Thursday 29 June 2017

Viết cho những người trẻ, nhân phiên xử Mẹ Nấm

Ngày hôm nay, một phiên tòa chính trị đã diễn ra ở Nha Trang, nơi người ta xử một phụ nữ trẻ, mẹ của hai đứa con nhỏ. Đó là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, 38 tuổi.

Người ta không cho chị mặc chiếc áo trắng mà mẹ của Quỳnh gửi vào trại giam cho con. Người ta bắt chị phải mặc một cái áo phông không cổ, với những hình vẽ của trẻ con trước ngực.

Người ta chặn phố xá, chặn mọi ngả đường đến tòa. Nha Trang bỗng như trong tình trạng thiết quân luật.

Người ta không cho cả mẹ ruột của chị vào trong phòng xử án. Sau một hồi “đấu tranh” quyết liệt, mẹ chị mới “được phép” vào ngồi ở phòng bên cạnh, theo dõi phiên tòa qua màn hình.

Người ta từ chối tranh tụng với luật sư, từ chối trả lời các lập luận bào chữa của luật sư.

Và cuối cùng, người ta áp đặt cho Quỳnh một bản án với con số làm nhiều người sửng sốt: 10 năm tù.


* * *

Quỳnh là ai và đã làm gì để người ta phải căm thù chị như vậy?

Chị là một nhà hoạt động nhân quyền. Chị yêu đất nước, con người Việt Nam. Vì yêu mãnh liệt, nên chị mong muốn Việt Nam thay đổi, trở nên tự do và dân chủ, để người dân được sống hạnh phúc, những đứa con của chị được lớn lên trong niềm vui hồn nhiên của những đứa trẻ bình thường ở một đất nước bình thường. Chị mong muốn thiên nhiên, môi trường ở xứ sở này mãi xanh, biển mãi dồi dào cá, không khí mãi trong lành, và Nha Trang của chị sẽ mãi là một thành phố du lịch xinh đẹp bên bờ đại dương.

Chị không muốn con cái chị lớn lên ở một đất nước nơi mà chỉ cầm tấm biển “Cá cần nước sạch”, đã bị khép tội, hay thanh niên chỉ cần có dự định “ra nước ngoài học về xã hội dân sự” là đã bị cấm xuất cảnh, hoặc nếu đi được, thì trở về sẽ bị câu lưu ở sân bay. Chị không muốn Nha Trang ngập tràn những dự án cướp đất của dân, những du khách Tàu xì xồ thứ tiếng ngoại quốc, một thành phố đầy rác và bụi. Không muốn một đất nước ngột ngạt vì nạn công an bạo hành và tòa án bất công. Một đất nước với những rừng cây trơ trụi, những núi đá tan hoang, những vùng biển nhiễm độc, hiu quạnh bóng tàu bè…

Còn người ta là ai? Người ta là những đại diện của nhà nước này – những kẻ không chia sẻ tình yêu đất nước của chị Quỳnh, và cũng không muốn ai có tình yêu ấy. Suy cho cùng, bản án 10 năm tù mà người ta áp đặt cho Quỳnh hôm nay là để đe dọa, ngăn cản người dân Việt Nam yêu nước, hoặc yêu thương nhau.

Người ta không cần dân chúng phải yêu nhà cầm quyền, chỉ cần dân chúng đừng yêu nước và đừng yêu thương nhau, và tốt nhất là hãy nhìn vào mức án 10 năm đó mà sợ hãi hoặc tuyệt vọng, chán nản.

* * *

Nhưng, có ai sợ hãi, tuyệt vọng, chán nản không?

Có gì phải sợ, tuyệt vọng, buồn hay chán. Nếu chúng ta nhìn vào những việc Quỳnh đã làm, chúng ta sẽ chỉ thấy nổi lên một điều thôi: Tình yêu của Quỳnh dành cho đất nước và con người Việt Nam.

Vì tình yêu ấy, nên cuộc đời chị đẹp lắm. Chị hiên ngang đứng giữa vòng vây công an và dân phòng ở Sài Gòn, giương cao khẩu hiệu: Vì một quốc gia hùng cường, phải thay đổi! Chị cất cao tiếng nói đòi nhà nước pháp quyền, đòi xóa bỏ những điều luật hà khắc và vô lý như 258 Bộ luật Hình sự. Chị đến với những người dân nghèo mất đất, những nạn nhân của bất công và oan sai, để giúp đỡ họ về tinh thần và vật chất, và hướng dẫn họ đấu tranh. Chị bảo vệ quyền cho dân oan, cho những người bị chà đạp bởi một hệ thống hành pháp và tư pháp còn nhiều sai trái, bạo ngược.

Trên tất cả, cuộc đời chị đẹp bởi vì chị đã tranh đấu cho tự do, ngẩng cao đầu và không sợ hãi.

Này bạn. Nếu bạn cũng tranh đấu cho tự do của một đất nước, cho nhân quyền của người dân, cũng ngẩng cao đầu, vượt qua mọi nỗi sợ hãi như Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bạn cũng sẽ cảm nhận được rằng cuộc đời đẹp lắm, tuổi trẻ của bạn đẹp lắm.

Ngày hôm nay, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói trước tòa: “Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con. Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”.

Những lời chị nói gợi nhớ đến “Bài ca của người hát trong ngục tù tra tấn” – tác phẩm để đời của thi sĩ tài danh của nước Pháp, Louis Aragon:

“Nếu phải đi trở lại 
Tôi đi lại đường này 
Một tiếng từ ngục tối 
Nói đến những ngày mai”

“Nếu phải đi trở lại 
Tôi đi lại đường này 
Dưới gông cùm lửa sắt 
Ca hát những ngày mai”

(Tế Hanh dịch từ tiếng Pháp)

Những năm tháng mà Như Quỳnh đã trải qua, cũng như bản án 10 năm tù kia, đều chỉ làm cho cuộc đời chị thêm đẹp.

Đấu tranh vì tự do cho cả một dân tộc – đó là một cuộc đời đáng sống. Phải không, bạn yêu mến?

Tuesday 20 June 2017

Phiên tòa công khai hèn

Khi các đại sứ quán, các chính trị gia nước ngoài đề nghị được tham dự phiên tòa xử người bất đồng chính kiến, thì an ninh Việt Nam sai tòa từ chối, lấy lý do “không đảm bảo an toàn” cho họ.

Khi báo chí quốc doanh xin dự phiên xử thì an ninh sai tòa, và phối hợp với tòa, chọn lọc rất kỹ, xem cơ quan báo chí nào thật sự là “lề phải”, phóng viên có thẻ nhà báo không, có vấn đề gì về tư tưởng, thái độ không, có tiền sử chống phá gì không… rồi mới xem xét ban cho cái giấy mời.

Lúc vào tòa, phóng viên cũng phải trình đầy đủ giấy mời, thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của tòa soạn, phải nộp lại toàn bộ điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm… (Điều này không áp dụng với những trường hợp phóng viên là các đồng chí đến từ VTV, VOV, Thông tấn xã và tập đoàn các báo công an, quân đội).

Khi báo chí nước ngoài, blogger, nhà hoạt động nhân quyền xin dự thì thường tòa lờ đi không trả lời. Vào ngày diễn ra phiên xử, blogger, nhà hoạt động nhân quyền sẽ bị canh gác chặt chẽ, nhốt kỹ trong nhà, ai cố tình ra ngoài hoặc đến tòa hôm đó sẽ bị bắt về đồn.

Còn hôm nay, 19/6/2017, khi thân nhân gần gũi nhất – bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ ruột của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) – ngỏ ý muốn vào tòa dự phiên xử con mình thì tòa bảo bà “không liên quan đến vụ án”. (Tuy thế, trước đấy, trong quá trình điều tra con gái bà, thì công an thường xuyên triệu tập bà, và 8 tháng nay, vẫn liên tục rình rập, canh cửa nhà bà).

* * *

Với mỗi đối tượng hoặc nhóm đối tượng, chính quyền công an trị ở Việt Nam đều có cách khu xử riêng như vậy, thật là khéo léo, biến hóa, uyển chuyển, linh hoạt.

Chỉ có một điều không thay đổi là bản chất tàn bạo, hèn hạ và trơ trẽn, vô liêm sỉ của chúng.

Saturday 3 June 2017

Hãy xem thủ đoạn "bảo vệ an ninh quốc gia" của công an!

Trưa ngày 2/6/2017, Green Trees (Cây Xanh) và No-U dự lễ viếng ông Nguyễn Đình Hòa, thân sinh ra anh Nguyễn Đình Hà. Anh Hà là luật gia, nhà báo, thành viên của hai tổ chức trên và cũng là một trong các ứng cử viên ĐBQH độc lập trong kỳ bầu cử của đảng Cộng sản năm ngoái.

Từ 9h sáng, lúc gia đình còn chưa phát tang, xấp xỉ hai chục nhân viên an ninh đã lảng vảng tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Sau đó, trong suốt buổi viếng cho tới lễ truy điệu, họ đã thực sự trở thành một đám gây rối. Chỉ có 1-2 người lâu nay vẫn theo sát anh Hà (ngôn ngữ an ninh gọi là “phụ trách”) biết đường thắp nhang, phúng người quá cố và có đôi lời chia buồn với gia đình.

Còn lại, hai chục nhân viên an ninh của cả Bộ Công an, TP. Hà Nội và quận Hai Bà Trưng đều thể hiện thái độ hết sức vô văn hóa. Họ chĩa máy quay phim vào từng người đến dự lễ tang, đi đi lại lại, rồi rà soát từng vòng hoa viếng. Họ gây sức ép, không cho ban tổ chức lễ tang đọc tên hai tổ chức “Cây Xanh” và “No-U”. Có những lúc, ví dụ khi các thành viên No-U xuất hiện quá đông đảo, an ninh đổ quân tới hàng chục người, lừ lừ dòm ngó như sắp đánh nhau đến nơi. Tình hình căng thẳng tới mức No-U buộc phải vào viếng mà không có vòng hoa, vì không muốn làm tang quyến thêm mệt mỏi với những kẻ vô văn hóa kia.

Vòng hoa viếng ông Nguyễn Đình Hòa của nhóm Green Trees 
lúc trước khi bị giật băng...

Khi nhóm Green Trees vào viếng, mọi người đã chờ đến khi tới gần linh cữu, chỉ còn cách khoảng 2 mét, mới gắn băng đen vào vòng hoa. Băng đen có hàng chữ: “Các cháu Green Trees kính viếng”. Chỉ vậy thôi, nhưng nhân viên an ninh cải trang làm người của nhà tang lễ đã xăng xái vác vòng hoa ra bên ngoài, giật băng chữ ra, rồi mới mang trả lại trước sự bất ngờ của tất cả mọi người. Không ai muốn nói gì thêm trong hoàn cảnh tang gia bối rối, và thực sự là cũng cạn lời với thủ đoạn “tác nghiệp” này.

Đoạn phim quay cảnh nhân viên an ninh vác vòng hoa ra ngoài để giật băng đen đi đã được một thành viên Green Trees ghi lại. Ngay sau đó, một tốp an ninh đã bám theo thành viên này hòng cướp máy quay, may mà người quay phim bất đắc dĩ kịp trốn thoát.

... và sau khi bị giật băng.

Giờ phút truy điệu, trong khi tất cả cúi đầu mặc niệm, thì những kẻ gọi là “nhân viên an ninh” kia vẫn đứng đó giương mắt nhìn mọi người, đồng thời, rì rào nói chuyện với nhau và cười.

Chúng lẽo đẽo đi theo tang quyến, thậm chí một xe công an còn chờ sẵn trước cổng nhà anh Hà khi ô-tô chở áo quan đi qua nhà trước khi về đài hóa thân hoàn vũ.

15 năm trước, cũng vào một ngày hè nắng gay gắt như thế này ở Hà Nội (29/8/2002), cũng cái lực lượng bảo vệ chế độ đó đã bao vây đám tang nhà cách mạng lão thành Trần Độ, gây sức ép gỡ băng chữ “Kính viếng Trung tướng Trần Độ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay bằng dòng chữ "Kính viếng anh Trần Độ". Rồi Đảng cử đại diện Vũ Mão lên đọc điếu văn bôi nhọ ông Độ ngay cả khi ông đã nằm trong quan tài. Tang quyến và mọi người ồ lên phản đối, đám an ninh thường phục lăm lăm gậy, sẵn sàng "nghênh chiến" ngay. Phải nói là hồi đó chưa có điện thoại thông minh và mạng xã hội, chúng táo tợn, ngang ngược hơn bây giờ nhiều.

Đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Lợi, mẹ của nhà hoạt động nhân quyền Phạm Thanh Nghiên, mất. Đám bảo vệ Đảng nhắn tin cho chị Nghiên: "Con già bây giờ mới chết à?".

Đám tang bà Nguyễn Thị Lợi, đám tang luật gia Lê Hiếu Đằng, nhà giáo Đinh Đăng Định, nhà văn Bùi Ngọc Tấn... an ninh đều tích cực thực hiện các thủ đoạn gây rối, nhất là trò giật băng tang khỏi vòng hoa. Thời Trung tướng Trần Độ thì chúng đe dọa để không cho mang hoa có băng chữ mà chúng không ưa thích vào. Lần khác, chúng xé băng xong thì bỏ chạy.

! ! !

* * *

Những nhân viên của tổ chức tự xưng là “Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an Việt Nam” từng tuyên bố: “Vì an ninh quốc gia, chúng tôi sẵn sàng làm tất cả”.

Và thế là lấy chiêu bài “an ninh quốc gia”, họ làm đủ trò dù là vô văn hóa nhất, bẩn thỉu nhất, mất dạy nhất.

Cần nói rõ rằng “an ninh quốc gia” chỉ là chiêu bài để họ làm những việc ấy, bởi vì thứ họ thì không đủ liêm sỉ để nói tới bốn từ đó. Những kẻ chỉ bán nước và gây rối, phá hoại, bất chấp luật pháp, bất chấp luân thường đạo lý, thì làm sao có đủ tư cách để bảo vệ an ninh quốc gia.