Monday 2 July 2007

Xứ sở không người




Sự cố bị chó tớp ở Thanh Hóa làm tôi nhớ lại những câu chuyện về chó hồi tôi còn nhỏ, trong khoảng thời gian gọi là “tuổi thơ dữ dội” của nhiều người trong chúng ta: thời bao cấp.


Ngày đó, có thể nhiều bạn vẫn còn nhớ, cứ vào mùa hè là hàng tốp công an, dân phòng, cán bộ tổ dân phố… mặc thường phục vào từng hộ để kiểm tra tình hình nuôi chó. Nếu chủ không xuất trình được giấy phép nuôi (hình như thế, tôi không nhớ rõ), thì chó sẽ bị tiêu diệt ngay. Do vậy mỗi kỳ kiểm tra là mỗi kỳ người ta hối hả lo “cứu chó”: Người cho chó vào làn, lót vải, đưa về quê trốn từ mấy ngày trước khi đoàn kiểm tra đến. Người rọ mõm, cho chó lên gác xép hoặc giấu sang nhà hàng xóm, đợi đoàn đi rồi lại đón cháu nó về. Không thể thiếu một vài đứa trẻ nấp sau tường cảnh giới, canh các cán bộ. Chúng chạy rầm rập đến từng gia đình để báo: “Bọn nó đến đấy, bọn nó đến đấy!”, thật chẳng khác gì Lỳ và Sáo ngày trước.


Năm ấy tôi học lớp 1. Tôi cũng là một trong những đứa trẻ như thế, và tôi nghe rất nhiều đoạn đối thoại mà đến giờ vẫn không thể quên được:

- Mẹ ơi, con Ki chết rồi mẹ ơi. Ở đây nhà mình cho nó ăn cơm, mang nó về quê, ông lại bắt nó ăn cám. Nó không chịu ăn, nó chết rồi mẹ ơiiiiiiii, hư… hư…

- Thì ông làm gì có thừa cơm mà cho nó ăn, con?

- Không phải, ông cố tình bắt nó ăn cám cho nó chết đấy. Con Mực nhà ông vẫn sống mà. Hư… hư… đ. biết đâu, đ. biết đâu… (lăn ra giãy đành đạch)


Có một lần đoàn kiểm tra kéo đến nhà một hàng xóm của tôi. Nhận được tin báo từ lũ trẻ trước đó khoảng 5 phút, gia đình này hớt hải cho chó vào làn, bọc vải, giấu lên gác xép. Các chú công an vào nhà kiểm tra, không thấy gì, đã định quay ra thì bỗng con chó sủa lên oăng oẳng. Sự việc bại lộ. Các chú thòng dây kéo cổ nó ra giữa sân tập thể.


Trần Đào Thu Lệ Hằng, con gái đầu của nhà này, hơn tôi một tuổi, da đen như nhọ chảo, tóc vàng cháy. Bố mẹ Hằng là dân lao động nhưng lại đặt cho con gái cái tên mỹ miều như vậy. Hằng thấy công an lôi con chó ra giữa sân thì òa lên khóc:

- Ối chú ơi, cháu xin chú… Cháu xin chú…

Những người làm nhiệm vụ im lặng không nói gì. Hằng quay sang mẹ - bà X. đứng trơ ra đó (mặt bà tái nhợt, có lẽ vì xấu hổ hơn là vì sợ) - khóc mếu: “Mẹ ơi, mẹ ơi…”.


Đột nhiên bà X. gầm lên: (xin lỗi mọi người, đoạn sau đây tôi trích đúng những gì còn nhớ được)

- Đcm. nhà chúng mày, chúng mày gạ tiền tao đ. được, chúng mày giết chó nhà tao. Đm. chúng mày cứ giết đi, con này đ. có tiền đâu mà cho. Đm. tao đã giấu chó đi rồi mà lộ, thế thì cho nó chết con m. nó đi…


Mấy chú công an mỉm cười hiền lành. Họ nắm dây cổ, lôi con chó đi xềnh xệch. Hằng túm áo một chú, khóc ầm ĩ:

- Cháu xin chú, chú ơi…

Chú công an nhẹ nhàng an ủi nó: “Có gì mà khóc, cháu”.

Bà X. vẫn gào xa xả:

- Đm. con Hằng đi vào nhà, việc đ. gì phải xin. Đm. thời buổi này thì chỉ có tiền, tiền, tiền thôi, có cái đ. gì khác đâu. Dúi cho nó ít tiền là xong. Đm. chúng nó gạ tiền nhà mình đ. được, nó giết chó nhà mình…


Các chú công an không trả lời. Trước mặt bà X., một số người lớn và khoảng hai chục đứa trẻ con, một người trong đoàn kiểm tra vung đòn gánh, quật đánh cốp vào đầu con chó. Một phát. Con chó sủa lên nhì nhằng. Cốp phát nữa. Không có máu. Chỉ thấy cái đầu của nó gục xuống, mắt dại đi, rồi nó rũ xuống mềm nhũn như bún, hai mắt vẫn mở. Hằng gào khóc thảm thiết, còn bà X. vẫn không ngớt chửi bới với lời lẽ cực kỳ tục tằn.


Một người tôi quên tên, làm nghề sửa xe đạp ban ngày kiêm câu trộm chó ban đêm, tủm tỉm cười, bước tới cầm hai chân sau con chó xách đi. Chỉ tối hôm ấy thôi chú cẩu sẽ được phân chia thành bảy món.

Đoàn kiểm tra rút dần. Đám trẻ con cũng tản ra, đứa nào về nhà đứa nấy.


Bây giờ đã hơn 20 năm qua, tôi vẫn nhớ Hà Nội những ngày ấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi chuyện đó có còn xảy ra ở nơi nào không. Mà sao ngày đó Hà Nội lắm chó thế nhỉ, hình như đâu cũng có chó. Chó ta rồi chó tây. Chó vàng rồi chó mực. Chó béc-giê rồi chó phốc. Chó Nhật rồi chó Campuchia. Con nào cũng dữ. Tôi lớn lên giữa không biết bao nhiêu chó của các nhà hàng xóm, những Ki, Cún, Nu, Na, Tô, Tubi, Giôn, Gin, Bin, Riềng, Mẻ v.v. Lần đầu tiên bị chó cắn, tôi lì lợm không kêu, không khóc, lấy tay đẩy nó ra. Cho đến khi người chủ của con chó chạy tới giữ nó lại thì bụng và hai tay đã loe loét máu, tôi không đứng thẳng được, phải cố lê về nhà… và sốt… và mê sảng. Chó nhiều nên người bị cắn cũng lắm. Tôi nhớ cảnh hai bố con nhà nọ, đứa con bị chó dại cắn, lên cơn, vừa gào thét vừa cào cấu vừa cắn bố ngay giữa chợ. Bố thương con quá nên không chống đỡ, cứ để mặc. Người qua kẻ lại thì thầm với nhau rằng trước sau ông bố cũng lên cơn dại mà chết theo con thôi.

Câu chuyện của những ngày ấy còn xảy ra không? Tôi nghĩ là có, nhưng là với gà vịt. Bây giờ đang thời của H5N1 mà. Mỗi khi đọc báo, xem tivi thấy nói về chiến dịch diệt gia cầm, tôi lại nhớ tới phong trào phòng trừ chó dại ngày xưa. Con người bao giờ cũng là vốn quý nhất. Mạng người mới quan trọng, như gà, vịt, chó, quan trọng gì. Nhưng… sao tôi vẫn tự hỏi… có nơi nào như thế nữa không?