Tuesday 20 November 2007

Những kẻ thích đùa




Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, là tôi biết sắp đến ngày 20/11, và lòng tôi lại náo nức một mong muốn được tôn vinh nền giáo dục Việt Nam bằng những lời lẽ cay độc nhất. Dẫu biết rằng làm như thế chẳng hay ho gì, nhất là trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm, và thoát thân rồi mới dám ngoạc mồm nói xấu trường sở, quả thật rất đê hèn… Nhưng, tổ sư ghét quá không chịu được! Tôi có tiền sử ghét đi học, ghét trường lớp (thảo nào 16,5 năm đèn sách thì tới quá nửa là đứng trong bottom ten của lớp).

Có lần kể lể với mấy đồng chí trong chi bộ về tình hình học hành rất bi đát của Trang the Ridiculous, em Z14 nhìn chị Trang đầy thông cảm và thương xót:

- Sao lại ra nông nỗi ấy? Chị thấy học khó quá à? Học không vào à?


Hừ, nó làm như mình thiểu năng ý! Chẳng nhẽ lại giận dữ bỏ nồi lẩu đấy đi về nhà. Nói chung cứ nhắc tới chuyện học là Trang the Ridiculous nổi cáu. Trừ vật lý, hình không gian, họa (tức vẽ), còn lại các môn học, đối với tôi, môn nào cũng đáng ghét cả! Tôi mà lên hoạt động ở cương vị của chú Nhân bây giờ hả, bỏ hết, bỏ tất cả các môn, 12 năm chỉ học lý, hình không gian và họa thôi, cùng lắm thêm tí thể dục. Hệ thống đại học thì chia ra thành ba trường, chuyên về lý, hình không gian, và họa. Ai không thích, ra nước ngoài mà du học!


Đấy, lại 20/11 rồi đấy. Nhân ngày Hiến Chương các nhà giáo năm nay, Trang the Ridiculous xin kể cho bạn đọc blog nghe một câu chuyện buồn của tôi hồi còn là sinh viên ĐH Ngoại thương, 10 năm về trước. Đó là năm 1997, ở Hà Nội… (Nhạc nổi)

*

* *


Năm ấy, chắc mọi người còn nhớ, cả thủ đô xôn xao vì sự cố một nhóm thanh niên lạ đi xe Wave *, dùng dao lam rạch mặt người đi đường. Theo phản ánh, nạn nhân là phụ nữ đi xe máy hoặc xe đạp, và trẻ em ngồi đằng sau. Hung thủ kẹp lưỡi lam vào giữa hai ngón tay, đưa một nhát, để lại một đường mảnh như kẻ chỉ trên má nạn nhân rồi rồ ga chạy mất, người bị rạch lúc đó thường hoảng loạn nên không bao giờ kịp phản ứng gì (nhìn biển số, hô hoán hoặc đuổi theo). Có ý kiến cho rằng thủ phạm là người dính HIV/AIDS, sinh phẫn chí, làm thế để trả thù đời. Chẳng biết nạn nhân có đi xét nghiệm máu không, tin đồn cuối cùng vẫn cứ là tin đồn. Thành phố náo loạn. Phụ nữ và trẻ em ra đường đội mũ bảo hiểm, bịt mặt sùm sụp như ninja.


Trong những ngày căng thẳng đó, Trang the Ridiculous (tất nhiên là vẫn đi lại ngoài đường, đội mũ đi hia chẳng đeo khẩu trang) tình cờ nghe lỏm được hai bạn sinh viên (nam) cùng lớp nói chuyện với nhau. “Mấy ngày này đàn bà trẻ con sợ lắm đấy nhỉ?” “Ừ, hí hí hí”. Một cảm giác khó chịu bốc lên trong đầu, không phải vì nội dung của hai câu nói nghe lỏm được, mà vì sự mập mờ và bưng bít thông tin của báo đài, cộng với cái sự hèn nhát của “đàn bà trẻ con” - và cả đàn ông nữa. Đeo khẩu trang để che bụi che nắng thì có thể, chứ việc gì phải sợ hãi đến mức ninja hóa toàn diện như thế, rất mất mỹ quan của thành phố, lại làm cho bọn rạch mặt kia càng thêm hả hê. Nói chung, từ hồi còn bé nhóc, tôi đã dị ứng với tất cả những “phong trào” toàn xã hội đưa tin thất thiệt, kiểu như vụ “cua mặt người”, “chuột Chernobyl” (như hồi đầu năm nay là “thánh vật sông Tô Lịch”). Hồi nhỏ, tôi không hiểu sao mình lại ghét nghe tin đồn đến thế, bây giờ thì em đã hiểu: Nó chỉ chứng tỏ một nền báo chí kém cỏi và bị bưng bít, một xã hội dân trí thấp, văn hóa thấp và an ninh chẳng ra quái gì.


Cần phải giải tán cái nỗi sợ tập thể này khỏi đầu mọi người” - tôi nghĩ thầm. “Mọi người” lúc đó đối với tôi chỉ là hơn 120 sinh viên cùng lớp, cả nam và nữ. “Bằng cách nào? Bằng cách làm cho mọi người thấy rằng đó chỉ như một trò đùa, chẳng có gì phải sợ”. Sau này, cho dù tôi có thề sống thề chết “em làm thế chỉ với mục đích tốt”, cũng không ai tin cả, nên bây giờ xin kể lại chi tiết tất cả những suy nghĩ của mình lúc đó, đồng thời xin đập đầu vào bàn phím mà thề một lần nữa rằng khi ấy tôi không có mục đích nào khác ngoài ý muốn làm cho bạn bè bớt sợ hãi.


Sáng hôm sau, trước khi tới trường, tôi xé một mẩu băng dính Urgo dán chéo lên má, vừa làm vừa rỉ rả hát: “Urgo, Urgo. Mọi người đều biết tên anh. Vết thương mau lành. Vì đã có Urgo. Urgo, Urgo. Băng keo cá nhân tuyệt vời. Hãy luôn vui cười. Từ nay có Urgo. La la la…”. Đoạn đội mũ, đeo khẩu trang, đi học.


Tôi đã hình dung trong đầu, sau khoảng một tiết học (45 phút), tôi sẽ chấm dứt trò đùa trong không khí vui vẻ, mọi người đều cười ồ lên khi biết bị mắc lỡm. Điều tôi không lường trước được là sự hoảng sợ đến điên loạn của cả lớp khi ấy. Chỉ trong một tiết đầu, tin đồn loang ra khắp trường mặc dù tôi chỉ ngồi bất động một xó, không ra khỏi lớp. Các bạn đổ xô đến hỏi han, mặt ai cũng bạc phếch đi vì sợ hãi. Người nắm tay, kẻ nắm chân. Kịch bản tôi chuẩn bị vô cùng đơn giản: Tối qua, 9h, đang đi xe đạp trên đường Hàng Bông, ở đoạn trước cửa khách sạn Kim Cương, thì, hai thanh niên, đi xe Wave, phóng lướt qua, không thấy đau trên má, một lát sau mới sực nhớ ra, đưa tay lên mặt, ối giời ơi…


Không định diễn, nhưng dáng vẻ gầy xanh (hồi ấy tôi chưa mang họ Tăng Trọng như bây giờ) và vẻ mặt ngơ ngác (mặt mình bị cái lúc nào cũng đần) đã đóng góp rất nhiều vào thành công của vở kịch. Đám con trai túm năm tụm ba bàn tán, căng thẳng. Nữ giới kéo tới vuốt tóc, nắm tay, vỗ vai hỏi thăm ngày một đông, trước một Trang the Ridiculous lúc đó mặt cũng cứ tái dần. Hết tiết 2, mặt tôi đã tái mét, giọng lạc đi - tôi không ngờ trò đùa gây phản ứng khủng khiếp với đám đông đến thế. Tôi càng sợ, càng tái mặt, thì cả lớp càng tin sái cổ. Trò đùa đã đi quá xa: Chỉ trong một buổi sáng, tin đồn lan cả sang Học viện Quan hệ Quốc tế, rồi ĐH Luật (đấy là sau này tôi mới biết, chứ hôm đó tôi đã hạn chế ra khỏi lớp để tránh phiền phức).


Đến hết tiết 3 thì tôi không chịu nổi nữa. Lấy hết can đảm, tôi đi lên bục giảng xin cô cho mượn micro để nói mấy lời với các bạn. Mặt cô giáo khi đó cũng tái đến độ màu phấn hồng cũng không sao che nổi. Cả lớp như nín thở. Khổ thay ai cũng chờ tôi nói một câu đại loại như “xin các bạn hãy đề cao cảnh giác, đừng như tôi đây...”. Nhưng cái điều mà tôi nói vào micro lại là điều không ai mong đợi: “Đây chỉ là trò đùa của những kẻ thích đùa thôi, mình xin lỗi đã làm các bạn sợ, mình có làm sao đâu”. Miệng nói, tay bóc miếng băng keo trên má.


Im lặng chết người. Khác với mong muốn của tôi, không ai cười. Không ai nói một câu. Tôi trả lại micro cho cô giáo, với một ý nghĩ cay đắng: “Mình toi rồi”.


Tôi không lường được sức lan truyền của tin đồn. Chiều ở nhà, bạn bè cấp III mang cam đến thăm, ai cũng nhìn tôi chòng chọc. Khi biết tất cả chỉ là một trò đùa, người thì giậm chân “Giời ạ, đùa kiểu gì thế!”, kẻ thì bỏ về. Nhưng không gì đáng buồn bằng việc phải nghe những lời chê trách ở lớp. “Mẹ, trò đùa ngu xuẩn!”. “Vớ va vớ vẩn!”. Không tả hết được sự tức giận của một số người - lúc trước sợ hãi bao nhiêu thì bây giờ giận dữ bấy nhiêu: “Tao không hiểu cái con điên ấy nó nghĩ thế nào mà nó làm cái trò ấy”… Cùng với đó là rắc rối với các thầy cô giáo: “Thế là thế nào? Trang lớp Pháp thì bảo Trang lớp Anh, Trang lớp Anh thì bảo Trang lớp Pháp. Tóm lại là cô nào bị rạch mặt?”. “Em không biết ạ”. “Ừ, thế có khi Trang lớp Trung rồi”. Dù vậy, chuyện cuối cùng cũng bại lộ, để lại chút ít hậu quả (không nhắc tới ở đây).


Cũng không tả hết được cảm giác buồn bực của tôi lúc đó. Thật lố bịch khi người luôn dị ứng với tin đồn lại trở thành kẻ phạm tội “tung tin đồn nhảm, gây rối loạn trật tự xã hội”. Mục đích ban đầu (chỉ muốn làm mọi người bớt sợ) thì không đạt được, lại còn phải nghe bao nhiêu lời chê trách. Tuy nhiên, điều khiến tôi cay cú nhất là cứ phải kiềm chế, im miệng vì biết mình sai, dù chỉ muốn mắng lại: “Mẹ kiếp. Chúng mày sinh viên Ngoại thương, chỉ giỏi tính lạm phát trong điều kiện tiêu chuẩn thôi, chứ tao cho chúng mày điểm hạng bét về khả năng phán đoán. Có thằng nào con nào tối hôm trước bị rạch mặt, sáng hôm sau đến trường đi học bình thường không, hả, hả, hả, hả? Yêu trường đến thế cơ à?”.


Trời đất ơi, các nhà kinh tế tương lai. Các bạn đều giỏi tính GDP và hoạch định chính sách tài chính - tiền tệ cả, nhưng một điều rất đơn giản về tâm lý thì các bạn lại không tính đến: Nếu một người - ở đây là một nữ sinh viên bé nhỏ - bị rạch mặt bằng lưỡi dao lam không rõ có HIV không, thì những việc, hoặc những phản ứng đầu tiên người đó có sẽ là gì? Sẽ là cuống cuồng đi khám, cuống cuồng gọi điện cho bạn bè báo tin, ra đồn báo công an, hoặc chạy về nhà run lẩy bẩy, kêu khóc rầm rĩ, chấn động tâm lý... Điều chắc chắn là không một ai đi học ngay sáng hôm sau cả!


Tất nhiên, tôi không dám, và không thể chỉ từ một việc đó mà nói rằng sinh viên ĐH Ngoại thương kém, chất lượng giáo dục ĐH Ngoại thương chẳng ra gì, hay nói rộng ra là cả hệ thống giáo dục Việt Nam vứt đi v.v. Nhưng sự cố “bị rạch mặt” đã khiến tôi đâm ra nghi ngờ đủ thứ, từ những tin đồn tương tự, đến chuyện sinh viên ĐH Ngoại thương rất thông minh (khi cả gan nói ra điều này, mình phải vô cùng xin lỗi các bạn). Câu chuyện cũng làm tính cách Trang the Ridiculous biến đổi nhiều: ít nói cười hơn, ít lố bịch hơn, và cứ mỗi khi ở một tổ chức nào đó, có ai đó giấu tên đùa cái gì đó, là tôi lại hoảng sợ nhìn mọi người, ra sức phân trần: “Không, không phải em. Em không đùa đâu”.

Dù vậy, tôi vẫn nhất quyết không coi cái entry này như một lời sám hối. Tôi có lỗi nhưng không có tội. Xin cứ xem trò đùa ấy như một phép thử, phép thử đối với các bạn của tôi và dĩ nhiên là cả tôi nữa.



* Không phải Wave mà là Viva, nhưng mình không thích chơi cái trò xóa lỗi kiểu lấp liếm của báo điện tử, nên làm cái đính chính ở cuối entry vậy.