Saturday 6 September 2014

Nút “báo cáo lạm dụng” của Facebook đã trở thành công cụ đàn áp toàn cầu


Một công cụ được thiết kế nhằm chống quấy nhiễu mạng (troll) đang được sử dụng để đàn áp giới bất đồng chính kiến

"Toàn quân trong doanh trại và ngoài doanh trại tập hợp". Đó là một dòng đăng tải được đọc thấy trên Facebook. "Đọc kĩ điều lệnh trước khi xuất quân". Một vài dòng sau đó. "Không comment. Không chửi. Chỉ report".

Lối nói chuyện là theo kiểu nhà binh, nhưng họ không phải là những người lính. Đó là một cuộc tấn công trên Facebook, được tiến hành vào ngày 12 tháng 7 nhằm chống lại một trang mạng tin tức độc lập Việt ngữ mang tên là Tin Khmer Krom. Phía dưới dòng tải trên, hàng chục ý kiến tham gia ủng hộ: "Chết mẹ chúng nó đi. Chúng ta hãy dứt điểm nó" và "Mình đã thiết lập hàng chục tài khoản cho việc này", "Không comment. Không chửi. Chỉ report".

Thì ra, tờ báo đã phê phán chính phủ quá gay gắt, và mặc dù hầu hết những người bình luận là dân thường, nhưng họ đã sẵn sàng tập hợp lại để đảm bảo là tờ báo không thể tiếp tục đưa ra các quan điểm phê phán nữa. Chiến lược thật đơn giản - chỉ cần dồn đủ các báo cáo lạm dụng để tháo trang mạng đó ra khỏi Facebook, cắt đứt một cách hiệu quả nó với người đọc. Đó là một chiến thuật đáng ngạc nhiên, nhưng có kết quả. Các nhóm người Việt đã đếm được đến 44 nhà báo và nhà hoạt động khác nhau bị đánh sập tài khoản trong những tháng gần đây. Đối với nhiều người, như facebooker Libety Melinh đã gặp phải: Việc đóng tài khoản của cô trở thành một gián đoạn vĩnh viễn.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạt động gặp phải những rắc rối trên Facebook. Mặc dù dịch vụ này có vai trò rất được hoan nghênh trong Mùa Xuân Ả Rập, nhưng đấy cũng là nơi mà các chế độ thù nghịch và những người ủng hộ họ có thể dùng để truy đuổi các nhân vật đối lập, dù đó là tin tặc thân Assad ở Syria hay những kẻ quấy rối (troll) thân Putin ở Nga. Tuy nhiên, Việt Nam là nơi đầu tiên mà chính sách của chính Facebook được chọn làm môi trường cho các cuộc tấn công - đặc biệt, nút "Báo cáo lạm dụng" của dịch vụ đã được sử dụng để cảnh báo rằng nội dung ấy là "kích động hận thù" hoặc "không thích hợp". Nút này được thiết kế để bảo vệ người sử dụng Facebook khỏi các lạm dụng và đe dọa tương tự thường diễn ra tràn lan trên Twitter và Tumblr, nhưng như cuộc tấn công đã cho thấy, việc bảo vệ ấy cũng có thể được tận dụng như một công cụ để bóp nghẹt những chính kiến bất đồng.

Facebook cho biết nút "báo cáo lạm dụng" chỉ là một trong nhiều công cụ mà công ty dùng để xem xét khi loại bỏ nội dung. "Thuyết phục nhiều người báo cáo một điều gì đó sẽ không khiến các thông tin bị gỡ xuống hoặc bị ẩn đi trừ khi có điều gì vi phạm đến chính sách của chúng tôi", người đại diện FB nói. Nhưng thật không rõ là Trang và các nhà báo khác đã vi phạm gì, đặc biệt khi hầu hết các trang facebook ấy đều được phục hồi sau đó. Và, Facebook từ chối không bình luận gì về các trường hợp cụ thể tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mô thức phá hoại đã trở nên rõ ràng sau hàng chục trường hợp. Nếu nhiều người xúm vào một trang hoặc một cá nhân nào đó để báo cáo đủ số lượng, họ có thể đá người ấy ra khỏi Facebook. Đội quân ủng hộ chính quyền ở Việt Nam biết được điều đó và họ đã sử dụng nó để phá hoại.

"Hiện nay, cả trăm trang đã bị đánh sập"

Đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, điều ấy có nghĩa là không gian tự do của Facebook đã trở nên bị kiểm soát hiệu quả bởi các đối thủ chính trị của cô. "Họ gia tăng việc báo cáo này từ giữa tháng sáu," Trang nói, "hiện nay, cả trăm trang đã bị đánh sập", cả trang cá nhân và các trang báo lớn hơn. Nói chung, những trang mạng ấy đã bị tháo gỡ khỏi trực tuyến vì các cuộc tấn công trên Facebook giống như cuộc tấn công đã nhắm vào Trang - nghĩa là một nhóm đông tất cả mọi người cùng lúc đều nhấn nút báo cáo lạm dụng. Thế là bất cứ thông tin gì từng được nỗ lực hiển thị đều bị triệt tiêu một cách hiệu quả, dù là các tin tức nóng sốt hay tường thuật về một cuộc biểu tình.

Vì tính chất nửa ẩn danh của Facebook, khó có thể biết được chính xác ai đang vận hành những tài khoản đang tổ chức các cuộc tấn công. Ban Tuyên giáo của Việt Nam sử dụng hàng nghìn "dư luận viên" có nhiệm vụ gây tác động có lợi cho chính phủ trong môi trường mạng, nhưng nhiều người can dự trong các cuộc tấn công này cho biết họ chỉ là những người ủng hộ chính phủ. Khi được trang mạng The Verge tiếp xúc, một người cho biết mình không làm việc cho chính phủ, nhưng "tôi bảo vệ họ mà không nhận bất kỳ lợi ích hay tiền bạc gì". Hậu quả là rất khó để chứng minh với Facebook rằng cuộc tấn công là một chiến dịch do chính phủ tài trợ chứ không phải chỉ là một “cuộc chiến trên mạng” tầm thường giữa hai bên.

"Đây là một cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam"

Sự việc đã đưa đến việc nhiều người, đặc biệt là những nhà hoạt động mạng, phải đặt câu hỏi về cách giải quyết của Facebook. "Tôi cho rằng các công ty không kiểm soát nội dung," Jillian C. York, giám đốc Electronic Frontier Foundation, nói. "Nhưng nếu có, họ cần phải rõ ràng trong các quy định của họ, và tôi không nghĩ là họ có lý do gì để báo cáo các thành phần chính trị đối lập." Đồng thời, địa vị toàn cầu của Facebook có nghĩa là họ phải có một bộ quy tắc cho các hoạt động của mình trên khắp thế giới. Ở các nước khác, các quy định của họ bị chỉ trích là hạn chế nội dung không đủ, như khi các nhóm như ISIS cố gắng sử dụng Facebook như một nền tảng công nghệ để truyền bá thông điệp của họ.

Ở các nước như Việt Nam, cũng có một nguy cơ có thật là nếu đứng về phía đối lập với chính quyền thì sẽ gây nguy hiểm đến tất cả khả năng hoạt động của Facebook. Ở đất nước này, hơn hai phần ba dân số - tổng cộng đến 25 triệu người - sử dụng dịch vụ, nhưng đến năm 2011, Facebook phải đối mặt với một cuộc ngăn chặn trên cả nước ở Việt Nam vì nỗi lo sợ sự lan truyền các ý kiến bất mãn, và cũng dễ thấy sự ngăn chặn ấy sẽ ngừng nếu chế độ thay đổi quan điểm. Hiện tại, căn cứ vào các hiển thị cập nhật trên Facebook, nhiều nhà hoạt động đã bị truy tố về tội "lạm dụng tự do dân chủ" và có khuynh hướng là bất cứ điều gì được đăng trên các trang mạng đều có thể nhanh chóng trở thành bằng chứng kết tội. "Ở Việt Nam, có một câu nói," Trang cho biết, "chúng ta có tự do ngôn luận nhưng chúng ta không có tự do sau ngôn luận".

Những rắc rối này vẫn không khiến Trang phẫn nộ với Facebook. Cô nói rằng: "Nếu không có Facebook, có lẽ sẽ không có các nhóm bất đồng chính kiến ở Việt Nam." Nhưng trong suy nghĩ, cô cũng có một vài đề nghị thay đổi cụ thể: Hãy xem xét kỹ hơn về quy trình báo cáo lạm dụng, đòi hỏi danh tính nguồn gốc nhiều hơn đối với những người sử dụng chính sách báo cáo, và có hình phạt cho bất cứ ai thực hiện những báo cáo sai sự thật. Đấy là những thay đổi đơn giản, nhưng khi dàn trải ra trên một tỷ người sử dụng, chúng sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Với nhiều tự do hơn cho cả các nhà hoạt động lẫn những nhóm thù địch với họ, Facebook sẽ là một mớ hỗn độn. Câu hỏi lớn hơn là liệu ba năm sau cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, Facebook có sẵn sàng nới lỏng các hạn chế của mình, và liệu các blogger dễ bị tổn thương có còn tồn tại được chăng nếu FB không thực hiện được điều ấy.

"Tôi chỉ muốn Facebook giúp đỡ họ", Trang nói. "Đây là một cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam".

Nguồn ảnh: The Quiltoonist