Saturday 10 May 2014

Tại sao Trung Quốc khoan dầu ngoài khơi Việt Nam?

Dưới đây là bản dịch một bài viết của Associated Press (AP), nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu nhanh về vụ "giàn khoan Haiyang 981". Bạn đọc có thể thấy bài viết thiên về hướng chỉ trích Trung Quốc hung hăng, xâm lược và bắt nạt các quốc gia khác trong khu vực.


AP, ngày 9/5/2014, tại Bắc Kinh

Trung Quốc đã đưa một giàn khoan dầu nước sâu vào một địa điểm nằm ngoài khơi Việt Nam, trong vùng biển mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Tin cho biết dàn khoan được hộ tống bởi một đội 70 tàu Trung Quốc – đám tàu này đã đâm tàu Việt Nam và phun vòi rồng để né đòn. Sự việc làm căng thẳng giữa hai nước gia tăng đến mức độ gay gắt nhất trong mấy năm qua.

Hỏi: Tại sao Trung Quốc làm như vậy?

Đáp: Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông (nguyên văn: South China Sea, tức biển Hoa Nam, hoặc biển Nam Trung Hoa – ND) và đã bắt đầu triển khai kế hoạch đã định, là khoan thăm dò ở nơi được cho là một mỏ dầu và khí tự nhiên dồi dào dưới lòng biển. Động thái này cũng có thể là một phép thử xem năng lực của Việt Nam đến đâu và Việt Nam quyết tâm tới mức nào trong việc bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình, trong khi Washington liên tục nhấn mạnh quyền tự do hàng hải trong khu vực.

Hỏi: Giàn khoan nằm ở đâu?

Đáp: Trung Quốc đã đặt giàn khoan ở vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý (hơn 240 km – ND), tại một vùng biển vốn đã được Hà Nội xác định là sẽ khai thác, nhưng chưa triển khai mời thầu đến các công ty dầu khí nước ngoài. Việt Nam lập luận rằng khu vực này rõ ràng nằm trong thềm lục địa của họ. Còn lập luận của Trung Quốc căn cứ vào lý lẽ cho rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với Biển Đông, và dàn khoan thì nằm gần quần đảo Hoàng Sa lân cận – quần đảo này cũng đang bị tranh chấp.

Hỏi: Cơ sở pháp lý các bên đưa ra là gì?

Đáp: Động thái của Trung Quốc có vẻ đi ngược lại tinh thần của cả các công ước LHQ lẫn những điều ước mà Bắc Kinh ký với các quốc gia Đông Nam Á, kêu gọi các quốc gia không đơn phương có những cách hành xử làm gia tăng tranh chấp hay là phá hoại phương án giải quyết các yêu sách chủ quyền mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, các điều ước đều mù mờ, khó thực thi, và Trung Quốc đã phớt lờ tất cả những cam kết trong quá khứ, đồng thời bác bỏ các đề nghị mời quốc tế làm trung gian.

Hỏi: Về vấn đề thời điểm thì sao?

Đáp: Trung Hoa nói việc triển khai giàn khoan là lệ thường và là kết quả tự nhiên, hợp logic, của một kế hoạch thăm dò dầu khí đã được xúc tiến từ lâu. Tuy nhiên, hành động triển khai giàn khoan của Trung Quốc diễn ra ngay sau chuyến thăm khu vực của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến đi này, ông Obama đã chỉ trích những động thái của Trung Quốc nhằm hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, đồng thời ông tái khẳng định Mỹ ủng hộ đồng minh Nhật Bản trong một tranh chấp chủ quyền khác tại biển Hoa Đông. Hơn tất cả các kế hoạch khác của Mỹ nhằm củng cố sự hiện diện của họ tại châu Á, những bình luận đó của Obama khiến Trung Quốc rất không hài lòng. Việc này cũng xảy ra trước phiên hội nghị thượng đỉnh cuối tuần sắp tới của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam và Philippines là hai nước mà Trung Quốc vốn thâm thù vì chuyện chủ quyền biển đảo. Bắc Kinh từng bị lên án vì đã can thiệp vào nội bộ khối liên kết vốn mong manh này, chủ yếu là để đẩy mạnh chiến lược của Bắc Kinh là ngăn chặn, không để ASEAN trở thành một mặt trận thống nhất chống các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Hỏi: Tận cùng mục đích của Trung Quốc là gì?

Đáp: Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là thay thế Hoa Kỳ làm siêu cường quân sự thống trị khu vực và kéo các nước láng giềng vào sâu hơn trong quỹ đạo kinh tế và văn hóa của mình. Các biện pháp mạnh để khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông giúp Trung Quốc xây dựng ảnh hưởng, và dường như rất ít có khả năng họ sẽ rút lui, trong bối cảnh có nhiều phàn nàn mà ít nhượng bộ trong các vấn đề chủ quyền.

Hỏi: Việt Nam có những lựa chọn gì?

Đáp: Việt Nam đã gia tăng đáng kể ngân sách dành cho quân đội trong những năm gần đây, nhưng so với Trung Quốc thì thua xa. Mặc dù trong quá khứ Việt Nam từng thể hiện quyết tâm đánh Trung Quốc, nhưng giờ đây các lợi ích kinh tế đều cao hơn ngày trước và sẽ hầu như không có lợi gì nếu khơi mào một cuộc chiến tranh vũ trang. Hà Nội đang cố gắng vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ họ chống lại Trung Quốc – kẻ xâm lược – một sự lên án cộng hưởng với nhiều nước khác trong khu vực và Mỹ. Nhưng Việt Nam thiếu một liên minh vững chắc với Mỹ, cái mà những nước như Nhật Bản hay Philippines đều có khi họ đương đầu với Trung Quốc. Bây giờ thì Hà Nội có thể hợp tác với Manila trong việc theo đuổi một nỗ lực pháp lý nhằm khởi kiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở một tòa án quốc tế; nhưng chưa rõ liệu khả năng này có đủ để khiến cho Trung Quốc phải gỡ bỏ giàn khoan đi hay không.


Chú thích ảnh của AP:

Hình ảnh này lấy từ một video do cảnh sát biển Việt Nam cung cấp: Thành viên đội tàu kiểm ngư của Việt Nam đứng bên mạn con tàu với dấu vết thiệt hại do bị một tàu Trung Quốc đâm vào, thứ tư, 7/5/2014. 

Nguồn: http://www.theepochtimes.com/n3/664190-why-china-is-drilling-for-oil-off-vietnam-coast/?photo=3

Bài liên quan: New York Times: Về tình hình phức tạp trên Biển Đông