Wednesday 15 September 2010

BÀI 2: Phim lịch sử Việt Nam: Làm sai là di hại cho khán giả

Chuyện đạo diễn, đồng biên kịch, thợ may, diễn viên quần chúng đều là người Trung Quốc cho thấy một vấn đề không đơn giản. Hiện tượng này chính là một dạng nhập siêu, hàng ngoại bóp chết hàng nội bằng giá cả, lao động và công nghệ; và cuối cùng là nhập siêu văn hóa. Đây là điều phải cảnh báo. Đơn vị phát sóng cần kiểm soát, nếu sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng thì không thể cho phát, vì khán giả không được xem cũng chẳng chết ai, nhưng nếu xem thì hình dung của chúng ta, nhất là giới trẻ, về quá khứ có thể lệch lạc hết cả, không chữa được”. (một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội)

*******

Cái khó lớn của việc làm phim lịch sử Việt Nam, mà ai cũng thừa nhận, là sự thiếu thốn về tư liệu. Do đó, người làm phim, đặc biệt họa sĩ thiết kế, bắt buộc phải tìm tòi các nguồn sử liệu, kết hợp với sự phân tích logic, để đưa ra những giải pháp chấp nhận được. Ở đây, không chỉ cần đến kiến thức về lịch sử các triều đại, mà đòi hỏi một sự hiểu biết tổng hợp cả về kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, tâm lý dân tộc.

Một nhà kinh tế ở Hà Nội (giấu tên vì không muốn “can thiệp” vào lĩnh vực phim ảnh ngoài chuyên môn) nhận định: “Thời xưa, người Việt chắc chắn thấp bé vì dinh dưỡng thấp. Người Trung Quốc, nhất là khu vực phía bắc, có xu hướng du mục nên chăn nuôi gia súc và ăn thịt nhiều hơn ta, nên đủ dinh dưỡng hơn. Ta cũng có nuôi gia súc nhưng nguồn nông sản cung cấp không đủ. Ngựa ta cũng bé nhỏ chứ không to lớn như ngựa xích thố thế. Thật ra ở một nền kinh tế quy mô nhỏ, đất nước ít thảo nguyên như Việt Nam, thường người làm thay ngựa, nên ít có truyền thống đi xe ngựa mà là người khiêng hoặc kéo, còn đi xa thì dùng đường thủy”.

Như vậy đủ thấy, làm phim lịch sử đòi hỏi phải nghiên cứu liên ngành để có kiến thức rất tổng hợp, và suy luận logic.

Cần đẹp hay cần đúng?

Những đặc điểm của kinh tế - văn hóa Việt Nam, phía các chuyên gia làm phim của Trung Quốc khó mà biết được. Trong một bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Hồn Việt, tháng 5 vừa qua, họa sĩ Phan Cẩm Thượng – cố vấn văn hóa của phim “Lý Công Uẩn” – nói rằng: “Các nhà làm phim Trung Quốc quan niệm đã làm phim thì trang phục, bối cảnh, ánh sáng… đều phải đẹp, câu chuyện có tình duyên và diễn xuất diễn viên tốt. (…) Rồi rất nhiều bộ y phục khác cũng vậy, người Trung Quốc muốn dùng màu sắc rực rỡ, nhiều hoa văn, các chất liệu tơ lụa, trong khi bên ta phần nhiều chỉ dùng màu sắc trầm, ít trang trí, và các loại vải bông, gai. Đây là tập tục văn hóa nên hai bên không có cách gì hiểu nhau…”.

Một số nhà quay phim và họa sĩ Việt Nam có tính duy mỹ cũng cho rằng phim lịch sử, cổ trang “cốt đẹp chứ không cốt đúng”, bởi “nếu thiết kế bối cảnh y như thật thì nhếch nhác lắm vì Việt Nam ngày xưa rất nghèo”. Về điểm này, chuyên gia cổ sử Phạm Hoàng Quân nhận định: “Tôi nghĩ làm phim lịch sử thì nên nghiên cứu cẩn thận và căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của thời đại đó để thể hiện cho phù hợp, ít nhất không gây sốc, gây choáng cho người xem vì độ hoành tráng và… xa lạ của cảnh quan”. Còn họa sĩ Tú Ân thẳng thắn: “Tôi không biết làm phim cổ trang thì cần đẹp với sang tới mức nào, tôi chỉ biết phim kể về Việt Nam, câu chuyện Việt Nam, con người Việt Nam, thì phải ra chất Việt Nam”.

“Chất Việt Nam” là gì? Từ lâu, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa như Phan Ngọc, Hữu Ngọc, Trần Ngọc Thêm… đã nói về cái đẹp dung dị, đơn sơ, xinh xắn của những công trình kiến trúc ở Việt Nam, so với sự đồ sộ, quy mô, hoành tráng của Trung Quốc như muốn tỏa “tinh thần bá quyền” ra muôn phương. Làm phim cổ trang như “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, phim càng thể hiện hoành tráng thì khán giả càng thấy xa lạ. Ông Phạm Hoàng Quân gợi ý: “Nếu không có sử liệu chính xác về kiến trúc cung điện thời ấy, đạo diễn và họa sĩ có thể cho thiết kế nhà cửa thấp, một tầng, lợp ngói thường thôi thay vì lợp ngói lưu ly. Trang phục thì nhuộm màu đơn giản, hết sức tránh rực rỡ nhiều màu sắc”.

Trong quá khứ, chúng ta cũng từng có những bộ phim cổ trang thể hiện được khá “sát thực tế” cái chất nhỏ bé, đơn sơ của văn hóa Việt Nam, ví dụ Học trò thủy thần (1990) của đạo diễn Khánh Dư, một bộ phim đen trắng kể về bậc “vạn thế sư biểu” Chu Văn An và người học trò vốn là con trai vua Thủy tề.

Cẩu thả, vô trách nhiệm, hay bị ép?

Cũng họa sĩ Phan Cẩm Thượng phản ánh: “Ngay từ đầu, tôi phản đối những trang phục đó nhưng tôi chỉ là cố vấn. Người mình thời đó cởi trần đóng khố và chèo thuyền quỳ với 20 tay chèo nhưng bây giờ bắt diễn viên cởi trần đóng khố thì không ai chịu làm thế, kể cả người dân tộc. Trang phục Việt Nam đơn sơ hơn trang phục Trung Quốc nên nếu mặc thế thì diễn viên chết rét…”. Ông còn bảo: “Các phim của họ thường là phim lịch sử cổ trang chứ không phải phim lịch sử hiện thực. Họ nói thẳng, những phim lịch sử Trung Quốc phải nâng lên rất nhiều so với những gì đã diễn ra trong lịch sử”.

Những gì mà các nhà làm phim Trung Quốc “ép” đối tác Việt Nam là có thể hiểu được, nếu chúng ta tìm trở lại chính sách văn hóa của đất nước này. Tháng 3-1987, Bộ Phát thanh - Truyền hình Trung Quốc triệu tập một hội nghị các đơn vị sản xuất truyền hình trên cả nước. Tại đây, Bộ đưa ra chính sách: tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim có mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới. Những phim này được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chẳng hạn ưu tiên chiếu ở các đài địa phương lớn vào giờ vàng, được hỗ trợ xuất khẩu (cho không hoặc bán giá rẻ) sang các quốc gia trong khu vực. Đồng thời với đó, giới làm phim tiến hành “Trung Hoa hóa” các sản phẩm văn hóa của nước ngoài. Bộ phim “Hà Nội – Hà Nội” chỉ được chiếu ở đài tỉnh Quảng Tây vào đêm khuya, với một generiqué toàn chữ Trung Quốc, khiến khán giả xem khó mà để ý rằng đó là sản phẩm hợp tác với Việt Nam.

Ngay cả việc các nhà làm phim Trung Quốc quan niệm đã làm phim cổ trang “trang phục, bối cảnh, ánh sáng… đều phải đẹp”, “nâng lên rất nhiều” so với lịch sử, cũng phản ánh một phần mục đích tuyên truyền văn hóa của họ. Ngoài ra, như chính ông Phan Cẩm Thượng nói, “với phim tư nhân thì họ xác định phim cần có thị trường và kỷ niệm chỉ là một dịp đưa phim ra thị trường. Các nhà làm phim quan niệm, phim mà không kinh doanh là không được. Phim này làm trên góc độ thị trường chứ không phải chỉ là phim kỷ niệm”.

Với các quan niệm, chính sách và mục đích như vậy, khi sản phẩm làm ra không mang chất Việt Nam thì không phải lỗi của các nhà làm phim Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là vì sao phía Việt Nam chấp nhận “bị ép” như vậy, đối với một bộ phim lớn, được đầu tư tới 108 tỷ đồng và để phát sóng trên đài quốc gia nhân dịp đại lễ?

* Đoan Trang


++++++++

Hoành tráng nhưng không phải hoành tráng kiểu Trung Quốc

“Tôi cũng đã từng được mời tham gia tư vấn phục trang cho bộ phim này, nhưng tôi từ chối vì hai lý do. Thứ nhất, phim lịch sử của Việt Nam thì không thể quay ở Tàu được, mình phải có phim trường đã rồi hãy làm phim lịch sử. Thứ hai, kịch bản có quá nhiều chi tiết sai và thời gian để thực hiện bộ phim là quá ngắn.

Trung Quốc đô hộ Việt Nam 1000 năm nhưng không đồng hóa được Việt Nam. Phải hiểu cốt lõi của vấn đề là ở chỗ này. Người Trung Quốc muốn tiêu diệt trang phục thì người Việt Nam lại quyết liệt bảo tồn nó, và chính vì vậy mà chúng ta không thể ăn mặc giống Trung Quốc được”.

(Yên Thảo ghi lời họa sĩ Trịnh Quang Vũ, tác giả cuốn “Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến”)