Wednesday 20 July 2011

Hơn nửa thế kỷ trước, ngày 21/7/1954…

Nhìn lại lịch sử, hậu thế luôn có thể đặt ra vô vàn thắc mắc và tiếc nuối. Dẫu biết rằng “với một chữ “nếu”, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai”, nhưng cũng không thể ngăn cản các thế hệ ngày nay hỏi: Tại sao lại như thế? Có cách nào tốt hơn không? Câu chuyện Hiệp định Geneva chia cắt đất nước năm 1954 đã làm nảy sinh ra những câu hỏi như vậy.

Ông Lý Văn Sáu, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, vốn là cán bộ Ủy ban Liên hợp Đình chiến Liên khu V giai đoạn “hậu Geneva”. Ở cương vị của mình, ông đã chứng kiến gần như toàn bộ bối cảnh xã hội thời gian ấy – những cảm xúc buồn vui, âu lo, thắc mắc, và cả nỗi đau chia cắt. “Hiệp định Geneva đến với đồng bào Liên khu V giữa lúc bà con đang phấn khởi, tinh thần chiến đấu và khí thế của nhân dân rất cao” – ông Sáu kể lại trong một bài viết hồi tưởng về những ngày đầu thực hiện Hiệp định Geneva. “Tuy nhiên, ngay cả chúng tôi, những cán bộ của Liên khu, cũng không có trong tay bản Hiệp định này, chỉ được thông báo những nét chính. Còn đối với đồng bào, sự hiểu biết còn sơ lược hơn nữa”. (*)

Trong bối cảnh thiếu thông tin như vậy, một cuộc chạy đua trong tuyên truyền đã bắt đầu để vận động quần chúng “ra sức đấu tranh để thực hiện tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc, đặng thống nhất nước nhà” như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được biết về thời hạn hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử rồi, nhưng bà con vẫn rất lo lắng trước một tương lai bất định. Câu hỏi lớn nổi lên là tại sao phải chia cắt đất nước, tại sao phải tập kết, tại sao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không tận dụng lợi thế sau chiến thắng Điện Biên Phủ?

Đã có nhiều người băn khoăn như thế - ông Lý Văn Sáu viết - “nhưng rồi tự nói với nhau rằng: Trung ương hiểu hơn chúng ta, Liên Xô, Trung Quốc hiểu hơn chúng ta, những người “anh lớn” tán thành như vậy là cần thiết, không nên thắc mắc. Tuyệt nhiên không có một ai cho rằng ta “buộc” phải ký Hiệp định vì đã “kiệt quệ vì chiến tranh” và “không còn đủ sức để tiếp tục chiến đấu””.

Những sĩ quan Pháp cuối cùng rời Hà Nội theo Hiệp định đình chiến 
(là một trong các văn kiện của Hội nghị Geneva 1954).
Nguồn ảnh: TTVNOL

Sau một cuộc chiến 3.000 ngày…

Hội nghị Geneva khai mạc chỉ một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ thất thủ. Ngay cả cho đến bây giờ, nhiều người vẫn thắc mắc vì sao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nhân đà chiến thắng mà đấu tranh trên bàn đàm phán để giành được một nước Việt Nam độc lập, thống nhất?

Theo số liệu do Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị công bố, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống 16.200 lính Pháp và quân quốc gia (trong đó phần lớn là những người thuộc phía bên kia), chiếm chưa đầy 4% tổng binh lực Pháp - quân quốc gia ở Đông Dương. Quân Pháp vẫn còn tới hơn 330.000 lính, trong khi bộ đội chủ lực của Việt Nam chỉ có 290.000, đó là chưa tính số thương vong trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một ý kiến khác từ chính Tướng Navarre - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương - cho rằng Việt Minh dồn hết sức vào chiến dịch Ðiện Biên Phủ và đã kiệt quệ sau chiến thắng. Navarre nói lính Pháp chết khoảng 1.500 người, 4.000 người bị thương, trong khi phía Việt Minh mất 10.000 người, 15.000 người bị thương.

Những con số thống kê này nói lên một khả năng là, sau một cuộc chiến 3.000 ngày, “tuy ta thắng lớn, tinh thần quyết chiến quyết thắng đang dâng cao, nhưng do dốc toàn lực cho trận Điện Biên Phủ nên sức lực của bộ đội ta đã phần nào mỏi mệt”, theo nhận định của Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam). Đó là chưa kể, sau lưng Pháp còn có Mỹ, lúc đó đã hỗ trợ cho Pháp và sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương để ngăn cản ảnh hưởng của khối XHCN tại đây.

Một khó khăn lớn khác cho Việt Nam là các cuộc đàm phán Geneva không diễn ra song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp như thời 1945, mà đã bị quốc tế hóa theo vấn đề Đông Dương. Trong các cuộc thương lượng đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một nước nhỏ.

Đơn độc Việt Nam Quốc gia

Phái đoàn Việt Nam Quốc gia, mặc dù đại diện cho một chính quyền do Pháp dựng lên và được phương Tây công nhận, nhưng đã đến Geneva với một vị thế có vẻ như nhạt nhòa. Do được Pháp dựng lên nên họ khó mà tránh khỏi việc bị động theo Pháp. Chiều 20 tháng 7, Trưởng đoàn Liên Xô Molotov tổ chức họp tại biệt thự riêng, đã không mời đại diện phía Mỹ và phái đoàn Bảo Đại. Tại cuộc họp này, Pháp và các nước lớn quyết định việc chia cắt Việt Nam và ấn định thời điểm tổng tuyển cử, mà không đếm xỉa gì tới cái chính quyền mà chính Pháp đã dựng lên.

Hay tin này, Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Quốc gia, bác sĩ Trần Văn Đỗ, đã đứng lên nghẹn ngào phản đối giữa Hội nghị, không chấp nhận chia cắt đất nước ở bất cứ đâu. Nhưng cho dù Việt Nam Quốc gia có phản đối, thì mọi sự vẫn diễn ra như chúng ta đã biết.

Đất nước chia hai miền. Ông Lý Văn Sáu kể lại chuyện ở Liên khu V ngày ấy trong những dòng cảm động: “… Có những cặp thanh niên nam nữ vội tổ chức đám cưới “cho kịp ngày tập kết” rồi ngồi nắm tay nhau trên bến tàu Quy Nhơn, thức suốt cả đêm sau lễ cưới trước lúc người chồng, hoặc người vợ, lên tàu. Người ta nói với nhau trong nụ cười, trong nước mắt: chờ nhau, hai năm nhé! Hai năm thôi, có bao lâu! Suốt dọc đường ta chuyển quân, đồng bào treo cờ đỏ sao vàng, đỏ rực như một lời nguyền mãi mãi giữ ngọn cờ này trong lòng mình”.

Không ai trong những con người ấy nghĩ rằng cuộc chiến sẽ kéo dài, không phải hai năm mà 21 năm.

Với tất cả những cái “giá như…”

Một số người sau này đặt vấn đề: Giá như hai miền Việt Nam có thể đoàn kết làm một khối để tăng sức mạnh. Giá như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những cuộc vận động hành lang, đàm phán và thỏa hiệp trực tiếp với Pháp để gạt bỏ sự can thiệp của tất cả các phe phái khác.

Nhưng điều đó là bất khả vì nhiều lẽ. Trước hết là những hạn chế về kinh nghiệm ngoại giao. Theo nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Nguyễn Phúc Luân, chúng ta đã “quá tin tưởng vào nước bạn, để bạn chi phối cả diễn đàn. Thậm chí đoàn ta chưa chủ động tiếp cận với đối phương, cho đến khi ở nhà nhắc nhở Trưởng đoàn Việt Nam mới gặp Mendès-France (ngày 13 tháng 7)”.

Thêm vào đó là sự khó khăn trong công tác thông tin liên lạc. Do kỹ thuật không cho phép, toàn bộ việc liên lạc của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều phải thông qua hệ thống điện thoại của Trung Quốc, điều này cản trở mọi sự phối hợp ra bên ngoài hoặc liên hệ về nước.

Cuối cùng, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, mâu thuẫn ý thức hệ giữa hai khối đang sâu sắc. Ảnh hưởng của các cường quốc lên kết quả đàm phán là điều không thể tránh khỏi.

Nói cách khác, trước sức ép của các nước lớn, cả hai miền Việt Nam đều đã không thể đấu tranh cho một tương lai chung của dân tộc.

Không thay đổi được lịch sử, nhưng chúng ta có thể lấy từ câu chuyện Geneva nhiều bài học có giá trị. Chẳng hạn, cần phải hết sức tích cực, chủ động, vừa hợp tác vừa đấu tranh trong quan hệ với nước lớn. Với bài học này rút ra từ Hội nghị Geneva, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bước vào bàn đàm phán trực tiếp với Mỹ tại Hội nghị Paris 1973, nơi chúng ta phối hợp kết quả đấu tranh trên cả mặt trận ngoại giao lẫn quân sự, và tranh thủ rất tốt dư luận quốc tế. Có nhà nghiên cứu đã gọi việc kết hợp hợp tác và đấu tranh là “một phong cách linh hoạt đặc sắc của ngoại giao Việt Nam”.

Tuy nhiên, bài học lớn nhất có lẽ là: không thể mơ hồ về động cơ, mục đích của mỗi nước lớn trên bàn cờ quốc tế; và khi phải lựa chọn, chỉ có thể đặt lợi ích dân tộc lên cao nhất. (Thực tế cho thấy các quốc gia ở Hội nghị Geneva đều đã làm như vậy. Chính vì thế mà đồng minh của chúng ta trong khối XHCN lại trở thành trung gian đàm phán giữa hai khối và áp đặt số phận đất nước ta).

Hơn nửa thế kỷ sau Hiệp định Geneva, bài học lớn ấy vẫn còn nguyên tác dụng nhắc nhở: Lợi ích dân tộc (độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ) là giá trị bất biến, là ngọn cờ để huy động người dân Việt Nam góp phần trong mỗi dự án tương lai chung của đất nước.

---

(*) Tư liệu trong cuốn "Hiệp định Geneva - 50 năm nhìn lại", Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004

Wednesday 13 July 2011

Tội “làm hỏng dân”

Liên quan đến vấn đề quan hệ Việt - Trung, xin giới thiệu (tiếp) một phần phân tích của Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc, trong đó ông Lượng thể hiện sự tách bạch giữa những nhà lãnh đạo có tư tưởng bá quyền và nhân dân Trung Quốc thân thiện.


* * *


- Theo ông, Trung Quốc đối xử với tất cả các nước trong khu vực đều như với Việt Nam, hay mỗi nước mỗi khác?

- Tôi cho rằng họ đối xử với mỗi nước mỗi khác, rất khác biệt nhau. Với Philippines thì họ hơi chờn, nhất là từ khi Philippines trở thành đồng minh của Mỹ. Với một số nước khác như Myanmar, Indonesia, thì họ mua chuộc. Riêng đối với Việt Nam thì họ coi như đối tượng để bắt nạt, lợi dụng, và cũng không loại trừ khả năng mua chuộc. Trong quan hệ thương mại, ta nhập siêu của Trung Quốc gần đây tới hơn 12 tỷ USD, họ gạ, nếu các đồng chí thiếu ngoại tệ thì thanh toán bằng Nhân dân tệ cũng được. Họ còn gạ Việt Nam làm “một trục hai cánh”, “một hành lang hai vành đai”, thì cũng nhằm thâm nhập kinh tế Việt Nam, đưa Việt Nam vào tiểu vùng kinh tế của Trung Quốc, là Quảng Tây - Vân Nam, hai tỉnh lạc hậu nhất. Việt Nam vào đó thì hai tỉnh kia phát triển, còn mình thì sử dụng những thứ lạc hậu của họ.

Cho nên phải nhìn nhận tất cả những hiểm họa một cách sâu sắc. Cái bề nổi mà chúng ta đang phải đối phó, mà nhiều người sợ hãi, là quân sự. Nhưng thật ra là phải lo ngại tất cả những thứ kia chứ không phải chỉ quân sự.

Cần chú ý là Trung Quốc thường tạo cớ chứ không chờ đợi thời cơ tự đến. Như hồi tháng 2/1979, họ tạo bao nhiêu cớ gây hấn với Việt Nam rồi họ tuyên bố là họ “phản kích tự vệ”, và chỉ sử dụng lính biên phòng. Có ai đi xâm lược mà lại bảo là phản kích tự vệ? Và sự thật là họ điều động quân đội của hơn 30 tỉnh tham gia vào chiến tranh chứ không phải lính biên phòng đâu.


- Ông nghĩ Trung Quốc thi hành chiến lược như vậy thì được lợi gì, bị thiệt hại gì?


- Trong lịch sử, bọn diệt chủng, bọn độc tài phát xít đều bị tiêu diệt cả, chưa một bè lũ độc tài phát xít nào tồn tại được. Lúc đang ngang ngược là lúc họ coi họ mạnh nhất về quân sự. Nhưng chính lúc họ đang mạnh về quân sự lại là lúc họ yếu nhất về chính trị.

Thực sự là Trung Quốc đã làm điều rất không có lợi cho chính Trung Quốc: Thứ nhất là phá tình hữu nghị Trung-Việt. Thứ hai là phá luật pháp quốc tế, làm cho quốc tế lên án. Thứ ba là phá hoại lòng tin. Họ yêu cầu xây dựng lòng tin mà bây giờ họ làm thế thì ai tin họ? ASEAN, Việt Nam, cộng đồng quốc tế không thể tin Trung Quốc được.

Sâu xa hơn nữa, cái rất nguy hiểm là họ làm cho dân tộc hiểu nhầm dân tộc, dân tộc oán thù dân tộc. Một vài người, một tập đoàn, một nhóm người mà oán hận Trung Quốc là chuyện cứ cho là nhỏ đi. Nhưng nếu cả dân tộc này oán hận Trung Quốc thì họ sẽ nghĩ như thế nào về cái lợi trước mắt và lâu dài của họ?


- Tôi để ý thấy những người từng có thời gian du học ở nước Nga, thường rất yêu nước Nga. Không biết du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc có sự tương tự? Ông từng du học ở Trung Quốc, ông có tình cảm yêu mến với đất nước và nhân dân Trung Quốc không?

- Tôi mang ơn nhiều ông thầy Trung Quốc. Tôi cũng có những người bạn Trung Quốc, từng ăn cơm uống nước với nhau, quý mến nhau. Ngày trước có người sang đây làm việc, ông ấy bảo tôi, rất thật thà: “Này, Lượng này. Tao làm việc ở đây, tao thấy lương tao còn cao hơn lương Hồ Chủ tịch. Tao nghĩ tao phải hạ lương tao xuống thôi”.

Hồi chiến tranh biên giới, ta mở một triển lãm bên Trung Quốc, có người từng viết thế này: “Hiện nay trên biên giới, hai nước đang đánh nhau. Nhưng chúng tôi chỉ hiểu rằng đem con em Trung Quốc đi đánh con em Việt Nam là không đúng”. Họ viết hẳn vào sổ lưu niệm như thế đấy.

Người dân Trung Quốc thật ra rất tốt tính, hiếu khách, nhưng tôi cho là các tập đoàn chính trị của họ đang làm hỏng họ đi. Cái nguy hại là chính quyền bên ấy đã làm hỏng cả một thế hệ thanh niên. Lâu nay họ giáo dục, làm cho thanh niên Trung Quốc hết lớp này tới lớp khác hiểu nhầm và ngộ nhận về lãnh thổ và chủ quyền. Cho nên khi họ hành động rất tàn bạo, đánh đập ngư dân Việt Nam, giết chiến sĩ Việt Nam, thì người dân Trung Quốc vẫn yên chí đó là lòng yêu nước, còn Việt Nam mới là xâm lược. Từ nay trong các cuộc đụng độ, ta sẽ thấy lính Trung Quốc tàn bạo và hung hãn hơn bao giờ hết, mà họ vẫn tin tưởng đấy là vì yêu nước. Cho nên những người lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm rõ ràng: Làm cho dân tộc hiểu nhầm dân tộc là một tội ác đối với nhân loại.


- Bây giờ thì Việt Nam nên ứng xử như thế nào?

- Trước mắt ta phải vạch rõ cái phi nghĩa của Trung Quốc, nêu cái chính nghĩa của ta, tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế. Mà nếu họ giở rói gì ở biển gần, ở thế bất hợp pháp, thì quân đội ta phải đánh.

Về dài hạn là đấu tranh pháp lý. Đấu tranh vô hiệu hóa đường lưỡi bò của Trung Quốc đòi hỏi ta phải có tài liệu nhiều nữa, và phải phát biểu nhiều, phải huy động toàn thể nhân dân, cả trong và ngoài nước. Không nên kỳ thị, phân biệt người Việt trong nước với Việt kiều. Vì lâu nay ta cứ coi Việt kiều như là một thế giới khác, cho nên ta không đưa những ý kiến của các nhà khoa học Việt kiều ra, trong khi nhiều điều rất có giá trị. Ta đang yếu thế về truyền thông, về tuyên truyền, về dư luận. Thế cho nên là phải đấu về pháp lý, về lịch sử, về ngôn luận, truyền thông, và ngoại giao, rồi phải làm cho sức mạnh quân sự lên nữa. Đặc biệt lãnh đạo Việt Nam phải cứng cỏi. Dân tộc Trung Quốc, đất nước Trung Quốc lớn, nhưng lãnh đạo của họ với lãnh đạo chúng ta, đâu ai lớn hơn ai? Bác Hồ là lãnh tụ một nước nhỏ mà Bác ngang hàng với lãnh đạo Trung Quốc, với thế giới đó thôi.

Một điểm yếu của lãnh đạo ta bây giờ là không tin ở nhân dân. Tôi làm lãnh đạo, tôi có kinh nghiệm cụ thể: Trong những việc lớn, hãy cứ để cấp dưới tự do phát biểu, sau đó lãnh đạo chỉ cần đưa ra một đôi câu chốt thôi thì giá trị sẽ lên cao ghê gớm. Phải tin tưởng nhân dân, để nhân dân nói, để nhân dân bày tỏ sự phẫn nộ, đến lúc nhà lãnh đạo đứng ra trước dư luận thế giới để phát biểu thì uy tín sẽ khác lắm.

Năm 1995, khi chủ biên một đề tài về giữ ổn định biên giới quốc gia, tôi đã viết rằng “việc giữ ổn định biên giới quốc gia không hoàn toàn tùy thuộc vào các chiến sĩ biên phòng mà chính là phụ thuộc vào Hà Nội”. Người lãnh đạo quan trọng thế đấy.

Cuối cùng tôi muốn nói thế này: Trước hết ta phải để cho thế giới thấy Trung Quốc đã tự bỏ cái mặt nạ của họ, và họ trở thành không chính nghĩa. Việc ta làm tốt nhất hiện nay là để cho chính trị đi trước: Vạch mặt bằng hết cái không chính nghĩa của Trung Quốc, làm thật rõ sự chính nghĩa của Việt Nam. Như thế là tạo lợi thế trên trường ngoại giao quốc tế. Thứ nữa là phải tin vào nhân dân. Ngược lại cũng phải thấy rằng, nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam phải là một. Nhân dân cũng như quân đội hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước cũng không bao giờ ngăn cản, cấm đoán và triệt hạ lòng yêu nước của người dân. Tôi tin tưởng như thế.


Kỳ trước: Chiến tranh đa diện chống Việt Nam

Saturday 2 July 2011

Bá quyền văn hóa kiểu Trung Quốc

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1895

Nhìn vào độ chiếm sóng của phim Trung Quốc trên các đài truyền hình ở Việt Nam, nhiều người lo ngại về khả năng Việt Nam bị “đồng hóa” bởi anh bạn láng giềng. Khả năng đó có thật, và nó là biểu hiện của một hình thức bá quyền tinh vi: bá quyền văn hóa - một phần quan trọng trong chính sách bá quyền của nước lớn, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ.


* "Giai điệu chủ"

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1987...

Tháng 3-1987, Bộ Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc triệu tập một hội nghị gồm đại diện của tất cả các đơn vị sản xuất truyền hình khắp cả nước. Tại đây, Bộ cảnh báo về xu hướng "giải trí hóa" phim ảnh trên sóng truyền hình, đồng thời đưa ra chính sách mới: tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim "giai điệu chủ" nhằm mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới.

Chính sách này phân loại phim truyền hình thành một số thể loại chính, nằm trong một khái niệm chung mà Chủ tịch Giang Trạch Dân sau này gọi là "giai điệu chủ":

• Dòng phim về những đề tài mang tính thực tiễn, ca ngợi người tốt việc tốt - gọi chung là phim "thần tượng tuổi trẻ";

• Dòng phim cổ trang, gồm phim lịch sử ("Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Vương triều Ung Chính", "Khang Hy", "Thái Bình Thiên Quốc"…), dã sử ("Tể tướng Lưu Gù", "Hoàn Châu Cách Cách"...)

• Dòng phim gia tộc luân lý ("Mùa quýt chín", "Gia tộc Kim Phần"…)

• Dòng phim cách mạng, dựng lại ngữ cảnh thời xưa ("Khát vọng", "Câu chuyện Thượng Hải"…) hoặc tái hiện chân dung những nhân vật nổi tiếng (Tôn Trung Sơn, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình…)

• Dòng phim hình sự, chống tham nhũng ("Xứng danh anh hùng", "Khống chế tuyệt đối"…)

Những phim này được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chẳng hạn ưu tiên chiếu ở các đài địa phương lớn vào giờ vàng.

Đặc biệt, chúng nằm trong kế hoạch tuyên truyền của Nhà nước: Tất cả các phim, chỉ trừ dòng hình sự, chống tham nhũng, đều được hỗ trợ xuất khẩu, nhằm mục đích cao nhất là phổ biến "giá trị Trung Hoa" tới các quốc gia trong khu vực.

Trong số những nước mà Trung Quốc hướng tới, Việt Nam nổi lên như một tiền đồn, bởi "đây là nước Đông Nam Á duy nhất chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thay vì văn hóa Ấn Độ", như lời tác giả Hạo Kiện viết trong cuốn "Phim truyền hình Trung Quốc - nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu loại hình" (NXB Điện ảnh Trung Quốc, 2008).

Phần lớn các phim "giai điệu chủ" đã được giới thiệu ở Việt Nam, khán giả nước ta chẳng xa lạ gì với chúng. Các phim đều được xuất khấu với giá hết sức ưu đãi sang Việt Nam, thậm chí một số phim cho không (như "Khát vọng", "Tây du ký", "Vương triều Ung Chính") theo thỏa thuận hợp tác giữa các đài truyền hình hai nước.


* Ồ ạt "xâm lăng văn hóa"

Song song với việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, nhất là phim truyền hình, sang các nước trong khu vực mà đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc cũng tiến hành "Trung Hoa hóa" các sản phẩm của những nước này.

Bất chấp việc giới truyền thông Việt Nam đưa tin đậm về những phim hợp tác giữa hai nước như "Hà Nội Hà Nội" hay "Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong", các bộ phim này chưa bao giờ được ưu tiên chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình của bất cứ đài nào ở Trung Quốc. Ví dụ, "Hà Nội Hà Nội" chỉ được phát trên đài tỉnh Quảng Tây, Nam Ninh vào lúc… đêm khuya thanh vắng.

Với nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình nổi tiếng đến từ các nước khác, Trung Quốc thực hiện làm mờ tính nước ngoài của chúng. "Vua Kungfu" (Forbidden Kingdom) dù là phim của Mỹ và từ đạo diễn đến quay phim, phục trang đều là người Mỹ, nhưng khi đến đại lục, phim mặc nhiên được giới truyền thông nhào nặn thành sản phẩm Trung Hoa.

Các ngôi sao châu Á của Hollywood cũng bị "Trung Hoa hóa" tương tự. Khán giả Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung dễ lầm tưởng rằng Dương Tử Quỳnh (sinh tại Malaysia, học ở Anh, thành danh trên đất Hong Kong), Maggie Q. (Lý Mỹ Kỳ - mẹ là người Việt Nam, cha mang quốc tịch Mỹ, sinh tại Hawaii) là người đại lục.

Trung Quốc cũng khéo léo lờ đi chuyện quốc tịch của nhiều diễn viên nổi tiếng trong nước họ: Hầu như rất ít người biết rằng ngôi sao Trương Thiết Lâm mang quốc tịch Anh, Tư Cầm Cao Oa là người Thụy Sĩ, Ninh Tĩnh là người Pháp, còn mỹ nhân Chương Tử Di gốc gác Hong Kong.

(Ngoài lề: Một vụ việc đặc biệt có liên quan đến Việt Nam, nhưng không thuộc lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, là cuốn "Hồ Chí Minh sinh bình khảo" của Giáo sư Đài Loan Hồ Tuấn Hùng, phát hành tháng 11-2008. Trong cuốn sách, tác giả cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính danh là Hồ Tập Chương, nguyên là một người Khách Gia [Hakka, tiếng Việt gọi là người Hẹ], tức thuộc Hán tộc.)


* Điều gì nằm sau chiến lược xuất khẩu văn hóa của Trung Quốc?

Một nước lớn với dân số hùng hậu như Trung Quốc khó mà chấp nhận tầm ảnh hưởng ít ỏi trên thế giới. Và trên con đường "trỗi dậy hòa bình" để trở thành bá quyền ít nhất là trong khu vực, Trung Quốc mau chóng nhận thấy sức mạnh của văn hóa - thứ "quyền lực mềm" đầy quyến rũ.

Chẳng riêng Trung Quốc biết điều đó. Như một nhà nghiên cứu người Hungary, Márkus Péter, đã viết: Trong lịch sử quan hệ quốc tế, thoạt tiên, khi không có sự khác biệt đáng kể trong kỹ thuật, sức mạnh chân tay - quân sự thô kệch còn chiếm vai trò chế ngự. Thế kỷ 16-19, những mối quan hệ kỹ thuật - kinh tế từng bước chiếm ưu thế. Từ thế kỷ 20, văn hóa và truyền thông bắt đầu lên ngôi.

Bên cạnh kinh tế và quân sự, các quốc gia sẽ thực hiện cả tham vọng gây ảnh hưởng và lấn át các nước khác trên bình diện văn hóa, tư tưởng. Sau Chiến tranh Lạnh, ở châu Âu, bên cạnh ngoại giao về chính trị và kinh tế, thì ngoại giao văn hóa ngày càng nở rộ, và dần dần sẽ trở thành hình thức bá quyền chủ yếu.

Pháp và Đức là hai quốc gia rất chú trọng tới vấn đề "bá quyền văn hóa" này. Các hoạt động “xuất khẩu văn hóa” của họ được tiến hành mạnh mẽ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó ngay tại Việt Nam: Chương trình hoạt động thường niên của Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace) và Viện Goethe dường như sôi nổi hơn hẳn so với Hội đồng Anh (British Council) hay Viện Cervantes của Tây Ban Nha.

Và đến đây thì chúng ta cũng có thể nhận thấy những hình thức ngoại giao văn hóa mà Trung Quốc đang tiến hành đối với Việt Nam, trong nhiều ví dụ thực tế. Phim truyền hình Trung Quốc chiếm sóng các đài ở Việt Nam, cả trung ương lẫn địa phương. Khán giả thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam. Các ca sĩ thời thượng rành rẽ về trang phục của đời Thanh và chắc chắn là sẽ không trả lời được câu hỏi vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa ăn mặc như thế nào.

Ngay trong giới trí thức, tâm lý sùng bái văn hóa Trung Hoa đã rất nặng. Một số đông trí thức Việt Nam có thể dễ dàng trích dẫn các điển tích, điển cố của Trung Hoa thay vì của phương Tây hay thậm chí của chính nước mình. Nói tới văn hóa Trung Hoa là nói tới một nền văn học với những tác phẩm vĩ đại, tới triết học thâm sâu, tới sân khấu kinh kịch có sức sống trường tồn, tới điện ảnh với những nhân tài mà ngay cả Hollywood cũng phải kiêng nể.

Điều này không sai, tuy nhiên, cái đáng nói ở đây là nhiều trí thức Việt Nam luôn vị nể quá mức thay vì đặt văn hóa Trung Hoa vào tương quan đúng mực với các nền văn hóa khác trên thế giới - cũng rực rỡ và vĩ đại như thế.

Khái niệm bá quyền văn hóa - tư tưởng mãi tới thập niên 30 của thế kỷ 20 mới ra đời (1). Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện bá quyền văn hóa - tư tưởng với láng giềng Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua. Ngày nay, với sự phát triển của truyền thông, dường như cuộc "xâm lăng văn hóa" này diễn ra một cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn bao giờ hết.


* Vấn đề đến từ phía những kẻ "bị xâm lăng"

Truyền bá văn hóa của đất nước mình là điều bất kỳ chính phủ nào cũng nên làm. Vấn đề chỉ là làm sao để có sự trao đổi văn hóa song phương và mọi quan hệ đều là hợp tác tương hỗ.

Bá quyền không đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần của những kẻ bị bá quyền. Riêng trên địa hạt văn hóa - tư tưởng, các học giả nghiên cứu về bá quyền văn hóa đều cho rằng bá quyền văn hóa, nếu được thực hiện, không thể thiếu sự đồng thuận một phần hoặc toàn thể của kẻ bị bá quyền. Như thế, việc Trung Quốc tiến hành bá quyền văn hóa thành công còn phụ thuộc cả vào cách cư xử của nước bị bá quyền, ở đây là Việt Nam.

Điều đó nghĩa là Việt Nam cần có thái độ và ứng xử phù hợp. Chẳng hạn, nên có sự trao đổi văn hóa song phương với Trung Quốc một cách tương xứng.

Việt Nam có thể thỏa thuận các chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, theo đó, đồng thời với việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của nước láng giềng, Việt Nam sẽ xuất khẩu văn hóa theo hướng ngược lại, xuất bản sách, tổ chức những ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam... tại Trung Quốc.

Theo một thống kê (2) được công bố trên tờ "China Daily", năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu 4.000 đầu sách từ Mỹ, nhưng chỉ xuất khẩu 14 đầu sách sang nước này; nhập 2.000 đầu sách từ Anh, nhưng chỉ xuất sang đây 16 đầu sách.

Từ năm 1999 đến năm 2002, hơn 280 đoàn nghệ thuật Nga biểu diễn ở Trung Quốc, trong khi chỉ có 30 đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang biểu diễn tại Nga. Giai đoạn 2000-2004, Trung Quốc nhập khẩu trên 4.000 phim và chương trình truyền hình, nhưng xuất khẩu không đáng kể. Dòng phim "giai điệu chủ" hầu hết chỉ tiêu thụ được ở khu vực Đông Nam Á mà trong đó Việt Nam là "tiền đồn".

Đã đành Nga, Mỹ và Anh là ba nước lớn nên Trung Quốc không dễ tiến hành bá quyền văn hóa như với Việt Nam. Nhưng ngay cả một quốc gia nhỏ bé ở Đông Âu là Hungary - diện tích chỉ bằng một phần ba Việt Nam, dân số 10 triệu - thì cũng từng tổ chức Năm Văn hóa Hungary tại Trung Quốc (2007-2008), và dựng tượng đại thi hào dân tộc Petőfi Sándor ở Thượng Hải.

Những thông tin này có gợi cho chúng ta một suy nghĩ gì chăng?


* * *

Chú thích

(1) Khái niệm “bá quyền văn hóa” (cultural hegemony) do Antonio Gramsci (1891 - 1937) - triết gia chính trị, sáng lập viên Đảng Cộng sản Ý - đưa ra từ những năm 30 của thế kỷ trước. Gramsci cho rằng, để có được và duy trì quyền lực chính trị, giai cấp vô sản phải thực hiện bá quyền văn hóa, phải có tiếng nói thống trị trong truyền thông đại chúng và giáo dục, cũng như phải tiến hành kiểm soát toàn diện trên bình diện tư tưởng và tín ngưỡng.

(2) Số liệu lấy từ bài "Trung Quốc tăng cường trao đổi văn hóa" trên "China Daily". Báo "Người đại biểu nhân dân" dịch và đăng lại, 26-12-2006.