Wednesday 7 September 2016

Nguyễn Quang A - người bảo vệ nhân quyền

Giải thưởng “Hoa Tulip về Nhân quyền” kết thúc giai đoạn cộng đồng bỏ phiếu (public voting) vào nửa đêm 7/9 ở Trung Âu, tức là trước 5h sáng 8/9 giờ Hà Nội. Sau đó, trong ba ứng viên được số phiếu cao nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders sẽ chọn ra người được nhận bông hoa tulip vinh danh nhà bảo vệ nhân quyền của năm và trao giải – một bức tượng đồng hình bông hoa tulip – vào đúng Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.

Như vậy, tiếng nói quyết định là của Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan, và ông làm như vậy dựa trên hồ sơ về các ứng viên (đã được xây dựng từ trước, do các cá nhân/tổ chức nhân quyền các nước tiến cử gửi đến Hà Lan từ đầu mùa hè).

Điều đó cũng có nghĩa là, mặc dù nhận số phiếu bầu trên mạng cao nhất, nhưng TS. Nguyễn Quang A vẫn có thể không phải là người được trao giải Hoa Tulip 2016.

Trong trường hợp đó, cũng không có gì phải buồn, cay cú (hay ngược lại, hả hê, khoái trá như những dư luận viên đích thực), nếu chúng ta hiểu rằng ý nghĩa của giải “Hoa Tulip về Nhân quyền” là để tôn vinh những người bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu.

* * *

“Bảo vệ nhân quyền” – đó là một công việc, một sứ mệnh thật sự, mà thế giới tiến bộ tôn vinh, trong khi các chính thể độc tài thì căm ghét và đàn áp.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ định nghĩa người bảo vệ nhân quyền là những người hành động để thúc đẩy hoặc bảo vệ các nhân quyền. Và như thế, công việc của họ rất rộng: chống oan sai, chống tra tấn, chống phân biệt đối xử, chống việc thải hóa chất độc hại tàn phá môi trường, bảo vệ người lao động, bảo vệ phụ nữ/ trẻ em/ người tàn tật/ người yếu thế/ người dân tộc thiểu số/ người tị nạn, bảo vệ các quyền được giáo dục, được chăm sóc về y tế, được tự do biểu đạt, tụ tập, tranh cử, tham gia chính trị, v.v.

Nhìn nhận nhân quyền là những giá trị phổ quát (cho tất cả mọi người trên toàn thế giới, chứ không có “nhân quyền của người Mỹ” riêng, “nhân quyền của người Việt” riêng), nên cộng đồng quốc tế từ lâu đã tôn vinh người bảo vệ nhân quyền. Thậm chí, trong các cơ chế nhân quyền của LHQ, còn có một cơ chế được áp dụng để bảo vệ người bảo vệ nhân quyền.

Trong khi đó, ở tất cả các xứ độc tài, ví dụ như Việt Nam, người bảo vệ nhân quyền (hay còn gọi là “nhà hoạt động nhân quyền”) luôn bị chính quyền xem như tội phạm, phản động, chống phá nhà nước.

Quan niệm về người bảo vệ nhân quyền dĩ nhiên phản ánh trình độ của chính quyền; nó là chỉ dấu để cho thấy một chính quyền nào đó là văn minh, tiến bộ hay độc tài, man di mọi rợ.

Bạn có thể bỏ phiếu cho TS. Nguyễn Quang A tại:

Và hãy thử quan tâm, tìm hiểu công việc của những nhà hoạt động nhân quyền của Việt Nam cũng như thế giới. Bạn sẽ thấy có nhiều điều rất thú vị.

Ảnh: Hoàng Thành, 2/2016

Bài liên quan: