Saturday 14 August 2010

Cuộc khởi nghĩa của những người tay không

Nói về Tổng khởi nghĩa 1945, một điều có lẽ là thắc mắc của một số người (tôi không nói là “nhiều người”, vì không biết nhiều ít thế nào), là thực sự thì cuộc Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hay không, khi mà Nhật đã bại trận trong Thế chiến và sẽ phải rút khỏi Đông Dương, Việt Nam đã có một chính phủ (của Bảo Đại và Trần Trọng Kim), v.v.

Tôi hy vọng những điều mà bà Lê Thi - một trong những nhân chứng của thời đó - nói trong bài dưới đây, có thể trả lời phần nào câu hỏi này - từ góc nhìn của bà. Tất nhiên cuộc nói chuyện có những ý mà sau đó tôi không đưa vào bài.

Ngoài ra, trong đoạn giới thiệu, tôi có viết rằng bà Lê Thi sinh năm 1926, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, con gái cố Giáo sư Dương Quảng Hàm; bà cũng là một trong hai thiếu nữ kéo cờ trong lễ Độc lập 2/9/1945. Tôi đã không viết thêm rằng bà là vợ của Đại tá Lê Hồng Hà.



+++++++++

19/8 - cuộc khởi nghĩa của những người tay không

Cách mạng Tháng Tám là những ngày biết bao nhiêu thiếu nữ gia giáo, nền nếp Hà Thành xuống đường mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Minh. Là những ngày thanh niên ồ ạt gia nhập tự vệ chiến đấu, các đoàn thể, đảng phái ở Việt Nam sát cánh bên nhau vì mục đích chung: giành độc lập, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Bà Lê Thi (sinh năm 1926, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, con gái cố Giáo sư Dương Quảng Hàm) nghĩ về Cách mạng Tháng Tám như vậy. Bà là người tham gia cả hai sự kiện lớn trong Cách mạng Tháng Tám: cuộc mít tinh ngày 17 tháng 8 và ngày tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 ở Hà Nội. Bà cũng là một trong hai thiếu nữ được vinh dự kéo cờ trong lễ Độc lập 2/9/1945. (Người kia là bà Đàm Thị Loan, phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái).

- Giai đoạn tiền khởi nghĩa, bà đang là nữ sinh, sống ở Hà Nội trong một gia đình trí thức tiểu tư sản. Xin bà cho biết con đường đưa bà đến với cách mạng, và tham gia Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội?

- Hồi đó tôi mới 18-19 tuổi, vừa học xong bằng diploma của trường nữ học Trưng Vương, đang chờ học hai năm cao đẳng sư phạm để đi làm cô giáo. Cuối năm 1944 thì tôi được một bạn học cùng lớp là chị Tuyết Minh cho đọc báo Cứu Quốc rồi vận động theo Việt Minh, như bây giờ ta gọi là “tuyên truyền, giác ngộ” ấy. Đầu năm 1945, tôi tham gia Hội Phụ nữ Cứu Quốc. Nhiệm vụ của tôi khi ấy là bí mật quyên góp gạo, muối, tôm khô để gửi lên chiến khu ủng hộ Việt Minh, và phát báo Cứu Quốc cho chị em bạn bè đọc.

- Hồi ấy, thông tin tuyên truyền ở trong tình trạng vô cùng hạn chế. Bà và các chị em bạn bè hiểu như thế nào về Việt Minh?

- Tôi biết rằng Mặt trận Việt Minh là một tổ chức gồm nhiều đoàn thể và đảng phái, mà mục đích của họ là đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước. Nói thật chứ hồi đó tôi cũng chả hiểu dân chủ là gì đâu, chỉ biết là chính quyền mới sẽ là của dân, không còn là chính quyền của thực dân Pháp hay thân Nhật nữa. Tôi cũng biết Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo trong Mặt trận Việt Minh, các ông có vai trò chủ chốt trong đó đều là đảng viên cộng sản cả đấy. Lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì là cụ Nguyễn Ái Quốc, mà cho tới mồng 2 tháng 9 tôi mới biết cụ Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Còn Việt Minh thì là một mặt trận liên kết các đoàn thể như Hội Phụ nữ Cứu Quốc, Thanh niên Cứu Quốc, Tự vệ Chiến đấu; các đảng phái như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Đông Dương.

- Bà đã vận động, tuyên truyền cách mạng tới anh chị em bè bạn bằng cách nào?

- Tuyên truyền thì tôi cứ để ý trong đám bạn bè mình, ai có vẻ có cảm tình, thích Việt Minh rồi thì tôi đưa báo Cứu Quốc cho đọc, tất nhiên dặn họ giữ bí mật. Rồi thuyết phục, vận động họ ủng hộ Việt Minh hoặc tham gia các đoàn thể của Việt Minh. Tất nhiên cũng có người sợ. Họ không nói thẳng ra là họ sợ đâu, mà kêu là không tham gia vì chả biết làm gì cả. Có người tôi đưa báo Cứu Quốc cho đọc, còn vừa đọc vừa run. Nhưng số đó ít lắm, mà cũng là trước ngày 17 tháng 8 thôi. Đa phần đều hăng hái, nhiệt tình ủng hộ Việt Minh, nhất là sau ngày 17 và 19 tháng 8.

- Về phần mình, bà có sợ không?

- Sợ lộ thì ai chả sợ lộ. Trước ngày 17 tháng 8, mọi việc phải vô cùng bí mật. Có chuyển báo Cứu Quốc cho ai thì tôi cũng phải thăm dò, cân nhắc, thấy họ đáng tin cậy mới dám đưa. Tôi đạp xe đi đưa báo, giấu báo dưới yên. Có lần đang đi đường, tôi giật bắn mình nghe một tên công an quát: “Cô kia, đứng lại!”. Tôi líu ríu đứng lại, hắn quát: “Về đồn!”. Tôi sợ quá, dắt xe theo hắn, chỉ lo hắn bảo lật yên lên thì chết. Nhưng cuối cùng hắn nói: “Cô đi vào đường ngược chiều. Nộp phạt!”. May quá. Tôi vội vàng nộp tiền phạt rồi “chuồn” ngay.


Lần đầu tiên “con gái Hà Nội” xuống phố, hô khẩu hiệu…

- Bà có thể kể lại những hồi ức của bà về diễn tiến của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội? Đầu tiên là quá trình chuẩn bị?

- Trước ngày tổng khởi nghĩa khoảng một tháng, chị Tuyết Minh bảo tôi “chuẩn bị ra chiến khu nhé”. Thế là tôi giấu gia đình, thu xếp quần áo, chuẩn bị lên đường. Như thế là chuyện lớn lắm đấy vì xưa nay, có bao giờ tôi dám ra khỏi nhà buổi tối, nay tôi lại dám trốn nhà ra đi như thế.

Tưởng là lên chiến khu nhưng hóa ra chỉ tập trung ở nhà Tuyết Minh nhận lệnh “chuẩn bị tổng khởi nghĩa”. Chúng tôi ngày ngày tập hát, các bài Tiến quân ca (lúc đó đã biết Tiến quân ca sẽ là Quốc ca của nước Việt Nam độc lập rồi), Diệt phát xít, Du kích ca… Rồi thuê người may cờ. Bản thân chúng tôi thì tự dán cờ bằng giấy thôi, vì vải đắt lắm, mà may thì dễ lộ. Lúc ấy, tức là cho đến trước ngày 17 tháng 8, mọi sự vẫn diễn ra trong bí mật mà.

Được khoảng hai tuần, chúng tôi nhận được kế hoạch khởi nghĩa. Theo đó, vào ngày 17 tháng 8, tại Nhà hát lớn sẽ diễn ra một cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức để đề cao vai trò của chính quyền thân Nhật. Mình phải hiểu bối cảnh thời đó là Nhật Bản đã đầu hàng Đồng minh, Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đang có ý định cướp chính quyền từ tay Nhật trước Việt Minh, nên tổ chức mít tinh để tự biểu dương lực lượng. Biết vậy nên ta chủ trương hôm đó sẽ lật đổ cuộc mít tinh, biến nó thành một dịp để Việt Minh ra mắt đồng bào. Kế hoạch là như vậy, và chúng tôi chia nhau đi vận động mọi người tham gia, đến từng nhà vận động, tất nhiên vẫn là bí mật.

- Và ngày 17 tháng 8 đã diễn ra như thế nào? Với tư cách một người tham gia cả quá trình, từ lúc chuẩn bị tới khi thực hiện, xin bà kể lại những gì bà còn nhớ về sự kiện 17 tháng 8.

- Ngày hôm đó, chúng tôi dán cờ đỏ sao vàng bằng giấy, giấu sẵn trong người, kéo tới quảng trường Nhà hát lớn để dự mít tinh từ sáng sớm. Khi người của chính quyền Trần Trọng Kim vừa chuẩn bị khai mạc, thì một người – sau này tôi biết đó là ông Trần Lâm, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam – đã lên được gác hai tung cờ đỏ sao vàng của ta lên. Lá cờ rất lớn, phấp phới bay trong gió, đẹp và oai hùng lắm. Cùng lúc đó, Việt Minh cũng giành micro từ tay người của phía chính quyền, chuyển nó cho hai phụ nữ đại diện của Mặt trận Việt Minh lên nói chuyện. Một người là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đảng viên Đảng Dân chủ, còn người kia là bà Từ Anh Trang, thành viên Hội Phụ nữ Cứu Quốc, Tự vệ Chiến đấu.

Tôi nghe loáng thoáng hai bà giới thiệu về Mặt trận Việt Minh, là tổ chức sẽ giành chính quyền, lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dứt lời, hai bà hô to: “Ủng hộ Việt Minh!”. Chúng tôi cũng lập tức rút cờ từ trong người ra hô vang: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”. Tiếng hô khẩu hiệu dậy đất. Quần chúng vỗ tay rào rào, hoan nghênh nhiệt liệt. Rồi tỏa đi các phố tuần hành biểu dương lực lượng. Cuộc mít tinh của chính quyền đã vỡ tung thành cuộc tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ Việt Minh.

- Tôi rất muốn biết những chi tiết nho nhỏ xung quanh cuộc mít tinh 17 tháng 8 đó, ví dụ như thời tiết hôm đó, cảm xúc của bà lúc đó như thế nào, và những người đi cùng bà trong đoàn?

- Hôm ấy trời đầu thu, mát mẻ. Cũng có nắng nhưng không to. Tôi mặc áo dài trắng. Phụ nữ chúng tôi rất đông. Thiếu nữ Hà Nội áo dài quần trắng. Chị em tiểu thương thì mặc quần đen áo cánh. Thời đó ở Hà Nội phụ nữ ăn mặc như vậy: Nữ sinh, con gái gia đình công chức luôn đóng bộ quần trắng, áo dài màu hoặc trắng. Về sau này đi kháng chiến, khi mới phải mặc quần đen, tôi cứ ngượng ngượng là vì thế.

Tôi không tả hết được cảm xúc vui sướng và hào khí cách mạng của ngày ấy. Chỉ có thể nói là: Trước đó ở Hà Nội, chưa bao giờ phụ nữ đi bộ ngoài phố đông như thế, lại còn vừa đi vừa vẫy cờ, vung tay hô khẩu hiệu vang trời, mà chẳng thấy xấu hổ gì cả. Tôi lúc ấy đã là cán bộ, đi hàng bên ngoài, hô trước để chị em hô theo. Cứ vừa đi vừa gào lên: “Ủng hộ Việt Minh!”. Chị em lại reo: “Ủng hộ! Ủng hộ! Ủng hộ!”. Rồi hát. Diệt phát xít, Du kích ca, nhất là Tiến quân ca. Hăng hái vô cùng, đến khản đặc cả cổ.


19/8: Điển hình của một cuộc cách mạng nhân dân

- Sau cuộc mít tinh 17 tháng 8, bà đã tham gia vào một sự kiện lịch sử là ngày cướp chính quyền ở Hà Nội, 19 tháng 8. Bà có thể kể lại những gì bà còn nhớ được về sự kiện ấy?

- Từ sau hôm 17 tháng 8 thì có thể nói là Việt Minh ra công khai rồi, các hoạt động tuyên truyền của chúng tôi không còn phải bí mật nữa. Chúng tôi hăm hở chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tại Hà Nội, ngày 19 tháng 8: may cờ, dán cờ giấy, đến từng gia đình vận động đi dự, lên kế hoạch đội nào đi chiếm cơ quan chính quyền nào trong thành phố. Không khí sôi sục. Bây giờ thì không còn ai sợ nữa, mọi người đều tham gia rất nhiệt tình.

Ngày 19 tháng 8, mít tinh lớn ở quảng trường Nhà hát lớn. Ông Trần Quang Huy (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội) đứng lên tuyên bố thành lập chính quyền dân chủ nhân dân ở Hà Nội, do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo. Sau đó là chia nhau đi chiếm trụ sở các cơ quan chính quyền: Tòa thị chính, Sở Liêm phóng, Nhà khách Chính phủ, nhà máy điện, nhà máy nước, Ngân hàng Đông Dương… Tôi được phân công ở trong đoàn đi cướp trại bảo an binh (nằm tại phố Hàng Bài bây giờ). Đây có lẽ là nơi duy nhất tình hình căng thẳng giữa ta và lính Nhật.

- Cuộc đấu tranh ở trại bảo an binh đã diễn ra căng thẳng như thế nào, thưa bà?

- Trại bảo an binh là trại lính khố xanh, mà thực chất lính khố xanh thì toàn người Việt. Nhưng khi chúng tôi đến, lại thấy bọn lính Nhật cầm súng lăm lăm. Chúng không dám bắn vào đoàn biểu tình, nhưng cũng nhất định không mở cửa. Ta thì bám cửa, hô khẩu hiệu, đòi chúng mở cổng. Rồi bọn tiếp viện đem xe tăng tới bao vây, lát sau người của ta lại đến bao vây lại. Giằng co suốt hai giờ đồng hồ. Cuối cùng lãnh đạo của bên mình (ông Lê Trọng Nghĩa, ủy viên Ban Khởi nghĩa) đã thuyết phục được bọn Nhật mở cổng và xe tăng của chúng rút lui. Đoàn biểu tình lập tức tràn vào, cướp kho súng. Lính khố xanh trong trại toàn là người Việt, có một số người xin về quê, còn lại họ đều xin theo Việt Minh.

- Lúc căng thẳng giữa lính Nhật và đoàn biểu tình, bà và mọi người không nghĩ mình có thể gặp nguy hiểm hay sao?

- Thú thực là khi đứng ở cổng trại bảo an binh, thấy bọn Nhật có súng, thì tôi cũng hơi ghê ghê. Nhưng nói chung, mọi người đều không sợ, vì lúc đó lực lượng quần chúng mạnh lắm, mà phát xít Nhật thì đã yếu thế rồi, đầu hàng Đồng minh rồi. Chúng tôi chỉ nghĩ, bọn chúng có bắn thì cũng chết vài người, nhưng ngần này người sẽ lao vào chúng, sống mái với chúng, chúng phải sợ. Khí thế cách mạng lên rất cao.

Ấy thế mà giành chính quyền ở Hà Nội hoàn toàn là nhân dân, tức là viên chức, thanh niên, học sinh, tiểu thương, tay không khởi nghĩa. Không hề có lực lượng vũ trang mà chỉ có tự vệ chiến đấu với súng tự kiếm, tự mua từ lính Nhật từ lúc trước. Nhưng quần chúng đã chiếm thế áp đảo. Đây thật sự là điển hình của một cuộc cách mạng nhân dân.

Tôi cũng phải nói thêm, cả hai sự kiện 17 và 19 tháng 8, thành phần tham gia chủ yếu là những người trẻ tuổi. Chúng tôi không hề nghĩ tới cái chết. Tất cả đều vui, hăng hái, say mê, như trong một cuộc chiến đấu rất đẹp. Không cần biết tương lai sẽ thế nào, chỉ cần biết phải tiến lên giành độc lập và sẵn sàng chiến đấu khi Pháp quay lại. Mà xác định tinh thần là chúng sẽ quay trở lại.


“Sa trường hăng hái đi không về…”

- Có vài ý kiến cho rằng thực chất nước Việt Nam đã độc lập từ sau khi Nhật đảo chính Pháp, và ngày 11 tháng 3 Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập và thành lập chính phủ Trần Trọng Kim. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Thực ra họ tuyên bố độc lập nhưng cũng có độc lập được đâu, người Nhật vẫn nắm chính quyền. Thêm nữa, tôi không ủng hộ chính phủ của Trần Trọng Kim và Bảo Đại, vì tôi đã tham gia Mặt trận Việt Minh từ năm 1944.

Tuy nhiên, tôi tin nhiều người trong chính phủ Trần Trọng Kim không có tư tưởng chống đối cách mạng. Nói cách khác, họ bật đèn xanh cho Mặt trận Việt Minh làm cách mạng giành chính quyền. Cũng có thể họ ở cái thế phải nhường, vì họ có lực lượng đâu, trong khi Việt Minh vô cùng đông đảo. Lúc đó tôi thấy nhân dân cần một tổ chức tập hợp tất cả các đoàn thể, đảng phái lại để đánh Pháp đuổi Nhật, mà Mặt trận Việt Minh chính là tổ chức có khả năng tập hợp quần chúng đó. Ngay sau ngày 19 tháng 8, không biết bao nhiêu thanh niên xin gia nhập tự vệ chiến đấu, đăng ký ồ ạt ngay trước cổng trại bảo an binh. Tôi tham gia cả ba đoàn thể của phụ nữ, thanh niên lẫn tự vệ.

- Bà quyết tâm đi theo cách mạng từ thuở ấy?

- Thời gian sau Quốc khánh mồng 2 tháng 9, tôi hăng hái tham gia hoạt động: tuyên truyền, dạy bình dân học vụ, tập quân sự… Tất nhiên toàn là “vận động cách mạng không tiền”, kiểu “ăn cơm nhà vác ngà voi”, làm gì có phụ cấp. Tôi hăng hái lắm. Có điều tôi lại vẫn nghĩ làm cách mạng chỉ là tạm thời thôi, phong trào thôi.

Bố tôi (Giáo sư Dương Quảng Hàm) hỏi: “Con cứ lông bông thế này mãi à?”. Tôi thưa: “Bố cứ để con làm nốt việc này, rồi con về con học sư phạm”. Đấy, tôi vẫn nghĩ là nghề chính của tôi là đi dạy học mà, ai nghĩ làm cán bộ là một nghề. Mãi tới ngày 19 tháng 12 năm 1946, toàn quốc kháng chiến, tôi mới biết mình sẽ hoàn toàn thoát ly, sống trọn đời với cách mạng.

- Nhìn trở lại thì bà nhìn nhận về Cách mạng Tháng Tám như thế nào?

- Đó là cuộc cách mạng của Mặt trận Việt Minh giành độc lập về cho dân tộc, trong đó, công trạng lớn nhất thuộc về Đảng Cộng sản.

Hồi ấy, công tác vận động đoàn kết dân tộc của ta giỏi lắm. Thời gian từ 19 tháng 8 tới mồng 2 tháng 9, chúng tôi vận động mọi người đi dự lễ độc lập, dân chúng đi dự rất đông. Không tập dượt gì cả nhưng rất có tổ chức. Có cả đoàn các cố đạo, đoàn các nhà sư, phụ nữ ngoại thành Hà Nội áo nâu quần đen, v.v... Đông vô kể. Ai cũng hào hứng, cũng ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Tôi kể chuyện này để thấy điều đó: Suốt một tháng trời tôi ở nhà chị Tuyết Minh, đến lúc về nhà, tôi lo lắm, sợ bố mắng con gái hư, bỏ nhà đi làm cách mạng. Nhưng ông cụ lại không hề mắng. Hóa ra ông cụ cũng ủng hộ Việt Minh.

Còn hôm 19 tháng 8, khi chiếm được trại bảo an binh, chúng tôi có gặp ông Đinh Ngọc Liên, nhạc trưởng của dàn nhạc trong trại. Ông vui vẻ đón chào cách mạng, thậm chí còn huy động dàn kèn dạy chúng tôi hát, ông kêu chúng tôi hát nhiều bài sai nhạc quá. Sau này ông viết hồi ký, có câu: “Cứ tưởng Việt Minh phải sừng sỏ thế nào, hóa ra toàn thiếu nữ quần trắng áo dài” (cười). Tất nhiên, đấy là vì lực lượng phụ nữ được tung ra áp đảo lính Nhật tại trại bảo an binh thôi, chứ thực chất, Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của những người trẻ tuổi gồm cả nam giới và phụ nữ. Nó là cuộc cách mạng không một tiếng súng, của những người tay không cướp chính quyền, của một mặt trận đoàn kết toàn thể dân tộc Việt Nam.