Monday 24 October 2016

Câu chuyện truyền thông: "Tư duy ngắn hạn" thì đã sao?

Ngày 10/10, đông đảo facebooker sôi sục với sự kiện blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) bị bắt. Suốt mấy ngày, facebook tràn ngập ảnh Mẹ Nấm và những lời bình luận, chia sẻ về vụ việc.

Đêm 14/10, thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ bất ngờ, kết hợp với mưa lớn từ trước đó, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho hàng chục nghìn người dân không kịp trở tay. Cộng đồng mạng lại sôi lên phẫn nộ với những nhà máy thủy điện xả lũ giết dân.

Tiếp sau đó, ồn ào một chút với việc sáng 18/10, giáo dân ở Phú Yên cùng linh mục Đặng Hữu Nam đến Tòa án huyện Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện tập đoàn Formosa và bị taxi Mai Linh từ chối chuyên chở. Cùng lúc ấy là chuyện MC Phan Anh quyên góp được 10 tỷ đồng cứu trợ đồng bào lũ lụt chỉ sau chưa đầy 24 giờ kêu gọi (từ 17 đến sáng 18/10). 

Ngay sau đó, cộng đồng mạng chuyển qua chiến dịch tẩy chay hai doanh nghiệp, taxi Mai Linh và tập đoàn nước chấm Masan. Đồng thời, phẫn nộ về vụ hai hành khách côn đồ Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn hành hung một nữ nhân viên hàng không trên sân bay Nội Bài. 

Ngắn hạn là "dân tộc tính"?

Có thể thấy, chỉ trong một thời gian rất ngắn (không đầy 10 ngày), cộng đồng mạng xã hội ở Việt Nam đã có quá nhiều việc để bày tỏ thái độ, quan điểm, và các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền thì có quá nhiều việc để làm. 

Cùng lúc đó, như thường lệ, sẽ có một số lớn dư luận viên và những người suy nghĩ bằng tư duy tư luận viên lên tiếng răn dạy, chỉ trích và mắng nhiếc cộng đồng mạng là “bầy đàn”, “cảm tính”, “ngắn hạn”, “chạy theo sự kiện”, “nông cạn”, “hời hợt”, v.v. Để rồi đi tới kết luận chung rằng cộng đồng này, nói rộng ra là toàn dân Việt Nam, là một tập hợp những cá nhân kém cỏi và (sẽ) chẳng làm được tích sự gì.

Nhận định như vậy hẳn nhiên là sai. Nếu nhìn từ giác độ truyền thông thì phải thấy rõ hai điều: (1) Ngắn hạn, chạy theo sự kiện, bị thu hút bởi các thông tin mới lạ, hiếm có, giật gân luôn là một đặc tính của công chúng; (2) Dân ở đâu mà chẳng thế. 

Bởi vì đó là tin tức

Ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào, công chúng cũng sẽ quan tâm đến một sự kiện nếu nó mới, lạ, hiếm gặp; nếu nó liên quan đến nhân vật nổi tiếng; nếu nó chứa đựng bạo lực, xung đột, mâu thuẫn, hay chuyện thương tâm; và nếu nó có quy mô lớn (số người tham gia đông đảo) hoặc có ảnh hưởng đến nhiều người…

Đối chiếu với những sự kiện xảy ra dồn dập trong 10 ngày qua, chúng ta sẽ hiểu ngay vì sao cộng đồng mạng lại sôi sục như thế.

- Bắt một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng có phải là sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó liên quan đến người nổi tiếng.

- Bắt một người phụ nữ chỉ vì cô ấy viết những khẩu hiệu đòi khởi tố kẻ tàn phá môi trường, có phải là sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó… lạ, hay nói đúng hơn, nó vô lý tới kỳ lạ. Lẽ ra cô ấy phải được khen ngợi, ít nhất cũng được bảo vệ, chứ không thể nào bị bắt.

- Thủy điện xả lũ bất ngờ, hại dân, có phải là sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó thương tâm, nó có quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều người (dân chết, hàng chục nghìn ngôi nhà bị chìm trong nước). Và đặc biệt, vì nó… lạ, hiếm: Có nước nào trên thế giới mà cứ vài năm thủy điện lại xả lũ bất thình lình trong đêm, để dân trở tay không kịp mà chết không?

- Sự kiện hơn 1000 giáo dân đi 200 km từ Phú Yên đến Kỳ Anh nộp đơn kiện Formosa có đáng quan tâm không? Có, vì nó có quy mô lớn, nó liên quan đến một thảm họa môi trường làm ảnh hưởng tới 4 triệu người dân ở miền Trung và cả nước, và nó… lạ, hiếm: Ở Việt Nam, cứ biểu tình, khiếu kiện tập trung tới cả ngàn người, là hiếm rồi. Rồi một hãng taxi từ chối khách vì sức ép của công an lại còn là chuyện lạ nữa.

- MC Phan Anh kêu gọi được 10 tỷ đồng chỉ trong gần 24 giờ, có phải là sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó liên quan đến người nổi tiếng, và vì nó cũng rất lạ, hiếm ở Việt Nam: Phan Anh đã làm được một điều kỳ diệu, trong khi chưa bao giờ hệ thống ban bệ, đoàn thể ở Việt Nam vận động được một số tiền lớn như thế trong thời gian ngắn như thế, kể cả khi đã ra sức bòn rút.

- Tẩy chay hai tập đoàn Mai Linh và Masan có phải sự kiện đáng quan tâm không? Có, vì nó chứa đựng mâu thuẫn, xung đột, và vì nó cũng lạ, hiếm gặp.

- Và cuối cùng, sự kiện hai hành khách côn đồ Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn hành hung nữ nhân viên sân bay Nguyễn Lê Quỳnh Anh có đáng quan tâm không? Có, vì nó chứa đựng mâu thuẫn, bạo lực, và nó quá lạ, hiếm: Hai gã đàn ông ngang nhiên bóp cổ, đấm một phụ nữ ngay tại sân bay, nơi công cộng. 

Vì những lẽ ấy, dễ thấy rằng việc công chúng sôi sục phẫn nộ, ngạc nhiên, vui mừng hay kinh hoàng, tóm lại là quan tâm đến một sự kiện nào đó, là điều hoàn toàn bình thường, có thể hiểu được và chấp nhận được. Các blogger, facebooker Việt Nam không đáng bị răn dạy, nhiếc móc chỉ vì họ đã “tư duy ngắn hạn, chạy theo thời sự”. Tâm lý con người trên cả thế giới đều như vậy, không chỉ dân Việt. 

Cũng phải thấy rằng sự tồn tại một không gian mạng để mọi người còn có nơi phát biểu quan điểm, chia sẻ cảm xúc, và họ còn lên tiếng được, là điều đáng mừng. Nếu không có mạng xã hội, tất cả đều im lặng, hoặc nếu tất cả cùng thống nhất một tư duy, một ý chí… mới bệnh hoạn và đáng sợ.

Cẩn thận với các kỹ thuật tuyên truyền của tuyên giáo

Tuy thế, cũng cần lưu ý đến việc những nhà tuyên giáo ở xứ độc tài có thể lợi dụng đặc điểm tâm lý chung của công chúng để dẫn dắt, định hướng họ.

Định hướng dư luận (tiếng Anh: spin) là việc trình bày thông tin nhằm tạo ra một phản ứng mà mình mong muốn ở đối tượng mục tiêu. Dĩ nhiên nó không phải là sáng tạo của ngành tuyên giáo nước CHXHCN Việt Nam. Tuy vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và vẫn đang vận dụng một cách xuất sắc các kỹ thuật nhào nặn, định hướng dư luận.

Dưới đây là một vài kỹ thuật căn bản, xin nêu ra để các blogger chính trị ở Việt Nam nhận biết và tỉnh táo, không để bị mắc bẫy tuyên truyền:

- Kiểm duyệt kỹ thông tin và lập luận trước khi công bố ra báo giới: Về khoản này (kỹ năng trả lời phỏng vấn, công khai thông tin trước báo giới), các quan chức của Đảng Cộng sản nhìn chung khá yếu kém (do đã quá nửa thế kỷ không bị sức ép phải cạnh tranh với chính trị gia nào của các đảng khác). Vậy nên khi xuất hiện trước báo chí, họ rất dễ nói hớ, lỡ lời để tạo ra nhiều phát ngôn trí tuệ đỉnh cao khó vượt. Do đó, tuyên giáo đã cẩn thận sửa chữa tình hình này bằng việc tung ra Quy chế Phát ngôn và Cung cấp Thông tin cho Báo chí (2013), nhằm giảm thiểu rủi ro “vạ miệng” của cơ quan nhà nước, nhất là của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

- Kiểm soát các nguồn cung cấp thông tin (source) để đảm bảo là chỉ “quan điểm chính thức” mới được công bố và được công nhận: Ví dụ rõ nhất của việc này là các nhà báo ở Việt Nam nói chung đều được tập để nghĩ rằng chỉ có phát ngôn của quan chức mới là nguồn chính thống, đáng tin cậy nhất, chuẩn mực nhất, còn ý kiến ngay cả của chuyên gia thì cũng chỉ có tính chất tham khảo, quan điểm của “lũ phản động” chống Đảng thì không bao giờ có thể trích dẫn được (trừ phi để đấu tranh, vạch mặt “chúng”).

- Bí mật tung tin từ nguồn ẩn danh, rò rỉ thông tin: Những NguyenTanDung.org, TranDaiQuang.org, Chân Dung Quyền Lực, Đại Hội Đảng 12, Quan Làm Báo... vẫn sờ sờ ra đó.

- Chỉ cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông thân tín và ủng hộ mình: Các cơ quan ngôn luận của Đảng, các đảng ủy, và công an, luôn được ưu tiên cao nhất trong tác nghiệp, hơn hẳn so với các cơ quan báo chí khác và đặc biệt là hưởng lợi thế tuyệt đối so với báo chí lề dân. Ví dụ một số báo sướng nhất Việt Nam: VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân...

- Cung cấp thông tin thật trễ, sát nút, để khiến báo chí không còn đủ thời gian kiểm chứng, phe đối lập, bọn phản động v.v. không còn kịp phân tích, phản biện. Nếu sau đó “chúng” vẫn cố viết, thì chất lượng bài thường sẽ yếu vì thiếu thông tin; khi ấy đội ngũ dư luận viên sẽ vào cuộc đấu tranh, đả kích những tay viết phản biện kia là dốt nát, chém như thánh, lý luận linh tinh, nhảm nhí v.v. Đồng thời, không quên hạ thấp cộng đồng mạng, nhấn mạnh rằng cộng đồng ấy là một tập hợp ngu dốt, rác rưởi.

- Tung tin khác (ví dụ tin xấu, tin thật giận gân, sốc-sếch-sến...) vào lúc các sự kiện quan trọng đang chiếm sóng trên truyền thông. Không ngại cả việc trình ra và/hoặc ký thông qua những dự thảo luật, nghị định, thông tư… thật nhảm nhí, những chính sách thật ngu ngốc, để thu hút sự chú ý của công luận.

- v.v.

Hai trong số những bức ảnh nổi tiếng
của đợt lũ lụt ở miền Trung tháng 10/2016.



Đối phó với các thủ đoạn tuyên truyền

Tuy nhiên, kỹ thuật tuyên truyền dù tinh vi đến đâu cũng phải có giới hạn. Hiệu quả của tuyên truyền phụ thuộc vào:

1. Trình độ dân trí, tư duy phản biện: Người dân càng có đầu óc phản biện và duy lý thì càng khó bị thuyết phục, dẫn dụ.

2. Chủ đề tuyên truyền: Vấn đề người dân càng ít quan tâm, ít biết đến, thì càng dễ tuyên truyền và ngược lại.

3. Thông thường, người ít đọc sách dễ bị tuyên truyền hơn người đọc nhiều sách.

4. Thông thường, người không có quan điểm, chính kiến hoặc chính kiến không mạnh sẽ dễ bị tuyên truyền hơn người đã có sẵn quan điểm, chính kiến.

5. Cá nhân/ tổ chức nào càng nắm được nhiều kênh truyền thông thì càng dễ tuyên truyền hơn. Đó là lý do vì sao Đảng Cộng sản sống chết cũng phải kiểm soát cho được gần 900 tờ báo in và 67 đài PT-TH trên cả nước...

Lời kết

Hiểu như vậy, các facebooker, blogger Việt có thể tự trang bị kiến thức cho mình để không trở thành đối tượng bị tuyên giáo “dắt mũi”, và nhất là để có thể tự tin ở mình, với một điều chắc chắn: Chẳng có gì là “tư duy ngắn hạn”, “hời hợt”, “nông cạn” khi chúng ta “chạy theo thời sự” và cùng nhau lên tiếng, hành động. Chỉ có thái độ bàng quan, im lặng hoàn toàn, không biết, không quan tâm, không làm gì, mới cần phải được xem lại.

Friday 21 October 2016

Một câu hỏi cho "thành phần thứ ba"

Nhiều người trong và ngoài phong trào dân chủ chia sẻ một quan điểm cho rằng, đấu tranh chống độc tài thì cứ đấu tranh NHƯNG tuyệt đối phải giữ một hình ảnh hết sức ôn hòa, mềm mại, không đối đầu với chính quyền, không cực đoan, không dữ dội… để không làm “thành phần thứ ba” (*) sợ.

“Thành phần thứ ba” ở Việt Nam thời nay là những người tuy đã hiểu rõ bản chất độc tài và bất tài của chính quyền hiện tại, nhưng vẫn e ngại, không muốn đấu tranh hoặc không muốn dính dáng đến một cá nhân/tổ chức nào trong phong trào dân chủ, vì thấy họ chưa đủ độ tin cậy, thấy họ "cực đoan quá"... Chiếm tỷ lệ cao trong “thành phần thứ ba” là trí thức, luật sư, nhà báo, sinh viên, doanh nhân… tức những người có hiểu biết, có địa vị xã hội v.v. và là lực lượng mà phong trào dân chủ cần thu hút, tranh thủ. Để thu hút thì tất nhiên không được để họ sợ hãi, xa lánh, mà muốn thế thì phải không đối đầu, không cực đoan…

Quan điểm này nghe thuận tai, có vẻ có lý, song nó có một điểm rất mơ hồ: Vậy, thế nào là cực đoan?

Hy vọng bạn thấy rằng, cực đoan và “không cực đoan” không phải là hai cực rõ ràng như đen với trắng. Một hành động có thể được đánh giá là “cực đoan” hay “mềm mại” phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh và vào người đánh giá. Lấy chính người viết bài này làm ví dụ: Thời tôi là một phóng viên “quốc doanh”, hàng trăm nhà hoạt động dân chủ có thể đánh giá tôi là ôn hòa, thậm chí hiền lành, nhút nhát. Nhưng cùng lúc đó, rất có thể có hàng chục đồng nghiệp sẵn sàng nói tôi là kẻ cực đoan, chống phá gay gắt, dữ dội (ấy là giả sử họ biết tôi).

Hành động của hàng nghìn ngư dân kéo đến đại bản doanh của Formosa, vẫy cờ đạo và băng-rôn, biểu tình đòi Formosa “cút khỏi Việt Nam” có thể là cực đoan trong mắt bạn, nhưng lại hoàn toàn ôn hòa trong mắt nhiều người khác: Họ đã không hề đập phá đồ đạc, không hề đánh ai, tóm lại, không gây thiệt hại vật chất nào, dù không phải là không có khả năng làm điều đó.

Hành động của hàng nghìn người biểu tình bảo vệ môi trường ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng… có thể là cực đoan trong mắt bạn, nhưng sao bạn không nghĩ họ đã có thể làm những việc mang tính phá hoại hơn, mà trên thực tế họ không hề làm thế?

Cầm bóng xanh, cầm biểu ngữ đi quanh Bờ Hồ kêu gọi “ngừng chặt cây”, “yêu cầu minh bạch” mà bạn còn cho là cực đoan, thì phải làm gì mới là không cực đoan? Bạn thử liệt kê tất cả các hoạt động không cực đoan mà bạn cho là “đáng làm hơn” xem nào, để ta cùng nhận xét tính chất ôn hòa, “đáng làm” và hiệu quả của nó.

Còn riêng với những người thuộc “thành phần thứ ba” như định nghĩa ở trên – tức là có học, có địa vị xã hội, đã hiểu rõ bản chất chính quyền, nhưng vẫn e ngại, vẫn cần được “thuyết phục”, “thu hút”, “an ủi”, “phủ dụ”, rồi mới tham gia hành động nếu có – thì tôi chỉ muốn hỏi một câu rất thành thật thế này, dù biết nó có thể làm bạn giận dỗi; tôi xin lỗi trước:

- Bạn mấy tuổi rồi?

Tuần hành vì cây xanh cũng là cực đoan?

-------------------

(*) Thành phần thứ ba, nghĩa gốc, là từ dùng để chỉ lực lượng đối lập với chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng đi theo đường lối hòa giải dân tộc.

Tuy nhiên, trong cách hiểu của nhiều người lâu nay thì thành phần thứ ba là những người không theo hẳn phe nào trong hai phe đang đối đầu nhau, mà luôn tỏ ra ôn hòa và cố gắng giữ vị thế đứng ngoài, quan sát, có thể là chờ thời (chẳng hạn, xem phe nào mạnh hơn thì theo).

Sunday 16 October 2016

XHDS Hà Nội, Sài Gòn hướng về miền Trung

Hà Nội: Từ thiện ủng hộ dân, tiếp tục đòi chính quyền minh bạch

Tối thứ bảy, 15/10/2016, tại khu phố cổ Hà Nội: Thành viên nhóm Green Trees biểu diễn âm nhạc, quyên tiền hỗ trợ đồng bào miền Trung đang chịu lũ lụt.


Nguồn ảnh: FB Green Trees

Trong một hoạt động khác, vào ngày 13/10, Green Trees cũng cử đại diện đến gặp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), và chất vấn Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội về việc chặt hàng xà cừ cổ thụ trên đường Kim Mã (Hà Nội).

Nguồn ảnh: FB Green Trees

Green Trees, tức Cây Xanh (tên cũ là Vì Một Hà Nội Xanh), là nhóm bảo vệ môi trường đầu tiên trong các tổ chức xã hội dân sự độc lập, không giấy phép ở Việt Nam hiện nay. Ra đời ngày 30/3/2015 từ phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, nhóm đã có nhiều hoạt động nhằm kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường - tài nguyên ở Việt Nam, và đặc biệt, thúc đẩy nghĩa vụ minh bạch, giải trình của chính quyền trong các chính sách liên quan tới môi trường và phát triển (trong đó, tất nhiên có cả “đại dự án” Formosa).

Chính vì điều này, nhóm phải đương đầu với sức ép và sự trấn áp, phá hoại dưới rất nhiều hình thức từ phía nhà nước, thông qua lực lượng an ninh, cảnh sát.

Sài Gòn: Không quên cá chết

Sáng nay, 16/10, một số người dân ở TP.HCM đã kéo những con cá cắt bằng bìa carton đi dạo trong công viên Lê Văn Tám. Trên mỗi con cá đều có ghi dòng chữ: “Formosa get out” (Formosa cút đi). Cuộc “dắt cá đi dạo” được nhiều người vỗ tay hưởng ứng.

Đây là hành động nhằm nhắc công luận nhớ tới thảm họa môi trường miền Trung Việt Nam, và sự kiện “biểu tình cá” diễn ra cách đây mới ba ngày.

Trước đó, vào buổi sáng 13/10 vừa qua, hàng chục người nuôi cá ở xã Long Sơn (Vũng Tàu) đã lôi xác những con cá chết, to và nặng, ra Quốc lộ 51, để phản đối 14 công ty chế biến hải sản gây ô nhiễm môi trường. Cuộc "biểu tình" độc đáo khiến giao thông trên đoạn quốc lộ chạy qua huyện Tân Thành bị ách tắc, ô-tô theo hướng từ Vũng Tàu lên TP.HCM không di chuyển được.

"Dắt cá đi dạo" ở công viên Lê Văn Tám, sáng 16/10/2016. 
Nguồn ảnh: FB Thu Nguyệt

Dân Long Sơn "biểu tình cá" trên Quốc lộ 1, sáng 13/10/2016.
Ảnh: Phước Tuấn/ VnExpress

* * *

Nếu có bạn nào nghĩ (một cách miệt thị) rằng “dắt cá đi dạo” như vậy là “trò vớ vẩn, chẳng thay đổi được gì”, thì xin bạn vui lòng nghĩ thêm: Một việc vớ vẩn, nhỏ xíu như vậy, bạn còn không tham gia, vì không muốn, không thèm, hoặc… không dám làm, thì bạn trông chờ sự thay đổi đến từ đâu?

Friday 7 October 2016

Tay chân đắc lực của Đảng và Formosa

Trong thảm họa môi trường Formosa, công an Việt Nam đã làm được gì cho dân cho nước, hay nói đúng hơn, họ đã phá những gì? Chúng ta thử cùng nhìn lại:

1. Lạm quyền: Chi phối quá trình đàm phán bí mật với Formosa, tự tung tự tác đứng ra thương thảo;

2. Nhanh nhẩu đoảng, ngu xuẩn: Tự tiện đánh giá thiệt hại mà thảm họa gây ra cho dân tộc rồi chấp nhận khoản đền bù rẻ mạt 500 triệu USD, mà không tuân theo bất kỳ một trình tự pháp lý nào;

3. Dối trá: Ra sức định hướng dư luận phấn khởi tin tưởng rằng “đàm phán thắng lợi” (nhưng nỗ lực này có vẻ bất thành);

4. Đàn áp nhân quyền: Lấy chiêu bài “giữ ổn định trật tự xã hội”, dùng mọi thủ đoạn phá hoại xã hội dân sự ở Việt Nam, đàn áp quyền tự do tụ tập, tự do hiệp hội; trấn áp các cuộc biểu tình ôn hỏa, bắt bớ và đánh đập hàng chục người ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, v.v.

5. Chia rẽ dân tộc: Bôi nhọ tôn giáo, kích động bạo lực và gây chia rẽ giữa giáo dân với các cộng đồng khác.

6. Tiếp tục “dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế”: Dựng đứng lên chuyện đảng Việt Tân tổ chức biểu tình, đánh bom, bắt cóc con tin… (!), mở đường cho công cuộc đàn áp và khủng bố các cuộc biểu tình của người dân ở miền Trung, sử dụng chiêu trò cũ rích là chụp mũ "Việt Tân" lên đầu dân.

Mặt "thành tựu"

Bên cạnh “phá”, có “xây”. Ngoài các hoạt động phá hoại, công an Việt Nam cũng đã làm được một số việc như sau:

1. Bảo vệ thành công Formosa, đặc biệt giúp tập đoàn này tin rằng họ đang có chính nghĩa, rằng chính quyền Việt Nam đang đứng về phía họ, rằng họ đang là nạn nhân.

2. Triển khai được rất nhiều dự án chống phản động, thu hút được các nguồn kinh phí hỗ trợ dồi dào, tiếp tục cải thiện đáng kể đời sống anh em an ninh, giúp anh em yên tâm công tác. Đảm bảo “toàn dụng lao động”: Trong lực lượng an ninh, không đồng chí nào phải thất nghiệp, khó khăn.

Do thành tích phá hoại tốt, nhiều đồng chí an ninh có cơ hội được khen thưởng, thăng tiến, nên càng phấn khởi và tích cực, tăng cường phá hoại hơn, với các hoạt động như: đẩy mạnh theo dõi, gây rối, liên tục gây tâm lý hoang mang cho “bọn phản động”; cô lập, cách ly “phản động” khỏi cộng đồng…

Kết luận

Những gì công an đã làm được và phá được chỉ càng cho thấy một điều: Đàn áp dân và bợ đỡ chế độ là việc dễ hơn và có lợi quá nhiều so với bảo vệ nhân quyền, công lý, môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.

Nói cách khác, quản trị, xây dựng đất nước mới khó, chứ phá hoại rất dễ.

Đương đầu với Formosa, giải quyết thảm họa môi trường mà nhà đầu tư ngoại quốc này gây ra, mới khó, chứ đàn áp và khủng bố dân mình, đồng bào mình dễ ợt; ai có tí quyền và nhiều gian ác đều làm được, huống chi là lực lượng “con yêu của chế độ”, quyền lực vô đối như công an Việt Nam.

Tiếc là sự thiển cận và tự tin đã làm họ mờ mắt, không nhìn được cái gì dài hạn hơn.

Ảnh: Nguyễn Huy Khâm/ Reuteurs

Tuesday 4 October 2016

"Thả chị ấy ra đi, tôi sẽ ký" (tiếp theo và hết)

Vì nhiều lý do, tôi hầu như không bao giờ tường thuật lại các buổi làm việc với bên an ninh. Tuy nhiên, buổi làm việc ngày 22/9 vừa qua (kéo dài suốt phiên xử Anh Ba Sàm) có một số điều mà tôi nghĩ có thể mang lại kiến thức pháp luật cho cả người dân thường lẫn anh em đấu tranh dân chủ, nên tôi sẽ “phá lệ”, viết về nó để độc giả – tất nhiên, kể cả nhân viên an ninh – tham khảo nếu quan tâm.

* * *

Câu giờ

Bên an ninh bắt đầu chơi bài quen thuộc là “câu giờ”: Họ để nhân chứng và tôi ngồi trong một căn phòng nhỏ, không được làm gì, chỉ ngồi thôi; còn họ thì đi ra đi vào, làm như đang chờ chỉ đạo của cấp trên, mà cấp trên thì bận bịu ghê lắm, khó liên lạc lắm.

Tôi rút cuốn sách ra đọc, không nói năng gì.

Tới 2h30 chiều, do “con phản động” vẫn ngồi đọc sách, không tỏ thái độ gì, bên an ninh chuyển sang trò khác. Họ đưa tôi và ép cả nhân chứng lên xe thùng (loại phương tiện chuyên dùng để chở phạm nhân hoặc thu đồ ở chợ, dẹp quán…). Chuyển đồn. Xe cao, khó khăn lắm tôi mới leo lên được – với sự giúp đỡ của các nhân viên an ninh. Dân phố quanh đó đổ xô ra nhìn.

Nhân chứng và tôi ngồi đối diện nhau trên hai băng ghế trong thùng xe, và đồng chí an ninh làm nhiệm vụ quay phim vẫn rất chăm chú tác nghiệp. Nhìn mặt chị LTH, người bị lôi cổ vào đồn làm nhân chứng bất đắc dĩ, thấy thương không thể tả. Đã 3h chiều, vậy là chị mất toi một ngày làm việc.

Tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác, vừa không muốn phải nhìn chị nhân chứng tội nghiệp, vừa không muốn vào hình trong camera.

Hai người bị đưa về đồn CA quận Hoàn Kiếm. Tới lúc vào phòng, màn câu giờ lại tiếp tục. Anh em an ninh đi ra đi vào. Tôi ngồi đọc sách. Còn chị nhân chứng LTH đã sốt ruột lắm rồi. Lúc sáng thấy tôi, chắc chị tưởng gặp một tội phạm nào đó. Sau lại thấy cái đứa “tội phạm” này mắng lại an ninh, chép miệng “an với chẳng ninh, làm ăn thế này có chết không”, rồi lại thấy nó rút một quyển sách tiếng Anh ra đọc, chị bắt đầu thấy lạ.

Chị năn nỉ an ninh: “Hay cho mình về đi. Nói thật là mình cũng không hiểu mình ngồi đây làm gì”.

Bên an ninh tất nhiên không đáp ứng nguyện vọng của chị. Họ nói, sếp của họ yêu cầu tất cả phải ở lại cho đến khi xong việc.

Tôi nói: “Sếp của các anh chị, chứ có phải sếp của chị LTH đâu mà các anh chị bắt người ta ngồi đây. Để chị ấy về đi”.

Các nhân viên an ninh chỉ cười.

Họ yêu cầu tôi “tự nguyện giao nộp các USB”.

- Để làm gì? – tôi hỏi.

- Để cơ quan an ninh điều tra, nghiên cứu…

- Các anh chị định nghiên cứu cái gì? Nhằm mục đích gì?

- Thì vì USB của chị có các nội dung phức tạp nên phải nghiên cứu. Chị nên nộp lại USB thì hơn, đừng để chúng tôi phải đẩy lên đến mức có hoạt động tố tụng.

- Các anh chị cứ có hoạt động tố tụng đi, tôi đâu phản đối đâu. Tôi chỉ yêu cầu mọi thứ phải rõ ràng: Có văn bản xác nhận và cả hai bên đều giữ văn bản với giá trị ngang nhau. Nếu các anh chị ngại thì để tôi lập biên bản hộ cho, ngay bây giờ cũng được. Tôi muốn các anh chị nêu rõ các tài liệu đó phức tạp như thế nào, dòng nào phức tạp, vì sao phức tạp, mục đích các anh chị sử dụng những tài liệu này là gì…

- Chị cứ phải làm căng thế làm gì? Chúng tôi vừa giải thích cho chị rồi đấy, chị tự nguyện giao nộp USB đi rồi tất cả đều được về.

- Tôi đồng ý mà, với điều kiện như tôi vừa nói: Mọi thứ phải rõ ràng.

- Thì chị nộp đi rồi cơ quan an ninh làm rõ với chị sau.

- Không, phải làm rõ ngay bây giờ. Và phải có biên bản hai bên cùng giữ với giá trị như nhau. Đừng phức tạp hóa vấn đề. Tôi thấy các anh chị vô lý lắm, giải thích giải thiếc cái gì. Các anh chị có thấy mình vô lý không?

- Tùy chị thôi. Nếu chị không chấp hành, chúng tôi sẽ có hoạt động tố tụng và đến lúc ấy thì sẽ buộc phải khám người chị. Rồi chị lại phải ngồi đây đến đêm đấy.

- Được, các anh chị cứ làm thế đi. Tôi ngồi đây bao lâu cũng thế, có gì đâu.

---------------

“Phức tạp”. Đây cũng là một từ mà an ninh Việt Nam rất ưa dùng, vì nó rất hiệu quả. Cứ mơ hồ thế thôi là đủ để họ vào cuộc “làm rõ” bất kỳ thứ gì. Các nhà báo, các blogger, nói chung là người viết, như Nguyễn Hữu Vinh, rất dễ vào tù vì những thứ tội mơ hồ như vậy. Bên an ninh chỉ cần nói các bài viết của họ “có nội dung phức tạp” là có thể điều tra, “có nội dung xấu, chống phá nhà nước” là có thể bắt họ bỏ tù. Để tạo vẻ khách quan thì an ninh sẽ thuê, hay là chỉ đạo tuyên giáo đứng ra làm cái việc gọi là thẩm định. Lại nhớ câu chuyện ở đồn CA hôm xét xử sơ thẩm Anh Ba Sàm, 23/3/2016.

- Các bài viết trên trang Ba Sàm có nội dung xấu.

- Với các anh chị, nó xấu, còn với người khác, nó tốt thì sao?

- Thì chúng tôi thấy nó xấu.

- Hay nhỉ? Bây giờ nhà báo viết bài, nhà báo bảo tốt, an ninh bảo là xấu rồi cứ thế đè nhà báo ra xét xử, bỏ tù à? Thế thì chết mẹ nhà báo à?

- Người ta có hội đồng thẩm định cả chứ không làm tùy tiện đâu.

- Được, vậy cho tôi hỏi một câu: Ai lập ra cái hội đồng thẩm định ấy? Thành viên của nó là những ai thế? Đã bao giờ viết được bài báo nào chưa?

- Chúng tôi không biết, đó là việc của họ.

- Giỏi quá đấy. Toàn một đám cả đời không viết được chữ nào, lấy tư cách gì mà thẩm định báo chí? Chắc “chú Tuấn ghét dấu sắc” (Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn) làm trưởng ban hả? Lại được an ninh phối hợp nữa thì nhất rồi.

Cứ thế, hai bên đay đả nhau. Lý luận duy nhất của phe an ninh chỉ là “có hội đồng thẩm định đàng hoàng, đã kết luận rằng các tài liệu mà Ba Sàm phát tán là xấu”. Họ không cãi nổi việc cái gọi là “hội đồng thẩm định” đó là do công an lập ra, với những thành viên cả đời không viết nổi bài báo nào, và báo cáo thẩm định của hội đồng đã chép y nguyên mọi lời lẽ của bên an ninh điều tra, cóp tới cả dấu chấm dấu phẩy.

Ép cung nhân chứng

3h30, rồi 4h, 4h30. “Con phản động” vẫn ngồi đọc sách và vẫn nhất định không đưa các USB ra, không ký tá gì.

Tới 5h chiều thì một sự cố xảy ra: Lúc chỉ còn hai người trong phòng (các nhân viên an ninh canh bên ngoài), nhân chứng bắt đầu nói như van vỉ:

- Em ơi, thôi thì chị em với nhau, chị nói thật: Em thương chị, em ký nhận hết đi cho chị còn về nấu cơm. Chị chẳng hiểu gì đâu, chị cũng có liên quan gì đến việc của bọn em đâu. Chị không hiểu sao chị cứ phải ngồi đây mãi thế này, không làm gì.

- Trời, chị nói thế…

- Chị nói thật đấy, chị không hiểu gì việc em làm cả. Chị chỉ muốn về thôi. Chị em với nhau, em nhận đi cho chị về, chị thấy chuyện cũng có gì đâu. Cô H. (công an khu vực) nắm hộ khẩu nhà chị, qua lại bên chị suốt, nên cô ấy nhờ, rồi anh M. trưởng đồn cũng nhờ, chị mới vào đây, chứ bình thường chị vào đồn làm gì.

Tôi bối rối. Tôi “giải thích” với chị rằng thật lòng em có muốn mọi chuyện căng thẳng thế này đâu, đấy là do bên an ninh họ làm sai quá, thực chất vấn đề là họ đang muốn tìm kiếm bằng chứng để trị em thôi. Nhưng tôi cũng không muốn nói nhiều nữa, tôi đã nhũn cả người ra rồi. Cảm giác áy náy dâng lên trong lòng, và càng lúc tôi càng cảm thấy công an đã đánh trúng cái điểm mà tôi ngại nhất: Kéo những người hoàn toàn vô can, vô tội vào cuộc, để khiến mình áy náy.

Tôi hiểu, với “truyền thống” hiếu thắng và hành xử bất cần luật pháp, an ninh sẵn sàng bắt tôi ngồi đến đêm và dùng sức mạnh lấy cả 4 USB, lại làm khổ thêm một người vô can là chị LTH. Đó là điều mà chắc chắn tôi không chống lại được. Nếu họ làm ngay thì chị nhân chứng sẽ sợ chết khiếp, còn nếu họ để đến đêm mới làm, thì tức là chị ấy sẽ phải ngồi như thế tới khuya.

Tôi nhớ đến những lần bị công an bẻ tay để lấy điện thoại di động. Như hôm sinh nhật No-U lần thứ tư (30/10/2015), 6h tối, tôi đang đi bộ trên vỉa hè, đeo tai nghe, thì từ phía sau, một bàn tay nắm chặt lấy cánh tay tôi khiến tôi giật bắn mình. Quay lại, tôi tái mặt khi thấy lại chính là đồng chí an ninh thường gặp. Anh ta nói khẽ nhưng rõ từng tiếng: “Trang, anh bảo. Biết điều thì hợp tác với anh. Nhé!”. Rồi đẩy tôi lên ô-tô nhanh như chớp, giằng lấy chiếc điện thoại, mặc cho tôi trình bày: “Em có làm gì đâu, em chỉ đang nghe nhạc thôi mà”. Kệ, anh giật tung cả điện thoại lẫn tai nghe, hết luôn Mendelssohn với chả Mozart. Một lần khác, công an cũng chụp lấy tôi, giữ chặt hai tay rồi thò vào túi quần moi điện thoại di động ra. Tôi cắn môi lại vì tức – hệt như một đứa trẻ bị bắt nạt mà không làm thế nào được. Họ vỗ vai tôi, xuê xoa: “Thôi, không có gì, không có gì đâu”.

Đó là khi tôi còn chưa phải chống nạng. Còn bây giờ…

Nhân viên an ninh bước vào phòng. Tôi rút 4 USB đặt lại lên bàn:

- Thôi thế này. Các anh chị thả chị ấy ra đi, tôi sẽ nộp lại… Đây, USB đây.

- Đấy, chị cứ nhẹ nhàng như thế đi, có phải nhanh không?

- Được rồi, các anh chị gọi taxi cho chị ấy về đi rồi muốn làm gì nhau thì làm.

Chị LTH lại kêu oai oái lên, nói là sẽ tự về, không cần công an gọi taxi.

Thật khổ cho những người dân thường ở Việt Nam. Luôn luôn họ nghĩ công an đúng, dân sai. Luôn luôn họ tự đặt mình ở chiếu dưới. Khi làm vậy, họ không biết rằng chính họ đang khiến an ninh, cảnh sát càng thêm nhờn, được đằng chân lân đằng đầu.

Phải nói rằng công an Việt Nam cũng đã rất thành công trong việc cấy vào đầu người dân cái suy nghĩ “hễ cơ quan công quyền đề nghị hợp tác là phải hợp tác”, và đồng thời làm dân mất hẳn ý nghĩ “nếu thấy cơ quan công quyền sai phạm thì không những không được hợp tác mà còn phải chỉ ra cái sai và chống lại”.

Mọi chuyện sau đó diễn ra rất nhanh chóng. Tôi ký nhận hai điều: Có 4 USB trong ba-lô; trong USB có 3 tài liệu…

Bên an ninh mặt tươi như hoa. Chị LTH ra về, tôi xin lỗi rối rít. Các nhân viên an ninh cũng vậy: “Làm phiền chị quá, mong chị thông cảm”.

Câu hỏi cho cơ quan an ninh

Tôi cũng rời đồn, mệt mỏi, tê cả hai chân hai tay. Tôi biết, bây giờ việc mà an ninh sẽ rất vui vẻ làm là ngồi suy diễn và viết báo cáo gửi lên “trên”, trong đó, bản proposal lấy được từ 1 trong 4 chiếc USB mới là bằng chứng quan trọng để buộc tội hoặc bôi nhọ nếu cần: Vận động tài chính để xuất bản sách phản động à, chống phá à?

Các chuyên gia vẽ dự án của Bộ Công an lại sắp có cơ hội được hỗ trợ kinh phí, để đập tan âm mưu… xuất bản của bọn phản động. Nhẹ nhất là các đồng chí ấy sẽ có dịp rêu rao “bọn dân chủ xin tài trợ để viết sách”. Xin tài trợ, nhận tiền để viết sách cơ đấy, thế có chết không.

Mà phương pháp đấu tranh lại vô cùng đơn giản. Quy trình thế này: “Phản động” đang đi đường thì bắt lấy, mang về đồn, đè ra khám đồ đạc –> thu giữ USB –> in hết tài liệu trong USB ra, lôi một người dân ở ngoài vào làm nhân chứng –> đem các tài liệu đó ra suy diễn cho thành có tội. Thế là xong, làm an ninh ở xứ mình dễ thật.

Tuy thế, cũng xin nhắc cơ quan an ninh là không phải thấy “phản động” ký vậy mà dễ xơi đâu. Phiền các anh chị vận dụng trí tuệ để trả lời ít nhất hai câu hỏi không đơn giản sau: Thứ nhất, làm sao các anh chị chứng minh được 4 USB đó là USB của tôi – cho dù nó được các anh chị lấy từ ba-lô mà tôi mang trên người? Và thứ hai, tôi không hiểu các anh chị sẽ làm thế nào để chứng minh bản proposal không nhắc đến một cái tên nào kia là do tôi viết.

Còn báo cáo “Unfair Elections in Vietnam” hay những bài viết về blogger Anh Ba Sàm, thì tôi luôn xác nhận chúng là của tôi. Và nếu các anh chị định xử lý một người vì đã dám viết rằng bầu cử ở Việt Nam là phi dân chủ, rằng Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh là một nhà báo yêu nước và là nạn nhân của những vi phạm nhân quyền, sai phạm tố tụng trầm trọng của công an… thì tôi rất hài lòng được các anh chị xử lý.

Saturday 1 October 2016

Sáng mắt sáng lòng chưa, các bạn nhà báo?

Thời mình còn tư duy như một nhà báo lề phải, tức là trước năm 2012, có lần mình nói với bác Phạm Toàn (nhà giáo Phạm Toàn, sáng lập nhóm làm sách Cánh Buồm, sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam) như thế này:

- Bác ạ, có nhiều việc các bác làm thì được, bọn cháu thì không. Vì các bác là trí thức mà lại cao tuổi, bọn nó chẳng bắt làm gì, cũng khó chửi các bác. Chứ như bọn trẻ chúng cháu mà làm thì bọn nó chửi chết.

Bác Phạm Toàn cười: “Đừng bao giờ nghĩ là người già thì bọn nó nể, ngốc ạ”.

Sau đó chỉ một thời gian rất ngắn, mình đọc được trên mạng các câu chửi rủa của dư luận viên và an ninh nhằm vào các bác trí thức cao tuổi mà thất kinh. Chúng chửi sạch cả “Sàm, Bô, Diện”, tức là mấy trang blog do trí thức lập ra như Anh Ba Sàm, Bauxite Việt Nam, Nguyễn Xuân Diện. Người già thì chúng cũng chửi, gần đây các dư luận viên còn chửi GS. Mạc Văn Trang, GS. Nguyễn Đình Cống là “thằng già”.

Thế là mình sáng mắt.

“Dân sinh à, phi chính trị à? Dân sinh thì cũng chửi cũng đánh”

Vẫn cái thời mình tư duy như một nhà báo lề phải, mình nói với mọi người:

- Phải hoạt động đảng phái, chống chính quyền ra mặt, muốn dùng bạo lực lật đổ chế độ, công an mới để ý cơ. Chứ chuyện dân sinh, cơm áo gạo tiền mà dân bức xúc, thì ai chửi, ai đánh làm gì.

Mình vừa dứt lời thì nổ ra một loạt vụ cưỡng chế đất đai (Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản…). Một mặt, chính quyền huy động công an đánh dân tơi bời, mặt khác, dư luận viên hoạt động rầm rộ trên các blog, chửi bới rủa xả nông dân bằng những lời độc địa nhất.

Thế là mình sáng mắt.

“Ôn hòa à, cầm cờ, cầm ảnh Bác à? Cờ với Bác thì cũng đánh”

Dần dần mình bớt tư duy như một nhà báo lề phải, và bắt đầu tham gia thường xuyên các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. Mình nghĩ: “Chắc đi biểu tình chống Trung Quốc, không đi xuống lòng đường, không giẫm lên cỏ, không cản trở giao thông, thì không sao”. Mình còn thấy nhiều người cầm cờ đỏ, ảnh Bác, ảnh tướng Giáp đi biểu tình nữa, nên trong bụng càng yên tâm.

Cuối cùng, mặc dù mình đã cố hết sức “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, không cầm biểu ngữ, không hô khẩu hiệu, mình vẫn bị bắt lên xe buýt đưa về trại Lộc Hà tới ba lần. Mấy bạn trẻ mặc áo cờ đỏ và bà con dân oan cầm ảnh Bác còn bị công an thụi cho, xé rách luôn cả cờ (không biết ảnh Bác có bị đập vỡ không).

Trên mạng, dư luận viên ồ ạt chửi bới, lăng mạ người biểu tình, gán cho họ cái nhãn “gây rối”. Coi như biểu tình vì yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống Trung Quốc, phản ánh bức xúc của dân oan, hay vì yêu môi trường… thì cũng đều chung ráo một rọ “gây rối” cả.

Thế là mình sáng mắt.

“Báo chí à, lề phải à? Báo chí thì cũng chửi cũng đánh”

Cũng cái thời còn tư duy như một nhà báo lề phải, mình rất dị ứng với cụm từ “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập”. Khi nghe có người viết nào đó bị công an đánh, mình nghĩ: “Chắc lại blogger đi tác nghiệp đây”. Khi có nhà báo bị bỏ tù, mình nghĩ: “Chắc do có vấn đề trong tác nghiệp, non kém về nghiệp vụ nên phạm sai lầm gì đây”.

Gì chứ ai chẳng biết báo chí có nhiệm vụ “tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới…; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí…; bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội…” (Điều 4 Luật Báo chí nước CHXHCN Việt Nam).

Với những nhiệm vụ ấy, báo chí là người bạn đồng hành thân thiết của các chiến sĩ công an; nhà báo với công an là bạn – vì cùng chia sẻ nhiệm vụ rất gần gũi nhau. Chẳng phối hợp, hợp tác với nhau thì thôi chứ sao công an lại đánh nhà báo.

Hôm nay, mình được biết là Công an Hà Nội khẳng định nhà báo Quang Thế của Tuổi Trẻ không bị ai đánh cả, chỉ bị gạt tay vào má dẫn đến hộc máu thôi, với lại vụ việc giữa Quang Thế và mấy anh công an huyện Đông Anh là một vụ “xô xát” giữa đôi bên, chứ không phải Quang Thế bị công an hành hung. Quang Thế còn bị phạt hơn 14 triệu đồng nữa. Bên cạnh đó, các trang web của dư luận viên cũng hối hả định hướng dư luận, chửi bới báo chí rát mặt, lại còn không ngớt đe dọa và đòi truy tố nhà báo nữa kia.

Mà Quang Thế là nhà báo của tờ Tuổi Trẻ – một trong những cơ quan báo chí lớn nhất, uy tín nhất Việt Nam lúc này đấy nhé.

Hóa ra nhà báo hẳn hoi, lề phải hẳn hoi, báo lớn hẳn hoi, cũng đừng mong được dư luận viên và an ninh nể. (Hai lực lượng đó thực ra là một thôi, vì đội ngũ dư luận viên chuyên nghiệp đều là do an ninh giật dây, chỉ đạo, cung cấp thông tin cả).

Đúng như Trung Bảo nói, “nhà báo khác chó gì dân”!

Mà vì mỗi người dân, nếu có tư duy phản biện và lương tâm chống lại cái xấu, đều là một tên phản động dự khuyết, kẻ thù tiềm tàng của chế độ, cho nên nhà báo, nếu tuân theo đạo đức nghề nghiệp, cũng khác chó gì phản động đâu! Chung số phận cả thôi, các bạn đừng tưởng "chỉ làm báo, không làm phản động" thì không gặp vấn đề gì với "người của chính quyền".

Lần này thì mình sáng mắt lâu rồi, nên mình chẳng ngạc nhiên nữa.