Sunday 26 October 2014

Hương vị của lòng tốt


Đánh thức lại niềm tin vào “hương vị của lòng tốt” sẽ mở ra nhiều khoảng trời tốt đẹp mới trong đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Tôi đi theo bước chân của một trong những người sáng lập Quỹ Từ Thiện Tình Thương, nơi quản lý chuỗi quán cơm 2000đ mang tên Nụ Cười xuống quán Nụ Cười 4 tại 132 Bến Vân Đồn, Quận 4, Thành Phố Hồ Chí Minh. 5 quán cơm từ thiện như vậy đã được thành lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và thu hút sự chú ý khá lớn của dư luận. Nhiều người cho rằng mô hình này là không tưởng bởi cơm bán với giá 2000đ thì làm sao những người khởi xướng có thể duy trì. Người khác lại phê phán chuỗi quán sẽ phá vỡ quy luật kinh tế học, tạo cơ hội cho người có tiền vào ăn cơm của người nghèo, làm ảnh hưởng tới các quán cơm bình dân khác.

Vậy nhưng thật ngạc nhiên, người sáng lập chuỗi quán này cho biết, tính đến ngày 12/8/2014, dự án suất ăn giá rẻ của Quỹ Từ Thiện Tình Thương đã cung cấp 615.490 suất ăn bao gồm 547.502 suất cơm 2.000đ và 67.988 món nước (mì bún phở) bán với giá chỉ 1.000đ. Toàn bộ số tiền để làm cơm đều do nhà hảo tâm đóng góp. Một sự kỳ lạ khác là công ty kiểm toán đắt giá bậc nhất thế giới là Ernst & Young đã trực tiếp kiểm toán toàn bộ hoạt động tài chính của Quỹ trong năm 2013, bao gồm các dự án trợ giúp y tế và các dự án suất ăn giá rẻ tức hệ thống quán cơm Nụ cười. Theo báo cáo kiểm toán, tổng số thu từ nhà hảo tâm trong năm 2013 là 6.546.119.769 đồng và tổng số chi là 6.816.305.105 đồng.

Khác hoàn toàn với suy nghĩ “duy lý” của nhiều người, chuỗi 5 quán cơm vẫn được vận hành suốt từ tháng 10 năm 2012, thời điểm quán cơm số 1 ra đời. Mỗi quán vẫn cung cấp trung bình từ 400 đến 700 suất ăn từ thiện mỗi ngày, mỗi suất ăn có đầy đủ thịt cá, rau, canh và hoa quả như suất ăn 20,000đ ở các quán bình thường khác. Có những “đại gia” đã viện trợ “thầm lặng” 1 tỉ đồng cho quán, có những nhà hảo tâm thử tới ăn một suất cơm và “trả” 100 triệu. Số người ăn một suất cơm rồi đóng góp 500.000 đồng hay 1 triệu đồng không đếm hết. “Người tốt đông như quân Nguyên. Có những người đến lặng lẽ để lại một bao gạo rồi lặng lẽ ra đi. Có hai ông bà già nghèo đã đóng 4000đ cho hai suất ăn nhưng lại đóng thêm 8000đ nữa giúp những người nghèo khác,” người sáng lập chuỗi quán nghẹn ngào kể lại.

“Người tốt đông như quân Nguyên”, tôi bất ngờ khi nghe câu nói ấy, cũng như bất ngờ với ý tưởng cơm 2000đ. Lâu nay, tôi vẫn chỉ nghe bạn bè người thân nói những câu đại loại như: “xã hội bây giờ chẳng tin được ai”, “ra đường cẩn thận bị người ta lừa”, “xã hội này bây giờ xuống cấp về đạo đức quá rồi”… Những câu nói cửa miệng ấy cộng với những va đập với cuộc mưu sinh khiến tôi mất dần niềm tin vào những “việc tốt” hay “người tốt”. Tôi không phải là trường hợp cá biệt, và chắc chắn nhiều người khác có chung sự mất mát niềm tin như vậy.

Biểu hiện của sự mất mát niềm tin vào cái tốt trên quy mô xã hội thể hiện trong mọi cuộc chuyện trò nơi quán cà phê hay trên bàn nhậu, những chuyện xấu xa của ai đó ở nơi nào đó thường xuyên bị lôi ra còn những chuyện tốt đẹp thì vắng bóng. Báo chí cũng chỉ phản ánh đa số những câu chuyện có tính chất tiêu cực từ hãm hiếp tới giết người. Bức tranh trong tâm trí cộng đồng về xã hội được bôi lên nhiều mảng màu xám xịt trong đó những mảng trắng tốt đẹp chỉ hiện lốm đốm. Bức tranh xám xịt ấy đã phá hỏng nhiều tương tác xã hội và phá huỷ từ trứng nước nhiều ý tưởng lãng mạn, bởi chúng ta ít tin vào nhau cũng như ít tin vào bất kỳ điều gì khác vượt ngoài chuyện tư lợi và kiếm tiền. Đã lâu lắm rồi, tôi không nghe ai nói với mình như người làm quán cơm 2000đ đã nói: Xã hội này đa số là người tốt.

Bức tranh xám xịt đã ngăn cản tôi và nhiều người khác không tin vào ý tưởng quán cơm 2000đ. Tôi cũng đã từng nghĩ rằng rồi những quán cơm kiểu này sẽ chết yểu bởi nhà hảo tâm “viện trợ” thì ít mà những người lợi dụng “ăn cơm chùa” thì nhiều. Nhưng thực tế đã không diễn ra như thế. Trực tiếp xuống quán cơm Nụ Cười 4, tôi mới hiểu những phê phán về sự lợi dụng ăn cơm người nghèo của “người giàu” là rất ít cơ sở. 11h bắt đầu bán cơm nhưng từ 10h30 số người xếp hàng chờ để được ăn đã kéo dài cả dãy phố. Một người “khá giả” phải kiên nhẫn lắm mới đứng cả tiếng đồng hồ dưới trời nắng chang chang, giữa những người lao động nghèo xơ xác và nặng mùi đường phố ấy để chỉ tiết kiệm được chục nghìn tiền cơm. Dẫu vậy, một tấm biển ở cửa quán vẫn nhắc nhở: “Quán chỉ có 700 suất ăn. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ chia sẻ và nhường cho những người đến sau khó khăn hơn mình”. Ít người giàu nào lại “trơ trẽn” tới mức vẫn vào ăn chực khi đọc lời nhắc nhẹ nhàng ấy.

Người sáng lập quán cơm cho rằng vẫn có khoảng 10% người lợi dụng, nhưng “chúng tôi lại coi đó là cách để cho họ hiểu một bài học về lòng nhân ái. Người giàu vào ăn chúng tôi không đuổi ra mà vẫn trân trọng như người nghèo. Chúng tôi không bán cơm mà bán cho họ hương vị của lòng tốt.”

Tôi lại bất ngờ một lần nữa với 5 chữ “hương vị của lòng tốt”. Lần này thì không chỉ là bất ngờ mà còn là sự ám ảnh.  Sau khi ăn một suất cơm 2000đ và trả 500.000đ, tôi vẫn nghĩ mình đã trả quá rẻ để thưởng thức thứ “hương vị của lòng tốt” ấy, thứ mà những toan tính thiệt hơn, duy lý đã khiến tôi quên lãng, thậm chí nghĩ rằng nó không còn tồn tại nữa. Tôi đã nhầm, và có thể nhiều người khác nữa cũng đã nhầm. “Hương vị của lòng tốt” vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên đất nước hình chữ S này, dưới hình thức này hay hình thức khác, bằng cách này hay cách khác. “Hương vị của lòng tốt” không mất đi đâu cả bởi nó nằm một phần trong bản chất con người, chỉ có niềm tin vào thứ hương vị ấy đã nhạt phai. Đánh thức lại niềm tin vào “hương vị của lòng tốt” sẽ mở ra nhiều khoảng trời tốt đẹp mới trong đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.


Wednesday 22 October 2014

Đòi quyền ư? Đòi cái gì?

Ngày 21/10/2014, người tù lương tâm nổi tiếng – blogger Điếu Cày – được chính quyền Việt Nam “đày” sang Mỹ.

Sự kiện này đã, đang, và sẽ được nhiều blogger, giới đấu tranh dân chủ trong nước và nước ngoài coi là một tin tốt lành. Điếu Cày, với những hy sinh của ông suốt gần 10 năm qua, sẽ được đồng bào ở hải ngoại đón tiếp hân hoan và nhiệt thành.

Nhưng xen lẫn trong niềm vui, cũng có cả những chua xót.

Chính quyền luôn “thắng lớn”

Nỗi chua xót thứ nhất là, việc trả tự do cho Điếu Cày mà thực chất là trục xuất sang Mỹ “cho rảnh nợ”, chỉ một lần nữa cho thấy chính quyền Việt Nam sử dụng công dân mình, nhất là những người bất đồng chính kiến, như con bài để mặc cả, đổi chác như thế nào. Và điều đáng nói là giới đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước đều đi đúng vào hướng mà chính quyền mong muốn: Tất cả đều sa vào những cuộc đấu tranh đòi “free Nguyễn Tiến Trung”, “free Lê Quốc Quân”, “free Điếu Cày”, v.v. tóm lại vận động trả tự do cho tù nhân lương tâm, mà xao lãng những vấn đề khác – những vấn đề thực sự là mấu chốt của cải cách chính trị, mà chính quyền luôn tìm cách lờ đi.

Đó là sửa đổi Hiến pháp, cải cách tư pháp để đảm bảo sự độc lập của tư pháp. Là sửa đổi Bộ luật Hình sự, sửa Luật Báo chí, Luật Đất đai, v.v. Là hủy bỏ tất cả những điều luật và quy định “xiết chặt quản lý” thay vì bảo vệ quyền tự do của người dân – như hàng loạt điều khoản vi phạm nhân quyền trong Bộ luật Hình sự và những nghị định, thông tư đầy rẫy vô lý, vi hiến…

Chính quyền đưa tù nhân lương tâm ra làm công cụ để đổi chác. Giới hoạt động dân chủ liền vận động quốc tế gây sức ép để buộc nhà nước Việt Nam phải trả tự do cho tù nhân lương tâm, mà chỉ riêng việc vận động cho một người thôi cũng đã làm hao tổn không biết bao nhiêu tâm trí, sức lực, nguồn lực. Có lẽ mỗi năm, mỗi tổ chức chỉ cần tiến hành 1-2 chiến dịch cũng đủ… hết sức, hết thời giờ, hết tiền. Mỗi cá nhân được thả lại được coi là một thắng lợi của cuộc đấu tranh, đủ làm giới đối kháng hoan hỉ, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Còn những vấn đề mấu chốt kia thì vẫn giữ nguyên trạng.

Biến công dân thành tù nhân lương tâm rồi đem ra mặc cả quả là có lợi: Vừa có cái để đổi chác với Mỹ và Tây phương, vừa gây hao tổn nguồn lực của giới đấu tranh dân chủ (nhất là cộng đồng người Việt ở hải ngoại), lại vừa phân tán, đánh lạc hướng sự tập trung của họ khỏi các vấn đề có tính chất tử huyệt của chế độ. Lợi nhiều như thế, chẳng tội gì nhà nước không duy trì việc bỏ tù “bọn phản động”. Suy cho cùng, nhà nước mới thực là bên thắng, mà thắng lớn.

Điều đau khổ là kể cả có biết vậy, giới hoạt động dân chủ và cộng đồng quốc tế cũng không thể không đấu tranh cho tự do của tù nhân lương tâm, vì ngoài ý nghĩa chính trị thì đây còn là chuyện nhân đạo. Và thế là, họ tiếp tục đi đúng hướng mà chính quyền Việt Nam mong muốn: Sa vào cuộc đấu tranh cho những cá nhân cụ thể mà quên mất cái lớn hơn.


Sự bế tắc của cuộc đấu tranh

Trong niềm vui đón mừng Điếu Cày được tự do, vẫn có những cái nhìn của blogger nói lên nỗi chua xót thứ hai.

Ông Lê Quốc Tuấn, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam, viết: “Một tương lai đích thực cho người Việt Nam vẫn còn nằm ở phía trước, cho đến khi đại đa số người Việt hiểu được rằng dân chủ tự do và quyền con người quan trọng hơn cơm áo qua ngày của một loại đời sống cúi mặt nhẫn nhục chờ đợi như hiện nay để cùng đứng dậy, tìm đến nhau cho một câu trả lời chung. Và, nếu người Việt Nam còn tiếp tục chịu đựng, đến lúc các nước phương Tây sẽ thấy họ lẻ loi trong việc cứ đi đòi hỏi Hà Nội những điều mà ngay chính người dân không màng đến… Khi ấy, tôi tin rằng những người tù lương tâm sẽ không còn được thả nữa”.

Một thành viên khác của Con Đường Việt Nam, ông Hoàng Triết, cũng bình luận trên Facebook: “Dân chủ của Việt Nam không thể nào đến từ những người đấu tranh đơn độc trong nước. Càng không thể đến từ những nỗ lực giúp đỡ từ hải ngoại. Và càng không thể từ sự quan tâm của người nước ngoài.... Khi mà đại đa số người dân trong nước chẳng muốn làm gì cả”.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao ĐẠI ĐA SỐ người dân trong nước lại chẳng muốn làm gì cả?

Có phải vì các nhà đấu tranh chưa hiểu đúng, hoặc không thật hiểu người dân Việt Nam không?

Dân chủ, tự do, nhân quyền. Đó đều là các khái niệm đẹp đẽ, và đều trừu tượng. Một người dân thường điển hình, chẳng hạn, một công chức ở Hà Nội hoặc TP.HCM, khi nghe câu “dân chủ tự do và quyền con người quan trọng hơn cơm áo qua ngày của một loại đời sống cúi mặt nhẫn nhục”, chắc hẳn sẽ có suy nghĩ phản biện như thế này:

“Sao? Chúng tôi đâu có thấy chúng tôi mất tự do gì đâu? Chúng tôi có nhẫn nhục cúi mặt gì đâu. Chúng tôi đi làm hàng ngày, hôm nào có kha khá tiền thì đi nhậu, không có thì về nhà xem tivi, thỉnh thoảng đi hát karaoke, xem phim, du lịch quanh quanh. Chúng tôi vẫn đọc báo đều, vẫn có Internet để vào mạng, lên Facebook chém gió, vẫn có tivi mà xem các game show, nóng nực vẫn có cái máy điều hòa, lạnh vẫn có máy sưởi... Chúng tôi có thấy chúng tôi làm sao đâu mà các vị bảo chúng tôi là đang nhẫn nhục, phải đòi tự do?

Ông Điếu Cày đấu tranh gì gì đấy, thì đi tù, rồi được Mỹ nó bảo lãnh cho qua. Ừ, tốt, cũng mừng cho ông ấy. Nhưng mà cụ thể ông ấy đòi hỏi cái gì ấy nhỉ? Tự do à? Ủa, thì chúng ta vẫn tự do mà, có ai bị làm nô lệ như thời thuộc Pháp đâu? Ổng đòi tự do báo chí à? Ô hay, thì chúng ta vẫn lên mạng viết lách, lên Facebook chém gió ầm ầm kia kìa; vẫn mua báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp luật Thành phố… ê hề ngoài sạp kìa, có thiếu gì đâu, mất gì đâu? Tóm lại là các vị đòi cái gì?”.

Tự do, dân chủ, nhân quyền là các khái niệm đẹp đẽ, nhưng cũng chính là cái bẫy chết người mà các học giả, các nhà đấu tranh trong nước và hải ngoại rất dễ rơi vào: Đa số người dân không hiểu chúng là cái gì, mà những nhà hoạt động thì lại đang đấu tranh cho những thứ rất “chung chung”, “mơ hồ” đó. Và đi đến tận cùng con đường tranh đấu, nhà hoạt động bị bỏ tù, trở thành tù nhân lương tâm, trong khi dân chúng đa số không hiểu vì sao họ phải quan tâm đến một cá nhân đã bị cầm tù vì một sự nghiệp không liên quan gì đến họ.

Hình ảnh xiềng xích, còng, dây thép gai... là biểu tượng của sự mất tự do, 
nhưng đang tỏ ra rất thiếu thuyết phục trong tuyên truyền, 
vì đa số người dân VN chỉ thấy nghĩa đen của vấn đề là họ không hề bị xích chân tay gì cả.
Nguồn ảnh: PJMedia

Giới hoạt động dân chủ tiếp tục đi vào hướng mà chính quyền Việt Nam mong muốn, nhưng ở đây thì lại ngược hoàn toàn với phần trên: Họ sa vào cuộc đấu tranh cho những điều có vẻ rất xa vời, trừu tượng, lý thuyết đối với dân chúng, mà quên mất những lợi ích cụ thể, rõ ràng trước mắt người dân, nôm na như quyền được dùng thực phẩm sạch, không phải uống rượu giả, bia giả chẳng hạn. 

Các quyền đất đai cũng là một lĩnh vực gần gũi, sát sườn với nông dân. Nhưng khẩu hiệu “đấu tranh vì quyền đất đai” vẫn là một khái niệm chung chung, trừu tượng, cần được cụ thể hóa hơn nữa, ví dụ trở thành mục tiêu “đền bù công bằng”. (Thế nào là đền bù công bằng, đền bù công bằng thì phải được thực hiện ra sao, lại cũng là những điều cần làm rõ).

Có lẽ, chỉ khi nào phong trào đối kháng ở Việt Nam tìm được cách đấu tranh vì những điều cực kỳ cụ thể, thì việc làm của họ mới trở nên dễ hiểu và dễ thuyết phục dân chúng.

--------

Chú thích: 

Tù nhân lương tâm là người bị tù hoặc bị hạn chế về mặt thể xác, vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc các niềm tin khác thuộc lương tâm của họ, vì nguồn gốc thiểu số, vì giới tính, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, điều kiện kinh tế, tình trạng lúc sinh, khuynh hướng tình dục hoặc các điều kiện khác của họ, và là người không sử dụng bạo lực hay cổ súy bạo lực, hận thù” (định nghĩa của Amnesty International [tổ chức Ân xá Quốc tế]).

Nói một cách ngắn gọn, Ân xá Quốc tế coi tất cả những người bị tù chỉ vì đã thực thi một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ là tù nhân lương tâm. Đây cũng là định nghĩa được sử dụng chung trên thế giới.


Bài liên quan: XHDS ở Việt Nam: đang nổi lên nhưng cần... gần dân hơn

Tuesday 14 October 2014

Joshua Wong sẽ là một nhân viên tuyệt vời

Joshua Steimle, CEO của công ty marketing MWI [1] ở Hong Kong, cho rằng Joshua Wong – (Hoàng Chi Phong), chàng trai 17 tuổi nổi bật trong những cuộc biểu tình làm rung chuyển Hong Kong – có những phẩm chất để là một nhân viên tuyệt vời đối với bất cứ người chủ lao động nào.

Vị CEO này đã có một bài viết chỉ ra những phẩm chất đó của Joshua Wong. Điều mà chúng ta có thể thấy là, dường như những đặc điểm ấy là chung cho cả người hoạt động xã hội, lẫn người muốn theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, hoặc người chỉ có nhu cầu làm một nhân viên văn phòng bình thường: Sống có trách nhiệm, khiêm nhường, không háo danh, và quyết tâm theo đuổi ước mơ.

* * *

TẠI SAO JOSHUA WONG SẼ LÀ MỘT NHÂN VIÊN TUYỆT VỜI?


Ở tuổi 17, Joshua Wong [2] đã trở thành gương mặt nổi bật nhất trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ gần như không ai lãnh đạo và làm rung chuyển Hong Kong tuần qua. Tôi không biết cậu có ước vọng nghề nghiệp gì. Tôi không tin cậu ta có những gì mà nhiều người sẽ coi là kinh nghiệm phù hợp và có liên quan trực tiếp tới lĩnh vực của công ty tôi. Điểm thi tuyển đầu vào đại học của cậu cũng xoàng so với tiêu chuẩn của Hong Kong. Nhưng bất chấp tất cả những cái đó, tôi vẫn sẽ nhanh chóng thuê cậu thanh niên này, không phải vì cậu ta nổi tiếng, mà vì cậu thể hiện nhiều đặc điểm mà tôi – với tư cách chủ lao động – luôn kiểm tra gắt gao ở nhân viên.

Tôi thuê nhân viên căn cứ vào năng lực, kinh nghiệm, và thái độ, trong đó cái thứ ba là quan trọng hơn cả trong hầu hết trường hợp. Tôi thấy, khi người ta thiếu khả năng và kinh nghiệm, cái đầu tiên còn có thể học được, cái thứ hai sẽ được tích lũy dần theo thời gian. Nhưng nếu thái độ không đúng, thì sẽ rất khó mà thay đổi. Dưới đây là đánh giá của tôi về Wong trên từng phương diện trong ba phương diện kể trên, nếu tôi thuê cậu ta.

Ảnh: Reuteurs

Năng lực 

Công ty tôi cung cấp dịch vụ marketing trên nền tảng số cho khách hàng. Thoạt nhìn thì có vẻ như Wong không có kỹ năng nào liên quan. Nhưng Scholarism – tổ chức mà Wong thành lập khi mới 15 tuổi – đã thu hút tới 277.000 người theo dõi trên Facebook, và đã sử dụng các kênh truyền thông xã hội để truyền tải thông điệp của họ. Wong hiểu sức mạnh của truyền thông xã hội và đã cho thấy rằng cậu biết cách dùng nó để tạo ra, không chỉ nhiều người theo dõi, mà còn những người thực sự tham gia. Wong cũng dùng chiêu thức marketing nội dung và PR để kích thích mọi người hành động. Cậu ta đã sản xuất ra những nội dung được lan truyền khắp Internet và xuất hiện trong gần như tất cả các tờ báo lớn.

Joshua Wong có thể không thành thạo kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông xã hội, có thể chưa bao giờ nghe nói đến marketing nội dung. Cậu ta cũng chẳng phải là một chuyên gia PR. Nhưng các kỹ năng về kỹ thuật dễ dạy hơn nhiều so với việc hiểu và thấy được có thể sử dụng các công cụ đó như thế nào để truyền bá ý tưởng. Tôi tin tưởng rằng tôi có thể trao cho Wong vai trò điều hành các chiến dịch marketing trên mạng xã hội, marketing nội dung, hoặc PR, và cậu ta có thể làm khá tốt bất kỳ việc nào trong số đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Kinh nghiệm 

Joshua Wong có thể có chút kỹ năng về kỹ thuật mà công ty của tôi đang tìm kiếm, nhưng với tôi, điều thú vị hơn cả là kinh nghiệm lãnh đạo của cậu. Khi cậu mới 15 tuổi, tổ chức Scholarism của cậu ta đã thành công trong việc đấu tranh với chính quyền Hong Kong và Trung Quốc, phản đối chương trình giáo dục nhằm mục đích nâng cao tình cảm yêu nước đối với Trung Hoa. Hàng chục nghìn người đã tuần hành phản đối, và kế hoạch của Bắc Kinh đã thất bại. Với thành công mới đây nhất của Wong, dễ thấy Wong có một quá trình tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo – sẽ là một tài sản quý báu cho bất kỳ tổ chức nào.

Thêm vào đó, tổ chức một phong trào cũng rất giống làm một doanh nhân, và tôi thích thuê doanh nhân. Vâng, điều đó có thể là một sự mạo hiểm, bởi vì người làm doanh nhân có những ý tưởng, mục tiêu và tham vọng riêng, và chưa chắc những cái đó tương thích với người chủ lao động, nhưng khi hai bên ăn khớp với nhau thì sự mạo hiểm có thể được đền bù bằng thành công rất lớn.

Thái độ 

Joshua Wong đã bày tỏ ngạc nhiên về thành công của mình. Điều ấy cho thấy tính khiêm nhường của cậu ta. Joshua đã nói cậu không phải là người làm chính trị và những phong trào này không phải là chuyện làm cậu thật sự thích thú. Joshua đã xuất hiện như một người vào cuộc gần như bất đắc dĩ, bị lôi cuốn phải hành động vì một thứ tình cảm giống như trách nhiệm hơn là tham vọng. Từ đây, tôi thấy cậu ta không phải người tham lam hay háo danh – những nhược điểm lớn cần phải tránh trong sinh hoạt đồng đội.

Bằng việc đứng lên trước một nhà cầm quyền có tiền sử giết hại sinh viên biểu tình, Wong cho thấy sự can đảm và lòng quyết tâm hy sinh vì một lợi ích cao cả hơn. Wong từng nói cậu không muốn làm gương mặt đại diện của phong trào biểu tình, và không muốn những cuộc biểu tình chỉ xoay quanh cậu. Điều này cho tôi thấy cậu ta luôn tập trung vào các mục tiêu của tổ chức chứ không phải sự nghiệp riêng của cá nhân mình. Có một nghịch lý, rằng đó lại chính là cách tốt nhất để tạo dựng sự nghiệp. Thế nhưng rất nhiều nhân viên chỉ tập trung vào cái ngắn hạn và vì thế họ đưa ra những quyết định sai lầm.

Dale Stephens
Tôi rất muốn thuê Joshua Wong và bất kỳ người trẻ tuổi nào giống như cậu. Tôi thà thuê một thanh niên 17 tuổi như Joshua trước khi tính chuyện thuê một người tốt nghiệp MBA ở Harvard với điểm số tốt nhất. Nhưng tôi nghĩ Joshua sẽ không muốn làm việc cho tôi. Tôi đồ rằng cậu sẽ muốn làm những việc lớn hơn là đi làm cho một công ty marketing. 

Nếu Joshua muốn thay đổi thế giới, lời khuyên của tôi cho cậu ấy là nên bỏ học ở trường ngay lập tức và tự học. Joshua nên ghi danh tham gia chương trình Thiel Fellow [3] và chú trọng vào cái mà tác giả Dale Stephens [4] gọi là “hacking your education” (tự học). Với một thái độ như Joshua Wong đang có, cậu sẽ học hỏi nhiều hơn ở ngoài trường lớp hơn là ở trong đó. Và với kinh nghiệm của mình, Joshua cũng chẳng cần phải đem bằng cấp đại học ra chứng minh điều gì. Đi học đại học, tuy rất tốt, nhưng sẽ làm cậu ta mất tập trung khỏi những việc lớn.

Tôi có lời khuyên tương tự cho các bạn trẻ muốn làm việc lớn để thay đổi thế giới. Học là một điều tuyệt vời -- đừng bao giờ ngừng học tập. Nhưng đừng để chương trình giáo dục ngăn cản bước đường học vấn của mình. Thay vì thế, hãy làm như Joshua Wong đã làm, và hãy mạo hiểm đi. Điều tệ nhất có thể xảy ra là… bạn sẽ có một cái gì đó rất tuyệt vời để bổ sung vào hồ sơ của mình. Đừng sợ ước mơ, và hãy hành động ngay đi. Thế giới đang phụ thuộc vào bạn.

--------------

Chú thích:

[1] MWI là một công ty marketing trực tuyến có văn phòng ở Mỹ và Hong Kong.

[2] Joshua Wong sinh ngày 13/10/1996, nên bước sang tuổi 18 từ ngày này.

[3] Thiel Fellowship là một chương trình học bổng tài trợ 100.000 USD trong hai năm cho những thanh niên dưới 20 tuổi, bỏ học để theo đuổi đam mê của mình trong các lĩnh vực: khoa học, kinh doanh, hoạt động xã hội.

[4] Dale J. Stephens là người sáng lập ra Uncollege.org, một phong trào xã hội nhằm làm thay đổi quan niệm “chỉ có vào đại học mới thành đạt”. Dale là một trong 24 người đầu tiên nhận học bổng Thiel Fellowship và là tác giả của cuốn sách Hacking Your Education [tự học] (2013).


Bài liên quan:

Friday 10 October 2014

“Nói với mình và các bạn”: Tại sao phải có đảng phái?

Dưới đây là bài thứ 12 trong loạt bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị. Bài này sẽ bàn về một vấn đề hết sức cụ thể, căn bản của chính trị, đó là sự cần thiết phải có các đảng phái, và hơn thế nữa, bắt buộc phải đa đảng.

Với bài viết này, bạn sẽ thấy lối nói “đảng nào thì cũng chỉ vì quyền lợi của đảng ấy thôi chứ lo gì cho dân, càng lắm đảng càng chia rẽ quần chúng” chỉ là một ngụy biện ở trình độ thấp. Nhưng trước hết chúng ta cần hiểu những khái niệm căn bản, như đảng là gì và chức năng của các đảng phái trong xã hội?

* * *

Kỳ 12

TẠI SAO PHẢI CÓ ĐẢNG PHÁI?

Hẳn là tất cả chúng ta – những người dân Việt Nam – đều từng nghe lập luận này ít nhất một lần trong đời: “Đảng nào thì cũng chỉ vì quyền lợi của đảng ấy thôi chứ lo gì cho dân, cho nên đa đảng thì chỉ tổ các đảng đấu đá, tranh giành quyền lực, làm loạn xã hội. Thà một đảng (ý nói là Đảng Cộng sản Việt Nam) mà chăm lo cho dân còn hơn”.

Không cần thông minh lắm thì chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi vặn lại: “Đa đảng, có cơ chế cạnh tranh, mà đảng nào cũng chỉ lo quyền lợi của mình. Thế thì làm thế nào mà một đảng, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không phải cạnh tranh với ai, lại chăm lo cho dân được? Làm cách nào?”.

Tuy nhiên, bỏ qua cách lập luận phi logic của những người ủng hộ “độc đảng”, thì cũng có thể thấy rằng những người đưa ra lý lẽ như vậy không hiểu đảng nghĩa là gì.

Đảng là gì?

Đố bạn biết đây là cờ của đảng nào?
(Xem chú thích ở dưới)
Một đảng chính trị được định nghĩa là một tổ chức bao gồm những cá nhân cùng nhất trí, chia sẻ với nhau những nguyên tắc, đường lối chính trị nào đó (có người gọi là “cương lĩnh”, “ý thức hệ”…) và họ cùng nhau hoạt động chính trị (xem Kỳ 3, “Tham gia chính trị là làm gì”) với mục đích nắm chính quyền và cai quản xã hội theo đường lối đó của họ.

Xin nhấn mạnh là mục đích của đảng phái là “hoạt động chính trị để tiến tới nắm chính quyền và cai quản xã hội theo đường lối của họ”. Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt giữa đảng phái và tổ chức xã hội dân sự – lực lượng mà chính quyền, an ninh và dư luận viên ở Việt Nam hiện nay đang rất ghét vì cho là “phản động đội lốt”. Từ định nghĩa này, các bạn có thể thấy: Tổ chức dân sự có thể tham gia chính trị, tiến hành các phong trào xã hội (như Occupy Central chẳng hạn), các chiến dịch vận động (như vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc), v.v. nhưng chừng nào họ không có mục đích nắm chính quyền, chừng đó họ vẫn không phải là đảng phái.

Chỉ khi nào một tổ chức, ví dụ như Hội Anh Em Dân Chủ, Phong trào Liên đới Dân Oan… theo đuổi việc giành chỗ đứng trong chính quyền, kiểm soát chính quyền, họ mới trở thành đảng phái chính trị.

Bởi vậy cho nên, nếu một đảng, ví dụ Việt Tân, nói với bạn rằng họ không có mục đích giành ngôi vị lãnh đạo đất nước, thì bạn đừng tin, vì nếu như thế họ không còn là đảng nữa. Đã là đảng, phải tham gia chính trị nhằm kiểm soát cương vị lãnh đạo, điều hành nhà nước. Họ có thể chấp nhận chia sẻ hoặc không chia sẻ quyền lãnh đạo đó với đảng khác, nhưng việc giành quyền lực chính trị luôn phải là mục đích tối hậu của mọi đảng phái.

Cũng bởi vậy, nên khi Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam (…) là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, thì mặc dù không nói trắng ra là cấm đa đảng, nhưng Điều 4 này đã nhẹ nhàng và nghiêm khắc loại bỏ sự tồn tại của tất cả các đảng khác rồi. Bởi vì chẳng có đảng nào lại không hoạt động để giành quyền lãnh đạo cả.

Thế nếu như đảng nào cũng được thành lập và vận hành nhằm theo đuổi quyền kiểm soát đất nước, thì có đúng là họ chỉ vì quyền lợi của họ mà không vì quyền lợi của dân không? SAI. Các đảng phái chính trị vốn đã ra đời từ hàng trăm năm về trước trong các xã hội tương đối tiến bộ so với thế giới lúc đó, và chúng vẫn tồn tại đến bây giờ ở đại đa số các nước trên thế giới (kể cả Trung Quốc – nước này cũng theo chế độ đa đảng dù chỉ là hình thức); điều đó ắt hẳn phải có lý do của nó.

Bà Janet Q. Nguyễn (SN 1976 tại Sài Gòn), người Mỹ gốc Việt, đảng Cộng hòa, 
đang tranh cử làm thượng nghị sĩ của bang California. 

Đảng làm được gì?

Các nhà nghiên cứu khoa học chính trị trên thế giới cho rằng đảng phái có nhiều chức năng:

Chức năng đầu tiên là cung cấp nhân sự lãnh đạo cho bộ máy chính quyền (thông qua cơ chế bầu cử và/hoặc chỉ định). Nói cách khác, đảng là tổ chức sản sinh ra các chính trị gia. Một trong các chức năng của một đảng chính trị là tuyển lựa/ chiêu mộ và đề cử người cho vị trí lãnh đạo các cơ quan cấp cao của nhà nước.

Bạn sẽ hỏi: Vậy các cá nhân có thể tự ứng cử vào vị trí lãnh đạo mà không cần thông qua đảng phái nào, ví dụ một bác sĩ giỏi có thể tự ứng cử vào ghế Bộ trưởng Y tế không? Câu trả lời: Tất nhiên là có, nhưng – như trong bài Tham gia chính trị là làm gì đã nói, thường thì bạn nên có tổ chức. Vì lý do đơn giản là bạn không thể tự mình làm hết mọi việc được; chuyện này lại liên quan đến một khái niệm của ngành kinh tế học, là “chi phí cơ hội”.

Nếu bạn vừa phải làm chuyên môn (y tế), vừa lo vận động tài chính, gây quỹ để làm truyền thông, quảng bá mình, vừa tiếp xúc cử tri để lấy lòng họ, lại vừa phải lo cả khoản hình ảnh (trang điểm, phục sức khi xuất hiện trước công chúng v.v.), thì cứ cho là bạn giỏi tất cả mọi việc, bạn cũng sẽ mất rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí cơ hội. Chính vì vậy, bạn cần có tổ chức, với các nhân sự chuyên vào các công việc khác nhau, cụ thể là vào công việc mà chi phí cơ hội của họ là thấp nhất: Bạn sẽ có người của đảng lo hộ bạn khâu gây quỹ, người khác lo việc xây dựng hình ảnh cho bạn, người khác nữa làm cố vấn về chuyên môn và chính sách, v.v.

(Cũng cần nói rõ là ở Việt Nam, theo luật pháp Việt Nam, công dân không có quyền ứng cử vào cơ quan hành pháp. Nghĩa là dù bạn có là một bác sĩ vừa giỏi chuyên môn, vừa có năng lực tổ chức và quản lý, bạn cũng không thể tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Y tế. Bạn phải được Thủ tướng (là đảng viên Cộng sản) đề cử và được Quốc hội (với 95% thành viên là đảng viên Cộng sản, 5% là đội ngũ dự bị của Đảng Cộng sản) phê chuẩn). 

Chức năng thứ hai của đảng phái là cung cấp các giải pháp chính sách. Như đã nói ở trên, các đảng đều có đường lối, cương lĩnh chính trị riêng, và đó là nền tảng để họ ban hành chính sách công. Về điểm này, có thể ví chính trị như một thị trường, mà mỗi đảng phái là một công ty cung ứng sản phẩm, sản phẩm đó là các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vậy.

Bên cạnh việc đưa các giải pháp chính sách ra “chào mời”, các đảng phái cũng có chức năng phản biện chính sách, nhất là đảng đối lập. Và, bạn thấy đấy, đó cũng là lý do tại sao phải đa đảng: Thị trường mà chỉ có một nhà cung cấp thì chắc chắn chất lượng sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp ấy chẳng ra gì, không sớm thì muộn.

Xin nhấn mạnh chức năng phản biện chính sách này của các đảng phái: Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đây là điều bắt buộc phải có. Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách đảng cầm quyền duy nhất, đã và đang sở hữu quá thừa đội ngũ cố vấn chuyên về minh họa chính sách, giải thích đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước cho người dân, mà không có được lực lượng phản biện chính sách chuyên nghiệp - các đảng đối lập. 

Chức năng thứ ba của đảng phái là làm cầu nối giữa chính quyền và người dân, mà nói đúng hơn là các nhóm dân khác nhau. Diễn đạt cách khác, đảng phái chính là một cơ chế để thông qua đó, người dân lên tiếng. Trong chế độ đa đảng, tồn tại nhiều đảng đối lập, công chúng dễ dàng có tiếng nói hơn nhiều. Ít nhất, ta cũng có thể thể hiện nhu cầu và nguyện vọng bằng cách bầu cho một đảng có đường lối, chính sách đúng ý mình, và không bầu cho đảng có đường lối, chính sách trái ý mình.

Vân vân. Đảng phái chính trị còn nhiều chức năng nữa, mà chúng ta – những người chưa bao giờ sống trong chế độ dân chủ đa đảng – chưa biết và sẽ cần tìm hiểu thêm, nếu quan tâm. Nhưng từ định nghĩa và một số chức năng nói trên của một đảng phái, chúng ta có thể chắc chắn một điều, rằng:

Đa đảng không đảm bảo dân chủ. Nhưng một đảng thì chắc chắn là độc tài.

Poster của Chó Hai Đuôi (MKKP) - một tổ chức chính trị ở Hungary 
hiện chưa được đăng ký chính thức làm đảng, 
vì lý do tên gọi không nghiêm túc.

Khi nào đa đảng không đảm bảo dân chủ?

Những nhà nghiên cứu khoa học chính trị trên thế giới cũng cho rằng, tồn tại những thể chế đa đảng mà phi dân chủ hoặc kém dân chủ, như:

  • Hệ thống đa đảng, song tất cả các đảng đều phải chịu sự lãnh đạo, quản lý của đảng cầm quyền, như trường hợp Trung Quốc: Một chế độ đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng phái nhỏ trong một mặt trận thống nhất.
  • Hệ thống đa đảng, song đảng cầm quyền liên tục thắng cử, giành hết mọi lợi thế để tiếp tục tạo đà… thắng cử tiếp, đẩy các đảng khác vào thế đã yếu ngày càng yếu hơn. Những tiếng nói đối lập bị o ép nhiều bề, bị trấn áp thông qua nhiều hình thức tinh vi. Đó là trường hợp của Singapore với Đảng Nhân dân Hành động (PAP).

Lại có một loại thể chế, loại chế độ mà bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bảo là “dân chủ gấp vạn lần tư bản”, nhưng vì nó chỉ có một đảng mà suốt hàng chục năm qua không phải chịu sự cạnh tranh hay chí ít là phản biện nào, nên người viết bài này không biết làm cách nào mà nó dân chủ được. Nếu không tin, đố bạn – không phải là đảng viên cộng sản – tham gia vào chính trường trong cái thể chế đó đấy! Chưa kể, trong hệ thống chính trị ấy, nếu bạn thành lập và/hoặc tham gia một đảng nào khác ngoài Đảng Cộng sản, bạn đối mặt với nguy cơ tù tội rất cao (vi phạm Điều 79 Bộ luật Hình sự, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, hoặc tội khủng bố, thậm chí phản quốc, v.v.). 

Ở Việt Nam, hoạt động đảng phái dẫn đến tù tội. Đó là một thực tế. Dù vậy, trên lý thuyết, vẫn phải khẳng định sự cần thiết của các đảng phái chính trị trong mọi xã hội. 

-----

Chú thích: 

Lá cờ vàng có ngôi sao đỏ ở trên là cờ của đảng Dân chủ thời Việt Nam Cộng hòa. Đảng này do ông Nguyễn Văn Thiệu thành lập tại Sài Gòn năm 1967 và giải tán năm 1969.

Kỳ sau: Kể chuyện xã hội dân sự


Kỳ 1: Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta

Wednesday 8 October 2014

6 chiến lược của Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa OCLP

Dưới đây là bản dịch bài viết của GS. Luật Benny Tai (Đại học Hong Kong), người sáng lập phong trào Occupy Central. Ông Benny Tai viết bài này bằng tiếng Trung vào ngày 12/8/2014 trên Apple Daily – tờ báo bán chạy thứ hai ở Hong Kong. Nó được dịch sang tiếng Anh vào ngày 15/8/2014, đăng trên trang blog tiếng Anh của phong trào Occupy Central.

Chúng ta hãy thử xem Benny Tai nhận định những gì và điều nào trong số những điều ông viết đã trở thành sự thật hoặc trật lất.

Xin bạn đọc lưu ý một điểm khác biệt rất lớn giữa Hong Kong và Việt Nam, đó là: Hong Kong có một thể chế pháp trị, còn Việt Nam chỉ có nhà nước công an trị. Tuy nhiên, cách hành xử của Hà Nội thì chắc không khác Bắc Kinh nhiều.

* * *

SÁU CHIẾN LƯỢC CỦA BẮC KINH NHẰM VÔ HIỆU HÓA OCCUPY CENTRAL


Kể từ khi phong trào Occupy Central with Love and Peace (Chiếm khu trung tâm bằng tình yêu và hòa bình, viết tắt OCLP – ND) được đề xuất vào năm ngoái (tháng 1/2013 – ND), Bắc Kinh đã và đang tiến hành các chiến lược để đương đầu với phong trào dân chủ này ở Hong Kong.

1

Chiến lược thứ nhất là kìm hãm. Ngay từ đầu, tôi đã là người duy nhất đề xuất Occupy Central. Mặc dù ý tưởng cũng được khá nhiều người nhắc lại, nhưng về cơ bản nó vẫn chỉ là đề xuất của một học giả trên mây. Phong trào chỉ bắt đầu hình thành sau khi GS. Chan Kin-man và Mục sư Chu Yiu-ming cùng tôi chính thức phát động chiến dịch OCLP vào tháng ba năm ngoái, tiếp sau một loạt diễn đàn thảo luận. Tuy phong trào tập hợp được những lực lượng xã hội ủng hộ phổ thông đầu phiếu, trong đó có liên đảng dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự và dân thường, nhưng nó vẫn chưa phải là một lực lượng chính trị thực sự. Ở giai đoạn này, chiến lược chính của Bắc Kinh là kìm hãm sự phát triển của OCLP bằng cách dựng nên những tổ chức chống OCLP và huy động các phần tử thân Bắc Kinh – gồm các phòng thương mại, các tổ chức, các cơ quan truyền thông đại chúng và cá nhân – vào việc phê phán và bôi nhọ OCLP với những bài phát biểu công khai, bài vở trên báo chí, và quảng cáo.

Nhưng tất cả các hoạt động đó có vẻ đều vô hiệu. 800.000 người đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6; trong số đó, 700.000 người thể hiện rõ ràng quan điểm không chấp nhận một hình thức bầu trưởng đặc khu hành chính trong đó cử tri không được quyền lựa chọn thực chất. Kết quả này đưa đến một mệnh lệnh rõ ràng, buộc những người ủng hộ dân chủ ở Hội đồng Lập pháp phải phủ quyết tất cả những đề nghị không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế [về bầu cử].

Sau sự kiện 510.000 công dân tham gia vào cuộc tuần hành ngày 1/7 đòi phổ thông đầu phiếu thực chất, và sau cuộc biểu tình ngồi của sinh viên vào ngày 2/7, thể hiện một cách hoàn hảo hành động đấu tranh phi bạo lực (non-violent, có người dịch là “bất bạo động”), OCLP cuối cùng đã phát triển thành một phong trào lớn mạnh.

2

Chiến lược thứ hai Bắc Kinh có thể đã sử dụng là tiêu diệt phong trào khi nó còn trong trứng nước. Họ có thể chỉ làm một việc đơn giản là bắt ba nhà sáng lập OCLP, khiến cho chúng tôi không còn xúc tiến và tổ chức hoạt động nào của OCLP được nữa. Tôi vẫn nói rằng tôi đã có thể biến mất ngay sau khi bài báo của tôi được đăng, nếu như tôi đang dạy ở Đại học Bắc Kinh thay vì Đại học Hong Kong [như hiên nay]. Tôi đã có thể không còn cơ hội nào để thúc đẩy phong trào OCLP, để nó phát triển trên nền tảng xã hội dân sự ở Hong Kong. 

May thay, Hong Kong không phải Đại lục, và Đại học Hong Kong không phải là Đại học Bắc Kinh. Chúng tôi vẫn được bảo vệ bởi nhà nước pháp quyền: Trước khi tiến hành bất kỳ hành động bất tuân dân sự cụ thể nào, chúng tôi đều không vi phạm luật pháp Hong Kong, và quyền tự do cá nhân cũng như tự do ngôn luận của chúng tôi đều vẫn được luật pháp bảo vệ. Nhờ đó, chiến lược “bóp chết từ trong trứng nước” của Bắc Kinh không áp dụng được ở Hong Kong, chứ chưa nói tới áp dụng khi phong trào đã thành hình. Bây giờ mà bắt ba người chúng tôi thì cũng không dừng được phong trào Occupy Central, mà lại còn đưa tới một tình huống không thể đoán trước và không thể kiểm soát được.

3

Chiến lược thứ ba mà Bắc Kinh có thể sử dụng, khi OCLP đã thành hình, là phá hoại phong trào. Phá hoại cũng có vẻ tương tự như chiến lược thứ nhất là kìm hãm, chỉ khác một điều là nó được thực hiện trên quy mô lớn hơn và có sức mạnh tổ chức hơn. Cũng như OCLP, Bắc Kinh đã cố thu thập ý kiến dư luận, và có vẻ cũng kiếm được kha khá ủng hộ. Tuy nhiên, những ý kiến họ thu nhận, cho dù nhiều đến đâu, cũng chỉ có tác dụng đập lại các quan điểm ủng hộ Occupy Central, chứ không làm cho những người ủng hộ mục tiêu của OCLP – đấu tranh đòi phổ thông đầu phiếu thực chất – chuyển hẳn sang phe kia. Và cũng không triệt tiêu được phía ủng hộ OCLP.

Khi chính quyền đưa ra đề nghị cải cách bầu cử không theo hướng đáp ứng nguyện vọng của công chúng về phổ thông đầu phiếu, hay là xâm phạm vào ý nguyện của 700.000 người dân trước đó đã từng bỏ phiếu đòi bầu cử ở Hong Kong phải theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, thì tiếng nói của phe đối lập sẽ trở nên mạnh mẽ và cứng rắn. Sẽ có đủ người tham gia phong trào bất tuân dân sự Occupy Central. Không có cách nào phá OCLP một khi phong trào đã thành hình. Sẽ rất ngây thơ, thậm chí ngu ngốc, nếu Bắc Kinh nghĩ rằng chỉ cần có đủ người chống Occupy Central là sẽ đủ để chấm dứt phong trào.

4

Chiến lược thứ tư, mà Bắc Kinh vẫn đang sử dụng, là đe dọa những người ủng hộ OCLP. Chiến lược này có lẽ đã được vận dụng từ trước khi OCLP hình thành, và thậm chí nó đã trở nên ngày càng cực đoan và lan rộng hơn. Hành động đe dọa một người ủng hộ OCLP có thể diễn ra trực tiếp, hoặc gián tiếp, nhằm vào thân nhân, bạn bè để buộc họ phải gây sức ép lên người đó. Chiến lược này thực sự đã và đang được tiến hành và tạo ra một dạng khủng bố trắng, khiến nhiều ủng hộ viên của OCLP phải rút lui khỏi phong trào hoặc phải hoạt động kín tiếng hơn.

Tuy nhiên, chiến lược ấy không thể ngăn được OCLP, một khi thời điểm thích hợp đã đến. Nó chỉ có thể kìm hãm sự phát triển của phong trào. Nguyên nhân là:

(1) Bắc Kinh không thể có được thông tin cá nhân của tất cả những người có ý định tham gia phong trào bất tuân dân sự. Họ chỉ có thể nhằm vào các thành viên nổi bật nhất.

(2) Như tôi đã viết ở trên, người dân Hong Kong vẫn được luật pháp bảo vệ, điều đó hạn chế mức độ đe dọa. Với rất nhiều người không có quan hệ thân thiết với bên Đại lục, thì hình thức đe dọa chỉ ở mức vẫn chịu đựng được.

(3) Cho đến giờ phút này, nhiều người ủng hộ việc phổ thông đầu phiếu đã sẵn sàng mạo hiểm tất cả để có được dân chủ ở Hong Kong. Nói như vậy, nhưng không có nghĩa là họ phải hy sinh tính mạng, trong bối cảnh Hong Kong vẫn có nhà nước pháp quyền.

Tháng 6/2014: Người dân bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý 
về cải cách chính trị ở Hong Kong. (Ảnh: AP)

5

Chiến lược thứ năm mà Bắc Kinh đang cân nhắc một cách nghiêm túc là chia rẽ khối ủng hộ dân chủ. Sau đợt cải cách chính trị năm 2010, Bắc Kinh đã thành công trong việc chia lực lượng ủng hộ dân chủ ra thành các phe nhóm khác nhau. Trước khi OCLP nổi lên, những người theo đường lối cứng rắn và những người theo đường lối ôn hòa vốn mâu thuẫn nhau và không chắc là đã có thể hợp tác cùng nhau thực thi quyền phủ quyết. Do quyền phủ quyết là một trong những vũ khí mạnh nhất của những người ủng hộ dân chủ trong cải cách chính trị, cho nên, chia rẽ lực lượng ủng hộ dân chủ sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng phủ quyết.

Đây cũng là chiến lược cơ bản mà Bắc Kinh dự định sử dụng khi đối phó với việc cải cách cơ chế bầu cử trưởng đặc khu vào năm 2017. Nhìn vào số ghế của những người ủng hộ dân chủ trong Hội đồng Lập pháp, có thể thấy chỉ cần sự tán thành từ 4 đến 5 người của phe ủng hộ dân chủ là đủ để thông qua một dự thảo của chính quyền. Từ góc nhìn của Bắc Kinh thì, chia và trị là cách hiệu quả nhất để làm cho dự thảo được thông qua. 

Tuy nhiên, sau khi OCLP đã thành hình, và đặc biệt sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lại ngả theo hướng phủ quyết mọi đề xuất không theo tiêu chuẩn quốc tế, thì phe ủng hộ dân chủ ít nhiều đã gắn kết hơn. Song họ vẫn còn là một liên minh yếu, bởi lẽ những người cứng rắn và những người ôn hòa đều rất khác nhau về mặt chiến lược, tiến độ, và khác nhau về các điểm cụ thể trong những đề nghị mà họ đưa ra.

Mặc dù vậy, thực tế chính trị là, một khi dự thảo chính sách của chính quyền không đem đến cho cử tri quyền lựa chọn thực sự, thì tất cả những người ủng hộ dân chủ trong Hội đồng Lập pháp sẽ phải phủ quyết nó. Bằng không thì sẽ chẳng khác nào một hành động tự sát chính trị. Có lẽ trong vài tháng tới, Bắc Kinh sẽ làm tất cả những gì có thể để gây chia rẽ và thù ghét giữa những người cứng rắn và những người ôn hòa. Tuy nhiên, chỉ cần những ai ủng hộ dân chủ đều hiểu rằng đoàn kết là sức mạnh và nguyện vọng được có phổ thông đầu phiếu thực chất là điều quan trọng hơn sự khác biệt về chính trị, thì sẽ chẳng còn mấy cơ hội cho Bắc Kinh gây chia rẽ.

6

Chiến lược thứ sáu là đàn áp. Bắc Kinh hẳn phải biết rằng các biện pháp trên đây nhằm chống lại công luận và đe dọa người ủng hộ sẽ không ngăn được OCLP. Nhiều nhất thì chúng chỉ có thể làm giảm hiệu quả của bất tuân dân sự. Có lẽ Bắc Kinh đã sẵn sàng cho việc đối đầu – mà rốt cuộc sẽ xảy ra – và những gì họ đang làm lúc này chỉ là công đoạn chuẩn bị. Tất nhiên Bắc Kinh không ngại phải đàn áp – sử dụng vũ lực giải tán đám đông, thậm chí trấn áp bằng bạo lực nếu cần – và họ sẵn sàng trả bất kỳ cái giá nào về mặt chính trị. Nhưng, có cần thiết không?

Một khi chuyện đó xảy ra, các hậu quả chính trị sẽ rất khó dự đoán. Có thể sẽ chỉ có khoảng một, hai nghìn người ngồi ở khu Trung tâm bị bắt và bị truy tố. Công luận có thể coi những người đó là phần tử gây rối trật tự. Occupy Central có thể kết thúc rất bi thảm. Một vài dân biểu ủng hộ dân chủ sẽ nhảy sang phía ủng hộ dự thảo của chính phủ. Phổ thông đầu phiếu theo kiểu Trung Quốc cuối cùng sẽ được áp dụng thành công ở Hong Kong và mang đến một nền quản trị tốt hơn. Do đó, nhân dân Hong Kong sẽ yêu nước, yêu Hong Kong, và sống hạnh phúc mãi mãi.

Nhưng một điều có nhiều khả năng xảy ra hơn, là Occupy Central, ngay cả khi bị đàn áp, vẫn để lại một vết thương không thể hàn gắn cho nền quản trị ở Hong Kong. Bất tuân dân sự và chống đối sẽ tăng lên trong xã hội và khiến Hong Kong trở thành không thể cai quản được nữa. Điều đó sẽ làm hại Hong Kong không chỉ về mặt chính trị và kinh tế mà còn trên phương diện xã hội và văn hóa. Chứng tỏ “một nước, hai chế độ” là thất bại. Trung Quốc có thể hùng mạnh đủ để chịu đựng mọi cái giá phải trả, thậm chí chẳng buồn quan tâm đến những cái giá đó, nhưng vấn đề quản lý Hong Kong vẫn gây khó khăn cho Bắc Kinh trong nhiều năm tới. Bắc Kinh sẽ kiệt sức vì các xung đột, mâu thuẫn chính trị ngày càng gia tăng. 

Không phải là Bắc Kinh không thể giải quyết các vấn đề đó, nhưng tại sao lại phải đặt Hong Kong vào hoàn cảnh ấy? Không có phổ thông đầu phiếu thực chất, mâu thuẫn bên trong Hong Kong sẽ không bao giờ được xử lý và có thể sẽ bị các thế lực ngoại bang lợi dụng để chống lại Bắc Kinh. Điều đó còn gây nguy hại lớn hơn cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Tôi hy vọng Bắc Kinh, sau khi đã có những tính toán cẩn thận mà vẫn không thể tìm ra giải pháp nào tốt hơn là đàn áp OCLP, sẽ giải quyết một cách tích cực đòi hỏi của phong trào, là phải có phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong.

12/8/2014

GS. luật Benny Tai, ĐH Thành thị Hong Kong.
(Ảnh: Jenny W. Hsu/ Wall Street Journal)