Friday 3 June 2011

"Chiến tranh đa diện chống Việt Nam"

Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc nửa đầu thập niên 1980, cho rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và những hành vi gây hấn với Việt Nam thực chất chỉ là bề nổi của một chiến lược gây ảnh hưởng về cả chính trị, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam, đã và đang được họ thi hành từ bấy lâu nay.

Vì lý do đó, ông Quách Hải Lượng khẳng định, không nên quá lo sợ và chỉ tập trung chú ý vào tiềm lực quân sự của Trung Quốc, mà nên cảnh giác với cả các lĩnh vực khác có sự tham gia rất mạnh mẽ của Trung Quốc, như đầu tư, kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… ở Việt Nam.

Với tư cách một chuyên gia nghiên cứu đã hàng chục năm về Trung Quốc, Đại tá Quách Hải Lượng cho rằng, sự cố cắt cáp tàu Bình Minh 02 vừa rồi (ngày 26/5/2011) là hành động tất yếu sẽ xảy ra, tuy nhiên, chưa có khả năng Trung Quốc đẩy vấn đề thành xung đột quân sự trên diện rộng. Việc Việt Nam cần làm bây giờ là: Về đối ngoại, ngay lập tức vạch rõ tính phi chính nghĩa của Trung Quốc và nêu rõ tính chính nghĩa của ta, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế; về đối nội, lãnh đạo phải tin vào nhân dân. 
 
Dưới đây là một phần phân tích của ông Quách Hải Lượng về chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt nhấn vào những ảnh hưởng đối với Việt Nam. Ông có nhắc tới ý kiến của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch: “Ta đừng chờ họ mang quân tới đánh thì mới gọi là xâm lược, thực chất hiện nay họ đã xâm lược rồi. Phải nói như ông Nguyễn Cơ Thạch, rằng Trung Quốc đã phát động chiến tranh phá hoại toàn diện đối với Việt Nam. Nói thế mới là đầy đủ”.


* * *

Đối với riêng vấn đề Biển Đông, Trung Quốc có hai lợi ích: Một là muốn có một chỗ đứng chân chiến lược để phát triển vào Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, và nói chung là đi ra thế giới. Hai là thèm khát năng lượng. Hai yếu tố đó – mong muốn có chỗ đứng chân trong khu vực cộng với thèm khát năng lượng – trở thành động cơ cho chiến lược chung của Trung Quốc, cả toàn cầu lẫn khu vực. Và Trung Quốc đã có nhiều hoạt động nhằm thực thi chiến lược ấy bao nhiêu năm qua.

Thứ nhất là họ tăng cường sức mạnh quân sự để đe dọa và giữ quyền khống chế, chủ động trên toàn bộ Biển Đông.

Thứ hai, họ tham gia các dự án đầu tư lớn và các khối thị trường tự do để xâm nhập Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Họ xây dựng hạ tầng cơ sở, làm những con đường chiến lược xuyên Đông Dương, xuyên Á và liên Á, để có thể phát triển ra thế giới bằng đường bộ và đường sắt. Cộng thêm vào biện pháp kinh tế - đầu tư là chính sách di dân của Trung Quốc: Ở tất cả những nơi Trung Quốc đến làm ăn kinh tế, họ đều muốn người của mình ở lại. Như là Nậm Thà ở Lào, họ xin thuê tới 99 năm. Như ở Viên Chăn, họ xin xây một “bang” người Hoa tới 200.000 người. Trung Quốc từng có đề nghị giúp xây hội trường, nhà thi đấu thể thao cho Lào với điều kiện sau đó những người làm công sẽ ở lại Lào. Bắc Lào hiện nay gần như là của Trung Quốc. Mường Sinh đầy những người Trung Quốc đi làm ngày trước và giờ ở lại cả, không về nước.

Trung Quốc di dân sang cả châu Phi, châu Mỹ Latin. Ở Brazil chẳng hạn, Trung Quốc mua đất, dự định đưa sang đó 5 triệu dân. Năm 2010, họ đã đưa sang đó tới một triệu rưởi người.

Với riêng Việt Nam, thật ra vấn đề nổi cộm giữa ta và Trung Quốc là biển Đông, nhưng để ép ta về vấn đề biển Đông thì Trung Quốc sử dụng nhiều mũi nhọn: kinh tế, đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở, v.v. Cứ nơi nào họ sang làm giúp ta thì họ rào lại, coi như lãnh địa của họ, không ai được vào nữa. Họ nhập hàng hóa, từ đồ ăn thức uống, bát đĩa tới cái… hố xí bệt đều là từ Trung Quốc, không dùng hàng Việt Nam. Như thế là Việt Nam bị kìm kẹp rất ghê gớm. Đấy là chưa kể về mặt chính trị, họ can thiệp vào chính trị nội bộ của ta rất sâu. Cho nên, việc Việt Nam xử sự với Trung Quốc ấy, là phải chống lại rất nhiều mũi nhọn chứ không phải chỉ riêng biển Đông.

(…) Trung Quốc là một thứ chủ nghĩa bành trướng hiện đại, chủ nghĩa thực dân mới. Cả thế giới hiện nay, không nước nào đi xâm lược, lấy đất của nước khác. Nói đúng hơn, họ có thể xâm chiếm nước khác bằng kinh tế, văn hóa, như Mỹ chẳng hạn, nhưng không có nhu cầu lấy đất. Còn Trung Quốc thì vừa lấy đất, vừa di dân để chiếm và giữ. Chủ nghĩa thực dân mới là vậy, cần phải hiểu bản chất của nó…


* * *


Tham khảo: Chủ nghĩa thực dân mới và quan hệ Trung Quốc - châu Phi

Trong những năm gần đây, CHND Trung Hoa đã thiết lập quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Phi. Hiện tại Trung Hoa là đối tác thương mại lớn thứ hai châu Phi, sau Mỹ. Tính đến tháng 8/2007, có khoảng 750.000 công dân Trung Quốc làm việc hoặc ở lại sau khi đã hết thời gian làm việc tại châu Phi, hơn 700 công ty Trung Quốc làm ăn ở 49 nước châu Phi.

Trung Quốc gom nhặt tài nguyên thiên nhiên của châu Phi – dầu hỏa, khoáng sản quý – để nuôi nền kinh tế đang mở rộng, cũng như tìm kiếm thị trường mới cho các doanh nghiệp đang lớn của họ. Năm 2006, thương mại hai chiều tăng tới 50 tỷ USD. Không phải mọi giao dịch đều liên quan đến trao đổi tiền tệ trực tiếp. Năm 2007, chính phủ Trung Quốc và Congo đã đạt thỏa thuận theo đó những công ty quốc doanh Trung Hoa sẽ tham gia những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho Congo, đổi lấy một lượng lớn nguyên vật liệu khai thác từ các mỏ đồng của Congo.

(nguồn: mục “Chủ nghĩa thực dân mới”, Wikipedia)