chủ. Chúng tôi đã sẵn sàng để độc lập.

- Những biểu hiện của nhà nước thế tục ấy như thế nào?

Tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine năm 1988 đã chỉ rõ: Tất cả mọi người Palestine có quyền sống bình đẳng; phụ nữ có vai trò tích cực trong xã hội (bạn biết đấy, phụ nữ Palestine không phải che mạng khi ra đường); một nhà nước dân chủ, tôn trọng tự do tuyên ngôn và tôn trọng các tôn giáo. Đây là nguyên tắc, và người Palestine từ trong lịch sử không bao giờ cực hữu. Chỉ khi Israel thi hành chính sách đàn áp, Palestine mới bắt đầu có những phong trào Hồi giáo chống lại Israel mạnh mẽ. Nếu người Palestine thấy được những dấu hiệu của một nền hòa bình lâu dài, tôi nghĩ những tư tưởng cực hữu ở Palestine sẽ không còn tồn tại nữa vì người Palestine thật ra là một dân tộc hòa nhập rất dễ dàng.

Trong thời gian có hòa bình ở Palestine từ năm 1994 cho đến năm 1999, trước khi cuộc nổi dậy lần thứ hai của Palestine bùng nổ thì người Palestine đã đưa đất nước phát triển rất nhanh. Thu nhập của Palestine tăng lên, mức tăng trưởng có lúc đạt gần 9%.

Mà này, bạn biết không, người Palestine có năng lực xây dựng đất nước, bởi vì người ta luôn chú ý đến việc cho con đi học. Học hành đối với người Palestine là một nghĩa vụ thiêng liêng, vì Palestine không còn nhiều đất đai. Người ta không có điều kiện trở thành nông dân vì đất đai bị cướp đoạt hết, người ta cũng không thể trở thành công nhân vì nền kinh tế không dựa vào công nghiệp nặng được. Cho nên người ta tập trung vào học hành. Ai có con thì phải đưa con cái đi học – tôi thấy cái đó hoàn toàn giống với miền Trung Việt Nam. Hầu hết dân miền Trung không có đất đai, không có điều kiện làm kinh tế, nên người ta tập trung đầu tư vào chuyện học hành của con em mình. Palestine cũng như thế đấy.

Còn tiếp

Friday 30 September 2011

Đương đầu với cuộc “tổng tấn công” của hàng Trung Quốc

Êm như mưa dầm, ồ ạt như lũ, hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, “quét” sạch hàng nội, moi túi người tiêu dùng. Mức nhập siêu hàng tỷ USD mỗi năm đủ cho thấy các doanh nghiệp ta đang “thua trắng bụng”. Để không bị làn sóng này dìm chết, không một ai - từ Chính phủ tới doanh nghiệp và người tiêu dùng - có thể đứng ngoài cuộc.

Anh Đào Xuân Anh, 34 tuổi, là giám đốc một công ty kinh doanh hóa mỹ phẩm ở Hà Nội. Đăng ký chức năng hoạt động là sản xuất và phân phối (bán lẻ) các loại hóa mỹ phẩm chăm sóc tóc, nhưng 4-5 năm nay, công ty của anh chỉ tập trung nguồn lực vào nhập hàng từ Trung Quốc về bán. Lý do rất đơn giản: Nhập hàng Trung Quốc có lợi hơn.

Cái lợi ở đây, anh giải thích, gồm nhiều mặt: Chi phí nhập khẩu (tính cả mua hàng lẫn vận chuyển) rẻ hơn là tự sản xuất, quy trình làm việc đơn giản và ít phải suy nghĩ hơn. “Nếu tôi mở xưởng chẳng hạn, sẽ có muôn vàn thứ phải tính: địa điểm, nhân lực, thuế má, và vô số loại chi phí không tiện nêu tên nữa. Trong các ngành khác thì không biết thế nào, chứ trong ngành này, tất cả các sản phẩm - từ thuốc nhuộm, tới dầu xả, dầu dưỡng v.v. - nhập từ Trung Quốc về đều rẻ hơn và giản tiện hơn tự sản xuất. Danh mục này chỉ trừ dầu gội đầu, nhưng ngay cả sản xuất dầu gội thì cũng có một số nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc”.

Anh nói thêm: “Đấy là tôi còn chưa kể, làm việc với phía Trung Quốc cũng khá thoải mái. Sản phẩm của họ chất lượng tốt, giá lại rẻ, mua càng nhiều càng rẻ. Họ giữ chữ tín và chiều chuộng đối tác - ít ra cho đến lúc này tôi vẫn thấy như vậy. Ở ta thì làm giám đốc doanh nghiệp nhỏ, như tôi, phải đương đầu với quá nhiều chuyện: thuế vụ, đại lý o ép, đối tác không đáng tin cậy v.v.”.

Chiến lược kinh doanh của anh Đào Xuân Anh tỏ ra hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, giá hàng Trung Quốc vẫn được duy trì ở mức thấp, chất lượng vẫn đảm bảo (hoặc nếu không đảm bảo thì cũng chẳng ai biết). Và như vậy, với một công ty quy mô nhỏ, không đầy một chục người, giải pháp khôn ngoan nhất là: Cả sếp và nhân viên cùng kéo nhau sang Trung Quốc xách hàng về bán.

Kết quả: nhập siêu kỷ lục

Thập niên đầu thế kỷ 21, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng 23,25 lần. Cùng trong thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu của ta theo chiều ngược lại tăng vỏn vẹn 6,08 lần. Năm 2010, cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thâm hụt 12,7 tỷ USD, gần bằng với giá trị nhập siêu của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Bốn tháng đầu năm 2011, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 7,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu ngược lại chỉ có gần 3 tỷ USD (nguồn: số liệu của Tổng cục Hải quan)

Đáng sợ là không có dấu hiệu nào cho thấy con số nhập siêu sẽ giảm đi.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Thương mại, Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội vô cùng to lớn tại đất nước hơn 1 tỷ dân này. Từ năm 2004, lãnh đạo hai nước đã xác định: Với lợi thế địa lý số 1 - có chung đường biên giới trên bộ dài đến hàng trăm km - với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy tương đối thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa, hoạt động buôn bán qua biên giới giữa hai nước là một bộ phận cấu thành của quan hệ kinh tế.

Trên thực tế, có cơ sở để tin rằng thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc là một mảnh đất màu mỡ, luôn “khát hàng”; và trên thực tế, Trung Quốc đã “qua mặt Mỹ để trở thành người tiêu dùng lớn nhất thế giới ở một số mặt hàng then chốt” (tư liệu trong cuốn Thế giới hậu Mỹ của Fareed Zakaria, Nhà xuất bản Tri Thức, 2009).

Riêng trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Trung Quốc có nhu cầu cao đối với nhiều mặt hàng mà chúng ta có thế mạnh như: rau quả, thủy sản, cao su, đồ gỗ, than đá…

Với tất cả những “lợi thế” đã chỉ ra đó, Việt Nam vẫn phải gánh chịu thâm hụt thương mại khổng lồ trước Trung Quốc, doanh nghiệp ta vẫn lép vế thảm hại ngay trên sân nhà, và khủng hoảng kinh tế càng kéo dài thì ta càng “thua trắng bụng”. Vì sao?

Tầm nhìn chiến lược của người Trung Quốc

Nhìn vào những chính sách và quy định pháp luật của Trung Quốc về mậu dịch với các nước có chung đường biên giới, trong đó có Việt Nam, mới thấy không khỏi giật mình.

Theo Tiến sĩ Phạm Trí Hùng (Viện Marketing và Quản trị Việt Nam), từ năm 1978, Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa nền kinh tế, đã xác định “mở cửa toàn diện, nhiều hình thức, nhiều tầng”, trong đó có mở cửa ven biên giới đất liền: “Phương châm của chiến lược mở cửa ven biên giới là: lấy mậu dịch biên giới dẫn đường, coi hợp tác kinh tế - kỹ thuật là trọng điểm, lấy khu vực lục địa làm chỗ dựa, coi việc khai thác thị trường các nước xung quanh là mục tiêu”.

Cũng theo Tiến sĩ Hùng, riêng trong cơ cấu thị trường, ngay từ cuối những năm 80, Trung Quốc đã coi mậu dịch biên giới là “đột phá khẩu” và có những chính sách quản lý rất rõ ràng, thống nhất, hướng vào việc đẩy mạnh mậu dịch biên giới, nhằm cải thiện đời sống của cư dân vùng biên giới, phát triển kinh tế vùng biên. Chẳng hạn, Trung Quốc thực hiện những chính sách ưu đãi như: xóa bỏ mọi sự hạn chế về hình thức sở hữu đối với các thành phần tham gia mậu dịch biên giới; xóa bỏ mọi sự hạn chế, ràng buộc của chính quyền địa phương sở tại đối với mậu dịch biên giới; xóa bỏ sự hạn chế về kim ngạch, đảm bảo các giao dịch của mậu dịch biên giới qua một cửa; thực hiện việc miễn thuế, giấy phép xuất nhập khẩu đối với những hàng hóa bình thường... Bắc Kinh còn giao quyền cho chính quyền địa phương tự định ra các mức thuế suất phải thu theo nguyên tắc: mức thuế mặt hàng cùng chủng loại cấp tỉnh quy định phải thấp hơn mức thuế của Trung ương; cấp huyện, thị quy định phải thấp hơn mức thuế của cấp tỉnh và chỉ được thu ở các cửa khẩu địa phương, còn các cửa khẩu quốc tế do hải quan thu và nộp về ngân sách trung ương.

Trung Quốc cũng đầu tư làm tốt công tác kiểm nghiệm và kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu vào nước mình, bởi họ xác định đó là “vấn đề quan trọng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân, trực tiếp liên quan đến khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước”.

Những gì Bắc Kinh thực hiện cho thấy một chiến lược lâu dài, bài bản của chính phủ nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó đặc biệt ưu tiên mậu dịch biên giới. Nó cũng chứng tỏ rằng, trong việc xuất khẩu hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường nước khác, doanh nghiệp không thể đơn lẻ.

Đừng để doanh nghiệp Việt Nam đơn độc

Ở đây phải nhấn mạnh, Nhà nước không thể đứng ngoài công cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp (“hỗ trợ” chứ không phải “quản lý”). Một khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quá trực tiếp, “lộ liễu” không còn được chấp nhận nữa vì có thể vi phạm điều lệ. Nhưng vẫn có những việc Chính phủ có thể làm – và làm tốt – để giúp doanh nghiệp nội đương đầu với hàng ngoại. Ví dụ như cung cấp thông tin về thị trường Trung Quốc và các chính sách của Bắc Kinh đối với các thị trường láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam, sao cho không còn những vụ như vụ dưa hấu Việt Nam bị ách ở cửa khẩu Tân Thanh vì doanh nghiệp không cập nhật được những thay đổi trong luật kiểm dịch của Trung Quốc.

Bên cạnh đó là việc thực thi pháp luật để tiêu diệt vấn nạn hàng lậu. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh “than” hộ doanh nghiệp: “Đã đành là tự do cạnh tranh, doanh nghiệp làm ăn yếu kém, không hiệu quả, thì phải chịu, Chính phủ không cứu được. Nhưng buôn lậu là cái có thể ngăn chặn được chứ đâu phải vô phương chống đỡ? Vấn đề là hình như chúng ta không làm gì cả”.

Về ý kiến cho rằng vì cơ cấu xuất khẩu của ta có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc nên khó xác định được những ngành có lợi thế cạnh tranh, ông Bùi Trinh nhận xét: “Thực ra từ trước đến giờ Việt Nam chưa có chính sách xác định cụ thể một ngành nào là cần ưu tiên. Nền kinh tế quả mít. Đúng hơn là ta có xác định, nhưng đều chỉ một thời gian lại thay đổi: nào dệt may, nào mía đường, nào thép… Tôi thấy cứ như thể chúng ta chưa thực sự quan tâm tới ngành nào cả”.

Doanh nghiệp Việt Nam: Phải tự cứu mình

Trước làn sóng hàng Trung Quốc, không còn thời gian để mỗi doanh nghiệp Việt Nam trong ngành có liên quan bình tâm chờ đợi một chiến lược hay vài chính sách “hỗ trợ” từ phía Nhà nước. Cải tiến thiết kế, đẩy mạnh hoạt động marketing, chủ động tìm kiếm khách hàng, là những việc doanh nghiệp ta có thể thực hiện ngay trên thị trường nội địa.

Rõ ràng là thị trường trong nước không cung cấp đủ hàng hóa, dân có nhu cầu thì họ mua của Trung Quốc là phải” – chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.

Sự chủ động, xông pha thị trường với tinh thần sáng tạo, “sẵn sàng tự do cạnh tranh”, xem ra không phải tố chất có thừa ở các doanh nghiệp Việt Nam. Cũng ông Bùi Trinh cho biết, hồi có chủ trương kích cầu (năm 2008), “nhiều công ty dồn nỗ lực vào việc kiếm được một khoản tiền hỗ trợ Nhà nước rót. Có công ty còn đem tiền ấy cho vay lại, kiếm lãi, thay vì tập trung vào đầu tư, sản xuất”.

Còn trong việc xuất khẩu hàng theo hướng… ngược lại, sang Trung Quốc, hơn ai hết, doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường nhập khẩu, chủ động xúc tiến thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh. Một số chuyên gia khuyến cáo: Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi nhẹ vấn đề kiểm dịch, nên hay bị phía đối tác Trung Quốc lợi dụng ép giá. Đây cũng là điều các nhà xuất khẩu phải lưu tâm.

Trong sự thảm bại của hàng Việt Nam trên sân nhà, có lẽ người tiêu dùng là ít đáng trách nhất. Bởi ở Việt Nam, thu nhập đầu người thấp, hàng hóa nội địa yếu cả về số lượng và chất lượng, người tiêu dùng quay sang hàng Trung Quốc là điều dễ hiểu. Chúng ta có thể hô hào kêu gọi tinh thần dân tộc và lòng yêu nước ở mỗi con người. Tuy nhiên, điều đó lại thuộc về một câu chuyện khác rồi.


Tuesday 23 August 2011

“Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”

ENGLISH

Ngày đầu thu. Nắng vàng vọt. Lòng trống rỗng.

Hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy. Nắng chói chang, mây trời xanh ngăn ngắt, mà tôi chỉ thấy mệt mỏi và trống rỗng tận cùng. Lúc ấy, tôi mới thực hiểu tâm trạng của người viết câu thơ: “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.

Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa.

Thành phố quê hương tôi, nơi mà tôi thuộc từng mảnh tường cũ gạch tróc vữa bong, từng góc phố lộn xộn hàng quán, từng khung cửa sổ thời Pháp, từng mảng bóng cây xà cừ xanh sẫm mỗi mùa đông để rồi sang xuân bừng sáng trở lại… Thành phố mà tôi và những bạn bè “Tây An Nam” của tôi gắn bó và nâng niu đến mức không muốn tàn hại dù chỉ một chiếc lá, một viên gạch lát đường, vì chúng tôi luôn cảm nhận Hà Nội và Việt Nam giống như một cơ thể đã quá mong manh lại còn đang bị băm nát thêm.

Tình cảm ấy có lẽ khó được gọi là niềm ái quốc, mà chúng tôi chỉ dám coi đó là sự gắn bó thôi. Chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp, sự đáng yêu, trong trẻo, và cả những cái chật chội, nhếch nhác của quê hương. Càng nhìn, càng chứng kiến, càng trải nghiệm, chỉ càng thấy thương hơn…

* * *

Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ, miệng chỉ chực phồng lên thổi còi “quen quét”; của những nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày …

Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích. Họ có thể bỏ vài chục tấm biển “cấm tụ tập đông người” vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, “hốt về bóp”, mà miệng vẫn leo lẻo: “Đây là chúng tôi mời, không phải bắt”. Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?

Với chiếc mũ bảo hiểm to rộng mang tên “an ninh quốc gia”, họ có thể nghe điện thoại, bẫy email, bẫy chat… của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào họ quan tâm. Những việc ấy, ở nước khác, để được làm còn cần phải có tòa án, viện kiểm sát v.v. cho phép, nhưng ở cõi riêng của họ, nhiều khi chỉ cần cái thẻ ngành là đủ.

Còn nhiều, họ có thể làm rất nhiều việc, nếu họ thích. Thời điểm này, dường như chỉ có mỗi việc chống lạm phát, nâng cao mức sống người dân, là họ không thèm làm hoặc không làm được thôi.

Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa.

* * *

Cái cảm giác xa lạ này đã nhiều lần đến với tôi. Lần đầu tiên, là ngày tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi. Tôi thường được bố mẹ cho lên nhà ông bà chơi – một căn nhà áp mái ở phố cổ, nhỏ xíu, nóng như điên như dại, có khung cửa sổ tròn màu xanh cổ kính, rất đẹp, và rất không ăn nhập với bức tường lở loét, gian buồng chật đến không thể chật hơn. Đó là một khung cửa sổ thời Pháp thuộc.

Lúc ấy tôi không biết rằng lẽ ra, khung cửa sổ ấy là của một ngôi nhà kiểu Pháp rất bề thế. Hòa bình lập lại, ngôi nhà bị xé nhỏ, ông bà tôi được ở phòng xếp mái. Toàn bộ khuôn viên còn lại dành cho các cán bộ mới về tiếp quản.

Tôi nhớ tôi đã hăng hái đi lấy nước hộ ông bà. Xuống máy nước, hứng đầy xô, rồi lũn cũn xách lên gác, tới khoảnh sân chung chừng ba mét vuông trước cửa một căn buồng đóng kín, tôi đặt phịch cái xô xuống. Nước sóng sánh tràn ra ngoài. Cửa xịch mở và một ông lao ra. Nhìn vũng nước trên sàn, bộ mặt ông ta nhăn nhúm lại, kèm tiếng rít lên: “Á, con này, con này…”.

Đứa bé 5 tuổi kinh hãi đứng chết sững, mặt tái dại (có lẽ thế). May mắn thay, ông nó xuất hiện kịp thời, xin lỗi hàng xóm và xách xô nước, dắt nó lên nhà. Sau đó nó được người lớn bảo cho biết, ông láng giềng vốn là một cán bộ công an tên M., nghiêm lắm, tại nó làm sánh nước ra sân chung trước cửa nhà ông ấy nên ông ấy mắng cho là đúng rồi. Nhưng từ ngày ấy, đứa bé cứ sợ sợ, nó tự hỏi làm sao người hiền từ như ông bà nó lại ở gần cái ông công an ác như con ma thế. Trẻ con mà, chúng thường nghĩ ai xung quanh cũng phải hiền và yêu chiều chúng nó như ông bà, bố mẹ chúng nó; người tốt dứt khoát là phải ở với người tốt.

Đứa bé đâu có biết, ngôi nhà ấy không còn là của ông bà nó nữa từ ngày giải phóng thủ đô.

* * *

Bây giờ tôi đã lớn, và ông bà tôi đều đã mất từ lâu. Ngôi nhà xưa nay càng xa lạ hơn. Thỉnh thoảng nghĩ đến ông (như lúc này đây), tôi vẫn nhớ hình ảnh tôi ngồi trong lòng ông – cụ giáo dạy sử, dạy toán trường Hàng Kèn – và nghe ông thủ thỉ: “Ông đố cháu ông này, triều Hậu Lê có bao nhiêu vua?”. Và tôi reo lên: “Cháu biết rồi, “Đời vua Thái Tổ Thái Tông; con bế, con bồng, con dắt, con mang”, mở đầu phải là Thái Tổ nhé…”. “Đúng rồi, cháu ông giỏi. Thế triều Nguyễn có bao nhiêu vua?”. “Ưm… Gia Long này, Minh Mạng này, Thiệu Trị này…”.

Ông ơi, sinh thời, có bao giờ ông nghĩ, lớn lên cháu sẽ thành một trong những phần tử “bất mãn”, “chống phá”, từng bị quy kết là “xâm hại an ninh quốc gia” không, ông của cháu? Có bao giờ ông tưởng tượng được, bạn của nó, một thanh niên rất yêu và rất giỏi môn lịch sử, bây giờ đang bị giam đâu đó “trong kia” vì tội tham gia biểu tình… chống Trung Quốc gây hấn không, ông của cháu?

Anh tôi làm thơ:

… Bao giờ cho đến ngày xưa,
Cháu thành thằng bé ngồi vừa lòng ông?

Nhưng tôi không biết làm thơ. Tôi chỉ ao ước, giá ông bà tôi còn sống… tôi sẽ hỏi ông bà thật nhiều về lịch sử, về quá khứ của Việt Nam thế kỷ 20: thời Pháp thuộc, những ngày tháng căng thẳng tiền khởi nghĩa, cách mạng mùa thu 1945, tạm chiếm, cuộc đấu tranh thầm lặng của người dân trong lòng thành phố, bộ đội về thủ đô, ký hiệp định hai miền chia cắt, dòng người tản cư, tiếng mẹ gào gọi con, những đêm Khâm Thiên lửa đỏ trời, chiến thắng rộn rã, rồi bo bo, cơm độn, gạo tấm, những mảnh tem phiếu…

Rồi tôi sẽ hỏi ông: Người ta có nên yêu nước, nên gắn bó với đất nước không ông?

Hà Nội, buổi chiều trống rỗng 21/8/2011

Dân phòng bắt người biểu tình lên xe buýt về đồn, chủ nhật 21/8/2011.
Ảnh không rõ nguồn

Video clip do phóng viên Đoàn Bảo Châu thực hiện,
ghi lại hình ảnh cuộc biểu tình ngày 21/8/2011

Phụ đề tiếng Anh: Trí Tuệ

Tuesday 16 August 2011

Cách mạng Tháng Tám: Khi trí thức dấn thân

Cho đến nay, nhiều tài liệu lịch sử đã khẳng định liên minh công - nông - trí là nền tảng sức mạnh của cách mạng Việt Nam. Nhưng nói như vậy có lẽ chưa đủ để xác nhận vai trò to lớn của lực lượng trí thức Việt Nam, đại diện cho trí tuệ và tinh thần dân tộc của nhân dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập.

Khi tìm hiểu về “vai trò của trí thức trong Cách mạng Tháng Tám”, người viết bài này đã có dịp hỏi chuyện ông Nguyễn Trọng Xuất (tức Sáu Nhân) - nguyên Tổng Thư ký bộ phận biên tập “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến”, một cán bộ kỳ cựu, tham gia cách mạng từ thời 1945-1946. Căn nhà của ông ở số 51/10/14 Cao Thắng, Phường 3, Quận 3, TP HCM nay là di tích lịch sử cách mạng “Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ”.

Xuất thân là một nhà giáo (từng làm Bí thư chi bộ Giáo viên TX Mỹ Tho), ông Xuất có cảm tình đặc biệt đối với trí thức mà theo ông là lực lượng góp mặt nổi bật trong lịch sử Việt Nam giai đoạn tiền khởi nghĩa và Cách mạng Tháng Tám.

Ông cho rằng, trí thức trong xã hội Việt Nam thời kỳ ấy có một số đặc trưng. Thứ nhất, về kiến thức, thì đứng trên mặt bằng thời đó, học sinh - sinh viên đã là trí thức rồi. Thứ hai, trí thức Việt Nam có tình cảm dân tộc rất sâu sắc. Thứ ba, các trí thức đều có tinh thần dám dấn thân, “không trùm mền” (từ dùng của ông Xuất). Theo ông Xuất, thậm chí ngay cả số “trùm mền” cũng là “vì giữ tiết tháo, không muốn hợp tác với Pháp”; hoặc nếu có quan hệ với thực dân Pháp thì cũng vì mong muốn vận động Pháp cải thiện đời sống và mở rộng tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

Sôi sục trí thức trẻ…

Trí thức trẻ của ngày trước là các học sinh - sinh viên. Họ chính là nòng cốt của Thanh niên Tiền phong (TNTP) – tổ chức chính trị mạnh nhất và là lực lượng chủ yếu tham gia giành chính quyền ở Nam Bộ trong Cách mạng Tháng Tám. Ông Xuất, năm ấy mới 13 tuổi, là thành viên của Thiếu niên Tiền phong, một bộ phận thuộc TNTP.

Ấy là vào năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Nhật “gợi ý” chính quyền thành lập một đoàn thể quy tụ thanh niên để xây dựng một lực lượng thân Nhật, chống Pháp. Thống đốc Minoda bèn đề nghị bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (tức Tư Đá, đảng viên cộng sản) đứng ra tổ chức đoàn thể này. Ông Phạm Ngọc Thạch báo cáo lại Xứ ủy Nam Kỳ (đứng đầu là ông Trần Văn Giàu), Xứ ủy quyết định thành lập TNTP, phát động phong trào Cứu quốc.

Vậy là TNTP ra đời. Ông Xuất kể lại: “Do có danh nghĩa công khai nên tổ chức lớn mạnh nhanh, khí thế lớn lắm; trong không tới 3 tháng đã thu hút 1,2 triệu thanh niên ở khắp Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Tây Ninh, Đồng Nai. Phần lớn thành viên là tiểu tư sản học sinh - sinh viên, tức là trí thức. Trái với mục đích của Nhật Bản là xây dựng lực lượng thân Nhật chống Pháp, ủng hộ chủ thuyết Đại Đông Á, mục đích của TNTP đã luôn chỉ là ‘đem tài ra cứu nước nhà trong cơn nguy biến’. Điều đó làm nên khí thế yêu nước rất mãnh liệt của thời kỳ tiền khởi nghĩa”.

Có những gương mặt sinh viên rất nổi tiếng: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Việt Nam, Võ Văn Khải, Mai Văn Bộ… Có các trí thức lớn: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, nhà văn Thiếu Sơn, nhà nghiên cứu Lê Thọ Sơn, Thuần Phong, Huỳnh Xuân…

TNTP sôi nổi hoạt động: hội họp, mít tinh, cứu đói ở miền Bắc, cướp súng đạn của lính Pháp… Dần dần tổ chức mở rộng ra, có thêm TNTP Ban xí nghiệp (tức TNTP của công nhân), TNTP Phụ lão (tức Phụ lão Tiền phong), Thiếu niên TP, Phụ nữ TP.

Sau này nhớ lại, ông Nguyễn Trọng Xuất nhìn nhận: “TNTP là ngọn cờ mà người trí thức ở Nam Bộ giương lên. Quần chúng nhìn vào tổ chức, thấy có những trí thức như ông Phạm Ngọc Thạch, người ta mới tin tưởng. Trí thức là bộ phận tinh túy của dân tộc. Nói về trí thức thì đừng nên bị khuôn vào vấn đề giai cấp, mà hãy đánh giá họ cho thỏa đáng”.


Ở miền Bắc, trí thức trẻ cũng đã đóng vai trò lớn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Một nhân chứng của thời đó, bà Lê Thi, con gái cố GS Dương Quảng Hàm, cho biết: “Lực lượng chính làm nên Cách mạng Tháng Tám ở thủ đô là tiểu tư sản học sinh - sinh viên. Không có lực lượng vũ trang vì khi đó quân của ông Võ Nguyên Giáp ở chiến khu chưa về kịp. Nhân dân Hà Nội đã tự đứng lên làm khởi nghĩa. 

Khi tôi đi trong đoàn biểu tình, tôi thấy rất nhiều nữ sinh. Thời đó ở Hà Nội phụ nữ ăn mặc như vậy: Nữ sinh, con gái gia đình công chức luôn đóng bộ quần trắng, áo dài màu hoặc trắng. Tôi nhận thấy hôm đó rất đông các chị em quần trắng”.


Ảnh hưởng của các trí thức lớn

Ông Trần Văn Giàu đánh giá rằng trí thức Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định, luôn đoàn kết với quần chúng nhân dân: “Trong hàng ngũ của TNTP, của Mặt trận Việt Minh… rất đông trí thức có học vị cao, chức cao, lương cao ở chế độ thực dân, ruộng vườn đồn điền cả ngàn mẫu, cả trăm mẫu, xe hơi, nhà lầu, thế mà họ vẫn tham gia cách mạng và kháng chiến, họ vẫn đi đến “mút mùa” với những trí thức bình thường, với nhân dân lao khổ”.

TS Hồ Hữu Nhựt, chủ biên cuốn Trí thức Sài Gòn - Gia Định 1945 - 1975, cũng nhận định: “Trí thức Tây học sớm truyền bá cả tư tưởng dân chủ tư sản và tư tưởng cộng sản chủ nghĩa vào Sài Gòn… Trong đấu tranh, trí thức có vai trò tập hợp, hiệu triệu quần chúng, họ đương đầu trực diện với kẻ thù”.

Và sức ảnh hưởng của trí thức thật to lớn. Trí thức đã sử dụng báo chí, văn nghệ để giáo dục lòng yêu nước, vận động đấu tranh giành độc lập. Những bài viết trên Đông Pháp thời báo của chủ bút Trần Huy Liệu, Thanh Niên của Huỳnh Văn Tiểng từng làm chấn động cả Sài Gòn.

Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, những bài ca yêu nước của giới nhạc sĩ – trí thức Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… như Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Người xưa đâu tá, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Diệt phát xít… đã cổ vũ không ngừng cho khí thế người dân tiến lên giành chính quyền.

Sau Cách mạng Tháng Tám, khi thực dân Pháp trở lại, bản tuyên ngôn tập hợp hơn 200 chữ ký của trí thức ủng hộ Chính phủ kháng chiến chống Pháp đã ảnh hưởng cả tới công luận thế giới, thu hút sự chú ý và phản đối của công luận quốc tế với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương.

Nặng lòng với dân tộc

Trí thức Việt Nam đã đi theo cách mạng với tấm lòng và nhiệt huyết, thậm chí với cả một chút ngây thơ và nhát sợ khi mới bước vào cuộc chiến đấu. Ông Nguyễn Trọng Xuất cười kể lại: “Hồi đó, chúng tôi dũng khí thì có thừa đấy mà kinh nghiệm trận mạc, tổ chức đội ngũ chả có gì. Cướp được súng của Nhật, của Pháp, súng bự quá lại không biết cách tháo ra, cả chục người phải xúm lại khiêng một khẩu. Hồi đầu kháng chiến, nghe tiếng đạn đum đum cũng sợ. Đạn ngày đó, một viên bắn ra, lọt khỏi nòng nó nổ một lần, “cắc”, tới đích nó nổ lần thứ hai, “bòm”, nên gọi là đạn “cắc bòm” là vì vậy”.

Nhưng trí thức Việt Nam là thế, họ luôn gắn bó cùng đất nước trong một tinh thần dân tộc rất sâu nặng. Trọng nghĩa khinh tài, khí khái, dấn thân, đặc điểm đó nhiều ít ở mỗi người mỗi khác, nhưng cái chung của họ luôn là tình cảm đối với quốc gia và dân tộc. Chính điều này làm nên sĩ khí của họ. Trong lịch sử gần một thế kỷ chống Pháp, khởi đầu từ phong trào Cần vương của giới văn thân và sĩ phu yêu nước cho đến những nhóm chính trị đầu thế kỷ XX, trí thức luôn thể hiện tinh thần yêu nước của mình, dù ở những dạng khác nhau và theo những quan điểm khác nhau.

Tuy nhiên, cần phải nói là trong một thời gian dài, họ đã không có được một đường hướng đoàn kết và thống nhất, hoạt động của họ, lúc thì đi vào con đường bế tắc, lúc thì theo hướng trùm chăn "án binh bất động" chờ thời hoặc ngược lại, theo chủ trương bạo động mà chưa đặt trọng tâm vào vận động quần chúng nhân dân. Chỉ đến cuối năm 1944 và nhất là mùa xuân năm 1945, khi Mặt trận Việt Minh đưa ra những kêu gọi và đường hướng rõ ràng, cương quyết và mạch lạc cho cuộc cách mạng Việt Nam, thì giới trí thức mới thực sự đồng thanh dấn thân cho sự độc lập của dân tộc.

Tạm thời xếp lại một số bất đồng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng chiến đấu để giành và giữ độc lập cho đất nước dưới ngọn cờ của Việt Minh - ấy là một số nét cơ bản của đội ngũ trí thức tiêu biểu trong Cách mạng Tháng Tám, như lời tự thuật của nhà trí thức - nhà thơ Tú Mỡ:


Kháng chiến bùng lên biệt thủ đô 
Lên đường dẻo bước khoác ba lô 
Mang theo ý chí người dân Việt 
Thà chết không làm vong quốc nô.


Thursday 4 August 2011

Về nhà

Lời giới thiệu: Göncz Árpád (1922- ), nhà văn, nhà soạn kịch, dịch giả Hungary. Giải thưởng Văn học József Attila (1983). Chủ tịch Hội nhà Văn Hungary (1989-1990). Chủ tịch danh dự Văn bút Hungary (từ năm 1994). Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Pháp, 1997). Tổng thống Cộng hòa Hungary (1990-2000). Là chính khách được ưa chuộng nhất của Hungary thời kỳ 1990-2000.

Trong thời gian 1958-1963, ông Göncz Árpád đã bị cầm tù vì tham gia biến cố 1956 (thoạt đầu, ông bị án tù chung thân). Nhà văn viết đoản khúc "Về nhà" để tặng phu nhân, bà Göntér Mária Zsuzsanna.

Bản dịch sau đây được dịch giả Nguyễn Hoàng Linh thực hiện từ năm 2003, và thân mến gửi tặng luật sư Dương Hà (vợ Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ) sau vụ “scandal tòa án” (tôi nghĩ bản chất nó là một vụ bê bối) ngày 2/8/2011 vừa qua.


Tôi cũng nghĩ thêm, giá như (một trong) các vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam là người có học thức VÀ từng ngồi tù cộng sản (cần cả hai điều kiện này), thì nền tư pháp Việt Nam sẽ văn minh hơn, văn hóa của "giai cấp" công an sẽ cao hơn, số vụ án oan sai sẽ giảm đi, và nhà tù của chúng ta sẽ nhân văn hơn biết bao nhiêu.

*

VỀ NHÀ

- Rồi anh đừng có nhào vào quán rượu đầu tiên và say khướt nhé! - người trung sĩ nói, trong khi anh đeo chiếc đồng hồ, và xỏ chiếc nhẫn lên ngón tay. Lần đầu tiên sau 6 năm trời.

Người đàn ông không đáp.

Ngoài trời, mùa hạ rực rỡ với những sắc màu.

Bầu trời xanh thẳm, những lùm cây xanh biếc và những chiếc tàu điện màu vàng. Phụ nữ thì màu sắc như những chú chim cảnh.

Anh chăm chú nhìn mọi vật và mọi con người: thật lạ là không ai làm gì anh cả.

Có kẻ dạo trước, nếu thấy anh, liền lẩn sang phía bên kia đường ngay trước mặt anh, giờ thì lại từ bên kia đường chạy sang và nắm tay anh bắt thật lâu:

- Cậu à, tớ nghe cậu hơi bị rầy rà... hãy tin rằng, tớ cũng phải khó nhọc lắm...

Ở đây, anh không bị khó xử trước họ bởi sự trắng đen rõ rệt của nhà tù.

Một Chủ nhật, người vợ đưa anh và cháu nhỏ đi chơi dã ngoại. Đứa con trai, thời ấy mới nửa tuổi, giờ đã gần lên bảy.

Trong rừng, giữa đường, đứa trẻ bảo anh:

- Bố ơi, dắt con đi - và nó nhắm nghiền mắt lại.

Anh chạm vào bàn tay đứa trẻ: hơn một phút, nó cứ nhắm mắt như thế và vòng vèo tránh những tảng đá, cành cây rụng, ổ gà và vết bánh xe.

Rồi đứa bé mở mắt và nói:

- Bây giờ đến lượt bố!

Chiều con, anh cũng nhắm mắt và bước đi chừng mươi thước.

Anh cũng cầm tay con.

Rồi, người đàn ông mở mắt và từ khóe mắt, anh nhận thấy nụ cười mỉm trên môi người vợ.

Người phụ nữ thấy rằng anh đã thấy cô.

Bầu trời xanh thẳm, những lùm cây xanh tươi, và xuyên qua những kẽ hở của bụi cây xanh, ánh mặt trời chiếu xuống tràn ngập mặt đường, nơi có những tảng đá, những cành cây rụng và những ổ gà.

Nguyễn Hoàng Linh dịch (từ nguyên bản tiếng Hung “Hazaérkezés”)


Wednesday 20 July 2011

Hơn nửa thế kỷ trước, ngày 21/7/1954…

Nhìn lại lịch sử, hậu thế luôn có thể đặt ra vô vàn thắc mắc và tiếc nuối. Dẫu biết rằng “với một chữ “nếu”, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai”, nhưng cũng không thể ngăn cản các thế hệ ngày nay hỏi: Tại sao lại như thế? Có cách nào tốt hơn không? Câu chuyện Hiệp định Geneva chia cắt đất nước năm 1954 đã làm nảy sinh ra những câu hỏi như vậy.

Ông Lý Văn Sáu, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, vốn là cán bộ Ủy ban Liên hợp Đình chiến Liên khu V giai đoạn “hậu Geneva”. Ở cương vị của mình, ông đã chứng kiến gần như toàn bộ bối cảnh xã hội thời gian ấy – những cảm xúc buồn vui, âu lo, thắc mắc, và cả nỗi đau chia cắt. “Hiệp định Geneva đến với đồng bào Liên khu V giữa lúc bà con đang phấn khởi, tinh thần chiến đấu và khí thế của nhân dân rất cao” – ông Sáu kể lại trong một bài viết hồi tưởng về những ngày đầu thực hiện Hiệp định Geneva. “Tuy nhiên, ngay cả chúng tôi, những cán bộ của Liên khu, cũng không có trong tay bản Hiệp định này, chỉ được thông báo những nét chính. Còn đối với đồng bào, sự hiểu biết còn sơ lược hơn nữa”. (*)

Trong bối cảnh thiếu thông tin như vậy, một cuộc chạy đua trong tuyên truyền đã bắt đầu để vận động quần chúng “ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc, đặng thống nhất nước nhà” như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được biết về thời hạn hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử rồi, nhưng bà con vẫn rất lo lắng trước một tương lai bất định. Câu hỏi lớn nổi lên là tại sao phải chia cắt đất nước, tại sao phải tập kết, tại sao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không tận dụng lợi thế sau chiến thắng Điện Biên Phủ?

Đã có nhiều người băn khoăn như thế - ông Lý Văn Sáu viết - “nhưng rồi tự nói với nhau rằng: Trung ương hiểu hơn chúng ta, Liên Xô, Trung Quốc hiểu hơn chúng ta, những người “anh lớn” tán thành như vậy là cần thiết, không nên thắc mắc. Tuyệt nhiên không có một ai cho rằng ta “buộc” phải ký Hiệp định vì đã “kiệt quệ vì chiến tranh” và “không còn đủ sức để tiếp tục chiến đấu””.

Những sĩ quan Pháp cuối cùng rời Hà Nội theo Hiệp định đình chiến 
(là một trong các văn kiện của Hội nghị Geneva 1954).
Nguồn ảnh: TTVNOL

Sau một cuộc chiến 3.000 ngày…

Hội nghị Geneva khai mạc chỉ một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ thất thủ. Ngay cả cho đến bây giờ, nhiều người vẫn thắc mắc vì sao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nhân đà chiến thắng mà đấu tranh trên bàn đàm phán để giành được một nước Việt Nam độc lập, thống nhất?

Theo số liệu do Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị công bố, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống 16.200 lính Pháp và quân quốc gia (trong đó phần lớn là những người thuộc phía bên kia), chiếm chưa đầy 4% tổng binh lực Pháp - quân quốc gia ở Đông Dương. Quân Pháp vẫn còn tới hơn 330.000 lính, trong khi bộ đội chủ lực của Việt Nam chỉ có 290.000, đó là chưa tính số thương vong trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một ý kiến khác từ chính Tướng Navarre - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương - cho rằng Việt Minh dồn hết sức vào chiến dịch Ðiện Biên Phủ và đã kiệt quệ sau chiến thắng. Navarre nói lính Pháp chết khoảng 1.500 người, 4.000 người bị thương, trong khi phía Việt Minh mất 10.000 người, 15.000 người bị thương.

Những con số thống kê này nói lên một khả năng là, sau một cuộc chiến 3.000 ngày, “tuy ta thắng lớn, tinh thần quyết chiến quyết thắng đang dâng cao, nhưng do dốc toàn lực cho trận Điện Biên Phủ nên sức lực của bộ đội ta đã phần nào mỏi mệt”, theo nhận định của Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam). Đó là chưa kể, sau lưng Pháp còn có Mỹ, lúc đó đã hỗ trợ cho Pháp và sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương để ngăn cản ảnh hưởng của khối XHCN tại đây.

Một khó khăn lớn khác cho Việt Nam là các cuộc đàm phán Geneva không diễn ra song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp như thời 1945, mà đã bị quốc tế hóa theo vấn đề Đông Dương. Trong các cuộc thương lượng đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một nước nhỏ.

Đơn độc Việt Nam Quốc gia

Phái đoàn Việt Nam Quốc gia, mặc dù đại diện cho một chính quyền do Pháp dựng lên và được phương Tây công nhận, nhưng đã đến Geneva với một vị thế có vẻ như nhạt nhòa. Do được Pháp dựng lên nên họ khó mà tránh khỏi việc bị động theo Pháp. Chiều 20 tháng 7, Trưởng đoàn Liên Xô Molotov tổ chức họp tại biệt thự riêng, đã không mời đại diện phía Mỹ và phái đoàn Bảo Đại. Tại cuộc họp này, Pháp và các nước lớn quyết định việc chia cắt Việt Nam và ấn định thời điểm tổng tuyển cử, mà không đếm xỉa gì tới cái chính quyền mà chính Pháp đã dựng lên.

Hay tin này, Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Quốc gia, bác sĩ Trần Văn Đỗ, đã đứng lên nghẹn ngào phản đối giữa Hội nghị, không chấp nhận chia cắt đất nước ở bất cứ đâu. Nhưng cho dù Việt Nam Quốc gia có phản đối, thì mọi sự vẫn diễn ra như chúng ta đã biết.

Đất nước chia hai miền. Ông Lý Văn Sáu kể lại chuyện ở Liên khu V ngày ấy trong những dòng cảm động: “… Có những cặp thanh niên nam nữ vội tổ chức đám cưới “cho kịp ngày tập kết” rồi ngồi nắm tay nhau trên bến tàu Quy Nhơn, thức suốt cả đêm sau lễ cưới trước lúc người chồng, hoặc người vợ, lên tàu. Người ta nói với nhau trong nụ cười, trong nước mắt: chờ nhau, hai năm nhé! Hai năm thôi, có bao lâu! Suốt dọc đường ta chuyển quân, đồng bào treo cờ đỏ sao vàng, đỏ rực như một lời nguyền mãi mãi giữ ngọn cờ này trong lòng mình”.

Không ai trong những con người ấy nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài, không phải hai năm mà 21 năm.

Với tất cả những cái “giá như…”

Một số người sau này đặt vấn đề: Giá như hai miền Việt Nam có thể đoàn kết làm một khối để tăng sức mạnh. Giá như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những cuộc vận động hành lang, đàm phán và thỏa hiệp trực tiếp với Pháp để gạt bỏ sự can thiệp của tất cả các phe phái khác.

Nhưng điều đó là bất khả vì nhiều lẽ. Trước hết là những hạn chế về kinh nghiệm ngoại giao. Theo nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Nguyễn Phúc Luân, chúng ta đã “quá tin tưởng vào nước bạn, để bạn chi phối cả diễn đàn. Thậm chí đoàn ta chưa chủ động tiếp cận với đối phương, cho đến khi ở nhà nhắc nhở Trưởng đoàn Việt Nam mới gặp Mendès-France (ngày 13 tháng 7)”.

Thêm vào đó là sự khó khăn trong công tác thông tin liên lạc. Do kỹ thuật không cho phép, toàn bộ việc liên lạc của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều phải thông qua hệ thống điện thoại của Trung Quốc, điều này cản trở mọi sự phối hợp ra bên ngoài hoặc liên hệ về nước.

Cuối cùng, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, mâu thuẫn ý thức hệ giữa hai khối đang sâu sắc. Ảnh hưởng của các cường quốc lên kết quả đàm phán là điều không thể tránh khỏi.

Nói cách khác, trước sức ép của các nước lớn, cả hai miền Việt Nam đều đã không thể đấu tranh cho một tương lai chung của dân tộc.

Không thay đổi được lịch sử, nhưng chúng ta có thể lấy từ câu chuyện Geneva nhiều bài học có giá trị. Chẳng hạn, cần phải hết sức tích cực, chủ động, vừa hợp tác vừa đấu tranh trong quan hệ với nước lớn. Với bài học này rút ra từ Hội nghị Geneva, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bước vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ tại Hội nghị Paris 1973, nơi chúng ta phối hợp kết quả đấu tranh trên cả mặt trận ngoại giao lẫn quân sự, và tranh thủ rất tốt dư luận quốc tế. Có nhà nghiên cứu đã gọi việc kết hợp hợp tác và đấu tranh là “một phong cách linh hoạt đặc sắc của ngoại giao Việt Nam”.

Tuy nhiên, bài học lớn nhất có lẽ là: không thể mơ hồ về động cơ, mục đích của mỗi nước lớn trên bàn cờ quốc tế; và khi phải lựa chọn, chỉ có thể đặt lợi ích dân tộc lên cao nhất. (Thực tế cho thấy các quốc gia ở Hội nghị Geneva đều đã làm như vậy. Chính vì thế mà đồng minh của chúng ta trong khối XHCN lại trở thành trung gian đàm phán giữa hai khối và áp đặt số phận đất nước ta).

Hơn nửa thế kỷ sau Hiệp định Geneva, bài học lớn ấy vẫn còn nguyên tác dụng nhắc nhở: Lợi ích dân tộc (độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ) là giá trị bất biến, là ngọn cờ để huy động người dân Việt Nam góp phần trong mỗi dự án tương lai chung của đất nước.

---

(*) Tư liệu trong cuốn "Hiệp định Geneva - 50 năm nhìn lại", Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004

Wednesday 13 July 2011

Tội “làm hỏng dân”

Liên quan đến vấn đề quan hệ Việt - Trung, xin giới thiệu (tiếp) một phần phân tích của Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc, trong đó ông Lượng thể hiện sự tách bạch giữa những nhà lãnh đạo có tư tưởng bá quyền và nhân dân Trung Quốc thân thiện.


* * *


- Theo ông, Trung Quốc đối xử với tất cả các nước trong khu vực đều như với Việt Nam, hay mỗi nước mỗi khác?

- Tôi cho rằng họ đối xử với mỗi nước mỗi khác, rất khác biệt nhau. Với Philippines thì họ hơi chờn, nhất là từ khi Philippines trở thành đồng minh của Mỹ. Với một số nước khác như Myanmar, Indonesia, thì họ mua chuộc. Riêng đối với Việt Nam thì họ coi như đối tượng để bắt nạt, lợi dụng, và cũng không loại trừ khả năng mua chuộc. Trong quan hệ thương mại, ta nhập siêu của Trung Quốc gần đây tới hơn 12 tỷ USD, họ gạ, nếu các đồng chí thiếu ngoại tệ thì thanh toán bằng Nhân dân tệ cũng được. Họ còn gạ Việt Nam làm “một trục hai cánh”, “một hành lang hai vành đai”, thì cũng nhằm thâm nhập kinh tế Việt Nam, đưa Việt Nam vào tiểu vùng kinh tế của Trung Quốc, là Quảng Tây - Vân Nam, hai tỉnh lạc hậu nhất. Việt Nam vào đó thì hai tỉnh kia phát triển, còn mình thì sử dụng những thứ lạc hậu của họ.

Cho nên phải nhìn nhận tất cả những hiểm họa một cách sâu sắc. Cái bề nổi mà chúng ta đang phải đối phó, mà nhiều người sợ hãi, là quân sự. Nhưng thật ra là phải lo ngại tất cả những thứ kia chứ không phải chỉ quân sự.

Cần chú ý là Trung Quốc thường tạo cớ chứ không chờ đợi thời cơ tự đến. Như hồi tháng 2/1979, họ tạo bao nhiêu cớ gây hấn với Việt Nam rồi họ tuyên bố là họ “phản kích tự vệ”, và chỉ sử dụng lính biên phòng. Có ai đi xâm lược mà lại bảo là phản kích tự vệ? Và sự thật là họ điều động quân đội của hơn 30 tỉnh tham gia vào chiến tranh chứ không phải lính biên phòng đâu.


- Ông nghĩ Trung Quốc thi hành chiến lược như vậy thì được lợi gì, bị thiệt hại gì?


- Trong lịch sử, bọn diệt chủng, bọn độc tài phát xít đều bị tiêu diệt cả, chưa một bè lũ độc tài phát xít nào tồn tại được. Lúc đang ngang ngược là lúc họ coi họ mạnh nhất về quân sự. Nhưng chính lúc họ đang mạnh về quân sự lại là lúc họ yếu nhất về chính trị.

Thực sự là Trung Quốc đã làm điều rất không có lợi cho chính Trung Quốc: Thứ nhất là phá tình hữu nghị Trung-Việt. Thứ hai là phá luật pháp quốc tế, làm cho quốc tế lên án. Thứ ba là phá hoại lòng tin. Họ yêu cầu xây dựng lòng tin mà bây giờ họ làm thế thì ai tin họ? ASEAN, Việt Nam, cộng đồng quốc tế không thể tin Trung Quốc được.

Sâu xa hơn nữa, cái rất nguy hiểm là họ làm cho dân tộc hiểu nhầm dân tộc, dân tộc oán thù dân tộc. Một vài người, một tập đoàn, một nhóm người mà oán hận Trung Quốc là chuyện cứ cho là nhỏ đi. Nhưng nếu cả dân tộc này oán hận Trung Quốc thì họ sẽ nghĩ như thế nào về cái lợi trước mắt và lâu dài của họ?


- Tôi để ý thấy những người từng có thời gian du học ở nước Nga, thường rất yêu nước Nga. Không biết du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc có sự tương tự? Ông từng du học ở Trung Quốc, ông có tình cảm yêu mến với đất nước và nhân dân Trung Quốc không?

- Tôi mang ơn nhiều ông thầy Trung Quốc. Tôi cũng có những người bạn Trung Quốc, từng ăn cơm uống nước với nhau, quý mến nhau. Ngày trước có người sang đây làm việc, ông ấy bảo tôi, rất thật thà: “Này, Lượng này. Tao làm việc ở đây, tao thấy lương tao còn cao hơn lương Hồ Chủ tịch. Tao nghĩ tao phải hạ lương tao xuống thôi”.

Hồi chiến tranh biên giới, ta mở một triển lãm bên Trung Quốc, có người từng viết thế này: “Hiện nay trên biên giới, hai nước đang đánh nhau. Nhưng chúng tôi chỉ hiểu rằng đem con em Trung Quốc đi đánh con em Việt Nam là không đúng”. Họ viết hẳn vào sổ lưu niệm như thế đấy.

Người dân Trung Quốc thật ra rất tốt tính, hiếu khách, nhưng tôi cho là các tập đoàn chính trị của họ đang làm hỏng họ đi. Cái nguy hại là chính quyền bên ấy đã làm hỏng cả một thế hệ thanh niên. Lâu nay họ giáo dục, làm cho thanh niên Trung Quốc hết lớp này tới lớp khác hiểu nhầm và ngộ nhận về lãnh thổ và chủ quyền. Cho nên khi họ hành động rất tàn bạo, đánh đập ngư dân Việt Nam, giết chiến sĩ Việt Nam, thì người dân Trung Quốc vẫn yên chí đó là lòng yêu nước, còn Việt Nam mới là xâm lược. Từ nay trong các cuộc đụng độ, ta sẽ thấy lính Trung Quốc tàn bạo và hung hãn hơn bao giờ hết, mà họ vẫn tin tưởng đấy là vì yêu nước. Cho nên những người lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm rõ ràng: Làm cho dân tộc hiểu nhầm dân tộc là một tội ác đối với nhân loại.


- Bây giờ thì Việt Nam nên ứng xử như thế nào?

- Trước mắt ta phải vạch rõ cái phi nghĩa của Trung Quốc, nêu cái chính nghĩa của ta, tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế. Mà nếu họ giở rói gì ở biển gần, ở thế bất hợp pháp, thì quân đội ta phải đánh.

Về dài hạn là đấu tranh pháp lý. Đấu tranh vô hiệu hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc đòi hỏi ta phải có tài liệu nhiều nữa, và phải phát biểu nhiều, phải huy động toàn thể nhân dân, cả trong và ngoài nước. Không nên kỳ thị, phân biệt người Việt trong nước với Việt kiều. Vì lâu nay ta cứ coi Việt kiều như là một thế giới khác, cho nên ta không đưa những ý kiến của các nhà khoa học Việt kiều ra, trong khi nhiều điều rất có giá trị. Ta đang yếu thế về truyền thông, về tuyên truyền, về dư luận. Thế cho nên là phải đấu về pháp lý, về lịch sử, về ngôn luận, truyền thông, và ngoại giao, rồi phải làm cho sức mạnh quân sự lên nữa. Đặc biệt lãnh đạo Việt Nam phải cứng cỏi. Dân tộc Trung Quốc, đất nước Trung Quốc lớn, nhưng lãnh đạo của họ với lãnh đạo chúng ta, đâu ai lớn hơn ai? Bác Hồ là lãnh tụ một nước nhỏ mà Bác ngang hàng với lãnh đạo Trung Quốc, với thế giới đó thôi.

Một điểm yếu của lãnh đạo ta bây giờ là không tin ở nhân dân. Tôi làm lãnh đạo, tôi có kinh nghiệm cụ thể: Trong những việc lớn, hãy cứ để cấp dưới tự do phát biểu, sau đó lãnh đạo chỉ cần đưa ra một đôi câu chốt thôi thì giá trị sẽ lên cao ghê gớm. Phải tin tưởng nhân dân, để nhân dân nói, để nhân dân bày tỏ sự phẫn nộ, đến lúc nhà lãnh đạo đứng ra trước dư luận thế giới để phát biểu thì uy tín sẽ khác lắm.

Năm 1995, khi chủ biên một đề tài về giữ ổn định biên giới quốc gia, tôi đã viết rằng “việc giữ ổn định biên giới quốc gia không hoàn toàn tùy thuộc vào các chiến sĩ biên phòng mà chính là phụ thuộc vào Hà Nội”. Người lãnh đạo quan trọng thế đấy.

Cuối cùng tôi muốn nói thế này: Trước hết ta phải để cho thế giới thấy Trung Quốc đã tự bỏ cái mặt nạ của họ, và họ trở thành không chính nghĩa. Việc ta làm tốt nhất hiện nay là để cho chính trị đi trước: Vạch mặt bằng hết cái không chính nghĩa của Trung Quốc, làm thật rõ sự chính nghĩa của Việt Nam. Như thế là tạo lợi thế trên trường ngoại giao quốc tế. Thứ nữa là phải tin vào nhân dân. Ngược lại cũng phải thấy rằng, nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam phải là một. Nhân dân cũng như quân đội hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước cũng không bao giờ ngăn cản, cấm đoán và triệt hạ lòng yêu nước của người dân. Tôi tin tưởng như thế.


Kỳ trước: Chiến tranh đa diện chống Việt Nam

Saturday 2 July 2011

Bá quyền văn hóa kiểu Trung Quốc

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1895

Nhìn vào độ chiếm sóng của phim Trung Quốc trên các đài truyền hình ở Việt Nam, nhiều người lo ngại về khả năng Việt Nam bị “đồng hóa” bởi anh bạn láng giềng. Khả năng đó có thật, và nó là biểu hiện của một hình thức bá quyền tinh vi: bá quyền văn hóa - một phần quan trọng trong chính sách bá quyền của nước lớn, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ.


* "Giai điệu chủ"

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1987...

Tháng 3-1987, Bộ Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc triệu tập một hội nghị gồm đại diện của tất cả các đơn vị sản xuất truyền hình khắp cả nước. Tại đây, Bộ cảnh báo về xu hướng "giải trí hóa" phim ảnh trên sóng truyền hình, đồng thời đưa ra chính sách mới: tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim "giai điệu chủ" nhằm mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới.

Chính sách này phân loại phim truyền hình thành một số thể loại chính, nằm trong một khái niệm chung mà Chủ tịch Giang Trạch Dân sau này gọi là "giai điệu chủ":

• Dòng phim về những đề tài mang tính thực tiễn, ca ngợi người tốt việc tốt - gọi chung là phim "thần tượng tuổi trẻ";

• Dòng phim cổ trang, gồm phim lịch sử ("Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Vương triều Ung Chính", "Khang Hy", "Thái Bình Thiên Quốc"…), dã sử ("Tể tướng Lưu Gù", "Hoàn Châu Cách Cách"...)

• Dòng phim gia tộc luân lý ("Mùa quýt chín", "Gia tộc Kim Phần"…)

• Dòng phim cách mạng, dựng lại ngữ cảnh thời xưa ("Khát vọng", "Câu chuyện Thượng Hải"…) hoặc tái hiện chân dung những nhân vật nổi tiếng (Tôn Trung Sơn, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…)

• Dòng phim hình sự, chống tham nhũng ("Xứng danh anh hùng", "Khống chế tuyệt đối"…)

Những phim này được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chẳng hạn ưu tiên chiếu ở các đài địa phương lớn vào giờ vàng.

Đặc biệt, chúng nằm trong kế hoạch tuyên truyền của Nhà nước: Tất cả các phim, chỉ trừ dòng hình sự, chống tham nhũng, đều được hỗ trợ xuất khẩu, nhằm mục đích cao nhất là phổ biến "giá trị Trung Hoa" tới các quốc gia trong khu vực.

Trong số những nước mà Trung Quốc hướng tới, Việt Nam nổi lên như một tiền đồn, bởi "đây là nước Đông Nam Á duy nhất chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thay vì văn hóa Ấn Độ", như lời tác giả Hạo Kiện viết trong cuốn "Phim truyền hình Trung Quốc - nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu loại hình" (NXB Điện ảnh Trung Quốc, 2008).

Phần lớn các phim "giai điệu chủ" đã được giới thiệu ở Việt Nam, khán giả nước ta chẳng xa lạ gì với chúng. Các phim đều được xuất khấu với giá hết sức ưu đãi sang Việt Nam, thậm chí một số phim cho không (như "Khát vọng", "Tây du ký", "Vương triều Ung Chính") theo thỏa thuận hợp tác giữa các đài truyền hình hai nước.


* Ồ ạt "xâm lăng văn hóa"

Song song với việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, nhất là phim truyền hình, sang các nước trong khu vực mà đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc cũng tiến hành "Trung Hoa hóa" các sản phẩm của những nước này.

Bất chấp việc giới truyền thông Việt Nam đưa tin đậm về những phim hợp tác giữa hai nước như "Hà Nội Hà Nội" hay "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", các bộ phim này chưa bao giờ được ưu tiên chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình của bất cứ đài nào ở Trung Quốc. Ví dụ, "Hà Nội Hà Nội" chỉ được phát trên đài tỉnh Quảng Tây, Nam Ninh vào lúc… đêm khuya thanh vắng.

Với nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình nổi tiếng đến từ các nước khác, Trung Quốc thực hiện làm mờ tính nước ngoài của chúng. "Vua Kungfu" (Forbidden Kingdom) dù là phim của Mỹ và từ đạo diễn đến quay phim, phục trang đều là người Mỹ, nhưng khi đến đại lục, phim mặc nhiên được giới truyền thông nhào nặn thành sản phẩm Trung Hoa.

Các ngôi sao châu Á của Hollywood cũng bị "Trung Hoa hóa" tương tự. Khán giả Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung dễ lầm tưởng rằng Dương Tử Quỳnh (sinh tại Malaysia, học ở Anh, thành danh trên đất Hong Kong), Maggie Q. (Lý Mỹ Kỳ - mẹ là người Việt Nam, cha mang quốc tịch Mỹ, sinh tại Hawaii) là người đại lục.

Trung Quốc cũng khéo léo lờ đi chuyện quốc tịch của nhiều diễn viên nổi tiếng trong nước họ: Hầu như rất ít người biết rằng ngôi sao Trương Thiết Lâm mang quốc tịch Anh, Tư Cầm Cao Oa là người Thụy Sĩ, Ninh Tĩnh là người Pháp, còn mỹ nhân Chương Tử Di gốc gác Hong Kong.

(Ngoài lề: Một vụ việc đặc biệt có liên quan đến Việt Nam, nhưng không thuộc lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, là cuốn "Hồ Chí Minh sinh bình khảo" của Giáo sư Đài Loan Hồ Tuấn Hùng, phát hành tháng 11-2008. Trong cuốn sách, tác giả cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính danh là Hồ Tập Chương, nguyên là một người Khách Gia [Hakka, tiếng Việt gọi là người Hẹ], tức thuộc Hán tộc.)


* Điều gì nằm sau chiến lược xuất khẩu văn hóa của Trung Quốc?

Một nước lớn với dân số hùng hậu như Trung Quốc khó mà chấp nhận tầm ảnh hưởng ít ỏi trên thế giới. Và trên con đường "trỗi dậy hòa bình" để trở thành bá quyền ít nhất là trong khu vực, Trung Quốc mau chóng nhận thấy sức mạnh của văn hóa - thứ "quyền lực mềm" đầy quyến rũ.

Chẳng riêng Trung Quốc biết điều đó. Như một nhà nghiên cứu người Hungary, Márkus Péter, đã viết: Trong lịch sử quan hệ quốc tế, thoạt tiên, khi không có sự khác biệt đáng kể trong kỹ thuật, sức mạnh chân tay - quân sự thô kệch còn chiếm vai trò chế ngự. Thế kỷ 16-19, những mối quan hệ kỹ thuật - kinh tế từng bước chiếm ưu thế. Từ thế kỷ 20, văn hóa và truyền thông bắt đầu lên ngôi.

Bên cạnh kinh tế và quân sự, các quốc gia sẽ thực hiện cả tham vọng gây ảnh hưởng và lấn át các nước khác trên bình diện văn hóa, tư tưởng. Sau Chiến tranh Lạnh, ở châu Âu, bên cạnh ngoại giao về chính trị và kinh tế, thì ngoại giao văn hóa ngày càng nở rộ, và dần dần sẽ trở thành hình thức bá quyền chủ yếu.

Pháp và Đức là hai quốc gia rất chú trọng tới vấn đề "bá quyền văn hóa" này. Các hoạt động “xuất khẩu văn hóa” của họ được tiến hành mạnh mẽ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó ngay tại Việt Nam: Chương trình hoạt động thường niên của Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) và Viện Goethe dường như sôi nổi hơn hẳn so với Hội đồng Anh (British Council) hay Viện Cervantes của Tây Ban Nha.

Và đến đây thì chúng ta cũng có thể nhận thấy những hình thức ngoại giao văn hóa mà Trung Quốc đang tiến hành đối với Việt Nam, trong nhiều ví dụ thực tế. Phim truyền hình Trung Quốc chiếm sóng các đài ở Việt Nam, cả trung ương lẫn địa phương. Khán giả thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam. Các ca sĩ thời thượng rành rẽ về trang phục của đời Thanh và chắc chắn là sẽ không trả lời được câu hỏi vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa ăn mặc như thế nào.

Ngay trong giới trí thức, tâm lý sùng bái văn hóa Trung Hoa đã rất nặng. Một số đông trí thức Việt Nam có thể dễ dàng trích dẫn các điển tích, điển cố của Trung Hoa thay vì của phương Tây hay thậm chí của chính nước mình. Nói tới văn hóa Trung Hoa là nói tới một nền văn học với những tác phẩm vĩ đại, tới triết học thâm sâu, tới sân khấu kinh kịch có sức sống trường tồn, tới điện ảnh với những nhân tài mà ngay cả Hollywood cũng phải kiêng nể.

Điều này không sai, tuy nhiên, cái đáng nói ở đây là nhiều trí thức Việt Nam luôn vị nể quá mức thay vì đặt văn hóa Trung Hoa vào tương quan đúng mực với các nền văn hóa khác trên thế giới - cũng rực rỡ và vĩ đại như thế.

Khái niệm bá quyền văn hóa - tư tưởng mãi tới thập niên 30 của thế kỷ 20 mới ra đời (1). Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện bá quyền văn hóa - tư tưởng với láng giềng Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua. Ngày nay, với sự phát triển của truyền thông, dường như cuộc "xâm lăng văn hóa" này diễn ra một cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn bao giờ hết.


* Vấn đề đến từ phía những kẻ "bị xâm lăng"

Truyền bá văn hóa của đất nước mình là điều bất kỳ chính phủ nào cũng nên làm. Vấn đề chỉ là làm sao để có sự trao đổi văn hóa song phương và mọi quan hệ đều là hợp tác tương hỗ.

Bá quyền không đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần của những kẻ bị bá quyền. Riêng trên địa hạt văn hóa - tư tưởng, các học giả nghiên cứu về bá quyền văn hóa đều cho rằng bá quyền văn hóa, nếu được thực hiện, không thể thiếu sự đồng thuận một phần hoặc toàn thể của kẻ bị bá quyền. Như thế, việc Trung Quốc tiến hành bá quyền văn hóa thành công còn phụ thuộc cả vào cách cư xử của nước bị bá quyền, ở đây là Việt Nam.

Điều đó nghĩa là Việt Nam cần có thái độ và ứng xử phù hợp. Chẳng hạn, nên có sự trao đổi văn hóa song phương với Trung Quốc một cách tương xứng.

Việt Nam có thể thỏa thuận các chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, theo đó, đồng thời với việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của nước láng giềng, Việt Nam sẽ xuất khẩu văn hóa theo hướng ngược lại, xuất bản sách, tổ chức những ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam... tại Trung Quốc.

Theo một thống kê (2) được công bố trên tờ "China Daily", năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu 4.000 đầu sách từ Mỹ, nhưng chỉ xuất khẩu 14 đầu sách sang nước này; nhập 2.000 đầu sách từ Anh, nhưng chỉ xuất sang đây 16 đầu sách.

Từ năm 1999 đến năm 2002, hơn 280 đoàn nghệ thuật Nga biểu diễn ở Trung Quốc, trong khi chỉ có 30 đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang biểu diễn tại Nga. Giai đoạn 2000-2004, Trung Quốc nhập khẩu trên 4.000 phim và chương trình truyền hình, nhưng xuất khẩu không đáng kể. Dòng phim "giai điệu chủ" hầu hết chỉ tiêu thụ được ở khu vực Đông Nam Á mà trong đó Việt Nam là "tiền đồn".

Đã đành Nga, Mỹ và Anh là ba nước lớn nên Trung Quốc không dễ tiến hành bá quyền văn hóa như với Việt Nam. Nhưng ngay cả một quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu là Hungary - diện tích chỉ bằng một phần ba Việt Nam, dân số 10 triệu - thì cũng từng tổ chức Năm Văn hóa Hungary tại Trung Quốc (2007-2008), và dựng tượng đại thi hào dân tộc Petőfi Sándor ở Thượng Hải.

Những thông tin này có gợi cho chúng ta một suy nghĩ gì chăng?


* * *

Chú thích

(1) Khái niệm “bá quyền văn hóa” (cultural hegemony) do Antonio Gramsci (1891 - 1937) - triết gia chính trị, sáng lập viên Đảng Cộng sản Ý - đưa ra từ những năm 30 của thế kỷ trước. Gramsci cho rằng, để có được và duy trì quyền lực chính trị, giai cấp vô sản phải thực hiện bá quyền văn hóa, phải có tiếng nói thống trị trong truyền thông đại chúng và giáo dục, cũng như phải tiến hành kiểm soát toàn diện trên bình diện tư tưởng và tín ngưỡng.

(2) Số liệu lấy từ bài "Trung Quốc tăng cường trao đổi văn hóa" trên "China Daily". Báo "Người đại biểu nhân dân" dịch và đăng lại, 26-12-2006.