Saturday 27 December 2014

Lịch sử blog Việt (cập nhật năm 2014)


2014

2/1: Báo Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài bốn kỳ “40 năm hải chiến Hoàng Sa”, tác giả Quốc Việt và Trần Nhật Vy. Cả báo chính thống (Thanh Niên, Tuổi Trẻ) lẫn truyền thông độc lập (Dân Làm Báo và các trang cộng đồng trên Facebook) đều mở chuyên đề tưởng niệm 40 năm cuộc huyết chiến (18/1/1974).

7/1: Tại phiên xử Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines), bị cáo Dương Chí Dũng khai đã được chính Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ mật báo tin bị “Thủ tướng chấp thuận lệnh khởi tố bắt tạm giam”. Hơn một tháng sau, tối 18/2, Phạm Quý Ngọ mất đột ngột vì ung thư gan, đặt dấu chấm hết cho các hoạt động điều tra, khởi tố.

8/1: Blogger Hồ Đức Thanh (sinh ngày 17/1/1981) qua đời vì bạo bệnh. Tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế, anh là một trong số rất ít blogger hoạt động nhân quyền ở Hà Nội sử dụng tiếng Anh và tham gia tích cực vào phong trào khai dân trí theo tinh thần Phan Chu Trinh. Một lớp học của Thanh đã bị công an bố ráp vào tối 13/8/2013 (xem 2013), anh và các bạn trẻ bị cướp máy tính, điện thoại, bị đưa về đồn thẩm vấn và đánh đập.

Tôi và nhiều người khác đã được biết Thanh là một người rất hiền lành. Dù nghĩ gì về chính trị, là thành viên của Ban Tuyên giáo hay là dân thường ở ngoài bộ máy, chúng ta phải phấn đấu hướng tới một nước Việt Nam thực sự đảm bảo nhân quyền. Riêng tôi sẽ nhớ Hồ Đức Thanh mãi” (TS. Jonathan London, giáo sư ĐH Thành thị Hong Kong, viết bằng tiếng Việt).


12/1: Lần đầu tiên, một phái đoàn gồm đại diện của sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam bắt đầu chiến dịch vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Mỹ và châu Âu. Phái đoàn gồm đại diện các tổ chức No-U Việt Nam, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống, Con Đường Việt Nam, và VOICE.

19/1: Các blogger ở Hà Nội tổ chức tưởng niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa tại tượng đài Lý Thái Tổ ven Hồ Gươm. Buổi tưởng niệm bị phá bởi một nhóm thợ đá kéo đến ngồi quanh tượng đài để cưa đá, tạo tiếng ồn và bụi bay mờ mịt, đồng thời dân phòng cũng được bố trí để bảo vệ tốp thợ đá này.

22/1: Ông Lê Hiếu Đằng, luật gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, mất vì bệnh. Trước đó hơn một tháng, ngày 4/12/2013, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đám tang ông (24/1), băng-rôn trên vòng hoa của Bauxite Việt Nam, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Ủy ban Công lý và Hòa bình, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, đều bị một nhóm người lạ xông vào cướp giật công khai. Trong số kẻ cướp băng-rôn, có người bị nhận diện là an ninh.

Việc bố trí lực lượng giật băng-rôn sẽ còn được lặp lại tại đám tang thầy giáo Đinh Đăng Định và nhà văn Bùi Ngọc Tấn.

30/1: Phái đoàn dân sự độc lập tổ chức Ngày Việt Nam tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva.

5/2: Phái đoàn dân sự độc lập tham dự buổi điều trần của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, theo cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR), chứng kiến cảnh phái đoàn của Việt Nam tảng lờ những câu hỏi chất vấn về nhân quyền theo phong cách “hỏi một đằng, trả lời một nẻo”.

11/2: Bà Bùi Thị Minh Hằng – một gương mặt nổi bật trong phong trào biểu tình chống Trung Quốc và đấu tranh cho dân oan – bị bắt tại Đồng Tháp cùng hai tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh. Hơn một tuần sau, thông tin về vụ bắt mới được công bố chính thức, nhưng cũng không dập tắt được dư luận về một màn kịch được dựng lên để bắt người.

17/2: No-U Hà Nội và nhiều blogger tổ chức tưởng niệm 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, dưới trời mưa lạnh. Từ sáng sớm, công an, dân phòng, thanh niên tình nguyện phường Lý Thái Tổ đã giăng băng-rôn lấn chiếm địa bàn. Tới cao trào, “quần chúng tự phát” được huy động đến nhảy điệu “Con bướm xinh” dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ.

18/2: Xử phúc thẩm luật sư Lê Quốc Quân với tội danh “trốn thuế”. Ông Quân bị tuyên y án hai năm sáu tháng tù, công ty của ông bị phạt hơn 1,29 tỷ đồng để sung quỹ nhà nước.

28/2: Sài Gòn Tiếp Thị, tờ báo chính thống gắn bó rất nhiều với các blogger từ thời Yahoo 360, ra số cuối cùng trước khi đình bản theo quyết định của Bộ Thông tin-Truyền thông. Bộ này cũng ký cho phép Thời báo Kinh tế Sài Gòn xuất bản một ấn phẩm có cái tên khó hiểu là “Sài Gòn Tiếp Thị bộ mới”, với đa số nhân sự mới và nội dung cũng không còn tính “chiến đấu” như trước.

1/3: Khủng hoảng bán đảo Crimea dẫn đến xung đột Nga-Ukraine: Quốc hội Nga ra lệnh can thiệp quân sự vào Ukraine để bảo vệ các lợi ích của Nga và những người nói tiếng Nga.

22/3: “Người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu Cầu được trả tự do sau hai lần ngồi tù với tổng thời gian sau song sắt lên tới 37 năm, vì tội chống chính quyền XHCN.

22/3-3/4: Xét xử sơ thẩm 5 viên công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều vào tháng 3/2012. Cả 5 bị cáo đều chỉ bị buộc tội “dùng nhục hình”, mặc dù luật sư Võ An Đôn – đại diện cho gia đình nạn nhân – khẳng định đó phải là tội giết người. Kết quả, hai trong số 5 thủ phạm hưởng án treo, người nặng nhất 5 năm tù giam, hai người còn lại 2 năm và 1,5 năm tù.

Tại phiên phúc thẩm ngày 9/7, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Kể từ khi nhận bảo vệ cho gia đình nạn nhân, luật sư Võ An Đôn bắt đầu phải đối diện với sự thù ghét và hành động trả đũa của phía công an, công tố viên và tòa án địa phương.

3/4: Thầy giáo Đinh Đăng Định, một tù nhân lương tâm, mất vì ung thư dạ dày sau không đầy một tháng được “đặc xá”. Ước tính có tới hàng nghìn người tham dự đám tang của ông (7/4).

7/4: TS. luật Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và sang Mỹ cùng vợ.

12/4: Thêm hai tù nhân chính trị – Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung – được trả tự do.

3/5: Trung Quốc triển khai giàn khoan dầu khổng lồ Haiyang Shiyou 981 ra Biển Đông, vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.

Cảnh sát biển Việt Nam đang quay phim 
cảnh tàu hải giám Trung Quốc tiến đến gần tàu Việt Nam.. (CNN)

5/5: Anh Ba Sàm – blogger nổi tiếng, chủ của trang web “Thông Tấn Xã Vỉa Hè” – bị bắt cùng với người trợ lý là cô Nguyễn Thị Minh Thúy. Cả hai cùng bị khởi tố theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân”.

7/5: Tòa phúc thẩm giữ nguyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT) và Mai Văn Phúc (TGĐ VinaLines) về tội tham ô.

11/5: Lần đầu tiên, 20 tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam cùng kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc, trả tự do cho những người yêu nước chống Tàu, như Ba Sàm, Điếu Cày, Bùi Thị Minh Hằng… Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều blogger ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và Nha Trang đã xuống đường. Đồng thời, một số gương mặt “biểu tình viên” quen thuộc, vốn là các nhà hoạt động nhân quyền, đã bị sách nhiễu, chặn đường không cho đi đến nơi biểu tình, thậm chí bị nhốt luôn trong nhà như blogger Nguyễn Văn Thạnh (Đà Nẵng).

12-14/5: Bạo loạn bùng nổ ở khu công nghiệp Bình Dương, nhân danh “chống Trung Quốc”. Thống kê không chính thức cho biết có tới 169 nhà máy bị đập phá, 14 công ty bị đốt. Hơn 400 người bị bắt.

Chiều 14/5, bạo loạn tiếp tục xảy ra ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và có xô xát giữa công nhân địa phương với công nhân Trung Quốc.

18/5: Các tổ chức xã hội dân sự tổ chức biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai. Công an đàn áp, đánh đập tàn tệ một blogger trẻ người Khmer tên là Vanda Lâm.

Trong những tuần tiếp theo, cộng đồng người Việt tại nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức biểu tình “tiếp lửa” cho trong nước: Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Ba Lan, Australia, Philippines.

21/6: Đỗ Thị Minh Hạnh – một trong những người đi đầu đấu tranh bảo vệ quyền lao động – được trả tự do sau hơn 4 năm tù. (Mức án tòa tuyên cho Minh Hạnh là 7 năm tù, vì tội “phá rối an ninh” theo Điều 89 Bộ luật Hình sự).

24/6: Một phái đoàn đại diện cho 10 tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước, tham gia phiên họp lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Geneva. Luật gia Trịnh Hữu Long trình bày báo cáo phản ánh tình trạng vi phạm nhân quyền gia tăng trong nước.

Nửa cuối tháng 6, lực lượng chống dân chủ ở Việt Nam bắt đầu sử dụng một chiêu thức mới để đánh phá trên mạng: Lợi dụng chính sách “báo cáo vi phạm” (report abuse) của Facebook, họ tập trung đánh phá cho đến khi Facebook phải đóng trang cá nhân của các nhà hoạt động nhân quyền.

Hơn 50 trang Facebook của các blogger ủng hộ dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam và người Việt ở nước ngoài đã bị đánh sập. Phía blogger phản ứng lại bằng cách lập các nhóm “báo cáo ngược lại”, và cuộc chiến tranh mạng bắt đầu leo thang. Sự việc chỉ chấm dứt sau khi một số blogger người Việt ở nước ngoài tổ chức được những cuộc tiếp xúc kín với đại diện tập đoàn Facebook để đề nghị được ủng hộ.

4/7: Việt Nam Thời Báo, tờ báo của Hội Nhà báo Độc lập, ra đời.

20/8: Nhà văn – nhà báo Trần Đĩnh công bố tác phẩm “Đèn Cù”, phần I. Phần II phát hành ngày 21/11. Cuốn sách tiết lộ nhiều bí mật cung đình của chính quyền và được xem như một sự giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh cũng như nhiều chính khách cộng sản khác.

26/8: Phiên xét xử sơ thẩm ba blogger Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh diễn ra tại Đồng Tháp. Tất cả các blogger đến dự đều bị ngăn chặn, không thể vào được phòng xử án. Tòa xử bà Hằng 3 năm, ông Minh 2 năm 6 tháng, và cô Quỳnh 2 năm tù vì tội “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự.

2/9: Mạng Lưới Blogger Việt Nam phát động phong trào “Tôi muốn biết”, đòi hỏi quyền được biết những thỏa thuận, ký kết có liên quan đến chủ quyền quốc gia, bắt đầu bằng Hiệp ước Thành Đô tháng 9/1990.

8/9: Một triển lãm đầu tiên về cải cách ruộng đất được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội. Tranh cãi nổ ra giữa những người cho rằng triển lãm vẫn không trung thực với lịch sử, và những người ủng hộ một nỗ lực phục dựng lịch sử, dù nhỏ nhoi. Một số nông dân kéo tới triển lãm phản đối. Ngày 12/9, triển lãm đóng cửa sớm (theo kế hoạch là kéo dài tới cuối năm).

19/9: Vợ chồng ông bà Trịnh Bá Khiêm – Cấn Thị Thêu, nông dân Dương Nội, bị xử lần lượt 18 và 15 tháng tù vì tội “chống người thi hành công vụ” (Điều 257 Bộ luật Hình sự). Một người khác là Lê Văn Thanh bị án 1 năm tù. Cả ba đều bị bắt sau khi phản kháng một vụ cưỡng chế đất đai diễn ra ngày 25/4 tại Dương Nội.

Hàng chục nông dân Dương Nội kéo đến phiên tòa nhưng không được tiếp cận phòng xử án. Ngay cả hai con của ông bà Khiêm-Thêu là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng phải đứng ngoài, hòa vào đám đông dân oan đòi công lý.

28/9: Biểu tình ủng hộ dân chủ làm rung chuyển Hong Kong. Phong trào Occupy Central thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, trong đó sinh viên đóng một vai trò nổi bật. Bất chấp việc cảnh sát dùng hơi cay giải tán, đám đông vẫn giữ tinh thần phi bạo lực. Biểu tình kéo dài ngay cả sau khi Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh tuyên bố không từ chức (2/10).

20/10 - 28/11: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII. Các quan chức tiếp tục để lại những câu nói để đời, làm trò cười cho cộng đồng mạng, như: “Không phong tướng, anh em tâm tư”. Với phát biểu này, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh được các blogger phong là “Đại tướng Phùng Tâm Tư”.

21/10: Blogger Điếu Cày được trả tự do và bị đưa sang Mỹ ngay lập tức, củng cố thêm dư luận về việc nhà nước “đem tù nhân lương tâm ra đổi chác với Mỹ”.

25/11: Tòa án Nhân dân tỉnh Long An thông báo với gia đình Hồ Duy Hải rằng Hải sẽ bị tử hình vào ngày 5/12/2014, bất chấp việc tiến trình điều tra, tố tụng đã có nhiều sai phạm, vi phạm hoàn toàn nguyên tắc “pháp trình chính đáng” hay “thủ tục tố tụng đúng chuẩn” (due process) trong luật pháp. Làn sóng phản đối, kêu oan cho Hồ Duy Hải lan truyền trên mạng xã hội và báo chí chính thống. Ngày 4/12, khi chỉ còn khoảng 10-12 tiếng trước giờ hành quyết, Phó Chánh án TAND Lê Quang Hùng viết bút phê xác nhận với gia đình Hồ Duy Hải về việc tạm dừng thi hành án.

29/11: Blogger Người Lót Gạch, tên thật là Hồng Lê Thọ, vốn là một giáo sư Việt kiều, bị bắt và khởi tố theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

4/12: Liên ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) gửi công văn yêu cầu Sở Tư pháp Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn – người bảo vệ gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Công văn nại lý do là luật sư Đôn đã “lợi dụng việc hành nghề, có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính”, “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”.

158 blogger trong nước và nước ngoài đã gửi thư cho liên ngành nói trên, tuyên bố ủng hộ luật sư Võ An Đôn và yêu cầu chính quyền địa phương chấm dứt sách nhiễu, trả thù ông Đôn.


6/12: Nhà văn Nguyễn Quang Lập, tức blogger Bọ Lập, chủ trang web Quê Choa, bị bắt, cũng theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, sau đó bị chuyển đổi tội danh thành Điều 88, tội “tuyên truyền chống Nhà nước”.

15/12: Phiên phúc thẩm vụ án bầu Kiên kết thúc sau hơn nửa tháng xét xử (phiên sơ thẩm kéo dài từ ngày 20/5 đến đến 9/6/2014). Đại gia một thời, Nguyễn Đức Kiên, bị y án 30 năm tù.

16/12: Cha mẹ của một tử tù khác – Nguyễn Văn Chưởng – đeo biển đứng trước cổng Tòa án Nhân dân ở Hà Nội, tuyệt vọng kêu oan cho con.

Hàng chục nông dân Dương Nội hưởng ứng, biểu tình kéo dài đòi công lý cho Nguyễn Văn Chưởng tại Tòa án và khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Sáng 25/12, No-U Hà Nội tổ chức tuần hành ủng hộ gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng: “Dù có thể bị bắt vì biểu tình, vì gây rối, vì rải truyền đơn hay vì bất cứ lí do nào khác nhưng chúng tôi chấp nhận vì đây là cách duy nhất chúng tôi có thể làm để cứu một người sắp chết oan trước sự quan liêu và thờ ơ vô cảm của các cấp chính quyền”.

18/12: Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả của Chuyện kể năm 2000 – cuốn sách có thể coi là xuất sắc của văn học Việt Nam bốn thập niên trở lại đây, một “quần đảo Gulag” của Việt Nam – qua đời vì bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 81 tuổi.

Tuesday 23 December 2014

Hòa thượng Thích Viên Lý: “Chính quyền không thể tránh luật nhân-quả”

Thầy Thích Viên Lý, trụ trì chùa Điều Ngự (Westminster, California), khẳng định như vậy khi nói về tình trạng tự do tôn giáo bị chà đạp liên miên ở Việt Nam nhiều năm qua. Ông là đại diện của Tăng đoàn Giáo hội Việt Nam Thống nhất Hải ngoại trong một phái đoàn Phật tử đến trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York gần đây để vận động cho nhân quyền Việt Nam.

- Thầy có thể cho biết mục đích chuyến đi vận động của phái đoàn?

- Mục đích của việc vận động là giúp cho những nhân chức của Cao ủy Nhân quyền LHQ hiểu rõ hơn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Tất nhiên, là một cơ quan đảm trách về bảo vệ nhân quyền, chắc chắn Cao ủy đã tìm hiểu để có thể biết rõ quốc gia nào tôn trọng, quốc gia nào không tuân thủ những gì họ đã cam kết – ví dụ Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Tuy nhiên, về phía người Việt Nam chúng ta, nếu chúng ta là nạn nhân mà lại không trực tiếp trình bày để giới chức LHQ hiểu một cách toàn triệt về những gì đang xảy ra ở Việt Nam thì rõ ràng là ta chưa làm tròn trách nhiệm công dân của mình, lương tâm của chúng ta sẽ vô cùng cắn rứt.

Quan trọng hơn, đồng bào ta trong nước, nếu bị chà đạp, cũng thấp cổ bé họng không làm sao cho thế giới biết được. Còn cộng đồng người Việt ở đây (California) thì có đầy đủ phương tiện, được tự do ăn nói, tự do đi lại. Cho nên, nếu chúng tôi không làm hết sức để bênh vực cho người trong nước, bảo vệ các quyền mà LHQ đã quy định và chính phủ Việt Nam đã ký cam kết tôn trọng, thì sẽ là vô cùng thiếu sót, không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình.

Đó là lý do tại sao sau khi có những vụ vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo xảy ra tại Việt Nam thời gian qua, chúng tôi đã quyết định tiến hành cuộc vận động này.

“Không bao giờ kỳ vọng quá mức”

- Lâu nay có một ý kiến, có lẽ cũng là băn khoăn của nhiều người hoạt động nhân quyền trong nước, là: Chúng ta đi vận động nhiều và lần nào quốc tế cũng quan tâm, nhưng không biết kết quả thực tế được đến đâu?

- Mặc dù LHQ là một tổ chức có quyền rất lớn, nhưng họ cũng gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử như chuyện 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an không phải lúc nào cũng đồng thuận. Cho nên chúng tôi luôn hy vọng, nhưng không bao giờ kỳ vọng một cách quá mức để rồi mình lại thất vọng. Đó là điều chúng tôi đã tự rèn cho mình. Dù đi vận động ở bất cứ đâu, cũng đừng bao giờ để tâm thức của mình rơi vào trạng thái thất vọng vì chuyện cơ quan này, tổ chức kia hứa hẹn mà lại không đáp ứng trọn vẹn.

Qua kinh nghiệm, chúng tôi học được một điều là: Không ai, dù người đó có khả năng thế nào, có thể đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của bất kỳ ai. Mình kỳ vọng ai đó đáp ứng tất cả nhu cầu của mình là không thực tế, vì mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều có giới hạn của họ, vả lại họ cũng có những nhu cầu riêng.

Đức Phật dạy: Cõi ta bà này là cõi bất toại nguyện, bất toại ý. Thành thử, chúng ta không bao giờ nên tìm sự tuyệt đối trong một thế giới tương đối cả.

Tất nhiên, tôi tin LHQ cũng hết lòng, trong khả năng có thể, để giúp đỡ chúng ta theo các công ước quốc tế, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của họ. Nhưng làm được tới đâu, thành tựu thế nào, thì còn phụ thuộc vào mức độ vận động của chúng ta và đối phương. Bởi vì chính quyền Việt Nam có tiền, có nhân sự, có chiến lược và kế hoạch, họ cũng rải người đi khắp nơi vận động chứ không phải chỉ mình chúng ta gõ cửa các trung tâm quyền lực như LHQ.

- Nói về kinh nghiệm của việc đi vận động rút ra từ lần này, nếu tự đánh giá hiệu quả thì thầy thấy có gì tốt, có gì cần cải thiện?

- Trước mắt, chúng tôi cảm thấy có một phần nào an lòng, rằng mình đã thể hiện trách nhiệm và bổn phận trước những khổ họa của dân tộc, của đồng bào trong nước. Có lẽ những người dân đang đối diện với bất công, phi lý, bạo lực ở Việt Nam cũng cảm thấy được an ủi, vì bên ngoài có những người đã và đang đồng cảm, tìm cách hỗ trợ họ.

Bên cạnh đó, ít ra các cơ quan quốc tế đang làm công tác nhân quyền cũng có thêm dữ kiện để đặt vấn đề với các quốc gia đã từng ký kết mà lại vi phạm thường xuyên điều ước quốc tế.

Còn kinh nghiệm rút ra từ chuyến đi mà chúng tôi muốn chia sẻ là: Điều quan trọng không phải chỉ là chúng ta đến tiếp xúc với cơ quan nào, ở thời điểm nào. Vấn đề ở đây còn là trước và sau cuộc tiếp xúc đó, chúng ta làm gì. Chúng ta có chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ trước khi chúng ta tiếp xúc với họ hay không? Và sau cuộc gặp, chúng ta có tiếp tục giữ liên lạc, tiếp tục cung cấp thông tin, tài liệu và nhắc nhở họ thường xuyên không?

Thế giới hiện nay có rất nhiều vấn đề nóng cần giải quyết, của toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia, dân tộc. Vậy thì những tổ chức nhỏ, những cá thể lẻ loi như chúng ta liệu có đủ thu hút sự chú ý của quốc tế trước cả ngàn sự kiện xảy ra mỗi ngày hay không? Làm sao để nhắc nhở thường xuyên, để người ta quan tâm đến những sự việc mình đang quan tâm? Làm sao để người ta có thể xem những gì mình đang xem trọng như là việc của chính bản thân họ? Có nhiều khi ta đến gặp họ, ta trình bày, rồi ta để mọi sự rơi vào khoảng trống của sự quên lãng. Như thế thì vừa mất thì giờ, mất công sức, vừa không đưa dẫn đến những thành quả tốt đẹp như chúng ta mong đợi.

Hòa thượng Thích Viên Lý (người thứ ba từ trái sang) trong phái đoàn Phật tử 
vận động cho nhân quyền Việt Nam, 8/12/2014.

Chùa Liên Trì – cái gai trong mắt chính quyền

- Khi trình bày với LHQ về nhân quyền ở Việt Nam, phái đoàn có nhấn mạnh đặc điểm gì của tình hình tự do tôn giáo?

- Đã hơn 1 năm kể từ ngày Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, tình hình nhân quyền chẳng những không được cải thiện mà còn đen tối hơn. Riêng trong lĩnh vực tự do tôn giáo, có thể kể đến ba trường hợp vi phạm mới nhất: Chùa Liên Trì – cơ sở cuối cùng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước đây tại Sài Gòn – đang bị chính quyền địa phương lên kế hoạch cưỡng chế mà không hỗ trợ di dời tái định cư, cho nên cũng giống như một cách san bằng, xóa sổ. Chùa An Cư (Đà Nẵng) do Đại đức Thích Thiện Phúc trụ trì cũng trong tình trạng tương tự. Và đặc biệt là Đại đức Thích Thiện Tâm ở chùa Phước Bửu (Bà Rịa-Vũng Tàu) bị hành hung thô bạo bởi những công an mặc đồng phục – tôi xin nhấn mạnh là “đồng phục”, chứ không phải là dưới dạng côn đồ hay xã hội đen.

- Hiện giờ tình hình cưỡng chế đất đai nhà chùa thế nào?

- Chùa Liên Trì của hòa thượng Thích Không Tánh đang ở trong tầm ngắm của chính quyền. Đó là ngôi chùa mà những tổ chức xã hội dân sự gần đây xem như là nơi tụ họp hàng tháng. Đó cũng là nơi mà thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, cô nhi, người nghèo đói, bệnh tật thường tìm đến để được giúp đỡ. Tất nhiên, sự giúp đỡ có giới hạn vì chùa chẳng phải là cơ sở kinh doanh giàu có gì.

Khi chính quyền lên kế hoạch giải tỏa chùa Liên Trì, thật ra đâu phải vì họ cần một mảnh đất để làm khu thương mại. Mà nguyên nhân là vì chùa Liên Trì đã trở thành cái gai trong mắt họ. Đó không chỉ là trung tâm cứu tế mà còn là trung tâm đối kháng, cho nên họ phải tìm cách cưỡng chế. Ngoại trừ một văn bản viết vài điều chung chung, còn lại họ toàn nói miệng để không có bằng chứng nào để ta dựa vào đó mà khiếu kiện.

Hãy đấu tranh vì công lý

- Chính quyền Việt Nam thường củng cố một quan điểm thế này: Người tu hành thì cứ lo việc tu thôi chứ lo làm gì việc đời. Nhà nước thu hồi đất thì nhà chùa có nghĩa vụ phải chấp hành, chứ chống đối thì như thế là gây rối, phạm pháp. Thầy nghĩ sao về điều đó?

- Quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm, nếu không nói là vô minh. Bởi vì, tất cả lãnh đạo các tôn giáo đều hướng dẫn tâm thức của con người về cái thiện, để đạt được cứu cánh tối hậu là sống trong tuệ giác, trong sự hiểu biết. Sức mạnh của đạo Phật là gì? Là từ bi và trí tuệ. Cho nên sứ mệnh của chúng tôi là khai dụng đúng mức sức mạnh nội tại đó để chuyển hóa niềm đau, nỗi khổ của tha nhân. Mình nói hai chữ “từ bi”, nhưng người ta đến cướp đất của dân, mình không có một thái độ nào trước sự bất công, phi pháp đó thì chữ “từ bi” ấy có giá trị và ý nghĩa gì?

Đất của chùa là đất để thờ phụng. Chúng tôi coi mỗi ngôi chùa như một trung tâm bảo vệ nhân quyền, một trung tâm của từ thiện xã hội, của văn hóa giáo dục. Vậy mà người ta ngang nhiên cướp đi những mảnh đất như thế, thì bổn phận của người trong chùa hoặc của quần chúng có liên hệ trách nhiệm đến ngôi chùa đó, là phải bảo vệ nó. Đất là của nhà chùa, thì nhà nước có trách nhiệm phải bảo vệ theo đúng hiến pháp. Nếu nhà nước đến để chiếm dụng thì là phi pháp. Chính những người đang thực thi công vụ đã giẫm đạp lên hiến pháp mà nhà nước ban hành chứ ai? Người phạm pháp phải bị nghiêm trị, chứ không thể gán hai từ “phạm pháp” cho người bảo vệ tài sản của mình.

- Chính quyền nói, sư sãi chống lại chủ trương của nhà nước tức là ủng hộ bạo lực và tạo nghiệp xấu…

- Tạo nghiệp là gì? Trước hết phải hiểu nghiệp xuất phát từ đâu. Từ ba nơi, thứ nhất là tâm, tức là ý. Thứ hai là khẩu, tức là lời nói. Thứ ba là hành động.

Mình không muốn những người cướp đất chùa tạo ra những nghiệp bất thiện, sẽ đọa vào cảnh giới khổ đau. Vì từ bi, thương họ, nên mình phải chặn đứng những hành động tạo ra ác nghiệp. Cái đó mới là tâm từ bi. Còn mình nói từ bi mà thấy người khác phạm pháp, làm việc tội lỗi, chuốc lấy hậu quả khổ đau, mình không ngăn chặn, thì mình đâu phải là người đang hành giáo lý từ bi?

Tôi lấy ví dụ, thấy một sát thủ cầm súng chuẩn bị sát hại những học sinh vô tội mà mình cứ ngồi “Nam Mô A Di Đà Phật”, chứ không tước lấy khẩu súng đó hoặc không kêu cảnh sát đến cứu các học sinh, thì mình có từ bi hay không? Từ bi nguyên nghĩa là “từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ”. Mình dâng hiến lòng yêu thương đích thực cho tất cả muôn loài chớ không phải là gieo khổ đau, tạo thù oán. Đó là nghĩa của “từ”. Còn “bi”, tức là mình nhổ sạch cội rễ của khổ đau, chứ không phải chỉ trên ngọn. Thấy người khác lâm vào tình cảnh bất công thì mình phải ra tay hành động để cứu thế.

Dường như người cộng sản không hiểu từ bi là gì, sứ mệnh thiêng liêng cao cả của những tu sĩ Phật giáo như thế nào, tôn giáo có nhiệm vụ ra sao đối với xã hội, đất nước. Hoặc giả họ hiểu đấy, nhưng họ cố ý định hướng sai lạc để dễ bề thao túng quần chúng cho họ muốn làm gì thì làm.

Chỉ dùng bạo lực, chính quyền không thể trụ được

- Nếu có thể dành cho chính quyền một lời khuyên thì thầy khuyên gì chính quyền Việt Nam?

- Họ cần ý thức rõ rằng bạo lực không thể chặn đứng cái ác. Nhưng tôn giáo thì có thể. Ở tình trạng lý tưởng, khi con người ý thức rõ được về luật nhân-quả thì không cần có cảnh sát, pháp luật. Tôi lấy thí dụ: Ở Mỹ, dân chúng chạy xe trên xa lộ thường không đi quá tốc độ hay vượt đèn đỏ, vì sợ cảnh sát phạt tiền. Vấn đề là nếu không có vé phạt thì ai nấy có thể tha hồ chạy xe, tạo ra vô số nguy hiểm. Nhưng nếu chúng ta ý thức được hiểm nạn xảy ra đối với bản thân và với người khác thì chúng ta sẽ tự chế. Dù có hay không có cảnh sát nhưng khi đã ý thức được luật nhân-quả, ý thức được nhân là lái xe quá tốc độ, quả là tai nạn, thì chúng ta sẽ đều cố gắng làm sao để bảo vệ chính mình và mọi người.

Nếu mọi người dân đều hiểu được luật nhân-quả thì họ sẽ không làm điều ác, và như vậy thì xã hội sẽ thái bình, đất nước sẽ ổn định.

Nếu chính quyền Việt Nam để cho các tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh đạo đức của dân chúng thì xã hội đâu loạn lạc như ngày nay? Nhà nước không tốn gì cho tôn giáo mà lợi ích tôn giáo mang lại cho đất nước rất lớn lao.

Chúng tôi khuyên họ cố gắng thấy được điều này: Chỉ dùng bạo lực để trấn áp và xem quần chúng như kẻ thù chứ không phải người thân thì họ không thể an ổn được đâu. Nên họ phải tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến, tôn trọng truyền thống văn hóa, tâm linh của dân. Họ mà làm được như vậy thì các tôn giáo đâu có lý do gì để chống họ? Đằng này, làm mất lòng dân, đàn áp tôn giáo, để tạo sự bất mãn lớn lao thì chắc chắn chế độ không thể nào đứng vững được.

Chính quyền phải hiểu rằng họ có thể che đậy nhiều việc nhưng không che đậy được sự thật, họ có thể trốn tránh nhiều thứ nhưng không thể tránh được luật nhân-quả.

Hãy nhìn Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq. Đã có thời đến những cái bồn rửa mặt của ông ta cũng dát vàng, ông ta sống trong nhung lụa, quyền lực. Nhưng do tham vọng và tinh thần chấp ngã, ông ta phải trốn chui trốn lủi mà cuối cùng bị treo cổ. Mạng mất, tài sản tích lũy nhiều chục năm cũng tiêu luôn. Đó là tấm gương nhãn tiền cho những người cộng sản không tin luật nhân-quả mà liên tục làm điều ác. Mình thấy mà thương thay cho họ, cho những kẻ vô minh.

Monday 15 December 2014

Kết quả đấu tranh với đối tượng Nguyễn Quang Lập

Vụ việc hôm ấy vừa bắt sống được đối tượng lại vừa trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Trước hết là ta đảm bảo yếu tố bất ngờ. Tận dụng buổi sáng sớm thứ bảy, là ngày nghỉ, cơ quan nhà nước thường không làm việc, đúng lúc đối tượng không ngờ nhất, ta tiến vào yêu cầu mở cửa. Sợ nếu đột ngột quá có thể làm đối tượng manh động và phản ứng không có lợi, chiến sĩ ta mưu trí, linh hoạt nói: “Bọn tôi là bên bảo vệ, lên phòng xem phòng cháy, chữa cháy”. Quả nhiên, vợ Lập mở cửa. Anh em ập vào, trực diện đương đầu với đối tượng. Trận này không giống với trận Tiên Lãng ở một cái là vợ chồng Lập ở nhà chung cư, nên anh em không phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu. Nhưng cũng rất hay, có sự phối kết hợp rất đẹp giữa địa phương, quần chúng với an ninh.

Nhờ mưu “phòng cháy, chữa cháy”, sau khi vợ Lập mở cửa, ta ập ngay vào bên trong, lao thẳng vào phòng khách rồi phòng ngủ, có dấu hiệu là nơi Lập làm việc. Bị bất ngờ, Lập trở tay không kịp, bị ta bắt quả tang đang ngồi bên máy tính. Ta nhanh chóng đọc lệnh bắt, đồng thời tiến hành thu giữ tang vật của vụ án là toàn bộ hệ thống máy tính, ổ cứng, bàn phím, con chuột.

Tiếp tục tinh thần đấu tranh quyết liệt với tội phạm, ta đưa Lập về cơ sở điều tra khai thác ngay. Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận đã có hành vi đăng tải trên blog “Quê Choa” nhiều bài viết có nội dung xấu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào năng lực và vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.

Lúc đầu, đối tượng còn nói cứng, viện dẫn quyền tự do ngôn luận để bào chữa cho hành vi phạm tội của mình. Một lần nữa, ta vận dụng linh hoạt luật pháp, kiên quyết buộc Lập phải thừa nhận đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích Nhà nước. Được biết Lập bị tiểu đường nặng, cần dùng thuốc thường xuyên, vợ chăm sóc hàng ngày, điều tra viên khéo léo dùng đòn tâm lý với đối tượng:

- Anh Lập ạ. Thực sự anh có tinh thần xây dựng, muốn đóng góp ý kiến xây dựng Đảng thì anh sẽ tìm ra cách. Thiếu gì cách. Ví dụ – đây là tôi lấy ví dụ thôi nhé – anh có thể gửi thư riêng đến các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Chứ ai lại đi đưa lên blog công cộng như thế cho mấy đứa trên mạng nó đọc, rồi nó lợi dụng, nó bàn ra tán vào này nọ. Mình thấy nó hưởng ứng mình, mình tưởng thế là hay, chứ thực ra bọn nó chỉ lợi dụng mình thôi. Anh xem đấy, đến lúc anh bị bắt thì đứa nào giúp anh? Nói thực, bọn tôi rất thông cảm với anh. Hoàn cảnh mình như thế, bệnh tật như thế, anh tính thử xem, mấy ngày không có thuốc đã đủ chết chứ nói gì tới mấy năm ăn cơm trại…

Quan sát thấy đối tượng im lặng, mặt đã hơi biến sắc, chiến sĩ ta nhanh trí bồi thêm:

- Từ giờ phút này là chỉ có anh mới cứu được anh thôi, anh Lập ạ. Chúng tôi đã gặp chị nhà, chị tốt quá, thương anh lắm. Anh có thương chị không?

Lập tần ngần, cúi đầu. Ta đánh đòn dứt điểm:

- Anh hợp tác với chúng tôi sớm thì sẽ được ra sớm. Trước mắt gia đình có thể làm đơn xin cho anh tại ngoại, chúng tôi sẽ xem xét ngay. Mà anh cũng nhắn gia đình bảo cái bọn lóc-gơ lóc-ghiếc đang làm loạn lên ở ngoài ấy, in ít cái mồm thôi, chứ chúng nó càng quang quác lên là càng hại anh thêm đấy. Bình thường án chỉ dăm năm, nếu anh hợp tác thì có khi còn ra sớm, ra luôn tuần sau. Còn mà cứ ầm ĩ trên mạng thì chỉ càng thêm nặng tội, chúng tôi bảo thật.

Lập gục hẳn. Thế là chỉ sau một ngày đấu tranh quyết liệt, từ lúc mưu trí, sáng tạo đột nhập vào nhà đối tượng, đến lúc đánh vào tâm lý (khai thác việc đối tượng bị tiểu đường, tàn tật…), ta đã buộc được Nguyễn Quang Lập phải khai nhận hành vi vi phạm pháp luật và xin hưởng khoan hồng. Đi xa hơn một bước, ta buộc đối tượng cam kết từ bỏ hoạt động vi phạm pháp luật để tập trung vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phục vụ xã hội. Ta tiếp tục đạt thắng lợi lớn khi đồng thời, đấu tranh làm tan rã ý chí của các phần tử phản động đang mưu đồ tìm cách “làm truyền thông”, “vận động” để gỡ tội cho Lập.

------------------

Xin lưu ý các cụ các bác: Trên đây là một bản "báo cáo kết quả đấu tranh" do nhà cháu bịa ra, không nhất thiết trùng khớp với thực tế.

Sunday 14 December 2014

Những câu hỏi và trả lời đơn giản nhất về nhân quyền


(Luật Khoa tạp chí) Ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12) năm nay, mời các bạn cùng Luật Khoa tạp chí tìm hiểu những điều căn bản nhất về nhân quyền, thông qua những câu hỏi và trả lời đơn giản nhất: Nhân quyền là gì? Tại sao cần hiểu về nó? Có thể chăm lo cho quyền này trước, gác quyền kia lại sau không? v.v.

Nhân quyền là gì?

Như chính cái tên gợi ra, nhân quyền là quyền được sống như một con người. Đó không phải là những quyền mà một người kiếm được, được ban cho, hay được kế thừa từ người khác. Chúng là những quyền cố hữu, cơ bản mà một người nghiễm nhiên được hưởng và được bảo vệ, và các tổ chức và cá nhân khác phải thừa nhận và tôn trọng. Nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cho phép chúng ta triển nở đầy đủ và phát huy được hết phẩm chất người của mình.

Khái niệm nhân quyền được phát minh như thế nào?

Nhân quyền là sáng tạo của con người. Chúng ra đời từ cảm giác bất công mà con người phải trải qua khi nhân tính của họ bị chối bỏ hoặc bị ngược đãi. Chúng dựa trên nhu cầu ngày càng tăng của con người về một cuộc sống trong đó nhân phẩm và các giá trị cố hữu của mỗi người đều được tôn trọng và bảo vệ. Nhân quyền đưa vào trật tự tự nhiên của thế giới ý niệm về sự công bằng, do đó mang lại cho sự tồn tại của con người một ý thức và mục đích cao hơn.

Nhân quyền có khác nhau tùy theo dân tộc không?

Không. Nói cách khác, không có “nhân quyền của người Mỹ”, “nhân quyền Việt Nam”, “nhân quyền của đàn ông”, “nhân quyền của phụ nữ”.

Nhân quyền là các quyền con người. Đó là những quyền luân lý có tính phổ quát cần được tôn trọng mà không phân biệt giới tính, màu da, tôn giáo, độ tuổi, sắc tộc, tầng lớp, quan điểm chính trị, v.v. Chúng là những quyền tự nhiên, thuộc về mọi người chỉ đơn giản là vì họ là con người. Ý niệm cơ bản về những quyền như vậy tồn tại ở tất cả các nền văn hóa và các xã hội dưới dạng thức nào đó. Ngay cả khi luật pháp quốc gia không công nhận hay bảo vệ những quyền này, người dân của đất nước đó vẫn có những nhân quyền bất khả xâm phạm, và không ai có thể phủ nhận.

Nhân quyền có phụ thuộc vào văn hóa không?

Câu hỏi này gần giống câu hỏi trên, cho nên câu trả lời cũng tương tự: Không. Tính phổ quát là nguyên tắc cơ bản để hiểu nhân quyền – nói cách khác nhân quyền được áp dụng bình đẳng cho mỗi người và cho tất cả mọi người bất kể họ đang sống trong văn hóa nào.

Tuy vậy, hiện nay một số chính phủ và phong trào vẫn tranh cãi gay cắt và thậm chí bác bỏ nguyên tắc này vì lý do không phù hợp văn hóa, truyền thống, thuần phong mỹ tục v.v. Thật ra, lý do văn hóa thường được dùng để biện minh khi tổ chức hoặc cá nhân vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.


Tại sao cần biết quyền của mình?

Vấn đề nhân quyền liên quan và có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, không loại trừ một cá nhân nào. Mặc dù có nhiều nỗ lực thúc đẩy nhân quyền trên thế giới, song ở nhiều nơi các chính phủ và các cá nhân vẫn tiếp tục có những hành động chà đạp nhân quyền như tra tấn, bức cung, giam giữ tùy tiện, giết người, v.v. Vì vậy, trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về nhân quyền và quyền tự do cơ bản là việc làm quan trọng để chúng ta có thể ngăn chặn được các hành vi xâm phạm nhân quyền của bản thân.

Những cá nhân và chính phủ không tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền phải chịu trách nhiệm với người dân của đất nước mình cũng như với cộng đồng quốc tế. Bằng việc hiểu các quyền con người, một cá nhân có thể hình thành ý thức trách nhiệm không chỉ trong hành động của mình, mà trong việc bảo vệ và ủng hộ nhân quyền, cũng như bày tỏ sự lo lắng dành cho những người bị vi phạm nhân quyền. Vấn đề vi phạm nhân quyền chỉ có thể được giải quyết nếu người ta nhận ra các quyền cơ bản của mình và sẵn sàng nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của mình cũng như của người khác.

Chúng ta cũng chỉ có thể đạt được sự công bằng xã hội và tự do cho người khi tôn trọng và thực hiện nhân quyền.

Về phía chính quyền, sự phủ nhận, chối bỏ nhân quyền sẽ tạo ra những điều kiện gây bất ổn về chính trị và xã hội, gieo mầm mống bạo lực và xung đột xuống các xã hội và các quốc gia.

Có thể ưu tiên chăm lo quyền này trước, quyền kia sau không?

Những người chủ trương “phải ấm cái thân trước” cho rằng các quyền dân sự và chính trị cá nhân chỉ là thứ xa xỉ trong một xã hội không đủ cơm ăn, áo mặc, và chỉ nên trao cho người dân những quyền này khi các nhu cầu cơm ăn, áo mặc, chăm sóc sức khỏe được đảm bảo.

Những lý lẽ ủng hộ (nhóm) quyền này mà bỏ qua (nhóm) quyền kia như vậy đều lờ đi tính bất khả phân tách của nhân quyền. Sự tôn trọng các quyền dân sự và chính trị không thể tách rời khỏi quyền được hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Một đất nước sẽ không thể đạt được sự phát triển kinh tế và xã hội đích thực nếu người dân không được tham gia vào quá trình điều hành đất nước mình.

Nhân quyền bao gồm những quyền gì?

Trải qua hàng trăm năm đấu tranh, phát triển từ những ý tưởng thô sơ về quyền của tầng lớp quý tộc, đến quyền của người da trắng, đến quyền của những nhóm yếu thế như người da màu và phụ nữ, các quyền cơ bản nhất của con người đã được đúc kết thành 30 điều của Tuyên ngôn Phố quát về Nhân quyền (1948) và được coi là khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia.

Năm 1966, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua hai công ước quốc tế định nghĩa chi tiết hơn nữa các quyền này – Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tập trung vào các quyền cá nhân, và Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) nghiêng về các quyền chung và trách nhiệm của nhà nước. Cùng với nhau, ba văn kiện đã làm thành Bộ luật Nhân quốc Quốc tế, và bộ luật này được sử dụng như một tiêu chuẩn hành vi và là cơ sở để yêu cầu chính phủ các nước phải tuân thủ nhân quyền.

Quyền dân sự và chính trị

Theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, tất cả các chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ quyền sống, quyền tự do, và quyền hưởng an toàn cho tất cả các công dân của mình. Các chính phủ cũng phải bảo đảm không ai bị biến thành nô lệ, không ai bị tra tấn, hay giam giữ tùy tiện. Mọi người đều được hưởng quyền được xét xử công bằng. Các quyền tự do tư tưởng, biểu đạt, lựa chọn tín ngưỡng và tôn giáo cũng phải được bảo vệ. Công ước này khẳng định mọi người có quyền tự do tư tưởng, tiếp cận thông tin, quyền tự do hành động và lựa chọn việc làm, cũng như quyền tự do tham gia chính trị trong cộng đồng và xã hội của mình.

Cụ thể, các điều từ điều 3 tới điều 21 của Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền xác lập các quyền dân sự và chính trị mà ai cũng được hưởng, bao gồm các quyền sau: 
  • Quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân;
  • Không bị bắt làm nô lệ và tôi đòi;
  • Không phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục;
  • Không bị bắt bớ, cầm tù hay lưu đày tùy tiện;
  • Quyền được xét xử công bằng;
  • Không bị xâm phạm tùy tiện về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm;
  • Quyền tự do di chuyển và cư trú, trong phạm vi biên giới của quốc gia.
  • Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở;
  • Quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác.
  • Quyền kết hôn và lập gia đình;
  • Quyền sở hữu tài sản;
  • Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo;
  • Quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm;
  • Quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa;
  • Quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, và quyền tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ công.

Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa

Theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, tất cả các chính phủ đều được kỳ vọng không ngừng nỗ lực cải thiện điều kiện sống công dân. Chẳng hạn, chính phủ phải nỗ lực bảo đảm cho mọi người dân quyền có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, hưởng an sinh xã hội, được học tập và làm việc, v.v… Các quyền này cần được thúc đẩy bình đẳng, phân biệt đối xử giới tính, độ tuổi, sắc tộc, tín ngưỡng tôn giáo v.v. Đây là những quyền bảo vệ tất cả mọi người trước nguy cơ bị tước đi những nhu cầu sống cơ bản.

Cụ thể, các điều từ 22 tới 27 xác lập tất cả mọi người đều được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa sau: 
  • Quyền hưởng an sinh xã hội;
  • Quyền được làm việc,
  • Quyền được hưởng lương bổng như nhau; quyền thành lập và tham gia các nghiệp đoàn;
  • Quyền nghỉ ngơi và giải trí;
  • Quyền được hưởng một mức sống no ấm, phù hợp cho sức khỏe;
  • Quyền được học tập;
  • Quyền được tự do tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
  • Các quyền môi trường và phát triển

Đôi khi còn được gọi là nhóm quyền “thế hệ thứ ba”, các quyền này khẳng định tất cả mọi người đều có quyền được phát triển và được sống trong một môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm. Dù tên gọi trên có thể gây đôi chút hiểu nhầm, song thực chất nhóm quyền này không tách rời khỏi các nhóm quyền được bảo vệ trong hai công ước quốc tế về quyền năm 1966. Ngay điều 1 của hai công ước đã nêu rõ tất cả mọi người đều có quyền tự quyết và tự do xác định tình trạng chính trị và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của riêng mình.
Tính phổ quát của nhân quyền đã được tái khẳng định trong Tuyên bố Vienna mà Hội thảo Thế giới về Nhân quyền thông qua năm 1993. Tuyên bố này khẳng định “Bản chất phổ quát của các quyền con người và quyền tự do là không thể bàn cãi” và rằng “tất cả các quyền con người đều phổ quát, không thể tách rời, phụ thuộc và có liên quan với nhau”.