Sunday 10 September 2017

Thất bại "vẻ vang" của an ninh nhà sản

Được biết, cả luật sư Nguyễn Văn Đài và blogger Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) đều đã từ chối việc tị nạn chính trị ở phương Tây để tiếp tục ngồi lại nhà tù nhỏ, mặc cho an ninh ra sức dụ dỗ.

Các anh đã ở lại để góp phần vào cuộc chiến đấu vì tự do cho cả nhà tù lớn, theo cách của các anh – cách tuyệt vời của những người tù chính trị.

Trước các anh, một người tù đang thụ án 16 năm là anh Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã nhiều lần từ chối lời dụ dỗ đi tị nạn của an ninh để ở lại Việt Nam.

Vậy là ý đồ của an ninh thất bại. Dù giỏi nhì thế giới (chắc phải sau quan thầy Bắc Kinh chứ làm sao mà giỏi nhất được), dù đã rất kiên cường đàn áp, quyết tâm “làm cỏ” Hội Anh em Dân chủ và vô hiệu hóa hoàn toàn trang web Ba Sàm, nhưng an ninh ta vẫn không thu được thắng lợi tuyệt đối khi đương đầu với những người tù như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Hữu Vinh… Mà đối với bản chất hiếu chiến, hiếu thắng của các đồng chí an ninh, thì không thu được thắng lợi tuyệt đối trước “bọn dân chủ” tức là kém vẻ vang rồi, coi như là thất bại rồi.

Mục tiêu bỏ tù người bất đồng chính kiến, suy cho cùng, cũng chỉ để khủng bố nhân dân, để ai nấy đều bụng bảo dạ và bảo nhau: “Thôi, chúng nó mạnh lắm, mình chẳng làm được gì đâu, chống đối rồi lại đi tù mọt gông”. Và cũng để dằn mặt giới đấu tranh nữa.

Tuy nhiên, mục tiêu đó đã đổ vỡ, khi mà “bọn trong tù” thì cứng đầu, “bọn còn ở ngoài” thì nhơn nhơn, xem như trò trẻ con, như trải nghiệm cho vui.

Kết luận là phong trào đấu tranh có thể có lúc mạnh lúc yếu, lúc thăng lúc trầm, nhưng điều chắc chắn là tà quyền, tà trị rồi sẽ thất bại, thậm chí thảm bại. Đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

* * *

Định nghĩa được dùng lâu nay trên thế giới về tù nhân lương tâm là, đó là "những người bị (nhà nước) cầm tù chỉ vì đã thực thi một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ, và là người không sử dụng bạo lực hay cổ súy bạo lực, hận thù" (định nghĩa của tổ chức Ân xá Quốc tế).

Với riêng tôi, tù nhân lương tâm là những người đã chấp nhận hy sinh tự do của mình để thức tỉnh lương tâm của cộng đồng, kể cả khi họ biết rằng số người được thức tỉnh có thể sẽ rất ít và cái mà họ nhận được sẽ là vô cùng nhỏ so với sự hy sinh của họ. Họ mới chính là những anh hùng.

Xin nói thêm: Ngày 15/9 tới đây là sinh nhật blogger Ba Sàm (15/9/1956). Còn hôm qua, 9/9, là tròn 10 năm ngày ra đời trang web Thông Tấn Xã Vỉa Hè của anh Ba Sàm.

Nghị sĩ Đức Martin Palzelt trong buổi ra mắt sách "Anh Ba Sàm"
(Hà Nội, 22/3/2015). Ảnh: Hoàng Thành.

Lo thay cho số phận môn học "Quyền con người" ở Việt Nam

Một trong những thành tựu giáo dục vĩ đại của đảng Cộng sản Việt Nam là biến triết học – môn học của những người yêu thích sự thông thái – thành một thứ lẩm cẩm, kinh dị trong các trường đại học. Nói đến triết học ở Việt Nam là nói đến những giờ buổn ngủ cứng mắt, những đêm học gạo tới 3-4h sáng trước kỳ thi để rồi sáng ra nhiều sinh viên mồm vẫn còn lảm nhảm. Nói đến triết học ở Việt Nam là nói đến Mác-Lê, tức giáo mác kết hợp lưỡi lê, thành một loại vũ khí đâm sinh viên “chết” như ngả rạ, tới mức sinh viên nào yêu thích mác-lê thì một là thần kinh, hai là cơ hội.

Hồi mới bước chân vào đại học, tới giờ triết, tôi cũng tò mò lắm. 2-3 buổi đầu nói về lịch sử triết học Đông-Tây, ừ thì thôi cũng được. Từ buổi thứ 4-5 trở đi thì tôi vừa buồn ngủ vừa ngạc nhiên, vì không hiểu sao cái thứ lảm nhảm như thế mà lại là “ngành khoa học bao trùm”, “vua của các môn khoa học” được – không lẽ thế giới người ta tâm thần hết cả?

Lúc đó, tôi đâu biết rằng cái chúng tôi bị ép phải nhồi vào đầu để thi cho xong kia không phải là triết học, mà là chủ nghĩa Mác-Lê qua lăng kính của tuyên giáo cộng sản (chứ nó cũng không phải là chủ nghĩa Marx thật). Mác-Lê là nội dung chủ đạo của cái gọi là “chương trình triết học” ở các trường đại học Việt Nam. Mà đấy là tôi còn may mắn được học thầy Thái ở FTU đấy; tôi nghĩ là thầy cũng đã cố hết sức để giảm độ chán của môn học xuống, và bản thân thầy là một giáo viên giỏi.

Dạy triết như ở Việt Nam cũng có nghĩa là giết luôn môn triết. Dạy và học như thế mà sinh viên không ghét, không sợ môn triết mới là lạ. Và, dạy và học như thế thì làm gì mà chẳng đẻ ra một số thành phần dốt, ngụy biện, sau này ra đời đi làm dư luận viên.

Ấy gọi là “ấu học mác-lê, lão vi dư luận viên” (nhỏ học mác-lê, lớn lên làm dư luận viên).

Văn, toán, nhạc, họa, sử, địa, triết, giáo dục công dân… tuyên giáo đảng đã phá hoại căn bản một số môn và giết hẳn một số khác.

Thế cho nên nghe tin Thủ tướng phê duyệt đề án đưa quyền con người vào trường học, ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “Thôi chết rồi…”.

Tôi chẳng phấn khởi, càng không thấy đây là “dấu hiệu gì chăng” như nhiều bạn đang tự hỏi. Nếu có gì thì đó là dấu hiệu cho thấy lại có cả một bộ sậu nào đấy đã, đang và sắp được ăn bẫm, ăn đủ nhờ đề án “đưa nội dung quyền con người vào trường học” này. Có đề án là lại có bao nhiêu hội thảo, hội nghị, lớp tập huấn, cho các nữ giáo sư-tiến sĩ-thạc sĩ lại ríu ra ríu rít, các nam giáo sư-tiến sĩ-thạc sĩ lại xúng xính complet giày tây… Mà thời gian thí điểm lại kéo dài suốt 2017-2020 nữa chứ.

Và học sinh-sinh viên thì thêm một môn nữa phải kiểm tra, phải thi.

Và thêm một môn học nữa bị sát hại.


PS. À mà xin nhấn mạnh, tôi nói "giết môn học" là nói trong bối cảnh dạy và học ở Việt Nam, với hệ thống giáo dục XHCN này thôi nhé, chứ toán học, văn học, âm nhạc, hội họa, lịch sử, địa lý, triết học, giáo dục công dân, hay quyền con người, đều rất thú vị, hấp dẫn. Không tin, cứ để mấy “phản động viên” chúng tôi đi dạy cho.

Bức hình trên mô tả "cuốn sách do Con Đường Việt Nam phát hành, được sở hữu bởi một cậu bé học phổ thông ở Bà Rịa - Vũng Tàu, bị xé bởi công an tỉnh này, sau màn đấm đá chỉ vì cậu ta dám đọc và khoe nó" (theo facebooker Hoàng Dũng, Con Đường Việt Nam). Trước khi quyền con người trở thành đề án để "một bộ phận đảng viên, công chức" kiếm ăn, thì nó phải là cái cớ để dân đen ăn đòn của công an cái đã.