Thursday 15 November 2007

Và chúng ta bắt đầu phá cách




(Hay Chuyên đề về Nghệ thuật Đương đại, kỳ I)


Trong những cuộc phỏng vấn “tàu nhanh” với các nghệ sĩ và doanh nhân (mọi người đừng nghĩ bậy nhé), Trang the Riduculous đặc biệt nhớ hai cuộc trò chuyện sau đây.


Thứ nhất là với một nghệ sĩ guitar mà tôi rất ngưỡng mộ, Châu Đăng Khoa. Anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thâm tâm tôi coi anh như một nghệ sĩ của Sài Gòn cũ. Nói về anh thì cả ngày không hết chuyện, nên tôi sẽ chỉ lấy ra một vài câu mà tôi nhớ nhất.


- Âm nhạc có một ngôn ngữ riêng mà người nghe bình thường không thể hiểu. Có phải thế không anh?
(Mọi người lưu ý giùm, đây là cuộc trò chuyện chứ không phải phỏng vấn kiểu “ép cung” đâu ạ).

- Ý em là… sao?

- Vâng, ví dụ bản Mente của Bach được người ta bình là “như một mùa xuân trong sáng”? Có đúng vậy không anh?


Nghệ sĩ châm thuốc, rít một hơi rồi bình thản:

- Nói phét!


Tôi cười rung cả vai. Trời đất, sao lại có người nghệ sĩ dễ xương thế chứ nị. Tôi định nói: “Oh I like you, man” nhưng sợ nghệ sĩ lại sửng sốt: “What’s up, lady?” thì phiền, đành phải kiềm chế.



Thứ hai là cuộc trò chuyện với một họa sĩ:


- Anh giải thích giúp em với, cái tác phẩm sắp đặt đó em chả hiểu gì cả. Sao mấy người đứng xem cứ trầm trồ: Bố cục chặt, chặt, đẹp, đẹp…?


Họa sĩ trừng mắt:

- Đứa nào bảo thế?

- Dạ, mấy nhà phê bình X, Y, Z ạ.

- Mẹ, nói phét!

- Ớ…

- Nói phét đấy, em đừng tin.

- Thế thật ra anh có đi xem cái triển lãm sắp đặt và trình diễn hôm đó không?

- Không, anh chờ hôm nào nghệ sĩ Đào Anh Khánh tự thiêu trước công chúng thì anh sẽ đi xem. Lúc đấy bố cục mới gọi là chặt!



*
* *



Tôi không đủ trình độ và cả tư cách để nói về nền nghệ thuật của nước nhà, nhất là trong khuôn khổ một blog. Cái mà tôi muốn nói, hoàn toàn mang tính chủ quan, là: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công chúng về nghệ thuật, trong một xã hội như Việt Nam, rất nhiều người gồm các nhà phê bình nghệ thuật, các nhà báo tài ba… đã tung hỏa mù, sử dụng thật nhiều ngôn từ cao siêu và bí hiểm để bình phẩm về nghệ thuật, trước là để khoe thô kiến thức, và sau cũng là để khoe thô kiến thức (thì còn biết khoe cái gì nữa?) Giá như ai cũng thẳng thắn (thậm chí thô lỗ cũng được, miễn là trung thực với chính mình) như hai nghệ sĩ tôi đã gặp kia…


Một lần khác nữa, lần này thì không phải đối thoại với nghệ sĩ. Tôi nói chuyện với một nhà báo khá nổi tiếng, được đông đảo đồng nghiệp đánh giá là tài năng, trên thông chính trị dưới tường làm ăn. Tôi đưa anh một mẫu thiết kế đồ họa:


- Anh thấy thế nào ạ?


Nhà báo cầm bản in, lật đi lật lại, vẻ mặt đăm chiêu:

- Cũng được. Nhưng nó thiếu một cái gì đấy…

- Thiếu cái gì hả anh?

- Thiếu tính liên kết. Thiếu tính liên kết giữa chủ thể và bối cảnh.

- Ái chà… (Trang the Ridiculous chết đứng tại chỗ)



Xem ra entry này của mình thiếu nặng nề tính liên kết rồi đây, bố cục thì rất lỏng.