Monday 30 April 2007

Tôi đi gọi hồn




(tức “Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ”, phần 2. Tít “Tôi đi gọi hồn” do bác Saigon Minsk đặt.)


Dương sao âm vậy, người âm cũng phải xếp hàng chờ tới lượt nhập hồn vào cô Phương để gặp người dương. Ông ngoại tôi năm đó đã 95 tuổi. Có lẽ vì vậy mà ông không chen nổi với cánh trẻ chăng? Đã thế, người Việt ta vốn có thói quen chen hàng, mà “cụ giáo trường Thăng Long” thì lại chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, kiên trì và lịch sự xếp hàng, nên bị tụi trẻ đánh bật ra (khỏi cô Phương) là phải rồi. Tôi chờ, chờ mãi, không thấy một dấu hiệu gì của ông cả. Đến khoảng 3h chiều thì tôi kiệt sức, đành cụp đuôi lủi thủi bỏ về.

Tuy nhiên lòng mong mỏi gặp lại ông ngoại cộng thêm tính tò mò - thói xấu khó bỏ - khiến tôi không thể bỏ qua chuyện này. Tôi quyết định đi gọi hồn ông thêm lần nữa. Nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao lần đầu lại thất bại. Vấn đề này phải nói là hết sức phức tạp, cho đến giờ câu hỏi vẫn còn treo đó, chưa được trả lời. Gần đây có lần buôn chuyện, tôi than thở với bác Saigon Minsk:

- Quái, sao lần đó tôi lòng thành lắm, làm đủ thủ tục mà vẫn không gặp được hồn ông, bác ạ?

Nhà báo Saigon Minsk trả lời:

- Chắc tại bác lố bịch!


Xét ra câu trả lời này có vẻ gần với điều được nhiều người chấp nhận nhất: Cả nhà tôi hồi đó đều kiên quyết khẳng định tôi là đứa thiếu nghiêm túc trong mọi chuyện, kể cả một chuyện rất cần nghiêm túc là gọi hồn. Vì vậy, sau lần đầu thất bại, tôi tiếp tục với sự tham gia của một ông bác trong họ, vốn rất có lòng, rất tin vào sự tồn tại của linh hồn. Rút kinh nghiệm, lần này mọi khâu thủ tục đều do bác đứng ra chịu trách nhiệm (làm lễ, khấn hẹn ông), tôi chỉ có vai trò đi ké.


Ngồi trên xe, bác nói đủ chuyện tâm linh huyền bí, tôi nghe tai nọ ra tai kia vì còn đang mải ngẫm nghĩ sự đời. Bỗng bác hỏi:

- Cháu chuẩn bị câu hỏi cho ông chưa?

- Dạ rồi ạ.

- Đâu, cháu định hỏi gì?

- Dạ đây ạ (trình bác tờ câu hỏi được soạn cẩn thận). Câu hỏi 1: Ông ơi, ông cảm thấy như thế nào? (rất đúng chất phỏng vấn báo chí đấy nhá). Câu hỏi 2: Ông còn như thế này đến bao giờ? Câu hỏi 3: Ông có gặp bà không ông? Câu hỏi 4: …


Bác trừng mắt nhìn thẳng mặt tôi. Tôi như đọc được trên trán bác một dòng chữ chạy ngang qua: “Con mất dạy, mày định làm cái trò gì thế này…”. Bác gằn giọng:

- Đã đi thì phải tin, phải nghiêm túc, không tin thì thôi, ở nhà. Đừng có hỏi cái kiểu ấy, các cụ phạt cho chết đấy, hiểu chưa?

- Cháu chỉ định hỏi…

- Không hỏi cái kiểu ấy. Thôi, đến lúc đấy mày cứ ngồi yên cho bác hỏi.


Có vẻ như bác tức nghẹn giọng không nói được nữa. Mặt bác hầm hầm. Tôi ngồi im, cảm thấy oan uổng vì bị nghĩ là thiếu nghiêm túc. Thật ra, có nghiêm túc, có xem ông ngoại vẫn còn như lúc sinh thời, thì tôi mới dám hỏi như thế chứ. Chẳng nhẽ không được quyền hỏi thăm cả ông mình hay sao? Chẳng nhẽ ông lại có thể giận, phạt tôi vì hỏi những câu đó - ông hiểu hơn ai hết tính tình cháu mình mà. Và tôi cũng hiểu ông phần nào. Ông là người Hà Nội gốc, dạy học ở trường Thăng Long thời Pháp thuộc, rất thanh lịch, tế nhị, và đặc biệt là... Tây lắm, bản thân ông không hề tin có ma. Ông nói với tôi rất nhiều lần hồi tôi còn nhỏ: “Ông chưa bao giờ nhìn thấy con ma nào cả, chẳng biết ma nó như thế nào”.

Nhưng bác đã nói thế thì đành chịu. Dù sao tôi cũng cần có bác đi cùng và làm mọi thủ tục (thắp hương, làm lễ, khấn tại nhà cô Phương…) thì mới hy vọng được gặp lại ông ngoại. Hai bác cháu im lặng cho đến lúc xe tới cầu Hàm Rồng, và chúng tôi lại vào nhà cô Phương.


(hết phần 2)

Mời bà con đón xem phần 3 ở entry sau.