Thursday 21 February 2008

Bạn tôi




Không muốn viết entry tang tóc đầu năm, nhưng không chịu nổi nữa…

Bạn tôi chết vào trưa 30 Tết.

Tôi gặp bạn lần cuối cùng vào tối 29. Phương cười tươi lắm, nói chuyện râm ran. Người ta cứ bảo người sắp ra đi thường lộ ra điềm gì gở, nhưng với tôi hôm ấy, Phương chẳng có vẻ gì như thế. Vẫn là Thanh Phương nhiệt tình và đáng yêu, dễ gần vô cùng.

Trong nghề làm phóng viên, tôi có gặp nhiều nghệ sĩ, và Thanh Phương là người tôi quý nhất, người mà tôi có thể sung sướng gọi là “bạn tôi”, mặc dù nghe đầy vẻ “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Phương là diễn viên nổi tiếng, còn tôi chỉ là một phóng viên quèn không tên tuổi. Nhưng tôi yêu mến Phương ngay từ lần gặp đầu tiên, vì bằng cảm nhận của mình, tôi thấy Phương rất chân thật. Phương không giấu tôi những đặc điểm nào đó trong của mình, như tính thích nổi tiếng (tôi không muốn dùng từ “háo danh”, vì đó không phải là tính xấu). Hoặc, trong thâm tâm, tôi biết Phương là người miền Bắc, nhưng vì Sài Gòn mới là nơi Phương thành danh, nên Phương luôn dành lời khen ngợi Sài Gòn và tẩy bớt những nét “đặc sệt Bắc” ở mình. Có thể tôi cảm nhận sai, mà cũng có thể Phương chân thành đến mức không giấu ai những điều đó.

Tôi nhớ lắm giọng Phương hát bài “Phúc âm buồn” và “Nếu có yêu tôi” trong vở Hạnh phúc trên đồi hoa máu. Hôm đó Phương đổi suất diễn cho Đại Nghĩa, để ngồi dưới xem kịch “hầu chuyện” tôi. Đến lúc nghệ sĩ Thành Lộc hát bài “Nếu có yêu tôi”, tôi khen anh hát hay, và Phương có vẻ hơi chạnh lòng: “Trang không nhận ra giọng Phương à?


Tôi nhớ lắm lúc ngồi café với Phương vào buổi tối cuối cùng đó. Phương còn nhiệt tình “đề xuất” cho tôi uống café latte “cho nó nhẹ, dễ ngủ Trang ạ, phụ nữ dùng latte là hợp”. Cười hi hi bảo tôi: “Phương cực lực phản đối mũ bảo hiểm nhé. Đọc blog của Trang, thấy chửi mũ bảo hiểm quá trời. Sao không dám đăng báo, lại đi chửi đổng trên blog à?” Tôi đố Phương viết được một kịch bản sân khấu chống chủ trương đội mũ bảo hiểm. Phương nói: “Ừ, để Phương xem, có lẽ sẽ viết nhưng phải tìm cách lách nữa”. Viết thật nhé? Ngoéo tay nào! Ừ thì ngoéo.

Tôi nhớ rất rõ những lời Phương nói và tiếng cười khúc khích sau vai. Vì Phương cả gan không đội mũ bảo hiểm, tôi phải cầm lái, chở Phương về nhà. Phương ngồi co ro sau lưng tôi (Hà Nội tối hôm ấy cực lạnh), bảo: “Này, bây giờ mà công an tóm nhỉ, Phương có hai phương án. Một, gục vào lưng Trang giả vờ ốm hoặc giả vờ ngớ ngẩn. Hai, nói là em chưa đầy 14 tuổi, thưa anh”. Tôi thì sợ công an một phép, nhưng cũng cố đùa: “Còn phương án nữa, là Phương xuống xe, hất hàm, nói giọng miền Nam nhé: Có biết ai đây không? Diễn viên nổi tiếng Mai Nguyễn Thanh Phương đây”. Phương lại cười rúc rích sau vai tôi: “Không đâu. Phương chỉ nổi tiếng từ Huế trở vào thôi. Từ Huế trở ra, không ai biết mình đâu. Sân khấu hai miền Bắc - Nam vẫn chưa thông thương, khổ thế đấy”.


Trốn chui trốn lủi công an, vòng vèo một lúc, chúng tôi mới về đến nhà bác Phương. Phương bắt tay tôi: “Có quà miền Nam cho Trang nhưng lại không để ở đây. Ngày mai nếu Phương vội không qua được, Trang qua nhà Phương mà lấy nhé. Trưa Phương bay, xuống sân bay sẽ gọi Trang ngay”.

Tôi không ngờ đó là cái bắt tay cuối cùng của Phương với tôi.

Trưa, rồi chiều, không thấy Phương gọi. Ngày giáp Tết bận rộn, tôi định khoảng 7h tối sẽ gọi Phương hỏi thăm. 7 giờ kém 16 phút, điện thoại réo, đầu dây bên kia báo cho tôi cái tin kinh hoàng: Phương đã mất. Tôi hốt hoảng: Máy bay rơi à? Không, Phương chết vì cảm lạnh.


Thường trong một gia đình, có đứa con nào chết đi, người ta hay nói đó là đứa con ngoan nhất, giỏi nhất, hoặc là con một. Đến mức cứ nghe có ai chết trẻ, tôi lại nhếch mép cười: “Chắc lại con (trai) một, hay là đứa tốt nhất trong mấy anh chị em chứ gì?”. Như thể ai chết sớm đều là người tốt cả.


Nhưng với Phương thì điều đó đúng thật. Phương tốt bụng và nhiệt tình với bạn bè biết bao nhiêu. Cái áo mưa Phương tặng mình hôm ở Sài Gòn, mình để lại thành phố rồi. Quyển sách Phương tặng, Trang vẫn còn giữ đây. Số điện thoại của những người Phương giới thiệu cho Trang gặp để phỏng vấn, Trang còn chưa kịp liên hệ. Mà Phương còn nói, Phương hay đi xem tử vi ở chỗ một anh này hay lắm, anh ấy bảo Phương năm 2007 may mắn, rực rỡ lắm. Khi nào Trang vào Sài Gòn, Phương đưa địa chỉ anh ấy để Trang đến xem thử nhé.


Phương ơi, Phương ơi…


Sao tôi giận cái tay xem tử vi kia thế? Phương mất đúng ngày cuối cùng của năm 2007 âm lịch!

Bạn bè tôi có nhiều người cũng chết sớm. Hai cô chết vì bệnh, một cậu tự sát, một cậu tai nạn giao thông. Tôi cũng đã quen với việc nhận tin ai đó đột tử. Ngày trước có lần tôi kêu la với bạn: “Mạng người ở ta rẻ thế nhỉ?”. Ông bạn trả lời theo phong cách… lố bịch: “Thì đến cái mạng em còn rẻ nữa là mạng người!”. Sự sống chết, nhất là ở nước mình, quá mong manh. Vì thế, tôi không đến nỗi sốc quá khi nghe tin Phương mất. Cái chết có thể đến với bất kỳ ai trong chúng ta, bất kỳ lúc nào.


Nhưng tôi biết, sẽ còn rất lâu nữa tôi mới dám đặt chân vào sân khấu Idecaf để xem kịch, bởi vì tôi không thể quên được ở đó MỘT GƯƠNG MẶT.

Sunday 3 February 2008

Blog và comment




Thưa các đồng chí, entry cuối cùng của năm Đinh Hợi này, tôi xin dành cho việc tổng kết các hoạt động sôi nổi của những kẻ lố bịch trên blog của Trang the Ridiculous suốt một năm qua.

Tôi bắt đầu tạo blog từ tháng 8/2006, với mục đích ban đầu thuần túy và chân chất là để thực hành tiếng Anh (viết). Có xác định một số nguyên tắc như là luôn để blog ở chế độ public (để kỷ niệm ngày Quyền được biết của thế giới); không xóa comment của ai trừ phi tác giả yêu cầu, hoặc comment đó có mục đích bôi nhọ, vu khống, trả thù cá nhân nào đó; không sử dụng các tổ hợp phím Ctrl + C, Ctrl + V; không ép người đọc comment…


Việc viết blog bằng tiếng Anh cũng có cái thú của nó, là ta có thể nói thật nhiều điều mà chẳng được/bị ai quan tâm. Hơn nửa năm blogging, hầu như tôi chẳng nhận được comment nào, ngoại trừ đảng viên Tạ Minh An và họa sĩ Lê Thắng thỉnh thoảng nhảy vào phàn nàn: “Ôi kái kuộc đời làiiiiii”. Có một điều mà các đồng chí không biết, đấy là chính tôi cũng chẳng muốn đọc lại những thứ tôi đã viết bằng tiếng Anh, chán bỏ mẹ. Lần nào vô tình mở ra cũng phát hiện thấy lỗi chính tả lỗ chỗ, lý luận hở sườn thông thống, thảo nào hay bị các bạn du học sinh và người Việt ở nước ngoài gửi thư về biên tập thế. Lý tưởng trau giồi tiếng Anh ngày càng phai nhạt, sau cùng chán thứ tiếng của bọn tư bản quá, tôi quay về sử dụng tiếng ta, đồng thời xác định thêm một nguyên tắc nữa cho blog: cấm trẻ em dưới 16 tuổi, hạn chế người đọc từ 16 đến 23 tuổi.

Blog của Joe, trong vài trăm comment cho mỗi entry, phải vài chục cái đầu là kiểu: “Póc tem, hehe”, “Hụt rùi, tiếc wé, hichic”… Hoặc để khen thô tác giả: “Vít hay lém”, “Iu wé”... Tôi đọc được, bụng bảo dạ: “Thế này mà Joe nó cũng chịu được à?”. Đã đành là bóc tem, nhưng ít nhất cũng phải tìm cách diễn đạt sao cho nó linh hoạt, sáng tạo một tí chứ lại, ví dụ:

  • Phong cách quảng cáo: Cái tem cái tem cái tem, bóc lấy cái tem.
  • Phong cách thời bao cấp: Rổ rá gạch ngói đây, ai đến trước bóc trước.
  • Phong cách bựa: Chết con mẹ mày, mất cho anh cái tem!


Bèn nghĩ hay là bổ sung nguyên tắc “Cấm comment nhạt!” vào blog, nhưng lại sợ đã cấm trẻ em dưới 16 tuổi, hạn chế người đọc từ 16-23 tuổi rồi, lại hạn chế cả việc comment nữa thì mất tự do ngôn luận quá, bọn phản động nhìn vào lại bảo ta không dân chủ. Thế nên tôi quyết định không cấm đoán gì nữa.



Ridiculism - chủ nghĩa lố bịch trong văn học blog

Chúng ta dễ dàng nhận thấy các comment vào bất kỳ một blog nào cũng phản ánh phần nào con người, tính cách… của chủ blog đó và đồng bọn: lãng mạn, suy tư, triết học hiện sinh, hoặc xì tin. Và như vậy, có thể thấy ngay blog của Trang the Ridiculous là nơi tụ bạ của những kẻ lố bịch - bọn giặc bướng.

Tuy các entry trên blog của Trang the Ridiculous là “read-only entries”, nghĩa là entry chỉ đọc, không ép mọi người comment, nhưng chủ blog thì rất hỉ hả đón nhận các comment lố bịch. Thật sự là tôi chỉ rình rình đọc những comment như thế, rồi cười lăn lóc. Phải thừa nhận là xã hội ta sản sinh ra lắm kẻ lố bịch thật, thảy đều tranh nhau giành giật cái chức Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch.


Một trong những hiện tượng của phong trào Ridiculism là comment của Z20, đanh thép như một lời mắng xả vào mặt bọn trí thức tiểu tư sản: “Viết sai rồi. Nói chung âm nhạc chân chính phải là âm nhạc phục vụ quần chúng lao động - chứ không phải loại âm nhạc nhăng nhít, phục vụ một thiểu số những kẻ có nhu cầu hưởng thụ và luôn tự cô lập mình với một biển đen nhân dân cần lao và đau khổ!


Các entry về Ông Cụ thu hút được nhiều comment rất lố bịch, tiêu biểu là entry kể chuyện Ông Cụ yêu cầu những người vào nhà Cụ phải nhảy qua hàng rào râm bụt. Mitdac cười khả ố: “Hí hí. Cười buồn nhất là quả nhảy qua hàng rào dâm bụt. Từ đó có sự tích về hoa dâm bụt”. Z81 học tập Ông Cụ ngay, đề nghị Trang the Ridiculous khẩn trương “phát động phong trào vượt tường lửa mới vào được blog. Dù vẫn vào được theo cách thường nhưng ai muốn vào phải nhảy proxy qua một trang khác để nâng cao tính kiên nhẫn và trình độ công nghệ, ngõ hầu chuẩn bị cho việc blog bị khoá trong thời gian tới”. Về điểm này, đồng chí cứ yên tâm. Chắc không cần để ý, mọi người cũng thấy là tôi không bao giờ nhắc tới những từ ngữ nhố nhăng như “tự do tư tưởng”, “dân chủ”, “đa nguyên”, “đa đảng”… Gớm, ngày xưa cơm chả có mà ăn. Bây giờ các anh các chị nhà nhà đều có phích nước chăn bông, tivi tủ lạnh rồi, lại bắt đầu nhao nhao đòi dân chủ. Chẳng ra làm sao.

Comment của bác Saigon Minsk sau vụ Trang the Ridiculous trót vỗ đùi khen thơ của cụ cố Nguyên Hồng cũng lố bịch không kém: “Chết thật! Vỗ đùi sớm thế! Cái này gọi là bệnh kiêu ngạo cộng sản phỏng?


Entry có nhiều comment theo chủ nghĩa Ridiculism nhất chắc là entry “Khoe thô”. Hình như cái entry này đánh thức thú tính ở nhiều người trong chúng ta, bằng chứng là mình chỉ vừa khoe thô một tí mà đã bị bà con xúm vào thể hiện sự thô cho xem, tắt cả bếp. Metal tự hào: “Con BMW của mình khỏi cần tìm, chỉ cần bấm tách cái nhẹ tênh là nó rú ầm cả bãi, đơn giản hơn nhỉ? Mà cũng tiện lắm, chỉ cần đặt lộ trình là nó tự chạy, thoải mái mà thưởng thức "Hạt cơ bản" với "Thế giới phẳng". Àh, còn ku kon mới 2 tuổi đã đòi papa mua cho cuốn "Harry Potter 7" để đánh vần tiếng Anh… ham học là tốt phải ko đồng chí?”. Thô quá, đỡ không nổi!


Z81 thì cau có: “Tụi bây khoe cái chi mô mà thô như rứa, tau vừa ăn bát cháo nấu với nhung hươu tươi mà đọc xong phì ra màn hình máy tính mất một ít, xót của giời. Nhung hươu đắt bỏ bu chứ ít của đâu”. Trời, đúng phong cách “xinh, thông minh, tiết kiệm” nhé! Khoe gì thì khoe, giàu gì thì giàu, vẫn phải tiết kiệm, phải không bà con? Nhưng nói chung, cứ sống theo nguyên tắc là mệt rồi, như đạo diễn Trương Sinh đã kết luận: “Mệt quá, làm trí thức thời buổi này nặng đầu thật”.


Tuy nhiên, comment làm Trang the Ridiculous cười lăn từ trên ghế xuống đất lại là comment cực ngắn của anh Hoàng Linh (Hungary), chỉ có ba từ: “Công nhận thô”. Nghe rất Việt Nam, mọi người công nhận không? Bên cạnh đó là các comment của ký giả, “ông già ham dzui” Lê Ký Thương: “Vỗ tay, vỗ tay... Ủa, mà vỗ tay cái gì và vỗ tay ai nhỉ? Nhưng chú cháu ta cũng nên nghỉ một tí rồi vỗ tay tiếp, vì phải còn vỗ tay mệt nghỉ mà. Hà... hà.... Mỏi tay quá rồi, trời ơi!” Ngôn từ gợi hình ảnh quá, chú nhỉ? Cứ như thể có hai chú cháu dở người đang ngồi vỗ tay minh họa cho các chủ trương chính sách ở trển.

Z20 có một comment làm những blogger có trái tim trong trắng đều phải thở dài và cố gắng đỏ mặt cho đúng mốt con nhà lành: “Phim Vàng Anh: dở bỏ mẹ. Còn thua trận đấu kinh điển Thanh Tòng - Yến Vi ngày nào. Nếu trận Vi Tòng mang không khí hừng hực của một trận đấu tại giải ngoại hạng Anh thì trận đấu của Vàng Anh và Việt Dart chỉ là một trận đấu thủ tục buồn tẻ của Vi lít”. Eo ôi, bậy thế nhở? Cẩn Trọng Linh ngơ ngác: “Mọi người đang bàn tán cái gì thế? Vàng Anh là ai?”. Z20 kiên nhẫn giải thích: “Không phải là ai mà là động từ. Ví dụ bọn học sinh cấp 3 rủ nhau: Anh em mình vào nhà nghỉ để Vàng Anh một phát nhé?

Còn có những comment rất đặc trưng cho chủ nghĩa Ridiculism, ví dụ comment của chú Best Ghẻ xoay quanh những chuyện đời thường về Ông Cụ: “Mịa, em hâm mộ mấy mẩu chuyện nhạt nài quá, nhất là cách chị gọi "Ông Cụ" - siêu lố bịch!”. Người ngoài đọc chắc sẽ không thể hiểu nổi bọn điên này đang khen nhau hay đang chửi nhau - chuyện đã nhạt lại còn đi hâm mộ, rõ lố bịch chửa!


Còn nhiều comment khác chứng tỏ tác giả đang sôi sục muốn giành lấy chức Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch. Tuy nhiên với Trang the Ridiculous, việc ai giữ cái ghế này không quan trọng, quan trọng là: Viết blog là dịp để tôi được nghe tiếng quá nhiều cao thủ về công phu lố bịch. Xin kính cẩn nghiêng mình trước tất cả. Chúc mọi người tiếp tục tu luyện, để sang năm tới công phu đạt tới mức thượng thừa. Rồng sắp gặp mưa, hẹn ngày tái ngộ!


Và những comment phi lố bịch

Comment duy nhất làm cho Trang the Ridiculous chảy nước mắt là của chị Hiền fashion designer: "Đọc đến đoạn ôm anh bạn Anh để nhảy của em mà nhiều người thấy hình ảnh mình trong đó. Nhút nhát như chị mà mỗi lần đi xem Desire biểu diễn lại, mà cũng hú hét rồi vớ được bất kỳ ai gần mình để bá vai cùng nhảy. Thèm được tán phét với em ghê! Đồ quỷ sứ!!!". Chị làm cho em nhớ những ngày đã qua quá chị ơi, và cảm động vì tình cảm của chị lắm! (Khổ, lố bịch quen rồi, đến lúc phải thể hiện tình cảm thật sự thì em lại lúng túng).


Sau entry "Bị chó cắn ở Thanh Hóa", tôi nhận được những message và mail hỏi: "Bị chó cắn thật hay là nói xỏ ai đấy?". Trời ạ, thật, 100%. Trang the Ridiculous không thâm thúy (hay là hèn?) đến thế đâu. Mình không thâm, không sâu sắc, không tài cán gì, mà nhiều người lại cứ nghĩ mình thâm, sâu với tài lắm. Chết là chết ở chỗ ấy. Rất cảm động vì các comment của em Rosy, Phan Lê, Black Pearl, Ká... Cảm động một phần nhỏ, phần lớn còn lại là... ngượng, không biết trả lời ra sao vì các bạn khen quá.


Tóm lại, dù blog này theo chủ nghĩa Ridiculism, nhưng nói như vậy không có nghĩa là các comment theo phong cách "phi lố bịch" thì không được hoan nghênh. Xin mọi người cứ tự nhiên, có điều... xin hạn chế khen, vì Ridiculism nó có một đặc điểm lạ: Cứ phải tự trào, và/hoặc bị chê thật lực thì nó mới phát được. Khi nào bị khen nhiều quá là các lố bịch nhân suy yếu công lực ngay