Thursday 30 June 2016

Cảnh giác với những âm mưu của Bộ Công an Việt Nam

Cuộc họp báo ngày hôm nay (30/6) giữa Formosa với một số báo đài Việt Nam, được chủ trì bởi một vài quan chức chính phủ, đã kết thúc với việc Formosa xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Những điều được viết ra dưới đây có thể gây nguy hiểm cho người viết, nhưng là một nhà báo, trong thời điểm “một bộ phận dư luận” chuẩn bị lên đồng ăn mừng thắng lợi, tôi không thể không viết để hy vọng cảnh tỉnh phần nào.

Với tất cả hiểu biết của mình về lực lượng an ninh Việt Nam và thông tin mình có được từ nhiều nguồn, tôi khẳng định những điều sau đây:

1. Cuộc họp báo ngày hôm nay là kết quả của một quá trình đàm phán bí mật giữa Bộ Công an Việt Nam và Formosa Đài Loan. Về nguyên tắc, thảm họa môi trường mà chúng ta đã và đang trải qua chính là vấn đề an ninh quốc gia, nên công an tham gia điều tra và có đóng góp ý kiến tham mưu, là đúng. Nhưng việc họ chi phối quá trình này, tự tung tự tác đứng ra đàm phán với Formosa, thể hiện quá rõ bản chất công an trị của chính thể.

2. Song song với đó, việc công an bưng bít thông tin, ngăn chặn mọi nỗ lực điều tra độc lập, thẳng tay đàn áp mọi ý kiến phản biện, mọi sự nghi ngờ, bất mãn của dân, là tội ác.

3. Con số 500 triệu USD mà Formosa đồng ý đền bù cho phía Việt Nam không phải là chiến công của Bộ Công an Việt Nam, không phải thành tích mà họ đạt được sau quá trình đàm phán. Nó là cái giá mà họ bán rẻ dân tộc này, hiện tại và tương lai.

4. Vào giờ phút này, lực lượng an ninh đang rất phấn khởi với thành tích mà họ đạt được, cho rằng cuộc họp báo đã giúp dẹp yên dư luận, và sau cuộc họp báo hôm nay thì bất kỳ ai còn lên tiếng đòi minh bạch đều chỉ có thể là “phản động”.

Tâm trạng đó cũng tương tự như sự hào hứng của họ khi nói về chính sách “đu dây” của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ đối ngoại: Họ luôn tin rằng Đảng đã quá xuất sắc khi lèo lái Việt Nam giữa Trung Quốc và Mỹ, linh hoạt và uyển chuyển, để vừa giữ được chủ quyền, vừa không làm mất lòng nước nào, vẫn cương quyết với Trung Quốc (trong khi cả ASEAN im thít) mà lại không phải nhượng bộ gì Mỹ về vấn đề nhân quyền, dân chủ. Tầm nhìn hạn hẹp, tư duy tiểu nông tưởng dễ "ăn người" luôn khiến họ nghĩ Đảng và Nhà nước mềm dẻo, khôn khéo, còn Mỹ, phương Tây, ASEAN... thì đần. Họ chỉ nhìn thấy thành công của việc bảo vệ chế độ, mà không bao giờ thấy được những mặt trái, những hậu quả của chính sách "đu dây" ngắn hạn.

Tương tự, với hướng giải quyết vụ cá chết-biển chết hôm nay, công an Việt Nam chỉ nhìn thấy việc đã dẹp yên dư luận, đảm bảo "ổn định chính trị" mà không nhìn thấy cái chết của cả dân tộc trong nhiều thế hệ.

* * *

Còn những việc công an Việt Nam sẽ làm tiếp sau đây là:

- Tăng cường phối hợp với tuyên giáo, định hướng dư luận về “chiến thắng” của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ thành công môi trường và giữ chân thành công nhà đầu tư ngoại quốc.

- Hết sức ém nhẹm những hậu quả, những tác động lâu dài của thảm họa môi trường ở biển miền Trung, ví dụ: tỷ lệ ung thư, sinh con quái thai... gia tăng đột biến, thảm cảnh phá sản của ngư dân, nạn thất nghiệp, nhân mãn và tệ nạn xã hội có liên quan ở các vùng ven biển, v.v. (Những hậu quả có tính chất tức thời, như một vài vụ ngộ độc thực phẩm, thợ lặn chết... thì có thể giải quyết ngay).

- Thẳng tay đàn áp những người vẫn đòi minh bạch và trách nhiệm giải trình, kiên quyết gán cho họ cái nhãn “gây rối trật tự công cộng”, “chống phá nhà nước”. Suy cho cùng, đàn áp dân và bảo vệ chế độ ngày hôm nay dễ hơn quá nhiều, không đòi hỏi lương tâm và trí tuệ gì so với bảo vệ môi trường, công lý và sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.

Chúng ta có thể làm gì để đối phó với những kẻ có dã tâm như vậy, nhất là khi chúng đang là lực lượng kiêu binh chi phối toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam? Đây là một sự thực khủng khiếp, ngang với việc thảm họa môi trường miền Trung sẽ giết chúng ta dần dần và không có cách nào phục hồi hệ sinh thái biển trong vòng vài chục năm nữa.

Ảnh: Nhật Linh/ Tuổi Trẻ

Monday 27 June 2016

Truyền hình quốc gia mà chỉ... đến thế thôi sao?

Đây đó tôi có nghe một số nhà báo quốc doanh bày tỏ sự bức xúc khi các khán giả facebook nhiệt thành khen ngợi phóng sự truyền hình của Đài Loan về thảm họa cá chết, mà lại bỏ quên công sức, mồ hôi, nước mắt… của “lề phải”, nhất là của cơ quan truyền hình quốc gia VTV. Như thế phải chăng là không công bằng?

Tôi chia sẻ sự bức xúc của các bạn ấy. Nhưng cá nhân tôi nghĩ những nhận xét và cảm xúc đó của facebooker là công bằng. Bởi vì, so với tất cả các cơ quan báo đài khác, VTV có những lợi thế tuyệt đối về nguồn lực (do ngân sách nhà nước cung cấp), trang thiết bị kỹ thuật, nhân sự, và nhất là tính chính thống – tức cái giấy phép hành nghề hay còn gọi là cái thẻ nhà báo để có thể tự do tác nghiệp trên đất nước Việt Nam… Nói đơn giản là họ có điều kiện hơn hẳn tất cả các đồng nghiệp khác, trong nước cũng như quốc tế, và đặc biệt, họ quá sướng so với các nhà báo lề dân tức cánh facebooker.

Họ có phải tác nghiệp trong tình trạng an ninh, cảnh sát, dân phòng địa phương kè kè xung quanh, sẵn sàng xông vào hỏi giấy tờ, cướp đồ, đập máy, rồi xách nách lôi lên xe về đồn không?

Họ có bao giờ bị công an bắt, đưa về đồn lột quần áo ra và dí máy quay phim, máy ảnh vào chụp; có bao giờ bị côn đồ, người lạ đuổi theo xe, tay lăm lăm tuýp sắt và mắt đỏ ngầu tia máu không?

Họ có đối diện với tình trạng phỏng vấn bất kỳ cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước nào cũng bị từ chối, bị xua đuổi không?

Họ có vừa tác nghiệp, vừa lo tiền nhà, tiền nước, tiền điện, tiền Internet chưa kịp đóng, thậm chí có nguy cơ tiền xăng xe cũng sắp cạn, đêm nay, sáng mai chưa biết ăn gì, nghỉ đâu không?


Với từng đó nguồn lực mà chỉ sản xuất ra được những sản phẩm báo chí ở mức chất lượng như bao lâu nay, thì phải nói là VTV… à mà thôi.

Ước gì tôi đi được mà không phải chống hai tay hai nạng; ước gì chúng tôi có thể tiếp cận bất kỳ quan chức, cán bộ, cơ quan nhà nước nào và có thể phỏng vấn họ mà không lo bị xách cổ quẳng ra cổng; ước gì chúng tôi có thể tự do đi lại ở Vũng Áng, Tây Nguyên, và nhiều nơi khác mà không lo bị đánh toác đầu chảy máu…

Thì tôi dám khẳng định: Tôi, chúng tôi, sẽ làm ra những phóng sự, những tác phẩm báo chí, thậm chí những báo cáo khoa học, mà VTV không bao giờ làm nổi.

Các bạn có muốn thử cạnh tranh không?

(Quên, anh em Tổng cục An ninh để mình được tự do ra khỏi Hà Nội cái nhé).

Các bạn biết vì sao tôi tự tin như thế không? Vì các bạn hơn các nhà báo lề dân mọi thứ: tiền, phương tiện kỹ thuật, địa vị, tính chính thống... nhưng các bạn không có tự do. Chưa bao giờ các bạn nghĩ được cái gì vượt khỏi khuôn khổ mà Đảng và Nhà nước định ra cho các bạn.

Quyền tự do – cái mà giới báo chí quốc doanh Việt Nam chưa bao giờ được hưởng đúng nghĩa – nếu được thực thi, có thể phát triển năng lực cá nhân, tài năng của các bạn đến một mức chính các bạn không thể ngờ. Chỉ có tự do mới có phát triển thôi, các bạn ạ.


Biểu tình đòi minh bạch thông tin ở Hà Nội, 5/6/2016.
Ảnh: Trịnh Minh Hiển

Friday 24 June 2016

"Trời làm cơn mưa bão, tình người như tơ liễu..."

Dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản, đạo đức của con người Việt Nam đã suy thoái về căn bản, nhưng trong đó nổi bật nhất là suy thoái về cái dũng, cái nhân. Chỉ còn lại một chữ HÈN. 

Về điểm này, ông Hà Sĩ Phu đã từng viết trong tiểu luận nổi tiếng Chia tay ý thức hệ (1995): “Nền đạo đức vô sản thâu nạp đủ điều đạo đức của Nho giáo, từ trung, hiếu, đức, tài , lễ, nghĩa, đến cần kiệm liêm chính… đến kế hoạch trăm năm trồng người, đến điều lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ, đến dân là gốc, coi cán bộ là nô bộc của dân… Duy có chữ QUÂN TỬ là cái tử tế nhất của Nho giáo thì ta tránh hẳn”, “Người cộng sản thích chơi trò đạo đức nhưng không dám chơi trò quân tử”.

Than ôi, tâm tính của người Việt Nam dưới chế độ cộng sản đúng là như thế. Quân tử tuyệt chủng như khủng long rồi!

Làng báo Việt Nam vừa cho chúng ta một ví dụ rõ ràng về cái sự hèn. Một đồng nghiệp bị “trên” đánh, ào ào hàng chục, hàng trăm kền kền lao vào xâu xé. Từ dạy khôn đến mắng chửi tàn tệ trên facebook; từ viết bài lên án trên báo đến chỉ điểm, xúi bẩy, kích động quân đội, công an vào cuộc; từ vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội đến phỏng vấn “luật sư”, gợi ý phương án ghép tội cho đồng nghiệp. Tòa soạn hối hả kỷ luật, cách chức, đuổi việc, khai trừ đảng v.v. Những người có vẻ hiểu chuyện nhất thì hoặc im lặng, hoặc can đảm lắm thì lên facebook khóc mếu chia tay.

Rất nhiều trong số những người ấy, cách đây mới vài tháng, thậm chí vài tuần, vẫn còn ăn nhậu vui vẻ, hội thảo tưng bừng, du lịch tung tăng, phối hợp sâu sắc cùng với nhà báo tội nghiệp vừa ngã ngựa kia trong các chuyến công cán, trong các dự án truyền thông, nghiên cứu này nọ. Nhiều người khác là những đồng nghiệp của nhà báo đó trong bao nhiêu năm, không ít lần đã từng được nhà báo ấy bảo vệ khỏi những tai nạn nghề nghiệp vốn xảy ra như cơm bữa trong cái nghề nguy hiểm này.

Nay, họ đâu cả rồi? 

Nhẹ nhất là họ im lặng. Nặng nhất là họ lao vào đạp túi bụi kẻ vừa ngã ngựa, cho nó chết hẳn. Hăng hái nhất là các nhà báo-đảng viên đang muốn chứng tỏ lòng trung với chế độ.

Nhà báo Trần Ngọc Kha đã cay đắng viết: “Ngày tôi nhầm lẫn người được phỏng vấn trong một bài viết… cái gọi là "đồng nghiệp" của tôi cũng thế, vội vàng làm mọi cách để đẩy tôi ra đường như đẩy một con chó”.

Và cả tôi cũng thế. Cách đây 7 năm, tôi bị bắt ngày hôm trước, ngày hôm sau tòa soạn ra văn bản đuổi việc. Tôi ra khỏi trại, có những đồng nghiệp đi trên vỉa hè, nhìn thấy tôi đi ngược lại, là vội tìm cách… sang đường ngay hoặc vồn vã sà vào một sạp báo, một quán cóc nào đó để tránh phải chạm mặt kẻ vừa bị bắt vì tội “phản động”. 

Thời nay còn thế, thời Nhân văn Giai phẩm, Xét lại… không hình dung nổi cái sự hèn hạ còn kinh tởm đến mức nào. 

Tôi không muốn trách ai cả. Tôi hiểu lắm chứ. Sức chịu đựng của mỗi người trước sự đàn áp, khủng bố của bạo quyền là có hạn. Lòng can đảm không phải là thứ bẩm sinh được phân phát đều cho mỗi người. Nhưng than ôi, dù chỉ một chút dũng cảm đủ để bạn hiểu rằng “thấy cái sai thì phải lên tiếng, thấy người bị hại thì phải bảo vệ”, và nhất là đừng hùa theo cái xấu, chỉ một chút dũng cảm để giữ đạo lý thôi, cũng khó đến thế sao?

Nhà báo Mai Phan Lợi, người vừa bị Bộ 4T rút thẻ và bị tòa soạn đuổi việc.
Anh trước hết là nạn nhân của chính các đồng nghiệp của mình trong làng báo quốc doanh.

Thursday 23 June 2016

Diễn đàn Nhà báo trẻ có thể bị đóng cửa vĩnh viễn, chung số phận với Haivl

Đúng như dự đoán của nhiều người từng “làm việc” với cơ quan an ninh, kịch bản đã từng xảy ra với Otofun, 6700 Cây Xanh… nay có khả năng lại tiếp tục xảy ra với Diễn đàn Nhà báo trẻ.

Câu chuyện đơn giản là thế này: Ngày 17/6/2016, facebooker Lợi Mai Phan đăng tải một khảo sát (poll) ý kiến các thành viên Diễn đàn về nguyên nhân “vì sao Casa 212 tan xác?”. Khảo sát được đặt ở chế độ mở để các thành viên có thể tự đưa phương án trả lời của mình vào.

Trong ngày 18/6, xuất hiện thêm 4 phương án trả lời: “Máy bay bị bắn”, “Máy bay bị giông lốc làm rơi xuống biển và vỡ khi đập vào mặt nước”, “Không loại trừ bị bắn vỡ”, và “Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật”.

Cùng ngày, các nhà báo quán triệt tư tưởng “báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới” ào ào chỉ trích, lên án admin. Petro Times – tờ báo bị lãnh nhiều giải Kền Kền của Diễn đàn Nhà báo trẻ nhất – tung một loạt bài chỉ điểm, đấu tố nhà báo Mai Phan Lợi; chủ yếu đánh vào việc dùng từ “tan xác” để mô tả trạng thái cuối cùng của chiếc máy bay Casa 212. Tối 18/6, khảo sát bị gỡ khỏi Diễn đàn.

Sau đó, công an, tuyên giáo và Bộ 4T đồng loạt vào cuộc, triệu tập, thẩm vấn và đe dọa ông Mai Phan Lợi. Họ buộc tội ông vu khống, bôi nhọ, xúc phạm quân đội khi đưa các giả thiết “Máy bay bị bắn”, Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng…” vào khảo sát. Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại: Chính họ mới đang vu khống, vì ông Mai Phan Lợi không phải là người đưa ra các giả thiết đó. (Xin nhấn mạnh hai từ "giả thiết").

Những ngày qua và những ngày sắp tới, nhà báo Mai Phan Lợi bị điều tra, thẩm vấn rất căng thẳng.

Chính quyền muốn gì?

Đơn giản là họ muốn:

1. Khai trừ Đảng, bắt và truy tố nhà báo Mai Phan Lợi, vì tội vu khống, bôi nhọ, xúc phạm Quân đội Nhân dân Việt Nam (tội này chưa có tên trong Bộ luật Hình sự?). Đây là cách xử lý nghiêm khắc nhất, chắc chắn sẽ làm thỏa lòng quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và các nhà báo kẻ thù của ông Lợi;

2. Ép nhà báo Mai Phan Lợi rút khỏi cương vị admin Diễn đàn Nhà báo trẻ, công an sẽ đưa người khác dễ bảo hơn vào thay thế, người này phải đủ... ngu để còn điều khiển;

3. Để nhà báo Mai Phan Lợi làm admin tiếp, nhưng phải theo định hướng của an ninh và tuyên giáo;

4. Ép nhà báo Mai Phan Lợi, với vai trò admin, phải đóng cửa Diễn đàn Nhà báo trẻ - điểm tụ tập trên mạng của 12.240 người làm báo hoặc các nghề liên quan tới báo chí Việt Nam.

Kịch bản 1 và 4 phơi bày màn đàn áp của chính quyền quá lộ liễu, nên có thể an ninh và tuyên giáo sẽ thích kịch bản 2 và 3 hơn, nhất là kịch bản 2. Hiện giờ, số nhà báo kền kền chực sẵn trong Diễn đàn, chỉ chờ ông Mai Phan Lợi “mất chức admin” để nhảy vào cướp vô-lăng, cũng đang rất đông đảo.


Tuesday 21 June 2016

Các nhà báo tuyên giáo và DLV, bình tĩnh đã, đừng ngậm máu phun người vội!

Gửi các nhà báo tuyên giáo và đội ngũ dư luận viên hùng mạnh của Đảng.

Việc phản ứng với cách dùng từ ngữ của một nhà báo, cho rằng nó phản cảm, vô tâm v.v. là quyền của các bạn. Nhưng bây giờ, xin các bạn hết sức giữ bình tĩnh, để cơn hăng say chém giết “thằng Lợi” lắng xuống đã, và suy nghĩ để trả lời hai câu hỏi sau:

Câu hỏi thứ nhất: Dùng luật gì để xử?

Có thể căn cứ vào luật nào để xử lý hành vi của nhà báo Mai Phan Lợi? Cụ thể, đó là hành vi đưa lên facebook một khảo sát với nhan đề “Vì sao Casa 212 tan xác?”. Nếu cho rằng từ “tan xác” là phản cảm, thì dùng luật gì để xử lý một nhà báo đăng tải trên facebook một khảo sát có chứa một từ bị một số người coi là phản cảm?

Ở một xã hội dân chủ thì không có Bộ Thông tin-Truyền thông nào đứng ra vơ lấy quyền xét duyệt và cấp phát thẻ nhà báo – đó là việc của xã hội dân sự. Tuy nhiên, Việt Nam là xứ sở độc tài, cho nên Bộ 4T, gồm toàn những quan chức cả đời không viết nổi chữ nào, lại có đặc quyền đặc lợi này. Vì Bộ 4T có quyền cấp thẻ nên nó cũng có quyền tước thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi. (Như nó đã từng rút thẻ của nhà báo Kim Quốc Hoa, Đỗ Hùng…).

Vấn đề là, Bộ tước thẻ của ông Lợi lấy lý do ông vi phạm “tiết c, khoản 9, mục II, Thông tư 07/2007/TT-BVHTT” về hướng dẫn cấp, đổi và thu hồi thẻ nhà báo. Nhưng chắc là các quan báo không đọc kỹ Thông tư này hoặc là cố ý vu khống, áp tội cho ông Mai Phan Lợi. Nếu không tin, các bạn thử đọc lại “tiết c, khoản 9, mục II” Thông tư đó mà xem.

Còn câu hỏi thứ hai, câu hỏi này quan trọng hơn.

Câu hỏi thứ hai: Ai là người đăng tải poll đó với các phương án trả lời đó?

Khảo sát “Vì sao máy bay Casa 212 tan xác?” được đưa lên vào ngày 17/6/2016. Ngoài từ “tan xác” mà cái gọi là “dư luận” chỉ nhận xét được là nó phản cảm, khảo sát này có một số phương án trả lời khiến Bộ Công an và nhất là Bộ Quốc phòng có thể cảm thấy bị “chạm nọc”, như:

- Máy bay bị bắn; 
- Máy bay bị giông lốc làm rơi xuống biển và vỡ khi đập vào mặt nước; 
- Không loại trừ bị bắn vỡ; 
- Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật;
- Máy bay tự nổ nên vỡ; 
- Phương án của bạn (Add an option)

Ban đầu, khi facebooker Lợi Mai Phan (không chứng minh được có phải nhà báo Mai Phan Lợi không) đưa khảo sát này lên mạng, ông/bà ta gần như để nó ở chế độ mở, với phương án ông/bà đưa ra là “không biết lý do”, và để cho người trả lời khảo sát – tức 12000 thành viên của Diễn đàn Nhà báo Trẻ - tự đưa ra phương án trả lời của mình. Cho tới tối 18/6 trước khi khảo sát bị gỡ, nó đã mọc ra một loạt phương án do các thành viên tự gợi ý.

Vậy câu hỏi lớn mà an ninh cũng như các nhà báo đang sôi máu “chém tan xác thằng Lợi” kia chưa hề trả lời được, là: AI MỚI THỰC LÀ NGƯỜI ĐƯA CÁC PHƯƠNG ÁN “CHẠM NỌC” BỘ CÔNG AN, BỘ QUỐC PHÒNG, BỘ 4T VÀO KHẢO SÁT?

Người đó không phải nhà báo Mai Phan Lợi.

Thêm nữa, cho dù là ai thì các phương án được đưa ra đó chỉ là giả thuyết, chưa hề là lời khẳng định.

Các bạn nhà báo kiêm tuyên giáo, xin các bạn hết sức bình tĩnh, suy nghĩ để trả lời hai câu hỏi (viết hoa) ở trên. Các bạn cứ chửi mắng mình thế nào cũng được, nhưng vui lòng trả lời hai câu hỏi ấy đã.

Còn thì, chốt lại, các vị đang định xử lý ai ở đây hả công an, tuyên giáo, quân đội, và các vị định dùng luật gì? Luật rừng chăng?


Monday 20 June 2016

Công an, Tuyên giáo hãy chấm dứt đe dọa ông Mai Phan Lợi và khủng bố báo chí

Ngày 17/6/2016, nhà báo Mai Phan Lợi, Trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nội, có đưa lên Diễn đàn Nhà báo trẻ một khảo sát (poll) nho nhỏ về nguyên nhân “vì sao CASA tan xác?”.

Ngay sau đó, tờ báo kền kền của “nhà báo cách mạng” Nguyễn Như Phong đã liên tiếp ra đòn chỉ điểm, tố cáo ông Mai Phan Lợi, thậm chí hô hào thanh tra toàn diện Diễn đàn Nhà báo trẻ. Nối gót Petro Times là tờ Người Đưa Tin, và đến tối nay, 20/6, là chương trình thời sự “giờ vàng” 19h của VTV. Quan báo Hoàng Hữu Lượng, nhà báo Lê Quang Vinh, và một loạt đồng nghiệp của ông Lợi ở các kênh truyền hình quốc doanh đồng loạt lên sóng chỉ trích ông không giữ đạo đức nghề nghiệp, đưa tin “sai sự thật”, nhưng sai sự thật chỗ nào thì chẳng thấy ai chỉ ra được một từ.

Ông Mai Phan Lợi đã bị tước thẻ nhà báo, đình chỉ chức vụ ở tòa soạn, đồng thời, vài hôm nay, ông LIÊN TỤC BỊ CƠ QUAN CÔNG AN THẨM VẤN; cả gia đình sống trong tâm trạng lo sợ.

Ban Tuyên giáo, Bộ 4T, Bộ Công an Việt Nam, các người nên hiểu rằng: 

1. Những gì ông Mai Phan Lợi làm trên tư cách nhà báo, cũng như admin của Diễn đàn Nhà báo trẻ, hoàn toàn không vượt ra ngoài phạm vi quyền tự do ngôn luận của công dân, quyền tự do báo chí của nhà báo, không vi phạm đạo đức báo chí. (Ở đây, đạo đức báo chí là những nguyên tắc nghề nghiệp phổ quát của nhà báo trên toàn thế giới, tất nhiên nhà báo cách mạng thì khác, nhà báo cách mạng là “phải như con chó ấy” – theo tiêu chí do Nguyễn Như Phong tự đặt ra). 

2. Việc các cơ quan truyền thông quốc doanh đồng loạt, phồng mang trợn mắt tấn công cá nhân ông Mai Phan Lợi, chính là vi phạm quyền tự do báo chí. Ngoài ra, lợi dụng địa vị, lợi thế nghề nghiệp để tấn công một cá nhân, là hành vi chà đạp nhân quyền của công dân. 

3. Trên giác độ nghề báo, các nhà báo vu khống ông Mai Phan Lợi “nói sai sự thật”, cùng một loạt đồng nghiệp của ông theo đóm ăn tàn, xúm vào đấu tố ông, mới đúng là những kẻ vô đạo đức. Nên nhớ, đạo đức nhà báo nghiêm cấm việc vu khống, bôi nhọ người khác. 

4. Ai cũng biết Petro Times và Người Đưa Tin vốn là hai cơ quan báo chí nhận giải Kền Kền của Diễn đàn Nhà báo trẻ thường xuyên nhất, vì các sản phẩm báo chí vô bổ, độc hại, xấu và ác của họ. Việc họ lớn tiếng đấu tố ông Mai Phan Lợi và kích động công an vào cuộc “thanh tra toàn diện” Diễn đàn Nhà báo trẻ, chẳng qua là một hành vi trả thù bẩn thỉu. 

* * * 

Nhà báo Mai Phan Lợi, sinh năm 1971, chính là blogger Bút Lông nổi tiếng với nhiều bạn đọc từ thời Yahoo! 360. Ông là sáng lập viên Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển RED Communication, sáng lập viên và Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng MEC, và cũng là một trong những người hoạt động xã hội dân sự gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24/5 vừa qua tại Hà Nội. 

Một số nhà báo lo sợ, không hiểu ông Mai Phan Lợi có bị bắt không. Xin nhắc để Tuyên giáo và an ninh nhớ, nhà báo Mai Phan Lợi là đảng viên - và Chỉ thị 15 ra ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị hẳn vẫn có tác dụng. Ngoài ra, các người không định bắt một nhà báo lề phải chỉ vì... một cái poll trên facebook đấy chứ? 

Không hiểu các người đang thẩm vấn nhà báo Mai Phan Lợi về chủ đề gì nữa. Thôi, hãy bỏ cái giọng dậm dọa, nghiêm trọng hóa vấn đề khi "khai thác đối tượng" đi. Đừng hình sự hóa cả việc đưa poll lên facebook, nó ngớ ngẩn và lố bịch lắm. 

Khủng bố là những hành vi có chủ đích, bạo lực hoặc không bạo lực, nhằm gây nỗi sợ hãi trên diện rộng. Nhưng nếu người ta không sợ hãi, thì khủng bố thất bại. Này các bạn nhà báo Việt Nam còn lương tâm, các bạn hãy tin rằng khi chúng ta không sai thì không có gì phải sợ cả. Những kẻ đang cam tâm hại người, chấp nhận làm "chó" để phò chính thể độc tài, những kẻ đó chắc chắn sẽ phải trả giá.

Tuesday 7 June 2016

Tấm lòng vàng của những "Nguyễn Thị Năm"

Có những ý kiến bi quan cho rằng người Việt Nam là một dân tộc không xứng đáng được dân chủ, bởi vì “tự do đâu cho một bầy súc vật” (thơ Pushkin).

Sau mỗi cuộc biểu tình, cũng có rất nhiều người buồn, nản, tủi thân, vì một số lý do chung: sự tàn ác và đểu cáng của an ninh, dân phòng, khiến anh em bỏ chạy tán loạn và quá nhanh khi mới chớm có mùi trấn áp. Nhưng có lẽ, trên tất cả, người ta buồn vì thấy số “quần chúng” vô cảm quá đông, sự vô cảm lan tràn trong xã hội, khiến phong trào dân chủ vốn đã yếu lại càng yếu và bị cô lập khỏi xã hội; những nhà hoạt động dân chủ chỉ như một thiểu số cô đơn.

Có thể tôi ngây thơ, nhưng tôi không buồn cũng không nản. Bởi vì tôi tin vào hai điều: 1. Mọi sự thay đổi lớn trong xã hội đều bắt đầu từ một thiểu số, cái thiểu số ấy ban đầu tất nhiên rất cô độc, cô đơn. 2. Người tốt ở Việt Nam chưa bao giờ hết cả, mặc dù rất hiếm. Suy cho cùng, xã hội của chúng ta tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ sự lương thiện của một thiểu số vẫn là nền tảng.

Và tôi khẳng định, phong trào dân chủ ở Việt Nam hiện nay tồn tại được, bất chấp những yếu kém tự thân của nó và đàn áp của công an, là nhờ sự giúp đỡ thầm lặng của hàng trăm, hàng nghìn người - những người mà tôi gọi đùa là “Nguyễn Thị Năm” của các nhà dân chủ.

Nhưng chắc chắn họ sẽ không bao giờ phải chịu số phận bi thảm của Nguyễn Thị Năm, vì thể chế tương lai của Việt Nam không thể là một thể chế phi nhân như cộng sản.

Nó không như cộng sản, do đó sẽ không có chuyện “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”; nói cách khác, sẽ không có chuyện chính quyền trích ngân sách nhà nước ra để “tri ân các chiến sĩ dân chủ”. Sẽ chẳng có chuyện “cộng điểm thi đại học” cho các con ông cháu cha của các nhà dân chủ, chẳng có chuyện tặng nhà, hiến đất, hay dành bất kỳ sự ưu tiên nào cho họ.

Nó không như cộng sản, do đó nó sẽ không trả thù, không bức hại, không cải tạo dư luận viên và những người ủng hộ chế độ cũ, thậm chí không bắt họ phải viết kiểm điểm kiểm thảo.

Nhưng nó không như cộng sản, do đó nó sẽ không tàn sát ai và sẽ không để xảy ra một thảm kịch Nguyễn Thị Năm nào nữa.

Riêng cá nhân tôi thì sẽ nhớ ơn những tấm lòng vàng như thế mãi mãi.

* * *

Tôi nhớ người đã đưa chúng tôi vào công trường xây dựng trong một đêm mưa vào tháng 4/2015, để trốn sự truy tìm và canh gác của công an, mai còn đi tuần hành cây xanh. Người đó, trước đó chỉ biết chúng tôi sơ sơ qua mạng, nhưng anh đã giao cả xe máy cho chúng tôi, thậm chí mời cả lũ một bữa ăn tối rất ngon, trong những ngày ngột ngạt.

Tôi nhớ người nhân viên thầm lặng ở một đại sứ quán nọ. Khi đó tôi đang phải phiên dịch cho thân nhân của hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, trong tình trạng cả đêm trước không ngủ. Dịch tiếng Anh pháp lý rất khó, nhất là hệ thống pháp luật Việt Nam và phương Tây lại có nhiều khác biệt. Khi tôi gần như gục xuống vì quá mệt, tôi nhớ người nhân viên ấy đã nói nhỏ chỉ vừa đủ cho tôi nghe: “Để mình giúp”. Và đó đã là một cuộc chạy tiếp sức, khi người này muốn ngã xuống thì người kia bước tới. (Chắc những nhà hoạt động ít ai hiểu rằng nhân viên Việt Nam ở tất cả các đại sứ quán phương Tây đều chịu một sức ép đáng kể từ phía an ninh, nên chỉ như vậy thôi đã là một sự dũng cảm lớn).

Tôi nhớ những trí thức người Việt ở nước ngoài, đầu tóc bạc trắng mà hơn nửa đời vẫn mãi nghĩ về quê hương. Nhớ những người Việt ngày ngày đi làm nơi công sở, nhà hàng bên Cali, tối về vào facebook đọc tin Việt Nam và buồn bã, bất lực, thương xót dân trong nước. Họ gửi tiền về ủng hộ người trong nước nhiều tới mức tôi tưởng như họ đi làm, ngoài để trang trải những chi phí căn bản ra thì còn lại thu nhập là để nuôi “anh chị em ở quê nhà”.

Tôi nhớ những đồng nghiệp báo chí đã len lén đi theo tôi (và công an) trong một lần tôi “được” công an mời cafe, năm 2012, lý do là vì “anh em sợ ‘chúng nó’ đưa Trang đi mà không ai biết, nên anh em đứng ngoài tìm cách chụp ảnh, ghi lại”.

Tôi nhớ những buổi làm việc với công an xong, khi tôi bật máy điện thoại, thấy hàng chục cuộc gọi nhỡ của đồng nghiệp.

Tôi nhớ người bác sĩ đã mổ vết thương cho tôi, cũng như nhớ những người bạn trên mạng đã đến thăm tôi, dúi phong bì vào tay tôi mà nước mắt rân rấn.

Và hôm nay tôi viết những dòng này không phải là ngẫu nhiên. Tôi viết bởi vì tôi cũng đang rân rấn nước mắt, khi biết tin một vị bác sĩ - cũng là một “Nguyễn Thị Năm” của phong trào dân chủ - đã mắc bệnh hiểm nghèo.

Từ cách đây cả chục năm, khi còn chưa ai dám... chữa bệnh cho “phản động”, thì ông đã chữa miễn phí cho hàng chục người. Ông giúp tất cả, mà không một lời kể công.

Ông có nói với tôi rằng ông không sợ chết - thì có bác sĩ nào sợ chết? Nhưng ông muốn sống, bởi vì ông thấy mình cần phải sống qua ba chế độ: Việt Nam cộng hòa, Việt Nam cộng sản, và một thể chế nào đó sau này, nếu được là “sự tận cùng của lịch sử”, tức nền dân chủ, thì tuyệt vời.

Vì những con người đó, mà tôi thấy cuộc đời này đáng sống biết bao, và Việt Nam phải thay đổi.

Thursday 2 June 2016

An ninh Việt Nam - các chuyên gia vẽ dự án

Sáng nay (2/6/2016), TS. Nguyễn Quang A bị công an bắt lên xe ô-tô đưa lên tận Lạng Sơn, trong khi ông đang đi tập thể dục, cởi trần mặc quần soóc. Lý do bắt ông, như thường lệ, là do an ninh muốn làm việc, trên cơ sở “có nguồn tin” rằng ông kết hợp với Mỹ và EU để chống phá đất nước.

Nhiều người có thể thắc mắc là tại sao an ninh Việt Nam vu vạ trắng trợn như vậy trong khi biết thừa là ông Quang A không bao giờ chống phá đất nước và càng không bao giờ dựa vào Mỹ hay EU. Ai quen biết ông đều hiểu ông A chủ trương "độc lập với bên ngoài" và "trong nước quyết định" đến như thế nào. Bản thân TS. Nguyễn Quang A cũng rất phẫn nộ khi bị vu vạ; ông khẳng định "thông tin" mà an ninh nhận được là thông tin rởm, bố láo.

Tuy thế, an ninh vẫn nhất định vu ông Nguyễn Quang A như vậy.

Tương tự, an ninh Việt Nam ra rả vu khống những người đi biểu tình là “nhận tiền phản động”, “ăn tiền Việt Tân” để “gây rối”, “chống phá”, trong khi biết thừa là không phải như thế.

Tại sao vậy? Tại sao biết mười mươi là không phải nhưng vẫn phải cố công vu vạ?

Câu trả lời rất đơn giản: Một lần nữa, vấn đề nằm ở chữ “tiền”.

Có lẽ rất ít người dân thường hình dung được rằng, những gì lực lượng an ninh lâu nay vẫn làm đối với phong trào đối lập thật ra chẳng phải vì lý tưởng bảo vệ CNXH, bảo vệ chế độ hay cái gì đó tương tự, mà đơn giản là để kiếm ăn. Trong Bộ Công an, kinh phí cho các hoạt động như chống buôn lậu, chống hàng giả, điều tra hình sự, v.v. có thể cao thấp thế nào tùy bộ phận, chứ riêng kinh phí cho công tác “đấu tranh chống phản động” thì luôn hết sức dồi dào.

Đồng chí an ninh nào có năng lực, quan hệ tốt, thông tin nhiều, thì ngoài chuyện giải ngân các dự án “trên” giao, thậm chí còn vẽ được dự án để kiếm chác thêm.

Điều làm chúng ta đau khổ, là những nhà hoạt động nhân quyền-dân chủ như TS. Nguyễn Quang A, với an ninh, thật ra chẳng là gì đâu - không phải gián điệp cho nước ngoài mà cũng chẳng phải là tội phạm nguy hiểm đe dọa an ninh quốc gia. Họ chỉ đơn giản là những dự án trong mắt lực lượng an ninh mà thôi, riêng ông Quang A là một dự án rất béo bở. "Đừng cãi mất công", trước những bộ mặt lì lì trơ tráo của Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an, ông Nguyễn Quang A nhất định phải là kẻ "phản quốc, vọng ngoại, chống phá đất nước", vì an ninh muốn thế.

Mỗi cá nhân/tổ chức “phản động” là một dự án. Tất cả chỉ có vậy.

Nên đừng ngạc nhiên vì sao bạn biết rõ bạn đi biểu tình vì yêu nước, mà an ninh cứ nhất định bảo họ “có nguồn tin cho rằng” bạn nhận tiền của Việt Tân để đi gây rối. Đừng ngạc nhiên vì sao họ dựng ra tới 200 tổ chức phản động trên toàn Việt Nam. Đừng ngạc nhiên vì sao hồ sơ về nhiều nhà hoạt động cứ dày cộp, mà thực ra chính bạn cũng phải nhận xét là những người đó "có làm gì đâu".

Chẳng có nguồn tin nào cả, an ninh bịa ra đấy thôi. Không có phản động, họ lấy gì mà báo cáo, lấy cớ gì mà giải ngân!

Cảnh tượng thường thấy trước cổng nhà TS. Nguyễn Quang A.