Sunday 26 October 2014

Hương vị của lòng tốt


Đánh thức lại niềm tin vào “hương vị của lòng tốt” sẽ mở ra nhiều khoảng trời tốt đẹp mới trong đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Tôi đi theo bước chân của một trong những người sáng lập Quỹ Từ Thiện Tình Thương, nơi quản lý chuỗi quán cơm 2000đ mang tên Nụ Cười xuống quán Nụ Cười 4 tại 132 Bến Vân Đồn, Quận 4, Thành Phố Hồ Chí Minh. 5 quán cơm từ thiện như vậy đã được thành lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và thu hút sự chú ý khá lớn của dư luận. Nhiều người cho rằng mô hình này là không tưởng bởi cơm bán với giá 2000đ thì làm sao những người khởi xướng có thể duy trì. Người khác lại phê phán chuỗi quán sẽ phá vỡ quy luật kinh tế học, tạo cơ hội cho người có tiền vào ăn cơm của người nghèo, làm ảnh hưởng tới các quán cơm bình dân khác.

Vậy nhưng thật ngạc nhiên, người sáng lập chuỗi quán này cho biết, tính đến ngày 12/8/2014, dự án suất ăn giá rẻ của Quỹ Từ Thiện Tình Thương đã cung cấp 615.490 suất ăn bao gồm 547.502 suất cơm 2.000đ và 67.988 món nước (mì bún phở) bán với giá chỉ 1.000đ. Toàn bộ số tiền để làm cơm đều do nhà hảo tâm đóng góp. Một sự kỳ lạ khác là công ty kiểm toán đắt giá bậc nhất thế giới là Ernst & Young đã trực tiếp kiểm toán toàn bộ hoạt động tài chính của Quỹ trong năm 2013, bao gồm các dự án trợ giúp y tế và các dự án suất ăn giá rẻ tức hệ thống quán cơm Nụ cười. Theo báo cáo kiểm toán, tổng số thu từ nhà hảo tâm trong năm 2013 là 6.546.119.769 đồng và tổng số chi là 6.816.305.105 đồng.

Khác hoàn toàn với suy nghĩ “duy lý” của nhiều người, chuỗi 5 quán cơm vẫn được vận hành suốt từ tháng 10 năm 2012, thời điểm quán cơm số 1 ra đời. Mỗi quán vẫn cung cấp trung bình từ 400 đến 700 suất ăn từ thiện mỗi ngày, mỗi suất ăn có đầy đủ thịt cá, rau, canh và hoa quả như suất ăn 20,000đ ở các quán bình thường khác. Có những “đại gia” đã viện trợ “thầm lặng” 1 tỉ đồng cho quán, có những nhà hảo tâm thử tới ăn một suất cơm và “trả” 100 triệu. Số người ăn một suất cơm rồi đóng góp 500.000 đồng hay 1 triệu đồng không đếm hết. “Người tốt đông như quân Nguyên. Có những người đến lặng lẽ để lại một bao gạo rồi lặng lẽ ra đi. Có hai ông bà già nghèo đã đóng 4000đ cho hai suất ăn nhưng lại đóng thêm 8000đ nữa giúp những người nghèo khác,” người sáng lập chuỗi quán nghẹn ngào kể lại.

“Người tốt đông như quân Nguyên”, tôi bất ngờ khi nghe câu nói ấy, cũng như bất ngờ với ý tưởng cơm 2000đ. Lâu nay, tôi vẫn chỉ nghe bạn bè người thân nói những câu đại loại như: “xã hội bây giờ chẳng tin được ai”, “ra đường cẩn thận bị người ta lừa”, “xã hội này bây giờ xuống cấp về đạo đức quá rồi”… Những câu nói cửa miệng ấy cộng với những va đập với cuộc mưu sinh khiến tôi mất dần niềm tin vào những “việc tốt” hay “người tốt”. Tôi không phải là trường hợp cá biệt, và chắc chắn nhiều người khác có chung sự mất mát niềm tin như vậy.

Biểu hiện của sự mất mát niềm tin vào cái tốt trên quy mô xã hội thể hiện trong mọi cuộc chuyện trò nơi quán cà phê hay trên bàn nhậu, những chuyện xấu xa của ai đó ở nơi nào đó thường xuyên bị lôi ra còn những chuyện tốt đẹp thì vắng bóng. Báo chí cũng chỉ phản ánh đa số những câu chuyện có tính chất tiêu cực từ hãm hiếp tới giết người. Bức tranh trong tâm trí cộng đồng về xã hội được bôi lên nhiều mảng màu xám xịt trong đó những mảng trắng tốt đẹp chỉ hiện lốm đốm. Bức tranh xám xịt ấy đã phá hỏng nhiều tương tác xã hội và phá huỷ từ trứng nước nhiều ý tưởng lãng mạn, bởi chúng ta ít tin vào nhau cũng như ít tin vào bất kỳ điều gì khác vượt ngoài chuyện tư lợi và kiếm tiền. Đã lâu lắm rồi, tôi không nghe ai nói với mình như người làm quán cơm 2000đ đã nói: Xã hội này đa số là người tốt.

Bức tranh xám xịt đã ngăn cản tôi và nhiều người khác không tin vào ý tưởng quán cơm 2000đ. Tôi cũng đã từng nghĩ rằng rồi những quán cơm kiểu này sẽ chết yểu bởi nhà hảo tâm “viện trợ” thì ít mà những người lợi dụng “ăn cơm chùa” thì nhiều. Nhưng thực tế đã không diễn ra như thế. Trực tiếp xuống quán cơm Nụ Cười 4, tôi mới hiểu những phê phán về sự lợi dụng ăn cơm người nghèo của “người giàu” là rất ít cơ sở. 11h bắt đầu bán cơm nhưng từ 10h30 số người xếp hàng chờ để được ăn đã kéo dài cả dãy phố. Một người “khá giả” phải kiên nhẫn lắm mới đứng cả tiếng đồng hồ dưới trời nắng chang chang, giữa những người lao động nghèo xơ xác và nặng mùi đường phố ấy để chỉ tiết kiệm được chục nghìn tiền cơm. Dẫu vậy, một tấm biển ở cửa quán vẫn nhắc nhở: “Quán chỉ có 700 suất ăn. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ chia sẻ và nhường cho những người đến sau khó khăn hơn mình”. Ít người giàu nào lại “trơ trẽn” tới mức vẫn vào ăn chực khi đọc lời nhắc nhẹ nhàng ấy.

Người sáng lập quán cơm cho rằng vẫn có khoảng 10% người lợi dụng, nhưng “chúng tôi lại coi đó là cách để cho họ hiểu một bài học về lòng nhân ái. Người giàu vào ăn chúng tôi không đuổi ra mà vẫn trân trọng như người nghèo. Chúng tôi không bán cơm mà bán cho họ hương vị của lòng tốt.”

Tôi lại bất ngờ một lần nữa với 5 chữ “hương vị của lòng tốt”. Lần này thì không chỉ là bất ngờ mà còn là sự ám ảnh.  Sau khi ăn một suất cơm 2000đ và trả 500.000đ, tôi vẫn nghĩ mình đã trả quá rẻ để thưởng thức thứ “hương vị của lòng tốt” ấy, thứ mà những toan tính thiệt hơn, duy lý đã khiến tôi quên lãng, thậm chí nghĩ rằng nó không còn tồn tại nữa. Tôi đã nhầm, và có thể nhiều người khác nữa cũng đã nhầm. “Hương vị của lòng tốt” vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên đất nước hình chữ S này, dưới hình thức này hay hình thức khác, bằng cách này hay cách khác. “Hương vị của lòng tốt” không mất đi đâu cả bởi nó nằm một phần trong bản chất con người, chỉ có niềm tin vào thứ hương vị ấy đã nhạt phai. Đánh thức lại niềm tin vào “hương vị của lòng tốt” sẽ mở ra nhiều khoảng trời tốt đẹp mới trong đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.