Tuesday 25 March 2008

Âu cũng là cái trình!




(chuyện nghiêm túc, không lố bịch)



Ở “nhà đài” dạo trước, tôi đặc biệt thích hai câu phát ngôn nổi tiếng của cameraman Trung White và đạo diễn Lê Trần Quỳnh:

- Âu cũng là cái trình! (khi nói nhớ kèm theo một tiếng thở dài), và

- Trăm sự là sự trình độ! (khi nói nhớ phát âm nhấn mạnh và kéo dài chữ “độ”)

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tôn Sách cũng có một câu nói (với Tôn Quyền): “Như điều binh khiển tướng tranh giành cùng thiên hạ thì em không bằng anh, nhưng biết dùng người hiền, trọng kẻ tài đức, giữ vững được Giang Ðông thì anh không bằng em”.


Câu ấy, theo tôi, là phản ánh rõ nhất suy nghĩ của Tôn Sách về chữ “trình”. Nó cũng cho thấy quân tử là người biết mình đứng ở đâu trong thiên hạ, để không trở thành kiêu ngạo, khiêm tốn giả hiệu, mà cũng không nhút nhát đến mức tự hủy diệt thương hiệu của mình.


Thời buổi này, chữ “trình” ngày càng thể hiện vai trò quan trọng khủng khiếp. Mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của cuộc sống, làm cái gì cũng cần “trình”, ta để ý mà xem, từ marketing đến chữa bệnh, từ làm báo đến dạy học, từ xử lý mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp đến chuyện cưa giai tán gái v.v.


Thế rồi chúng ta bắt đầu phân hạng. Không một lĩnh vực nào không có sự phân hạng. Đôi khi chỉ ăn một món ăn, ta đã muốn đánh giá ngay bản lĩnh tay đầu bếp kia so với ta thế nào. Đọc một bài báo hoặc một blog entry, ta cảm thấy như mình ngửi ngay được “trình” của tác giả đến đâu. Bệnh “đánh giá” phát triển rất nặng ở những giới như văn nghệ sĩ, bác sĩ, giáo viên, nhà báo… Nhiều lúc Trang the Ridiculous phát hoảng khi nghe những câu nhận xét như thế này:


(Câu hỏi): Anh nghĩ thế nào về anh X.?

(Trả lời): Không có tiền đồ!

(Câu hỏi): Anh nghĩ thế nào về chiến lược/ kế hoạch của ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng…?

(Trả lời): Ngu bỏ mẹ!


Thật thà mà nói, tôi không phản đối chuyện phân hạng và đánh giá. Nhớ hồi còn là sinh viên, chúng tôi đã thích nhận xét lẫn nhau, mà hồi đó có gì để phê đâu ngoài tiếng Anh (chẳng nhẽ lại phê nhau lập chính sách tài khóa - tiền tệ như shit?). Vậy là y như rằng: “X. nói tiếng Anh hay nhưng sai ngữ pháp tóe loe, chỉ ra vẻ phát âm kiểu Mỹ thế thôi”, “Y. phát âm lẫn… giọng Nghệ, kinh nhỉ?”… Ta càng lớn/ càng phát triển thì số lượng các lĩnh vực để so sánh, nhận xét, phê bình càng rộng thêm. Nói riêng trong cái giới của Trang the Ridiculous, sao đã lắm thứ thế: nhiếp ảnh, quay phim, thiết kế đồ họa, giao tiếp, viết lách (tiếng Anh, tiếng Việt), cưa cẩm, phong cách thời trang, nấu ăn, khiêu vũ, ca hát, đàn địch v.v.


Bản thân tôi cũng so và tự so ầm ầm, ví dụ vỗ ngực bành bạch: “Thiên hạ cóc thằng nào lố bịch bằng ta”. Về nấu ăn, tôi ngả mũ trước một cô bạn mà bất kỳ thứ nguyên liệu gì vào tay cô ấy đều trở thành ngon cả. Mọi người tin không - bất kỳ thứ gì, cho dù đó có là vài hạt lạc với một gói gia vị mì ăn liền vứt vạ vật trong góc bếp. (Tiếc rằng thần tượng nghề bếp này của tôi đã mất.) Còn về khoản “phong cách ăn mặc”, trình tôi thực sự chỉ đáng học sinh tiểu học! Quả chưa thấy ai ghét thời trang như mình, ghét một cách có ý thức.


Thế rồi chúng tôi bắt đầu mệt mỏi.


Tôi biết có những buổi trình diễn âm nhạc, nghệ sĩ ngồi dưới không để thưởng thức, mà để quan sát trình độ của đồng nghiệp, xem khả năng cảm và xử lý của người biểu diễn sắc sảo tinh tế đến đâu. Những triển lãm hội họa, người ta đến xem thì ít mà soi nhau thì nhiều. Chúng tôi đọc báo, xem tác phẩm truyền hình, chẳng phải để biết thông tin hay để thấy cái hay cái đẹp gì, mà chỉ để xem “trình” thằng làm tới mức nào. Chúng tôi đọc sách (văn học mạng, các loại truyện ngắn + tiểu thuyết v.v.) cũng chỉ để lắc đầu: “Viết như shit thế mà cái shit gì cũng viết!”.


Tôi biết rất nhiều người trong chúng tôi đã mất khả năng thưởng thức, mất đi cái thú thưởng thức rồi. Như thế có thể có cái tốt là một số người sẽ cố giữ mình tỉnh táo để biết “ta không phải là một, là riêng, là thứ nhất”. Nhưng đổi lại, chẳng bao giờ chúng tôi thấy cái gì hay nữa, lúc nào cũng chỉ nhìn ra lỗi và suy ra “trình”. Chẳng sung sướng gì.


Khổ nỗi, sống thì làm cái gì cũng cần “trình”, thế nên chúng tôi cứ tiếp tục phải đánh giá và so sánh.

Saturday 15 March 2008

In Praise of Creativity (Tôn vinh sự sáng tạo)




(hay Chuyên đề về nghệ thuật đương đại, kỳ 2)

Ngày thơ Việt Nam lần thứ tư vừa diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) hôm 21/2. Nhờ trời, hôm đó trời đẹp, không mưa, hơi rét. Ngày thơ có rất đông người yêu thơ tham dự, và hội tụ nhiều gương mặt đang nổi trong nghệ thuật đàn của nước nhà hiện nay. (Không phải là thi đàn, văn đàn hay cái gì đàn, mà chính xác là nghệ thuật đàn, vì phổ hoạt động của các nghệ sĩ này rất rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ thơ, văn, họa, hay nhạc.)

Sự kiện nổi bật (theo nghĩa được nhiều người đứng xem và được báo chí phản ánh đậm) trong ngày thơ là buổi trình diễn thơ phối hợp giữa nhiều nhà thơ - nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Dương Tường, Dạ Thảo Phương, Bùi Tuyết Mai… Trong buổi trình diễn, có đoạn (tôi chép lại theo mô tả của báo DDDN): “Nhà thơ (Dương Tường) bắt đầu cởi áo, bỏ túi xách lấy cuộn giấy quấn quanh thân thể như một người đang đầy thương tích. Đó là sự bị thương trong tâm hồn trong cõi lòng! Thế rồi, bài thơ kết thúc cũng là lúc những mảnh giấy bị xé tan nát, là sự dữ dội muốn bứt phá phá tan tất cả. Trong khi Dương Tường chỉ đứng yên một chỗ lẩm nhẩm những câu lặp lại “ Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà, phải tội đàn bà…”. Tiếng thơ cứ ngân dài và rồi kết thúc là sự tĩnh lặng bi thương, tang tóc…

Có thể thấy tinh thần nổi bật trong những buổi trình diễn thơ nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung, là tôn vinh sự sáng tạo.

Mà cứ nói đến sự sáng tạo, nghệ thuật đương đại, cách tân trong thi ca… là Trang the Ridiculous lại nhớ tới một bài thơ được một nghệ sĩ tặng cách đây đã lâu. Bây giờ tôi xin phép đăng tải bài thơ này trên blog để mọi người cùng thưởng thức. (Xin lưu ý các bạn: Tác giả giữ bản quyền. Nghiêm cấm việc mang bài thơ dưới đây đi phổ biến, cho dù vì bất cứ mục đích gì).


Vô đề


Ngắm bông hoa nở trong nồi,

Lòng chợt bồi hồi nhớ chuyện ngày xưa:

Ngày xưa lợn khoác áo mưa

Có một chú kiến tuổi vừa trăng lên

Ông sư ngồi ị bên thềm, (*)

Có con bò cái leo lên cái này.

Ông sư vung vẩy cái chầy,

Thấy con bò cái đã bay mất rồi…



(*) Ấy, các bác ơi, khoan đã, em biết là bậy rồi ạ. Khổ lắm, nhưng vấn đề ở đây là sự sáng tạo, mọi người hiểu không, vấn đề ở đây là sự sáng tạo, sự sáng tạo, sự sáng tạo… Bài thơ thật sự là một cái tát, không, một cú đạp vào mặt bọn người không sáng tạo.

“Vô đề” đã phá vỡ mọi ý niệm của chúng ta về không gian, thời gian. Những hình ảnh dữ dội, dào dạt, xô đẩy, sắc nhọn khôn cùng, như gào thét, đập phá, nổi loạn rồi vụn vỡ. Ám ảnh, bất lực, hay những ẩn ức trong đời sống thật? Tất cả đều được tác giả đẩy đến cao trào trong một sự liên tưởng kỳ ảo “theo đuổi giòng ý thức” (stream of consciousness)…

Sunday 2 March 2008

"Sống để kể lại"




Hà Nội vừa và đang trải qua những ngày tháng “lịch sử”. Đầu tiên là đợt “thời trang lịch sử” – toàn dân đội mũ bảo hiểm kể cả khi đi xe máy trên đường phố thủ đô, bắt đầu từ 15/12. Tiếp theo đến đợt rét lịch sử từ 14/1 đến 21/2. Và bây giờ là trận lạm phát gợi cho chúng ta nhớ lại những ngày lạm phát đáng sợ năm 1985-1986.


Tôi có cái thú (bị một số người coi là bệnh hoạn) là được sống trong những ngày tháng, những khoảnh khắc mang tính lịch sử, ví dụ thời khắc cả thế giới chuyển sang thiên niên kỷ thứ ba. Thật ra thì nhiều người cũng có cái thú ấy, chẳng qua họ không nói ra thôi, tôi tin như vậy. Một đời người mấy khi được chứng kiến những sự kiện lớn của xã hội. Lúc ấy thì khó khăn, nhưng ta hãy cố sống qua rồi còn có cái để mà sau này kể lại cho con cháu nghe với vẻ mặt đầy ly kỳ bí hiểm: “Hồi đó ông bà đi chơi trong giá rét, trời về đêm nhiệt độ xuống tới 5 độ C, lạnh như chưa bao giờ lạnh thế. Rét đến đổ cả máu cam ra ấy. Đội mũ bảo hiểm, trùm khăn, đeo khẩu trang. Nói gì cũng như là phun khói vào mặt nhau. Lạnh đến mức có lúc rùng mình thoáng nghĩ tới chuyện mình có thể chết rét…”. Như mẹ tôi từng kể: “Hồi năm 1986, mẹ đi bộ lững thững đằng sau một cô bán tôm tươi, từ Tân Mai ra Giáp Bát. Lúc ở Tân Mai, cô ấy bán 14 đồng một lạng. Tân Mai ra đầu Giáp Bát chừng 2 cây số chứ mấy, thế mà tới Giáp Bát, có người hỏi, cô ta đã nâng giá lên 16 đồng một lạng rồi. Sống sao nổi hở trời?”. Thế mà cả mấy thế hệ vẫn lay lắt vượt qua được những ngày tháng đen tối ấy, đúng là “hãy cố yêu đời mà sống, lâu dần đời mình cũng qua”.


Thời lạm phát năm 1985-1986, tôi hãy còn quá bé để hiểu (nhất là lúc ấy lại chưa được làm sinh viên ĐH Ngoại thương nữa chứ), nhưng cũng nhớ khá nhiều những gì đã chứng kiến. Có một điều rất khác với lạm phát thời 2007, đó là hồi ấy thông tin không phát triển, báo chí chẳng có vai trò gì, ít nhất thì tôi cũng không thấy ai trợn mắt nói chuyện lạm phát, tăng giá rồi bồi thêm một câu: “Thấy báo/ tivi sáng nay/ tối qua bảo thế”. Càng không có chuyện báo chí trích lời Bộ trưởng Tài chính: “Tôi như ngồi trên đống lửa”, hoặc đưa tin xăng lại tăng giá… Theo cái sự nhớ của tôi thì hồi trước, giá các mặt hàng thiết yếu tăng là cứ tăng vậy thôi, không có báo chí đưa tin, phóng viên phỏng vấn, quan chức giải thích, mà càng chẳng có người dân nào mua báo để đọc.


Nếu so với thời ấy thì bây giờ tình hình thông tin rõ ràng là khá hơn, dù rằng trình độ lừa đảo của lực lượng nắm thông tin trong xã hội cũng cao hơn ngày xưa nhiều. Hừm, nếu Trang the Ridiculous là một trong những người có quyền định hướng và phân phát thông tin, tôi sẽ không ngại gì mà không tìm cách nhấn mạnh cái tứ: Kinh tế nước ta, nếu có suy thoái, là hậu quả của sự suy thoái chung của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đó là điều tất yếu khi Việt Nam đã hội nhập và là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế toàn cầu. Đồng bào nghe thế đã đỡ lo hơn chưa? Thủng chưa?


Làm xong món bò cuốn lá cải, thấy giá thịt bò tăng ghê quá, lại suy nghĩ miên man như một nhà kinh tế chính hiệu. Không biết ở các trường thuộc khối kinh tế, như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương… giờ này, các sinh viên có đang sôi nổi thảo luận về nguyên nhân và biện pháp chống lạm phát không nhỉ?


Từ hồi học trong trường, tôi đã trộm nghĩ: sinh viên các trường tự nhiên thì khô cứng, các trường xã hội thì ướt mà dốt tự nhiên-kỹ thuật, các trường kinh tế thì vừa khô cứng, vừa dốt tự nhiên-kỹ thuật, lại vừa nói phét. Xin lỗi các bạn vì đã nặng lời… Dù sao thì đó cũng không phải là lỗi của các bạn (và cả tôi nữa vì tôi cũng học ngành kinh tế). Kinh tế vĩ mô là vấn đề gắn chặt với chính trị, nói thẳng ra thì quản lý một đất nước là chuyện chính trị chứ không phải chuyện kinh tế, nên không gì lố bịch và phét lác cho bằng việc sinh viên ngồi thảo luận về các giải pháp chống lạm phát cho đất nước.


Nói như tỷ phú Trương Đình Anh (tôi nhớ đại ý) thì để làm một chuyên gia tin học, tác giả của các phần mềm thay đổi cuộc sống, tất cả những gì bạn cần là một chiếc máy tính. Còn để ứng dụng được những lý thuyết kinh tế mà bạn đã học trong trường vào thực tế, bạn phải là thủ tướng và có trong tay một đất nước.


Điều đó bất khả thi đối với 99,99% chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn cứ phải thảo luận, phải nghiên cứu, phải có mặt trên lớp đầy đủ và đúng giờ. Vì vậy, chúng ta xứng danh là những kẻ (bị đẩy vào tình thế phải) nói phét.