Saturday 17 February 2018

Hèn có hệ thống

Sáng nay (17/02/2018), tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, dù mới là mồng 2 Tết Mậu Tuất và trời còn lạnh, nhưng chính quyền công an đã chuẩn bị sẵn sàng biện pháp ngăn chặn những người dân đến tượng đài Lý Thái Tổ thắp hương tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Quốc, bằng cách xua một loạt "quần chúng" cao tuổi vào khu vực, ôm eo nhau nhảy múa, khiêu vũ.

Ảnh: Nguyễn Minh Công.
Hồi 17/02/2013 thì nhà cầm quyền bố trí quần chúng, gồm cả bà già mặc áo hai dây, ra chân tượng đài múa điệu "Con bướm xinh".

Đợt 19/01/2014 (tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa) thì công an, dân phòng cải trang làm thợ đá đến cưa đá, tạo tiếng ồn và bụi mù mịt, cũng ở khu vực này.

Đó là các biện pháp ngăn chặn có tính chất ngắn hạn. Còn về dài hạn thì chính sách của Hà Nội còn thâm hiểm hơn nữa.

Chẳng hạn, nhà cầm quyền cho xoá bỏ tên các đường phố đặt theo tên liệt sĩ chống Tàu cộng. Sau năm 1975, phố phường ở các đô thị lớn, nhất là Sài Gòn, dày đặc tên các thể loại anh hùng, liệt sĩ, dân quân, du kích, biệt động trong chiến tranh chống Pháp hay Mỹ. Lắm người mà đại đa số dân chúng có khi chẳng biết là ai, đúng là xứ sở "ra ngõ gặp anh hùng" có khác. Nhưng chắc chắn là trong số đó, chẳng có tên một liệt sĩ chống Trung Quốc nào.

Nhà cầm quyền cũng chủ trương không nhắc tới các liệt sĩ hy sinh trong Chiến tranh Biên giới 1979, rút tên họ khỏi sách lịch sử, thu hồi, không lưu hành các văn hoá phẩm (sách báo, bài hát…, nếu còn) viết về họ. Lê Đình Chinh, Hoàng Thị Hồng Chiêm… tới nay không chỉ là những liệt sĩ mà còn là nạn nhân của một chính sách xoá bỏ lịch sử, cố gắng làm các thế hệ sau quên lãng một cuộc chiến đẫm máu do nhà cầm quyền bạo ngược của hai nước cộng sản gây nên.

Thâm hiểm hơn nữa là việc cấm biểu diễn, lưu hành các nhạc phẩm, ca khúc chống Tàu, ví dụ như "Chiến đấu vì độc lập tự do" của nhạc sĩ Phạm Tuyên (hay còn được nhiều người gọi là bài "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới"), "Lời tạm biệt lúc lên đường" của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, "Lena Belicova" của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ…

Ca khúc hoặc tác phẩm văn học nào nổi tiếng quá và lời lẽ không chống Tàu lộ quá thì có thể vẫn được "chiếu cố", nhưng cũng bị sửa đi nhiều so với bản gốc. Còn lại, hầu hết các ca khúc liên quan tới cuộc chiến năm 1979 đều biến mất, nghĩa là không còn được biểu diễn trên các sân khấu lớn, trên sóng truyền hình, hay ghi âm, in ra sách… Việc không lưu hành những bài này là theo một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, từ sau năm 1991. Truyện ngắn "Mặt trời bé con của tôi" của nhà văn Thuỳ Linh bị rút khỏi sách giáo khoa một cách không thương tiếc, hẳn là vì nhân vật chính của truyện là một liệt sĩ trẻ chống Tàu.

Ôi, giá mà các chính sách vì quốc kế, dân sinh của Hà Nội đều "có hệ thống", có "tầm nhìn xa" như vậy!

Đến đây chắc các dư luận viên hoặc những thành phần có não trạng dư luận viên sẽ lại rống lên: Quá khứ khép lại, tương lai mở ra, sao chúng mày cứ bàn mãi về chuyện đã qua thế, sao cứ khoét mãi vào giai đoạn quan hệ hai nước Việt-Trung gặp trục trặc thế, muốn gieo rắc thù hận à?

Tất nhiên, họ có quyền hỏi, kể cả quyền rống lên như vậy. Nhưng họ thật là mặt dày khi không bao giờ đặt câu hỏi: Vì sao lại không cấm luôn cả "Nguyễn Viết Xuân", "Bế Văn Đàn sống mãi", "Cô gái vót chông", nhất là "Cô gái vót chông" với những ca từ như: "Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù, xiên thây quân cướp nào vô đây", "Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo, em chưa ngừng tay vót chông"…

Và mới đây thôi, sát giao thừa rồi, nhà nước vẫn còn hân hoan kỷ niệm "chiến thắng" Mậu Thân 1968…


Friday 16 February 2018

Cảm ơn các bạn vì giải thưởng, nhưng...

14/02/2018

Cách đây khoảng hai tuần, tôi có nhận được tin là mình sẽ được trao giải Homo Homini của tổ chức nhân quyền quốc tế People in Need.

Homo Homini tiếng Latin nghĩa là "Từ người đến người". Đây là một giải thưởng nhằm vinh danh những cá nhân "có cống hiến cho sự phát triển về nhân quyền, dân chủ, và giải pháp phi bạo lực cho xung đột chính trị".

Giải này bắt đầu được trao từ năm 1994, tạm dừng năm 1995-1996 và tiếp tục từ năm 1997 đến nay. Việt Nam từng có ba người nhận Homo Homini vào năm 2002, là hoà thượng Thích Huyền Quang, hoà thượng Thích Quảng Độ và linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý.

Năm 2008, học giả-nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba và tất cả những cá nhân ký tên trong Hiến chương 08 được trao giải.

Homo Homini không có phần thưởng tài chính (hiện vật hoặc tiền mặt) đi kèm, và đó là lý do để tôi đồng ý nhận giải sau khi ra sức từ chối.

Thực sự, tuy cảm ơn People in Need và nói "I'm very happy to be granted the award" (tôi rất mừng được nhận giải), nhưng tôi cũng không biết mình nên cảm thấy gì. Giá như đó là một giải thưởng nào đó chứng tỏ sự văn minh, dân chủ và phát triển của đất nước, thì tất cả chúng ta, trong đó dĩ nhiên có tôi, sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu.

Chừng nào một quốc gia còn có người được trao những giải thưởng về nhân quyền-dân chủ, chừng đó, quốc gia đó còn có rất nhiều vấn đề. Riêng Việt Nam thì không chỉ là "có vấn đề" mà còn bất bình thường nữa, bởi vì ở nơi đây, dân chủ-tự do-nhân quyền-xã hội dân sự là những khái niệm nhạy cảm, những đề tài cấm kỵ; người ta có thể đi tù tới 10 năm vì viết facebook, 14 năm vì biểu tình ôn hoà…

Có lẽ đại diện của People in Need cũng không được vui với thái độ của tôi; họ hỏi nhau rằng "sao cô ấy chẳng vui gì cả".

Rõ ràng là khó có thể vui khi mình được trao một giải quốc tế về nhân quyền - chỉ dấu cho sự mất dân chủ và vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.

Khó có thể vui khi mình nhận giải này trong tình cảnh nạn vi phạm nhân quyền và chà đạp công lý tiếp tục gia tăng, với hơn 100 người bị bắt giam kể từ năm 2016 đến nay vì đã biểu tình hoặc làm truyền thông độc lập, nhiều bản án nặng nề giáng xuống đầu những nhà hoạt động ôn hoà - mà đằng sau mỗi bản án dành cho cá nhân là cả gia đình chịu nạn chung.

Khó có thể vui khi vào thời khắc này, khi chỉ còn không đầy 48 tiếng nữa là giao thừa, chúng ta vẫn phải nghĩ đến và xót xa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Thuý Nga, Lê Thu Hà, Hoàng Đức Bình, và nhiều người khác đang mòn mỏi từng giờ trong xà lim.

------

Ngày hôm qua, 13/2 (tức 28 Tết), 26 cá nhân - là những người ủng hộ dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam - đã cùng ký vào một bức thư ngỏ gửi Thuý Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, để thiết tha kêu gọi họ chấp nhận rời nhà tù đi tị nạn ở xứ sở tự do.

Tôi cảm ơn People in Need đã trao giải Homo Homini 2017, cảm ơn tất cả các bạn đã chúc mừng và rất, rất trân trọng tất cả những lời chúc mừng.

Tôi sẽ cảm ơn People in Need nhiều hơn nữa nếu họ giúp chúng ta gióng lên một hồi chuông cảnh báo quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền và mất dân chủ ở Việt Nam hiện nay.

Và tôi sẽ vô cùng cảm ơn các bạn nếu các bạn giúp tôi phổ biến lá thư ngỏ gửi Thuý Nga và Như Quỳnh, cũng như tìm mọi cách để Thuý Nga và Như Quỳnh không phải tiếp tục những năm tháng đoạ đày trong nhà tù cộng sản nữa.

Và không chỉ có họ...


Wednesday 7 February 2018

"Ta sẽ không quên bao giờ..."

Có nhà báo nước ngoài từng hỏi tôi: "Điều gì đã xảy ra với Hoàng Bình vào ngày 14/2/2017?".

Nếu ai đó hỏi bạn câu tương tự, bạn sẽ nói gì?

Tôi thì tôi trả lời rằng:

Đó là một ngày thứ ba đen tối, ngày Valentine đẫm máu (14/2/2017). Hàng nghìn người dân ở giáo xứ Song Ngọc (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã đi bộ từ sáng sớm để đến Toà án Nhân dân huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cách đó hàng trăm cây số, để gửi đơn kiện Formosa và đòi bồi thường. Trên đường đi, họ đã bị công an Nghệ An chặn lại.

Một nhóm người ngồi trên ô-tô đi cùng đoàn, với nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần, đã bị tách riêng. Nhóm gồm Hoàng Bình, tài xế Nguyễn Nam Phong, và vài phụ nữ cao tuổi. Cả đám công an bao vây xe họ, đập cửa, đấm vào kính, cố xông vào trong. Những viên công an ấy hung dữ lắm và được trang bị đầy đủ loa, dùi cui, gậy gộc, mũ bảo hiểm, đạn hơi cay, chưa kể gạch đá, có thể cả súng. Còn Hoàng Bình và những người ngồi trên xe không có gì trong tay ngoài điện thoại chụp hình và facebook.

Và Hoàng Bình đã thực hiện livestream như một cách - duy nhất - để tự bảo vệ mình và mọi người.

Công an đập cửa, đấm xe, ném đá, bẻ cong cả cần gạt nước. Hoàng Bình vẫn bình tĩnh livestream, vẫn nhắc Nam Phong không mở cửa, vẫn động viên tinh thần mọi người trong xe. Các phụ nữ bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Công an điên cuồng đấm đá, đánh phá bên ngoài, rải cả đinh trước lốp xe để xe không thể đi được nữa. Vô ích. Chúng không có cách nào mở được cửa ô-tô, lôi mọi người bên trong ra và nhất là chặn ngay dòng livestream lại.

Cuối cùng, công an dùng cần cẩu, trùm bạt bao quanh chiếc xe và cẩu cả xe lẫn người ngồi bên trong về đồn. Facebooker Trí Dũng comment nhắc Bình hé mở kính xe, rạch tấm bạt ra để mọi người thở. Từ bên trong, Hoàng Bình tiếp tục livestream. Xe bị cẩu lên trong tiếng đọc kinh rì rầm của các phụ nữ và tiếng máy rú rít, tiếng công an í ới bên ngoài. Hàng trăm nghìn con mắt của facebooker người Việt trên khắp thế giới vẫn đang xem trực tiếp, hàng ngàn người cùng góp lời cầu nguyện cho Hoàng Bình và các bạn, và chửi công an - những kẻ hèn mạt chỉ quen dùng bạo lực, chân tay, mà là với người yếu thế cơ, chứ với kẻ mạnh hơn, chúng chẳng dám làm vậy đâu.

Cảnh tượng đó thật quá bi tráng, phải không bạn? Nhưng chính quyền Việt Nam không thích vậy - nói chung chúng chẳng thích cái đẹp, sự cao cả, anh hùng, quân tử, nghĩa hiệp hay cái gì tương tự. Bị vạch trần trên facebook, chúng cay cú lắm. Thế nên ba tháng sau, chúng đã tổ chức chặn xe, bắt cóc Hoàng Bình, và gần một năm sau, vào một ngày đông rét mướt, toà án công an trị kết án Bình 14 năm tù, Nam Phong hai năm tù, sau khi đã đánh Bình thâm tím mặt mày mà vẫn không khuất phục được anh. Bên ngoài toà, chúng đánh em trai, em gái Bình tả tơi.

* * *

Đó. Câu chuyện mà tôi đã kể cho những người bạn của tôi, kể cả đồng nghiệp làm báo, là như vậy đó.

Với tôi, đó là một trong những câu chuyện, những hình ảnh bi tráng và gây xúc động nhất của phong trào dân chủ Việt Nam, của lịch sử đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam; và chúng luôn cần được kể lại, viết lại, để không chỉ thời nay mà còn rất nhiều năm sau nữa, không chỉ cho người Việt Nam mà cho cả thế giới nữa.

"Sống để kể lại", các bạn nhé.

Những thế hệ người Việt sau này sẽ phải biết rằng con đường đi tới dân chủ ở đất nước của chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc, những ngày tháng dữ dội như thế nào. Cũng như thế giới: Dân chúng ở các quốc gia dân chủ cần nhìn vào câu chuyện Việt Nam ngày nay để hiểu dân chủ, tự do là một giá trị mà người dân ở các nước khác, kém may mắn hơn họ, đã phải giành lấy bằng máu, nước mắt, và cả cuộc đời mình.

-----

Clip sau đây sử dụng nhiều hình ảnh lấy từ video livestream của Hoàng Bình ngày 14/2/2017: 

Nhớ Hoàng Bình

Tôi nhớ lần đầu tiên gặp Hoàng Bình ở Sài Gòn, mùa đông năm 2015, Bình chăm chú nghe tôi nói về báo chí-truyền thông, với một vẻ mặt, một ánh mắt mà chỉ nhìn qua cũng biết đó là con người cương nghị, dũng cảm và rất lì, rất giỏi chịu đựng.

Tôi nhớ một đêm cuối tháng 3/2017 ở giáo xứ Đông Yên, Bình kiên nhẫn ngồi nghe tôi… chơi đàn guitar.

Tôi nhớ ngày 9/4/2017, Bình phi xe máy từ Nghệ An ra Hà Nội, gặp tôi, cả bọn lè phè tán chuyện trong một quán nước ở Hồ Tây suốt chiều, dưới mái dây leo. Cái sự bắt bớ, tù đày với Bình chỉ được nhắc tới như một nét thoáng qua trong quãng đời đầy giông bão của một nhà hoạt động như Bình.

Tôi nhớ 45 phút trước khi bị công an Nghệ An chặn xe, lôi khỏi xe để bắt cóc đem đi, Bình còn gửi cho tôi một bài viết "nhờ chị đọc hộ em, 19/5 em đăng". Rồi Bình bảo: "Thôi em đi đã, lát em về chị sửa cho em sau nhé". Tôi đã chờ…

Hôm nay Bình bị toà án của công an áp 14 năm tù - chúng căm thù Bình đã quá lâu.

Tôi nhớ thằng em, nhưng tôi không khóc, cũng chẳng buồn.

Tôi biết có những kẻ đang rình từng dòng viết status, comment của chúng tôi để "theo dõi phản ứng".

Tất nhiên, chúng tôi không để chúng được hể hả, sung sướng dễ dàng đâu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, vì những người đang ở trong tù. Và vì tất cả chúng ta đều là người, không phải là công cụ để chính quyền đem ra buôn bán, đổi chác với thế giới, không phải là con gia súc để chúng vặt lông hay thích bắt thì bắt, thích thịt thì thịt.