Saturday 31 March 2007

Bến Bình Thơ (1)




Nhân chuyện bác Saigon Minsk đứng trước lớp, mặt cúi gầm mà lí nhí nói “Thưa cô, hôm nay em không học bài. Em không thể phân tích khổ, hay đoạn nào được”, tôi có nhã hứng viết phê bình văn học. Ừ, phê bình văn học đấy, viết thì viết chứ sợ gì. Đây mới là số một của series “Bến Bình Thơ” thôi các đồng chí ạ, lúc đầu tôi viết còn dè dặt, càng về sau sẽ càng phán khỏe hơn, các đồng chí nhớ đón xem đặng cho ý kiến đánh giá, chỉ đạo.

Cách đây vài năm tôi có đi gặp một nhà thơ nổi tiếng, tuổi đã hơi cao nhưng sức viết thì vẫn dồi dào trai tơ lắm. Câu chuyện (về chủ đề thơ văn) đang đà sôi nổi, thình lình nhà thơ hỏi:

- Này, cháu đọc “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mạc Tử chưa?

- Dạ, cháu học rồi ạ. (Run run nghĩ tại sao chú ta lại hỏi khó mình thế này, chắc sắp kiểm tra kiến thức đây. Y như rằng…)

- Thế trong cả bài ấy thì cháu có biết từ nào là đắt nhất không? Một từ thôi.

Chết tôi rồi…

Thật tình không nhớ câu nào trong “Đây thôn Vĩ Dạ”, ngoài hai dòng “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Khổ lắm nữa, thầy giáo đọc gì thì cứ biết thế mà chép thôi, nhớ làm cái gì. Cốt sao được tối thiểu 7 điểm (tính tôi ghét số 6), còn 5 trở xuống thì hạ cấp quá, không được không được. Muốn 7 trở lên thì cách tốt nhất là làm như giáo án của thầy bảo. Cái đó gọi là tính hiệu quả của người Đức, chẳng việc gì mà phải ngượng.

Cáu. Đang suôn sẻ thì thế này, biết ăn nói sao đây? Mà các đồng chí ạ, phải nói thật, phỏng vấn văn nghệ sĩ nước ta chỉ nên là người đẹp, đặng còn làm nàng thơ cho các bác ấy. Chứ xấu đến độ “quái tướng” như tôi mà gặp, các bác lại mất cảm hứng sáng tác và trả lời phỏng vấn, áy náy lắm. Mình đã phải rất khó khăn mới liên hệ được, nay cơ sự hỏng bét thì nhục nhã nào bằng.

Đến nước này ta đành dùng phương pháp rất đơn giản mà các nhà báo Việt Nam ai cũng biết và sử dụng triệt để: đoán mò. Dĩ nhiên nhà báo chúng ta không đề cập đến thuật ngữ này một cách trắng phớ ra như thế đâu, chúng ta gọi nó bằng một khái niệm sang trọng hơn nhiều, là “khả năng phán đoán” hay “óc phán đoán” gì đấy. Nào thì dùng khả năng phán đoán/ óc phán đoán nào, trúng thì trúng chả trúng thì thôi. Tôi đoán văng mạng:

- Từ “mướt” ạ.

- Sai rồi! - Nhà thơ reo ầm lên như dính được chuột.

- Từ “ngọc” phỏng ạ? - Tôi hỏi, giọng đã kém tự tin hơn mà tăng phần lí nhí.

- Sai. - Nhà thơ đáp dứt khoát.

- Từ “ai”? - Càng nói tôi càng sa vào trường phái hũ nút, bí hiểm.

- Không phải. Đây để chú nói cháu nghe. Đấy là từ….

…. “Kịp”!



- “Kịp” ấy ạ?
- (Mặt đực ra sau một thoáng lặng đi).

- Ừ, từ “kịp” trong câu “có chở trăng về kịp tối nay” ấy. Toàn bộ cái tinh hoa, cái tinh tế sâu xa của Hàn Mạc Tử là nó rơi vào từ “kịp” ấy. Sao lại kịp? Sao lại phải kịp? Tại sao? À, là vì vội quá. Vội quá đấy mà. Chở trăng về vội lắm. Vội lắm chứ không thể thong thả thong dong như đi chơi được. "Kịp"! Cháu thấy hay không? Đấy, nếu cháu chưa cảm nhận được cái hay của nó, là chưa hiểu gì về chất Hàn Mạc Tử đâu.

- … !!! …

Thì cháu có dám nói là cháu hiểu Hàn Mạc Tử đâu.

Thôi, cháu chào chú cháu về. Mồ hôi ướt hết lưng. Về rồi cháu nhất trí tôn vinh chú (tôn vinh thầm thôi) là nhà thơ thế kỷ.


*
* *


Vĩ thanh (kết cục): Entry này tuy là chuyện có thật nhưng được post hoàn toàn chỉ để đùa nhả cho vui, tôi không có ý chê bai các nhà thơ cũng như công tác phê bình văn học. Dù sao buổi bình thơ cụ Hàn hôm đó cũng làm tôi rất khoái chí, cười như dí ám suốt đường về, thế là trẻ ra được đến mấy tuổi.