Monday 9 April 2007

Đẹp Fashion Show 5 làm tôi mất chức




DFS 5, tức Đẹp Fashion Show 5, là một vở thời trang hoành tráng (cụm từ “vở thời trang” là thuật ngữ mới sáng tạo của Ban Tổ chức) với tên gọi “Bí ẩn của linh hồn”. Chương trình diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC) trong hai đêm, mồng 7 và mồng 8 tháng 4. Tôi đi dự với tư cách phóng viên (nghĩa là không mất xu nào và được dồn vào đứng ở khu vực dành riêng cho báo chí).

Nhịn bữa tối, tôi hớt hải phi xe máy từ quán nước gần cơ quan đến thẳng NCC, không kịp ghé qua cả nhà lẫn cơ quan để ăn uống hay chỉ đơn giản là để bả lại ma-tít trên mặt. Tới nơi rồi mới sực nhớ quy định của BTC là tất cả người tham dự, cả khách mời, khách mua vé, lẫn báo chí, đều bắt buộc chỉ được mặc đồ đen cho phù hợp với không khí bí ẩn của địa phủ, nơi các linh hồn lang thang hoặc đi có định hướng về đâu đó. Mỗi người còn được phát một chiếc mặt nạ màu trắng rất đáng sợ. BTC năm nay làm việc cũng nghiêm, có cả mấy anh mặt lạnh, mặc đồ rằn ri, đứng cạnh hệ thống cửa kiểm soát an ninh (như là cửa kiểm soát trên sân bay ấy). Khách khứa đi qua đó phải bỏ hết đồ đạc trên mình ra để nhân viên an ninh kiểm tra. Tôi vội vã cởi ngay cái áo khoác màu da cam chói lọi, toan vứt đi, nhưng chết rồi… bên trong nó lại là cả một chiếc áo len màu hồng cánh sen tươi thắm. Còn phía dưới chân tôi là một đôi hài đỏ mà ta vẫn quen gọi là giày thể thao. Ngó đi ngó lại, cả người tôi chỉ có một chiếc túi đeo vai là màu đen, mà BTC lại bảo “chỉ được mặc đồ đen” mới phiền. Không lẽ chẳng mặc gì, đeo mỗi cái túi vào dự “Bí ẩn của linh hồn”? Trời ơi là trời, đã có quy định trước rồi mà mình còn quên! Tôi vừa lập cập cài miếng press card vào cổ áo len hồng, vừa tự rủa mình gần ba xịch vẫn không hết lố bịch. Vừa lúc gặp chị bạn fashion designer mặc áo màu cá vàng tung tăng đi tới, tôi mừng cuống vì có đồng minh, chưa kịp trình bày thì chị đã ghé tai nói nhỏ:

- Quên mất quy định chung, dở quá. Chị chỉ có mỗi… underwear màu đen, lát nữa qua cửa an ninh kia mà mấy ảnh hỏi là thôi phải liều đấy!

Hai chị em mếu máo đứng nép vào hàng khách mặc đồ đen, cố thu nhỏ người lại để vượt qua cửa an ninh. Màu áo da cam của tôi hình như càng chóe hơn hay sao thế này? Lại cả bộ rễ nâu vàng vừa nhuộm hồi Tết nữa. Ôi giồi ơi lại cả cái quần bò xanh, đôi giày đỏ, kìa… Nhưng cuối cùng, may quá, cũng lọt được vào trong mà chẳng thấy ai quát hỏi gì cả.


*
* *



Vở thời trang “Bí ẩn của linh hồn” là một hình thức vũ kịch (ở đây là múa đương đại) kết hợp với thời trang trên nền world music của Quốc Trung. Tinh thần chung của cả vở là sự giao hòa giữa thời trang hiện đại và văn hóa tâm linh của người Việt. Cốt truyện đơn giản: Một chàng trai vượt qua các tầng địa phủ thâm u để tìm lại linh hồn người con gái chàng yêu - một bóng trắng mong manh huyền ảo (hồi II). Trên chặng đường đi tìm người yêu, chàng gặp rất nhiều hồn ma bóng quế (hồi II), bạn bè cũ - những nghệ sĩ, những người đã sống và đã chết với niềm đam mê của họ, để giờ trở thành vô số “bóng ma trong nhà hát” (hồi III). Tiếng nhạc như lên đồng, cảm xúc của tất cả đều thăng hoa, cháy bỏng trong cõi tâm linh (hồi IV). Chàng trai tìm thấy cô gái, nhưng hình bóng nàng cứ tan biến, siêu thoát khiến chàng chợt hiểu âm dương là cách biệt và họ không thể nào có nhau (hồi V).

Vừa rồi là tôi dùng ngôn ngữ của nhà báo để thuật lại cốt truyện của “Bí ẩn của linh hồn”. Nếu là nhà báo ăn biên chế ở tạp chí Đẹp nữa chẳng hạn, tôi sẽ viết như thế này:

“Đẹp Fashion Show 5, show thời trang cực kỳ hoành tráng và ấn tượng mang tên “Bí ẩn của linh hồn”, với số tiền đầu tư khổng lồ lên đến hơn 2 tỷ đồng, đã thực sự là một bữa tiệc thời trang, hình ảnh, âm thanh và ánh sáng dành cho những người yêu cái đẹp. Hai tiếng đồng hồ performance đưa người xem đắm mình vào một thế giới huyền ảo, đầy màu sắc tâm linh trong cuộc hành trình của một chàng trai si tình đi tìm người tình yêu dấu đã mất”.

Đại khái thế.


*
* *


Thực tế thì, tôi tuy ba xịch vẫn lố bịch thật, nhưng vào trong mới thấy hóa ra những tấm gương lố bịch trong thiên hạ hãy còn nhiều, nhiều lắm.

Sân khấu trống huếch trống hoác, để nguyên nền gạch trắng phớ, đèn chiếu sáng vằng vặc. Đâm ra tất cả những khán giả chịu khó mặc đồ đen và đeo mặt nạ trắng kia lại thành dở hơi - định dọa ma ai? Nhưng còn chưa dở bằng các người mẫu và diễn viên đi lại ngật ngưỡng giả làm ma trên sân khấu. Không gian cứ sáng bảnh ra, biến những bộ trang phục ma trắng, những gương mặt trang điểm cho hốc mắt sâu hoắm và hai má bạc phếch, cùng dáng đi vật vờ… tất cả thành lố bịch.

Sân khấu lại còn rộng mênh mông, đâm ra màn đi lại tập tễnh của các ma kéo dài rất lâu, trong tiếng cười chán nản của đám phóng viên. Tôi chỉ dám nói phóng viên thôi, chứ không dám nói khán giả chung chung, mặc dù được gần nửa chương trình, ông bạn phóng viên đã kéo tay áo tôi chỉ trỏ: “Kìa, kìa, Quát ngủ gật, Quát ngủ gật!”. Trông lên, tôi ngó thấy bác Quát phó ban gục đầu ngủ rũ rượi trên hàng ghế danh dự. (NSND) Trung Kiên thì hầm hầm đứng dậy bỏ về, ném lại một câu: “Thế này mà gọi là nghệ thuật à?”. Đám phóng viên cười rúc rích: “Con ông ấy làm nhạc chứ ai. Lẽ ra phải nói rõ: Thế này mà là nghệ thuật à? Tái bút: trừ phần nhạc của con tao ra!”.

Phút thăng hoa của sự phản cảm là khi Đào Anh Khánh quét vôi khắp mình, lông nách cũng cạo, bôi phấn trắng hếu, vẽ mặt ma, khật khưỡng đi lại giữa sân khấu và múa đương đại. Các ma nữ đi lại vật vờ trong ánh sáng rực rỡ của đèn màu, trong tiếng cười ằng ặc làm cho một đứa không tin vào ma quỷ như tôi chỉ cảm thấy khó chịu: “Dọa mà chẳng làm ai sợ, rõ dơ chưa kìa!”. Đến hồi thăng hoa là cảnh cô người mẫu mặc váy và nhảy múa hệt như một thiếu nữ Nga Cossack với điệu nhảy truyền thống trong hình dung của người Việt, trên nền âm thanh là tiếng phách gõ búa xua và tiếng hò dồn dập: “Ối, lạy cô, con lạy cô…”. Cảnh này mô phỏng một buổi hầu đồng, chắc là vì với êkíp sáng tạo của chương trình thì tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng chỉ có thế thôi.

Phông nền của buổi hầu đồng là một loạt chân dung truyền thần hoặc ảnh chụp đen trắng của các nhân vật quan lại thời xưa, trong đó có hình cụ Phan Thanh Giản ngồi ghế, tay cầm quạt. Tôi không hiểu sao đám con cháu nghệ sĩ lại bắt các cụ phải ngồi nhìn cái âm phủ giả này làm gì, nó thực sự không xứng tầm các cụ. Thỉnh thoảng vào những lúc cô đồng và các ma thăng hoa, tôi lại ngước nhìn lên xem cụ Phan Thanh Giản có nháy một con mắt hoặc phe phẩy cái quạt không. Nói chuyện sáng tạo... trộm nghĩ nếu đạo diễn Phạm Hoàng Nam và êkíp kỹ xảo của DFS 5 này làm được như thế mới gọi là sáng tạo, chứ để cụ ngồi yên thì cũng thường thôi. Đã nghĩ được đến chuyện đưa Phan Thanh Giản vào rồi mà không đẩy sự lố bịch lên thêm tí nữa, quả là phí!

Phần đáng chú ý nhất trong performance là thời trang (gì thì gì đây cũng là buổi biểu diễn thời trang cái đã) thì chìm nghỉm. Sân khấu rộng đến độ người mẫu khật khưỡng đi mãi không hết, khiến không ai buồn nhìn hút theo bóng họ nữa. Cái quan trọng của thời trang là chất liệu, khổ nỗi không ai đủ lố bịch để “dùng ống nhòm xem thời trang” cả (chính đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã nói như thế từ trước đấy nhé).

Phần âm nhạc chính là phần kéo lại chút ít chất lượng của “vở thời trang”, ít ra thì nó cũng có khả năng tạo cảm hứng cho người mẫu diễn xuất, nhất là ở phần hầu đồng.




*
* *


Lần gần đây nhất tôi đi xem một vở diễn được gọi là hoành tráng, là với vở “Cây Sáo Thần” do Nhạc viện Hà Nội và Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội dàn dựng (đương nhiên là phải có tài trợ nước ngoài rồi). Dù khi xem, tôi cũng có lúc thót tim trước cảnh nghệ sĩ gân cổ, ráng lấy hơi để hát cho được nốt Fa cao nhất trong Aria Nữ hoàng đêm tối… nhưng ít ra tôi vẫn thấy ở họ niềm vui và hạnh phúc khi được biểu diễn. Có nghệ sĩ nào lại không mong muốn nghệ thuật của mình đến được với khán giả? Tôi vẫn thấy họ cố gắng đến mức nào để hát, trong bóng tối tôi đã ứa nước mắt thương cho nghệ sĩ và nền âm nhạc bác học ở Việt Nam. Và chắc chắn là tôi không có cảm giác khó chịu hoặc ghê ghê tởm tởm như khi phải xem màn ma quỷ diễu hành và lên đồng trong Đẹp Fashion Show này.

Với “Cây Sáo Thần”, ám ảnh đọng lại trong tôi kéo dài đến một tuần.

Với “Bí ẩn của linh hồn”, tôi chẳng có cảm xúc gì sau khi màn trình diễn kết thúc. Xung quanh tôi bao nhiêu tiếng thở phào: “May quá, hết rồi!”. Thế mà tôi lại không hề cảm thấy thương xót hay là thông cảm gì với các nghệ sĩ, những “nhà sáng tạo” ra cái đẹp. Chỉ thấy tức giận vì bị mất chức Thiên hạ Đệ Nhất Lố bịch. Thôi thế là Trang the Ridiculous bị truất ngôi thật rồi!

Cũng có thể tôi không hiểu về thời trang nên không cảm nhận được cái đẹp trong “Bí ẩn của linh hồn” chăng? Đêm diễn làm hằn học thêm định kiến của tôi về làng thời trang và đạo diễn nước nhà, những người rất (muốn) tự tin rằng họ đầy sáng tạo.

Hình như với rất nhiều người trong số chúng ta (gồm đặc biệt là các nhà báo, đạo diễn trẻ), mọi thứ đều được hình dung “một cách ước lệ”. Nói đến nhạc cổ điển nghĩa là nói đến bản Phiên chợ Ba Tư hay Thư gửi Elyse, sang hơn một chút thì là Sonata Ánh Trăng (quanh đi quẩn lại trong bộ đĩa Master Classic). Nói đến âm phủ thì không thiếu được cờ xí xanh đỏ và tiếng nhị ai oán. Nói đến tín ngưỡng dân gian thì đích thị là hầu đồng hầu bóng rồi. Ma quỷ à? Thì lại mặt trắng mắt thâm tóc bù xù chứ gì nữa.

Còn hình ảnh Phan Thanh Giản ở kia nghĩa là gì nhỉ? Tôi thì tôi muốn nghĩ đến cái ý “quá khứ ngàn xưa vọng về”, nhưng xem ra không hợp lắm ở một buổi trình diễn thời trang hiện đại như thế này. Dù sao cũng phải nói thật là việc kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật trong một buổi biểu diễn, ví dụ vừa múa lại vừa trình diễn thời trang, có vẻ ngoài khả năng kiểm soát, hay nói cách khác là ngoài tầm tài năng của các đạo diễn nước ta. Nói đơn giản thế này: Tôi không phản đối một bộ phim vừa bi vừa hài (như phim của Charlie Chaplin, ai dám bảo dở?), nhưng nếu một đạo diễn VN làm phim “nhiều tình tiết bi-hài trộn lẫn đan xen” thì y như rằng hiệu ứng cảm xúc mà phim tạo ra cho khán giả sẽ là cáu tiết. Ầy... thế chứ lị. Âu cũng là cái trình!

Ở đây cũng vậy. Cho phép tôi nhận xét một cách thanh lịch là “chương trình chưa tạo được hiệu ứng thẩm mỹ cần thiết nơi người xem”. Dạ vâng, ý tôi là chương trình phản cảm quá ạ, may mà tôi không mất tiền mua vé (dững 1 triệu đồng, bằng tiền mừng 10 cái đám cưới chứ ít à?).



Photo: Đào Anh Khánh trong vai ma. Photo by Trà My.