Wednesday 28 November 2007

Going to the Teacher's




Tháng 11 chưa hết, mà nói xấu trường sở thì đang lúc ngọt nước, nên phần đầu entry này tôi tiếp tục đà ném đá bẩn thỉu vậy. Ta sẽ bàn về một vấn đề mà tôi xin được gọi tế nhị là “to go/ going to the teacher’s”, dịch sang tiếng Việt chuẩn là “đi thầy”.


Going to the teacher’s là cả một thử thách đối với sinh viên. Thường sinh viên nào có năng khiếu làm lãnh đạo thiên phú thì sẽ dễ dàng vượt qua thử thách này. Bọn nhút nhát, kém ăn nói thì có thể đi ké các “lãnh đạo tương lai”. Chỉ có cái bọn lố bịch là khổ nhất, vì chúng nịnh nghe cứ như mỉa, còn chối tai hơn cả mỉa. Trang the Ridiculous cũng không thoát khỏi số phận khốn nạn của đám sinh viên lố bịch. Không hiểu từ đâu các giai thoại về chuyện “Trang đi thầy” cứ lan ra để làm trò cười cho mọi người.


Có lần, sinh viên Trang the Ridiculous đến nhà thầy sau một kỳ thi căng thẳng. Hai tai đỏ bừng; cười thì sợ trông giễu cợt quá (số là sinh viên này có kiểu cười nhếch mép trông rất bỉ), không cười thì lại sợ lạnh lùng quá, mặt mày khó đăm đăm; hai tay thừa thãi mà không dám đưa lên đầu (nam gãi đầu gãi tai cũng chẳng sao chứ nữ mà làm thế thì trông phải biết là mất mỹ quan); ngồi đực ra một lúc không biết nói gì, sinh viên bèn ngước mắt nhìn lên trần, vừa hay trông thấy một vết nứt lớn. Cơ hội đây rồi, sinh viên vội vàng buông lời nịnh ngay:


- Nứt thế kia mà chưa sập…


Thầy giáo:

- ???


Sinh viên (cố nghĩ thêm để nói cho hết ý):

- … Nhà thầy thật là kỳ tích!


Bạn của Trang the Ridiculous cũng không kém cạnh. Sinh viên này đến nhà một thầy giáo khác cho một thương vụ khác, đặt túi nho Mỹ to to (bên trong có một chiếc phong bì nho nhỏ, trong đó nữa có một số tiền to to) lên mặt bàn và đi thẳng vào vấn đề:


- Có ít nho, em mời thầy!


Thầy giáo xua tay:

- Không. Này, làm cái trò gì đấy? Tôi không lấy đâu.


Sinh viên:

- Không sao ạ. Thầy cứ ăn đi mà.


Thầy giáo:

- Thôi, em cầm về đi, tôi đã bảo không là không.


Sinh viên:

- Không, em nói thật mà. Thầy cứ ăn đi mà.


Tuy nhiên, hai chuyện này không kinh khủng bằng chuyện tiếp theo đây: Trang the Ridiculous ngồi nhà thầy hơn nửa giờ mà vẫn không sao có đủ can đảm để nói ra những điều cần nói. Bàn qua lại chuyện thời tiết, giá cả thị trường, tâm tư tình cảm của thế hệ trẻ… mãi rồi sinh viên đành thở dài, đặt túi quà lên bàn:


- Thôi thì chó không chê cứt, người không chê tiền. Em có chút quà gọi là, mong thầy nhận cho…


Thầy giáo:

- !!!

*
* *


Xin giải thích ngay với mọi người là cả ba chuyện trên đều là bịa 100%. Tổ cha đứa nào cứ bịa ra để gắn nó cho Trang the Ridiculous và bạn hữu. Chúng tôi tuy lố bịch nhưng cũng có đôi chút lễ nghĩa, có đâu lại thở ra những lời hỗn láo khi đi thầy như thế được.


Cũng phải nói thêm rằng chuyện ghét trường sở và nói xấu thầy cô giáo chẳng có gì hay ho. Đối với riêng tôi, đó không phải là một điều vui thích gì, nhất là khi mỗi lần sắp đến ngày 20/11, có người hỏi: “20/11 Trang có đi thăm thầy cô nào không?


Thì tôi đều im lặng một lúc rồi mới ấp úng trả lời: “Không…”.


Vì tôi không có niềm hạnh phúc được đến thăm một người thầy/cô nào đó mà tôi yêu mến và yêu mến tôi. 16,5 năm đi học tôi chỉ có ba người để có thể đến thăm vào dịp 20/11.


1- Thầy giáo dạy lớp 5, thầy Dũng (không phải vì con gái thầy có trong friend list của blog này mà tôi nói thế đâu). Sau bốn năm (lớp 1-2-3-4) học hành đì đẹt, xếp cuối lớp, năm học với thầy là năm duy nhất của thời học sinh, Trang the Ridiculous ngoi lên được “tầng lớp thượng lưu”. Nhưng thầy không nhớ tôi.

2- Thầy giáo dạy đàn. Nhưng ông không dạy tôi ở trường mà là dạy ngoại khóa, và thật ra ông giống một nghệ sĩ hơn là một thầy giáo.

3- Thầy Túc (mà tôi thường gọi sau lưng thầy một cách cung kính là Lỗ Túc tiên sinh), người đã “tiên đoán” tương lai nghề nghiệp của Trang the Ridiculous khi thấy một đứa học trò, thay vì đặt vở lên bàn để viết, thì lại đặt vở lên một tay, tay kia viết. Thầy bảo: “Trang nó làm gì mà như ký giả thế kia nhỉ?”. Sau này, mỗi lần đứng, tay cầm sổ tay cầm bút, tôi lại nhớ đến câu nói của thầy. Nhưng, tôi không dám đến thăm thầy vì ngượng về một số trò lố của mình trong quá khứ. Mịa, đúng là nhỏ không học, lớn làm phóng viên.


20/11, được “going to the teacher’s” với đúng nghĩa “đến thăm thầy cô giáo” có lẽ là một niềm vui.