Tuesday 14 September 2010

Nhân tài toán học ngày ấy, bây giờ (bài 2): Phùng Hồ Hải

“Nếu anh Châu ở Việt Nam thì tôi khẳng định là anh không thể đoạt giải thưởng Fields. Nói một cách hình tượng, giả sử để đạt tới giải Fields cần vượt 10 bậc thang thì toán học Việt Nam mới chỉ ở bậc 3. Nếu ở Việt Nam thì làm sao anh Châu nhảy từ bậc 3 lên bậc 10 được". (TSKH Phùng Hồ Hải)

++++++++++

PHÙNG HỒ HẢI: "TOÁN HỌC VIỆT NAM... LAY LẮT"

Tại Olympic Toán Quốc tế năm 1986, Phùng Hồ Hải chỉ được HCĐ. Nhưng trong 6 người đi thi năm ấy, cuối cùng chỉ có anh tiếp tục theo đuổi ngành toán. Hiện anh là cán bộ Viện Toán học Việt Nam, và vẫn thủy chung với toán để có thể khẳng định “nếu được chọn lại, tôi chọn ngành này”.

Ở Phùng Hồ Hải, có nhiều điểm chung với các nhà toán học khác: cận thị, giỏi toán nhưng không hề kém các môn xã hội – thể hiện qua việc anh có thể huy động từ ngữ để diễn đạt rất hay và chính xác điều mình muốn nói – và anh không thích nói về mình. Nếu nghe Hải tự giới thiệu, sẽ thấy cuộc sống của một nhà khoa học như anh có vẻ rất bình dị, phẳng lặng: Sinh năm 1970, mê toán từ nhỏ, học chuyên toán A0 Tổng hợp, HCĐ Olympic Toán Quốc tế năm 1986. Sau đó du học tại ĐH Tổng hợp Lomonosov, Matxcơva, rồi làm nghiên cứu sinh ở ĐH Tổng hợp Munich (Đức). Năm 1996, anh về nước và làm việc ở Viện Toán từ đó tới nay. Anh có một khoảng thời gian 5 năm (2003-2008) đưa cả gia đình sang Đức nhưng rồi lại trở về Việt Nam vì không muốn con mình “thành người Đức”. Cùng thời gian này, anh được trao tài trợ nghiên cứu Heisenberg và giải thưởng von-Kaven của Quỹ NCKH Đức.

Nói về cuộc sống, công việc hiện nay, anh bảo: “Cũng bình thường, không có gì đặc biệt. Môi trường công tác ở Viện Toán, về mặt tinh thần mà nói, rất tốt. Mọi người chân thành, thẳng thắn, giúp đỡ nhau. Thỉnh thoảng mình cũng đi công tác nước này nước khác”.

Nhân chuyện “đi nước ngoài”, phải nói rằng những năm trước, việc du học hoặc đi công tác nước ngoài đối với dân làm toán gần như là một việc “cứu nước cứu nhà”, ngoài học ra thì đi là để tích lũy tài chính, mua nhà cửa, chuẩn bị cho cuộc sống ở Việt Nam (nếu có ý định về nước). Đến mức Hải khẳng định: “Toán học Việt Nam tồn tại được cho đến giờ là nhờ các nhà toán học thời trước được đi nước ngoài. Không có sự giúp đỡ của giới toán học nước ngoài thì chắc chắn 100% đã bỏ nghề, vì không thể sống nổi”.

Bây giờ tình hình đã khác, dân du học không còn bị sức ép kiếm sống nữa. Cán bộ Viện Toán như Hải vẫn thường đi dự hội thảo, hội nghị ở nước ngoài mỗi năm vài lần. Trong con mắt những người ở ngoài ngành nhìn vào, cuộc sống của dân toán như vậy có lẽ cũng đáng hài lòng. Ngược lại, cũng có không ít người cứ nghe nói đến nhà toán học là lại hình dung thấy những nhân vật gầy gò, kính cận dày cộp, ở ẩn trong “tháp ngà” cách xa đời sống, chắc là nghèo do chấp nhận cả đời dấn thân cho khoa học cơ bản.

Trên thực tế, cuộc sống của một nhà toán học ở Việt Nam ngày nay, như Phùng Hồ Hải, có thể có những niềm vui, nỗi buồn và mối băn khoăn khác xa với suy nghĩ của đa số mọi người.

Nỗi cô đơn của nhà toán học

Đầu tiên là sự cô độc. Với Hải, nhà toán học cô đơn về nhiều phương diện. “Người ta nhìn vào mình, thấy mình chẳng giống ai cả, sao thời buổi này lại đi làm toán. Không phải người ta coi thường mình đâu, thậm chí họ còn phục ấy chứ, họ trầm trồ “ôi, ông này giỏi lắm… nhưng ai mà theo ông ấy được”. Số người theo ngành toán ngày càng ít đi. Điều ấy chứng tỏ rằng người ta chỉ nhìn những người làm khoa học như những ông ngồi trong tủ kính, ai cũng trầm trồ đấy nhưng chẳng ai muốn theo cả. Đấy là nỗi cô đơn của nhà toán học trong đời sống, nhưng nó chưa đáng ngại bằng một vấn đề khác: “Trong chuyên môn cũng buồn. Ít người theo nghề toán lắm. Cái cộng đồng của bọn mình quá nhỏ, người mà bọn mình có thể trao đổi quá ít. Làm seminar chẳng biết mời ai, quanh đi quẩn lại vẫn chừng ấy gương mặt”.

Thật khó tin một đất nước có tâm lý trọng toán như Việt Nam mà cộng đồng toán học lại nhỏ bé. Nhưng Hải khẳng định đó là sự thật: “Những người làm toán chuyên nghiệp – theo cái nghĩa là vẫn còn tích cực nghiên cứu - thì vét cả nước được khoảng 150 người. Bạn tưởng như vậy là nhiều à? 150 người là tương đương số cán bộ của khoa toán ở một trường đại học phương Tây, đấy là nói riêng về số lượng, chưa bàn tới chất lượng, chứ xét trên công trình khoa học thì chẳng so nổi đâu. Với lại, 150 nhà nghiên cứu toán học trên 86 triệu dân, thì đến bao giờ ta có một nền toán học? Nếu không có những thay đổi cơ bản, toán học của Việt Nam sẽ mãi lay lắt”.

Sự kiện GS Ngô Bảo Châu được trao huân chương Fields là niềm vui đối với cộng đồng toán học ở Việt Nam, nhưng gần như ai trong ngành cũng ngầm hiểu cái điều mà Phùng Hồ Hải đã nói thẳng: “Nếu anh Châu ở Việt Nam thì tôi khẳng định là anh không thể đoạt giải thưởng Fields. Nói một cách hình tượng, giả sử để đạt tới giải Fields cần vượt 10 bậc thang, thì toán học Việt Nam mới chỉ ở bậc 3. Nếu ở Việt Nam thì làm sao anh Châu nhảy từ bậc 3 lên bậc 10 được? Để lên đỉnh cao khoa học cần phải đứng lên vai người khổng lồ, phải leo dần từng bậc, có sự hỗ trợ nâng mình lên. Tại sao Ngô Bảo Châu phát huy tài năng ở Pháp mà không phát huy được ở Việt Nam? Vì ở Pháp anh có môi trường, có điều kiện trao đổi thông tin, kiến thức, ý tưởng”.

Thời đại Internet, việc truyền tải thông tin không còn khó khăn hay thậm chí bất khả thi như ngày trước. Khổ nỗi, trong nghiên cứu khoa học, nhiều khi ý tưởng và sự sáng tạo lại chỉ nảy sinh trong quá trình trò chuyện, trao đổi trực tiếp. Nói cách khác, cộng đồng khoa học, trong đó có toán, vẫn cứ cần phải có sự giao lưu, gặp gỡ thường xuyên. Đây cũng là nỗi băn khoăn của người làm khoa học ở Việt Nam nói chung và dân toán nói riêng: Cộng đồng thì nhỏ hẹp, muốn tổ chức hội thảo, seminar mời đồng nghiệp nước ngoài sang Việt Nam, hoặc muốn ra nước ngoài dự hội thảo, hội nghị… lại không có tiền. Hải bảo, với cán bộ Viện Toán, đi nước ngoài hầu như toàn phải bằng tiền “mình đi xin, bên kia chi”; ngược lại, các nhà khoa học quốc tế hoặc người Việt ở nước ngoài về Việt Nam đều phải tự túc kinh phí cả.

Dư luận đã có những ý kiến phản ứng về việc Viện Toán đề nghị trả Ngô Bảo Châu mức lương 5 triệu đồng/tháng. Về chuyện này, Phùng Hồ Hải chỉ cười. Anh bảo: “Không có bất kỳ cơ chế nào của Việt Nam hiện nay cho phép trả cho các nhà khoa học nước ngoài đồng lương xứng đáng cả”.

“Nếu phải đi trở lại, tôi đi lại đường này”

Trong 6 người của đội tuyển Olympic Toán 1986, giờ chỉ có Hải còn theo ngành toán. Chưa bao giờ anh nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Anh vẫn theo đuổi hoạt động nghiên cứu khoa học là chính và vẫn sống tốt với nghề, nhất là sau khi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) có tài trợ cho ngành toán học. Hiện giờ cuộc sống của anh khá ổn định, môi trường công việc không có “đấu đá” phe phái gì, theo anh “đấy cũng là cái sướng”.

Nhưng nếu nhìn vào hiện trạng và tương lai của nền toán học nước nhà thì cũng có nhiều điều phải suy nghĩ. Cộng đồng toán học Việt Nam bé nhỏ, triển vọng mở rộng chưa thấy đâu. Chất lượng đầu vào hiện nay của sinh viên ngành toán rất thấp. Trong giới nghiên cứu, những người đã là PGS, TSKH như Hải, thì sống tốt chứ lớp trẻ chưa khẳng định được mình thì vất vả, thu nhập vài triệu không đủ đảm bảo cuộc sống. Hải bảo, muốn xã hội nhìn nhận lại ngành toán thì người ta phải thấy được chất lượng cuộc sống của người làm toán là sung túc, “nếu không thì hơi đâu mà học, nhất là bây giờ chênh lệch giàu nghèo lớn hơn ngày xưa, lại có bao nhiêu ngành nghề khác có thể kiếm sống dễ dàng hơn toán”.

Theo anh, cái mà cộng đồng toán học cần chính là sự quan tâm đầu tư của Nhà nước một cách thực chất chứ không phải là tuyên truyền. “Nói cho đúng thì Nhà nước chưa bao giờ quan tâm đầy đủ tới nghiên cứu cơ bản cả. Cũng có thời chọn ra được một nhóm người có khả năng để gửi đi nước ngoài học, nhưng tới lúc họ về thì không ai quan tâm họ làm gì nữa”. Anh không nói ra, nhưng có thể hiểu rằng trong thâm tâm, anh và nhiều đồng nghiệp e ngại khả năng khoản đầu tư 651 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước có thể trở thành một dự án “đầu voi đuôi chuột” nếu không cho ra hiệu quả trông thấy ngay; mà đặc điểm của ngành toán thì lại là đầu tư trực tiếp trong khi hiệu quả gián tiếp và dài hạn.

Phùng Hồ Hải cho rằng, để toán học Việt Nam phát triển, Nhà nước phải có sự đầu tư lâu dài và kiên trì vào nghiên cứu cơ bản. Còn với cá nhân mỗi người thì “nếu anh có khả năng và đam mê, hãy cứ thế mà đi. Chắc chắn anh sẽ hạnh phúc”.


CÒN NỮA


http://phapluattp.vn/20100913115633271p0c1019/phung-ho-hai-toan-hoc-viet-nam--lay-lat.htm