Saturday 9 January 2016

Luật sư thương kẻ thủ ác, ai thương công lý?

Câu chuyện của hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Luân hôm nay cũng gần giống câu chuyện hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long năm 2012: Sau khi bị công an hành hung... nhầm tại hiện trường vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, hai anh trở về báo cáo tòa soạn, chờ quyết định của tòa soạn và chủ trương của các bên liên quan, rồi chờ mọi sự lắng dần xuống và trôi đi.

Công an tỉnh Hưng Yên có lần hẹn rồi hoãn làm việc với hai anh, hai anh im lặng. Bà con Văn Giang kéo đến tòa soạn hỏi thăm nhà báo, mang theo cả tải ngô, khoai, sắn, hai anh vẫn im lặng.

Đã không một ai phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trong vụ hai nhà báo bị công an và cảnh sát cơ động đánh tơi tả ở Văn Giang.

Và bây giờ, hai luật sư Lê Luân và Trần Thu Nam rút đơn yêu cầu khởi tố đối với 7 bị can trong vụ “bụi đường Chương Mỹ”... vì thương.

Nhân danh chủ nghĩa tự do, chúng ta có thể nói rằng chúng ta tôn trọng quyết định của hai luật sư và hai nhà báo, miễn là quyết định ấy không ảnh hưởng đến người khác. Nghĩa là chúng ta “tôn trọng quyền tự do lựa chọn” của mỗi cá nhân.

Vâng, chỉ tiếc rằng các quyết định như thế không phải là không ảnh hưởng đến ai, nhất là khi người ra quyết định là luật sư hay nhà báo - hai lực lượng vốn được xem như trí thức, có sứ mệnh dẫn đạo xã hội trong hành trình theo đuổi công lý và sự thật.

Sẽ không có vấn đề gì nếu hai anh Trần Thu Nam và Lê Luân là dân thường, thậm chí dân oan. Càng không có vấn đề gì nếu các anh... im lặng tuyệt đối ngay từ đầu, để bảo vệ danh dự, uy tín cho những kẻ đã đánh hai anh cũng như giữ gìn cho chính quyền địa phương.

Sẽ là cao thượng nếu hai nạn nhân để cho cơ quan tố tụng thực hiện đúng các thủ tục, trình tự của việc điều tra, xét xử; sau đó tại phiên tòa, hai anh đứng ra tuyên bố bãi nại, tha thứ... Hoặc cứ để phiên tòa diễn ra, có bản án, và trong thời gian các thủ phạm thi hành bản án, ví dụ thụ án tù, thì hai anh vẫn thăm hỏi họ và chăm sóc gia đình họ. Bởi vì dù nói gì đi nữa, công lý vẫn phải được thực thi.

Còn giờ đây, sau một quá trình gây ồn ào dư luận với vụ việc của mình, hai luật sư lại tuyên bố rút đơn yêu cầu khởi tố đồng thời đưa ra các bài giảng về đạo đức trên Facebook, thì điều đó cho thấy gì? Nó cho thấy rằng trong một xã hội như Việt Nam, tư pháp và công lý đã nát bét, sự cảm tính, đảng trị nhân danh đức trị, và cả thói đạo đức giả đang tiếp tục tàn phá niềm tin của mọi người dân vào công lý và lẽ phải.

--------


Trên đây là hình ảnh bàn tay của blogger Trịnh Anh Tuấn (tức Gió Lang Thang) sau khi bị "côn đồ" dùng gạch đập, sáng sớm 22/4/2015.

Đáng chú ý là mấy đồng chí côn đồ này đã lởn vởn theo dõi Trịnh Anh Tuấn từ nhiều ngày trước đó.

Với tỷ lệ thương tật 5%, Trịnh Anh Tuấn yêu cầu công an địa phương khởi tố vụ án, và bức hình dưới đây là kết quả "điều tra" của công an sau gần bốn tháng.

Khác với hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Luân, anh Tuấn không được ai xin lỗi. 

Trong cả vụ Đỗ Đăng Dư, vụ Lê Văn Mạnh, anh Tuấn đều đã rất tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và gia đình nạn nhân... nhưng anh không phải là luật sư và không được xã hội kỳ vọng cao như với các luật sư.