Sunday 30 September 2007

"Trong chúng ta, ai ngu như...?"




Vào năm 1902, người Pháp cho khởi công xây cầu treo Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Chỉ huy công trình là kỹ sư Lacote. Một giai thoại kể lại rằng có hai mố cầu cứ xây lên lại đổ sụp, mãi mới đứng được, đến lúc đứng được lại không lắp chốt vào với nhau được, ngày nào cũng có phu cầu người Việt chết vì rớt xuống sông. Kỹ sư Lacote phải sang Đức tìm gặp hai đồng nghiệp người Đức thiết kế cầu Hàm Rồng. Nghe nói ông Lacote đã mắng hai kỹ sư người Đức là “đồ ngu như lợn”. Về sau, khi hai kỹ sư nọ lắp được chốt cầu và về nước, họ hỏi lại Lacote: “Trong chúng ta, ai ngu như lợn?”. Sáng hôm sau, người ta phát hiện thấy Lacote đã treo cổ tự tử ở nhà riêng.


Không hiểu Lacote tự sát vì xấu hổ trước hai đồng nghiệp người Đức, hay vì nghĩ tới trách nhiệm sẽ phải chịu. Dù thế nào thì cũng là xuất phát từ tự ái nghề nghiệp mà ông ta treo cổ chết.


Câu chuyện với cây cầu Cần Thơ của ta bây giờ đã khác nhiều. Với cơ chế trách nhiệm tập thể, còn lâu mới có một vị quan chức nào đó uống thuốc ngủ hoặc treo cổ tự sát. Quả thật các chuẩn đạo đức của thời phong kiến như trung quân ái quốc đều vớ vẩn cả, có cái hay nhất là tính quân tử thì thời hậu phong kiến lại xóa sạch cả rồi. Vậy nên bao nhiêu năm nay bọn dân ngu chúng ta có được chứng kiến vụ tự xử nào đâu, chán thế. Ngay cả khi một doanh nghiệp bị đóng cửa khiến người lao động ra đường, có thể ta cũng chỉ được nghe đơn giản một câu “chúng tôi xin lỗi”, là xong. Làm gì có cái chuyện vớ vẩn như ở Nhật, khi công ty sập, lãnh đạo công ty phải quỳ xuống mà tạ tội với nhân viên. Bọn Nhật cũng ăn gạo như ta mà ngu nhỉ, sĩ diện hão.


Chà, trong những ngày này, giá có quan chức nào đó tự tử thì… hay phải biết. Hình như mình hiếu sát quá chăng? Đã chết bao nhiêu người rồi, thêm một mạng nữa làm gì. Thôi, chỉ cần một ai đó từ chức cũng được, dù rằng nếu có ai làm thế thì người đó ắt phải ngu lắm lắm trong mắt tập thể. Sập cầu Cần Thơ là “trách nhiệm không của riêng ai”!

Sunday 23 September 2007

Lá cờ thêu 6 chữ vàng

Hôm nọ họp chi bộ, Z81 nhắc nhở mình: “Đồng chí khẩn trương đọc giúp tôi tài liệu mang mã số AQ-1947. Dẹp hết mọi định kiến nhá, cứ đọc thôi. Đồng chí bây giờ thì còn thích được cái gì nữa”. Ớ ra một lúc rồi mới tặc lưỡi, nhà Z81 nói đúng, đã lâu tôi chẳng còn cảm giác thích cái gì đến phát điên lên. Giống cái chuyện ngồi xem phim, trong khi mọi người cười nghiêng ngả thì tôi tay chống cằm, mặt cau có nhìn màn ảnh. Hết phim, cả rạp đứng lên ra về, còn tôi vẫn ngồi yên lặng, trầm ngâm cho đến khi có một bàn tay vỗ mạnh vào vai: “Dậy!”. Buồn thật, mình đứt dây thần kinh thích thưởng thức rồi. 


Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sở thích của tôi không mang tính đại chúng, có thể khẳng định dứt khoát là như thế. Trên thực tế, cuộc họp chi bộ diễn ra thật sôi nổi và chúng tôi đã tìm ra được một công thức để đưa nền xuất bản của Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, với thật nhiều tác phẩm bét-xen-lờ.



Sau đây tôi xin vui mừng tiết lộ công thức để làm sách bét-xen-lờ. Chúng tôi gọi nó là “lá cờ thêu 6 chữ vàng”, bởi nó gồm một số từ mà các nhà xuất bản, nhà sách, soạn giả, dịch giả, biên tập viên, nhân viên marketing v.v. (tóm lại là giới làm sách) nên ngay lập tức ghi vào vạt áo cho nhớ. Công thức được đưa ra dựa trên kết quả một cuộc khảo sát nghiêm túc thị trường sách Việt Nam và các cuốn bét-xen-lờ trong giai đoạn 2005-2007. Nó cho thấy, tựa đề của tác phẩm muốn trở thành bét-xen-lờ phải có ít nhất 1 trong 5 “từ khóa” sau đây:


  • Tình (Chuyện tình New York; Tình ơi là tình)
  • Đĩ (Xin lỗi, em chỉ là con đĩ)
  • Đàn bà (I am đàn bà)
  • Yêu (Lê Vân yêu và sống)
  • Thương (Oxford thương yêu)

Áp dụng công thức này, ngay sau đây chúng tôi sẽ đưa ra một tựa đề đảm bảo ăn khách, coi như ấn định sẵn tít sách, chỉ còn chờ người viết hộ cho cái nội dung bên trong. Ai có nhã ý viết, xin liên hệ ngay với tôi, Trang the Ridiculous. Tựa đề tác phẩm (chắc chắn là bét-xen-lờ) đó như sau:


Chuyện tình của người đàn bà yêu thương con đĩ



Còn từ thứ 6 là gì? Tôi muốn nói tới một tác phẩm nữa cũng được bán rất chạy trong giai đoạn 2005-2007, là cuốn Thế giới phẳng. Chạy đến nỗi cụm từ “thế giới phẳng” đã trở thành một thuật ngữ rất được ưa dùng. Vậy là ta phải sửa thêm một chút nữa vào tựa đề cuốn sách would-be-bestseller nói trên, thành ra:


Chuyện tình của người đàn bà phẳng yêu thương con đĩ, hoặc
Chuyện tình của người đàn bà yêu thương con đĩ phẳng




Đầu bài là như thế ạ. Bây giờ ai muốn viết sách bét-xen-lờ thì xin vui lòng liên hệ với tôi. Không liên hệ qua điện thoại di động. Bản thảo không sex, nhầm, không đạt không trả lại.

(Sex ở đây không chỉ mang nghĩa QHTD đâu, các đồng chí đừng hiểu nhầm mình, sex ở đây nghĩa rộng hơn, "có liên quan đến giới tính").




Tuesday 18 September 2007

KHOE THÔ




Dạo này mình nhiều việc quá, gay! Làm việc miết từ 8h sáng đến 11h đêm. Sách chất đống nào “Hạt cơ bản”, “Những đỉnh cao chỉ huy”, “Thế giới phẳng”… mà chưa đọc xong được. Mãi 11h30 mình mới có thời gian dành cho việc viết lách và nghiên cứu. Cái anh Daniel Yergin gì đấy viết “Những đỉnh cao chỉ huy” nghe cũng được, văn đằm mà nhuyễn, không cứng như thằng viết “Thế giới phẳng”. À mà thằng tác giả của “Thế giới phẳng” tên gì nhỉ? Cái gì Thô Thô? Thomas à? Mai phải nhắc nó lên trình diện mới được, nhiều đoạn thằng này viết nhảm nhí hết sức.

4h sáng, đang chăm chú nghiên cứu “Chuyện tình New York” để xem thế giới teen bây giờ sinh hoạt ra sao thì có điện thoại từ thằng quân ở bên Bộ… gọi đến. Thò tay tắt vội bản concerto viết cho violin của Mendelssohn đang nghe dở - khỉ thật, đúng lúc cao trào. Lại chuyện gì nữa thế? Nan giải quá vấn đề quản lý web bửn. Mình đã nhắc các cậu ấy bao nhiêu lần là phải bàn thêm đã, không nóng vội được, mà các cậu ấy không nghe. Thôi được, cứ từ từ rồi mình sẽ giải quyết, nhá. Phải nhắc cậu Z81 xiết chặt việc kiểm soát nội dung và thanh lọc các blog đen, chuyện này không buông lỏng được đâu. Xong cuộc điện thoại, đặt con N95 xuống thì cũng đã 5h sáng. Lại phải xếp sách đấy đi tập thể dục, mà từ từ để mình đánh dấu vào vài đoạn nhạy cảm đã, có gì trao đổi với bên xuất bản sau. Tay hơi run rồi, loay hoay thế nào đánh rơi cây bút MontBlanc. Có cái công cụ để viết mà giá quy ra VND tới 2 triệu, bọn tư bản sống xa hoa thật.


Đánh xong ván tennis, sờ lên tay mới nhớ là để đồng hồ Longines ở đâu mất. Thôi kệ, lát bảo mấy thằng đệ ra tìm sau, tiện bảo chúng nó tắm cho con xe của mình luôn. Ơ mà xe đâu rồi? Đang bực bội nhìn quanh thì thằng bé con nhà mình chạy ào tới ôm cổ bố, hôn cái chút, đòi bố đưa đi ăn sáng. Tây quá đấy con ạ. Để bố tìm xe đã con… Khá lắm, con mình giỏi thật, giữa bãi đỗ hàng trăm nghìn chiếc mà nó vẫn tìm ra đúng chiếc Mercedes của gia đình mình. Chất lượng giảng dạy ở trường quốc tế có vẻ cũng được đấy chứ?

Thursday 13 September 2007

Họ nhà Trọng




Sau entry “The Trọngs” về danh xưng của một loạt nhân sự đã và đang hành nghề truyền thông, Tăng Trọng Trang nhận được nhiều mail và message của các nhân sự trong chính Đài TH KTS VTC, đề nghị cải họ cho đồng nghiệp. Kết quả là danh sách “họ nhà Trọng” dài ra gấp đôi! Để rộng đường dư luận, tôi xin đăng tất cả các đề nghị đó ở entry này, nhưng giữ bí mật về tên tuổi người đề nghị, vì lý do tế nhị.

Xin nhắc lại là tất cả các tên họ dưới đây đều không phải do Tăng Trọng Trang đặt, chỉ trừ trường hợp của chị Kim Thanh.



Phó GĐ kênh VTC5, anh Lê Ngọc Đức. VTC5 có hai PGĐ, một người là Quan Trọng Tú, thế thì người kia ắt phải là Đối Trọng Đức rồi.


Nhà biên kịch, đạo diễn Trương Thị Sinh: Nghe Tây đồn là nhà biên kịch họ Trương đôi khi cũng nổi cáu hoặc có chút giận dỗi, khó ở trong quá trình làm việc, đồng nghiệp kính đề nghị được cải họ cho chị thành Tự Trọng Sinh.


Đạo diễn Lê Trần Quỳnh: Hiếm người vượt qua được anh về tài năng diễn thuyết thiên bẩm, có thể làm cả một bài diễn văn ca ngợi công đức… con kiến, nếu muốn. Anh xứng đáng với tên gọi Long Trọng Quỳnh.


Chị Trần Kim Thanh, giọng đọc tuyệt vời của audio book “Chuyện tình New York”. Sở hữu một chất giọng đẹp, chị góp 70% vào thành công của đĩa CD “Chuyện tình New York” (30% còn lại là các tác phẩm âm nhạc do các nhạc sĩ phương Tây đã chết sáng tác). Giọng chị thật dịu thật nhẹ, tuy nhiên… trong vận tải đường biển có khái niệm hàng hóa “siêu trường, siêu trọng” (tức hàng hóa rất dài, rất nặng), em xin kính tặng chị danh hiệu Siêu Trọng Thanh.


VTR man Trần Đăng Khôi: Ngược với Siêu Trọng Thanh, anh Khôi mong manh đến độ có thể cuốn theo chiều gió bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, anh lại là một kỹ thuật viên có tay nghề và tấm lòng, rất nhiệt tình cống hiến cho nền truyền hình nước nhà, nhiều phen suýt thành liệt sĩ truyền hình. Xin anh hãy đổi tên thành Bảo Trọng Khôi, đi anh.


KTV dựng phim Trần Anh Linh: Anh từng chịu trách nhiệm về những nút bấm đầy khó khăn. Chỉ cần anh lãng đãng một chút là đủ thứ nhảm nhí có thể nhảy lên sóng, đe dọa sự an toàn của cả một kênh truyền hình. Vâng, anh chính là Thận Trọng Linh. Ấy thế mà khi tôi đề nghị với anh tên này, anh đã nghiêng mình, khiêm tốn từ chối: “Tên gì nghe như quả thận!”. Ta vinh danh anh là Cẩn Trọng Linh vậy.


BTV Bùi Thanh Thảo: Đầy trách nhiệm, khắt khe với chính mình, kiên quyết không đổi tiền lấy điểm dù bên bán đã gạ sát sàn sạt. Người như thế thời nay hiếm, hiếm lắm đấy các đồng chí ạ, các đồng chí có nhất trí với tôi thế không? Đó, Quý Trọng Thảo.


PV truyền hình Phạm Cẩm Nhung: Em Nhung Kẩm tôi làm PV chính trị nên thường xuyên được phái đi làm tin cúng cụ. Trước mặt các cụ, em không còn cách nào khác là phải ăn mặc hết shức trang trọng (thật đáng tiếc, body của em rất đẹp, sao phải ăn mặc như nữ tu thế?). Cho phép tôi gọi em là Trang Trọng Nhung.


Quay phim Nguyễn Trọng Đại: Anh quay rất nhanh, nếu cứ căn cứ vào số lượng những thước phim anh đã bấm máy dưới mọi hình thức - tin, phóng sự, chương trình… - mà quy ra nhuận bút thì số tiền anh nhận được đáng phải đánh thuế thu nhập đến mấy lần. Anh là một trong những trường hợp làm cho các bộ óc tính định mức ở nhà đài phải mệt mỏi lắm đấy anh Coi Trọng Trọng Đại nhá! (sao lại có cái tên nặng thế nhỉ?)


Có ý kiến cho rằng cái tên tôi tự phong cho mình - Tăng Trọng Trang - không phù hợp vì không nói lên bản chất, đặt tên như thế không fair-play. Vậy, xin bà con cứ tự nhiên, gán cho tôi cái tên Trọng gì cũng ok hết. Chỉ trừ duy nhất trường hợp Bệnh Trọng… (mình đoán là thể nào cũng có đứa bắt mình mang tên này nên phải chặn trước ngay, không mất cảnh giác được!).

Sunday 9 September 2007

The Trọngs




10 phút dành cho việc nghĩ nhảm. Mình lập ra danh sách dưới đây về một số nhân sự đã hoặc đang hoạt động trong “vương quốc truyền hình”, xin công bố để bà con cùng quán triệt:


TGĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, chú Tần cháu: Chú nắm cương vị lãnh đạo cao nhất ở vương quốc VTC, xin được cung kính gọi chú bằng danh xưng Kính Trọng Tần.


TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) Nguyễn Văn Hiến: Trên tinh thần cạnh tranh quyết liệt, đến cùng, nhưng vẫn tôn trọng đối thủ (và còn hơn thế, bác là Bộ trưởng Bộ Truyền hình), xin ngả mũ, tháo khẩu trang, gọi bác Hiến là Tôn Trọng Hiến.


GĐ kênh VTC5, anh Nguyễn Kim Trung: Trầm Trọng Kim Trung. Thật ra gọi thế là sai về cơ bản vì anh Trung không phải là người có tính trầm trọng hóa vấn đề, nhưng tôi thích cái tên này vì Trầm Trọng Kim… nghe nó hao hao tên của học giả Trần Trọng Kim.


Tổ chức sản xuất chương trình Hành tinh Số (nay là Thời sự Tổng hợp), anh Lê Tuấn Tú: Quan Trọng Tú. Anh Tú thường xuyên phải dằn vặt xem ngoài các tin cúng cụ thì tin nào quan trọng để đưa lên làm verdette, tóm lại anh có nghĩa vụ cân đong đo đếm độ quan trọng của tin tức. Do vậy, tên Quan Trọng Tú quả thật thích hợp với anh.


Thư ký biên tập kênh VTC5, anh Nguyễn Đức Thái: Nghiêm Trọng Thái. Anh Thái tốt bụng và cởi mở, nói theo ngôn ngữ của thế hệ @ bây giờ là anh rất “nice”, tuy nhiên vai trò thư ký phát sóng buộc anh phải luôn thúc giục các nhà sản xuất nộp chương trình đúng hạn, với vẻ mặt căng thẳng: “Theo trủ trương của Lãnh Đạo Đài thì…”.


Chu
yên gia phân tích tài chính Trịnh Hằng: Trịnh Trọng Hằng. Không còn gì phải giải thích thêm.


Lê Khánh Duy, người đã tình nguyện trút bỏ áo mũ cân đai, từ bỏ chức trưởng ban Quốc tế chương trình Hành tinh Số của VTC5, từ bỏ vương quốc truyền hình chỉ ở cách nhà mình có 30 mét đi bộ, để ra ngoài làm riêng, kiên quyết không kinh doanh bằng tiền Nhà nước: Xin gọi Duy là Trân Trọng Duy.


Phạm Thanh Trà, “mầm non xuất bản”, sinh viên năm thứ ba ĐH Harvard của Việt Nam, ngồi dưới ghế nhà trường XHCN mà vẫn có tư duy độc lập. Đối tượng này khá nguy hiểm, rất cần được giáo dục, bồi dưỡng thêm: Chú Trọng Trà.


Đặng Trần Thi, ôi anh tôi, dù trong hoàn cảnh nào, ô trọc hay xôi thịt đến đâu, anh vẫn giữ được vẻ lạc quan yêu đời và “nụ cười bất diệt” (eternal smile): Sang Trọng Thi.


Và cuối cùng là kẻ viết những dòng này. Xét thấy tăng từ 34kg cân nặng lên gần 50kg mà chiều cao vẫn ổn định ở mức căn hai, xưa hạt tiêu mà nay hạt mít, tôi xin tự đặt cho mình cái tên Tăng Trọng Trang.

Tuesday 4 September 2007

Đã về thủ đô

Lần nào vào Sài Gòn mình cũng cảm động vì tình cảm nồng hậu và sự tiếp đón ân cần của đồng bào đồng chí trong nớ.

Và lần nào cũng có chút ngượng: Cái cố tật ăn chậm làm hại mình quá. Ăn chậm thì dẫn đến rút súng chậm, toàn để đồng bào đồng chí phải bao. Mình không muốn thế đâu, nói thật với các cậu là mình không muốn thế đâu. Nốt lần này thôi đấy nhé, các cậu ở cơ sở lại cứ phải chi tiền thanh toán hộ cán bộ TW thế này thì uy tín mình còn gì.

Cảm ơn Z125, Z13, Hale Thiền Quang, Mthoan và tất cả các đồng chí trong chi bộ số 4 Huỳnh Hữu Bạc. Do thời gian gấp rút (phải ra Bắc gấp để tham dự một số cuộc hội thảo khác), mình không đến bắt tay mọi người được, chào qua đây vậy. Cho tôi gửi lời hỏi thăm đồng bào trong nớ. Miền Nam luôn trong trái tim tôi.

Buổi chiều vô duyên




Một buổi chiều phát mệt. Tôi đang phóng xe ngoài đường với tốc độ 45-50 km/h thì nhác thấy hai chú áo mỡ gà xô ra chặn một người đi trước mình. Phía sau có tiếng thét thất thanh: “Táp vào lề đi, công an nó bắt đấy!”. Bỏ mịa, mình quên phứa mất lời dặn của bác Saigon Minsk là Sài Gòn khác với thủ đô chính ở chỗ ấy, mình đang đi trúng vào phần đường dành cho ôtô chứ không phải cho xe máy. Xe biển HN, không giấy tờ, không gì cả, quả này toi rồi. Vừa may có cái hẻm hiện ra trước mắt, tôi lao bừa vào đó, chạy bay tóc. Lòng vòng hơn tiếng đồng hồ rồi cũng về đến nhà.

Cơ sở của Z13 cái gì cũng tốt, chỉ trừ duy nhất cái khóa cửa. 3 giờ 45 phút chiều, trời nóng hầm hập. Hì hục khuân đồ từ tầng 1 lên tầng 3, mở cửa. Không mở được - chìa khóa cứng quá. Mồ hôi toát ra đầm đìa lưng áo, chảy tong tỏng trên mặt. Tôi tựa lưng vào tường, thở dốc. Giá là cửa nhà mình thì chắc tôi đã chân đá tay đấm miệng chửi rồi, nhưng ở đây thì đành chịu, chỉ có thể vừa xoay vừa vỗ về em nó thôi.


Cuối cùng tôi cũng vào được nhà sau một hồi vật lộn với chiếc khóa quái quỷ. Tôi đi ngủ ngay lập tức. Những hình ảnh quái dị loang loáng trong đầu…

6 giờ 30 phút chiều điện thoại di động réo vang báo thức. Hớt hải vùng dậy. Hừ, đến phải thay chuông báo thức khác thôi, để cái bản Wedding March này… sợ quá, có ngày vỡ mịa nó tim. Cầm máy lên mới thấy cả lô tin nhắn, nhớ ra là có hẹn lúc 7 giờ. Chết thật, chưa bao giờ mình quên hẹn như thế này (chỉ có thể đến muộn tối đa 15 phút chứ không được phép quên). Tôi choáng choàng đạp cửa xuống đường, quái, lần này cửa dễ mở thế. Xuống đến tầng 1, lại không mở được cổng. Khóa ơi là khóa chìa ơi là chìa… Lại vừa xoay vừa vặn đến vẹo cả người. Mất thêm 15 phút. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Định gọi điện xin thư thư cho vài phút nhưng không được, máy đã hết pin, có muốn sạc cũng chẳng kịp.


Ra ngoài, khóa cổng xong xuôi, nhảy lên xe máy thì xoảng, cái chìa khóa xe rớt đâu mất. Phải phê bình Z125 mới được, xe nổ máy rồi mà chìa khóa vẫn có thể long ra bất cứ lúc nào, thế còn ra sao? Tôi quỳ gối, bò như cóc trên mặt đường, sờ lần đủ cách mà không thấy nó. Trời tối đen - khu này lại chưa có ánh sáng văn minh của Đảng rọi về thông qua hệ thống đèn cao áp mới sơ suất chứ. Chùm sáng lờ mờ từ chiếc điện thoại di động hết pin không đủ soi rõ hai bàn tay tôi lấm lem dầu mỡ (ở ổ khóa chảy ra) và đất cát. Cực chẳng đã tôi đứng dậy, vừa lau mồ hôi vừa tìm công tắc đèn. Nôkia - nó kìa, trên bức tường trắng cạnh bụi cây hoa. Tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để lật bàn tay, gõ gõ ngón vào xem có bị điện giật không, không thấy trong người có gì khác, mới oai vệ bật công tắc. Thay cho ánh điện sáng bừng là một hồi chuông ré lên lanh lảnh. Chết rồi, mình bấm nhầm chuông cửa nhà hàng xóm. Toan rụt cổ, vứt xe cắm đầu chạy thì một giọng nữ tầm trên 50 tuổi khàn khàn vọng xuống: “Ai hỏi gì đấy?” Tôi lắp bắp nói chõ lên: “Không… không có gì ạ, cháu nhầm”. Nói xong mới thấy vớ vẩn thật, người tuyên bố “không có gì” phải là khổ chủ mới phải chứ. Còn nhớ lần mình tông xe vào người ta, nhăn nhở nói “không có gì” thành ra tí nữa cãi nhau to. Đành vớt vát thêm: “Cháu bấm nhầm ạ, cháu xin lỗi”. Dứt lời tôi vểnh tai chờ nghe câu tiếp theo: “Lần sau bỏ cái trò ấy đi nhá”, như vẫn thường được nghe ở Hà Nội, nhưng may quá, chờ một lúc vẫn không thấy gì. Thoát rồi.


Nhưng tối mò thế này thì làm sao? Cuối cùng không còn cách nào khác, tôi đành phải bấm chuông cửa lần nữa, nhờ nhà nọ bật hộ cái đèn để ánh sáng rọi ra ngoài đường, may ra tìm thấy chìa khóa. Tự nhiên thấy mình vừa lố bịch vừa vô tích sự cùng cực, như một cục thịt thừa, lần nào vào Sài Gòn cũng làm phiền không biết bao nhiêu đồng chí, chỉ có ngồi như bao gạo sau xe người khác là giỏi.

Đèn bật sáng, thấy chiếc chìa mắc lủng lẳng vào khung xe. Mồ hôi cay cả mắt. Tôi nhảy phóc lên xe phóng thẳng tới chỗ hẹn, không quên đi nhầm vài chỗ đường một chiều và thế là lại phải quay lại mua thêm vài chặng nữa. Đến muộn 1 tiếng, chỉ biết xin lỗi kết hợp cười tươi để xuê xoa. Người ta nói “người đến muộn là người luôn tươi vui, còn kẻ đúng giờ lúc nào cũng cáu kỉnh”, câu ấy thật chẳng sai chút nào.