Sunday 18 September 2016

Dũng cảm hay "điếc không sợ súng"

Trong tiếng Anh, có một từ mà tiếng Việt chưa có cách dịch ngắn gọn tương ứng, là từ “government critic”, tức là “người phê phán/ chỉ trích chính quyền”.

Những người đó ở Việt Nam có thể được gán cho đủ danh hiệu hoặc chụp cho đủ thứ mũ, như “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà dân chủ”, “phản động”, “thế lực thù địch, chống phá chế độ”…

Nhưng thật ra có khi họ chỉ đơn giản là những blogger, facebooker trông thấy nhiều bất công, nhiều điều bất ổn, tệ hại trong cách điều hành đất nước của chính quyền, thì họ lên tiếng, và trong lúc lên tiếng thì họ chẳng ngại công kích, rồi chửi thẳng cả đám lãnh đạo độc tài, bất tài.

Họ nhận được từ xã hội rất nhiều phản ứng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau: Khen ngợi, nể phục, xa lánh, tránh mặt, thờ ơ, mỉa mai, mạt sát, chửi ngược lại…

* * *

Ở thế hệ của tôi – những “government critic” có tuổi đời từ khoảng 20 đến 40 – chúng tôi gặp tất cả các phản ứng trên từ xã hội, trong đó có khá nhiều lời khen, rằng chúng tôi “trẻ, dũng cảm, không sợ cường quyền...”.

Cá nhân tôi, nếu được khen thì thích hơn là bị chê (tất nhiên), nhưng cảm giác ngượng ngùng là chủ yếu, vì quả thật nếu được hỏi tôi tự đánh giá mình thế nào, tôi sẽ nói rằng: TÔI KHÔNG HỀ DŨNG CẢM.

Tôi không dũng cảm, mà chẳng qua là một dạng may mắn và “điếc không sợ súng”, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” thôi. Tôi và cả thế hệ 20-40 của tôi đã may mắn không phải trải qua những gì mà hàng triệu người phải nếm trải sau năm 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở miền Nam.

Chúng tôi chưa từng bị cướp nhà, đuổi lên vùng kinh tế mới, nơi rừng thiêng nước độc mà mọi thứ đều phải cuốc bằng tay, chặt bằng dao, bị rắn rết cắn chết thì chôn. Chúng tôi chưa từng bị bỏ tù cả chục năm chỉ vì tội yêu và hát nhạc vàng, lại dám hỏi “màu vàng là màu của đồi trụy, như nhạc vàng là nhạc đồi trụy, thế sao cờ đỏ có ngôi sao vàng?”. Chúng tôi chưa từng bị công an chặn bất thình lình giữa phố để kiểm tra giấy tờ, và vì không mang theo chứng minh thư nhân dân mà bị đưa về đồn nhốt cả đêm cho muỗi cắn. Chúng tôi chưa từng bị công an vừa thẩm vấn vừa dí điếu thuốc lá cháy đỏ vào trán vào tay đến thành sẹo – vết sẹo tôi nhìn thấy trên cánh tay một người Sài Gòn mà khi cuộc hỏi cung đó diễn ra, anh chỉ mới 15 tuổi, cả gan vượt biên và bị bắt lại.

Giả sử, Việt Nam bây giờ vẫn như những năm từ 1975 đến 2000, thì liệu chúng tôi có dám tỏ thái độ, dù chỉ là một cái… lườm hoặc nhìn thẳng vào mặt công an không? Tôi không biết những người khác thì thế nào, còn với riêng tôi, câu trả lời thành thực là: Không chắc đâu.

* * *

Ngày 23/9 tới đây sẽ là tròn một năm sự kiện “công an bắt người, cướp đồ, cả phá Lương Tâm TV”.

Vào tối 23/9 năm ngoái ở Hà Nội, sau khi CA bắt sáu bạn trẻ làm việc cho Lương Tâm TV, có một nhóm khoảng ba chục người đã đến trước cổng đồn CA quận Hai Bà Trưng để yêu cầu CA trả tự do cho sáu bạn, chấm dứt nạn bắt giữ tùy tiện. Việc làm của họ, sau này, bị CA đánh giá như một sự “khủng bố” cơ quan công quyền, nghĩa là hành động tày trời.

40 năm về trước (tức là khoảng sau năm 1975), những người làm như họ có thể bị CA bắn chết ngay tại chỗ.

30 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, sau đó vài tháng bị tuyên án tử hình.

20 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, bị tuyên án chung thân hoặc vài chục năm tù.

10 năm về trước, những người làm như họ có thể bị CA bắt, bị dí án 5-7 năm tù.

Năm 2015, những người làm như họ chỉ bị CA nện cho một trận, đẩy ra khỏi khu vực cổng đồn rồi bố trí xe vệ sinh chạy qua chạy lại phun nước cho sạch đường.

Như thế rõ ràng là có sự thay đổi theo hướng bớt rừng rú hơn. Sự thay đổi này chẳng phải do chính quyền công an trị ở Việt Nam tự nhiên trở nên nhân hậu hơn, mà (có thể) là do chính quyền buộc phải học cách hành xử văn minh hơn để còn hội nhập với khu vực và thế giới; và do số người bất mãn, “phản động” bây giờ đông hơn xưa nhiều quá, CA không đủ nguồn lực để tiêu diệt hết, chỉ đủ sức để tạm thời kiểm soát được thôi.

* * *

Dù thế nào thì tôi vẫn phải nói rằng: Tôi không hề dũng cảm, mà chẳng qua là “điếc không sợ súng” mà thôi, hay nói cách khác, vì tôi chưa từng phải trải qua hay chứng kiến những gì hàng triệu người ở các thế hệ trước chúng tôi đã phải nếm trải.

Tôi cho là các nhà hoạt động dân chủ ở thế hệ chúng tôi nên nghĩ đến điều đó để khiêm tốn hơn và tôn trọng người đi trước hơn, còn các bạn trẻ bây giờ nên hiểu điều đó để mạnh mẽ hơn.


Trước cổng đồn CA quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, 
tối 23/9/2015.