Sunday 19 November 2017

Kể chuyện “làm việc” trong đồn CA: Lời thoại như phim!

Dưới đây là trích lược một vài đoạn đối thoại giữa tôi và các nhân viên an ninh điều tra của Bộ Công an Việt Nam vào ngày 16/11/2017, tại đồn công an phường Cống Vị, sau cuộc gặp gỡ giữa Phái đoàn Liên minh Châu Âu và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam buổi sáng hôm đó.

Tôi ghi lại, bởi thấy chúng… như lời thoại trong phim vậy, và biết đâu chúng có ích cho ai đó khi rơi vào hoàn cảnh tương tự ở đồn công an.

- Chị đến tòa nhà Lotte hôm nay gặp ai, có việc gì?

- Các anh chị hỏi có động cơ gì vậy?

- Chúng tôi hỏi chị đến đó làm gì, chị được người ta mời hay chị tự đến?

- Sao tôi lại phải nói với các anh chị?

- Tại sao chị không nói?

- À, đó là bí mật công tác của tôi đấy.

- Chà, công việc của chị bí mật đến thế cơ à?

- Vâng, bí mật công tác, cũng giống như an ninh quốc gia của đảng nhà các anh chị thôi ấy mà.

- Chị đến đó gặp những ai?

- Tôi đã nói là bí mật công tác mà. Nói đúng hơn là tôi sẽ phản ánh đầy đủ các thông tin đó trong bài viết của tôi. Các anh chị có thể đón đọc, cũng như mọi độc giả khác. Ngoài tòa soạn, không một ai có quyền đọc tác phẩm báo chí trước độc giả cả. Các anh chị cũng chỉ là độc giả mà thôi, các anh chị không có quyền gì để đòi hỏi biết những thông tin đó trước các độc giả khác cả.

- Chúng tôi không phải là độc giả của chị, chị nhé. Đây là ở trong đồn. Và chúng tôi đang làm việc với chị trên tư cách chính quyền làm việc với công dân.

- À, thế là các anh chị cao hơn tôi hả?

- Tôi không nói thế. Chúng tôi nói đây là quan hệ chính quyền với công dân.

- Ý các anh chị là như vậy, các anh chị có thể thích bắt ai về đồn thì bắt, và hỏi gì thì người ta phải trả lời à? Không. Không thế được đâu. Các anh chị quen cái kiểu ấy lâu rồi, nhưng với tôi thì không được đâu. Các anh chị chẳng là cái gì để tôi phải trả lời cả. Ở đây tôi mới là người quyết định có cung cấp thông tin nào đó, cho độc giả, hay không, chứ không phải các anh chị. Các anh chị muốn biết điều gì thì cứ đón đọc bài báo, chứ các anh chị không là cái gì để đòi hỏi được biết thông tin trước các độc giả bình thường cả. Tại sao các anh chị lại có nhu cầu biết trước người khác?

- Chúng tôi chỉ cần những thông tin căn bản thôi, như là chị gặp ai. Đại sứ quán Pháp có dự không?

- Tôi không trả lời đâu.

- Thế có Bỉ không? EU à? Chắc có Đức nhỉ?

- Tôi không trả lời đâu. Đó là công việc của tôi.

- Chị Trang này, tôi không muốn so sánh đâu, nhưng nếu so sánh chị với những người hoạt động thế hệ trước chị thì… nói thế nào nhỉ, xin lỗi nhé, tôi thấy chị có cái gì đó kém hơn. Ý tôi là kém sòng phẳng, kém đàng hoàng, kém cái tinh thần dám làm dám chịu.

- Ồ, anh không phải nói khích. Tôi kém xa nhiều người mà. Nhưng ở đây không phải chuyện dám làm dám chịu, mà đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Một trong những nguyên tắc của đạo đức báo chí là phải bảo vệ nguồn tin, các anh chị ạ.

- Chị nói hay nhỉ? Bảo vệ nguồn tin. Vậy đến lúc viết bài thì chị không trích dẫn ở đâu hết, chị bưng bít nguồn tin, chị tự bịa hết ra à?

- Khi viết bài thì tôi có cách xử lý của tôi chứ. Tất nhiên là phải bảo đảm trích dẫn đầy đủ, chính xác, không đạo văn, không bịa đặt. Còn đây là chuyện bảo vệ nguồn tin các anh chị ạ.

- Chúng tôi chỉ hỏi các thông tin căn bản, như chị được mời hay chị tự đến, ai mời chị, chị đến đó gặp ai…

- Những thông tin đó tôi sẽ đưa vào bài cả, tại sao các anh chị cứ đòi biết trước?

- Thôi chị Trang ạ, chúng ta biết nhau quá rõ rồi. Chị thừa biết tại sao chị về đây rồi. Tại sao bao nhiêu người khác chúng tôi không đưa về đây, mà lại đưa mỗi chị. Chị quá biết rồi còn gì.

- Không, tôi biết gì đâu. Các anh chị cho biết lý do đi.

- Chị không phải nói cái giọng ấy nhé.

- Tôi cho các anh chị 5 phút để trả lời câu hỏi của tôi. Nhắc lại câu hỏi: Vì sao đưa tôi về đây?

Đến đây thì đồng chí an ninh nhìn thẳng mặt tôi, hạ giọng nói khe khẽ:

- Những đứa khác có bằng chứng thì bóc lịch cả rồi đấy. Còn chị thì chưa đủ bằng chứng thôi chứ nếu không thì giờ này cũng không được ngồi ở đây đâu.

- Không ngồi ở đây thì ở đâu? Tù hả? (cười)

- Đúng đấy. Chị cũng không phải chờ lâu đâu, sắp rồi.

- Ừ, tóm lại là chưa có bằng chứng gì phải không? Bằng chứng đâu, đưa đây coi nào. Tôi thách đấy.

- Chưa đủ bằng chứng thôi, còn những đứa nào đủ thì đã bóc lịch cả rồi đấy. Cứ nhìn đi.

- Nhắc lại: Bằng chứng đâu? Tại sao đưa tôi về đây? Lấy điện thoại của tôi vì lý do gì?

- Chị cứ chờ đấy. Không lâu đâu.

Hai bên cùng nhìn thẳng vào mắt nhau và cùng cười rất tươi. Hệt như hai đứa trẻ con thi nhau xem đứa nào chớp mắt trước.

- Vậy hả? OK, chúng ta cùng chờ. Chắc lúc ấy các anh chị sung sướng lắm phải không, mở tiệc to ấy nhỉ?

- Được rồi. Sắp rồi. Chị cứ chờ đi.

* * *

Cuộc “làm việc” tiếp tục chuyển sang vài vấn đề khác. Câu hỏi an ninh đặt ra là tại sao chị Trang không ký xác nhận vào một tập tài liệu chị cầm theo người. Câu hỏi chị Trang đặt ngược lại là tại sao lại phải ký.

- Tại sao chị không ký?

- Vì tôi không hiểu lý do các anh chị yêu cầu tôi ký. Các anh chị cần chữ ký của tôi để làm gì?

- Đó chỉ là vấn đề thủ tục, quy trình mà thôi. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm quyền lợi của chị, nên mới yêu cầu chị ký.

- Tôi ghi nhận là các anh chị có nỗ lực làm việc đúng quy trình. Tôi cảm ơn. Tiếc là cái quy trình ấy của các anh chị không thỏa đáng, nên tôi không thể theo được. Tự nhiên lại bắt người đang đi đường về đồn rồi bắt ký xác nhận cái này cái nọ. Thế là có động cơ gì?

- Chị biết những tài liệu chị cầm theo là xấu, là có vấn đề gì đó, nên chị mới không ký phải không?

- Ấy đừng suy đoán thế. Bản năng con người là phải biết cảnh giác để tự vệ, các anh chị ạ. Cho dù có là tài liệu gì cũng thế thôi.

- Chị biết nội dung của tập tài liệu chị cầm theo chứ? (Đó là các báo cáo tóm lược về thảm họa biển miền Trung, đánh giá Luật Tôn giáo và tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, bằng tiếng Anh).

- Nếu tôi bảo là tôi không biết thì sao? Cứ coi như tôi không biết tiếng Anh, tôi mù chữ đi.

- Chị đừng nói chị không biết tiếng Anh, nghe nó buồn cười lắm. Tài liệu chị mang theo có nội dung gì?

- Thì các anh cứ đọc đấy.

- Chúng tôi thừa nhận chúng tôi kém tiếng Anh, được chưa? Chúng tôi muốn nhờ chị đọc và giải thích sơ lược nội dung nó là cái gì.

- Ấy chết, ai nói các anh chị kém đâu.

- Chị hiểu nội dung mà, phải không?

- Vâng, tôi hiểu, nhưng tôi không dịch đâu.

- Ký chị cũng không ký, nhờ dịch hộ vài dòng cũng không dịch. Trong khi mọi việc chúng tôi làm chỉ là để bảo đảm quyền lợi của chị. Chúng tôi không chỉ là theo quy trình đâu, mà chúng tôi làm việc theo quy định của pháp luật.

- Vâng, cảm ơn. Tiếc là cái pháp luật ấy của các anh chị cũng không thỏa đáng, nên tôi không thể theo được. Phải cảnh giác chứ tin các anh chị thế nào được?

- Vậy chúng tôi ghi vào đây là chị không ký tài liệu vì lý do gì?

- Các anh chị ghi rõ là vì tôi thấy động cơ của các anh chị không minh bạch.

- Này, chị bỏ cái từ “động cơ” ấy đi nhé. Chúng tôi là cơ quan an ninh, chúng tôi làm việc nhà nước, chứ chả có cái động cơ xấu nào ở đây cả mà bảo minh bạch với không minh bạch.

- (bật cười) Sao các anh chị dùng từ “động cơ” với “đối tượng” thì được mà hễ người ta dùng lại từ ấy với các anh chị thì các anh chị phản ứng thế?

- Này này, tôi chưa hề nói ai là đối tượng nhé. Tôi chưa hề bảo chị là đối tượng, tự chị nhận đấy nhé. Nãy giờ toàn chị nói nhé.

- À vâng vâng, tôi xin lỗi. Tôi nói chung chung thế thôi chứ có bảo là anh bảo tôi là đối tượng đâu.

- Chị đang cố tình làm mất thời gian của cả hai bên đấy chị Trang nhé. Chị không có gia đình, chứ chúng tôi còn có con nhỏ, còn phải về đón con, cho con ăn. Mà bây giờ là giờ tan tầm, chị biết rồi đấy.

- Vâng ạ. 5h30 rồi. Các anh chị có bận thì cứ về trước đi ạ.

- À, tôi nói là tôi nói đồng chí Hương đây có con nhỏ, phải về đón con. Chứ tôi thì tỷ phú thời gian luôn nhá. Tôi sẽ ngồi đây với chị đến khi nào làm rõ hết vấn đề. Mà không chỉ có tôi, còn nhiều anh em khác nữa.

- Dạ vâng ạ. Thế nếu chị Hương có con nhỏ thì về đón con đi ạ.

- Rồi, chúng ta tiếp tục.

Thật ra tất cả các cuộc đối thoại như thế với tôi đều chỉ có ý nghĩa… nghịch cho vui, chứ chẳng để làm gì. Bởi vì luôn luôn cơ quan an ninh sẽ đưa vào phòng một người nào đó làm nhân chứng, ưu tiên những người dân thường chẳng hiểu chuyện gì và hễ cứ thấy “cơ quan công quyền” là rúm ró. Nhân chứng đó dĩ nhiên do an ninh chọn, không có sự tham gia chọn của ta, không cần sự đồng ý của ta. Cho nên ta có ký hay không ký, an ninh và nhân chứng cũng có thể tự lập biên bản, tự ký với nhau.

Có đồng chí cứng tuổi hơn nêu câu hỏi:

- Em có nghĩ là bọn anh biết hết những việc em làm không?

- Dạ, việc gì hả anh?

- Anh đang hỏi em có nghĩ bọn anh biết hết những việc em đang làm không?

- Như là việc gì ạ?

- Thì đó, tất cả những việc em làm. Em có nghĩ bọn anh biết cả không, hả?

- (cười xòa) Em không để ý lắm.

* * *

Có một nhân viên an ninh trẻ hơn, rất chịu khó nói chuyện với tôi về các chủ đề ngoài “làm việc”. Cậu giải thích tỉ mỉ cho tôi về sự khác biệt giữa các loại rượu, giữa thuốc lá và thuốc lào, giữa các môn phái võ thuật “cương” và “nhu”. Tôi rất thích nghe, và cậu cũng nói “em chỉ thích chém gió cho vui, em chẳng thích chị em mình phải làm việc với nhau trong hoàn cảnh này”. Tôi cũng mong cậu ấy nói thật.

Và suy cho cùng, chẳng có ai trong số những người thuộc diện “đối tượng” như chúng tôi muốn phải là đối thủ của ai, muốn cãi cọ, đấu lý, gài bẫy, cảnh giác với ai cả. Nhưng điều đó chắc sẽ không thể nào chấm dứt, chừng nào vẫn còn có một lực lượng coi chúng tôi là kẻ thù.

Một thể chế mới – một nền dân chủ – với một thiết chế công an mới sẽ là sự giải thoát cho cả hai bên chúng ta.

Saturday 18 November 2017

EU tham vấn giới hoạt động XHDS trước thềm Đối thoại Nhân quyền thường niên với VN

Vào 9h30 sáng thứ Năm, 16/11, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU Delegation) ở Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ tham vấn một số đại diện của xã hội dân sự, để nghe các ý kiến đánh giá của họ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam trước kỳ Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa Việt Nam và EU.

Tham dự ở phía EU là quan chức của đại sứ quán một số nước thành viên EU, như Đức, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… Phía Việt Nam là vài nhà hoạt động vẫn còn… trụ lại được, chưa bị bắt hoặc chưa buộc phải chạy trốn ra nước ngoài, sau những đợt đàn áp, bắt bớ của công an trong suốt hai năm 2016-2017.

Thông thường, các cuộc tiếp xúc với khối XHDS độc lập – mà nhiều người còn gọi là “giới đấu tranh”, “giới hoạt động nhân quyền-dân chủ”, “giới đối kháng” – chỉ diễn ra sau kỳ Đối thoại, nên có tính chất giống như một sự thông báo lại tình hình, kết quả cuộc đối thoại cho XHDS. Tuy nhiên, lần này, cuộc gặp lại diễn ra trước Đối thoại với mục đích được nêu rõ là để tham vấn XHDS.

(Có lẽ vì thế nên Bộ Công an cũng đã chuẩn bị rất kỹ càng, nhưng không phải để dự họp mà là cho việc… bắt giữ các vị khách phía Việt Nam).

Tại cuộc gặp, đại diện Phái đoàn EU cho biết Đối thoại Nhân quyền năm nay dự kiến diễn ra vào ngày 1/12 sắp tới. Nội dung sẽ xoay quanh năm phần chính, trong đó phần một nói về tình hình gia tăng bắt bớ, đàn áp giới hoạt động dân chủ trong năm qua; phần hai bàn về những vấn đề lớn mà EU mong muốn Việt Nam cải thiện, như: xây dựng nhà nước pháp trị, cải cách tư pháp, phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền.

Riêng trong nội dung về nhân quyền, hai bên đối thoại sẽ đề cập tới các quyền quan trọng đang bị áp chế mạnh, như quyền lao động, quyền đất đai, quyền được xét xử công bằng, và các vấn nạn bắt giữ tùy tiện, tình trạng giam giữ trong các trại giam, nhà tù, v.v.



Ba vấn đề nhức nhối của Việt Nam

Phía các nhà hoạt động XHDS Việt Nam cho biết, họ cũng đề cao và kỳ vọng sự thịnh vượng mà Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có thể mang lại, nhưng điều chắc chắn là nếu Hiệp định không thực thi cùng những cải thiện rõ ràng, cụ thể về nhân quyền, thì sự thịnh vượng đó sẽ không đến với người dân mà chỉ vào tay một số ít nhóm lợi ích.

Ba vấn đề lớn nhất còn tồn đọng trong quá trình thương thảo để phê chuẩn EVFTA là lao động, môi trường và nhân quyền ở Việt Nam. Đây cũng là ba vấn đề gay gắt nhất hiện nay đối với chính Việt Nam.

Về lao động, Việt Nam chưa ký kết ba công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền đàm phán tập thể, quyền hiệp hội, và xóa bỏ nạn cưỡng bức lao động. Liên quan tới quyền hiệp hội, các nhà hoạt động cũng cho biết, dự thảo Luật về Hội vẫn chưa được thông qua sau nhiều năm, nhưng đó lại cũng là điều may mắn cho giới hoạt động XHDS, bởi nếu luật ấy được thông qua thì họ sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn nữa (ngôn ngữ văn bản mà Nhà nước thường dùng là “quản lý” – management – nhưng thật ra đó là “kiểm soát” – control).

Về môi trường, tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng trầm trọng thêm trong vòng 5 năm qua, mà cột mốc nổi lên là thảm họa biển miền Trung xảy ra vào tháng 4/2016. Điều đáng nói, như bản báo cáo vắn tắt về thảm họa chỉ ra, là không thấy chính quyền đưa ra các giải pháp khoa học cụ thể để làm sạch biển, cải thiện môi trường, bảo đảm hải sản an toàn và bảo vệ sinh kế cho người dân địa phương; mà chỉ thấy họ đàn áp rất mạnh mẽ mọi ý kiến phản biện, bất đồng, bất mãn.

Về nhân quyền, cả EU lẫn các nhà hoạt động Việt Nam đều thấy rõ 2017 là một năm rất đen tối cho quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt, như bà Bùi Thị Minh Hằng phản ánh, mặc dù quyền lập hội là một khía cạnh của vấn đề lao động, nhưng các tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam, cho dù ôn hòa đến mấy, cũng dễ dàng bị gắn nhãn “có hành động lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự, và “bị đàn áp dã man như Hội Anh Em Dân Chủ”.

Trong khi đó, lại xuất hiện một kiểu hội nhóm khác, cũng không đăng ký, nhưng lại được công khai có các hoạt động khiêu khích, gieo rắc thù hận, chia rẽ tôn giáo, tấn công người bảo vệ nhân quyền ôn hòa. Đó chính là những hội nhóm dư luận viên, Cờ Đỏ… ra đời trong ba năm qua.

EU: “Đây là một quá trình lâu dài”

Đại sứ của Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, cảm ơn sự có mặt của các vị khách và tỏ ý đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy nhân quyền của họ. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng việc yêu cầu nhà nước Việt Nam cải thiện nhân quyền là một quá trình lâu dài, sự thay đổi không thể diễn ra trong một đêm, và cộng đồng quốc tế nói chung, Phái đoàn EU nói riêng đang rất cố gắng, các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam cũng vậy, “chúng ta đều cần cố gắng”.

Phía XHDS độc lập đưa ra một số đề xuất cụ thể, trong đó có việc tăng cường sự tham gia của khối XHDS độc lập vào hoạt động giám sát tiến trình thực thi các tiêu chuẩn và quy định của EVFTA. Bản tuyên bố chung (của Con Đường Việt Nam, Hội Nhà báo Độc lập, Green Trees, NXB Giấy Vụn, Nhật Ký Yêu Nước, và Phong trào Lao động Việt) yêu cầu phải có một cơ chế khuyến khích sự tham gia của các tổ chức độc lập vào vai trò “nhóm tư vấn nội địa” (DAG) chứ công việc giám sát đó không chỉ dành riêng cho các tổ chức có giấy phép, thân chính quyền, do chính quyền chỉ định.

Đại diện Phái đoàn EU lấy làm tiếc rằng thật sự cũng khó có thể biết tổ chức nào là chính quyền chỉ định, tổ chức nào thật sự độc lập.

Đôi bên đều nhất trí rằng sự thay đổi từ phía nhà nước sẽ không diễn ra nhanh chóng, và cả cộng đồng quốc tế cũng như khối XHDS ở Việt Nam đều phải cố gắng hơn nữa.

Saturday 11 November 2017

Viết trong thời tạm chiếm

Một số (thật ra là nhiều) bạn đọc phản ánh với tôi là “Chính trị bình dân” gì mà dày quá, tới 502 trang.

Xin ghi nhận ý kiến của các bạn và xin làm rõ rằng thực ra đấy mới là tập I thôi. Tập II có thể mỏng hơn, chỉ còn khoảng 400 trang.

Sở dĩ tôi không gộp luôn hai tập làm một quyển là do sợ sách lên đến gần 1000 trang thì dày quá. Thêm nữa, cũng là do sợ bị phá giữa chừng, không kịp hoàn tất. Tất nhiên tôi chẳng đến nỗi “viết dưới giá treo cổ” như Julis Fucik (1903-1943, nhà báo, đảng viên cộng sản Tiệp Khắc). Nhưng cái cảm giác viết khi lâu lâu lại có người gõ cửa đòi vào nhà kiểm tra hành chính, rồi thăm hỏi xem “có nguyện vọng gì không”, và cứ hễ xuống dưới nhà là thấy các thanh niên lừ lừ nhìn, cũng là một “cảm giác rất yomost”. Và không chỉ có thế:

Tôi đã nói chuyện với Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc vào đêm trước ngày hai đứa bị an ninh bắt ở Quảng Bình rồi bị đánh tơi bời (13/4).

Tôi đã chat với Hoàng Đức Bình 45 phút trước khi Bình bị công an Nghệ An chặn xe, bắt cóc đưa về đồn và giam luôn từ đó đến nay (15/5). Hôm đó Bình nhờ tôi đọc giúp một bài mới viết về người đồng hương Hồ Chí Minh, định để tới 19/5 thì đăng.

Tôi đã ăn tối (lẩu cá) với Bạch Hồng Quyền vài ngày trước khi Quyền buộc phải rời Sài Gòn vì lệnh truy nã của an ninh (giữa tháng 5).

Tôi đã khề khà cà phê với Nguyễn Văn Hóa mấy tháng trước khi Hóa bị bắt (11/1). Khi vết rách ở bàn chân tôi nhiễm trùng (nước cống Hà Nội hoặc nước biển Hà Tĩnh, không rõ), Hóa còn vội vã lấy xe máy chở bà chị ra trạm xá sát trùng, băng bó.

Tôi, và rất nhiều bạn bè của tôi, đều đã sống những ngày tháng như thế. Không phải thời chiến, nhưng chúng tôi đều chia sẻ cảm giác mỗi lần nhìn thấy nhau đều có thể là lần cuối cùng gặp nhau trước khi một trong hai bên vào tù. Không phải thời chiến, nhưng tối tối, loa phóng thanh xã vẫn oang oang thông báo “có một số đối tượng nhà báo vừa lọt vào địa bàn, yêu cầu bà con nâng cao cảnh giác”. Không phải thời chiến, nhưng liên tục nghe tiếng gọi điện: “Em ơi, em đang ở đâu thế, em có ổn không?”…

Vì các lý do đó cho nên tôi biết mình sẽ rất khó tập trung để viết kịp 1000 trang “Chính trị bình dân”, đành chia đôi cuốn sách vậy. Và vì không chắc là mình có viết tiếp được tập II không nên tôi cũng không ghi rõ cuốn nào là tập mấy, coi như trước mắt chỉ có một quyển.

Tuy vậy, hy vọng những gì các bạn đọc được mới là… tập I thôi. Tập II sẽ xoay quanh các chủ đề “chính sách công”, “phát triển”, “quan hệ quốc tế”, “địa chính trị” và “nhân quyền”.

Chúng tôi sẽ rất vui nếu bạn đọc “Chính trị bình dân”. Dù nó không phải là một cuốn sách lịch sử về thời chúng ta đang sống, nhưng tôi rất hy vọng là nó sẽ góp phần giúp bạn hiểu rõ hơn về xã hội và nền chính trị Việt Nam đương đại.


* * *

Về thời gian thực viết sách: Tôi viết “Chính trị bình dân” từ ngày 10/11 đến 10/12/2016 thì dừng vì công việc ở Sài Gòn. Sau đó là Tết, và những cuộc tuần hành, rồi đàn áp ở khu vực Formosa…

Mãi cho đến đầu tháng 5, khi bắt đầu bị an ninh vây nhà nhân chuyến thăm Việt Nam của John Kerry, tôi mới cuống cuồng viết tiếp. Ban đầu định viết ngắn – nếu các bạn để ý, có thể thấy ba chương đầu của cuốn sách khá sơ sài so với ba chương còn lại. Về sau tôi nghĩ, đằng nào cũng viết rồi thì cố làm một lần hoàn chỉnh luôn cho rồi.

Đến ngày 26/6/2017 thì tôi kết thúc những dòng cuối cùng của “Chính trị bình dân”, chuyển bản thảo cho người biên tập là hai bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn (Be) và Nguyễn Vi Yên.

Saturday 4 November 2017

“Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi…”

Khu chung cư cao cấp Royal City ở Hà Nội những ngày cuối tháng 10/2017 có tới hai chuyện buồn liên quan đến sinh mạng con người. Trong đó, mới nhất là vụ một phụ nữ đơn thân được cho là đã mời một thanh niên đến nhà chơi và bị y sát hại để cướp của. Một số tờ báo lập tức giật tít “đùng đùng”: “Phi công trẻ giết người tình tại chung cư cao cấp”, “Vụ án mạng ở Royal City: kết cục đau lòng khi người phụ nữ khát tình”, “Án mạng ở chung cư: rủi ro của các quý bà tìm giai trẻ”, v.v.

Tôi không muốn nói thêm về vấn đề đạo đức báo chí trong trường hợp này, vì nhiều facebooker đã nói rồi.

Tôi chỉ chạnh lòng nhớ đến hình ảnh ba đứa chúng tôi – Trịnh Hữu Long, Nguyễn Anh Tuấn, và tôi – lần đầu tiên đi nước ngoài cùng nhau vào đầu năm 2013. Chúng tôi hoa mắt giữa siêu thị choáng lộn, nườm nượp người qua lại. Chúng tôi lạc chí chết trong ga tàu điện ngầm. Chúng tôi loay hoay toát mồ hôi mới tìm được lối qua đường trên đại lộ 8 làn xe. Tuy nhiên, có lần tự hỏi xem thực sự thì mình muốn đấu tranh để đạt được cái gì nhất ở Việt Nam, ba đứa đều thống nhất: Chỉ cần người Việt yêu thương nhau, tin tưởng nhau, đối xử với nhau thân ái ở mức như dân Philippines hay Thái Lan thôi, là mừng lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi. (Mà muốn đạt điều đó, thì chúng ta đều hiểu là phải xử lý được vấn đề thể chế chính trị, “giải quyết” được cái thứ văn hóa chính trị coi dân hoặc là địch để tiêu diệt hoặc là cừu để vặt lông – vì thế cho nên ta mới phải đấu tranh).

Chúng tôi nghĩ thế, bởi chúng tôi thấy… thèm muốn sự thân thiện trong cách đối xử với nhau, của người dân ở những nước chúng tôi đã đi qua. Ở những nơi đó, họ luôn tận tình chỉ đường cho chúng tôi, với một thái độ tận tình nhất, mỗi khi chúng tôi bị lạc. Họ sẵn sàng nhường chỗ cho chúng tôi, thậm chí ngay cả khi đang cùng xếp hàng, vì “không sao, tôi không vội, tôi chờ được, bạn cứ làm trước đi”.

Ở đó, chúng tôi không phải lo giữ chặt túi xách, mắt lừ lừ cảnh giác khi có ai bất thình lình lại gần. Chúng tôi cũng không lo vào bệnh viện thì bị chỉ sang một khu riêng làm thủ tục thật đủng đỉnh, bởi vì không có tiền trong túi. Chết mặc kệ.

Điều đáng nói là những người Việt ở nước ngoài cũng tốt bụng và đầy sự nhiệt tình giúp đỡ như vậy, nhất là ở xứ Âu-Mỹ. Chúng tôi không lo sưng phổi, chết rét, khi phải đi bộ dưới trời mưa tuyết ở New York hay Toronto, bởi vì kiểu gì cũng có bà con cô bác mang quần áo ấm đến chất đầy vali chúng tôi. Và đặc biệt, chúng tôi có thể đến nhà bất kỳ người nào để tá túc trong nhiều ngày, ăn uống no đủ, khỏi phải thuê khách sạn.

Tôi đã ở nhà rất nhiều người Việt bên Mỹ, Canada, châu Âu. Có lần, tôi còn nghỉ ở nhà một người Mỹ da trắng, nghĩa là hoàn toàn không có gì chung với tôi, kể cả gốc gác. Buổi sáng sớm ngủ dậy, trong lúc cô lúi húi pha cà phê và chuẩn bị đồ ăn, tôi tựa cửa sổ, nhìn xuống con phố với những mái nhà đầy tuyết ở phía dưới, và bần thần nghĩ: “Cách đây mới có nửa năm, bạn mình ở Hà Nội đã bị giết sau khi cho người lạ đến nhà ngủ đêm…”.

Bạn tôi bị kẻ lạ đập chết, cướp của. Sau cái chết của anh, bạn bè ai cũng thương xót và trách anh: “Không hiểu nó nghĩ thế nào lại tha người lạ về nhà cho ngủ”. Câu chuyện cũng gần giống như vụ án mạng vừa rồi ở Royal City, nhưng bạn tôi may mắn hơn chút xíu, không bị báo chí bêu lên tít là “khát tình” này nọ.

Trong khi đó, lẽ ra, nếu ở một xã hội… bình thường, thì việc phụ nữ đơn thân mời đàn ông đến tư gia là bình thường, còn việc giúp đỡ người khác bằng cách cho họ đến nhà ở nhờ là điều tốt, điều thiện nên làm, nhất là khi người ta gặp khó khăn, lỡ độ đường, v.v. Không có bất kỳ cái gì là đáng trách ở đây cả.

Vấn đề cốt lõi, căn bản, là sống ở Việt Nam, người ta không thể tin tưởng vào tính thiện của con người, không thể tin nhau, không thể lường trước rủi ro của việc đặt niềm tin sai chỗ được. Cái lẽ ra là đáng tin nhất, công bằng nhất trong xã hội – pháp luật – còn chẳng tin nổi, chẳng dự đoán nổi, nói gì tới đạo đức.


* * *

Bé Nhi, con gái nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền, 
đi chơi công viên. 
Ảnh: Thịnh Nguyễn.
Nhưng chính vì thế nên chúng ta, chúng tôi mới phải đấu tranh.

Cá nhân tôi luôn tin rằng, văn hóa, tâm lý dân tộc là cái có thể thay đổi. Nó sẽ thay đổi khi văn hóa chính trị thay đổi. Và văn hóa chính trị thay đổi khi thể chế chính trị thay đổi.

Năm 1967, nhà thơ Trần Vàng Sao viết “Bài thơ của một người yêu nước mình”, trong đó đoạn kết vang lên đầy nhức nhối:


“… Đất nước này còn chua xót 
Nên trông ngày thống nhất 
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam 
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc 
Lòng vui hôm nay không thấy chật 
Tôi yêu đất nước này chân thật 
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi…”.

50 năm đã qua. Bây giờ, bên này vẫn có những người gọi bên kia là “Bắc Kỳ”, và nói rộng ra trên toàn xã hội, người ta vẫn phải cảnh giác với nhau. Không thể tin nhau. Không thể ra đường mà không bảo quản chặt túi xách. Không thể đi bệnh viện mà không có tiền. Không thể cho người ngoài đến nhà ngủ, “gớm, họ hàng ruột thịt còn chả tin được nhau nữa là”.

Nhưng tôi vẫn tin tất cả những điều đó sẽ thay đổi.

Và, bạn có tin không, từ ngày trở về Việt Nam (đầu năm 2015), tôi đã ở một số lượng nhà nhiều hơn tổng số tất cả các nhà tôi từng trú ngụ từ khi sinh ra, và đều là ở nhờ.