Tuesday 5 June 2007

Trịnh Công Sơn và Beatles




Một người bạn tôi có lần nói về tôi như một kẻ điên cuồng ái mộ The Beatles, có thể “trích dẫn từng lời hát của Beatles như các cụ ta xưa lẩy Kiều”. Nói vậy hơi quá, nhưng kể cả như thế thật thì cũng chẳng có gì là đặc biệt - nhiều người trong số chúng ta còn trích dẫn ca từ của Trịnh Công Sơn dễ dàng như lấy vật gì trong túi ra.

Những câu hát nhạc Trịnh được trích phổ biến nhất có lẽ là:

- Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.
- Mệt quá thân ta này…
- Em còn nhớ hay em đã quên?
- Sống trên đời sống cần có một tấm lòng
- Xin cho về trọ cùng nhau, mai kia dù có ra sao cũng đành.
- Một ngày như mọi ngày...
v.v.


Tôi tin là gần như 100% thanh niên thành thị ở Việt Nam đều đã nghe và thích ít nhất một bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn, dĩ nhiên tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng không hiểu sao tôi không say mê nhạc Trịnh, có thể do bị cái tính lố bịch xúi bẩy đi ngược lại đám đông, cũng có thể do tôi không thích chất buồn bã, có phần bi lụy trong các nhạc phẩm của ông. Tôi, với bản tính nhố nhăng, đương nhiên sẽ thích sự trong sáng và tinh thần yêu đời trong ca khúc của The Beatles hơn.

Cùng nói về một tình yêu mới chớm chẳng hạn nhé, Trịnh Công Sơn viết: “Xuân đến bên kia đời, trời mở ra cánh én. Em đến bên tôi ngồi, đời mở ra cuộc tình”. Hay thì hay thật, nhưng cứ ảo não và mong manh thế nào - cô này mà bỏ đi thì đời khép cuộc tình lại ngay thôi. Tôi sẽ thích nghe Beatles ca lên những câu này hơn: “When I’m with her I’m happy just to know that she loves me”, hoặc “I can’t believe it happens to me, I can’t conceive of anymore misery. Ask me why, I’ll say I love you, and I’m always thinking of you”. Vô cùng hồn nhiên và trong trẻo.


Nói vậy chứ mọi sự so sánh đều khập khiễng, tất nhiên. Nhưng tôi cho rằng ở đỉnh cao thì các bậc vĩ nhân hoặc người tài trong thiên hạ đều có tư tưởng gần gũi nhau cả. Như Trịnh Công Sơn viết “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, The Beatles cũng từng có câu “life is very short and there’s no time for fussing and fighting, my friends”. Không hoàn toàn giống nhau nhưng đại khái là như thế. Một số ca khúc Trịnh Công Sơn có lời lẽ rất bí hiểm, thì The Beatles cũng từng làm người nghe vò đầu bứt tai với những “Strawberry Fields Forever” (Cánh đồng dâu tây vĩnh cửu) hay là “Across the Universe” (Trong vũ trụ):


Sounds of laughter, shades of earth are ringing
through my open views, inciting and inviting me.
Limitless undying love which shines around me like a million suns,
It calls me on and on across the universe
Jai Guru Deva Om

(Những giọng cười, những bóng tối ngân vang
trong mắt nhìn tôi vô hạn,
kêu gọi và quyến rũ tôi
Tình yêu bất diệt vô giới hạn
tỏa sáng quanh tôi như hàng triệu mặt trời
gọi tên tôi mãi mãi trong vũ trụ
Ôi Đấng tối cao, tối linh!...
)

(Jai Guru Deva là một thứ ngôn ngữ nào đó ở Ấn Độ, có nghĩa như vừa dịch, còn từ OM là âm thường được xướng lên [chanting] ở đầu và cuối một buổi thiền trong yoga. Internet nó bảo thế.)


Dịch xong khéo điên hết cả đầu. Nhà John với Paul chơi lắm điển tích thế làm gì nhỉ? Khoe chữ à?


Xin nói thêm là entry này chỉ bàn về vấn đề ca từ thôi, còn để thể hiện tính chất trong sáng hay u sầu thì trong âm nhạc, phần giai điệu và hòa âm phối khí, theo tôi, chiếm tới 80% vai trò. Để biết tinh thần yêu đời, dung dị và đầy sức sống ở nhạc Beatles, ta cứ thử nghe đoạn guitar dạo đầu và kết thúc của bài "It's only Love" mà xem. Trong như nước.

Nếu nói về nhạc Trịnh Công Sơn thì tôi thường trích dẫn câu gì nhỉ? Hơ… chẳng biết nữa, nhiều lắm, nhưng ngay lúc này thì chắc chỉ kịp nghĩ tới một câu đơn giản thôi: “Hãy yêu nhau đi”. À mà The Beatles cũng có vài câu na ná như thế để mình dùng rồi: Altogether now, hoặc Love me do, hoặc All you need is love.

Thôi chẳng cố ngồi nhớ làm gì, dạo này cứ phải nghĩ một tí thôi là tôi lại đau đầu bà con ạ, để lúc khác vậy.



Kỳ sau: Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ (phần tiếp theo)