Monday 25 January 2016

"Chuyện chính trị" thời xưa, thời nay

Trong những năm gần đây, đôi khi bạn có thể nghe ai đó nói: “Này sao bây giờ lắm người đồng tính thế nhỉ, hồi xưa có thế đâu?”. Tệ hơn, có người còn chỉ trích: “Đúng là no cơm ấm cật, xã hội bây giờ không còn lo chạy ăn từng bữa nữa nên sinh ra lắm trò”.

Anh Nguyễn Văn Dũng, một người đồng tính ở phố Hàng Bè, Hà Nội, (bạn bè thân quen hay gọi anh là “dì Dũng”), từng phản bác: “Không phải vậy. Câu trả lời đơn giản nhất là: Những con người ấy trong xã hội vài chục năm trước phải cố khép mình, nhấn chìm những nhu cầu để sống. Lộ ra, họ lập tức bị coi là bệnh hoạn. Còn bây giờ, khi cuộc sống thay đổi và cách nhìn về người đồng tính cũng dần bớt đi sự khắt khe, họ đã có nhiều hơn cơ hội để sống theo đặc điểm giới tính của mình. Nên chúng ta mới có cảm tưởng đồng tính thời nay mọc lên như nấm sau mưa”.

Nói cách khác, người đồng tính thời xưa hay nay đều hiện diện, chỉ có điều ngày trước, họ khép kín và ít được biết đến hơn, còn bây giờ thì họ “lộ” hơn và được phần còn lại của xã hội biết đến, nhất là với sự giúp sức và ảnh hưởng của truyền thông. Cho đến đầu những năm 1990 sau khi đại dịch AIDS thâm nhập vào Việt Nam, báo chí chính thống vẫn hạn chế nói đến giới tính thứ ba, mà nếu có đề cập thì sẽ là trong các vụ án, ở đó người đồng tính bị lên án như kẻ thù của cộng đồng, biến thái, vi phạm thuần phong mỹ tục, chà đạp luân thường đạo lý Á Đông v.v. Càng về sau này, nhận thức của giới truyền thông thay đổi, xã hội càng thoáng hơn với người đồng tính.

Vai trò của truyền thông quả thật to lớn. Đúng là có những điều đã tồn tại “xưa như trái đất” mà không ai để ý, chỉ đến khi truyền thông nhắc nhiều đến nó, người ta mới hay biết.

Nhiều người tưởng rằng khoảng 5-6 năm gần đây mới rộ lên hiện tượng công an đánh chết dân, nhưng thật ra thì điều đó đã xảy ra hàng chục năm rồi, kể từ khi đảng Cộng sản cầm quyền. Thậm chí ngày trước công an đánh chết còn nhiều dân hơn ngày nay ấy chứ. Chẳng qua là đến bây giờ, một phần trong số những câu chuyện thương tâm ấy mới được đưa lên mặt báo và nhất là lên Facebook mà thôi. Con số 226 người chết trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ (ba năm 2011-2014) là con số trong một báo cáo của Bộ Công an và được báo chí trích đăng; ngày trước, làm gì có chuyện Bộ Công an có những báo cáo như thế và báo chí công bố như thế.

Câu chuyện Đại hội Đảng bây giờ có lẽ cũng vậy?

Không rõ là ở các kỳ đại hội trước, dân đen có bàn tán, rỉ tai, thảo luận, bình luận về các “chính trị gia” của đảng cầm quyền duy nhất sôi nổi như bây giờ không. Nếu câu trả lời là không - tức là ngày trước, dân tình không hề thảo luận gì, mà lần này lại sôi sục lên - thì cũng là điều tốt; nó chứng tỏ người dân đã có không gian để thể hiện quan điểm (dù không được bảo vệ) và sự thực là họ có quan tâm đến chính trị.

Nhưng biết đâu câu trả lời lại là có. Tức là thời xưa, dân chúng cũng có nhiều người thích chém gió về chính trị, nhưng diễn đàn chỉ là ở quán cóc, xe ôm... chứ không có blog và mạng xã hội như bây giờ, nên không được biết đến.

Và biết đâu đấy, ở các kỳ đại hội trước, đánh đấm, tiêu diệt, loại trừ nhau đều có cả và cũng tàn khốc lắm, chỉ có điều không ai trong đám dân đen biết đến vì truyền thông (blog và mạng xã hội) chưa phát triển như bây giờ.

Bồn hoa tại bùng binh trước cổng Bộ Ngoại giao. Ảnh: VietNamNet