Monday 23 August 2010

Vĩnh biệt người viết “nhật ký thời bao cấp”

Sáng 20-8, giới kinh tế học ở Việt Nam đón nhận tin buồn: Chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng Phong qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Cùng nỗi tiếc thương là cảm giác băn khoăn: Có phải con người ấy đã mang đi theo ông bao nhiêu thông tin quý báu, bao nhiêu bí mật về nền kinh tế Việt Nam trong suốt một chiều dài lịch sử? Ai sẽ thay thế ông để làm “con thuyền chuyên chở kiến thức và kinh nghiệm từ quá khứ đến các thế hệ hiện tại”?

TS kinh tế Nguyễn Đức Thành ví ông Đặng Phong như thế - như “một con thuyền lớn và đơn độc chuyển tải kiến thức đến cho những thế hệ mà hiểu biết của họ về quá khứ đang bị xóa mờ đi rất nhanh”.

Sinh năm 1939, có hai bằng đại học kinh tế và lịch sử, trải nghiệm đời sống kinh tế ở Việt Nam suốt từ khi giành độc lập, qua thời bao cấp tới ngày Đổi Mới, Đặng Phong có nhiều điều kiện để làm một sử gia kinh tế chuyên nghiệp. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần; ngoài ra, ở ông còn có những yếu tố, những phẩm chất rất khó tìm thấy ở người khác, mà điều đầu tiên là tài năng thiên bẩm, thể hiện dưới dạng một niềm say mê kỳ lạ: Ông đã quan tâm tới việc viết lịch sử kinh tế của đất nước từ những năm còn rất trẻ. Ít người biết rằng Đặng Phong đã viết tác phẩm đầu tay năm ông mới hơn… 20 tuổi.


Con người của đam mê

Cuốn sách đầu tay của Đặng Phong viết về kinh tế Việt Nam thời nguyên thủy, đồ sộ, quy mô và chứa đựng nhiều ý rất mới. Khi tìm đọc tác phẩm này, TS Nguyễn Đức Thành cho biết ông bị ấn tượng bởi “một cuốn sách viết hết sức bài bản, kinh điển”. Còn nhà giáo Phạm Toàn – độc giả của Đặng Phong từ hồi ấy - thì khẳng định: “Vào thời điểm ấy, đó là cuốn sách đầu tiên không giáo điều mà tôi được đọc”. Chẳng hạn, sách đưa ra quan điểm cho rằng không nên nhấn mạnh Việt Nam là một nước “rừng vàng biển bạc”, bởi lẽ rừng của chúng ta không nhiều như chúng ta tưởng, nhất là nếu so với nước Mỹ nơi một đàn bò tót đi qua có thể để lại vết bụi kéo dài tới 3 km! Điều gây kinh ngạc là tác giả mới ngoài 20 tuổi, và cuốn sách đã đưa ra những quan điểm như thế trong bối cảnh Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước.

Đặng Phong chính thức bước vào sự nghiệp của một nhà sử kinh tế kể từ đó. Thập niên 60-70, ông công tác tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, và là cộng sự đắc lực của GS Trần Phương. Khi ông Trần Phương trở thành Phó Thủ tướng (nhiệm kỳ 1982-1985), Đặng Phong được điều chuyển về làm chuyên viên ở Viện Nghiên cứu Khoa học Giá cả, trực thuộc Ủy ban Vật giá Nhà nước. Tại đây, tiếp xúc với kho tư liệu của Ủy ban, ông càng hăng hái làm việc: sưu tầm, tìm hiểu, đọc, đi và viết. GS-TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giá cả, “sếp” cũ của Đặng Phong, hồi tưởng: “Anh viết chắc tay, viết khỏe, viết nhiều, cái nhìn sắc sảo. Làm việc rất hăng say, phải nói là cực kỳ nhiệt tình, đam mê công việc, xứng đáng là tấm gương cho lớp trẻ noi theo. Suốt cả đời mình, Đặng Phong thích đi, thích mầy mò, chịu khó sưu tầm tư liệu, chính vì thế sách của anh ấy luôn dày thông tin. Tôi thấy đấy là người viết sử kinh tế xuất sắc nhất Việt Nam”.

Không thật sự yêu một công việc, người ta không thể hết lòng vì nó, không thể bỏ công tìm tòi, phát triển nó. Ở Đặng Phong, niềm đam mê đã khiến ông có sự sáng tạo, phong cách độc đáo hiếm thấy ở người khác. Đi dạy, viết sách, ông luôn đưa vào những ý tưởng mới mẻ và sắc sảo. Biên soạn cuốn sách nổi tiếng, “Tư duy kinh tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989”, để đảm bảo tính khách quan và chính xác của thông tin, ông đã gặp và phỏng vấn hàng chục “nhân vật của một thời”, trong đó đặc biệt là những người đã từng làm việc gần gũi các cán bộ lãnh đạo - như các ông Trần Phương (nguyên trợ lý của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn), Trần Việt Phương (nguyên thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) .v.v. Kết quả của sự dày công đó là một cuốn sách đầy ắp tư liệu, trong đó rất nhiều chi tiết dường như là chuyện “thâm cung bí sử”, về thời kỳ ngột ngạt của đất nước “đêm trước Đổi Mới”. Nhiều thông tin có lẽ phi Đặng Phong không ai có được (những người có được thì lại không viết sách), như câu chuyện về vụ Z30 ở Hà Nội, hay cuộc trao đổi có một không hai giữa GS triết học Trần Đức Thảo và Tổng Bí thư Lê Duẩn về thuyết “làm chủ tập thể”.


Ai người thay thế Đặng Phong?

Thực tế là nếu không vì đam mê công việc, Đặng Phong chẳng có lý do gì để vùi mình vào công việc viết sử kinh tế vất vả và… ít tiền. GS-TS Nguyễn Thị Hiền bày tỏ: “Đóng góp lớn nhất của Đặng Phong là mầy mò tìm hiểu, tập hợp tư liệu và viết sách, một việc mà ngoài ông ấy, ít người chịu bỏ công ra lắm. Ở các trường đại học thì đều có khoa sử kinh tế cả, nhưng tôi nói thực là người ta chẳng có thì giờ mà viết đâu, chạy sô dạy học – chính khóa rồi tại chức – ra tiền hơn nhiều. Đặng Phong viết một cuốn thì giỏi lắm được vài chục triệu đồng chứ mấy, viết để thỏa mãn đam mê của ông ấy chứ ai kiếm tiền từ đấy. Tôi e là cứ cái kiểu đại học như bây giờ thì sẽ không có cơ sở nghiên cứu nào xuất phát từ hệ thống đại học đâu, nên ông Đặng Phong một mình một chiếu sử kinh tế, tung hoành ngang dọc bao lâu nay là đương nhiên”.

TS Nguyễn Đức Thành thì nhận định: “Từ quan điểm của tôi, Đặng Phong hiện giờ là người không thể thay thế. Ông hội tụ được đầy đủ các yếu tố: quan hệ sâu rộng với các nhân chứng lịch sử trong nước, quan hệ rất rộng rãi với học giả quốc tế, là nhân chứng trực tiếp trong suốt những biến động kinh tế của đất nước, và những đam mê, hoài bão to lớn. Nhân chứng lịch sử - những người sống cùng thời ông - thì nhiều lắm nhưng họ không có chủ đích thu thập, tập hợp tư liệu. Trong cộng đồng các nhà nghiên cứu, cũng có những sử gia tài năng người Việt ở nước ngoài, thì họ lại không có mặt trong những thăng trầm của kinh tế Việt Nam; họ là hiện thân của một đời sống khác không ở Việt Nam”.

Với sinh viên và thế hệ các nhà kinh tế trẻ, Đặng Phong luôn được coi như một “túi khôn”, một kho tư liệu sử. Ông còn là người động viên họ bước chân vào lĩnh vực khô khan, khó khăn và… ít tiền này. Lâu nay, cứ đến nhà ông là người ta lại gặp những gương mặt sinh viên trẻ đang hăm hở học tập, nghiên cứu, viết sách cùng với “thầy Phong”. Người muốn viết về lịch sử các quán cà phê ở Hà Nội, người muốn tìm hiểu mô hình kinh tế Trung Quốc trong tương quan so sánh với Việt Nam… TS Nguyễn Đức Thành cũng kể: “Khi gặp đám nghiên cứu trẻ, ông hay nói chuyện về lịch sử kinh tế và kể lại các sự kiện kinh tế để chúng tôi hiểu biết thêm về Việt Nam. Nói chung, Đặng Phong mang lại nguồn cảm hứng lớn, và mỗi lần trao đổi với ông thì chúng tôi đều học hỏi được rất nhiều. Ông là cầu nối giữa thế hệ các kinh tế gia trẻ, không có điều kiện trải nghiệm nhiều, với quá khứ thực tiễn của dân tộc”.

Ngoài đời, Đặng Phong sống vui vẻ, lạc quan, hài hước. Ông thường “phân trần” với mọi người một cách dí dỏm: “Không hiểu sao báo chí cứ nâng tôi lên “giáo sư”, tôi đã bao giờ được Nhà nước phong hàm đâu cơ chứ”. Không tiến sĩ, không giáo sư, nhưng Đặng Phong đã là chuyên gia mời ở nhiều viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới: ĐH Ai-xen-Provence (Pháp), ĐH California (Monterey Bay, Mỹ), ĐH Cambridge (Anh), ĐH Macquarie (Australia)… Phát hiện bị ung thư từ đầu năm 2009, ông vẫn hết sức bình thản, lạc quan chữa trị. Ông còn đùa bảo: “Nếu tôi có chết sớm thì cũng hợp lý thôi, âu cũng là cái giá phải trả cho nửa đời thích uống whisky, hút thuốc lá. Nhưng nếu cả đời không được uống whisky và hút xì gà thì phí lắm”.

Nói chuyện hấp dẫn, ham hiểu biết, thích đi đây đó, Đặng Phong cũng là người quảng giao, dễ gần, rất nhiều bạn bè trong và ngoài nước. Các bạn đánh giá ông “kiêu thì rất kiêu – vì thực sự có tài – nhưng với bạn thì cởi mở, hết lòng”. Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng (nguyên Tổng Biên tập báo Giao thông) kể: “Có lần tôi bảo Đặng Phong là tôi đang muốn mời Ban Giám đốc Nhà in báo Nhân dân một bữa nhậu. Phong nói ngay là cứ hẹn đi, rồi vác súng ra ngoại thành đi săn chim. Mãi 6h tối ông ấy mới về, đổ ra sàn nhà… một đống chim, mọi người lại phải lăn vào vặt lông làm thịt, nhưng vui lắm, ăn ngon. Đặng Phong nấu nướng rất giỏi, dân nhậu mà, sành ăn. Có món gì hay lại gọi bạn đến nhà nhậu. Lần đầu tiên tôi được ăn món hoa ban muối giòn là do Đặng Phong làm đấy”.

Đặng Phong ra đi khi ước vọng của ông về việc viết một bộ thông sử kinh tế Việt Nam còn dang dở. Dù hiện tại, chưa gương mặt nào trong giới sử kinh tế có thể thay thế ông, nhưng người ta có thể hy vọng rằng rồi sẽ có người kế cận. Ông để lại rất nhiều tư liệu. Những bạn bè lâu năm của ông đã nhận định: “Với tính cách ấy, với những tư tưởng mới từ thời 20 tuổi ấy, Đặng Phong không bao giờ là người giấu kín kiến thức, không chia sẻ”. Nhưng quan trọng hơn thế là, ông đã gợi lên trong lòng không ít sinh viên cũng như độc giả của mình niềm say mê nghiên cứu, ít nhất cũng là sự quan tâm tới lịch sử nền kinh tế nước nhà.


++++++++++


Ghi chú: Không con người nào là hoàn mỹ. Không tác phẩm nào là hoàn thiện. Không tư tưởng nào là chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên, với lòng tôn trọng người đã khuất, xin bạn đọc cho phép tôi, trong khuôn khổ bài viết này, không bàn tới những gì có thể bị coi là nhược điểm hoặc chưa được đánh giá cao trong sự nghiệp viết sử của sử gia kinh tế Đặng Phong.